Hạt Ngọc Ẩn Mình

Chương 4

CUỘC SỐNG của Fleur chẳng có gì ngoài khó khăn suốt hai tuần đầu tiên ở Willoughby. Cô buộc phải nghe lệnh của bà Clement, và bà ta dường như cũng không thích cô chủ nhỏ học hành như nữ công tước. Gia sư mới may mắn lắm mới có được một tiếng buổi sáng và chiều với học trò.

Cô thấy khá bất an, có lẽ thoáng chút lo lắng vì bị gạt đi như một người hầu vô dụng hay khi công tước và ngài Houghton về và nhận ra cô không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cô nhớ lời khuyên của bà Laycock rằng cô nên thoải mái, cứ làm hết sức mình và đảm bảo rằng khi đức ngài về - chắc chắn ông ấy sẽ về khi nghe được về bữa tiệc phu nhân đang chuẩn bị - thì mọi thứ sẽ về đúng vị trí.

Trong thời gian ấy Fleur làm quen và thích nghi với mái nhà mới. Có những khoảng thời gian dài và yên tĩnh để cho nỗi khiếp sợ trước kia ngủ yên và làm lành mọi vết thương. Đôi khi cả một ngày trôi qua mà cô không hề có cảm tưởng phải quay lại để xem có ai theo dõi không. Thỉnh thoảng cô ngủ một giấc dài mà không thấy khuôn mặt khắc nghiệt, đầy sẹo cúi xuống và bảo cô là gì trong khi đang thúc vào.

Cô ăn nhiều và lấy lại được số cân đã bị sụt. Tóc cô dường như dày hơn và sáng hơn. Quầng thâm dưới mắt đã biến mất. Má cô đã hồng trở lại. Cơ thể cô lại tràn trề sinh lực. Cô đang cảm thấy mình như trẻ lại.

Trong hai tuần đó, bà Laycock dành nhiều thời gian tản bộ với cô quanh khuôn viên rộng lớn. Và Fleur luôn được biết thêm nhiều hơn về mái nhà mới và ông bà chủ từ những cuộc chuyện trò dễ chịu đó.

“Mất nhiều năm mới có được cảnh đẹp như thế này,” bà Laycock nói về khuôn viên. “Phải đào hố, xây thác nước và trồng từng cái cây sao cho tầm nhìn từ vị trí nào cũng đẹp. Tôi nghĩ làm thế thì hơi ngớ ngẩn, cô Hamilton ạ, khi tự nhiên vốn đã đẹp mà chẳng cần con người phải can thiệp làm cho cây cối phong phú hơn. Tôi thích ngắm những vườn hoa đối xứng hơn. Nhưng đó chỉ là ý của riêng tôi thôi.”

Fleur yêu khuôn viên này, những bãi cỏ trải rộng xa tít tắp và khu rừng nhỏ. Cô yêu lối đi lộng gió, những tiểu đình bằng đá và các vọng lâu khác. Cô nghĩ mình có thể tha thần quanh đây mãi mãi, không bao giờ chán khung cảnh yên bình nơi này.

Cô biết được qua bà Laycock rằng đức ngài đã gia nhập quân đội Anh, chiến đấu ở Tây Ban Nha và trận Waterloo dù là người thừa kế và lúc đến Bỉ thì đã mang tước hiệu rồi.

“Ngài chưa bao giờ né tránh bất cứ trọng trách nào,” bà quản gia kể. “Tất nhiên có nhiều người nói trọng trách của ngài là ở lại đây an toàn và bình an để gánh vác trách nhiệm. Nhưng ngài ấy vẫn đi chiến đấu.”

“Và đã an toàn trở về,” Fleur đáp lại.

Bà Laycock thở dài. “Đó là khoảng thời gian kinh khủng. Cậu ấy rất hạnh phúc trước khi ra chiến trường lúc con quỷ kia trốn thoát khỏi Elba[1]. Ngài ấy chỉ vừa mới đính hôn với phu nhân - lúc ấy còn là tiểu thư Sybil Desford – và đang tận hưởng quãng thời gian hạnh phúc. Họ đã được hứa hôn từ lâu, nhưng mãi đến lúc đó đức ngài mới thật sự để mắt đến phu nhân.”

