Dịch giả: Hoangtruc
oOo
Nơi nhân gian, phú quý thường lấy vải vóc làm sách, còn nhà bần hàn thì tự biên sách trúc hoặc sách bằng vỏ cây, ghi chép lại vài chuyện đại sự.
Tất nhiên người tu hành không dùng những thứ đó, nếu bọn họ muốn viết điển tịch, nhất định sẽ dùng vài loại thiên tài địa bảo tự luyện chế thành sách. Bản chép tay của Triệu Tiên chân nhân cũng được tự tay ông ta luyện chế, lấy băng phách và vàng ròng luyện chế thành. Cầm sách trên tay, tâm thần mát lạnh, lại vì dung luyện vàng ròng nên mép sách đều có ánh kim.
Mỗi trang sách đều cực mỏng, Trần Cảnh cầm trên tay, có cảm giác như đang cầm một pháp khí nào đó. Nếu tùy tiện xé một trang sách xuống, tế luyện chút ít thì có thể coi như phi kiếm giết địch. Bìa sách màu vàng nhạt, màu trắng của băng phách hòa cùng màu ánh kim một cách hoàn mỹ, phía trên có một dòng chữ - Chưởng Môn Thủ Ký, Triệu Tiên.
Trần Cảnh đoán rằng mỗi đời chưởng môn La Phù đều lưu lại một quyển chép tay như vậy.
Mở ra, dòng đầu tiên có viết: “Ngọc Hoàng năm một ngàn bốn trăm năm mươi bảy, mùa xuân, Triệu Tiên…”
Ngày này tất nhiên là ngày ông ta tiếp nhận chức vị chưởng môn, bởi vì ông ta có viết vào một số lý tưởng và kỳ vọng của mình, cùng với đó là sự hiếu kính với tổ sư, sư phụ. Qua đó, có thể thấy ông ta là một người tôn sư trọng đạo, đồng thời cũng rất có lý tưởng. Lý tưởng này không phải ở chuyện muốn phát triển La Phù lớn mạnh đến thế nào, mà là muốn đắc đạo thành Tiên. Ý nghĩ này đều được để lộ ra trên những dòng ghi chép của bản chép tay này.
Khúc sau là một vài tâm đắc lĩnh hội được, một vài chuyện trong trời đất, có vài thứ về phương diện tu hành bản thân, vài thứ về chuyện nội tình trong phái La Phù, cũng có chút ghi chép sau khi trải qua những chuyến đi.
Hoặc có những câu nói, hoặc là hằng hà lời dài dòng khẳng định quan điểm, cũng có đầy những lời lẽ nghi vấn.
Trần Cảnh lật giở rất nhanh, mãi đến vài trang sau cùng mới ngừng lại. Đó là những ghi chép của Triệu Tiên chân nhân vào bảy ngày sau cùng này.
“Ngàn năm trước Nam Lạc định lại lục đạo luân hồi, một kiếm giết sạch người tu hành Tiên đạo. Một đêm loạn cương thường, cấm thiên địa, khiến tu sĩ có tuổi thọ, nhưng đạo lại không còn điểm cuối. Những năm gần đây, liên tiếp có Yêu linh độ kiếp, ta cảm giác pháp cấm trời đất như tiêu tan, bèn bế quan tu nguyên thần, một năm liền thành.”
Trần Cảnh đọc lại đoạn này lần hai, không nhịn được bèn nhìn lại cái tên “Nam Lạc”. Lần đầu tiên hắn biết đến câu chuyện được ghi chép trong này, nhưng cái tên Nam Lạc thì không phải lần đầu tiên hắn gặp được. Trong bản “Vu Chú” mà Hư Linh đoạt được trong tay Chúc Ly cũng có ghi chép về tên Nam Lạc. Trần Cảnh nhớ mang máng, trong đó có nói đến chuyện Nam Lạc đã giết chết một vị Đại vu của Vu tộc.
