Hiệp Sĩ Sainte Hermine

Chương 41

Lúc ngài Bonaparte và Chateaubriand chia tay sau khi cân đo cao thấp giống như hai vận động viên điền kinh gặp mặt để thách đấu hơn là một người đến nhận lệnh từ chỉ huy, thì tướng Ordener lên xe đi Strasbourg, vừa đến nơi, anh đến gặp sư trưởng đóng quân ở đây. Sư trưởng đã nhận lệnh đáp ứng mọi yêu cầu không cần hỏi lý do. Ông ta giao cho viên tướng tạm quyền bấy giờ gọi là tướng Frion, ba trăm long kỵ binh của đội số 26, những lính làm cầu kèm theo mọi thứ mà tướng Ordener cần thiết.

Tướng Ordener đến Schelestadt, cử một đội trưởng quân hiến binh cải trang đến Ettenheim dò la xem hoàng thân và tướng Dumounez có ở đó hay không. Người này về báo cả hai đều ở Ettenheim.

Ngày sau đó, tướng quân Ordener đi đến Rheinau. Nhờ phà và năm tàu lớn hợp lại, họ qua sông Rhin chỉ trong một chuyến.

 

Khoảng năm giờ sáng, lâu đài của hoàng thân đã bị bao vây hoàn toàn. Nghe thấy tiếng ngựa và tiếng mở cửa, hoàng thân nhảy xuống giường vớ lấy khẩu súng trường hai viên, mở cửa sổ và nhìn thấy công dân Charlot, đại đội trưởng, đội hiến binh quốc gia số 38 đang hét với những người mà anh ta nhìn thấy trên cửa sổ lâu đài:

- Nhân danh nhà nước Cộng hoà, hãy mở cửa ra.

Ông hoàng định nổ súng (và nếu thế chắc chắn công dân Charlot cũng nhả đạn) thì đại tá Grunstein ngủ trong phòng cạnh đó vội vã chạy ra cửa sổ đặt tay lên khẩu súng và nói:

- Tâu đức ông, ngài cũng đồng loã trong vụ này ư?

- Không hề mảy may, Grunstein thân mến ạ.

- Nếu vậy - Grunstein nói - mọi kháng cự đều vô ích, chúng ta đã bị bao vây, đức ông cũng thấy đấy, tôi còn thấy nhiều lưỡi lê ách lên. Đối với kẻ khiêu khích, đó là tên cầm đầu, nếu ngài giết chúng thì ngài sẽ thua và chúng tôi cũng vậy.

- Đúng thế! - Hoàng thân ném súng xuống và nói - Cứ để chúng vào nhưng phá cửa mà vào. Tôi không quen bọn Cộng hoà nên không mở cửa cho chúng được.

Trong lúc quân lính phá cửa, hoàng thân vội vã mặc quần áo.

Nhiều tiếng kêu "Đốt lửa lên!" vang lên nhưng nhanh chóng câm bặt. Một người chạy đến nhà thờ để rung chuông bị bắt ngay và kẻ đi báo tin cho tướng Dumounez, bị tóm không kịp kháng cự (chứng ta biết rằng đó không phải là Dumounez mà là Thumery).

 

Ông hoàng bị dẫn ra khỏi phòng trong lúc người ta lục lọi tất cả giấy tờ của ông. Ông ta được đưa đến một cái cối xay gần điện Tulleries. Phần còn lại, người ta không cần phải phá cửa. Hôm trước một đội trưởng hiến binh Pferdsdorff đã được cử đến để chỉ dẫn tất cả những nơi ông hoàng ở. Pferdsdorff cùng vài hiến binh và hơn chục long kỵ binh trung đoàn hai hai đã vào nhà bằng cách nhảy qua tường bao quanh sân.

 

Khi tập hợp các tù nhân, người ta không tên thấy Dumounez trong số họ. Khi được hỏi, ông hoàng nói Dumounez chưa bao giờ ở Ettenheim và ông thậm chí chưa từng gặp người này. Những người bị bắt là: Hoàng thân, hầu tước Thumer, nam tước Grunstein, trung uý Schmidt.

Cha Weinbom, cựu sáng tập toà giám mục Strasbourg, cha Michel, thư ký toàn giám mục Strasbourg, Jacques thư ký tin cẩn của công tước Englủen, Simon Fenand, cận vệ và hai người hầu có tên là Pierre Poulain và Joseph Canone.

Ban đầu công tước tỏ ra sợ khi bị dẫn độ về Paris.

- Ông ta bắt được tôi rồi - Công tước nói - ông Đệ nhất Tổng tài sẽ cho giam giữ tôi. Ta thấy bực khi không bắn vào ông, chỉ huy ạ. Nếu thế người của ông đã bắn ta và thế là bây giờ mọi chuyện đã chấm dứt.

Một chiếc xe bò chở rơm đã sẵn sàng. Người ta tống tù nhân lên xe và dẫn đi giữa hai hàng súng đến tận sông Rhin. Sau đó họ qua sông Rhin, đi đến Plobsheim dừng lại ăn trưa. Sau bữa trưa, công tước lên xe cùng chỉ huy Charlot và đội trưởng hiến binh. Một hiến binh khác lên cạnh đại tá Grunstein.

