Cuối cùng, không thể chịu đựng được nữa, tôi gọi về văn phòng. Người nữ thư kí của tôi thật sự đang hốt hoảng. Hình như trong suốt hai giờ qua, người ta đã tìm kiếm tôi khắp nơi. Cô ta la trong máy: "Tổng Hành Dinh của Fuhrer gọi cho ông, đúng 17 giờ phi cơ sẽ chờ ông tại phi trường Tempelhof."
Tôi hiểu ngay nguyên nhân của tình trạng khích động, bởi vì cho đến nay, tôi chưa được gọi trình diện Tổng Hành Dinh. Cố hết sức che dấu mọi xúc cảm, tôi chỉ trả lời:
Bảo Radl về ngay nhà tôi, lấy một bộ quân phục và đồ nhật dụng bỏ vào va ly và đưa lên phi trường.Tôi sẽ đi thằng đến đó. Cô có hiểu vì chuyện gì không?
Thưa ông không, chúng tôi chẳng hiểu gì cả.
Tôi vội vàng cáo từ người bạn (anh ta tỏ vẻ rất xúc động khi được biết tôi được Tổng Hành Dinh triệu đến) và nhảy lên một chiếc taxi. Trên đường đến phi trường,tôi cố gắng phỏng đoán lý do của sự triệu dụng bất ngờ này. Phải chăng là vụ chiến dịch Francois? (chiến dịch phá đường sắt tại Iran?) Không có lẽ, hay là chiến dịch Ulm? (tấn công các cơ sở kỹ nghệ tại Oural?) Rất có thể lắm, mặc dầu tôi không nhận thức được lý do sự hiện diện của tôi tại Tổng Hành Dinh của Fuhrer có thể làm cho công cuộc chuẩn bị chiến dịch tiến mau hơn. Tôi tự bảo, hãy chờ đó rồi sẽ biết. Tại phi trường, Radl, sỹ quan tùy viên của tôi đã chờ sẵn đó với một va-ly và một túi xách tay. Tôi thay quân phục mau lẹ trong khi nói chuyện gẫu, Radl lưu ý tôi rằng đài phát thanh vừa loan tin chế độ chính trị của Ý Đại Lợi thay đổi, nhưng cả hắn lẫn tôi không ai nghĩ đến chuyện kết của biến cố này với lệnh gọi tôi về Tổng Hành Dinh.
Khi chúng tôi tiến ra phi đạo, tôi thấy chong chóng của một chiếc Junker 52 bắt đầu quay. Tôi nghĩ thầm, sang thật, chiếc phi cơ vĩ đại này lại chỉ dành cho một mình tôi! Đúng lúc sắp bước vào phi cơ, tôi mới nhớ là đã quên điểm quan trọng nhất, tôi bảo Radl:
Tôi sẽ phải liên lạc được với anh bất cứ lúc nào. Ngay khi biết có chuyện gì, tôi sẽ gọi điện thoại. Lẽ tất nhiên là hai đại đội của chúng ta phải ở trong tình trạng báo động thường trực.
Phi cơ cất cánh, lượn vòng và bốc lên cao. Tôi lại tiếp tục đặt ra các giả thuyết. Người ta gọi tôi đến Tổng Hành Dinh của Fuhrer để làm gì? Tôi sẽ gặp ai? Càng suy nghĩ tôi càng không hiểu gì. Cuối cùng tôi không thèm khám phá điều bí mật nữa và quay ra quan sát bên trong chiếc phi cơ mà tôi là hành khách độc nhất. Ngay trước mắt tôi là một tủ đựng rượu nhỏ. Vẫn phè phỡn như thường lệ, tôi chồm tới cánh cửa mở hé để hỏi viên phi công là hành khách có uống rượu được chăng. Hai ly cô-nhắc đủ làm dịu thần kinh của tôi, và nhờ vậy tôi có thể ngắm nhìn một cách nhàn hạ các vùng phi cơ bay qua.
Chúng tôi vượt qua sông Oder rất mau lẹ, và vùng Neumark xanh mướt gồm rừng và đồng cỏ xếp theo hình ô vuông trải dài bất tận. Tôi tò mò muốn thấy phi cơ sẽ đáp ở đâu, bởi vì cho đến nay, tôi cũng không biết gì hơn nhân loại về địa điểm đặt Tổng Hành Dinh của Fuhrer, một nơi nào đó trong vùng Đông Phổ được mệnh danh là “Hang Sói”. May thay, người sỹ quan tùy viên chu đáo của tôi đã để sẵn trong xách tay một bản đồ Đức quốc để tôi có thể theo dõi đường bay. Một giờ rưỡi đồng hồ sau khi rời Bá-linh, có lẽ với cao độ 1000 thước, chúng tôi bay trên thành phố Schneidemuhl và rồi viên phi công mà tôi gọi đến bên cạnh, chỉ cho tôi hồ Deutsch-Eylau, rồi giao điểm của các trục Varsovie-Dantzig và Insterbourg-Posen. Những thiết lộ được phân biệt với mặt đất, rõ ràng giống như các hình kỷ hà, và tôi không thể ngăn được ý nghĩ rằng giao điểm này là một mục tiêu lý tưởng cho không lực địch. Một lúc sau, chính ý nghĩ này đã làm cho tôi nổi giận với chính tôi, tôi sống trong một khoảng thời gian tuyệt vời, một phi cơ lớn chở tôi trong một bầu trời trong suốt kỳ diệu, trên một vùng đất xinh đẹp, vậy mà tôi không làm sao quên được cuộc chiến tranh khốn nạn này dù cho chỉ trong một phút ngắn ngủi thôi.