[1] Napoleon Bonaparte trốn thoát khỏi Elba năm 1815, rồi sau đó bị đánh bại tại trận Waterloo.

“Nhưng ngài ấy đã quay về với lệnh bà. Tất cả đều có cái kết hạnh phúc.”

“Chúng tôi đã tưởng ngài ấy chết rồi. Tin báo về rằng ngài ấy đã chết trên chiến trường, người hầu đi theo ngài nhiều năm trời đau khổ trở về. Tôi không muốn nhớ lại quãng thời gian đó, cô Hamilton. Đầu tiên là ngài công tước quá cố rồi đến cậu bé của chúng ta. Cậu bé!” Bà cười khúc khích. “Chỉ nghe thôi nhé, đừng nói theo. Cậu bé ấy vừa mừng sinh nhật thứ ba mươi.”

Họ ngồi trên một chiếc ghế sắt bên lề con đường đang tảng bộ và nhìn xuyên qua rặng cây xuống tiểu đình trên hòn đảo giữa hồ bán nguyệt.

“Lord Thomas thừa kế tước hiệu,” bà Laycock nói tiếp. “Đó là em cùng cha khác mẹ của đức ngài. Bề ngoài thì giống nhưng họ lại khác nhau một trời một vực. Mọi người thích ngài Thomas vì sự vui vẻ và tươi cười. Ngài Thomas tự đính ước với phu nhân - tiểu thư Desford ấy.”

“Mọi thứ nhanh vậy sao? Nhưng chắc cũng sớm phát hiện ra sự nhầm lẫn thôi phải không?”

“Mất cả năm ấy chứ,” bà quản gia nói với tiếng thở dài. “Trên chiến trường, chúng tưởng đức ngài chết và lột sạch quần áo. Bọn Pháp hay Bỉ đó cư xử như bọn mọi vậy cô Hamilton ạ. Nhưng một cặp vợ chồng tử tế đã phát hiện ngài ấy vẫn còn thở và mang về nhà chăm sóc. Đức ngài bị thương rất nặng.” Bà quản gia lắc đầu.

“Đức ngài bất tỉnh và sốt trong mấy tuần. Và bị mất một phần trí nhớ. Trong mấy tháng ngài ấy không biết mình là ai, và rồi hình như ngài ấy không thể thuyết phục người khác tin mình là ai. Người ta cứ nghĩ ngài ấy là một quý ông nghèo khổ, không có lấy một manh áo che thân.”

“Vậy là cả năm đó ai cũng nghĩ đức ngài đã chết sao?” Fleur thắc mắc.

“Tôi không bao giờ quên cái ngày ngài ấy trở về. Đi khập khiễng và biến dạng xấu xí, thật tội nghiệp. Tôi sẽ không bao giờ quên.”

“Chuyện gì xảy ra với Lord Thomas?” Fleur hỏi khi người bầu bạn im lặng nhìn chằm chằm xuống hồ.

“Rời đi. Chỉ là biến mất tăm sau khi đức ngài trở về khoảng ba tháng. Người ta nói hai người họ không thể ở dưới cùng một mái nhà và rằng đức ngài đề nghị Lord Thomas ra đi. Và còn nhiều điều khác nữa. Tôi không biết đúng hay sai. Nhưng Lord Thomas không bao giờ quay lại.”

“Vậy là cuối cùng nữ công tước cưới đức ngài.” Fleur nhận xét. “Câu chuyện có cái kết hạnh phúc mãi mãi.”

“Đúng.” Bà Laycock đứng dậy và vuốt phẳng các nếp gấp trên váy. “Họ cưới nhau. Dù dường như phu nhân buồn bã khi đến đây với cha và nhận ra Lord Thomas đã đi, còn tôi có một khoảng thời gian khó khăn để bắt những người hầu không được bàn tán, cô Hamilton. Và cả thế giới đều thấy đức ngài quá hạnh phúc khi trở về nhà ba tháng trước và ôm lấy phu nhân trong tay, xoay vòng ngay khi đức bà vừa bước ra khỏi xe ngựa.”

Họ đi tiếp, chìm đắm trong suy tư. Fleur thấy thật lạ, nếu ngài ấy yêu nơi này, hết lòng yêu nữ công tước và rất có trách nhiệm, vậy tại sao ngài ấy lại vắng nhà quá lâu như vậy.