“Nam Lạc này rốt cuộc là người thế nào?” Lần đầu tiên Trần Cảnh nảy sinh ra ý nghĩ muốn tìm hiểu một người khác. Lần này nhìn thấy Nam Lạc được viết trên bản chép tay, không phải chuyện giết chết một Đại vu như trong “Vu Chú” từng ghi lại, mà là định lại lục đạo luân hồi, còn nói một kiếm giết sạch người tu hành Tiên đạo khắp thế gian. Nếu là người khác nói, Trần Cảnh nhất định cho là nói bậy, nhưng bản chép tay lại ghi rõ ràng tại đây. Triệu Tiên chân nhân không có lý do gì phải nói dối, trừ phi những thứ ông ta biết là giả.
Chỉ một câu đó đã khiến người ta khó mà tin được. Phải là loại thần thông thế nào mới có thể làm được? Chẳng qua nếu đã có câu nói định lại lục đạo luân hồi trước đó, thì chuyện vừa rồi không phải không có khả năng.
Trần Cảnh tiếp tục nhìn xuống dưới, lại thấy viết: “Nguyên thần thành thì gặp được Linh Tiêu bảo điện. Trong điện, thây ngã đầy đất, lẽ nào Tinh Thần tiên quân ở Thiên đình năm đó đều đã chết hết?..." Trần Cảnh nhớ rõ ông ta không nói với người khác rằng trong Linh Tiêu bảo điện, đã nhìn thấy xác chết khắp nơi.
Tiếp tục đọc, hắn không còn thấy những tin tức gì đặc biệt nữa. Trần Cảnh muốn đọc về chuyện nơi Tiên giới, nhưng ông ta lại chủ yếu viết về lo lắng cho La Phù.
Chẳng qua, nhìn theo phương diện này có thể thấy ông ta rất coi trọng truyền thừa La Phù.
Tiếp tục lật trang giấy, hắn nhanh chóng lướt qua, trên đó có viết: “Mặc dù Côn Lôn và đảo Kim Ngao đều thuộc Đạo môn, nhưng giáo lý lại bất đồng. Ngàn năm trước có đấu tranh vì đạo thống, ngàn năm sau hà tất không có. Đảo Kim Ngao kia có tiên thiên kiếm khí, ta nhân cơ hội đoạt lấy nó, lưu lại cho La Phù, dùng để trấn khí vận.”
Trần Cảnh mới chợt hiểu, hóa ra ông ta có mục đích như vậy.
Đọc kế tiếp, lại thấy viết: “Ta muốn giết hai cường địch ngày trước, thế nhưng Tuyệt Tiên kiếm quá mức cường đại, lại như trong điển tịch ghi chép, không phải nguyên thần không thể ngự được. Tuy có quyết yếu Ngự Vạn Kiếm của tổ sư lưu lại, ta tận lực vẫn không thể hoàn toàn khống chế được Tuyệt Tiên, để Hắc Sơn lão yêu và Khổ Hải Yêu Tăng thoát mạng. Chẳng qua, đợi khi bọn hắn khôi phục, trời đất cũng đã đổi…”
Trần Cảnh lại lật thêm trang tiếp nữa, trên đó viết: “Ta giảng giải về con đường ngộ nguyên thần. Tu sĩ tám phương tề tụ. Trong đó có những tu sĩ đã đi chệch đại đạo, nếu như bọn họ cứ tiếp tục như vậy, về sau e rằng không kẻ thành đạo rồi.”
Trần Cảnh đọc tới nơi đây, không khỏi nghĩ đến cảnh Triệu Tiên chân nhân lúc đó rõ ràng đang ngồi giảng đạo, vậy ông ta lấy đâu thời gian để viết? Nghĩ kỹ lại, hắn chợt hiểu, đây là dùng thần niệm viết xuống.
Đọc xuống nữa, có viết: “Chợt có Vu Yêu khu thần tới, là vì Huyền Minh. Đều là những dư nghiệt Vu tộc như đám châu Tịch Đế đến đây, nhưng bọn chúng vẫn chưa có được truyền thừa huyết mạch. Có thể thấy Vu tộc đã tìm ra được phương pháp. Là trời đất thay đổi, hay trời đất đang khôi phục?”
Từ giọng điệu nghi vấn câu cuối cùng của ông ta, có thể thấy dù thành nguyên thần cũng vẫn có những chỗ nghi hoặc. Trần Cảnh thầm nghĩ vậy.
