Cũng chính ông Fouché biết rằng Georges là người không thể không dùng vũ khí khi bị tấn công nên ông ta không muốn anh chàng Limousine ra mặt vì nhỡ tay Bretagne nổi giận thì Thợ Nề nguy mất.
Fouché trù tính bắt Georges tại dinh của mình. Mãi chín rưỡi tối nó mới đến chỗ ông ta. Ông ta cho gọi Limousine đang ở phòng bên cạnh.
- Anh cũng nghe rồi đấy - Fouché nói - Bây giờ chúng ta chỉ còn phải bắt Villeneuve và Burban nữa.
- Khi nào cần, chúng ta sẽ bắt họ. Tôi biết họ đang ở đâu.
- Đối với những người này thì chưa vội, chúng ta còn thời gian. Chỉ có điều đừng để mất dấu của họ.
- Thế tôi đã để mất dấu của Georges chưa?
- Chưa. Nhưng ngài lại để sót mất một thứ, chính ngài ấy.
- Tôi?
- Đúng vậy.
- Thứ gì?
Tiền của Georges. Khi chúng tôi rời London, ông ta có hơn một trăm nghìn phăng bên mình.
- Anh sẽ chịu trách nhiệm tìm thấy số tiền ấy chứ?
- Tôi sẽ gắng hết sức, chỉ có điều không có gì dễ biến mất như tiền.
- Anh sẽ bắt đầu truy lùng nó ngay tối nay.
- Tôi có được nghỉ ngơi đến tối mai không?
- Bằng giờ này ngày mai, tôi có cuộc hẹn với ngài Tổng tài thứ nhất. Tôi sẽ rất vui nếu cổ thể trả lời tất cả các câu hỏi của ông ấy.
Ngày hôm sau, đúng chín rưỡi, Fouché đã có mặt tại Tuileries. Đó là thời điểm trước khi có quyết định bắt công tước Enghien. Khi đến cuộc bắt Georges, là chúng ta vừa lui lại một bước.
Fouché thấy ngài Tổng tài thứ nhất đang bình tĩnh và khá vui vẻ.
- Tại sao ông không đến báo việc bắt Goerges chotôi? - Ngài hỏi.
Bởi vì cũng phải để việc gì đó cho người khác làm chứ - Fouché đáp.
- Ông biết tình tiết vụ bắt đó không?
- Hắn đã giết một cảnh sát có tên là Buffet và làm bị thương Caniolle.
- Hình như cả hai đều đã có vợ.
- Vâng.
- Cần phải dành một khoản cho vợ của hai con người đáng thương đó.
- Tôi đã nghĩ đến rồi: một khoản trợ cấp cho người phụ nữ goá và một khoản tiền thưởng cho vợ người bị thương.
- Lẽ ra nước Anh phải trả khoản này mới đúng.
- Thì chính họ chứ ai.
- Sao lại thế?
- Nếu không cũng là Cadoudal. Nhưng vì tiền cửa Cadoudal cũng là tiền của nước Anh thì tóm lại vẫn là nước Anh thanh toán tiền thôi.
- Nhưng người ta nói với tôi hắn chỉ có một nghìn hay một nghìn hai trăm phăng bên người, khi khám xét chỗ ở của hắn, người ta có thấy gì nữa đâu.
- Hắn rời London với một trăm nghìn phăng. Hắn đã tiêu mất ba mươi nghìn từ khi về Paris. Hắn chỉ còn bảy mươi nghìn, khoản này thừa để trả cho hai người phụ nữ kia.
- Nhưng bảy mươi nghìn ấy ở đâu? - Ngài Bonaparte hỏi.
- Chúng đây - Fouché nói.
Rồi đặt lên bàn một túi vàng nhỏ và cái ngân phiếu.
Bonaparte tò mò dốc xuống bàn. Có bốn mươi nghìn phăng bằng tiền vàng Hà Lan còn lại là ngân phiếu.
- Kỳ lạ! Bây giờ người Hà Lan lại trả tiền cho những kẻ ám sát tôi sao?
- Không, chắc chúng sợ tiền Anh sẽ gây nghi ngờ đó thôi.
- Làm sao ông tìm được khoản này?
- Ngài cũng biết câu tiên đề của giới cảnh sát rồi đấy: "Anh hãy tìm đàn bà là ra tất"
- Tốt lắm! Rồi sao?
