Hồ Sinh Tử

Chương 25

Lần đầu tiên nhìn thấy Tư Vọng là giữa thu năm 2007, Doãn Ngọc đang học lớp 9B trường trung học Mùng 1 tháng 5.

Cô bé đi một mình trên con đường sỉ than, đi qua hố cát thì nhìn thấy cậu bé đó, đang chăm chú xây cát, có vẻ như là xây lâu đài, lại lẩm bẩm như người tâm thần. Doãn Ngọc loanh quanh bên cậu bé, cho đến khi cậu quay đầu nhìn, giọng nói trầm đến đáng sợ: “Chị đang làm gì đấy?”

“Đây là địa bàn của tao.”

Tiếng nói của cô bé 15 tuổi nghe thật hay, nhưng cố ý nói kiểu thô bạo.

“Tại sao? Không phải đây là nơi công cộng à?”

Vẫn chưa nói xong đã bị cô bé giơ tay tát một cái. Cậu bé 12 tuổi chưa dậy thì, gầy như khỉ, không kịp trở tay ngã luôn vào đống cát, cát chui vào đầy miệng. Vì đứa con gái cao to, nó vốn không phải là đối thủ, nên đành ngậm ngùi chuồn khỏi đó. Doãn Ngọc luôn mặc chiếc quần thể thao màu xanh, áo khoác đồng phục, giày thể thao đen. Chưa ai thấy cô bé mặc váy, càng không thấy khuôn mặt rạng rỡ vui vẻ bao giờ. Cô bé cao gần 1m70, tóc cắt như con trai, đôi mắt long lanh nhưng không hề giống con gái tí nào. Cô bé không bao giờ chơi với bạn nữ, nhưng cũng không có bạn nam, mọi người đều coi cô bé là đứa kỳ dị. Sẽ không có bạn nam nào thích cô bé, hơn nữa lại hay đánh các cậu bé lớp dưới. Có người nói cô bé bị les, thật ra cô bé cũng không có cảm tình với con gái. Thành tích học tập của cô bé rất tốt, thi cuối kỳ năm nào cũng đứng đầu trường, hầu như lần nào cũng đạt điểm tối đa. Cô bé viết bút lông rất giỏi, thoạt nhìn giống như có mấy chục năm công phu vậy, có thể so sánh với thầy thư pháp rồi, thậm chí thầy hiệu trưởng còn xin chữ treo ở nhà. Cô bé thường đọc thơ tiếng Anh trước mặt thầy cô, có lần đọc bài “When you are old” của Yeats, nghe nói không sót một chữ nào, phát âm vô cùng chuẩn, tuy chưa ra nước ngoài bao giờ.

Cô bé phát hiện thằng nhóc học lớp dự bị kia đang theo dõi mình.

Có hôm tan học, Doãn Ngọc cố ý chui vào một ngõ nhỏ, không ngừng nhìn phía sau, quan sát cậu học sinh theo dõi mình. Bỗng nhiên, xuất hiện hai tên lưu manh, mục tiêu lại là cậu bé gầy gò kia, ép cậu vào tường, bắt cậu đưa hết tiền trên người ra, cậu bé liền hô to: “Cứu với!”

Mấy người lớn đi qua giả vờ như không nghe thấy, còn đi nhanh hơn chạy mất.

Doãn Ngọc lập tức quay đầu lại, một cú đấm vào trúng mắt tên lưu manh, hai tên tiểu tử nhãi nhép ấy cũng không có sức đánh trả, mỗi đứa ăn vài cú đấm đá, để lại cậu bé ôm đầu chạy.

“Chị lợi hại thế!”

“Chuyện nhỏ.” Cô bé vỗ tay một cách thô lỗ, như thể là vận động dãn gân cốt, “Ừ, tên nhóc này sao lại theo dõi tao? Có tin là tao đánh mày không!”

“Vì, chị là kẻ kỳ quặc!” Thằng bé xem ra không sợ bị đánh, đứng thẳng lưng nói như một người đàn ông, “Doãn Ngọc, tôi xem trộm bài thi chỗ thầy môn sử, bài thi chị viết toàn là chữ phồn thể.”

“Từ nhỏ tao đã thích chữ phồn thể, chỉ cần thầy không trừ điểm, liên quan đếch gì đến mày?”

“Nét bút của chị rất đẹp, không giống chữ của một đứa con gái tí nào.” Chần chừ một hồi, cậu bé cuối cùng nói vào vấn đề, “Tôi có thể làm bạn với chị không?”

Doãn Ngọc rất ngạc nhiên, sau đó nhìn cậu bé rất nghiêm túc, nói như giọng của cô giáo: “Bạn này, có phải bạn đang đùa không?”

“Vì, tôi giống chị.”

“Cái gì?”

“Tôi cô độc giống chị.”

Cậu bé lộ ra ánh mắt bình tĩnh mà trẻ thành niên mới có.

“Nhóc, tao không hiểu mày có ý gì, nhưng tao có thể làm bạn với mày.”

“Tôi tên là Tư Vọng, Tư trong tư lệnh, Vọng trong thiêu vọng.”

“Được, tao gọi mày là em.”

Năm thứ hai, khắp nơi đều vang lên câu khẩu hiệu: “Bắc Kinh chào đón bạn...”

Cô bé đã học đến học kỳ 2 của năm lớp 9, hai tháng nữa là thi tốt nghiệp cấp 2, nhưng không ôn thi tí nào, ngày nào cũng vẫn chạy thể thao như con trai, trong cặp sách có quyển “Tội ác và hình phạt” của Fyodor Dostoevsky hoặc cuốn “ Tên tôi là Đỏ” của Ferit Orhan Pamuk. Thầy cô không đưa ra yêu cầu nào cao hơn, tin chắc chắn cô bé sẽ thi đỗ trường chuyên. Nếu như hành vi cử chỉ của cô bé không kỳ dị quá, ngay cả Đoàn cũng không vào, thì sớm đã được miễn thi vào thẳng rồi.

