Hoàng Đế Cuối Cùng

Chương Kết

 Ngay tại sân ga Bắc Kinh, hoàng thân Thái Đạo, các em trai và em gái cùng các cháu của Phổ Nghi đang đứng chờ đón người trở về sau 14 năm tù đầy. Trong cái đám đông những người đón tiếp ấy,...Phổ Nghi chỉ nhận biết được một số người thôi, nhiều người trẻ tuổi Phổ Nghi chưa từng trông thấy. Phổ Nghi rất lúng túng không biết phải chào họ như thế nào. Trước kia những người này không được phép nhìn thẳng vào mặt Phổ Nghi mà phải cúi đầu. Bây giờ tất cả đứng đó, nhìn Phổ Nghi và có vẻ rất hoang mang không biết phải đối xử thế nào.

Nhưng sự lúng túng chỉ thoáng qua và Phổ Nghi tươi cười sung sướng tiến lại chìa tay bắt tay từng người lớn và vỗ vai các cháu nhỏ. Các em của Phổ Nghi không dám gọi Phổ Nghi là Đức Vạn Tuế hoặc Hoàng Thượng nữa, mà chỉ gọi là “Đại Ca,” một hình thức xưng hô thông thường trong các gia đình Trung Hoa. Phổ Nghi ngẩng nhìn chiếc đồng hồ lớn tại nhà ga, rồi rút chiếc đồng hồ trong túi và sửa lại cho đúng giờ Bắc Kinh. Phổ Nghi mỉm cười nói với mọi người, “Đây là khởi đầu cho đời sống mới của tôi.”

Mọi người vui vẻ đưa Phổ Nghi trở về dinh thự cũ của Thuần Thân Vương. Trước kia Thuần Thân Vương túng quẫn phải bán dinh thự cho nhà nước, nhưng khi Phổ Nghi được trả tự do, nhà nước để cho Phổ Nghi và gia đình được ở trong dinh thự này. Tại dinh thự cũ, Phổ Nghi phải tiếp đón rất nhiều người tới chúc mừng. Họ là những cựu thần, những quân nhân thuộc tám đạo quân Mãn Thanh và những thái giám của những ngày huy hoàng trong Cấm Thành; tất cả bây giờ đã già nua lắm rồi.

Vài ngày sau, Phổ Nghi muốn được đi thăm lại Tử Cấm Thành với các cung điện quen thuộc cũ như điện Thái Hòa, điện Dưỡng Tâm, và các ngự viên. Thiên An Môn trước kia chỉ dành riêng cho hoàng đế nay đã là nơi mọi người có thể tự do đi dạo. Phổ Nghi muốn đi tìm lại những hình ảnh của tuổi thiếu thời và những mơ ước của thời ngồi trên ngai vàng, nhưng Bắc Kinh nay đã khác xưa nhiều lắm, đã mở mang nối liền với Cung Điện Mùa Hạ. Những đám ăn mày đông đảo trên đường phố ngày xưa nay không còn nữa. Thành phố nhộn nhịp hơn và phía Nam Cấm Thành là một khu vực kỹ nghệ mới, gồm các cơ xưởng thép, xưởng in và các nhà máy chế tạo đủ loại dụng cụ.

Dưới chính thể mới, một phần của Tử Cấm Thành được mở ra cho công chúng như là một bảo tàng viện. Nhìn những lớp mái dinh thự lượn cong như con rồng uốn khúc, Phổ Nghi không khỏi bùi ngùi hoài niệm cuộc đời cũ và những thăng trầm của một triều đại vào lúc mạt vận. Có thể Phổ Nghi nhớ lại lời tuyên bố của chính mình năm 1932, khi đất nước đang lâm vào vòng nội chiến và quân Nhật đang toan tính xâm lăng, “Nếu có ai đứng ra gánh vác trách nhiệm quốc gia và chấm dứt nỗi đau khổ cho trăm họ bằng Vương Đạo thì tôi sẵn sàng sung sướng làm một người thường dân.”

Phổ Nghi không thể không nghĩ tới một hoàng đế khác, uy quyền tuyệt đối đang cư ngụ trong khu vực Trung Nam Hải, bên cạnh Cấm Thành: đó là Mao Trạch Đông, một người thuộc thành phần nông dân đã tạo được một địa vị chúa tể vững chắc không thua kém gì các bậc tiên đế danh tiếng của Phổ Nghi như Khang Hy và Càn Long. Mao Trạch Đông là một thứ hoàng đế nhân dân, miệng lúc nào cũng hô hào cách mạng nhưng sống một cuộc đời hưởng thụ như các hoàng đế của thời quân chủ cực thịnh. Mao Trạch Đông đã đạt được một sự thần phục tuyệt đối của dân chúng Trung Hoa. Phổ Nghi chỉ mong muốn hàng ngày được vào ngồi trên một chiếc ghế trong ngự viên để được sống với các hình ảnh của quá khứ, nhưng định mệnh không bao giờ cho phép Phổ Nghi được hưởng một ngày bình yên trong sáng.

