Người nhận đúng là em gái, địa chỉ cũng không có vấn đề. Phần người gửi là một kho hàng ở vùng ngoại ô Dân Khánh, để tên trang mạng. Ở dòng đề thông tin hàng chuyển phát, thì viết: “Mùa hè của Chim Cánh Cụt”, tác giả Bạch An; Đính kèm: Hình dán Chim Cánh Cụt nhỏ + sổ tay có in hoa văn Chim Cánh Cụt, miễn phí vận chuyển. Hàng sẵn có thuộc hệ Moe trong truyện tranh. Hai chữ Bạch An đập vào mắt tôi trước tiên, và trở nên cực kỳ nổi bật trước mắt tôi. Tôi cầm gói hàng đi lên lầu, vừa leo cầu thang vừa gọi điện cho em gái. Nó ngắt máy, rồi nhắn tin lại bảo mình đang trong giờ học. Tôi đành gửi tin hỏi nó mấy thứ này là gì. Lát sau, nó gửi một đường link của hàng nhận được. Trang chi tiết của thứ này được biên tập đầy màu sắc. Con chim cánh cụt màu đen trắng múp míp xuất hiện dày đặc, chắc là nhân vật chính của bộ truyện tranh này. Xem một vài phân đoạn, thì đây là thể loại truyện tranh bốn ô hài hước. Ở mặt sau trang bìa, sau một chuỗi nội dung xem như giới thiệu và quảng cáo khuyến mãi, tôi đã nhìn thấy thông tin của tác giả. “Bạch An, tác giả truyện tranh, đang đầu quân cho công ty Manh Miêu, sở trường là các mẫu hình nhân vật dễ thương, nội dung tác phẩm huyền bí thú vị, rất được yêu thích. Sở hữu hàng triệu fan trên mạng xã hội, là một trong ba người nổi tiếng hàng đầu trong bảng xếp hạng các tác giả truyện tranh trên mạng.” Tôi nhất thời không biết có phải mình đã lo lắng quá nhiều hay không. Tôi rất mẫn cảm với cái tên “Bạch An” này, là vì có một ông già nuôi dưỡng ma mặt xanh, ôm lòng tà ác, cũng có tên là Bạch An. Ông ta đã bị Diệp Thanh giết, điểm này dù Diệp Thanh đã chính miệng thừa nhận, hay chính tôi đã tận mắt chứng kiến trong cảnh mộng, cũng đều có thể chứng thực. Bạch An chắc đã chết rồi. Người họa sĩ truyện tranh này chắc chỉ là trùng tên với ông ta mà thôi. Đây có lẽ chỉ là bút danh. “Bạch An” – cái tên nghe có chút gì đó mới mẻ, cũng phù hợp với thân phận của một nhà sáng tác truyện tranh. Tôi đè nỗi bất an trong lòng xuống, sau khi về đến nhà thì đem gói hàng để trong phòng em gái rồi ăn cơm tối cũng cha mẹ. Ăn cơm xong, rửa bát đĩa, về lại phòng, mở máy tính lên. Tôi rút hồ sơ trên kệ sách ra, nhưng vừa ngồi vào bàn vi tính thì tôi lại mở thanh trình duyệt web lên trong vô thức, gõ tìm thông tin về người tên Bạch An đó. Thông tin trên mạng có nhiều hơn và đầy đủ hơn. Lý lịch của Bạch An rất phong phú, anh ta vào nghề cách đây hơn năm năm, tác phẩm đầu tay có tên “Chó dữ”, một bộ truyện tranh kinh dị được đăng trên trang mạng xã hội truyện tranh và được đánh giá rất cao, nhưng số lương tiêu thụ không cao lắm. Nghe nói là do quá đáng sợ, rất nhiều người không dám xem. Sau đó anh ta bèn chuyển qua truyện tranh thể loại Moe, viết truyện ngắn, sáng tác các hình vẽ biểu cảm. Có người bảo sau lưng Bạch An có một ê-kíp, cái công ty truyện tranh có tên là Manh Miêu, có người chuyên viết kịch bản gốc, viết truyện ngắn, còn họa sĩ truyện tranh như Bạch An thì