Tư Vọng 13 tuổi, tuy đã cao 1m60, nhưng vẫn gầy gò mảnh mai như mầm đỗ xanh, dễ bị lưu manh trấn lột. Doãn Ngọc thành cái ô bảo hộ cho cậu bé, bất luận là trong trường hay trên đường tan học về. Cô bé từ nhỏ tự luyện võ công, người bình thường đều không phải đối thủ. Thầy giáo thể dục tinh thông võ nghệ nói cô bé có bí quyết võ của Hoắc gia - như là được luyện võ cùng Hoắc Nguyên Giáp vậy.

Cô bé thường thảo luận những tác phẩm nổi tiếng với Tư Vọng - “Những người khốn khổ”, “Đỏ và đen”, “Ruồi trâu”, “Anna Karenina”, thơ cổ điển Trung Quốc, tứ đại tác phẩm và “Liêu Trai”, còn có Kafka, Borges, Murakami Haruki...

Cô bé còn quả quyết rằng Mạc Ngôn trong bốn năm nữa sẽ đoạt giải Nobel Văn học.

Có lần trên đường đi học về, đi qua tượng Alexander Sergeyevich Pushkin ở công viên trung tâm, Doãn Ngọc dừng lại đọc một tràng dài tiếng Nga, Tư Vọng chẳng nghe hiểu chữ nào. Cô bé nói một cách thần bí: “Bài thơ này tên là “Nếu cuộc sống lừa dối bạn”.

“Doãn Ngọc, chị học tiếng Nga ở đâu thế?”

“Đây là bí mật!”

“Được thôi, tôi cũng có bí mật, chúng ta trao đổi với nhau được không?”

“Không.”

Bỗng nhiên, gió thổi bay tóc phía trước của cô bé, ánh mắt như con trai, ẩn chứa vẻ đẹp lạnh lùng.

Đi qua một tòa kiến trúc cổ, Tư Vọng nhìn trên cổng có bốn chữ: “Đô thị Thường Đức”, nói khẽ, “Này, chị biết không? Đây là căn nhà Trương Ái Linh đã từng ở đấy, bà ấy gặp và kết hôn cùng Hồ Lan Thành ở đây.”

“Xời!” Doãn Ngọc cười khẩy một cái, cặp sách đeo sau lưng, nhìn lên ban công tòa nhà, “Cái gã Hồ Lan Thành ư? Tao nhổ vào!”

Cô bé còn nhổ nước bọt xuống đất, Tư Vọng lùi lại nửa bước: “Sao chị lại như thế?”

Trấn tĩnh một lát, cô bé sờ tấm biển hiệu trên cổng nói: “Thật ra, tòa nhà này, tao đã đến vài lần rồi, ngày xưa gọi là Đô thị Ái Đinh Đốn.”

Nói xong cô bé lôi tay Tư Vọng, đi thẳng vào cầu thang tối om, trèo lên cầu thang như rất thông thạo, đến trước cửa một căn phòng.

Tay của cô bé rất lạnh, như xác chết vậy.

“Chính là căn phòng này, Trương Ái Linh đã sống ở đây mấy năm - trong phòng xếp rất nhiều loại sách, tiếng Trung, ngoại ngữ, có cả tập ảnh từ châu Âu đem về. Có bộ sofa rẻ tiền, còn có ghế nằm làm bằng mây, bức ảnh nổi tiếng của bà ấy là chụp ở đây. Căn phòng bà ấy dọn dẹp cũng gọn gàng, thi thoảng có người giúp việc, sau khi bà ấy nhận được thù lao hậu hĩnh từ việc xuất bản sách nổi tiếng. Có cần tao kể tiếp không?”

Lúc này, trong phòng vang ra tiếng của một ông già: “Ai ở ngoài đó? Trẻ con không được làm ầm!”

“Đi mau!”

Chạy một mạch xuống nhà, quay về trời đã tối.

“Tôi nghĩ tôi đã hiểu!” Tư Vọng vừa thở dốc vừa nhìn chằm chằm vào mắt cô gái, “Chị thật sự rất đặc biệt!”

Doãn Ngọc mua hai cốc trà sữa bên đường, hút một hơi rõ dài rồi nói: “Không phải thương thân trên bàn tiệc, giả điên khó tránh giả thành thật, từng vì say rượu phi nước đại, e rằng đa tình khổ mĩ nhân. Gây nghiệt cướp bóc đông nam thiên, sóng gió từng trải hải dương trần. Bi ca thống lệ sao bù đắp, nghĩa sĩ lũ lượt thuyết Đế Tần - Văn nhân thời đó, tao chỉ thích Uất đại phu, ông ấy là người thật lòng. Chỉ có điều, mối lương duyên của ông và Vương Ánh Hà tuyệt đối không phải như Romeo và Juliet mà đời sau tưởng tượng đâu.”

“Chị gặp họ rồi à?”

Doãn Ngọc cười lớn như con trai: “Tao đã từng uống rượu, từng đánh nhau, tán gái với ông ta - mày tin không?”

Mùa hè năm đó, thành tích thi tốt nghiệp cấp 2 của Doãn Ngọc, quả nhiên xếp thứ nhất toàn trường.

Cô bé thi vào trường trọng điểm - Trường chuyên cấp 3 Nam Minh.

Lúc chào tạm biệt, Tư Vọng nói: “Chúng ta sẽ còn gặp nhau.”