Lý Mặc Tiên bị bắt cóc vào năm 2018, bọn bắt cóc chia làm mười lần và mỗi lần thì gửi một cái móng tay của cô ta đến công ty quản lý và người nhà. Phía cảnh sát liên tục điều tra trong nửa tháng, vẫn luôn tìm kiếm manh mối rồi xác định các đối tượng tình nghi, sau đó loại trừ tình nghi, rồi lại tiếp tục tìm kiếm, cứ tuần hoàn công việc như thế và không có một tiến triển gì.
Sau khi cái móng tay cuối cùng xuất hiện thì bọn bắt cóc đã dừng hết mọi hành động.
Thi thể của Lý Mạc Tiên đến nay vẫn chưa được tìm thấy, nếu như cô ta còn sống thì cũng không thấy ai phát hiện người sống ở đâu cả.
Tổ chức bắt cóc gây ra vụ án này vẫn chưa bắt được, giới tính, tuổi tác, lai lịch… đều chưa biết.
Tôi cảm thấy ớn lạnh.
Những vụ án thế này khiến tôi nhớ đến sự trải qua của Lưu Miểu, liên tưởng đến vụ án giết người hàng loạt ở Dân Khánh, rồi nhớ đến sự kiện Niên Thú mà gần đây hay được người ta nhắc tới.
Người dân bình thường, thậm chí cả cảnh sát đang tra án cũng không thể thể biết được nội tình bên trong của những vụ đó. Cũng giống như vụ án giết người hàng loạt ở Dân Khánh vậy, đến bây giờ vẫn là án treo. Vụ Niên Thú thì ở trên mạng khoác lên mình màu sắc tâm linh huyền bí, mặc dù mỗi vụ chết người của sự kiện Niên Thú kia ở phía những người phụ trách đều có báo cáo rõ ràng. Nhưng đêm giao thừa và hai ngày mùng một mùng hai tết trong thành phố Dân Khánh đã bộc phát hàng loạt án mạng, người chết lại vô cùng nhiều thì làm sao mà không khiến người ta phải nghĩ ngợi lung tung được?
Trên mạng đồn thổi những cách nói như thí nghiệm hóa học của chính phủ, người ngoài hành tinh xâm nhập, tế sống phong thủy, quái vật xuất hiện… rầm rầm rộ rộ nổi lên như mưa rào. Thậm chí có người còn đem sự kiện này gán ghép vào các vụ án mạng ở khách sạn Tuấn Ly, điều đó càng khiến cho lòng người hoang mang dữ dội hơn.
Đương nhiên, sự hoang mang của mọi người cũng chỉ là nhất thời thôi, nhưng điều đó sẽ làm nâng cao thu nhập nhang dầu cho các chùa chiền đạo quán. Ngoài ra sẽ có những người tự xưng là tiên sinh âm dương, hay bà đồng đại sư… xuất hiện như nấm mọc sau mưa, đồng thời “thuyết giảng” những hiểu biết của mình về thế giới tâm linh huyền bí cho người ta, hòng bán một số pháp khí bùa ngải gì đó.
Tôi đoán mấy người đó đều là phường lừa đảo cả.
Vì nếu như là những người thật sự có năng lực thì đã tìm đường trốn từ lâu rồi. Ví dụ như Huyền Thanh Chân Nhân, trong khoảng thời gian này vẫn chưa thấy bóng dáng.
Ngoài những thành phần mạo danh chuyên gia ấy ra, thì còn có cả các tay thích viết lách, đăng video, đăng quảng cáo sản phẩm trên mạng… nhân cơ hội này để tăng thêm độ hot, cũng có khả năng thật sự vì những chuyện này mà có được những linh cảm.
Cái người mà trước đây đã livestream cận cảnh khách sạn Tuấn Ly, lần này lại chạy đến địa điểm xảy ra vụ án được chính quyền công bố để hoạt động. Vì hiện trường bị phong tỏa nên anh ta bèn quay xung quanh, rồi quay cả hàng rào phân cách và các cảnh sát bảo vệ, như thế thôi cũng đủ theo kịp phong trào rồi.
