Hiệp Sĩ Sainte Hermine

Chương 105

Fra Diavolo nổi tiếng ở Pháp qua các vở hài kịch của Quý ông Scrile và Auber hơn là qua những lần liên lạc dài dằng dặc giữa Hoàng đế Napoléon và anh trai của ngài, vua Joseph.

Hắn tên thật là Michele Pezza, sinh ra tại một làng nhỏ ở Itri, trong một gia đình nghèo khó sống lần hồi qua ngày nhờ hai con la chở chút dầu bán cho các làng lân cận. Hắn được đặt biệt danh là Fra Diavolo do những người đồng hương nghĩ ra cái tên nửa thánh nửa trần vì nó kết hợp kiểu chơi chữ ý nói một thày dòng ác như quỷ.

 

Ban đầu hắn được đưa vào nhà thờ nhưng lại hoàn tục, đi học nghề ở nhà người làm yên thồ cho la và ngựa. Nhưng chẳng được bao lâu, sau một cuộc cãi vã kịch liệt với ông chủ, hắn bỏ về nhà, ngày hôm sau, hắn bắn chết ông ta bằng một khẩu súng trường trong lúc ông này đang ăn cùng ba bốn người khách trong vườn.

 

Vụ giết người ấy xảy ra khoảng năm 1797, tên sát nhân mới chỉ mười chín tuổi.

 

Giống như những trường hợp tương tự, hắn bỏ trốn vào vùng núi cao. Sau hai năm hắn làm sơn tặc thì xảy ra cuộc cách mạng năm 1799 và Championnet chiếm đất Naples. Thế là hắn tuyên bố theo nhà Bourbon và trở thành dân Bảo hoàng. Kết quả là hắn làm lễ chuộc tội và chịu ra tay bảo vệ luật thần thánh.

 

Hắn là người đầu tiên đáp lại lời kêu gọi của vua Ferdinand chống lại quân Pháp. Ban đầu, hắn tập hợp ba anh em của mình phong chức trung uý cho họ, nhân số băng đảng của mình thành gấp ba gấp bốn nhờ số người tự nguyện đến ngày càng đông.

 

Ngay từ đầu, hắn đã chứng tỏ chủ nghĩa yêu nước của mình trên chặng đường lớn từ Rome đến Naples.

 

Cuộc treo cổ do hắn thực hiện thật nực cười thay khi hắn vừa rửa tay gác kiếm lại bắt đầu hành nghề trở lại. Cách Itri chưa đầy một dặm, hắn đã cố bắt lại hai hành khách mình mới thả chưa lâu.

 

Trong chiến dịch ấy, Fra Diavolo giết khá nhiều người: sĩ quan tuỳ tùng của tướng Championnet, chỉ huy của đại đội Claye được cử đến gặp tướng Lemoine, do bất cẩn đã chọn người dẫn đường không chắc chắn bị tên này dẫn đến giữa toán của Fra Diavolo và bị hắn băm thành từng mảnh.

 

Trong lần tấn công cây cầu Garigriano, sĩ quan tuỳ tùng Gourdel, chỉ huy tiểu đoàn bộ binh hạng nhẹ và hơn chục sĩ quan và binh lính đã rơi vào trận và bị Fra Diavolo cùng quân của hắn trói vào gốc cây chất những cành cây tươi xung quanh châm lửa từ từ. Trong khi ấy dân chúng làng lân cận, đàn ông, đàn bà trẻ con vừa nhảy múa xung quanh các khúc củi vừa hô vang: "Fra Diavolo vạn tuế.".

 

Tướng quân Championnet, người từng có dịp đấu với Fra Diavolo một lần đã gần như triệt hạ được băng đảng của hắn mà không sao tóm được hắn, đã thừa nhận tên thủ lĩnh này khiến ông nhọc sức hơn ông tưởng.

 

Khi vua Ferdinand và hoàng hậu Caroline bỏ trốn sang đảo Sicile để chờ phản công, Fra Diavolo cũng lên tàu cùng để nhận ý chỉ từ đế vương của họ. Hắn không những không phải là người lạ mà còn trở thành người rất quan trọng đến mức được họ tiếp đãi như bạn bè. Đức vua phong cho hắn chức đại uý còn hoàng hậu tặng hắn chiếc nhẫn tuyệt đẹp có chữ viết tắt của mình sáng lên giữa hai hàng ngọc bích.

 

Fra Diavolo trở lại miền Đất cày, tổ quốc của hắn. Hắn thành lập ở đây giữa Capoue và Gaète một đạo quân gồm bốn trăm tên.