Nhưng Fleur chẳng có nhiều thời gian để nghĩ vẩn vơ. Mỗi ngày cô có hai giờ với học trò của mình, một đứa trẻ tóc đen, nhỏ bé, gầy gò, tương lai cô bé có thể sẽ trở nên đẹp đẽ nếu tật hay hờn dỗi không biến thành thói quen. Cô bé chẳng giống mẹ chút nào. Ắt hẳn nó giống cha.

Đứa trẻ rất khó chịu. Nó không muốn xem sách, không muốn nghe kể chuyện, không muốn cầm kim, và khi vẽ thì rất cẩu thả, làm hỏng cả giấy lẫn màu, và hết sức cứng đầu khi Fleur khăng khăng bắt nó phải lau sạch những chỗ đã bôi bẩn.

Fleur cố kiên nhẫn. Tiểu thư Pamela chỉ là một đứa trẻ, và chắc chắn nó biết, như mọi đứa trẻ khác, là mẹ và bảo mẫu bao che cho mình. Fleur cố làm cho đứa trẻ thích đọc.

Có một cái đàn clavico[2] cũ trong phòng học. Một trưa nọ Fleur ngồi vào chiếc đàn và chơi một bản khi tiểu thư Pamela không chịu tham gia vào bất cứ hoạt động nào, và cô vẫn tiếp tục chơi đàn khi biết đứa trẻ đứng yên bên cạnh.

[2] Piano cổ điển ngày nay được thiết kế trực tiếp từ những chiếc đàn clavico.

“Ta muốn đánh đàn,” tiểu thư Pamela yêu cầu khi ngón tay Fleur dừng lại.

Fleur mỉm cười. “Cháu đã từng học nhạc lý chưa?”

“Chưa. Ta muốn đánh đàn. Đứng lên đi.”

“Nói vui lòng đi,” Fleur yêu cầu.

“Đứng dậy!” đứa trẻ ra lệnh. “Ta muốn chơi đàn.”

“Nói vui lòng đi đã,” Fleur lặp lại.

“Ngươi là người hầu,” tiểu thư Pamela ngạo ngược. “Đứng dậy nếu không ta sẽ mách vú.”

“Tôi sẽ vui vẻ đứng dậy, nếu tiểu thư đề nghị chứ không phải ra lệnh.”

Đứa trẻ hoa chân múa tay gắt gỏng và đánh con búp bê đã sờn mà nó đã mang vào phòng học cùng.

Fleur ngán ngẩm và lại tiếp tục lặng lẽ chơi đàn. Nó gợi nhớ lại rất nhiều điều. Em họ Caroline và Amelia, kiêu căng và hống hách vì họ đột nhiên trở thành phu nhân Brocklehurst của trang viên Heron và tiểu thư Amelia Bradshaw danh giá sau cái chết của cha mẹ cô.

Và họ đối xử với cô như thể vì buộc phải cho cô tá túc trong ngôi nhà cô được sinh ra và lớn lên. Amelia chiếm lấy phòng ngủ kiểu Trung Hoa dễ thương của cô và đẩy cô xuống căn buồng đơn sơ phía sau nhà.

Cô có vài ngày dễ chịu với học trò. Một sáng nọ, tiểu thư Pamela rất phấn khích vì chiều đó sẽ được đi thăm viếng cùng mẹ, nhưng vào giờ ăn trưa, phòng trẻ nhận được tin rằng lệnh bà bị sốt và bác sĩ bắt phải nghỉ ngơi cả chiều.

Fleur đang bưng bữa trưa lên cầu thang, thì nhìn thấy vẻ mặt tiu nghỉu của cô học trò, mắt ngân ngấn lệ, môi run run. Đứa trẻ trông quá nhỏ bé. Nhưng Fleur biết vẻ thất vọng đó là vì sẽ không được gặp lũ trẻ nhà Chamberlain và mấy con chó. Tiểu thư Pamela nhỏ hơn những đứa trẻ khác nhiều.

Khi đứa trẻ ở ngoài tầm nghe, cô mới hỏi bà Clement. “Tôi có thể đưa cô Pamela đi thăm lũ trẻ không?”