Dù ở bất cứ đâu, tại quê nhà hoặc tại ngoại quốc, lúc lên voi hoặc lúc ngã ngựa, bao giờ Phổ Nghi cũng là một người nổi tiếng, một sự tò mò cho mọi người. Bắc Kinh đã tận lực cải tạo Phổ Nghi để dùng cho nhiều mục đích, trong đó Phổ Nghi có thể là một hình ảnh sáng giá kêu gọi những kẻ thù của chế độ, như những người ở Đài Loan, hãy quay về với tổ quốc Trung Hoa. Chính vì thế, Bắc Kinh đã trưng bày Phổ Nghi như một biểu tượng cho thiện chí và lòng nhân đạo của chế độ.

Hai tuần sau khi trở về Bắc Kinh, Phổ Nghi lên tiếng trên đài phát thanh Bắc Kinh. Trong một cuộc phỏng vấn, Phổ Nghi xác nhận cuộc tẩy não tại Trung Tâm Kiểm Soát Tư Tưởng Phú Sơn đã giúp Phổ Nghi nhận thức được rằng, khi làm hoàng đế Phổ Nghi đã thực sự là thủ lãnh của các sứ quân phạm tội ác. Phổ Nghi cũng thú nhận rằng đã có lúc Phổ Nghi cầu nguyện cho Hoa Kỳ đánh bại Trung Cộng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Sau hết Phổ Nghi hết lời ca tụng tân chế độ cộng sản tại Trung Hoa.

Tháng Ba năm 1960, Phổ Nghi bày tỏ ý thích công việc làm vườn, một sở thích Phổ Nghi tự nhận đã học được trong thời gian bị giam giữ tại Nga Sô. Phổ Nghi liền được bổ nhiệm làm việc ngay trong vườn hoa của hoàng cung cũ. Hàng ngày Phổ Nghi chăm chỉ chăm bón, tỉa xén những cây kiểng trong vườn ngự uyển cũ. Để bày tỏ lòng trung thành với tân chế độ, Phổ Nghi xin gia nhập nhóm dân quân tự vệ, và được tham dự một cuộc diễn hành đầu tiên tại công trường Thiên An Môn. Ông vua cuối cùng nhà Thanh vác biểu ngữ dẫn đầu một toán dân quân diễn hành ngang qua Thiên An Môn, miệng hô to những khẩu hiệu chính trị, đả đảo việc ký kết hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Dần dần Phổ Nghi được hướng dẫn vào thế giới của chính trị, và đó chính là mục tiêu của Bắc Kinh khi trả tự do cho Phổ Nghi. Ngày 10 tháng 4, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện thông báo cho Quốc Hội quyết định về các tù nhân cải tạo, đặc biệt nhấn mạnh trường hợp Phổ Nghi như sau: “Con người Phổ Nghi một thời làm hoàng đế nay đã chết. Con người Phổ Nghi hiện tại là một con người mới, sống một cuộc đời mới mà Đảng Cộng Sản đã ban cho.” Bảy tháng sau, ngày 22 tháng 11, Phổ Nghi được ban cho đầy đủ quyền công dân của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Kể từ đấy Phổ Nghi nổi bật một cách mau lẹ.

Các nhân vật chính trị tấp nập đến viếng thăm Phổ Nghi. Hầu như tất cả mọi ký giả Nhật Bản khi viếng Bắc Kinh bao giờ cũng tới thăm và phỏng vấn Phổ Nghi, vì người Nhật lúc nào cũng đặc biệt chú ý tới ông vua cuối cùng của Trung Hoa. Phổ Nghi được mời tham dự các buổi dạ tiệc của giới ngoại giao và những bữa tiệc của nhà nước khoản đãi các nhân vật quan trọng ngoại quốc, điển hình là bữa tiệc khoản đãi Thống Chế Montgomery, anh hùng của Anh Quốc đã chiến thắng quân Đức tại Phi Châu.

Theo lệnh của chính phủ, Phổ Nghi càng ngày càng giảm bớt thời giờ làm vườn trong Cấm Thành, để chuyên chú hơn vào việc viết một cuốn tự thuật về cuộc đời của mình. Trong việc tra cứu tài liệu để viết hồi ký, Phổ Nghi thường xuất hiện tại các văn khố và thư viện tại Bắc Kinh. Phổ Nghi cũng tham khảo các cuốn hồi ký của các sư phụ Trần Bảo Châu và Johnston, và các tài liệu lịch sử về triều đại nhà Thanh và những tài liệu khác về giai đoạn Phổ Nghi làm hoàng đế.