chỉ đơn thuần là họa sĩ, bản thân không viết truyện. Tôi đọc nội dung lý lịch này, từ từ chuyển qua tò mò, click vào đường link liên kết với các tác phẩm của Bạch An. Trong lòng tôi đã trào ra vài ý nghĩ, nhưng tôi chưa suy nghĩ rõ, mà xem bộ truyện “Chó dữ” trước. Hình bìa của bộ truyện có màu đen sậm, một con chó có màu đỏ rực như lửa và hai chữ “Chó dữ” gớm ghiếc chiếm toàn bộ khung hình. Hình bìa này có vẻ còn hơi thô, không phải loại hình minh họa đầy tinh tế. Sau khi chuyển trang, tranh màu đã tươi sáng sặc sỡ hơn nhiều, không còn cảm giác ức chế của trang bìa nữa. Câu chuyện mào đầu rất trực tiếp, một người đàn ông đang bịt tai, chịu đựng tiếng sủa lớn của con chó nhà hàng xóm. Tim tôi giật thót, xem tiếp bên dưới, nội dung sau đó rất tương tự với bộ hồ sơ “Chó sủa ban ngày”. Nhưng nhân vật chính của câu chuyện này là người đàn ông đó. Anh ta chịu không nổi tiếng chó sủa, đi gặp hàng xóm mắng mỏ thì mới biết hàng xóm hoàn toàn không nuôi chó. Ban ngày, hàng xóm đi làm, không có ở nhà, cũng không thể nào là âm thanh phát ra từ những máy móc như tivi được. Anh ta đã ra ban công rình, nhìn chăm chú ban công của nhà hàng xóm, cuối cùng anh ta đã thấy bóng con chó ấy trên kính ban công. Anh ta cứ ngỡ mình đã nắm được chứng cứ, đến gặp hàng xóm lần nữa, không ngờ khi vào nhà thì trong nhà hàng xóm hoàn toàn không có con chó nào, chỉ có cái chuồng chó trên ban công do ông chủ cho thuê nhà để lại. Men theo quá trình điều tra của người đàn ông, các sự kiện đẫm máu đáng sợ liên tiếp xảy ra. Đầu tiên là hàng xóm bị cắn chết trong chuồng chó, kế đó là cả nhà chủ cho thuê nhà bị quái vật tấn công, chết không toàn thây. Người đàn ông tìm được nhà của chủ cho thuê nhà, mới biết được truyền thuyết về con chó mực trong nhà ông ta. Ông chủ nhà vốn có nuôi một con chó, sau đó đem bỏ rơi nó ở dưới quê, biến thành chó hoang. Rồi con chó tấn công người, bị người ta đánh chết, biến thành hồn ma, quay lại cắn chết chủ. Đoạn cuối cùng của quá trình điều tra, người đàn ông đã đụng độ với con chó dữ ấy. Bộ truyện đến đây thì hình như tay nghề vẽ của Bạch An đã được rèn giũa, cũng có thể đã để toàn bộ tâm huyết vào trang truyện này. Trên toàn bộ trang này, trong bối cảnh đèn tối, con chó dữ đỏ rực thực sự giống hệt một con ác ma, thân nó đầy máu me và thương tích, mất một tai, có một con mắt cũng đã bị lòi ra ngoài, tứ chi và đuôi đều có vết gãy xương. Không giống với con chó tôi đã thấy trong cảnh mộng lắm, nhưng sức tấn công thì ngang ngửa nhau. Đó hoàn toàn là một con quái vật. Tình tiết tiếp theo thì khác biệt rất lớn so với bộ hồ sơ ấy. Nhân vật chính bị con chó dữ truy đuổi, sau khi bị con chó bắt kịp, thì nỗ lực phản kích, đánh chết nó. Nhưng anh ta đã bị dính máu của con chó dữ, và bị nó cắn, giống như một loại bệnh truyền nhiễm, trên cơ thể đã xuất hiện những đặc trưng của loài chó. Kết cục của bộ truyện là người đàn ông ấy bò bốn chi trên đất, vẻ mặt điên dại. Cái bóng anh ta