Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 265: Cuộc đọ sức của các bên

Câu nói này của Trần Hiểu Khâu khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ.

Trần Hiểu Khâu nói ra câu này, cũng không thể chỉ dừng ở đây.

Bình thường Phòng Di dời của chúng tôi luôn có thói quen không đóng cửa, vốn dĩ các tầng đã rất ồn ào, trạng thái công việc của mọi người cũng không tới mức căng thẳng nghiêm trọng, chốc chốc lại nhao nhao nói chuyện. Nói như vậy chỉ cần không la hét lớn tiếng thì sẽ không sợ bị người khác nghe thấy. Nhưng lúc này, cả tầng lầu đều vô cùng yên tĩnh, mọi người làm việc đều rất nhẹ tay nhẹ chân. Chỉ cần có một người nói chuyện với âm lượng bình thường thì các phòng bên cạnh đều có thể nghe rõ mồn một.

Lúc Trần Hiểu Khâu lên tiếng thì đã hạ giọng thấp xuống, lúc này nói tiếp lại càng nhỏ tiếng hơn.

Chúng tôi kéo nhau qua bàn của Trần Hiểu Khâu, làm kiểu giống như đang mở một cuộc họp nhỏ.

“Chú út của em đã nghe ngóng được, bên phía Cục Chế tạo Khánh Châu bây giờ đã chia thành ba phe.” Trần Hiểu Khâu từ từ kể lại sự việc, “Một phe giống như Dư Tân Vanh vậy, chuyện gì cũng không tham gia, cứ thuận theo tự nhiên, chỉ đứng bên cạnh để quan sát. Một phe như kiểu Ngô Mân Đường, muốn mượn chuyện di dời để thanh lý sạch Diệp Thanh. Phe cuối cùng thì sợ chuyện di dời sẽ làm Diệp Thanh phẫn nộ nên muốn ngăn cản công tác di dời.”

Cục Chế tạo Khánh Châu mà Trần Hiểu Khâu đã nói chắc chắn là những nhân vật lớn đứng phía sau của Cục Chế tạo Khánh Châu. Ngô Mân Đường chính là người đã thuê sát thủ tập kích Trần Hiểu Khâu, kết quả là bị Diệp Thanh đem ra ngũ mã phanh thây một cách tàn bạo.

“Sự việc lần này là kế hoạch của những người ở phe cuối cùng. Bọn họ đã mua được bên công ty bất động sản, các lãnh đạo cấp trên của Phòng Di dời chắc cũng có người của họ. Bọn họ muốn mượn sự việc lần này để dừng việc di dời.” Trần Hiểu Khâu nói.

“Như vậy là có thể dừng việc di dời sao?” Quách Ngọc Khiết nghi ngờ hỏi.

“Dĩ nhiên là lãnh đạo cấp trên không thể vì lý do như vậy mà kêu dừng di dời được, nhưng xảy ra việc lần này, thì tiến độ di dời chắc là cũng phải chậm lại. Nói không chừng người phụ trách Phòng Di dời và cả lãnh đạo lớn cấp trên cũng phải bị thay đổi theo. Chuyện này cần phải lên kế hoạch chu đáo, để đổi thành người của họ…” Tí Còi nói những lời có ý sâu xa.

“Cứ cho là không thay người thì cứ kéo tới kéo lui thế này, nói không chừng sẽ kéo tới nhiệm kỳ mới.” Gã Béo bổ sung ý.

“Nói ra thì, nhiệm kỳ tiếp theo của chúng ta phải đổi người rồi à?” Tí Còi tiếp tục chủ đề này.

“Cũng không thể quản được mấy chuyện nhỏ nhặt này đâu nhỉ? Hơn nữa, họ cũng có thể can thiệp vào chuyện tuyển người này sao?” Quách Ngọc Khiết không tin.

“Sau đợt nhân sự biến đổi chắc chắn sẽ có rất nhiều việc. Dù sao thì việc di dời không có khả năng tiến hành nhanh được.” Gã Béo lắc đầu.