- Tôi đã cho tìm phụ nữ và tôi đã thấy.
- Hãy nói rõ xem nào, tôi thấy tò mò quá.
- Được thưa ngài, tôi biết có một nàng Izai nào đó, một người có quan hệ với chúng và thuê một phòng nhà chị bán hoa quả để thỉnh thoảng bọn làm phản tụ tập. Cô ta vừa đến gần đó thì Georges lên xe, hắn đoán đã bị theo dõi nên chỉ kịp ném cái túi nhỏ vào tạp dề của cô ta và kêu "Đến nhà Carob bán nước hoa!" Chỉ Camolle nghe thấy những lời này và cũng chỉ kịp nói với một nhân viên:
- Bám theo ả!
- Thế có nghĩa là gì? - Bonaparte hỏi.
Nghĩa là đuổi theo và không rời mắt khỏi cô ta.
Georges đã lao xe đi, cô ta đi lang thang trên phố, nhưng khi đến ngã tư Odéon khi đó Georges vừa bị bắt, cô ta thấy có đám đông nên không dám đi qua. Bấy giờ cô ta mới biết Georges đã bị bắt. Không dám về nhà, cô ta trốn tại nhà một cô bạn và nhờ người này giữ hộ cái túi. Tôi đã cho khám xét nhà người bạn của cô ta và tìm thấy cái túi. Chuyện chỉ có thế. Lạy Chúa! Quả không có gì dễ hơn.
- Thế ông không cho bắt Izai sao?
- Có chứ, nhưng chúng tôi không cần cô ta nữa. Đó là một cô bé ngoan đạo đáng được Chúa phù hộ.
- Sao lại thế? - Bonaparte nhíu mày hỏi - Ông biết thừa là tôi không thích những hành động phản nghịch.
- Ngài có biết gì đeo trên cổ cô ta không?
- Sao ông lại muốn tôi biết nó? - Bonaparte hỏi và dù không muốn ông vẫn bị sự tò mò lôi cuốn trong câu chuyện với Fouché, một ưu thế mà Bonaparte không có so với Fouché đó là biết lắng nghe.
- Là vì cô ta có một chiếc phù hiệu có ghi dòng chữ như sau: "Mảnh vỡ của cây thánh giá chính gộc. Tín đồ sùng đạo ở Sainte-Chapelle Paris và giáo đoàn Saint-Pierre ở Lille”.
- Thôi được rồi - Bonaparte nói - Một cô nàng Saint-Lazare. Đám trẻ của anh chàng Buffet bất hạnh và Camolle sẽ được nuôi dưỡng bằng ngân sách Nhà nước. Ông mang năm mươi nghìn phăng tiền tìm thấy tại nhà cô bạn Izai cho chị goá Buffet, còn lại cho Caniolle. Tôi thêm vào khoản trợ cấp một nghìn phăng cho chị gái Buffet.
- Chắc ngài muốn cô ta chết vì sung sướng hay sao?
- Tại sao vậy?
- Vì chị ta thấy rằng việc chồng mình chết đã là may mắn lắm rồi.
- Tôi không hiểu - Bonaparte sốt ruột nói.
- Sao ngài không hiểu cơ chứ! Tay chồng là một tên vô lại, ngày nào cũng say xỉn và đánh đập vợ. Kể ra tội đồ Georges của chúng ta ném một viên đá cũng trúng hai đích đấy.
- Bây giờ, khi mọi việc bắt Georges đã hoàn tất, ông hãy chuyển dần các biên bản hỏi cung cho tôi chừng nào chúng đến tay ông. Tôi muốn theo dõi vụ này từng bước và thật cẩn thận.
- Tôi sẽ mang bản đầu tiên ngay đây - Fouché nói - Nguyên bản từ chính miệng Georges và ngài Réal đấy.
- Thỉnh thoảng, các ông cũng thay đổi lời cung của tội phạm chứ?
- Chắc ngài cũng biết các bài diễn văn không bao giờ ở trên báo Le Moniteur như ở trên trục đúng không? Việc các lời cung cũng vậy, chúng tôi không thay đổi, chúng tôi chỉ cho chúng chau chuốt hơn thôi.
- Hãy xem bản khẩu cung của Georges nào.