 

Họ đến Strasbourg khoảng năm giờ chiều. Mọi người đến lâu đài bản doanh của đại tá Charlot. Nửa giờ sau, công tước bị đưa lên xe ngựa ba bánh để đưa vào thành còn những người khác đi xe bò hoặc cưỡi ngựa của nông dân. Đại tá Charlot cho tập trung tất cả ở phòng khách. Đệm ngủ trải luôn ở đó, bên ngoài cửa có một toán lính và bên trong có hai toán khác liên tục túc trực suốt đêm.

Hoàng thân ngủ không ngon giấc. Ông không thể yên tâm trước cái cách diễn ra mọi việc. Những lời cảnh báo trước đây như sống dậy trong tâm trí của ông và ông tự trách mình đã không cảnh giác.

 

Thứ sáu ngày 16 tháng Ba, công tước được thông báo sẽ đổi chỗ ở. Tướng quân Leval, chỉ huy trưởng tại Strasbourg và trưởng Friron đến thăm ông. Cuộc viếng thăm lạnh lùng và tẻ ngắt. Công tước được đưa đến phòng cạnh thềm, bên phải ngôi nhà, nối với phòng của quý ông Thumery, Schmidt và Jacques, nhưng ông cũng như người của mình không thể đi qua đi lại gặp nhau.

Dẫu sao, người ta cũng để ông được phép đi dạo trong một khu vườn nhỏ phía sau am. Một tốp lính hơn mười người cùng một sĩ quan canh gác cạnh đó, bá tước Grunstein bị chia cách với ông bằng cách được sắp xếp ở phòng đầu sân bên kia. Công tước rất buồn trước sự chia cắt này. Ông bắt đầu viết cho nữ công tước vợ mình, trao cho tướng Leval và nhờ ông này chuyển giúp nhưng không nhận được lời hồi âm nào, điều này càng khiến ông đau buồn gấp bội. Tất cả mọi giao tiếp đều bị cấm.

 

Bốn giờ chiều, người ta đến xem xét giấy tờ của ông. Người ta đọc qua loa, phân chia thành từng tập rồi gửi về Paris.

Mười một giờ đêm, công tước lên giường đi ngủ, dù rất mệt mỏi, nhưng ông không sao chợp mắt được. Ông Machine, phụ trách khu này đến thăm ông trên giường, an ủi vài câu gượng ép.

 

Thứ bảy, ngày 17, công tước Enghien không nhận được hồi âm nào cho lá thư ông viết tới nữ công tước Rohan. Ông đang ở trong tình trạng gần như tuyệt vọng. Người ta đến cho ông ký vào biên bản. Buổi tối, họ thông báo ông được phép đi dạo trong vườn với sĩ quan canh gác và các bạn tù của mình. Sau đó, ông ăn tối và ngủ ngon hơn.

 

Chủ nhật ngày 18, lúc một giờ rưỡi sáng, người ta đến đưa công tước đi ông chỉ kịp mắc quần áo và ôm hôn các bạn của mình.

Ông đi một mình giữa hai sĩ quan hiến binh và hai hiến binh. Đến quảng trường Eglise, trung uý Petermann và một hiến binh trèo lên xe, ngồi cạnh ông trong khi Blitersdorff và một liến binh khác trèo lên ghế đánh xe.

Chiếc xe dẫn công tước đến quận 20 vào lúc mười một giờ hôm sau, đó cũng là trạm gác. Họ ở lại đó năm tiếng trong khi đó chắc chắn những chi tiết của thảm cảnh hãi hùng đang diễn ra sắp kết thúc. Lúc bốn giờ chiều, chiếc xe đi về phía lâu đài Vincennes và đến nơi vào quãng nửa đêm. Đã đến lúc các nhà Tổng tài của nhà nước Cộng hoà ra lệnh bắt như sau:

 

"Paris ngày 29 Ventôse năm thứ XII

của nền Cộng hoà Duy nhất và Bậc khả chia cắt

Chính phủ Cộng hoà lệnh bắt:

Công tước Enghien, về tội cầm vũ khí chống lại nhà nước Cộng hoà, cấu kết với quân Anh tham gia vào vụ phản loạn làm nguy hại đến an ninh nội bộ và an ninh ngoài nước. Công tước sẽ bị đưa ra xét xử tại Uỷ ban Quân sự bao gồm bảy thành viên do chỉ huy trưởng Paris chỉ định và tập hợp tại Vincennes.

Chánh án, ngài Bộ trưởng Chiến tranh, chỉ huy trưởng Paris chịu trách nhiệm về sự có mặt của bị cáo.