phản chiếu lên vách, có hình dạng giống hệt con chó dữ kia. Bộ truyện này không dài, lời thoại cũng rất ít, cộng thêm tôi đã xem xong hồ sơ của Thanh Diệp, nên xem lướt qua một lượt cũng chẳng mất bao nhiêu thời gian. Tôi đọc bình luận, xem những nội dung tám chuyện của những người khác, chẳng ai bảo bộ “Chó dữ” này được cải biên từ một câu chuyện có thật cả. Chắc hẳn Bạch An không kể cho người ta biết về Thanh Diệp. Tôi gửi tin nhắn cho Ngô Linh, hỏi thăm ấn tượng của cô ấy về người ủy thác trong bộ hồ sơ “Chó sủa ban ngày”. Tôi còn nhớ chồng của người ủy thác họ Bạch, họ có một đứa con trai, hình như tên là Bạch An… Trong khi đợi hồi đáp của Ngô Linh, tôi lại lên xem trang mạng xã hội của Bạch An. Nếu Bạch An này đúng là cậu nhóc Bạch An năm xưa, thì sau khi anh ta lớn lên, trở thành nhà sáng tác truyện tranh, đem câu chuyện gia đình mình gặp phải trước kia viết thành truyện, vậy cũng chẳng phải chuyện gì to tát. Và anh ta còn thay đổi phong cách, ngoại trừ bộ truyện kinh dị đầu tay này, sau đó anh ta chỉ viết thể loại Moe. Tôi mở trang mạng xã hội của Bạch An ra, nội dung trang đầu đều là hình ảnh chim cánh cụt với đôi mắt tròn xoe, rất nhiều phân đoạn có thêm biểu cảm của chim cánh cụt. Kéo chuột xuống, tôi thấy được tranh minh họa do Bạch An đăng lên. Anh ta thường chọn tông màu tối, tôi quét mắt qua một lượt, chỉ thấy một vầng trăng có hình dạng kì quái, nhìn kĩ thì mới đổ mồ hôi lạnh. Tác phẩm này là bóng trăng trên mặt nước. Nước là loại nước hồ đen kịt, vầng trăng thì tròn, có thể nhìn thấy những vùng tối trên bề mặt vầng trăng. Khi nhìn từ xa sẽ nhận ra những vùng tối ấy đang cấu thành nên khuôn mặt của một cô gái. Thần thái của cô gái đờ đẫn, mang lại cho người ta cảm giác khó chịu. Mà trong mặt nước hồ đen cũng có bóng đen, những khuôn mặt lờ mờ, chỉ có mắt và miệng đang cười toe toét, nhưng lại giống như muốn ăn thịt người. Bình luận dưới bức tranh này đều có nội dung: “Khiếp quá”, “Sợ thật”, “Vãi cả ra quần”… Tôi thấy có một người, hình như là fan của Bạch An, gửi một biểu tượng run cầm cập, hỏi Bạch An có phải muốn quay lại thể loại kinh dị hay không, mà sao gần đây lại hay đăng rất nhiều những ảnh minh họa hãi hùng đến thế. Tôi thấy mí mặt giật giật. Tôi mở ngay album ảnh của Bạch An, quả nhiên có hai thể loại rạch ròi. Một là chim cánh cụt với tông màu nhạt, loại còn lại dùng tông màu tối làm chủ đạo. Mặt ma, ma nữ, quái vật, cụt tay, đứt đầu… có cả những tấm hình bị trang mạng che lại. Càng xem, tôi càng thấy hoảng. Tôi nhìn thấy bức tranh khá giống với ma nữ chuyển phát nhanh và cũng nhìn thấy các tạo hình quái vật giống Behemoth và Kỳ Lân. Mãi đến khi tôi nhìn thấy bức tranh ma mặt xanh bò dưới chân tường, tôi mới thực sự chắc chắn. Tên Bạch An này chắc chắn đã từng thấy thực thể của những thứ này, bằng không, anh ta không thể nào vẽ giống như thế được! Tin nhắn trả lời của Ngô Linh đã đến, nhưng tôi không xem, mà gọi điện để nói chuyện trực tiếp.