Cô chờ đợi lời cự tuyệt, nhưng bà bảo mẫu quan sát cô và bảo sẽ đi hỏi ý kiến phu nhân. Nửa giờ sau Fleur vui vẻ ngắm khuôn mặt đứa trẻ rạng rỡ đến xinh đẹp. Nó nhảy cẫng lên và hoan hô cho đến khi bà bảo mẫu khum lấy khuôn mặt bé nhỏ trong tay và dặn dò không được tỏ ra quá kích động như vậy.

Fleur nghĩ cuối cùng mình cũng làm được điều gì đó chiếm được sự đồng tình của con bé.

Họ ra ngoài ngay khi chuẩn bị xong và xe ngựa ra trước nhà. Fleur cười trìu mến nhìn đứa trẻ chồm ra phía trước, nhìn khung cảnh ngoài cửa sổ, vẫy tay với vợ người giữ cửa và nói luôn mồm về lũ chó nhà Chamberlain.

“Mama sẽ không cho cháu nuôi chó mèo, hay thỏ đâu.” Một lúc sau con bé thêm vào.

Gần như đây là lần đầu tiên, kể từ lúc biết nhau, Fleur cảm thấy học trò của mình là một đứa trẻ.

Quý ông Chamberlain khoảng bốn mươi tuổi, đã góa vợ, sống với em gái và ba đứa con trong một thái ấp ấm cúng như cô đã từng hình dung về lâu đài Willoughby trên đường đến Dorsetshire.

Fleur giải thích với cô Chamberlain, quý cô thanh lịch khoảng ba mươi lăm tuổi với mái tóc đen suôn mượt được buộc lại bằng ruy băng, rằng phu nhân bị mệt và tiểu thư Pamela rất thất vọng nếu không được gặp lũ trẻ. Fleur đề nghị được ngồi chờ ở khu gia nhân trong một giờ.

“Trong khu gia nhân sao?” Quý cô Chamberlain vừa nói vừa cười. “Tôi chưa từng nghe chuyện này, cô Hamilton. Cô là gia sư mới của tiểu thư Pamela đúng không? Chúng tôi biết là có một gia sư mới. Cô sẽ dùng trà với tôi và Ducan, nếu cô muốn, trong khi lũ trẻ chơi với nhau.”

Fleur theo nữ chủ nhà vào phòng khách và chẳng bao lâu sau thì quý ông Chamberlain cũng đến, chào cô và chẳng hề tỏ ra khó chịu vì buộc phải dùng trà với một gia sư quèn.

“Cuộc chuyện trò của chúng ta chẳng mấy chốc nữa chắc chắn sẽ bị tiếng chó sủa phá ngang, cô Hamilton,” quý ông Chamberlain nói. “Con chó tội nghiệp sẽ bị kéo lê trong phòng trẻ. Lúc nào tiểu thư Pamela đến đây cũng thế. Tôi nghĩ là cô bé không có nhiều cơ hội chơi với động vật hay những đứa trẻ khác.”

“Và cô bé được dạy là ngựa rất nguy hiểm,” cô Chamberlain thêm vào, đưa cho Fleur tách trà.

Quý ông Chamberlain mỉm cười với em gái. “Anh cho rằng con một thường bị bảo bọc quá mức. Thật tiếc là Adam không thường về nhà. Cô có nghe nói là ngài ấy sẽ về nhà vì tiệc khiêu vũ không, cô Hamilton?”

“Tôi e là mình không biết, thưa ngài.”

“Không có đức ngài mọi thứ chẳng được như trước. Nhưng tiệc khiêu vũ của Willoughby luôn hoành tráng nhất. Láng giềng còn tranh cãi sàn khiêu vũ trong nhà và ngoài trời cái nào tráng lệ hơn. Emily luôn nghĩ ngoài trời trông lãng mạn hơn, phải không, em yêu quý?”

“Ồ, đúng, lãng mạn hơn, chắc rồi. Em không nghĩ là lại nguy nga lộng lẫy đến thế. Chẳng có gì tuyệt hơn đi dạo dọc phòng tranh trong tiếng nhạc văng vẳng từ sàn khiêu vũ, nến thắp sáng trưng và ngắm nhìn tổ tiên của dòng họ Ridgeway. Cô có thích công việc của mình không?”