BONAPARTE

HUGUES MARET

CHỈ HUY TRƯỞNG PARIS

MURAT"

 

Chiều theo luật quân sự, sư đoàn trưởng phải thành lập uỷ ban xét xử và ra lệnh xét xử. Murat vừa là chỉ huy trưởng Paris vừa là sư trưởng. Lệnh bắt của các vị Tổng tài nói trên có chữ ký của Murat là vì ông buộc phải ký vào đó. Biết mình lỡ tay, ông thấy vô cùng đau xót. Ông là một người dũng khí, xốc nổi nhưng cũng tốt bụng. Ông có được thông báo hội đồng Tổng tài ra quyết định bắt công tước Enghien, trong lúc sốt ruột thấy anh vợ luôn bị những âm mưu lật đổ mới mọc lên đe doạ, ông đã vỗ tay tán đồng quyết định ấy. Nhưng khi công tước Enghien đã bị bắt, ông lại chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả đáng sợ trong cuộc bắt bớ này thì ông chột dạ.

- Chà! - Ông thất vọng ném cái mũ ra xa - Ngài Đệ nhất Tổng tài lại muốn dìm bộ quân phục của mình trong máu đây!

Sau đó ông chạy ra cửa sổ hét to:

- Đóng ngựa vào xe!

Xe vừa chuẩn bị xong, ông lao lên và ra lệnh: "Đến Saint-Clou!"

Ông không muốn nhượng bộ ngay lập tức một mệnh lệnh mà theo ông là một vết nhơ cho Bonaparte và cho bản thân ông. Murat đến gặp anh vợ, giải thích về nỗi lòng của mình, về sự lo lắng và đau xót trước sự việc. Nhưng Bonaparte đã giấu trong chiếc mặt nạ bằng đồng chính những cảm xúc như thế của ông. Ông tỏ ra mạnh mẽ, không thể lay chuyển, coi đó là sự yếu đuối hèn kém và nói:

- Được rồi, nếu chú sợ, tôi sẽ chỉ định ai sẽ là người ký lệnh xét xử ngay trong ngày.

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ chuyện ngài Tổng tài Bonaparte đã ra lệnh cho Savary đến rình bên vách đá Biville hồi họ đợi chuyến tàu của các ông hoàng cập bến. Savary là một trong chúng con người hiếm thấy, khi anh ta hiến dâng là hiến dâng toàn bộ cả thể xác lẫn tâm hồn không hề kêu ca. Anh ta yêu quý Bonaparte, không có quan điểm chính trị nào cả, anh ta chỉ đơn thuần tôn thờ ngài Đệ nhất Tổng tài.

Ngài Tổng tài đã cho thảo lệnh, tự tay ký rồi sai Savary mang chúng đến cho Murat chủ trì việc xét xử. Mệnh lệnh đó rất đầy đủ và rõ ràng. Do vậy Murat bị ngài Tổng tài thúc đẩy mạnh quá trong lòng vừa rủa thầm vừa vò đầu bứt tai, ông tự tay viết mệnh lệnh sau:

 

"Chinh quyền Paris

Ngày 29 Ventôse, Nhà nước Cộng hoà năm thứ XII

Tổng chỉ huy trưởng Paris

Căn cứ thi hành lệnh của chính phủ, uỷ ban quân sự bảy thành viên sẽ do Tổng chỉ huy trưởng Paris bổ nhiệm và đã bổ nhiệm những người sau:

Tướng quân Hulin, chỉ huy đội Hồng vệ binh bảo vệ các Tổng tài chủ toạ.

Đại tá Guiton, chỉ huy Trung đoàn thiết giáp số 1.

Đại tá Bazancourt, chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 4

Đại tá Ravier, chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 18

Đại tá Banois, chỉ huy Trung đoàn bộ binh số 96

Đại tá Rabbe, chỉ huy Trung đoàn bảo vệ thủ đô số 2

Công dân Autancourt, tham mưu đội Hiến binh ưu tú giữ nhiệm vụ báo cáo viên uỷ ban này được thành lập ngay tại lâu đài Vincennes để xét xử nghi phạm như chính phủ quy định, mọi văn bản sẽ được trao lại cho chủ toạ.

J. MURAT"

 

Tù nhân vừa bước vào Vincennes.

Quản lý lâu đài này có tên là Harel. Ông ta được thăng chức điều hành sau vụ Ceracchi và Aréna. Thật trùng hợp khi vợ ông ta lại là chị em cùng vú nuôi với công tước Enghien.

Ông Harel không nhận được mệnh lệnh nào. Người ta hỏi ông có chỗ nào cho tù nhân không, ông đáp là không, chỉ có phòng của chính ông và phòng họp. Lập tức ông Harel được lệnh đi chuẩn bị một chỗ để tù nhân có thể ngủ trong khi chờ phán quyết. Lệnh này kèm theo việc đào trước cái hố trong sân.

Harel đáp điều này rất khó vì sân lát gạch. Người ta tìm chỗ để đào và họ tìm thấy một cái hố có sẵn ở lâu đài.

Bảy giờ tối, công tước bước vào lâu đài. Ông lả đi vì đói và lạnh, không có vẻ buồn nhưng hơi lo lắng. Vì phòng của ông chưa được sưởi ấm nên ông chủ toà lâu đài cho công tước ở phòng của mình. Sau đó, người ta cho tìm đồ ăn trong làng.