Rồi Phổ Nghi được “bầu” vào Ủy Ban Quốc Gia về Sinh Hoạt Chính Trị Nhân Dân lo việc soạn thảo những báo cáo cho Quốc Hội. Đây chỉ là một ủy ban hữu danh vô quyền, nhưng ít ra địa vị chính trị của Phổ Nghi đã được công nhận. Phổ Nghi cũng trở thành một ủy viên của Hội Đồng Bảo Vệ và Nghiên Cứu về nghệ thuật và lịch sử. Một năm sau, nhà in của chính phủ cho ra mắt một bộ tự thuật gồm ba cuốn. Ngay lập tức, bộ tự thuật của Phổ Nghi đã gây được một sự hào hứng tại Trung Hoa và ngoại quốc. Cuốn tự thuật này cũng đã được dịch sang Anh Ngữ với nhan đề “Người Mãn Châu Cuối Cùng” ngay cuối năm đó.

Người ta nhận thấy sự nổi bật của Phổ Nghi ăn khớp với sự suy đồi của mối liên hệ giữa Nga Sô và Trung Cộng. Tinh giao hảo giữa Nga Sô và Trung Cộng hiển nhiên trở nên căng thẳng vì những lý do ý thức hệ, tranh chấp lãnh thổ, chủng tộc, kinh tế, nguyên tử và sự căng thẳng ngoại giao. Chỉ vài tháng sau khi Phổ Nghi bước ra khỏi nhà tù tại Phú Sơn, thì Nga Sô chính thức thông báo cho Bắc Kinh quyết định rút các cố vấn kỹ thuật và kinh tế về và hủy bỏ thỏa hiệp về nguyên tử với Trung Cộng. Hai năm sau, năm 1962, Nga Sô không trợ giúp Trung Cộng trong cuộc chiến với Ấn Độ.

Ngày 20 tháng 9 năm 1963, hãng thông tấn chính thức Tass của Nga Sô loan tin rằng “kể từ năm 1960, quân đội Trung Cộng đã liên tục vi phạm biên giới Nga Sô tới trên năm ngàn lần.” Để trả đủa, Bắc Kinh cũng buộc tội Mạc Tư Khoa đã có những hành động khiêu khích dọc theo biên giới Nga-Hoa. Khi sự xung đột đến mức trầm trọng, Nga Sô tăng cường quân đội dọc theo biên giới. Ngày 10 tháng 7 năm 1964 khi cuốn tự thuật của Phổ Nghi ra mắt, trong đó có những trang dài nói về thời gian bị Nga Sô cầm tù tại Khabarovsk, Mao Trạch Đông liền công khai buộc tội Nga Sô đã dàn quân dọc theo biên giới Mãn Châu. Mao tuyên bố, “Gần một trăm năm trước, và kể từ đó Vladivostok, Khabarovsk, Kamchatka và một số khu vực khác đã trở thành lãnh thổ của Nga.”

Một tháng sau, Mao cho biết hai trăm hai chục triệu dân Nga đã chiếm một diện tích đất đai khá lớn của Trung Hoa. Mao nhấn mạnh, “Đã đến lúc phải chấm dứt sự chiếm đất này.” Trung Cộng cũng tăng cường quân lực trấn đóng tại Mãn Châu, khiến tờ Sự Thật của Nga Sô phải lên tiếng báo động: “Chúng ta phải đương đầu với một kế hoạch bành trướng lãnh thổ một cách công khai và kiêu căng.”

Trong cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa, dân chúng tại vùng biên giới trở thành quan trọng cho những hoạt động tình báo và du kích. Dọc theo sông Hắc Long Giang phân cách Trung Hoa và Nga Sô, không ai biết rõ được cả hai bên bờ sông bằng người Mãn Châu. Người Mãn Châu vốn sinh sống ở cả hai bên bờ con sông này. Như vậy khi Nga Sô và Trung Cộng gây hấn với nhau thì Phổ Nghi bỗng trở thành một lá bài quan trọng cần thiết. Cả Nga Sô và Trung Cộng đều cố công tranh thủ được sự trung thành của người Mông Cổ và Mãn Châu. Mao đã nắm được Phổ Nghi trong tay và hưởng được ưu thế hơn. Đấy cũng là lý do tại sao Phổ Nghi sống sót được qua hai nhà tù Nga Sô và Trung Cộng. Một ông vua biểu tượng cho chế độ quân chủ phong kiến được cả hai chính quyền cộng sản ưu đãi. Phổ Nghi đã được cải tạo, ít nhất là bề ngoài, bây giờ sống gần Cấm Thành, một lần nữa trở thành tiếng nói đại diện cho người Mãn Châu. Vai trò này đã bảo đảm cho tương lai Phổ Nghi trong chế độ cộng sản Bắc Kinh.