Trang tiếp theo sau ghi lại chuyện ông ta dùng Tuyệt Tiên kiếm thay thế Trảm Tiên kiếm lập đại trận. Thật ra đại trận này xuất từ Tiệt giáo đảo Kim Ngao. Hơn nữa, tương truyền trận này chính là một phần tư trận đồ của Thiên Hạ Đệ Nhất kiếm trận, cho nên lấy Tuyệt Tiên kiếm làm sát kiếm ngay mắt trận vô cùng thích hợp.
Trần Cảnh vốn tưởng như vậy xong rồi, không nghĩ tới trang cuối cùng còn một đoạn ngắn. Giọng điệu trong đoạn này rất khác biệt so với những dòng nhật ký trước đó.
Một đoạn này, chủ yếu là những dòng chữ tràn ngập nghi hoặc và không xác thực. Trong đó còn mơ hồ có một loại liều chết đầy quyết tuyệt.
“Xem điển tịch ghi lại, nguyên thần thành có thể cảm nhận được lực lượng tinh không cuồn cuộn mênh mông, vô cùng vô tận. Lại có thể cảm nhận được linh lực cực nhỏ, mịn nhỏ thành từng sợi, tùy tay có thể miết thành roi, có thể sinh ra pháp tướng, có pháp lực liên miên bất tuyệt. Nhưng ta ngưng kết thành nguyên thần, trống không trần trụi, có rất nhiều chỗ thiếu hụt so với miêu tả trong điển tịch. Cũng không rõ vì sao ta lại cảm nhận triệu hoán, không biết trong Thiên đình còn có Ngọc Hoàng, không biết tổ sư có còn trong trời đất này không? Nhiều loại nghi hoặc, ta nguyện đích thân phi thăng lý giải.”
Những nghi vấn liên tiếp bộc lộ bất an trong lòng ông ta. Nếu không phải Trần Cảnh tận mắt đọc bản chép tay này, hắn căn bản không tin rằng Triệu Tiên chân nhân vô cùng lạnh lùng cao ngạo trên thế gian, lại cũng có lúc bàng hoàng như vậy. Chẳng qua, câu nói sau cùng của ông ta đầy dứt khoát, hiển nhiên ông ta nhìn ra được trước mắt không tốt đẹp cho lắm, nhưng vẫn cứ phi thăng lên tới chín tầng trời.
Lúc này, trong lòng Trần Cảnh ánh lên một người. Là đạo sĩ cưỡi con chim xanh lúc trước, chỉ là giữa trán y có thêm một vết máu.
Y cũng đã tới đây rồi! Trần Cảnh không nhìn ra lai lịch của y, chỉ thả quyển chép tay của Triệu Tiên chân nhân trong tay xuống, lui vào một góc bên cạnh. Đạo sĩ này tiến vào tĩnh thất, liếc mắt nhìn thấy được bản chép tay, nhưng y không nhìn nhiều, chỉ đưa mắt nhìn quanh bốn phía.
Rồi y đưa tay móc ra một lá bùa giấy, vung lên trong hư không. Lá bùa không có lửa tự bốc cháy. Trần Cảnh liền cảm nhận được một khí tức khác thường, như một loại tinh thần gợn sóng truyền đến rồi mở ra. Một lúc sau, chỗ hư không như mặt nước ngưng kết hiện ra một cánh cửa, một người từ sau cửa kia vọt ra ngoài.
Người này là Tuyết Nhi, khoác một thân áo bào đen. Điều này khiến Trần Cảnh ngoài ý, thầm nghĩ: “Lẽ nào đạo sĩ này là Vu tộc sao?”
Ngay khi Trần Cảnh vừa nghĩ như vậy, đạo sĩ kia đã mở miệng nói:
- Bần đạo vào được, cũng đã triệu cô vào đây. Hiện tại cũng chỉ tự dựa vào cô mà thôi.