Hoàng thân ngồi vào bàn và mời chủ toà lâu đài cùng ăn. Ông Harel từ chối và muốn phục vụ hoàng thân. Thế là ông hoàng đưa ra hàng lố câu hỏi về phòng thủ của toà lâu đài Vincennes và về các sự kiện đã xảy ra. Rồi đột nhiên ông hoàng quay lại hoàn cảnh của mình:

- Này, ông chủ thân mến, ông có biết người ta định làm gì tôi không?

Ông Harel không biết và không thể nói gì về chủ đề này. Nhưng vợ ông nấp sau tấm bình phong che rèm nghe rõ mọi việc đang xảy ra. Khi có lệnh đào hố, bà hình dung ra ngay tương lai thế nào nên khóc nấc lên. Tôi đã nói bà là chị em cùng vú nuôi với công tước Enghien.

Công tước vội vàng đi ngủ do chuyến đi quá mệt mỏi. Nhưng chưa kịp chợp mắt, trung uý Noirot, trung uý Jacquin, đại uý Autancourt và hiến binh Nerva, Tharsis vào phòng của ông.

Với sự tham dự của công dân Molin, đại uý trung đoàn 18, là lục sự do báo cáo viên chỉ định, tất cả tham dự buổi thẩm vấn:

- Họ, tên, tuổi, phẩm vị của ông là gì? - đại uý Autancourt hỏi.

- Tôi tên là Louis-Antoine-Henri de Bourbon, công tước Enghien, sinh ngày 2 tháng 8 năm 1772 tại Chantilly - Hoàng thân đáp.

- Ông rời Pháp từ bao giờ?

- Tôi không thể nói chính xác nhưng tôi nghĩ đó là ngày 16 tháng 7 năm 1789, tôi đi cùng Hoàng thân Condé là ông của tôi, cha tôi là công tước Bourbon, bá tước Artois và các con ông ấy.

- Ông sống ở đâu sau khi rời Pháp?

- Khi rời Pháp, tôi luôn đi cùng cha mẹ từ Monge đến Bruxelles. Ở đó, chúng tôi ở nhờ chỗ vua Sardaigne khoảng mười sáu tháng. Tôi đã ở Worn và vùng lân cận đó, bên bờ sông Rhin.

Khi quân đội Condé được thành lập, tôi tham gia chiến đấu. Tôi lập chiến dịch năm 1792 ở Brabant cùng quân của công tước Bourbon và quân đội của công tước Albert.

- Ông sống ở đâu sau khi hoà bình lập lại giữa Cộng hoà Pháp và đế chế Áo?

- Chúng tôi chấm dứt chiến dịch cuối cùng ở gần Gratz. Đến khi đó quân đội được bán cho nước Anh và hội giải ngũ. Tôi ở lại Gratz và khu gần đó khoảng tám, chín tháng vừa để chờ tin của ông nội tôi đang ở bên Anh để đòi khoản trợ cấp cho tôi. Trong khoảng thời gian ấy, tôi được giáo chủ Rohan cho phép đến xứ của ông. Tôi ở lại đó hai năm. Khi Giáo chủ qua đời, tôi chính thức yêu cầu nghị viện Ba de cho tôi tiếp tục chiến đấu tại đó và ông đã đồng ý.

- Ông chưa bao giờ sang Anh và chính quyền này cũng không gửi tiền cho ông chứ?

- Tôi chưa bao giờ sang Anh nhưng tôi vẫn nhận được một khoản và chỉ dựa vào đó để sống.

- Ông có liên lạc với giới quý tộc Pháp sống lưu vong ở London và gặp họ từ bao giờ

Tất nhiên, tôi vẫn liên lạc với ông và cha tôi nhưng từ lâu rồi không gặp họ, từ 1794 hay 95 gì đó.

- Ông giữ chức vụ gì trong quân đội Condé?

- Chỉ huy quân Tiên phong, trước năm 1796, tôi tự nguyện phục vụ tại tổng hành dinh của ông tôi.

- Ông biết tướng Pichegru chứ?

- Tôi cho là mình chưa bao giờ gặp ông ta, tôi không hề có quan hệ gì với người này. Tôi biết ông ta muốn gặp tôi những tôi tảng lờ không biết ông ấy.

- Ông biết tướng Dumouriez chứ? Ông có quan hệ với ông này không?

- Không, tôi chưa bao giờ thấy ông ta.

- Từ ngày hoà bình lập lại, ông chưa bao giờ liên lạc với nội bộ phe Cộng hoà chứ?

- Tôi có viết cho vài người bạn nhưng chỉ là thư thường không ảnh hưởng gì đến chính phủ.

 

Đại uý Autancourt chấm dứt cuộc hỏi cung, cho công tước Jacquin, trung uý Noirot hai viên hiến binh và chính Autancourt ký vào biên bản. Nhưng khi ký, công tước viết mấy dòng sau:

 

"Trước khi ký vào biên bản, tôi tha thiết yêu cầu được đặc cách gặp ngài Đệ nhất Tổng tài. Tên tuổi, địa vị cách nghĩ của tôi cũng như tình hình tệ hại của tôi cho tôi hy vọng ông sẽ không từ chối lời đề nghị này.

