Hỏa Thần

Chương 16

ROME

Chiếc máy điện thoại đánh thức Gabriel. Cũng như mọi căn hộ an toàn bí mật khác, điện thoại trong căn hộ này không đổ chuông, chỉ có một ngọn đèn nhấp nháy, đỏ rực trong bóng tối như đèn hiệu xe cứu thương, nó biến mí mắt anh thành màu đỏ thẫm. Anh với tay cầm ống nghe đưa lên tai.

“Dậy đi”, tiếng Shimon Pazner vang lên ở đầu dây bên kia.

“Mấy giờ rồi?”

“Tám rưỡi”.

Gabriel đã ngủ mười hai tiếng.

“Mặc đồ vào. Nhân tiện anh đến đây, tôi muốn cho anh xem qua một thứ”.

“Tôi đã phân tích các tấm ảnh chụp, tôi đã đọc tất cả các bản báo cáo. Tôi không cần xem hiện trường tại chỗ”.

“Có đấy”.

“Tại sao?”

“Nó sẽ khiến anh nổi cơn thịnh nộ”.

“Thế thì được ích lợi gì?”

“Đôi khi chúng ta cần cơn thịnh nộ”, Pazner nói. “Tôi sẽ gặp anh ở cầu thang Galleria Borghese trong một giờ nữa. Đừng để tôi đứng đó một mình như thằng ngố đấy”.

Pazner gác máy. Gabriel trèo ra khỏi giường và đứng dưới vòi sen một lúc lâu, anh tự tranh luận về việc có nên cạo râu hay không. Cuối cùng anh quyết định chỉ tỉa lại nó. Anh mặc một trong những bộ com-lê đen của ngài Klemp và đến quán Via Voneto uống cà phê. Một tiếng đồng hồ sau khi kết thúc cuộc điện đàm với Pazner, anh đã bước dọc theo con đường rải sỏi dành cho người đi bộ dẫn tới cầu thang của tòa nhà viện triển lãm nghệ thuật nổi tiếng. Gã katsa ở địa bàn Rome đang ngồi hút thuốc lá trên một băng ghế làm bằng đá hoa cương ở vườn trước tòa nhà.

“Râu đẹp đấy”, Pazner nói. “Lạy Chúa, trông anh tởm quá”.

“Tôi đã tìm ra một lý do để có thể nằm lỳ một chỗ trong khách sạn ở Cairo”.

“Anh đã làm thế nào?”

Gabriel đáp. Bằng một dược phẩm thông thường mà nếu được sử dụng bằng cách tiêm thay vì uống, nó sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa nặng, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn”.

“Anh phải tiêm mấy liều?”

“Ba”.

“Đúng là một ông già tội nghiệp!”

Họ đi bộ về hướng bắc, băng qua các khu vườn. Pazner đi như đang dự lễ duyệt binh. Anh ta bước đều theo một tiếng trống tưởng tượng; Gabriel đi bên cạnh, mệt mỏi vì phải di chuyển và lo lắng quá nhiều. Trên vành đai của công viên, gần các khu vườn bách thảo là lối vào khu vực bị phong tỏa. Bốn ngày sau vụ đánh bom, giới truyền thông quốc tế vẫn cắm trại ở đây. Mặt đất ngổn ngang những đầu mẩu thuốc lá và ly cà phê giấy bị bóp nát. Gabriel thấy cảnh tượng này giống như một mảnh ruộng sau vụ thu hoạch hàng năm.

Họ tiến theo đường dốc của quả đồi, cho tới khi gặp một hàng rào phong tỏa tạm thời bằng thép được cảnh sát Ý và nhân viên an ninh Israel canh gác. Pazner cùng với người đồng hành có bộ râu kiểu Đức của anh lập tức được cho vào.

Vừa vượt qua hàng rào phong tỏa, họ đã thấy những dấu hiệu thiệt hại đầu tiên: cây thông tạc bằng đá đã bị quét sạch lá; các ô cửa sổ vỡ nát trong các ngôi biệt thự xung quanh đó; những mảnh kính vụn quăn queo như góc của một tờ giấy bị đốt. Thêm vài bước chân nữa, họ đã nhìn thấy hố bom, nó sâu ít nhất là ba mét và được bao quanh bởi một bờ nhựa đường cháy. Những tòa nhà ở gần tâm vụ nổ nhất chẳng còn lại gì nhiều; những cấu trúc móng sâu bên dưới vẫn đứng vững, nhưng các bề mặt nằm trong tâm vụ nổ đều bị cắt cụt, tưởng chừng như chúng chỉ là những ngôi nhà búp bê. Gabriel nhìn lướt qua một văn phòng vẫn còn đứng vững với những khung ảnh nguyên vẹn trên bàn và một phòng tắm có chiếc khăn bông vẫn còn treo trên mắc. Không khí nặng mùi hôi của tàn tro và, Gabriel nghĩ rằng có cả mùi da thịt cháy còn đọng lại. Từ sâu bên trong hiện trường, những chiếc máy xúc và xe ủi đất chạy ra, xích nghiến ken két và động cơ gầm rú. Hiện trường tội ác, cũng giống như xác chết của một nạn nhân trong vụ án giết người, đã cung cấp cho các nhà điều tra những manh mối cuối cùng nhưng lại vô cùng quan trọng. Bây giờ là lúc xoá dấu vết của hiện trường.

