David Whyte
- Mỗi tháng một lần, vào buổi chiều thứ Năm của tuần lễ cuối cùng trong tháng, tôi đến gặp gỡ một nhóm bạn bao gồm những người thích đọc sách, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, tại nhà sách Borders, California. Mọi người đến đây, ngồi bên ly cà phê để chia sẻ niềm say mê đọc sách của mình với những người khác, nói về những điều họ tâm đắc trong những cuốn sách đã đọc, nhất là những cuốn sách mới được phát hành trong thời gian gần đây.
Nhóm chúng tôi đã duy trì được truyền thống tốt đẹp này qua rất nhiều năm. Hầu như buổi gặp gỡ nào cũng khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị và học hỏi được nhiều điều bổ ích. Vẫn là những người bạn ấy nhưng câu chuyện của họ thì lại chẳng bao giờ cũ.
Con người không thể sống đơn độc. Lịch sử nhân loại đã cho chúng ta thấy, loài người đã biết tự tổ chức thành những cộng đồng nhỏ và chung sống với nhau. Tuy nhiên, ngày nay, sự phân chia thành các gia đình hạt nhân ngày càng có xu hướng tăng lên. Với nhiều người, cuộc sống của gia đình riêng luôn được đặt lên hàng đầu; các thành viên trong gia đình chỉ gồm hai thế hệ: cha mẹ và con cái. Chúng ta ít có cơ hội trò chuyện với những người hàng xóm hay những người quen biết trong khu phố, vì ai ai cũng bận rộn suốt ngày vì công việc, có một ít thời gian rảnh rỗi vào buổi tối thì chủ yếu dành cho các bữa ăn hoặc giải trí gia đình. Đôi khi, chúng ta cảm thấy cuộc sống thật đơn điệu vì chúng ta phải sống và làm việc một mình trong một khoảng thời gian tương đối dài trong ngày.
Cuộc sống khép kín đó khiến cho nhu cầu giao tiếp của chúng ta càng nhiều hơn. Tôi không thể nào quên được hình ảnh của một bà cụ mà tôi đã gặp trong một nhà dưỡng lão cách đây mấy năm. “Những người bạn của tôi đâu rồi?” - Bà cụ thều thào trong nước mắt - “Lúc nào tôi cũng mong có những người bạn nhưng cuộc sống ở đây mỗi ngày một buồn tẻ, vắng vẻ. Những người già cùng tuổi với tôi đã lần lượt đi xa hết...”. Bà cụ vừa nắm chặt lấy tay tôi vừa nói: “Cháu còn trẻ tuổi nên chưa hiểu hết đâu, những người già như bà rất cần có người để trò chuyện…”.
Mỗi người chúng ta đều cần có một nhóm bạn, một tổ chức nào đó mà chúng ta là thành viên. Theo một kết quả nghiên cứu, hạnh phúc của chúng ta sẽ tăng lên khi chúng ta được sống trong mối tương tác với những người khác.
Vấn đề ở đây không phải là nhóm bạn mà chúng ta chơi chung thuộc thành phần giai cấp nào, ở thành phố hay thôn quê, giàu có hay không, mà vấn đề đáng quan tâm là những người bạn trong nhóm đều phải chân thành, có cùng sở thích, quan điểm, chí hướng, để có thể chia sẻ với nhau những chuyện buồn vui, những cảm xúc đời thường. Có một người biết lắng nghe và chia sẻ, nhất là khi người đó lại cùng một mối quan tâm, sở thích với bạn, bạn sẽ thấy cuộc sống thú vị hơn rất nhiều!
Nhóm bạn mà tôi gặp gỡ hàng tháng tại nhà sách, đã giúp tôi có dịp cùng cảm nhận và chia sẻ niềm đam mê đọc sách với mọi người. Chúng tôi đều không phải là những cây bút phê bình chuyên nghiệp, nhưng bạn sẽ cảm thấy vô cùng bất ngờ về những ý tưởng, nhận xét, cảm nhận của các thành viên trong nhóm về những cuốn sách họ đã đọc. Đó chính là nét khác biệt lớn so với việc nằm ở nhà đọc sách một mình. Một trong những cách để làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần là bạn hãy tìm cho mình một nhóm bạn tốt, có cùng sở thích, cùng những mối quan tâm trong cuộc sống. Ngày nay, khi mà con người rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn thì việc kết bạn theo nhóm là một điều cần thiết để chúng ta có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống từ mối quan hệ cộng đồng.