Sau lưng chúng tôi mặt trời đã gần lặn xuống chân trời. Phi cơ hạ thấp dần dần đến cao độ 300 thước. Phong cảnh bắt đầu thay đổi, biến thành một đồng bằng thật phẳng, chằng chịt vô vàn các dòng sông, và rải rác thật nhiều hồ. Liếc nhìn vào bản đồ, tôi biết là sau khi bay chừng 500 cây số chúng tôi hiện ở trên vùng Masurie. Chính trong vùng này, tại Tannenberg, khi cuộc Thế chiến đệ nhất mới bắt đầu, ông già Hindenburg đã đẩy quân Nga vào thế thất trận vĩnh viễn. Tôi vui sướng và hãnh diện nghĩ rằng ngày hôm nay, tiền tuyến của chúng tôi ở thật xa về phía Đông, tại Smolensk, cách biên giới Đức quốc hàng trăm cây số.
Phi cơ đã bắt đầu lượn quanh để xuống thấp. Trong ánh sáng nhoà nhạt của buổi hoàng hôn, tôi phân biệt được một phi trường lớn. Chiếc Junker xuống thấp mãi, chạm đất, chạy trên phi đạo xi-măng và sau cùng ngừng hẳn. Trước một doanh trại được dùng làm văn phòng, một chiếc Mercedes mui trần to lớn đang chờ tôi.
- Thưa, có phải Đại Úy Skorzenny? – một trung sĩ hỏi tôi – Tôi có lệnh đưa ông đến Tổng Hành Dinh ngay lập tức
Bằng một con đường thật đẹp băng ngang qua rừng, chúng tôi tiến tới vòng đai an ninh thứ nhất được thiết lập bằng một cổng chặn có lính gác. Viên Trung sĩ đã mang cho tôi một thông hành mà tôi phải trình cùng một lúc với quân bạ của tôi cho viên sĩ quan chỉ huy toán gác. Tên tôi được ghi vào một cuốn sổ, tôi ký tên vào đấy, cổng chặn được nâng cao và chúng tôi lại tiếp tục đi tới. Bây giờ con đường dần dần thu hẹp lại. Sau khi băng qua một khu rừng cây phong và vượt qua một đường sắt, chúng tôi lại đến trạm gác thứ nhì. Tôi lại xuống xe, sĩ quan trực kiểm soát giấy tờ, ghi tên tôi vào sổ, yêu cầu tôi chờ và nhấc điện thoại. Sau khi gác máy, anh ta hỏi tôi có biết ai đã triệu dụng tôi chăng. Tôi bối rối rồi thú nhận là không có ý niệm gì về vấn đề này.
- Ông được Bộ Tham Mưu của Fuhrer triệu đến Trà thất, - người sĩ quan trực báo cho tôi biết như thế, và rõ rệt là còn rất ngạc nhiên vì câu trả lời lúc nãy của người bên kia điện thoại
Riêng phần tôi, tôi cũng chỉ biết suy nghĩ liên miên. Ngay cả chi tiết mới về địa điểm gặp gỡ cũng không cho tôi rõ thêm được gì nhiều. Người ta muốn gọi tôi đến Tổng Hành Dinh để làm giống gì. Tôi lại bước lên xe với vẻ đăm chiêu bối rối.
Chúng tôi vượt qua một cổng chặn cách đó vài thước, đây là lối đi duy nhất vào một vùng đất rộng bao quanh bởi một hàng rào thép gai thật cao. Người ta có cảm tưởng là ở trong một công viên cổ kính, được chăm sóc khéo léo, đó đây những bụi cây phong được trồng dọc theo các con đường mòn đan vào nhau không đều. Tôi phân biệt được ngay vài căn nhà và doanh trại mà bề ngoài như có vẻ được xây cất một cách bất ngờ cố ý, trên các mái bằng có cả cỏ cây. Trên các mái và trên các lối đi dẫn đến một vài toà nhà khác, các lưới nguỵ trang phủ kín, bên trong có một vài cây cao, tất cả để đánh lạc hướng phi công địch tìm cách tấn công vào Tổng Hành Dinh. Nhìn từ trên cao, toàn thể khu vực trông giống như một khu vực rừng rậm và không có người ở.
Khi chúng tôi ngừng trước Trà Thất, trời đã tối hẳn. Đó là một kiến trúc đơn giản bằng gỗ, chỉ có một tầng gồm hai dãy được nối vào nhau bằng một lối đi có mái lợp. Một lát sau, tôi được biết dãy nhà cánh trái là phòng ăn, nơi mà Thống Chế Keitel và Bộ Tham Mưu của ông thường dùng bữa với vài nhân vật thân cận. Trà Thất đích danh nằm ở cánh mặt. Tôi tiến qua một hành lang thật rộng được đặt nhiều ghế bành rất tiện nghi, một vài cái bàn, dưới đất trải thảm len. Một Đại Úy SS tiếp đón tôi và giới thiệu với 5 sỹ quan khác – một Trung Tá và một Thiếu Tá bộ binh, hai Trung Tá không quân và một Thiếu Tá SS. Rõ rệt là mọi người đang chờ tôi đến, bởi vì ngay sau khi chấm dứt việc giới thiệu, viên Đại Úy ra khỏi phòng và trở lại ngay một phút sau:
- Thưa quí vị, tôi sẽ đưa quí vị đến gặp Fuhrer. Mỗi vị sẽ trình bày vắn tắt với Ngài binh nghiệp của mình. Sau đó Fuhrer có thể hỏi vài câu. Xin quí vị theo tôi
Thoạt tiên, tôi tưởng tai mình nghe nhầm. Sau đó, một cơn sợ hãi không lý do gần như đã cắt ngang chân tôi. Trong chốc lát, lần đầu tiên trong đời, tôi sẽ đứng trước Adolf Hitler, Fuhrer của Đại Đức Quốc và Tổng Tư lệnh tối cao của quân lực Đức! Thật bất ngờ! Trong cơn xúc động của tôi, rất có thể tôi sẽ phạm phải những sơ hở không thể tha thứ được hoặc sẽ tỏ ra như một tên ngốc cũng không chừng! Trong khi đi theo các người khác tôi tự nhủ thầm, miễn sao cho mọi sự êm xuôi. Có lẽ chúng tôi đi qua gần cả trăm bước mà vẫn không biết đã theo hướng nào.