Một câu này, Trần Cảnh liền rõ ràng đó là mối quan hệ hợp tác. Tuyết Nhi kia không để tâm, chỉ thoáng nhìn qua một góc mà Trần Cảnh đang đứng. Nàng này liếc mắt qua, lập tức khiến đạo sĩ kia chú ý. Chỉ thấy ánh sáng lóe lên trong mắt, rồi y cười lạnh nói:
- Không nghĩ ra có người còn vào trước bần đạo một bước. Hắc hắc, Hà Bá sông Kinh Hà quả nhiên danh bất hư truyền.
Dứt lời, y thoáng nhìn qua Tuyết Nhi. Hiển nhiên là muốn xem nàng có định ra tay hay không.
Chỉ là Tuyết Nhi kia không hề nhìn Trần Cảnh, nhấc tay vung vẩy từng miếng ngọc phù. Ngọc phù chìm vào hư không, những chỗ ngọc phù biến mất chợt lóe lên thành những điểm sáng yếu ớt, tựa như những ánh sao trên bầu trời.
Nàng ta vung ngọc phù ra càng lúc càng nhanh, như sợ không kịp nữa. Từng miếng, từng miếng, thủ pháp vung ra đầy phức tạp mà huyền bí. Ngọc phù dung nhập trong hư không cũng ngày càng nhiều, nhìn qua như ánh sao đầy trời.
Thình lình nghe nàng ta quát nhẹ một tiếng, như tiếng sấm nổ vang. Đến Trần Cảnh cũng có một cảm giác như hẫng đi, trước mắt đột nhiên tối sầm. Hắn vội vàng định thần, chỉ thấy cảnh vật trước mắt đã biến ảo, tĩnh thất lúc trước đã biến mất, sát khí trên đỉnh đầu phô thiên cái địa sát khí tuôn xuống. Hắn ngẩng đầu nhìn, thấy một cửa điện đang lơ lửng trên đầu, ánh vào trong mắt và trong lòng hắn, lại là một thanh Tuyệt Tiên kiếm với sát khí ngút trời.
Kiếm đã tới đỉnh đầu, Trần Cảnh vọt người đi mất.
Đồng thời trong lúc đó, lời nói sắc lạnh của Ly Trần truyền đến:
- Kiếm trận hộ sơn La Phù há có thể phá dễ như vậy.
Hai người hiện lên trong Trọc Lãng Quan, một người là đạo sĩ thì biến đổi sắc mặt. Người còn lại là Tuyết Nhi lại không nhìn rõ được biến hóa, vì cả người nàng ta đều phủ trùm trong áo bào đen.
Đỉnh đầu đạo sĩ kia vọt lên một đám mây, bên trong màu xanh, bên ngoài là màu đỏ. Phép thuật này của y hiển nhiên thuộc dạng công chính ôn hòa, cũng không thấy y sử dụng thuật ẩn độn gì đặc biệt cả. Lúc này, Trần Cảnh chợt hiện lên một ý niệm, có lẽ thuật Thế Thân lúc trước của y là do Vu tộc Tuyết Nhi chuẩn bị cho.
Truyền thuyết từng nói rằng, chân tu thời thượng cổ lúc chưa thành nguyên thần cũng không tu tập bất cứ phép thuật gì, chỉ tôi luyện tâm cảnh, gia tăng đạo hạnh. Có lẽ có chút tương tự với người này. Cho nên nếu nói về tu hành trường sinh thì đạo sĩ này hiển nhiên sẽ đi nhanh hơn người khác, bởi vì y không tu tập những phép thuật hỗn tạp kia. Nếu y thành nguyên thần, cũng sẽ mạnh mẽ hơn người khác rất nhiều. Nhưng hiện tại y không thành, cho nên đối mặt với Tuyệt Tiên kiếm lộ ra vẻ lấy trứng chọi đá.
Tuyệt Tiên kiếm chém xuống, kiếm khí sắc bén chém vỡ đám mây hộ thân trên đầu đạo sĩ thành từng đám mây xanh, mây đỏ. Tuyệt Tiên kiếm không ngừng chém xuống, đạo sĩ kia bị chém thành hai nửa giống hệt như lúc nãy. Chỉ là lần này có máu tươi chảy thành vũng, hiển nhiên người này đã chết đi, hồn phách cũng tiêu tán dưới Tuyệt Tiên kiếm này.
-----oo0oo-----