Gabriel ở lại lâu hơn dự tính. Không một tổn thương hay mối thù nào trong quá khứ, dù là thực tế hay tưởng tượng, không một mối bất hòa hoặc bất đồng chính trị nào có thể bào chữa cho một tội ác sát nhân man rợ như thế này. Pazner nói đúng - cảnh tượng này khiến anh phẫn nộ mãnh liệt. Nhưng còn có một thứ khác, nó còn hơn cả cơn giận. Đó là sự căm ghét. Gabriel quay trở ra và bắt đầu leo ngược lên đồi. Pazner im lặng theo sau.

“Ai bảo anh đưa tôi đến đây?”

“Đó là ý của tôi”.

“Ai?”

“Ông già”, Pazner nói khẽ.

“Tại sao?”

“Tôi không biết”.

Gabriel dừng bước. “Tại sao, Shimon?”

“Đêm qua Varash đã họp sau khi anh đặt vé máy bay ở Frankfurt. Hãy trở về căn hộ an toàn. Và chờ ở đó để nhận lệnh mới. Sẽ có người liên lạc sớm thôi”.

Nói dứt lời, Pazner băng qua đường và biến mất vào khu biệt thự Borghese.

Nhưng Gabriel không về căn hộ an toàn. Thay vì vậy, anh đi theo hướng ngược lại, đến vùng dân cư phía bắc của thành phố Rome. Anh gặp đường Via Trieste và đi theo nó về phía tây, cho tới khi thấy một quảng trường nhỏ và nhếch nhác mang tên Piazza Annabaliano.

Gabriel nhận thấy nó thay đổi rất ít so với ba mươi năm trước, khi nhìn thấy nó lần đầu tiên - vẫn những hàng cây u sầu đứng ở trung tâm quảng trường, vẫn những cửa hiệu tồi tàn nhắm vào thành phần khách hàng thuộc tầng lớp lao động. Và ở rìa phía bắc, nằm vắt ngang giữa hai con đường, vẫn là tòa nhà đó, có hình dạng như một miếng bánh ngọt, với đầu nhọn hướng về quảng trường và quán bar Trieste ở tầng trệt. Zwaiter từng dừng chân trong quán bar này để gọi điện trước khi lên lầu về phòng của y.

Gabriel băng qua quảng trường, luồn lách qua những chiếc xe hơi và xe gắn máy đậu bừa bãi ở khu vực trung tâm, anh bước vào tòa nhà qua một khung cửa có hàng chữ “Lối vào C”. Đại sảnh lạnh lẽo chìm trong bóng tối. Những ngọn đèn, Gabriel nhớ lại, được hoạt động dựa trên một bộ định giờ để tiết kiệm điện. Nhân viên giám sát tòa nhà ghi nhận rằng các cư dân của nó, bao gồm Zwaiter, hiếm khi bật đèn lên đây là một chi tiết rất quý báu đối với Gabriel, vì nó gần như đảm bảo cho anh có lợi thế là có thể làm việc trong bóng tối.

Bây giờ anh dừng chân trước thang máy. Bên cạnh thang máy là một tấm gương. Nhân viên giám sát đã cẩu thả bỏ qua, không đề cập đến chi tiết này. Đêm hôm đó, Gabriel, khi nhác trông thấy bóng mình trong gương, suýt nữa đã rút khẩu Beretta ra và bắn vào mình. Nhưng anh đã kịp trấn tĩnh lại. Lúc đó anh thò tay vào túi áo khoác, lấy ra một đồng xu và khom mình giả vờ nhét vào khe trả tiền của thang máy khi Zwaiter, mặc áo choàng len và ôm một chai rượu vang gói trong tờ giấy báo, bước qua Lối vào C lần cuối cùng trong đời y.

“Xin lỗi, ông có phải là Wadal Zwaiter?”

“Không! Xin đừng!”.