“Chủ ý này hay đó, Diệp Thanh cũng nhất định vui vẻ tán thành. Họ sẽ không giống loại người như Ngô Mân Đường kia.” Tí Còi nói.

“Cũng không có ai giống Ngô Mân Đường đâu.” Trần Hiểu Khâu nói.

Khoảng thời gian trước, lúc Trần Hiểu Khâu trò chuyện với chúng tôi cũng đã từng nói, Ngô Mân Đường là trường hợp đặc biệt. Gia tộc ông ta vốn là theo nghiệp quân binh, trên gia phả có ghi lại, ông cố còn là một vị quan lớn, nhưng đến đời ông nội thì phạm phải kỷ luật của quân đội nên bị khai trừ khỏi quân ngũ. Ông nội của ông ta tính tình tự do, không coi ai ra gì, đã ba bốn mươi tuổi rồi mà còn vì chuyện đôi co với người khác mà đánh nhau giữa phố, bị người ta đánh chết. Cha và mấy chú bác của ông ta cũng không an phận, đến đời ông ta còn có hai ông anh họ phạm pháp, ngồi mấy năm trong tù. Ngay cả bản thân Ngô Mân Đường cũng chẳng sạch sẽ gì, hình như hồi còn trẻ cũng từng phạm tội giết người, nhưng mà tìm người khác gánh thay, cho nên mới không phải ăn cơm tù như mấy ông anh họ kia.

Mấy con cáo già của Cục Chế tạo Khánh Châu nếu phạm tội thì cũng chỉ là tội phạm kinh tế hay chính trị, còn kiểu giết người như thế này cũng chỉ có một mình nhà họ Ngô mới làm được thôi.

Nghe sự việc này xong, tôi có phần dễ dàng chấp nhận thủ đoạn tàn ác của Diệp Thanh hơn, nhưng cũng chỉ là một chút thôi. Hình tượng Diệp Thanh trong lòng tôi, từ khi xem xong hồ sơ “Giọng ca của Thiên Thần” liền cảm giác có vẻ không phải là người tốt lành gì. Nói chính xác, anh ta sẽ vì đạt được mục đích mà không từ thủ đoạn, hoàn toàn không để tâm đến mạng người gì hết.

Tôi hỏi Trần Hiểu Khâu: “Vụ nổ đường ống dẫn nước cũng là họ làm sao?”

Trần Hiểu Khâu ngơ người, “Chuyện này thì không biết rõ. Đội tu sửa đã sửa ống nước xong chưa?”

Chúng tôi đều lắc đầu.

“Em đi hỏi Chủ nhiệm Mao xem sao!” Quách Ngọc Khiết xung phong nhận việc.

Gọi điện thoại đến Ủy ban nhưng Chủ nhiệm Mao không có ở đó, nhân viên công tác của Ủy ban nói những đường ống nước kia vẫn chưa sửa xong, tối qua chủ nhiệm Mão đã ở hiện trường giám sát cả một đêm, sáng sớm mới trở về ngủ một giấc.

Tí Còi hỏi: “Anh Kỳ, anh vẫn còn nghi ngờ chuyện ống nước đó sao?”

“Chuyện này vốn có một chút kỳ lạ. Nếu là người làm vậy thì còn đỡ. Tiếp theo chỉ cần xem người của Cục Chế tạo Khánh Châu đấu đá lẫn nhau thôi.” Tôi nói.

Tôi không tin là Ngô Mân Đường chết thì những người theo phe ủng hộ việc giải tỏa di dời sẽ ngừng hành động. Đây có thể là cơ hội duy nhất họ có thể mượn đao giết người, thủ tiêu Diệp Thanh, không thành công thì tìm cơ hội bỏ trốn, đợi xem Diệp Thanh và thôn Sáu Công Nông có tồn tại thêm mười mấy năm không? Huống hồ, lần này Diệp Thanh giết người băm xác, những người đó sẽ càng kiêng dè Diệp Thanh hơn, càng muốn trừ khử anh ta.

