Hồ Sinh Tử

Chương 40

Giữa thu, lá rơi đầy sân vườn trên đường An Tức, hiếm hoi lắm mới thấy cô Tào quên không tưới nước cho cây cối trong bồn. Tư Vọng 16 tuổi đúng hẹn lại tới, mang theo vài món mà người già thích ăn. Mấy tháng nay bà cụ và cậu thanh niên trẻ này đã trở thành bạn vong niên, hầu như cuối tuần nào cũng gặp mặt, lần trước bà còn hỏi thẳng cậu: “Cháu cũng là người như nó ư?”

Bà từ trước tới nay chưa bao giờ gọi tên Doãn Ngọc, cậu hoài nghi “nó” trong lời của bà không phải là con gái, mà là con trai.

“Dạ?”

“Kiếp trước cháu là ai?”

“Cháu chỉ là một người bình thường, sống đến năm 25 tuổi thôi cô ạ, không được oanh liệt như cô nên cháu rất ngưỡng mộ cô, cô Tào ạ.”

“Hai lăm tuổi?” Đôi môi nhăn nheo của bà run run, bà vẫy tay, “Con à, lại đây với bà.”

Tư Vọng tựa như đứa cháu bé nhỏ nằm yên trong lòng bà, nghe tiếng tim đập chậm rãi mà nặng nề của bà.

“Ta từng kết hôn, nhưng không sinh được con. Hồi còn kháng chiến, vì khổ sở chạy loạn mà sảy thai.” Bà khe khẽ vuốt tóc cậu, “Ta rất muốn có một đứa con, nhưng lại không thể, sau này chồng của ta đến Đài Loan, trở thành một nhân vật lớn, rồi ở lại đó kết hôn sinh con. Những năm 80 của thế kỷ 20, ông ấy quay về Đại Lục gặp ta một lần, từ đó không còn liên lạc gì nữa. Sau này ta đọc báo mới biết tin ông ấy qua đời. Ta tận mắt nhìn thấy vô số những kẻ giết người và những người bị giết, cháu mãi mãi không báo được hết thù của mình đâu, cháu hiểu không?”

“Nhưng mà...”

“Khổng Tử nói, chuyện xưa cứ chảy trôi, đêm ngày mãi không ngừng!” Bà cụ nói xong câu này rồi nhắm mắt lại ngủ.

Lúc này, Tư Vọng bước vào phòng đọc sách của cô Tào, phát hiện ra sắc mặt bà cực kỳ xấu, cả người lả đi trên chiếc ghế dài, gương mặt tái mét không còn chút máu. Bà vươn cánh tay khô héo như người chết ra, mấp máy vài chữ từ trong cổ họng: “Nó... nó... chẳng phải là... đã... chết... rồi... ư...”

“Ai ạ? Không, chị ấy đang sống rất tốt ở Hong Kong, cô đừng nghĩ lung tung mà!”

“Cháu đang lừa ta!”

“Cháu không lừa cô, cháu và chị ấy vẫn thường xuyên gửi thư cho nhau mà. ”

“Đêm qua ta đã nằm mơ thấy nó.”

Lại là thác mộng? Lẽ nào Doãn Ngọc thực sự đã chết ở Hong Kong rồi hay sao?

Cô Tào đau đớn tiếp tục nói: “Nó bảo với ta rằng nó đã chết rồi.”

Nước mắt nóng hổi vương đầy trên mặt, Tư Vọng hoang mang vội vã tìm khăn tay, nhưng dù có lau thế nào cũng không hết lệ. Cậu đành đứng trơ mắt nhìn bà cụ khóc đến bi thương, nước mắt ướt đẫm gương mặt già nua. “Từng qua biển lớn, không gì nước, Chưa đến Vu Sơn, chẳng biết mây.” Bà cụ khó nhọc cất giọng ngâm hai câu thơ ấy, dường như trút ra hết hơi thở cuối cùng của sinh mệnh. Cậu thiếu niên trầm mặc, thầm đọc hai câu tiếp theo: “Lần lữa khóm hoa lười để ý, Nửa duyên tu đạo, nửa người đây!”

Một tuần sau, cậu lại đến đường An Tức thăm cô Tào, nhưng cửa lớn đóng chặt, từ khe hở trên cánh cổng nhìn vào chỉ thấy lá rơi ngập vườn. Cậu hỏi thăm nhà hàng xóm mới biết, bảy ngày trước bà cụ đã qua đời, chính vào buổi tối sau khi cậu rời đi. Tư Vọng quỳ sụp xuống bậc thang bằng đá, dập đầu ba lạy.

Mặt đầm đìa nước mắt, cậu ngồi lên xe đạp, đi tới phía bên kia đường An Tức. Trong căn nhà ba tầng cũ kỹ được xây từ những năm 80 của thế kỷ 20 từng có một ông cụ bí ẩn sinh sống, ông cũng chính là người đã trải qua biết bao nhiêu sóng gió đổi thay của thời đại này. Mấy ngày trước, Tư Vọng đến gặp cảnh sát Diệp Tiêu để thăm dò thân phận thực sự của ông cụ sống trong ngôi nhà đó.

“Người cuối cùng ở Trung Quốc theo chủ nghĩa Trostky[20].” Diệp Tiêu để ý thấy cảm xúc trên gương mặt Tư Vọng hơi thay đổi, “Cháu hỏi ông ấy làm gì?”

“Chỉ mỗi ông ấy từng gặp cậu thiếu niên Thân Minh.”

“Nhưng ông ấy đã qua đời từ năm 1992 rồi, hưởng thọ 92 tuổi.”

“Cháu biết, ông ấy là người bạn duy nhất của cháu.”