Trong suốt 268 năm, luật hoàng gia nhà Đại Thanh đã cấm không cho bất cứ một thiên tử Mãn Thanh nào được kết hôn với đàn bà Trung Hoa. Sự thuần giống của dòng Aisin-Gioro đã được bảo vệ đến tối đa. Phổ Nghi hoàn toàn khác nòi giống với các thần dân cũ của mình. Khi bị người Nhật ép buộc kết hôn với phụ nữ Nhật, Phổ Nghi cương quyết chối từ để bảo vệ con cái dòng giống mình phải là người Mãn Châu mãi mãi. Người Nhật chỉ thành công bắt Phổ Kiệt kết hôn với Hiro Saga, chị em họ với hoàng hậu Nhật Bản với hy vọng một hoàng tử mang giòng máu Nhật sẽ có ngày ngồi trên ngai vàng Mãn Châu. Bây giờ Mao Trạch Đông nhất định xóa bỏ cái luật lệ kiêu ngạo của hoàng gia Mãn Châu. Mao Trạch Đông đích thân môi giới một cuộc hôn nhân mới cho Phổ Nghi, lần này người vợ của Phổ Nghi là một phụ nữ Trung Hoa. Phổ Nghi không còn dám cưỡng lại lệnh của Mao Trạch Đông như trước kia đã dám chống lại sự cưỡng bách của người Nhật. Hôn lễ lần thứ năm của Phổ Nghi được tổ chức vào ngày lễ Lao Động, tháng 5 năm 1962.

Người vợ thứ năm của Phổ Nghi là Lý Thục Hiền, một y tá đã bốn mươi tuổi gốc người Hàng Châu, một nơi nổi tiếng đã sản xuất được nhiều người đẹp. Giống như Hiro Saga trước kia được gài vào làm tai mắt cho Nhật Bản trong hoàng gia Mãn Châu, thì nay Lý Thục Hiền cũng là một quan sát viên Trung Cộng, có nhiệm vụ theo dõi mọi hành vi và tư tưởng của ông vua cuối cùng nhà Thanh.

Nhưng sau khi trải qua mười bốn năm trong các nhà tù Nga Sô và Trung Cộng, Phổ Nghi không còn nghị lực chống lại hoặc phản đối chính quyền cộng sản nữa. Vì thế cuộc hôn nhân cuối cùng của Phổ Nghi có thể không còn cần thiết để canh chừng Phổ Nghi, mà chủ đích là muốn phá vỡ luật lệ không cho hoàng đế Mãn Châu kết hôn với người Trung Hoa. Cặp vợ chồng này không có con, nhưng nếu có con thì luật của triều đình Mãn Thanh đã thực sự bị hủy bỏ. Như vậy vào ngày 1 tháng 5 đó, lần đầu tiên trong mối liên hệ đầy sóng gió vẫn có từ trước, Trung Hoa và Mãn Châu đã kết hợp làm một, sự kết hợp của một con rồng Mãn Châu và một bông hồng Trung Quốc, một sản phẩm liên kết của Trung Cộng.

Bạn bè và thân thích của Phổ Nghi tổ chức một bữa tiệc cưới linh đình. Sáng hôm sau, Phổ Nghi tuyên bố, “Tôi và tân giai nhân Lý Thu Hiền bắt đầu một cuộc đời mới trong căn nhà nhỏ bé của chúng tôi.” Mao Trạch Đông tặng cho Phổ Nghi một căn nhà sang trọng kiểu Bắc Kinh làm quà cưới. Tuy vậy một số người không hài lòng trước cuộc hôn nhân này. Tờ Luân Đôn Thời Báo loan tin Trung Cộng lợi dụng cuộc hôn nhân cho những toan tính tại Mông Cổ, một tỉnh của Trung Hoa hiện đang nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga Sô.

Hình ảnh của cặp tân hôn xuất hiện trên báo chí Trung Cộng. Phổ Nghi trông khá hấp dẫn mạnh khỏe, mặc dầu tóc đã ngả mầu muối tiêu. Phổ Nghi khoe rằng nhờ những năm sống trong tù mà bây giờ Phổ Nghi khỏi được bệnh mất ngủ và ăn uống ngon miệng hơn. Những người bắt tay với Phổ Nghi công nhận bàn tay của Phổ Nghi cứng và bóp rất mạnh. Cô dâu Lý Thục hiền trông cũng xinh đẹp, có vẻ là một người đàn bà thông minh thuộc giai cấp khá giả.

Phổ Kiệt và bà vợ Hiro Saga cũng dọn vào ở chung nhà với Phổ Nghi. Hiro tự ý từ Nhật trở lại Bắc Kinh để sống với chồng. Đây có lẽ là giai đoạn êm đẹp nhất trong đời Phổ Nghi, những năm Phổ Nghi sống yên ổn bên cạnh người vợ mới và các em trai em gái. Phổ Nghi dùng phần lớn thời giờ của mình trong các thư viện cho mục đích làm sống lại triều đại nhà Thanh, trong cuốn tự thuật mà Phổ Nghi đang viết theo lệnh của chính quyền.

Rồi sự căng thẳng giữa Nga Sô và Trung Cộng ngày một tồi tệ hơn, và sau đó Trung Cộng chìm đắm trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Tất cả trường học đều đóng cửa và học sinh được tập hợp thành từng đơn vị và được gọi là Vệ Binh Đỏ. Những thiếu niên bỗng dưng đứng lên làm việc nước, do những tay phù thủy chính trị giật dây, đã dấy lên một cuộc phong ba khủng khiếp tàn phá Trung Hoa mà thương tích và hậu quả còn kéo dài cho mãi tới ngày nay.