Fleur trải qua một giờ chuyện trò dễ chịu với anh em nhà Chamberlain và đi dạo vườn hoa với họ. Hình như họ không hề bị phân tâm trước tiếng đùa giỡn huyên náo ở tầng trên.

“Tôi thuê một bảo mẫu để trông chừng những cái xương gãy, trò kéo tóc và đại loại thế,” quý ông Chamberlain trả lời khi Fleur bày tỏ hy vọng là tiểu thư Pamela không làm phiền. “Tôi có thể dễ dàng chịu đựng chút ồn ào.”

“Bằng cách chúi mũi vào mấy cuốn sách của anh à, Duncan,” em gái anh ta trêu. “Cô Hamilton, lúc đang đọc sách thì dù có hét vào tai, anh ấy cũng chẳng biết gì.”

Trong một tiếng đồng hồ, Fleur cảm thấy mình lại là con người. Fleur nghĩ dù có lẽ từ ‘lại’ không hẳn đã chính xác lúc dẫn tiểu thư Pamela vẫn còn ham chơi lên xe ngựa về nhà. Cô chưa bao giờ được tôn trọng ở Heron.

“Chiều nào đó chúng tôi sẽ mang lũ trẻ qua lâu đài chơi,” quý ông Chamberlain giúp Fleur lên xe. “Cảm ơn cô đã mang cô bé sang đây chơi, cô Hamilton. Tôi chắc đi chơi sẽ tốt cho cô bé. Và cảm ơn đã sang thăm chúng tôi.”

“Tôi không biết giờ nào cô phải làm việc,” Emily Chamberlain cất lời mời, “nhưng tôi chắc cô phải có chút thời gian riêng tư. Đến đây chơi bất cứ lúc nào cô muốn nhé cô Hamilton. Tôi rất thích có cô sang bầu bạn.”

“Một con chó đã cắn mông Randall khi nó đang trèo lên ghế,” tiểu thư Pamela kể với Fleur khi xe ngựa chuẩn bị chuyển bánh. “Bảo mẫu nói là vì chúng cháu đã chọc con chó,” con bé cười khúc khích. “Nhưng vui lắm.”

Fleur cười nhưng cưỡng lại thôi thúc muốn ôm đứa trẻ. Chưa đến lúc thể hiện tình cảm như thế.

***

Đúng như lời hứa, vài ngày sau, quý ông Chamberlain cùng em gái và mấy đứa trẻ sang thăm lâu đài. Trong khi em gái dùng trà với nữ công tước thì quý ông Chamberlain dẫn lũ trẻ lên tầng trên và ngạc nhiên phát hiện tiểu thư Pamela đang học bài phép tính trong phòng học.

“Xin thứ lỗi,” anh ta cất lời lúc Fleur mở cửa. “Làm ơn đừng nổi giận, cô Hamilton, và xin phép cô cho tiểu thư Pamela nghỉ sớm để gia nhập với bộ ba chúng tôi được không? Tôi chắc là ngày mai cô bé sẽ học chăm chỉ gấp đôi, đúng không Pamela?”

“Vâng,” con bé hăm hở, nhảy cẫng lên.

“Con bé cũng là tên nói dối nhỏ bé sành sỏi như mọi đứa trẻ khác.” Anh ta dịu dàng nói với Fleur cùng nụ cười. “Liệu tôi có thể thuyết phục cô ra ngoài để bọn chúng thoải mái nô đùa, la hét, cãi nhau mà không làm phiền lỗ tai chúng ta chứ?”

“Một ý kiến tuyệt vời,” Fleur dẫn đường đi xuống, ra ngoài bằng cửa hậu đến bãi cỏ có hàng cây ở xa xa. Fleur ngập ngừng khi anh ta đưa tay cho cô khoác. Làm vậy có đúng không? Cô là người làm. Còn anh ta là khách.

Rồi cô cũng quyết định khoác tay anh ta.

“Nếu chúng ta đi chậm thì lũ trẻ sẽ vượt lên trước đủ xa, và chúng ta sẽ không phải nghe tiếng tranh cãi của chúng. Từ kinh nghiệm của mình tôi thấy cách tốt nhất để giải quyết với bọn trẻ là xem như mình mù, câm, điếc. Và tất nhiên phải có một bảo mẫu giỏi và người em gái nhẫn nại rồi. Hãy kể cho tôi nghe về cô. Điều gì đã mang cô đến đây?”