 

Viện vào công cuộc phục vụ triều đình, Fra Diavolo ra tay vô cùng thái quá khiến giáo chủ Ruffo cũng không cho phép hắn đặt chân vào Gaète, nhưng giáo chủ buộc phải báo cho nhà vua sự từ chối một trong những đại uý của nhà vua. Thế là nhà vua tự tay viết:

 

"Ta tán thành việc ngài không cho phép Fra Diavolo vào Gaète như hắn muốn, ta đồng ý với ông đó là một tên thủ lĩnh cướp bóc nhưng mặt khác, ta buộc phải thú nhận rằng hắn đã phục vụ trung thành cho ta, vì lẽ đó mà phải sử dụng hắn chứ không nên ghét bỏ hắn. Cần phải dùng những lời lẽ phải trái để thuyết phục hắn kìm hãm dục vọng của hơn, buộc người của hắn vào khuôn khổ nếu hắn thật sự muốn có vị thế lâu bền từ ta".

 

Nhưng nếu việc từ bỏ các hành động quá khích giúp Fra Diavolo xứng với lời trách móc nhẹ nhàng của vua Ferdinand, nó còn giúp hắn chiếm được cảm tình của hoàng hậu Caroline vì ngay sau khi chiếm lại Naples, bà ta đã rủ lòng tự tay viết thư thông báo rằng hắn được phong hàm đại tá. Lá thư này còn kèm thêm một chiếc vòng tay kết bằng tóc của hoàng hậu. Ngoài ra, hắn cũng được phong công tước Cassano với bổng lộc 3 nglùn ducats (tương đương với 13200 trăm phăng).

 

Vua Joseph đoạt ngai vàng nhà Bourbon đã tạo cho Fra Diavolo cơ hội tuyệt vời để tỏ lòng tận trung của hắn với vua Ferdinand và hoàng hậu Caroline. Hắn đi Palerme. Hoàng hậu cử hắn đến Abruzzes kèm theo những lời vỗ về song cũng như vua Ferdinand, bà hoàng này quên mất việc yêu cầu hắn để mắt đến kỷ luật của đám lâu la.

 

Fra Diavolo làm đúng theo ý hoàng hậu từng ly từng tí khiến vua Joseph thấy cần tuyệt đối loại trừ kẻ thù này, có thể hắn không nguy hiểm nhưng chắc chắn đáng ghét hơn huân tước Stuart và đám quân Anh của ông ta.

 

Thế là vua Joseph cho vời tiểu đoàn trưởng Hugo đến. Vua Joseph hoàn toàn tin tưởng vào dũng khí cũng như nghĩa khí của con người này: đó là một người kiểu Plutarque. Lòng trung của ông ta từng khiến ông ta phải chịu thiệt thòi. Trước đây ông tá phục vụ dưới quyền tướng Moreau ông yêu mến, tôn thờ con người ấy. Khi Bonaparte lên ngôi hoàng đế, người ta ký tên vào thư thỉnh nguyện ủng hộ, Hugo cũng ký như bao người khác.

Nhưng khi người ta muốn ông ký vào bản ghi những điều trái với thực tế về Moreau hòng buộc tội cho ông này trong vụ án Cadoudal thì ông từ chối thẳng thừng.

Bonaparte hay tin về sự từ chối ấy và Napoléon đã để bụng.

Ai cũng biết mối tị hiềm Napoléon là thế nào. Một buổi sáng, Hugo được lệnh tham gia quân đội ở Naples, có nghĩa là rời xa hoàng đế cho khuất mắt. Hoàng đế lại chỉ trọng thưởng cho những ai chiến đấu trong tầm mắt ngài mà thôi!

 

Tuy nhiên, ngài tiểu đoàn trưởng Hugo vẫn có thể hiên ngang lấy một từ trong tiếng Tây Ban Nha để ký tên trong thư gửi con trai ngài một thời gian là: Hierro ("sắt"). Sau những gì tôi vừa nhắc đến, chắc không cần nói các bạn cũng biết khi đó ngài là cha của đại thi hào Victor Hugo của chúng ta.

Và để chứng tỏ ông là người bác ái còn hơn cả anh dũng, con trai ông đã vẽ lại cha mình trong vài vần thơ sau:

 

Cha tôi, đấng anh hào có nụ cười độ lượng,

Theo sau chỉ một kỵ binh ông mến thương,

Vì lòng gan và vì vóc dáng,

Dong duổi chúng ông trên ngựa sau một trận đánh,

Chiến trường phơi xác người trong bóng đêm

Hình như ông nghe tiếng động vang lên

Một tên Tây Ban Nha lạc trận

Đang lê đi nức nở bên lề đường

Xây xát, thảm thương như người sống dở.

Miệng lảm nhảm than "Nước, rủ lòng cho tôi xin!"

Cha cảm thương chìa cho anh bạn trung thành

Chiếc bi đông rượu Rhum ông vẫn đeo bên ngựa

Rồi nói: "Này cho kẻ bị thương"

Nhưng bỗng nhiên khi anh cúi xuống

Hắn nhổm lên chĩa súng của mình

Nhằm vào trán chạ và hét lên "Mẹ kiếp!"

Viên đạn quá gần sượt qua làm mũ cha rớt xuống

Và con ngựa chồm lên lùi lại phía sau

Cha vẫn ôn tôn bảo: "Cứ cho hắn uống, có gì đâu"