Ngay khi cuộc Cách mạng Văn hóa khởi đầu, các Vệ binh Đỏ biểu tình dọc theo sông Hắc Long Giang, kêu gọi Nga Sô phải trả lại Trung Hoa những đất đai mà Nga Sô đã chiếm của Trung Hoa. Bắc Kinh cũng ban hành những đạo luật mới về sự lưu thông của tầu bè trên các sông Hắc Long Giang và sông Ussuri. Các luật này đã gây nhiều khó khăn cho tầu bè Nga Sô. Vệ Binh Đỏ được đà làm tới, pháo kích tấn công các tầu bè Nga Sô. Ba năm sau, năm 1969, quân đội biên phòng của Nga Sô và Trung Cộng công khai tấn công nhau dọc theo sông Ussuri.

Trong bối cảnh đó, Phổ Nghi thấy rằng địa vị của mình càng quan trọng và vững chắc hơn. Hoàn cảnh đặc thù của Phổ Nghi đã khiến Phổ Nghi trở thành một nguồn hy vọng cho các toan tính lớn của Trung Cộng. Ngày 7 tháng 2 năm 1967, Phổ Nghi ăn mừng lễ thọ sáu mươi mốt tuổi. Các hoàng đế Trung Hoa ít khi sống tới tuổi lục tuần, vì cuộc đời trác táng tửu sắc, lúc nào cũng sẵn người đẹp bên cạnh. Trong số 208 hoàng đế Trung Hoa, chỉ có bốn vị sống tới tám mươi tuổi, trong đó hoàng đế thọ nhất là vua Càn Long nhà Đại Thanh, hưởng thọ tám mươi tám tuổi.

Chính năm 1967, cuộc Cách mạng Văn hóa bùng lên cao độ như một con sông cuồn cuộn nước lũ tràn bờ, gây tàn phá khủng khiếp cho Trung Hoa. Nguyên nhân chính của cuộc cách mạng này trước hết là một sự tranh quyền nội bộ, Vệ Binh Đỏ đã giúp Mao loại được Lưu thiếu Kỳ, người thừa kế chính thức của Mao. Các nguyên nhân khác là phản ứng trước một chính sách ngoại giao thất bại, đặc biệt là sự thất bại của Bắc Kinh không đạt được ảnh hưởng quan trọng đối với thế giới đệ tam từ An-Giê-Ri cho tới Nam Dương; là một cuộc tranh chấp giữa hai phe giáo điều và thực tiễn trong đảng; là sự bất bình trước sự phối trí hàng triệu quân Nga dọc biên giới phía Tây và Bắc; là sự can thiệp đại quy mô của Hoa Kỳ tại Việt Nam và sự hiện diện của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ tại bờ biển phía Đông Trung Hoa; là sự phẫn nộ trước những tệ nạn tham nhũng của giai cấp cầm quyền và những âm mưu chính trị; và cuối cùng là vì Mao nhận thấy mình không phải là một người bất tử và không có cách gì bảo đảm cho tương lai chính trị của mình nên phải phát động cuộc cách mạng này.

Năm 1967, cuộc cách mạng lên đến cực độ. Các cuộc xáp chiến giữa những phe phái bùng nổ tại những đô thị lớn trong khi hai triệu người bị bắt, bị gửi tới các trung tâm kiểm soát tư tưởng hoặc các trại cưỡng bách lao động. Nhiều người bị xử tử hoặc bị giết ngay giữa các cuộc xung đột ngoài đường phố. Cuộc Cách mạng Văn hóa chủ trương tiêu diệt giới trí thức Trung Hoa; bãi bỏ Tứ Cổ Hủ, như văn hóa cổ, lối suy nghĩ cổ, phong tục cổ và thói quen cổ; bắt buộc mọi người phải đọc Cuốn Sách Đỏ, ghi những lời nói hoặc tư tưởng của Mao Trạch Đông; và sửa sai những phần tử phản động, những kẻ thù của giai cấp.

Tờ Hồng Kỳ, một cơ quan về lý thuyết của Trung Cộng, đã viết: “Để đối phó với kẻ thù của cách mạng, chúng ta không nên chỉ trông cậy vào sự khuyến dụ và tẩy não, trái lại chúng ta phải áp dụng đường lối tranh đấu. Nếu bạn không tranh đấu chống lại kẻ thù thì kẻ thù sẽ tranh đấu chống lại bạn. Nếu bạn không tiêu diệt kẻ thù thì kẻ thù sẽ tiêu diệt bạn. Nếu không có sự đập phá thì sẽ không có sự xây dựng.”

Những bích báo dán đầy tường ở Bắc Kinh. Người ta hăng say tố cáo phong kiến và đế quốc. Bây giờ Phổ Nghi chợt thấy mình mắc vào giữa một cơn phong ba bão táp của lịch sử mà không ai kiểm soát nổi. Ngày 24 tháng 8 năm đó, Vệ Binh Đỏ tụ tập tại Bắc Kinh vung búa liềm và hô to những khẩu hiệu đả đảo Viện Nghệ Thuật, đập vỡ tượng Phật, và rạch nát các hình của các hoàng đế và hoàng hậu như là di tích của phong kiến và đế quốc.