Chúng tôi đi qua một căn nhà khác, cũng bằng gỗ và vào trong một hành lang rộng lớn giống như ở Trà Thất. Tôi chỉ kịp chú ý đến hệ thống ánh sáng phản chiếu và một bức tranh nhỏ được lồng trong một khung giản dị: bức ”La Violete” của Durer treo trên tường trước mặt tôi. Viên sĩ quan hướng dẫn mở một cánh cửa và đưa chúng tôi vào một phòng rộng chừng sáu thước trên chín thước. Bên phải tôi, bức tường phía ngoài có nhiều cửa sổ treo màn giản dị. Giữa phòng là một bàn giấy vĩ đại, bản đồ trải kín. Trước một lò sưởi khổng lồ trang trí cho vách tường phía trái, có một bàn tròn và bốn hoặc năm ghế bành đặt chung quanh. Cuối phòng là khoảng trống mà chúng tôi đang đứng. Vì có thâm niên kém hơn cả, tôi được xếp đứng cuối hàng, phía trái. Trên một bàn giấy đặt xiên giữa hai cửa sổ, tôi thấy nhiều viết chì được xếp ngay hàng thẳng lối không chê vào đâu được. Chính đây là nơi thành hình các quyết định vĩ đại của thời đại chúng ta, tôi đang suy nghĩ như vậy thì một cánh cửa trước mặt chúng tôi bật mở.
Chúng tôi đồng loạt chuyển thế đứng nghiêm đầu hướng về phía cửa. Và lúc bấy giờ tôi sống trong một khoảnh khắc khó quên: Sự xuất hiện của Người mà hơn tất cả các Quốc Trưởng khác trước đây, đã can thiệp dứt khoát vào số phận của Đức Quốc, vị chủ nhân mà tôi phục vụ trung thành và tin tưởng tuyệt đối từ những năm qua. Thật là một xúc cảm lạ lùng đối với một quân nhân đột nhiên được đứng trước vị chỉ huy tối cao của mình! (Tôi chắc rằng lúc ngồi viết những dòng chữ này, những cảm nghĩ của tôi đã kém chính xác và chặt chẽ hơn các cảm nghĩ ăn sâu vào đầu óc tôi lúc đó nhiều).
Tiến tới từng bước một, Adolf Hitler chào chúng tôi bằng cách đưa cao cánh tay, bàn tay nghiêng về phía trước trong một dáng điệu đặc biệt mà tất cả chúng tôi đều biết qua hình ảnh xuất hiện trên báo chí. Ăn mặc thật giản dị, một áo khoác sĩ quan Wehrmacht, không có phù hiệu cấp bậc, trên một sơ mi trắng và cà vạt đen. Tôi phân biệt được trên cánh trái của đồng phục, huy chương Thập tự sắt đệ nhất hạng và huy chương chiến thương.
Vì viên sĩ quan SS giới thiệu với Ông trước hết sĩ quan đứng đầu hàng cho nên tôi không thể thấy Fuhrer thật kỹ như tôi mong ước. Tôi phải tự kìm chế để đừng bước tới một bước như muốn không để mất một cử động nào của Người. Thoạt tiên tôi chỉ nghe khi ông đặt vài câu hỏi ngắn bằng giọng rất trầm. Âm sắc đặc biệt của giọng nói này đã rất quen thuộc với tôi qua đài phát thanh, trái lại, tôi rất ngạc nhiên vì khám phá ra âm điệu dịu dàng và có chút kéo dài đã khiến cho giọng Áo của ông thêm quyến rũ. Tôi không thể ngăn được ý nghĩ về bản chất con người không đồng đều kỳ lạ: con người thuyết giáo và muốn nhân cách hóa dưới hình ảnh một công dân Phổ lý tưởng này lại không thể nào che dấu được nguồn gốc của mình, mặc dù ông đã không sống tại quê nhà nhiều năm qua. Tuy nhiên, liệu ông còn giữ được phần nào đức tính dễ thương hòa đồng của dân Áo không? Liệu ông còn dễ xúc cảm trước các lập luận của quả tim không? Rồi tôi giật nảy mình: ”Trời đất, lúc này mà lại còn đi nghĩ đến những vấn đề hời hợt, những ưu tư phù phiếm như vậy!”
Các sĩ quan khác đã trình bày tóm tắt binh nghiệp của họ xong, bằng vài câu ngắn. Và bây giờ đây Adolf Hitler đến trước mặt tôi. Khi ông đưa tay để tôi bắt, tôi tập trung vào một ý nghĩ: cần nhất là không nên cúi gập người quá đáng. Mặc dù rất bị xúc động, tôi đã thành công khi thực hiện một cái nghiêng mình đúng mức về phương diện quân sự, nghĩa là ngắn và gãy gọn. Rồi tôi trình bày thật nhanh, sanh quán, quá trình học vấn, các giai đoạn của một sỹ quan trừ bị và chức vụ hiện tại của tôi. Trong khi nói, Fuhrer nhìn không chớp thẳng vào mắt tôi.
Thế rồi Adolf Hitler đột ngột lùi lại một bước và đặt câu hỏi đầu tiên:
- Trong các anh ai là người biết về nước Ý?
Chỉ có tôi là trả lời xác định:
- Thưa Fuhrer, tôi đã có thăm viếng Ý quốc hai lần. Tôi đã đi bằng xe gắn máy cho đến Naples.
Câu hỏi thứ hai đến ngay, và đặt cho tất cả chúng tôi:
- Các anh nghĩ gì về nước Ý?