Fleur cảm thấy mình thật tội lỗi với những lời dối và chỉ đúng phân nửa mà mình buộc phải nói.

“Cô sẽ tham gia vũ hội chứ?” Anh ta hỏi sau khi nói lời cáo từ và gọi lũ trẻ về. “Tôi mong sẽ được khiêu vũ cùng cô, cô Hamilton.”

Cô cũng hy vọng thế. Khi Fleur nắm tay tiểu thư Pamela quay lên phòng trẻ và chịu đựng ánh mắt lạnh lùng của bà Clement vì gò má đỏ bừng cùng mái tóc rối bù của con bé, cô cũng tha thiết hy vọng. Cô về phòng học, cất cuốn sách đang học dở, và ép nó lên ngực, rồi xoay tròn.

Thật tuyệt vời khi thấy mình trẻ lại, hạnh phúc và đầy hy vọng. Và có một quý ông quyến rũ mời cô nhảy tại vũ hội.

Tất nhiên cô không mong đợi nhiều cám dỗ hơn thế trong tương lai. Nhưng một chút tán tỉnh thì có thể. Dĩ nhiên hôn nhân là không thể nghĩ đến. Nhưng cô sẽ tán tỉnh một chút. Như vậy là đủ rồi.

***

Và cuối cùng, dường như đức ngài sẽ về nhà. Một chiều nọ tiểu thư Pamela mang tin mới đến, chày ào qua cửa phòng học mà nó thường sưng xỉa đứng lì ở đó.

“Papa sẽ về nhà,” nó hớn hở thông báo. “Mama vừa nhận được thư của cha. Vài ngày nữa cha sẽ ở đây. Cha sẽ về trước khi khách của Mama đến.”

Nữ công tước đã mời hai mươi người khách lưu lại trong một tuần trước ngày tổ chức vũ hội.

Fleur mỉm cười. “Tiểu thư thích nhé. Gặp lại cha, tiểu thư sẽ mừng lắm.”

“Không. Ta sẽ tránh cha.”

“Thật không? Tại sao thế?” Fleur thắc mắc.

“Vì cha cứ đi hoài. Và vì cha gửi cô đến đây.”

Fleur khẽ cười. Cô nghĩ mình đã có chút tiến triển. Nhưng dường như chỉ ở ngoài phòng học thôi. Cô tự nhắc mình rằng thành Rome đâu phải được xây trong một ngày đâu. “Chúng ta sẽ xem sách học vần nhé?” Cô đề nghị.

“Ta đau đầu. Ta muốn vẽ.”

“Một bức tranh cho Papa à? Ý kiến hay đấy. Nhưng mười phút học vần trước đã.”

Cuộc chiến bắt đầu.

“Ta sẽ bảo Papa đuổi cô,” Pamela nói.

“Tiểu thư sẽ làm vậy sao?” Fleur ngồi xuống cạnh đứa trẻ, nhẹ nhàng cầm lấy tay đứa trẻ chỉ vào từng chữ cái. “Tiểu thư có nhớ chữ này không?”

“Chữ A của Apple.” Pamela nói mà không thèm liếc mắt nhìn. “Dễ ợt. Ta không nhớ những chữ khác đâu. Ta đau đầu rồi.”

“Đúng.” Fleur nghĩ, đức ngài sẽ đuổi cô. Cô làm không quá hai tiếng một ngày, và còn tệ hơn, dạy tiểu thư Pamela cũng khó như kéo một con la cứng đầu cứng cổ.

Nhưng cô sẽ không nghĩ đến chuyện bị đuổi và nếu chuyện đó xảy ra thì cũng không sao. Cô sẽ không cho phép mình chán nản. Tốt hơn là nên cảm thấy vui vẻ và tràn đầy sức sống.

***

Houghton là một thư ký giỏi. Cậu ta đã phục vụ công tước Ridgeway hơn năm năm - đúng ra là kể từ lúc công tước trở về từ Bỉ. Cậu ta thông minh, chăm chỉ và kín miệng, nên đức ngài ngày càng tin tưởng để giao nhiều việc hơn.