Tôi lướt qua các thông tin về Lý Mặc Tiên, cũng tìm thấy những nội dung tương tự.
Cái cô Lý Mặc Tiên này chắc chắn là người có đầu óc, có thể kiếm sống bằng nghề này, chứ không phải chỉ là những hot girl sáng rồi vụt tắt trên mạng, ngược lại cô ta là một người đa tài đa nghệ ở nhiều phương diện. Năm 2018, cô ấy vẫn còn là một người nổi tiếng trên mạng, độ hot không hề thấp. Trước lúc bị bắt cóc, cô ấy đang livestream chơi một trò chơi offline lớn. Đột nhiên cô ấy bị bắt cóc thì đương nhiên sẽ dẫn đến một số lượng lớn người quan tâm rồi. Không biết là do trùng hợp hay do nhóm bắt cóc cố tình, mà cái trò chơi Lý Mặc Tiên chơi có tên là “Chạy thoát”, tên tiếng anh chính gốc là “Abduction”, mang hơi hướng bắt cóc. Ý tưởng của trò chơi này rất lạ, người chơi không vào vai người bị hại muốn chạy thoát, mà là sắm vai người bắt cóc, ngăn cản các NPC khôn ngoan trốn thoát, đồng thời sẽ đọ sức với cảnh sát.
Vụ án Lý Mặc Tiên bị bắt cóc cũng dẫn đến sự chú ý của cả giới chơi game. Các bài viết bình luận phản đối trò chơi bạo lực xuất hiện không ngớt, ngay cả giới chơi game ở nước ngoài và các trang tin tức xã hội cũng có một sự chú ý nhất định với chuyện này.
Ấy vậy mà vụ án này đến bây giờ vẫn chưa có kết quả gì.
Lúc ấy công ty sản xuất trò chơi đó đã lên tiếng giải thích, sau đấy cũng đình chỉ việc bán ra những phiên bản tiếp theo của trò chơi. Điều này trái lại càng khiến cho trò chơi thêm phần thần bí, số lượng và giá của các đĩa đã bán ra đột ngột tăng cao.
Nhìn thấy hai chữ “trò chơi”, tôi bất giác liền cảm thấy căng thẳng.
Nhưng sau khi xem hết các thông tin, tôi nhận thấy chuyện này không liên quan gì đến cái “trò chơi” kia cả. Đây không phải là phong cách của cái “trò chơi” kia.
Ngoài Lý Mặc Tiên ra thì chẳng có người chơi nào khác bị hại.
Tôi vẫn có chút nghi ngờ chuyện này là một sự kiện tâm linh huyền bí, nhưng bản thân cũng không có chứng cứ, lại càng không có ý đi điều tra.
Năm 2018… Diệp Thanh mất tích vào khoảng thời gian năm 2017, vụ này chắc cũng không liên quan đến Diệp Thanh.
Khi đi làm, tôi lại kể cho đám Tí Còi nghe sự kiện “Photoshop” như thường lệ.
Quách Ngọc Khiết kinh ngạc mà “a” một tiếng.
“Em có nghe qua tên Lý Mặc Tiên à?” Tôi hỏi.
“Hay là em nhận được các loại tin nhắn nguyền rủa kiểu đó?” Tí Còi hỏi.
Quách Ngọc Khiết lắc đầu, “Em biết cô Mặc Mặc kia! Phòng dạy trang điểm của cô ấy thời đó rất được các bạn gái ưa thích. Dạy trang điểm, photoshop, cái kĩ năng photoshop của em bây giờ cũng xem như là học được từ cô ấy đấy.”
Điều khiến chúng tôi không ngờ nữa là Trần Hiểu Khâu cũng gật đầu.
“Em cũng vậy?” Tí Còi ngạc nhiên.
“Bạn bè thời đại học của em đều giới thiệu, em cũng từng xem mấy video của cô ấy. Đó đúng là một người rất tài giỏi.” Trần Hiểu Khâu khẳng định nói.