Khi các hành động phá hoại tăng lên thì Vệ Binh Đỏ chế nhạo sự thờ cúng tổ tiên, tố cáo Khổng Tử chỉ là một tên quỷ đã giảng dạy tư tưởng Thiên Mệnh để phục vụ cho các vua chúa. Vệ Binh Đỏ còn quật mộ của bảy mươi hai liệt sĩ tại Hoàng Hoa Cương, những liệt sĩ đã bỏ mình trong công cuộc lật đỗ hoàng đế Phổ Nghi. Ngay những nghĩa trang của đảng Cộng Sản tại Thượng Hải cũng không tránh thoát sự chiếu cố của Vệ Binh Đỏ đang say men chiến thắng. Phổ Nghi bỗng thấy mình lâm vào một tình trạng cực kỳ nguy hiểm vì Phổ Nghi quả thực là một biểu tượng đích thực và còn sống của phong kiến và đế quốc.

Trong khi cuộc Cách mạng Văn hoá lan nhanh như một vết dầu loang, thì một phóng viên của hãng thông tấn Kyodo Nhật Bản ngày 18 tháng 10 năm 1967 loan tin Phổ Nghi đã chết ngày hôm trước. Phóng viên của tờ báo Nhật Hihon Keizai tại Bắc Kinh cũng loan một tin tương tự. Nhưng trong cảnh hỗn loạn ấy, người ta không thể kiểm chứng được gì cả.

Khoảng hai mươi bốn giờ sau đó, hãng thông tấn Tân Hoa Xã xác nhận cái chết của Phổ Nghi trong một bản tin ngắn như sau:

“Bắc Kinh. Ông Aisin-Gioro Phổ Nghi, hội viên của Uỷ Ban Quốc Gia về Sinh Hoạt Chính Trị Nhân Dân, đã từ trần về bệnh ung thư thận, và bệnh tim vào lúc hai giờ ba mươi sáng ngày 17-10 sau một thời gian chữa bệnh lâu dài. Ông thọ sáu mươi tuổi.”

Đây là thông cáo chính thức của chính quyền, và gán cho Phổ Nghi chết vì bệnh ung thư. Thực ra chính quyền Trung Cộng thường dùng bệnh ung thư là nguyên nhân cái chết của những nạn nhân trong những cuộc tranh chấp chính trị. Năm 1959, thống chế Bành Đức Hoài chống lại Mao và bị hành hạ đến chết, và sau đó chính quyền cũng công bố họ Bành bị chết vì bệnh ung thư.

Nhưng những giờ phút cuối cùng của Phổ Nghi không phải là như thế. Một số chi tiết về cái chết của Phổ Nghi lọt ra được ngoại quốc. Các nguồn tin có thẩm quyền cho biết Phổ Nghi đã là nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hoá. Người ta đếm được sáu lần Phổ Nghi bị tố cáo và buộc tội trên các tờ bích báo của Vệ Binh Đỏ. Rồi một hôm Vệ Binh Đỏ tiến vào nhà Phổ Nghi và lôi ông vua cuối cùng này ra ngoài đường phố. Vệ Binh Đỏ tra tấn Phổ Nghi bằng cách châm những đầu thuốc lá đang cháy vào da thịt, rồi bịt mũi và tống nước vào cuống họng Phổ Nghi. Cuối cùng Phổ Nghi bị điệu đi khắp phố phường, hai mắt bị dao căng ra. Vì đau đớn quá nên Phổ Nghi ngất xỉu. Ngày hôm sau Phổ Nghi lên những cơn động kinh, rồi tắt thở trong lúc hai dòng máu chảy từ hai mắt xuống.

Đấy là những giờ phút cuối của vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa. Chắc trong cơn mê sảng vì đau đớn trước khi lìa đời, Phổ Nghi không thể nào kêu lên được lời chúc tụng “Vạn Tuế Đức Thái Tông Hoàng Đế!” như Phổ Nghi đã dự định sẽ làm vào giờ phút lâm chung.

Cái chết của Phổ Nghi, vị hoàng đế thứ mười của nhà Đại Thanh, đã chấm dứt một triều đại dài gần ba thế kỷ. Người Mãn Châu không khỏi không nhớ đến một lời nguyền đã có từ ba trăm năm trước: “Nhà Đại Thanh sẽ bị diệt vong bởi một người đàn bà thuộc bộ tộc Yehe Nara”

Năm 1619 hoàng tử Gintaisi thuộc bộ lạc Yehe Nara Mãn Châu, tranh chấp với Long Hổ Tướng Quân và bị Long Hổ Tướng Quân đánh bại, thống nhất mọi bộ lạc Mãn Châu thành một quốc gia hợp nhất. Trước khi bị giết chết, Gintaisi đã nguyền rủa Long Hổ Tướng Quân và tiên tri rằng một người đàn bà thuộc bộ tộc Yehe Nara sẽ chiếm đoạt quyền thiên tử của nhà Mãn Thanh và đưa con cháu của Long Hổ Tướng Quân vào chỗ diệt vong.