"LOUIS-A-H-DE BOURBON

 

Lúc đó Bonaparte đã lui về La Malmaison nơi ông cấm ai đến quấy rầy mình. Đó là địa điểm ẩn náu khi ông tuyệt đối muốn được ở một mình để suy nghĩ.

Phu nhân Bonaparte, hoàng hậu trẻ Hortense và toàn thể phụ nữ trong nhà đều tuyệt vọng. Nhiều lần Joséphine mạnh dạn đi vào phòng và trực tiếp đặt vấn đề. Nhưng ngài Bonaparte đã đáp lại bằng giọng dứt khoát.

- Cô im đi, để tôi yên. Các người là đàn bà thì đừng tham gia vào chính trị.

Về phần mình, tối ngày 20 tháng Ba, ông thư giãn chút ít, bình tĩnh sải bước rộng, hai tay chắp sau lưng và đầu chúi về phía trước như mọi khi. Cuối cùng, ông ngồi xuống một chiếc bàn và thấy có bộ bài liền nói to.

- Xem nào, ai trong số các phu nhân cho tôi chơi bài với?

Phu nhân Rémusat đứng dậy ngồi đối diện với ông nhưng chỉ vài phút, ông đã ném bộ bài xuống, không xin lỗi và đi ra.

Để hoàn toàn thoát khỏi vụ việc này, chúng ta cũng thấy ông rất tuyệt vọng, Bonaparte đã trút toàn bộ nhiệm vụ cho Murat.

Cuộc thẩm vấn kết thúc, hoàng thân mệt đến nỗi đi ngủ ngay lập tức Nhưng chỉ được một tiếng người ta lại vào phòng của ông, đánh thức ông dậy, bắt ông mặc quần áo rồi đưa xuống phòng hội đồng.

 

Chủ toạ hội đồng xét xử, tướng Hulin, có sự nghiệp may mắn hiếm thấy. Ông là người Thuỵ Sĩ, sinh tại Genève năm 1758. Giống như phần lớn người Genève khác, ông ta làm nghề sửa đồng hồ. Hầu tước Congflans thấy ông cao ráo và đẹp trai đã cho ông đi săn cùng. Khi tiếng súng đầu tiên từ nhà ngục Bastille vang lên là lúc ông ta đang chạy trong bộ trang phục tuyệt đẹp và thế là được phong làm tướng quân. Ông không hề cải chính sự nhầm lẫn đó, đứng đầu một đoàn người anh dũng nhất xông vào sân nhà tù của triều đình. Sau đó, ông mang quân hàm đại tá mà không ai phản đối cả. Chỉ mới vài tuần trước ông mới được phong hàm tướng quân. Lòng can đảm mà ông chứng tỏ cũng đáng nể lắm. Số là, trận đấu với Launay vừa kết thúc, ông đã chiến đấu rất kiên cường, chỉ dừng lại khi kiệt sức nằm vật xuống đất, tuy vậy vẫn không ngăn được ông hạ một sĩ quan nữa và cho hắn nát như tương.

Có thể vì nhớ lại lòng nhân ái ấy mà ông được bổ nhiệm làm chủ toạ uỷ ban xét xử công tước Enghien. Hoàng thân được xét hỏi lần thứ hai về đủ mọi chuyện. Nhưng trong một hội đồng chiến tranh thì chỉ có một việc phải làm là nếu hoàng thân nhận tội thì cho thi hành bản án. Và bản án đó như sau:

...

"1) Uỷ ban tuyên bố người có tên Louis-Antoine-Henri de Bourbon, tức công tước Enghien, thừa nhận là thủ phạm đã cầm vũ khí chống lại nước cộng hoà Pháp.

2) Thừa nhận là thủ phạm phục vụ cho chính phủ Anh, kẻ thù của dân tộc Pháp.

3) Thừa nhận là thủ phạm đã tiếp nhận lính từ chính phủ Anh, giúp họ mưu mô trên đất Pháp và cùng họ làm phản gây mất an ninh trong và ngoài nước.

4) Thừa nhận là thủ phạm đứng đầu một tổ chức lưu vong và những người khác do nước Anh hậu thuẫn đóng bên biên giới nước Pháp và ở các xứ Fribóurg và Baden.

5) Thừa nhận là thủ phạm liên lạc với người Strasbourg định gây tình hình có lợi cho nước Anh.

6) Thừa nhận là thủ phạm đồng loã trong cuộc mưu phản do người Anh giật dây nhằm vào tính mạng của ngài Đệ nhất Tổng tài và nếu âm mưu này thành công sẽ về Pháp nắm quyền"

 

Đọc xong phần khép tội trên, chủ toạ đọc nốt phần cuối liên quan đến áp dụng hình phạt. Phần này cũng được rành mạch như phần trên và uỷ ban thống nhất tuyên án tử hình cho người có tên Louis-Antoine-Henri de Bourbon tức công tước Enghien vì tội làm gián điệp, cấu kết với kẻ thù nước cộng hoà, âm mưu làm mất an ninh quốc gia.