Rõ rang là bị ngạc nhiên, các sĩ quan khác ngần ngại trước khi trả lời với vẻ bối rối:
- Nước Ý… thành phần của khối Trục… đồng minh của ta… Quốc Gia đã ký vào hiến chương chống đệ tam quốc tế…
Rồi đến lượt tôi:
- Tôi là dân Áo, thưa Fuhrer, tôi chỉ nói đơn giản như vậy.
Tôi suy luận rằng, câu trả lời đơn giản này đủ để chính xác hóa lập trường của tôi, bởi vì tất cả công dân Áo đều tiếc nuối sâu xa vì đã mất Tyrol, một vùng đất đẹp nhất mà chúng tôi không bao giờ có được nữa.
Hitler dò xét tôi thật lâu, vẻ suy tư (ít ra là tôi cũng có cảm giác như vậy).
- Những người khác có thể rút lui, riêng Đại Úy Skorzeny ở lại, tôi có vài điều nói với anh.
Và rồi chỉ còn chúng tôi với nhau. Fuhrer vẫn luôn luôn đứng trước mặt tôi. Tầm vóc của ông không vượt quá mức trung bình, hai vai ông hơi còm một chút. Khi nói, ông có vẻ hoạt động hơn. Cử chỉ của ông gọn ghẽ và hàm súc và có quyền lực thuyết phục vô biên
- Tôi giao cho anh một nhiệm vụ tối quan trọng. Mussolini, bạn tôi, người đồng hành chiến đấu trung thành của chúng ta, vừa bị vua Ý phản bội và bị dân Ý bắt giam. Mà tôi không thể và không muốn bỏ rơi người công dân Ý vĩ đại nhất trong lúc hiểm nghèo này. Đối với tôi, ông ta tượng trưng cho sự nhân cách hóa một César cuối cùng thuộc La Mã. Nước Ý, hay đúng hơn, chính phủ mới của nước này rõ rệt đã ngả theo phe thù địch. Thế nhưng tôi không phủ nhận lời nói của tôi, Musulini phải được giải thoát mau lẹ bởi vì nếu chúng ta không can thiệp, dân Ý sẽ nộp ông ta cho đồng minh. Tôi giao cho anh sứ mạng này mà kết quả tốt đẹp sẽ có tầm mức không lường được đối với diễn tiến các chiến dịch quân sự trong tương lai. Nếu anh không lùi bước trước bất cứ nỗ lực nào, bất cứ hiểm nguy nào, anh sẽ thành công, tôi yêu cầu anh như vậy.
Ông ngừng nói, như để trấn tĩnh cơn xúc động làm rung rung giọng nói.
- Còn một điểm cốt yếu nữa, - ông nói tiếp. - Anh phải tuyệt đối giữ bí mật. Ngoài chính anh ra, chỉ có 5 người biết nội vụ. Anh sẽ được biệt phái qua Không quân và đặt dưới quyền điều khiển của tướng Student mà tôi vừa cho biết sự việc. Lát nữa anh sẽ gặp ông ấy và nhận các chỉ thị chi tiết. Anh phải tự mình đích thân mở các cuộc điều tra cần thiết. Riêng với Bộ chỉ huy quân sự của ta ở Ý và Đại Sứ Quán Đức ở La Mã, không nên cho họ biết gì. Khi họ có một ý niệm về tình hình bất lợi, họ sẽ hành động một mình theo chiều hướng sai lầm. Vậy, tôi nhắc lại với anh một lần nữa, anh phải đảm bảo với tôi là giữ bí mật tuyệt đối. Tôi hy vọng rằng anh sẽ báo cáo với tôi các tin vui thật sớm, và tôi chúc anh may mắn.
Fuhrer càng nói, tôi càng cảm thấy sức chinh phục của ông. Đối với tôi, những lời nói của ông thu hút đến nỗi ngay lúc đó, tôi đã chắc chắn rằng chiến dịch sẽ thành công. Giọng nói của ông cũng đồng thời rung động với các điểm nhấn mạnh ấm áp, cảm động, nhất là khi ông nói đến lòng trung thành không gì lay chuyển được đối với người bạn Ý Đại Lợi của ông, tôi xúc động biết bao nhiêu!
Sau cùng tôi cố hết sức để trả lời:
- Thưa Fuhrer, tôi đã hoàn toàn hiểu nhiệm vụ.
Một cái bắt tay chặt chẽ, chấm dứt cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi. Trong thời gian vài phút đó – mà tôi tưởng là dài bất tận – cái nhìn của Fuhrer xoáy vào mắt tôi không bao giờ ngừng. Ngay cả khi quay lưng đi ra cửa, tôi cũng có cảm giác là đang còn bị ông quan sát. Lúc tiến qua bực cửa tôi còn quay lại chào một lần nữa, nhờ đó tôi nhận thấy mình đã không lầm: ông theo dõi tôi bằng mắt cho đến phút chót.
Bên ngoài, sĩ quan tùy viên đang chờ tôi. Trong khi được hướng dẫn trở lại Trà Thất, tôi suy nghĩ không ngừng đến biến cố trọng đại mà tôi vừa trải qua. Tôi thử cố nhớ lại màu mắt của Fuhrer. Màu xám? Màu đà? Hay giữa hai màu đó? Thật lạ lùng, tôi bất lực không thể nào ghi nhớ một cách chính xác được. Ngược lại, tôi còn cảm thấy tia nhìn của ông đè nặng trên tôi với một cường độ gần như không chịu đựng nổi, như tia nhìn của một nhà thôi miên. Tôi còn chú ý rằng cung cách bề ngoài của ông không bao giờ thay đổi, tôi có cảm giác rằng con người này có thể, nếu ông ta muốn tự chủ và tự kiểm soát một cách hoàn toàn. Vả chăng, năng lực khủng khiếp tập trung nơi ông thật sự chiếu sáng chói lọi mà người ta có thể cảm thấy ngay khi mới gặp.