Một phẩm chất của Houghton mà công tước đánh giá cao hơn hẳn đó là khả năng nắm bắt tâm lý ông chủ và điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Ở London họ ăn cùng nhau và thảo luận nhiều chủ đề khác nhau. Nhưng khi công tước không muốn nói gì, thì viên thư ký dường như cũng không cần chuyện trò.

Hôm nay, khi họ gần về đến Willoughby, Houghton ngồi im trong xe ngựa, quan sát khung cảnh qua cửa sổ, và không nói lời nào.

Anh đang vui vẻ. Tình yêu và nỗi nhớ nhà lại căng tràn trong anh. Họ đang đi bên cạnh bức tường một pháo đài cũ, rồi sẽ sớm tới lối đi rợp bóng cây và lúc ấy anh thật sự đã trở về nhà. Anh thắc mắc liệu những người đàn ông khác có cảm nhận về quê nhà giống mình không. Nó giống như một phần của cơ thể anh vậy.

Anh lại nhớ lại sáu năm trước, khi anh trở về sau một thời gian quá dài và đầy nhung nhớ. Vợ người gác cổng đã chấm tạp dề lên mắt, khóc khi thấy anh - khuôn mặt bà cười hằn lên những nếp nhăn lúc khẽ nhún gối chào. Anh giơ một tay lên chào và mỉm cười với bà. Tất cả người làm đều chạy ra bậc tam cấp để đón chào anh - thậm chí còn hoan hô - và anh chắc chắn sự vui sướng của họ là thực lòng.

Và Thomas. Hình ảnh đó làm ký ức mất đi chút vui vẻ. Thật ngu ngốc làm sao khi không nhận ra cái chết của anh có ảnh hưởng đến Thomas thế nào. Cậu ta đã trở thành công tước Ridgeway và lúc đó phải trở về là Lord Thomas Kent như xưa.

Công tước cứ nghĩ Thomas yêu quý mình, dù họ khác biệt và chỉ là anh em cùng cha khác mẹ - Thomas là con của vợ sau. Có lẽ cậu ta đã từng yêu quý anh. Có lẽ việc đột nhiên mất đi tước hiệu và gia sản mà cậu ta cứ ngỡ của mình là cú đòn quá nặng.

Và sau đó là Sybil, trong cùng một ngày. Sybil, người anh đã mơ hàng tuần trời trước đó, kể từ khi lấy lại trí nhớ. Lại trở về trong vòng tay anh - trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Xinh đẹp hơn bao giờ hết.

Anh sẽ không nghĩ về điều đó. Giờ anh lại sắp trở về nhà, và trong anh đầy hứng khởi dù Sybil đang ở đó.

Bà Laycock và Jarvis, quản gia, đang đứng trên đỉnh bậc tam cấp trước hai cánh cửa lớn dẫn vào sảnh. Gia đình thân yêu. Bà Laycock là quản gia của Willoughby lâu lắm rồi, từ lúc anh bắt đầu biết nhận thức, và Jarvis đã làm ở đây cả đời, bốn năm trước được cất nhắc lên vị trí quản lý, đang đứng trước hàng người.

Bà Laycock thông báo Sybil đang ở phòng khách và không chịu ra ngoài, kể cả tới sảnh để chào đón anh.

Phải mất gần một tiếng anh mới đến chỗ cô được. Sybil sẽ không vui vẻ chào đón người chồng hăm hở với quần áo đầy bụi đường. Anh phải tắm và thay đồ trước.

Vợ anh đang nằm trên ghế dài trong phòng khách riêng. Cô không đứng dậy lúc anh bước vào.

“Adam,” cô thở hổn hển, mỉm cười với anh. Cũng đôi mắt to tròn, yếu đuối, xinh đẹp mà anh từng say mê dạo nào. “Ngài có một chuyến đi dễ chịu chứ?”

Anh cúi xuống hôn và cô xoay mặt đi. “Nàng khỏe không, Sybil?” Anh hỏi thăm và má cô đỏ bừng.

“Ổn.” Cô đáp. “Nhưng chán lắm. Tối qua ngài Cecil Hayward mời ăn tối và chiêu đãi khách khứa câu chuyện đi săn mới và ca ngợi con chó của mình. Em về sớm, vì không thể ngừng ngáp nổi nữa.”