 

Có một điều kỳ lạ khiến chính các thành viên của uỷ ban không nhận ra đó là không ai được báo trước mục đích họ được triệu tập làm gì. Một trong số thành viên uỷ ban còn phải đứng hàng tiếng trong hành lang mà không làm sao cho người ta nhận ra mình. Một người khác, vừa nhận lệnh vội đến thẳng Vincennes cứ tưởng mình bị bắt nên hỏi mãi phải làm gì để vào nhà giam.

Về lời yêu cầu mà công tước xin gặp ngài Bonaparte, một thành viên uỷ ban đề nghị nên chuyển nó đến chính phủ. Cả uỷ ban đều đồng ý nhưng có một tướng quân đứng sau ghế của ngài chủ toạ, người này hình như đại diện cho ngài Tổng tài, tuyên bố lời đề nghị này chưa đúng lúc, uỷ ban nên chuyển sang việc khác và dành việc làm thoả mãn phạm nhân sau.

Khi bản án đã xong, tướng Hulin với cây bút định viết cho ngài Bonaparte mong muốn của công tước Enghien thì người ban nãy bảo yêu cầu chưa phải lúc hỏi:

- Ngài làm gì thế?

- Tôi viết cho ngài Tổng tài - Hulin đáp - Tôi chuyển mong muốn của hội đồng xét xử và của phạm nhân đến ông ấy.

- Công việc của ngài thế là xong rồi - Người đàn ông ấy nói và cất bút đi - Bây giờ chuyện này không liên quan đến tôi nữa.

Sau khi tham dự buổi xét xử, Savary đi ra gặp đội hiến binh ưu tú và đứng ngoài bãi đất gần lâu đài. Viên sĩ quan chỉ huy toán quân nước mắt vòng quanh đến trình bày người ta xin anh ta cái cọc để thi hành bản án của uỷ ban quân sự.

- Đưa nó cho họ. - Savary nói.

- Nhưng tôi biết đặt nó ở đâu bây giờ?

- Ở chỗ nào mà anh không thể làm ai bị thương ấy.

Cái anh chàng đáng thương đi tìm khắp nơi. Sau khi xem xét mãi, anh ta quyết định chọn chỗ cái hố là chắc ăn nhất vì không thể làm ai bị thương được.

Cuộc họp hội đồng đã xong, công tước lại lên phòng mình đi ngủ. Đang ngủ ngon người ta lại đến gọi ông dậy để đọc bản án và thi hành nó. Vì bản án phải được đọc ở chỗ hành quyết nên người ta bắt ông ra khỏi giường và mặc quần áo. Ông hoàng không nghĩ người ta dẫn mình đi bắn đến nỗi khi xuống cầu thang dẫn đến hố của pháo đài ông hỏi:

- Chúng ta đi đâu thế này?

Cảm thấy hai cánh tay bị lạnh, ông xiết tay người quản lý lâu đài đang xách đèn hỏi nhỏ:

- Người ta cho giam tôi vào một xà lim à?

Chỉ một lát sau ông sẽ được giải thích hết nên chẳng ai cần trả lời. Dưới ánh sáng của ngọn đèn từ tay Harel, người ta đọc bản án của ông. Công tước thản nhiên nghe đọc. Sau đó ông rút một lá thư từ trong túi, chắc ông đã phòng sẵn cho tình huống này.

Lá thư có kèm một lọn tóc và một chiếc nhẫn vàng. Ông trao nó cho trung uý Noriot, người ông cảm thấy gần gũi và thân thiện nhất từ khi về Vincennes. Viên chỉ huy chịu trách nhiệm xử bắn hỏi ông:

- Ngài có muốn quỳ không?

- Sao phải làm thế? - ông hoàng hỏi.

- Để đón nhận cái chết.

- Một người Bourbon chỉ quỳ gối trước Chúa mà thôi!

Đám lính lùi lại vài bước. Đúng lúc ấy một con chó nhỏ vốn theo chân công tước từ Ettenheim chạy ra khỏi phòng đến dụi vào chân ông và sủa lên vui vẻ. Hoàng thân cúi xuống để vuốt ve nó, khi thấy đám lính chuẩn bị vũ khí, ông nói:

- Hãy chăm sóc cho con Fidèle đáng thương của tôi, đó là tất cả những gì tôi yêu cầu các vị - Rồi đứng thẳng dậy, ông nói - Tôi thuộc về các anh, hãy làm đi!

Bốn khẩu lệnh lần lượt: " Chuẩn bị vũ khí!", " Lên đạn!", " Ngắm!", "Bắn!", tiếng nổ chát chúa vang lên và hoàng thân đổ vật xuống. Ông nằm sấp và còn nguyên quần áo trong cái hố đào từ trước. Chỉ một lát sau, thi thể đã bị lấp đầy đất. Đám lính lấy chân dậm đất để cố gắng xoá đi dấu vết họ để lại trên cỏ.