Trong hành lang của Trà thất, tôi đốt một điếu thuốc và rít những hơi đầu tiên đầy thống khoái. Đến khi một cần vụ hỏi tôi muốn ăn gì, tôi mới nhớ tới cơn đói cồn cào. Tôi gọi cà-phê và "bất cứ thứ gì". Một hai phút sau, một bữa ăn bổ dưỡng đã được đưa đến. Tuy nhiên, ngay lúc tôi mới cởi chiếc thắt lưng và đưa tách cà phê lên miệng thì viên cần vụ trở lại.
- Tướng Student đang đợi ông ở phòng bên cạnh, thưa Đại úy.
Một cánh cửa lại được mở, tôi tiến vào một văn phòng nhỏ và trình diện trước Đại tướng, một người hơi phệ và có nét mặt vui vẻ. Một vết sẹo thật sâu trên trán nhắc lại vết thương trầm trọng hồi năm 1940, lúc ông là Tư lệnh sư đoàn không vận chiến đấu ở Rotterdam. Tôi trình bầy với ông rằng Fuhrer vừa mới chỉ thị cho tôi các nét đại cương về sứ mạng sắp đến. Trước khi Đại tướng kịp trả lời, có tiếng gõ và cửa phòng bật mở, và - lại một ngạc nhiên khác, chắc không phải là cuối cùng của một ngày quá nhiều biến chuyển kinh ngạc - Himmler, lãnh tụ tối cao của đơn vị SS đi vào phòng. Hình như ông ta quen biết Đại tướng Student nhiều, bởi vì hai người đã chào hỏi nhau rất thân mật trong khi tôi chờ đợi được giới thiệu. Một cái bắt tay ngắn vô vị, đoạn Reichsfuhrer SS mời chúng tôi ngồi.
Cái làm cho người ta chú ý nhất trên mặt Himmler là cái kính kẹp mũi lỗi thời. Những đường nét bất động của khuôn mặt thật đi đôi với các tư tưởng hình thành trong bộ óc con người đáng nể này. Ông ta cười thân ái với chúng tôi và lập tức mở lời để phác họa tình hình chính trị tại Ý. Không hơn gì Hitler, ông ta không tin rằng chính phủ Badoglio sẽ đứng về phía Trục. Tiếp tục phân tích các biến chuyển đưa đến sự sụp đổ của Mussolini, Himmler liệt kê một lô tên tuổi mà tôi mù tịt - những sĩ quan, chính khách, thành phần quí tộc. Khi ông đánh giá người này phản bội, kẻ kia lưng chừng, người nọ có lập trường dứt khoát, tôi rút một tờ giấy và cây viết để ghi một vài điểm. Lập tức Himmler mắng tạt vào mặt tôi một cách giận dữ:
- Trời đất, bộ anh điên rồi sao! Chuyện này phải được giữ bí mật, vậy thì hãy cố mà nhớ chứ!
Lẽ tất nhiên tôi phải cất lẹ cây viết. Tôi tự bảo, thật là một sự khởi đầu tốt đẹp. Tôi sẽ rất may mắn, nếu trong cơn lốc quay cuồng hôm nay, tôi còn nhớ được năm hoặc sáu tên tuổi trong số cả trăm mà ông ta vừa kể. Mặc kệ, điều này có thể xảy ra lắm.
- Sự thảm hại của Ý quốc là chắc rồi, - Himmler tuyên bố. - Vấn đề duy nhất là biết lúc nào nó xảy đến. Có thể là ngày mai. Tại Bồ Đào Nha đã có các đại diện của Ý tìm cách thương thuyết với bên phía Đồng minh.
Một lần nữa, ông lại kể một số nhân danh, địa danh. Thế rồi, thay đổi đề tài, ông thảo luận với Đại tướng Student một vài vấn đề không dính dáng gì đến tôi. Sực nhớ đến các thuộc viên của tôi ở Bá-linh, giờ này chắc phải sốt ruột chờ tôi gọi điện thoại. Tôi xin phép rút lui để liên lạc với đơn vị. Trong khi chờ đợi tại hành lang, tôi châm một điếu thuốc. Vừa lúc đó, Himmler từ văn phòng đi ra và lập tức la lớn:
- Luôn luôn là những điếu thuốc mắc ôn! Bộ anh không ngừng hút được vài giờ sao! Tôi đã thấy anh không phải là người thích nghi với sứ mạng mà!
Ông ta ném cho tôi một cái nhìn giận dữ và bỏ đi.
Thật là điềm xấu. Đây là lần chửi bới thứ hai trong ngày. Rõ ràng Himmler không ưa tôi mấy. Liệu người ta có gạt tôi ra khỏi sứ mạng mà Fuhrer vừa giao phó không? Dí nát mẩu thuốc lá dưới gót chân với vẻ bồn chồn, tôi tự hỏi mình phải làm gì. May thay vị tùy viên của Fuhrer đã đến cứu tôi, ông đã nghe thấy hết.
- Không có gì quan trọng đâu, - ông ta bảo. - Ông Reichsfuhrer la rầy tất cả mọi người và chỉ một phút sau ông quên cả. Ông bị khích động một cách rõ rệt và khi ông bị khích động không ai biết phải làm sao với ông ta. Vậy, Đại úy nên vào gặp Đại tướng Student lại và thỏa hiệp với Đại tướng những gì Đại úy sắp làm.
Tôi theo lời khuyên này và trở lại văn phòng. Sau vài phút, tất cả đều được dàn xếp xong: Sáng mai, tôi sẽ cùng Đại tướng bay đi La mã. Tôi sẽ là sĩ quan tùy viên chính thức của ông. Cùng lúc đó năm mươi người của đơn vị tôi sẽ khởi hành từ một phi trường tại Bá linh để đi về miền nam nước Pháp, và từ đó, sẽ đi La mã với đệ nhất sư đoàn không vận mới được phái đến mặt trận Ý quốc.