“Anh ta có vẻ là kiểu quý tộc nông thôn điển hình đấy nhỉ,” anh trả lời kèm nụ cười. “Nàng đã hết cảm lạnh chưa?”

Cô nhún vai. “Ngài sẽ không nhặng xị lên chứ? Vú là đã quá đủ rồi.”

“Vậy thì ta phải cảm ơn vú thôi. Pamela sao rồi?”

“Ổn, bất chấp hoàn cảnh, con bé tội nghiệp. Ngài thật sự phải đuổi cô gia sư này đi, Adam. Ngài nghĩ sao mà lại đưa cô ta đến đây thế?”

“Cô ta có làm tốt không?” Anh hỏi.

“Pamela còn quá nhỏ để học. Và nó ghét gia sư. Em muốn biết cô ta là gì của ngài, Adam.”

“Houghton thuê cô ta. Nàng đã mời ai từ Chesterton đến đây?”

“Chỉ vài người thôi. Ngài đi vắng, nơi này buồn tẻ quá.”

“Nàng biết là nàng có thể đi cùng ta mà. Ta đã hỏi nàng. Ta sẽ mang nàng và Pamela đi cùng. Chúng ta có thể giới thiệu London cho con bé.”

“Nhưng ngài biết ngài sẽ trở thành gã chồng ghen tuông ngay khi em mỉm cười với những quý ông khác. Ngài luôn như vậy, Adam. Ngài ghét em vui thú. Ngài lại trở về để phá hỏng mọi thứ phải không? Ngài có quắc mắt với khách của em không?”

“Ta có cần làm thế không?”

“Ngài thật quá đáng với em,” đôi mắt xanh to tròn ngân ngấn lệ. “Ngài biết gì về vũ hội không?”

“Vũ hội gì?”

“Em đã thu xếp tổ chức vũ hội ngay sau hôm mọi người đến đủ. Và em sẽ mời tất cả, Adam. Ngài không cần lo mọi người sẽ cảm thấy không trang trọng vì mời quá cận ngày.”

“Nàng tổ chức vũ hội mà vắng ta sao? Như thế không làm láng giềng ngạc nhiên sao?”

“Làm sao em có thể bắt ngài từ bỏ những thú vui ở London chứ? Em nghĩ mọi người sẽ thông cảm với em. Đó là tiệc vũ hội ngoài trời. Một ban nhạc đã được thuê chơi trong tiểu đình. Một sàn khiêu vũ được dựng ở phía tây hồ nước - như mọi khi thôi. Sẽ treo đèn lồng và có đầy đủ đồ ăn thức uống. Em hy vọng trời sẽ không mưa.”

“Chuẩn bị tất cả trong bốn ngày sao? Ta rất mừng vì nàng đã nói trước, Sybil. Ta ghét những điều bất ngờ.”

“Và em ghét giọng điệu châm biếm đó. Ngài không cần phải làm thế với em đâu. Trước kia ngài rất ân cần với em. Trước kia ngài yêu em.” Cô bắt đầu ho, và cầm lấy khăn tay.

“Ở đây nóng quá” Sybil nhăn nhó. “Em nghĩ giờ em phải đi nghỉ. Bác sĩ nói em phải nghỉ ngơi nhiều. Dù sao thì ngài cũng muốn thoát khỏi em và đi làm việc của mình.”

“Để ta đưa nàng về giường,” anh cúi xuống. “Ta sẽ mang một bác sĩ từ thành phố về cùng nếu ta biết nàng vẫn chưa khỏe. Rõ ràng là Hartley không chữa hết bệnh cho nàng.”

“Ngài chẳng bao giờ viết thư hỏi thăm sức khỏe của em. Em muốn nằm đây, cảm ơn ngài, Adam.”

Đừng chạm vào tôi. Nàng không nói những lời đó, nhưng hành động đã thể hiện tất cả. Thoáng co lại trước đôi tay anh. Lời từ chối trợ giúp. Xoay má khỏi nụ hôn đón chào. Hàm công tước cau lại khi anh bước ra khỏi phòng khách một lúc sau. Những lời quen thuộc, đôi khi được nói ra, đôi lúc ám chỉ.

Anh tự hỏi Pamela vẫn đang học hay ở phòng trẻ? Anh sẽ lên xem. Anh nhớ con bé.