Mới đọc xong bản án, tất cả các thành viên của uỷ ban quân sự đã muốn rời khỏi Vincennes. Ai cũng gọi xe nhưng họ bối rối trước cổng lâu đài vì chẳng có chiếc xe nào của những người vừa tham gia vào cái chết của một ông hoàng bất hạnh trước khi tiếng súng vang báo hiệu mọi việc đã kết thúc cả.

Mãi sau cửa mới mở và người nào người nấy vội lên xe, ra lệnh cho người đánh xe rời khỏi cái lâu đài đáng nguyền rủa này càng nhanh càng tốt. Có thể nói rằng tất cả những con người anh hùng này có thể trên chiến trường, đối diện với cái chết họ sẽ không lùi một bước nhưng bây giờ đang hấp tấp chạy chốn trước một thây ma.

Savary có lẽ là người bị ấn tượng hơn những người khác cũng lên đường về Paris. Đến trạm gác, anh gặp ngài Réal đi đến Vincennes trong bộ quần áo hội đồng. Anh chặn ông lại hỏi:

- Ngài đi đâu đấy?

- Đến Vincennes - ông Réal đáp.

- Ngài đến đó làm gì? - Savary hỏi.

- Thì đến thẩm vấn công tước Enghien theo lệnh của ngài Đệ nhất Tổng tài chứ là gì nữa.

Công tước Enghien đã chết cách đây mười lăm phút rồi - Savary nói.

Ông Réal kêu lên ngạc nhiên gần như khiếp hãi và tái mét người.

- Ôi tại sao lại vội vàng làm hại ông hoàng bất hạnh ấy thế?

"Câu trả lời cho câu hỏi đó, tôi bắt đầu nghi ngờ cái chết của công tước Enghien là tác phẩm của ngài Đệ nhất Tổng tài" - Savary đã nói như vậy trong tập Hồi ức của mình.

Ông Réal quay trở lại Paris còn Savary thẳng đến Malmaison để báo cáo cho ngài Đệ nhất Tổng tài biết mình thấy gì. Lúc đó là mười một giờ. Ngài Tổng tài cũng ngạc nhiên như ngài Réal khi nghe thông báo về cái chết này. Làm sao họ lại thẳng thừng với phạm nhân khi ông hoàng muốn gặp ông?

- Theo những gì tôi biết về tính cách của ông ta, tất cả có thể dàn xếp được giữa chúng tôi - Ngài Bonaparte nói rồi lại bước những bước dài - Trong chuyện này có điều gì đó khiến ta không hiểu! Việc uỷ ban đồng ý thỉnh cầu của công tước Enghien thì có gì phức tạp. Mà mong muốn ấy có ngay từ lúc đầu vụ xét xử! Việc tiến hành bản án chỉ diễn ra sau khi ngài Réal thẩm vấn một điểm quan trọng cần làm sáng tỏ cơ mà.

Ông nhắc lại:

- Ở đây có cái gì đó đang xảy ra với tôi? Vụ này chẳng đi đến đâu và chỉ nhằm mục đích khiến tôi trở nên bỉ ổi!

Cũng khoảng mười một giờ, đô đốc Truguet hoàn toàn chưa biết sự kiện định mệnh này xảy ra, đến La Malmaison để báo cáo với ngài Đệ nhất Tổng tài công việc do ông chịu trách nhiệm tổ chức tàu thuyền ở Brest. Không thể vào phòng làm việc của ngài Tổng tài vì ông đang tiếp Savary, viên đô đốc hải quân đành chờ ở phòng khách. Ông ngạc nhiên khi thấy phu nhân Bonaparte nước mắt lã chã và ở tình trạng rất tuyệt vọng. Bà vừa được tin vụ hành quyết hoàng thân, bà không thể dấu được nỗi sợ hãi cho tương lai sau thảm hoạ kinh khủng này.

Chính bản thân đô đốc khi được tin bất ngờ này cũng phải rùng mình và nỗi lo lắng càng tăng lên khi ngài Tổng tài cho gọi ông. Đến phòng làm việc của ngài Bonaparte, ông cố gắng trình bày:

- Thưa công dân Tổng tài, tôi đến báo cáo công việc ngài giao cho tôi về hạm đội Brest.

- Cảm ơn - Bonaparte nói và tiếp tục đi đi lại lại, sau đó ông đột ngột dừng lại - Này Truguet, lại bớt được một tên Bourbon.

- Ái chà! - Truguet nói - Có phải Louis XVIII không may chết rồi không?

- Không. Thế đã tốt! - Bonaparte giận dữ nói - Tôi đã cho bắt công tước Enghien ở Enenheim; tôi cho giải hắn về Paris và sáu giờ sáng nay hắn đã bị bắn ở Vincennes.

- Nhưng mục đích của hành động nghiêm khắc này là gì vậy?

- Thực tình, đã đến lúc phải chấm dứt bọn sát nhân nhắm vào tôi Bây giờ, người ta sẽ không nói tôi muốn sắm vai Monck nữa - Bonaparte đáp.