- Chúng tôi sẽ xem xét các vấn đề còn lại khi đã đến đấy, - Đại tướng kết luận. - Tôi hy vọng cuộc hợp tác của chúng ta sẽ có kết quả tốt. Hẹn gặp lại anh sáng mai.
Bên ngoài, chuông điện thoại reo vang. Trung úy Radl đang ở bên kia đầu dây.
- Có chuyện gì vậy ông? - Hắn la lớn trong máy, giọng khích động. - Chúng tôi sốt ruột chờ ông gọi......
- Chúng ta được giao phó nhiệm vụ quan trọng. Sáng mai khởi hành. Tôi không thể nói với anh các chi tiết qua điện thoại. Vả chăng tôi còn phải suy nghĩ, tôi sẽ gọi lại anh sau. Ngay bây giờ, đây là các mệnh lệnh đầu tiên: đêm nay không ai được ngủ. Tất cả quân xa phải sẵn sàng vì sẽ có việc chuyên chở dụng cụ. Tôi sẽ mang theo năm mươi người, những người xuất sắc nhất, đặc biệt là những người nói được ít nhiều tiếng Ý. Tôi sẽ ghi một danh sách, phần anh cũng phải lập một danh sách khác, chúng ta sẽ quyết định chọn ai sau. Anh phải chuẩn bị dụng cụ trang bị hợp với địa phương cho tất cả mọi người kể cả lương thực để thả dù nữa. Tất cả mọi chuyện phải xong trước năm giờ sáng mai. Khi nào quyết định thêm các chi tiết, tôi sẽ gọi lại anh.
Tại Trà thất, tôi yêu cầu một sĩ quan cho tôi một văn phòng và một nữ thư ký để chuyển mệnh lệnh qua đường vô tuyến cho đơn vị tôi. Tôi được thỏa mãn ngay tức khắc.
Vừa nhấm nháp ly cà phê đen - tôi vẫn còn quá cảm động, không ăn uống gì được - tôi tự bắt buộc phải suy tư bình tĩnh. Dụng cụ nào, vũ khí nào, bao nhiêu khối lượng chất nổ cần thiết cho năm mươi người của tôi? Làm việc một cách có hệ thống, tôi thiết lập một danh sách dài. Đơn vị nhỏ bé của tôi phải được trang bị một hỏa lực càng mạnh càng tốt mà chỉ phải mang một lượng tối thiểu. Rất có thể chúng tôi bị bắt buộc phải nhẩy dù, như vậy tôi tiên liệu hai trung liên cho mỗi nhóm chín người và tiểu liên cho mỗi cá nhân. Lẽ tất nhiên phải có lựu đạn, không phải thứ có cán mà là thứ nhỏ hơn, loại "quả trứng" như người ta vẫn thường quen gọi, có thể nhét vào túi được. Hơn nữa, chúng tôi sẽ mang theo plastic - chừng 30kg là đủ - chúng tôi sẽ dùng loại của Anh mà chúng tôi bắt được ở Hòa lan vì có phẩm chất tốt hơn là plastic Đức. Rồi đủ thứ ngòi nổ, và các kiểu ngòi nổ chậm. Chúng tôi cần loại nón thuộc địa, và cả áo quần lót, lương thực trong sáu ngày và đồ hộp trong 3 ngày đường. Tôi cho chuyển ngay danh sách đầu tiên này về Bá-linh. Sau đó tôi lựa chọn những người phải tham dự vào chiến dịch bằng mọi giá. Tôi chọn thật nhanh được một nhóm hoàn toàn. Tôi xin liên lạc với Bá-linh. Radl trả lời tôi.
- Chúng tôi bị chới với, - hắn phản đối. - Làm thế nào mà ông muốn mọi chuyện xong trước sáng mai được? Danh sách của ông quá dài......
Tôi ngắt lời hắn:
- Chưa hết đâu, tôi sẽ gửi một danh sách bổ túc nữa. Tôi cũng vậy, bị chới với. Tôi vừa nói chuyện với chính Fuhrer, và ông Reichsfuhrer SS - Tôi cảm thấy rõ ràng điều này đã làm hắn nín lặng, và tôi nói thêm: Chính Fuhrer đã giao phó sứ mạng cho tôi. Tốt, bây giờ hãy so sánh hai danh sách những người đã được tôi với anh chọn lựa riêng....
Tôi nhận thấy ngoài một hay hai biệt lệ, chúng tôi cùng chọn chung một số người.
- Quang cảnh ở đây giống như một cuộc tiểu cách mạng, - Radl nói với tôi. - Tất cả mọi người đều muốn đi. Không ai chịu ở lại sau.
- Hãy niêm yết lập tức danh sách những người sẽ đi, điều này sẽ làm mọi người bình thĩnh lại. Và nhớ đừng để mất thì giờ. Chấm dứt.
Tôi gác điện thoại và tự hỏi xem còn quên điều gì nữa. Phải rồi - tôi cũng cần máy truyền tin và nhất là một hệ thống liên lạc vô tuyến thật hoàn hảo, nghĩa là có thể liên lạc được với Bá-linh, một bộ mật mã có giá trị một tháng và được nhiều giờ liên lạc, càng nhiều càng tốt, ngày cũng như đêm. Tôi liền gởi một công điện thứ hai. Các điện văn của chúng tôi đã được chuyển đi như là "quốc sự tối mật". Chúng tôi phải tỏ ra rất thận trọng. Nếu người Ý hoặc các cơ quan tình báo của họ đánh hơi được dự án của chúng tôi, tất cả những nỗ lực sẽ trở thành vô ích.