Các hoàng đế Mãn Châu rất tin dị đoan và kể từ đấy không bao giờ tuyển con gái thuộc dòng họ Yehe Nara vào cung. Nhưng năm 1852, khi Từ Hi, một người thuộc bộ tộc Yehe Nara, được tiến cung thì lúc đó triều thần nhà Thanh dường như quên mất lời nguyền của hoàng tử Gintaisi. Và quả thực Từ Hi đã tiếm quyền thiên tử của ba vị hoàng đế nhà Mãn Thanh, từ vua Hàm Phong rồi vua Đồng Trị và cuối cùng là vua Quang Tự, và đã đưa cả nườc Trung Hoa và nhà Mãn Thanh vào chỗ mạt vận. Nhưng khí số nhà Đại Thanh đã đến thời tuyệt diệt nên mới sinh ra những hoàng đế nhu nhược, chỉ ham mê tửu sắc như Hàm Phong và Đồng Trị, và một ông vua bất lực mắc bệnh đồng tính luyến ái như Quang Tự, thì Từ Hi mới có thể tiếm đoạt quyền thiên tử được. Nếu các hoàng đế nhà Thanh là những bực anh quân như Khang Hy và Càn Long thì không một người đàn bà bộ tộc Yehe Nara nào có thể khuynh đảo được quyền thiên tử như Từ Hi Thái Hậu đă làm.

Tuy nhiên không triều đại nào có thể tồn tại được mãi mãi. Với sự tiến hoá của nhân loại, chế độ quân chủ đã lỗi thời. Dù có Từ Hi hay không thì nhà Mãn Thanh vẫn đi đến chỗ cáo chung. Cùng lắm thì cũng chỉ có thể giữ được một chế độ quân chủ lập hiến, vua giữ vai trò tượng trưng và quyền cai trị sẽ thuộc về dân chúng như trong chính thể quân chủ của Anh Quốc.

Cũng như người Mông Cổ trước kia, nhà Mãn Thanh đã bị dân miền Nam Trung Hoa lật đổ. Trong cả hai trường hợp, triều đại mới phải mất rất lâu mới kiểm soát được miền Nam, và người miền Nam tự nhận là những người thừa kế chính thống di sản văn hoá Trung Hoa. Các hoàng đế Khang Hy và Càn Long đã thành công chứng tỏ rằng các nhà cai trị Mãn Thanh cũng coi trọng di sản văn hoá Trung Hoa là của chung, nhưng trong cuộc Chiến Tranh Nha Phiến, chính người Trung Hoa đã đứng lên kháng cự lại sự bao vây của ngoại bang, trong khi triều đình Mãn Thanh sửa soạn thoả hiệp với Tây Phương.

Triều đình Mãn Thanh đã ôm chặt lấy các giá trị của Khổng Giáo, vì Khổng Giáo cho rằng bất cứ giống dân gì cũng có thể hội nhập vào văn minh Trung Hoa. Khi ảnh hưởng Khổng Giáo tại miền Nam suy giảm thì nhà Mãn Thanh bắt đầu lâm nguy. Các tư tưởng Tây Phương bắt đầu xâm nhập vào Trung Hoa từ hải cảng Quảng Châu tại miền Nam. Chính con cháu của những doanh thương miền Nam du học ngoại quốc đem về những tư tưởng mới về tự do dân chủ. Những thương gia Trung Quốc đã gởi tiền tài trợ cho công cuộc Phản Thanh Phục Minh, gây khó khăn lớn nhất cho nhà Mãn Thanh.

Khi Phổ Nghi chết, Phổ Kiệt được tiếp nhận chức đại biểu người Mãn Châu trong Quốc Hội Trung Cộng thay thế Phổ Nghi. Tên tuổi và hình ảnh của Phổ Nghi đã mau lẹ rơi vào quên lãng. Các hoàng đế cũ của Trung Hoa thường sống rất xa cách thần dân. Thần dân coi hoàng đế như một loại người khác hẳn người bình thường, một thứ thần tượng siêu việt. Nếu người ta được gặp, được thấy các vị hoàng đế luôn thì sự sùng kính thần tượng sẽ mất đi, vì các hoàng đế cũng chỉ là những con người tầm thường như mọi người. Sự biệt lập đã tạo ra những huyền thoại cho các hoàng đế, và các hoàng đế cũng rất cần các huyền thoại để cai trị.