Trần Hiểu Khâu suy tính: “Hay để em quay về hỏi chú út xem sao. Nếu họ đấu nhau thì chúng ta cũng thoải mái rồi. Không chỉ có họ, còn có những người không biết chuyện của Diệp Thanh nữa mà.”

Tôi không biết quyết định di dời sơ bộ có phải do người của Cục Chế tạo Khánh Châu đứng đằng sau giật dây hay không, nhưng chính phủ đã quyết định di dời rồi, đất nền cần phải giải phóng. Quan trọng hơn là có khả năng đất nền này đã lọt vào tầm ngắm của mấy nhà kinh doanh bất động sản, đang chuẩn bị tích cóp tiền để tham gia các đợt đấu giá sắp tới.

Những người có lợi ích trong đó không chỉ có Cục Chế tạo Khánh Châu.

Mấy nhân vật nhỏ chúng tôi chỉ có thể đứng bên cạnh xem náo nhiệt.

Buổi chiều Chủ nhiệm Mao đến Ủy ban liền gọi điện thoại cho chúng tôi.

“Tiểu Lâm à, thật ngại quá, sáng nay tôi về nhà ngủ luôn mấy tiếng đồng hồ.” Giọng nói của Chủ nhiệm Mao chứa đầy sự mệt mỏi.

“Ôi Chủ nhiệm Mao, cô nói gì vậy chứ? Tối qua cô đã cực khổ rồi.” Tôi vội nói, rồi lại hỏi Chủ nhiệm Mao, “Bây giờ tình hình của ống dẫn nước thế nào rồi? Đã sửa xong hết chưa?”

Chủ nhiệm Mao thở dài, “Vẫn chưa. Đường ống chỗ nào cũng đều có vấn đề, tối hôm qua đã bắt đầu ngắt nước trong khu nhà rồi, đến bây giờ cũng chưa thể khôi phục được.”

“Rốt cuộc chuyện này là sao vậy? Phạm vi ảnh hưởng lớn như vậy sao?”

“Tôi cũng đang buồn bực đây. Đội sửa chữa đến bây giờ vẫn chưa rõ nguyên do, vẫn vừa sửa vừa điều tra.”

“Vậy bên cô có tin tức gì thì có thể báo cho chúng cháu biết một tiếng được không?” Tôi khách sáo hỏi.

Chủ nhiệm Mao có chút nghi ngờ: “Ờ, được.”

Tôi biết Chủ nhiệm Mao đang nghi ngờ chuyện gì. Trước đây chúng tôi và Chủ nhiệm Mao hợp tác rất vui vẻ, thôn Sáu Công Nông có chuyện gì cô ấy cũng chủ động thông báo cho chúng tôi một tiếng, để chúng tôi nhanh chóng qua đó. Lần này có lẽ là chủ nhiệm Mao đột nhiên bận rộn nên không thể chú ý mà gọi điện thoại cho chúng tôi được, chúng tôi bên này cũng biết điều đó nên không chủ động đi qua.

Ngược lại tôi muốn đến hiện trường xem thế nào. Nếu thật sự có ma thì xem xem có âm khí hay không là biết ngay thôi. Nhưng tối qua Trưởng phòng Mã lại mở cuộc họp lâu như thế với chúng tôi, nếu như lúc đó tôi vô tổ chức vô kỷ luật mà chạy đi thì nhất định sẽ bị phê bình.

Vừa suy nghĩ, tôi hỏi: “Chủ nhiệm Mao, chuyện này không có ai tố cáo lên đài truyền hình sao?”

“Tối qua có người tới làm phỏng vấn đó. Tôi cũng bị hỏi vài câu. Tivi vẫn chưa phát sao?” Giọng điệu của Chủ nhiệm Mao có chút nghi ngờ. Chắc là bà ấy cho rằng chúng tôi biết được chuyện này từ bản tin thời sự.

“Vẫn chưa thấy ạ. Thôi cô cứ bận chuyện của cô đi, cháu không quấy rầy nữa.” Tôi nói.

Chủ nhiệm Mao thật sự rất bận nên cũng không nghĩ thêm nhiều nữa liền nói tạm biệt với tôi.