Nhưng vẫn chưa hết, các chi tiết khác lại xuất hiện trong trí tôi, chúng tôi cần loại đạn chiếu sáng cho trung liên trong trường hợp có đụng độ ban đêm, súng phóng hỏa tiễn, thuốc men cho các loại bệnh địa phương, và một hay hai y tá. Có lẽ sĩ quan của chúng tôi cũng cần thường phục Cứ như vậy, danh sách càng ngày càng dài và tôi gọi văn phòng tôi ở Bá-linh liên tục, nơi đang diễn ra các hoạt động như trong cơn sốt. Mãi đến ba giờ sáng, tôi mới nghĩ đến chuyện nằm nghỉ một lát. Một cần vụ đưa tôi xuống hầm được thiết lập để làm nơi trú ẩn, đề phòng các cuộc oanh kích. Hai bên một hành lang trung ương là hai dãy phòng nhỏ, loại phòng trên tàu thủy chở hành khách. Mặc dù giường nệm rất tiện nghi, tôi không tài nào ngủ được. Không khí trong chiếc lồng này thật nặng nề và tiếng quạt máy chạy nghe thật điên đầu. Nhưng ít ra tôi cũng có được thời gian để bình tĩnh suy nghĩ. Đây là lần đầu tiên tôi ý thức được những khó khăn phải vượt qua. Trước hết, phải khám phá ra nơi ông Duce bị giam giữ. Giả thuyết rằng bài toán đầu tiên này sẽ được giải quyết, chúng tôi sẽ phải làm gì nữa? Nhất định Mussolini đã được đưa đến một nơi chắc chắn và được canh giữ cẩn mật. Liệu chúng tôi có bị bắt buộc tấn công vào một thứ pháo đài hay nhà lao? Ngay bây giờ trí tưởng tượng đầy kích thích của tôi đã vẽ cho tôi thấy những cảnh tượng điên cuồng. Tôi trăn trở trên giường, cố xua đuổi các ý tưởng đó nhưng vô ích, chúng trở lại đè nặng lên tôi. Thật sự tôi không thấy làm sao có thể thành công được. Có phải người ta đã giao cho tôi một sứ mạng có thể đưa tôi lên trời (hay xuống địa ngục?) Dẫu sao đây cũng là lúc chứng tỏ tôi có khả năng, không lùi bước trước hiểm nguy nào và nếu tình thế bắt buộc, tôi rời bỏ cuộc đời này, với tất cả lịch sự và tư cách.
Đột nhiên, tôi nhớ lại rằng tôi là cha của một gia đình. Tôi đang sắp dấn thân vào một cuộc phiêu lưu vĩ đại mà chưa hề làm chúc thư. Tôi bật đèn và ngồi viết "những ý muốn cuối cùng của tôi". Rồi tự hiểu rằng không thể nào tìm được giấc ngủ - vả chăng cũng đã gần sáu giờ - tôi bước ra ngoài vẫn mặc đồ ngủ và nhờ một cần vụ chỉ phòng tắm - những quân nhân khốn khổ nầy không bao giờ được ngủ. Một chầu tắm bông sen kiểu Tô Cách Lan - khi nước nóng, khi nước lạnh - đã mang theo tất cả âu lo nơi tôi. Đúng 7 giờ thiếu 15 tôi ăn điểm tâm tại Trà thất. Lúc này, tôi ăn ngon miệng kinh khủng, anh cần vụ chạy lui chạy tới từ bàn ăn đến nhà bếp để mang tất cả các thức tôi gọi. Bên ngoài, cánh đồng cỏ ẩm ướt bắt đầu bốc hơi dưới các tia sáng mặt trời đầu tiên.
Sau cùng, hoàn toàn thỏa mãn, tôi xách túi đựng hành trang nhảy lên chiếc xe đã cho gọi từ đêm qua để đưa tôi đến phi trường, nơi tôi hẹn gặp Đại tướng Student. Một điện văn vừa tới xác nhận 50 người của tôi cũng đã lên đường. Phi trường mà sáng hôm nay máy bay chúng tôi cất cánh khác với phi trường tôi đáp xuống hôm qua, nó tọa lạc gần như trên đỉnh một ngọn đồi cao - một mục tiêu lý tưởng cho phi công địch. Điều kỳ lạ là nó chưa bị tấn công lần nào. Đại tướng Student đến vài phút sau tôi. Một chiếc Henkel 111 sẵn sàng đưa chúng tôi đi - loại phi cơ bay mau hơn chiếc Junker đã đưa tôi đến. Đại tướng giới thiệu tôi với viên phi công thực thụ, Đại úy Gerlach. Và rồi người ta bắt chúng tôi mặc bộ đồ bay, quá chật đối với tôi và chụp lên đầu tôi chiếc mũ chào mào của không quân. Thời tiết quang đãng, tôi thích thú với ý nghĩ về cuộc hành trình tuyệt diệu sắp đến.
Chúng tôi chui vào bụng máy bay. Một xạ thủ đại liên đặt phía sau, phi công và vô tuyến điện viên đã ngồi vào chỗ sẵn sàng. Phi cơ cất cánh, bốc lên cao thật mau và hướng mũi về phía nam. Vì tiếng động cơ quá ầm ĩ, không thể kéo dài các câu đối đáp được. Đại tướng thiu thiu ngủ, tôi lợi dụng lúc đó, đến ngồi vào chỗ phi công phụ, từ đó tôi thích thú được nhìn quang cảnh tuyệt vời.
Trước hết, chúng tôi bay trên không phận nước Ba lan xưa cũ. Nửa giờ sau, một đám mây dày đặc dâng cao ở chân trời phía trái. Liền khi đó tôi phân biệt được vài chiếc tháp: Varsovie. Một lúc sau chúng tôi bay trên vùng kỹ nghệ Haute Silésie, hàng ngàn ống khói phun thẳng lên trời các cụm khói đen.