 

Hai ngày sau thảm hoạ đó, Boumerine lo ngại trước tình trạng của phu nhân Bonaparte liền gởi thư hỏi xem bà có thể tiếp anh ta không. Lá thư khẩn được chấp nhận, Boumerine chạy vội đến La Malmaison và được đưa ngay vào phòng nơi chỉ có Joséphine, phu nhân Louis Bonaparte và Rémusat. Cả ba đều rất buồn.

- Boumerine đây rồi - Phu nhân Bonaparte kêu lên khi nhìn thấy anh chàng này - Ôi thật là bất hạnh khủng khiếp! Giá ngài biết ông ta từ trước đến giờ! Ông ấy lánh mặt, sợ tiếp xúc với tất cả mọi người, thế mà ai lại đổ cho ông ta có hành động như thế chứ?

Boumerine biết mọi chi tiết về cuộc hành án qua Harel nên kể lại.

- Thật là ác độc! - Joséphine kêu lên. Ít ra người ta cũng không bảo đó là lỗi của tôi vì tôi đã cố gắng ngăn cản dự định thảm thiết này. Ông ấy không nói cho tôi biết nhưng tôi đã đoán được. Ôi giá ngài biết ông đã từ chối lời thỉnh cầu của tôi thế nào? Tôi đến quỳ gối trước ông ấy thế mà ông ấy giận dữ nói "Hãy đi mà lo chuyện của cô. Đây không phải là chuyện của đàn bà, hãy để tôi yên?" Rồi ông ấy đẩy mạnh tôi như lần ông ấy về Ai Cập. Rồi dư luận Paris sẽ thế nào? Tôi chắc là đâu đâu cũng có lời nguyền rủa bởi vì ở đây ngay cả những kẻ nịnh bợ cũng có vẻ e dè trước sự có mặt của ông ấy. Ngài cũng biết khì không hài lòng về mình ông ấy cũng tỏ ra như vậy với tất cả mọi người rồi đấy; không ai dám nói với ông ấy nửa lời. Còn đây là tóc và chiếc nhẫn vàng ông hoàng tội nghiệp xin tới gửi cho một người yêu dấu của ông ta. Viên đại tá mà ông ấy tin tưởng đã đưa cho Savary và Savary trao lại cho tôi. Savary cũng nước mắt lưng tròng khi kể với tôi về giây phút cuối cùng của công tước đến nỗi chính cậu ta cũng phải xấu hổ. "Ôi, kể ra thì không sao thưa phu nhân - Anh ta vừa nói vừa gạt nước mắt - nhưng người ta không thể nhìn một con người như thế ra đi mà không thấy xót xa”.

 

Ngài Chateaubriand chưa đi đến đại sứ quán Valais, lúc ngang qua vườn Tuileries tình cờ nghe được một nam một nữ đang rao tin chính thức. Những người qua đường vội dừng lại, sững sờ trước những lời sau:

 "Bản án của uỷ ban quân sự đặc biệt triệu tập tại Vincennes đã tuyên án tử hình cho người có tên là Louis-Antoine-Henri de Bourbon tức công tước Enghien, sinh ngày 2 tháng 8 năm 1772 ở Chantilly".

 

Lời rao ấy giáng xuống ông như tiếng sét nổ ngang tai, trong giây lát, ông cũng sững sờ như những người khác. Sau đó, ông trở về nhà ngồi vào bàn viết đơn xin từ chức rồi ngay ngày hôm đó gửi cho Bonaparte.

Ngài Bonaparte nhận ngay ra nét chữ của Chateaubriand, ông xoay xoay lá thư trong tay mấy lần rồi mới bóc niêm phong và đọc. Đọc xong ông giận giữ ném nó xuống bàn:

- Càng tốt! - Chúng tôi không bao giờ có thể hoà hợp được, ông ta chỉ là quá khứ, tôi mới là tương lai!

Phu nhân Bonaparte quả không nhầm khi lo ngại ảnh hưởng của cái chết của công tước Enghien. Qua những người rao tin, Paris hồi âm lại bằng những lời bàn tán xôn xao, không chỗ nào nói đến từ "xét xử" công tước Enghien mà đâu đâu cũng nói "ám hại" công tước Enghien. Không ai tin công tước là thủ phạm và đã có một cuộc hành hương thật sự kéo đến xem hố chôn ông ta.

Nhưng người ta đã cho lấp cỏ lên đó khiến không ai có thể nhận ra chỗ nào là chỗ chàng trai trẻ bị chôn nếu không có một con chó chỉ cho họ vì lúc nào nó cũng nằm lên chỗ ấy. Đám người nhìn trân trân vào cái hố cho đến khi trước mắt khiến hình ảnh ấy nhào đi, thế là họ thì thầm gọi:

- Fidèle! Fidèle! Fidèle!

Con chó đáng thương đáp lại những tiếng gọi trìu mến ấy bằng những tiếng rên dài và buồn bã.

 

Một buổi sáng, người ta tìm mãi mà không thấy con Fidèle đâu, chỗ của nó vẫn còn hiển hiện với những ai nhìn thấy bằng tấm lòng, còn Fidèle lo ngại cảnh sát đã biến mất.