Phổ Nghi chỉ được sống biệt lập trong thời kỳ đầu. Về sau số phận đưa Phổ Nghi đến cuộc sống của một thường dân, rồi một hoàng đế bù nhìn, và cuối cùng là một tù nhân trong suốt 14 năm. Cũng có nhiều hoàng đế Trung Hoa là những bậc cái thế anh hùng, có nhân cách phi thường, đáng kính nể, dù thất thế cũng vẫn còn giữ được khí phách của một đấng quân vương. Nhưng Phổ Nghi không phải là một con người như thế. Người ta được thấy tận mắt hình ảnh một ông hoàng đế thất thế, áo quần xốc xếch, bất lực với đàn bà, hình hài tiều tụy, có những hành động điếm đàng và gian dối, bị tới hai bà vợ ly dị, tinh thần bạc nhược lúc nào cũng bị hoảng hốt và sợ chết. Không còn quyền uy và Cấm Thành che giấu, Phổ Nghi trở thành một thứ thần tượng bắng đất sét gặp trời mưa, và đã là trò cười cho quần chúng.

Nhưng Phổ Nghi là một hoàng đế có một đời sống ly kì nhất trong lịch sử Trung Hoa. Từ lúc mới có ba tuổi, Phổ Nghi đã không có một đời sống bình thường như những trẻ con khác, trái lại Phổ Nghi được bế đặt lên ngai vàng để trị vì một phần tư nhân loại. Phổ Nghi phải làm người lớn khi chưa được làm con nít. Phổ Nghi phải trải qua một sự giáo dục bất bình thường trong Cấm Thành, một sự giáo dục mà chính thân mẫu Phổ Nghi cực lực phản đối. Bà cho rằng sự giáo dục ấy sẽ biến con bà thành một quái vật. Bà đã tự tử, dùng cái chết của mình để phản đối việc giáo dục Phổ Nghi. Nhưng bà đã chết vô ích, vì không ai dám thay đổi luật lệ hoàng gia đã có từ lâu đời. Rồi hoàn cảnh lịch sử đã đưa Phổ Nghi vào một cuộc sống luôn luôn bất ổn. Cuộc sống bất ổn lúc nào cũng phải tìm cách sinh tồn đã ảnh hưởng tới nhân cách và tính khí của Phổ Nghi rất nhiều. Phổ Nghi đã đánh mất sự tôn kính của một hoàng đế, và Phổ Nghi là một ông vua đã chết hẳn. Thực ra Phổ Nghi là một con người đáng thương hơn đáng trách, vì Phổ Nghi chỉ là nạn nhân của lịch sử, phải đóng vai trò của một hoàng đế cuối cùng trong một bối cảnh rất bất lợi.

Tuy nhiên trong hoàng gia Mãn Thanh vẫn có một người không chết hẳn. Đó là Uyển Dung Hoàng Hậu. Dân chúng Mãn Châu vẫn dành một chỗ đặc biệt cho bà hoàng hậu cuối cùng này. Uyển Dung đã gặp phải cảnh ngộ rất thương tâm, nhưng rất ít người được trông thấy Uyển Dung trong hoàn cảnh thất thế và trước khi bà hoàng hậu này chết. Vì thế những hình ảnh còn lại của Uyển Dung vẫn còn nguyên vẹn đẹp đẽ, nhất là hôn lễ của Uyển Dung là một hôn lễ huy hoàng cuối cùng của một bà hoàng hậu mà người ta còn nhớ được.

Vài tháng sau khi Uyển Dung từ trần trên núi Trường Bạch, dân chúng đã nói đến những chuyện thần tiên về Uyển Dung. Người ta nói bà hoàng hậu này đã trở lại cuộc đời và xuất hiện nhiều lần cho người đời được thấy. Các nông dân tại chân núi Trường Bạch quả quyết đã trông thấy hình dáng thanh thoát của Uyển Dung Hoàng Hậu hiện ra tại dãy núi Trường Bạch. Những tay chuyên đi kể chuyện dạo đã thêm chuyện của Uyển Dung vào các chuyện thông thường của họ, như các chuyện Bạch Sài Lang và Bông Sen Vàng. Các chuyện nói về Uyên Dung không những chỉ thịnh hành bên ngoài Vạn Lý Trướng Thành, mà còn truyền vào tới tận Trung Nguyên nữa. Họ kể về một người đàn bà xinh đẹp tuyệt vời thường ra tay cứu vớt những người bị tù đầy và bị hành hạ dã man. Các câu chuyện lạ nhắc nhở đến Uyển Dung sôi nổi đến nỗi năm 1985, chính quyền Trung Cộng phải ra thông báo phủ nhận những chuyện nói về Uyển Dung, một bà tiên xinh đẹp thường ra tay tế độ những kẻ gặp cảnh không may.

Không giống Phổ Nghi, một hoàng đế bù nhìn đã chết hẳn, Uyển Dung hoàng hậu dường như vẫn còn sống mãi. Ngày nay dân chúng khắp miền Hoa Bắc của Trung Hoa vẫn còn nhắc nhở tới Uyển Dung, bà hoàng hậu cuối cùng của Trung Hoa. Đối với những nông dân tâm hồn bình dị và dễ tin dị đoan thì ít nhất Uyển Dung Hoàng Hậu vẫn cho họ một nguồn hy vọng mong chờ mỗi khi họ gặp sự bất hạnh.

Hết

Docsach24.com