Gabriel để đồng xu rơi qua kẽ ngón tay. Trước khi nó chạm đất, anh đã rút khẩu Beretta ra và bắn được hai phát đạn đầu tiên. Một trong hai viên đạn xuyên qua gói giấy báo, làm vỡ tan chai rượu trước khi cắm vào ngực Zwaiter. Máu và rượu hòa vào nhau chảy tràn dưới chân Gabriel khi anh trút đạn vào tấm thân đang đổ gục của gã đàn ông người Palestine.

Lúc này anh đang nhìn vào tấm gương và thấy hình ảnh của chính mình trong đêm hôm đó, một thanh niên với gương mặt thiên thần trong chiếc áo khoác da, một nghệ sĩ trẻ không hề ý thức được rằng hành động mà anh ta sắp thực hiện sẽ thay đổi vĩnh viễn cuộc đời của mình. Anh đã trở thành một người khác. Kể từ đó anh sẽ mãi mãi là một người khác. Shamron đã quên báo trước với anh về điều đó. Ông dạy Gabriel cách rút súng và bắn trong vòng một giây đồng hồ, nhưng ông không chuẩn bị gì để anh đón nhận những điều sẽ xảy ra sau đó. Công việc đương đầu với bọn khủng bố trên mặt trận phải trả bằng một cái giá rất đắt. Nó làm thay đổi những người thực hiện nó, cùng với cộng đồng đã phái họ đi. Đó là vũ khí tối thượng của bọn khủng bố. Đối với Gabriel, sự thay đổi còn bộc lộ ngay trên khuôn mặt. Đến lúc cấp tốc trở về Paris để nhận nhiệm vụ mới, tóc ở hai bên thái dương anh đã bạc.

Anh nhìn vào gương lần nữa và thấy ngài Klemp với bộ râu rậm đang nhìn lại mình. Những hình ảnh của sứ mệnh hiện tại lấp loáng hiện lên trong tâm trí anh: một tòa đại sứ bị san phẳng, hồ sơ của chính anh, Khaled... Shamron đúng hay sai? Có phải Khaled đang gửi cho anh một thông điệp? Có phải hắn chọn Rome vì điều mà Gabriel đã làm ba mươi năm về trước, chính tại nơi này?

Anh nghe tiếng chân bước nhẹ nhàng sau lưng - một phụ nữ lớn tuổi, mặc trang phục đen của người góa chồng, tay ôm một túi nhựa chứa hàng tạp phẩm. Bà nhìn thẳng vào mặt anh. Gabriel, trong một giây, thoáng sợ rằng bằng cách nào đó bà đã nhận ra mình. Anh chúc bà một buổi sáng tốt lành và trở ra quảng trường chan hòa ánh nắng.

Đột nhiên Gabriel cảm thấy bồn chồn. Anh đi bộ theo đường Via Trieste, rồi vẫy tắc xi và bảo tài xế về quảng trường Piazza di Spagna. Bước vào căn hộ an toàn, anh thấy một tờ nhật báo La Repubblica số ra sáng hôm đó nằm trên sàn tiền sảnh. Ở trang sáu có một mẩu quảng cáo lớn in hình một chiếc xe thể thao của Ý. Gabriel nhìn kỹ mẩu quảng cáo và thấy rằng nó được cắt ra từ một số khác của tờ báo này và dán lên trang tương ứng. Anh tách các cạnh của trang báo được dán ra và phát hiện một mảnh giấy chứa đoạn văn bản đã được mã hóa của một thông điệp, được giấu giữa hai trang báo. Sau khi đọc xong, anh đốt mảnh giấy trong bồn rửa bát ở nhà bếp và lại đi ra ngoài.

Trên đường Via Condotti, anh mua một chiếc vali mới và dành một giờ kế tiếp cho việc mua sắm trang phục phù hợp với điểm đến tiếp theo. Anh trở về căn hộ an toàn vừa đủ thời gian để gói ghém hành lý vào chiếc vali mới, rồi đi ăn trưa ở nhà hàng Nino trên đường Via Borgognona. Đúng hai giờ anh đón tắc xi đến phi trường Fiumicino, và đúng năm giờ ba mươi, anh lên máy bay đi Sardinia.

Trong khi máy bay của Gabriel rời khỏi phi trường, Amira Assaf dừng xe trước cổng bệnh viện Stratford và trình thẻ nhân viên với người bảo vệ. Anh ta xem xét nó kỹ lưỡng, rồi vẫy tay ra hiệu cho cô ta đi tiếp. Cô ta vặn tay ga của chiếc môtô và chạy tiếp một phần tư dặm đường rải sỏi hướng về khu nhà chính của bệnh viện. Bác sĩ Avery vừa kết thúc ca trực, ông đang phóng nhanh về phía cổng trên chiếc Jaguar màu bạc đồ sộ của mình. Amira bấm còi và vẫy tay, nhưng ông không ngó ngàng gì đến cô ta mà chỉ cắm đầu chạy thẳng vào giữa lớp bụi mù.