Tí Còi đồng ý với câu nói cuối cùng của Trần Hiểu Khâu, “Đúng là rất giỏi. Livestream về việc chơi game rất khá, không phải chỉ là cái loại quay cho có để kiếm tiền bình thường, mà có thể nhìn ra được là cô ấy tuyệt đối đã rất tận tâm tận lực chuẩn bị.”
Lúc này tôi mới nhớ ra, thời đại học Tí Còi có nhắc đến Lý Mặc Tiên. Có điều lúc đó đã là năm ba, những công việc như làm luận án, tốt nghiệp, thực tập, tìm việc… bao nhiêu áp lực cùng ập đến như thế khiến cho tôi không có thời gian quan tâm những chuyện này.
Tí Còi như được gãi trúng chỗ ngứa, liền giảng giải cho chúng tôi một thôi một hồi về việc Lý Mặc Tiên chơi game. Kỳ thực đó là lần đầu tiên Lý Mặc Tiên livestream trò chơi “Chạy thoát”, trước đó cô ấy không có thật sự nghiêm túc đụng tới mảng game này, nhưng đã từng được công ty game mời đi đóng quảng cáo mấy lần rồi. Mà kết thúc của trò chơi “Chạy thoát” khác hẳn với diễn biến của vụ án Lý Mặc Tiên. Người chơi sắm vai kẻ bắt cóc, bên phía sản xuất đưa ra 99 loại kết cục và phần lớn kết cục đều là người chơi chết, không phải chết do những cái bẫy của mình tự giăng ra, mà là bị chính những con tin giết chết, hoặc là bị cảnh sát truy đuổi rồi trúng đạn chết. Kết cục ít ỏi còn lại của người bắt cóc tuy không chết nhưng cũng cực kì thê thảm, trong quá trình bắt cóc chạy trốn bị thương, rồi để lại thương tật, nếu không thì cũng trốn chui trốn nhủi, sống cuộc sống khổ sở. Còn hiếm nhất và cũng là kết cục có độ khó cao nhất chính là phe bắt cóc thắng lợi, lấy được tiền chuộc, giết chết con tin rồi lặn mất tăm, tận hưởng ăn chơi chác táng ở một đất nước xa lạ nào đó. Tình tiết cuối cùng trong kịch bản đó là kẻ bắt cóc bị người ta đánh thuốc mê, tỉnh dậy thấy mình bị trói và nhốt trong một căn phòng nhỏ xíu, không nhừng gào thét kêu cứu.
Nghe nói, công ty game đó định phát hành phiên bản game “Chạy thoát 2”, nhưng do vụ án của Lý Mặc Tiên nên buộc phải dừng lại.
“Nếu nói vậy, chỉ xem kết cục thôi thì game này vẫn đứng về phe chính nghĩa mà.” Gã Béo nói.
Tí Còi giơ tay. “Cho dù nói thế nào thì game này cũng đã dính thị phi rồi, cho nên không thể ra tiếp phần hai được nữa đâu.”
Tí Còi hăng hái giới thiệu trò chơi, chớp mắt thời gian trôi qua rất nhanh. Chúng tôi bắt đầu công việc của ngày mới, sau đó tan sở trở về, giống như bao nhiêu ngày làm việc khác.
Khi tôi còn ngồi trên xe buýt về nhà thì chợt cảm thấy điện thoại rung lên không ngừng. Tần suất rung này không phải là cuộc gọi đến. Vốn dĩ định không muốn xem, nhưng với cái tần suất rung dày đặc này vẫn khiến tôi không thể nhịn nổi mà rút điện thoại ra xem trong cái không gian xe chật chội đông người.
“ĐM…”
“Ôi trời ơi…”
[10“]
[6“]
...
Rất nhiều, rất nhiều tin nhắn, đều là của Quách Ngọc Khiết gửi, mà ý nghĩa cũng không rõ ràng gì cả.
Tôi tiện tay bật tin nhắn thoại trong điện thoại lên, giọng nói bực bội của Quách Ngọc Khiết và âm thanh hỗn loạn bên cạnh cô ấy vang lên trên xe buýt:
“Có một thằng biến thái đang ‘tự xử’ ngay trong tàu điện ngầm! ĐM!!!”