Rồi chúng tôi bay qua không phận Tiệp khắc cũ, nay trở thành lãnh thổ đặt dưới sự bảo hộ của Đức. Quang cảnh bắt đầu khác với cánh đồng phẳng lặng của Ba lan. Mặt đất lồi lõm, đỉnh núi phủ đầy các cây đóng khung các thung lũng được tưới bằng những dòng sông loáng bạc. Tôi biết rằng phi cơ đang bay ngang thủ đô Viene. Rồi thành phố cổ kính ấy xuất hiện và lướt qua dưới cánh chúng tôi. Và rồi đến lượt các cầu cạn của vùng núi Alpes du Semmering, vùng Styrie xanh thẳm, Graz với các lâu đài cổ. Đến giữa trưa, chúng tôi bay qua vùng Croatie, một lát sau tôi thấy biển xanh lấp loáng từ xa. Đây là Pola, hải cảng quân sự của Ý, tôi buồn buồn nghĩ rằng vậy mà xưa kia, cho đến khi hiệp ước Saint Germain được ký kết, tất cả vùng hải cận này đều thuộc về Vương quốc Áo - Hung. Biển Adriatique xanh muốt một màu, đẹp tuyệt vời. Chúng tôi đã tới bán đảo Ý Đại Lợi, phía trái, Ancône tiến qua thật mau dưới cánh chúng tôi, rồi phi cơ bốc lên cao để bay qua dãy núi Apennins. Vừa vượt qua, chúng tôi liền hạ thấp xuống cao độ chừng 300 thước, bởi vì khu vực phía Bắc La mã đã bị không lực Đồng minh chế ngự.
Và sau cùng, đây là "Thành phố Vĩnh cửu" với bảy ngọn đồi, đấu trường Colisée, công trường Saint Piere. Chầm chậm, phi cơ hạ thấp và đáp xuống phi trường phía Đông thành phố. Lúc đó là 1 giờ 30 - chúng tôi đã bay qua 1500 cây số trong 5 tiếng rưỡi đồng hồ.
Mẹ cha ơi, nóng quá, thật như một lò lửa, vừa bước xuống phi cơ, tự nhiên tôi muốn cởi ngay bộ đồ bay có lót lông. Nhưng vào phút chót, tôi sực nhớ rằng mình chưa có quân phục không quân. Một sĩ quan Waffen SS lại là tùy viên của một tướng lĩnh đơn vị không vận, đó là điều chắc sẽ làm mọi người thắc mắc. Vậy tôi phải tiếp tục chịu đựng toát mồ hôi. Trong hai ba giờ sau đó, tôi thở dốc một cách thống khổ. Ngay cả đoạn đường đi xe mui trần cũng không làm tôi được mát thêm bao nhiêu.
Chúng tôi đến Frascati, một thành phố nhỏ xinh đẹp, đặc biệt Ý, nơi thống chế Kesselring đặt đại bản doanh các lực lượng Đức tại Ý.
Ngày 12 tháng 5 năm 1943, cuộc chiến tại Phi châu hoàn toàn chấm dứt với sự toàn thắng của Đồng minh. Đoàn quân viễn chinh Đức - Ý, mới đầu đạt được các chiến thắng vang dội, nay không còn nữa. Sự thảm bại của lực lượng này xuất phát từ chỗ không và hải lục của khối Trục đã không thể mang được tiếp liệu và lực lượng tăng cường cần thiết. Ngày 10 tháng 7, quân Đồng minh lần đầu tiên đã thành công trong việc đặt chân lên Châu Âu. Quân đội đồng minh đã đổ bộ lên Sicile, mới đây quân Đức - Ý đã chiến đấu giành giật với quân Anh - Mỹ từng tấc đất. Để chiếm làng Cafalu, nằm trên bờ Bắc đảo Sicile, hai bên đã quần thảo ngày này qua ngày khác.
Đây là đại cương tình hình đúng vào ngày chúng tôi đến La mã. Ngay tối hôm đó, Đại tướng Student đưa tôi trong tư cách là sĩ quan tùy viên đến gặp Thống chế Kesselring và được Thống chế mời ăn cơm tối. Buổi chiều trong khi chờ đợi, tôi kiếm được một bộ quân phục nhảy dù để thay thế bộ đồ bay lót lông đã trở nên lố bịch đối với cái nóng kinh người ở đây. Sau bữa ăn, lúc dùng cà phê, một sĩ quan thân cận Thống chế kể lại rằng ông ta đã dò hỏi một tướng lĩnh Ý xem ông này có biết ông Duce hiện bị giam ở đâu không. Lẽ tất nhiên, tôi vểnh tai chờ nghe. Viên tướng lĩnh Ý đã thề rằng không những ông mà tất cả chỉ huy trưởng, Tư lệnh quân đội Ý không ai có một ý niệm gì về vấn đề này. Bộp chộp như thường lệ, tôi không thể tự ngăn mình nêu ý kiến.
- Vẫn còn phải tìm hiểu xem có thể tin được lời tuyên bố ấy mấy phần.
Lúc đó Thống chế Kesselring đứng sau lưng chúng tôi, hình như ông đặc biệt không ưa thích câu bình phẩm của tôi.
- Về phần tôi, tôi tin lời tuyên bố ấy. - Ông nói với giọng giận dỗi. - Tôi không có lý do nào để nghi ngờ lời nói danh dự của một tướng lĩnh Ý. Đại úy Skozeny, từ rày về sau hãy ráng giữ đừng có thái độ tương tự.
Tôi tin rằng mặt mày tôi lúc đó đỏ rần. Dầu sao, tôi cũng quyết định dứt khoát là sẽ dè dặt hơn trong khi phát ngôn. Từ đó cho đến khi buổi tối chấm dứt, tôi không hề mở miệng.