Khu đậu xe dành cho nhân viên nằm ở sân sau. Cô ta chống xe, lấy giỏ xách ra khỏi ngăn chứa đồ dưới yên xe và đặt chiếc mũ bảo hiểm vào. Có hai nữ nhân viên vừa tan ca đang trên đường ra về. Amira chúc họ ngủ ngon, và dùng thẻ của mình để mở khóa lối vào giành cho nhân viên. Một chiếc đồng hồ lớn được treo trên tường ở đại sảnh. Cô ta tìm thấy thẻ chấm công của mình, thứ ba từ dưới lên, và bấm thẻ vào lúc 5 giờ 56 phút chiều.

Phòng thay quần áo cách đại sảnh vài bước chân. Amira vào trong và thay bộ đồng phục bao gồm quần trắng, giày trắng, và áo màu hồng đào mà bác sĩ Avery tin rằng nó có tác dụng giúp bệnh nhân có cảm giác yên tâm. Năm phút sau cô ta trình diện ở cửa sổ phòng điều dưỡng trưởng. Ginger Hall, tóc nhuộm vàng và môi đỏ thẫm, ngước lên nhìn và mỉm cười.

“Mới cắt tóc à, Amira? Trông hấp dẫn lắm. Lạy Chúa, tôi sẵn sàng đổi bất cứ thứ gì để có được mái tóc dày, đen nhánh của cô”.

“Chị có thể lấy nó, cùng với nước da nâu, đôi mắt đen, và tất cả những thứ chết tiệt khác đi kèm với nó”.

“Chớ nói nhảm, cưng à. Ở đây tất cả chúng ta đều là điều dưỡng, đều chỉ làm công việc của mình và cố gắng sống tử tế thôi”.

“Có thể, nhưng ở ngoài kia thì khác. Hôm nay chị có gì cho tôi?”

“Lee Martinson. Bà ấy đang ở trong nhà tắm nắng. Hãy đưa bà ấy trở về phòng. Chăm sóc bà ấy hết đêm nay”.

“Gã to con vẫn quanh quẩn bên bà ấy chứ?”

“Anh chàng vệ sĩ hả? Vẫn. Bác sĩ Avery đã cho phép anh ta ở đây một thời gian”.

“Tại sao một người như bà Martinson lại cần đến vệ sĩ?”

“Bí mật, cưng ạ. Tuyệt mật”.

Amira đi dọc theo hành lang. Giây lát sau cô ta bước qua cửa nhà tắm nắng. Ngay khi cô ta bước vào trong, hơi nước trong không khí quấn lấy cô ta như một chiếc chăn ướt. Bà Martinson đang ngồi trên chiếc xe lăn của bà, nhìn thẳng vào bức tường đen. Người vệ sĩ đứng bật dậy khi nghe thấy tiếng bước chân của Amira. Anh là một người đàn ông cao lớn, cơ bắp cuồn cuộn, tuổi trạc ngoài hai mươi, tóc cắt ngắn và có đôi mắt xanh. Anh nói bằng giọng Anh, nhưng Amira nghi ngờ anh không phải là người Anh chính gốc. Cô ta nhìn xuống bà Martinson.

“Trễ rồi, thưa bà. Đã đến lúc lên lầu và chuẩn bị đi ngủ”.

Cô ta đẩy chiếc xe lăn ra khỏi nhà tắm nắng, rồi đi dọc theo hành lang đến khu vực thang máy. Người vệ sĩ bấm nút gọi thang. Giây lát sau họ bước vào một khoang thang máy và lặng lẽ đi lên đến phòng của bà Martinson ở tầng bốn. Trước khi bước vào, Amira dừng lại và nhìn anh vệ sĩ.

“Tôi sẽ tắm cho bà ấy. Sao anh không đợi ở đây đến khi nào tôi xong việc?”

“Bà ấy đi đâu, tôi theo đó”.

“Tối nào chúng ta cũng tranh cãi về chuyện này. Người phụ nữ đáng thương này cũng xứng đáng được hưởng một chút riêng tư chứ?”

“Bà ấy đi đâu, tôi theo đó”, chàng vệ sĩ lặp lại.

Amira lắc đầu và đẩy chiếc xe lăn chở bà Martinson vào phòng. Người vệ sĩ im lặng theo sau.