Hàn Phi Tử

THIÊN XLVIII

Tám thuật trong thiên này là: 1. Theo tình người mà lập ra thưởng phạt; 2. Dùng một người không bằng dùng cả nước; 3. Muốn phòng gian thì phải biết rằng cái lợi của vua và của bề tôi khác nhau; 4. Dùng cái thuật “tham ngữ” để xét gian; 5. Phải bí mật không để bề tôi biết mình vui hay giận; 6. Nghe bề tôi đề nghị thì phải xét xem có dùng được không; 7. Bề tôi phải làm cái gì có lợi chung thì mới thưởng, phải phục vụ bề trên thì mới được danh; 8. Bề tôi không được làm những chuyện riêng tư mà có hại cho cái uy của vua.

Tư tưởng rất hợp với Hàn Phi, nhưng lời văn nhiều chỗ tối, khó hiểu; có thể không phải của Hàn viết, hoặc nếu là của Hàn thì nhiều chỗ mất mát, sai lầm, người sau thêm vào, tự ý sửa chữa.

Chúng tôi chỉ trích dịch những tiết có thể bổ túc cho các thiên khác.

1. Theo tình người[1] Trị thiên hạ thì phải theo tình người, mà tình người là có ưa có ghét, vì vậy mà sự thưởng phạt có thể dùng được; thưởng phạt có thể dùng được thì có thể ban cấm lệnh (cái gì không được làm, cái gì phải làm); đạo trị thiên hạ như vậy là đủ. Vua nắm quyền để giữ cái thế, cho nên ban lệnh thì phải thi hành mà hễ cấm là phải ngừng. Quyền là để quyết định sự sống, chết; thế là để thắng quần chúng.

°

Truất giáng hay cất nhắc người dưới mà không theo pháp chế thì quyền lờn; thưởng phạt mà kẻ dưới cũng được dự vào thì uy của vua bị chia xẻ. Bởi vậy bậc minh chủ không vì thương yêu mà nghe người, không vì vui thích mà tính việc. Nghe lời người mà không tham khảo xem có đúng không thì quyền sẽ bị chia cho kẻ gian; không dùng trí thuật[2] thì bị khốn vì bề tôi. Cho nên bậc minh chủ thi hành pháp chế thì (không thiên vị) như trời[3], dùng người thì (kín nhẹm) như quỉ. Như trời thì không bị chê (chế?), như quỉ thì không bị người ta dò biết mà lợi dụng.[4] Quyền thế giữ được thì sự giáo hóa nghiêm mà dân không dám trái; sự khen chê theo đúng một nguyên tắc thì không ai dị nghị (…)

2. Đạo làm chúa[5]: Sức một người không địch nổi đám đông, trí một người không biết được mọi vật; dùng một người không bằng dùng cả nước. Cho nên dùng trí, lực một người (tức vua) mà địch với mọi người, mọi vật thì tất thua; dự đoán mà đúng thì mệt thân, không đúng thì phải chịu (hậu quả của) lỗi lầm. Bậc vua thấp kém dùng hết khả năng của mình, bậc vua chúa trung bình dùng hết khả năng của mình, bậc vua chúa trung bình dùng hết sức của người, bậc vua chúa cao hơn cả dùng hết trí của người. Bởi vậy, khi có việc, vua tập hợp các người trí, nghe ý kiến từng người rồi hợp các ý kiến lại mà quyết đoán. Không nghe ý kiến của từng người, (mà chỉ mưu tính với một người thôi) thì lời sau sẽ ngược lại với lời trước(?), lời sau ngược lại với lời trước thì không phân biệt được kẻ ngu người trí. Không tập hợp được các ý kiến lại thì sẽ do dự, không quyết đoán được: Không quyết đoán được thì công việc ngưng trễ[6]. Nghe ý kiến của từng người thì không bị người ta đánh bẫy (lập kế để hại mình). Bảo mỗi người báo cáo, báo cáo xong rồi thì vua rầy mắng (kẻ gian)[7]. Cho nên ngày trình bày ý kiến tất phải ghi chép (trong biên bản). Kết hợp các người trí rồi, khi việc phát ra thì trắc nghiệm lời nói của họ; kết hợp các tài năng rồi, khi việc đã thành, sẽ luận công mà thưởng. Thành hay bại đều có bằng chứng, thưởng hay phạt đều tùy theo đó. Như vậy việc mà thành, thì công về vua, việc mà bại thì tội về bề tôi.

Bậc làm vua, ngay đến việc phù tiết có hợp không cũng không tự mình xem xét huống hồ là tự mình ra sức; Việc tới rồi cũng không tự minh lo lấy, huống hồ là việc chưa tới. Cho nên vua dùng người thì không cho lập phe đảng mà cùng ý kiến với nhau, nếu cùng một ý với nhau thì phải rầy họ. Khiến cho người nào cũng dùng hết tài trí của mình thì vua như thần, vua như thần thì kẻ dưới tận lực, kẻ dưới tận lực thì bề tôi không lợi dụng vua được; đạo làm vua như vậy là hoàn tất.

3. Loạn do đâu mà dấy: Kẻ biết rằng bề tôi và vua có cái lợi khác nhau thì là bậc vương, kẻ cho rằng hai bên lợi giống nhau thì bị hiếp; kẻ cho bề tôi cùng dự vào việc thưởng phạt với mình thì bị giết. Cho nên bậc minh chủ phân biệt rõ công với tư, lợi và hại ở đâu mà kẻ gian không có chỗ len vào được.

Loạn sở dĩ sinh là do sáu hạng người này: 1. mẹ vua, 2. hậu phi, 3. con cháu, 4. anh em, 5. đại thần, 6. người nổi danh là hiền. Cứ theo pháp luật mà bổ nhiệm quan lại, giao trách nhiệm cho bề tôi thì mẹ vua không thể phóng túng. Nghi lễ và thứ bậc khác nhau thì hoàng hậu và phi tần phân biệt hẳn, (không có sự tranh giành). Thế không chia hai cho đích tử và thứ tử (nghĩa là chỉ đích tử mới có quyền thế) thì dòng đích và dòng thứ không tranh nhau. Quyền thế không mất, (nghĩa là tập trung cả vào vua) thì anh em vua không lấn vua. Kẻ dưới không theo về một cửa đại thần thì đại thần không che lấp vua được. Lệnh cấm và thưởng mà nhất định thi hành thì người nổi danh là hiền không làm loạn được (…)

Đối với người địa vị cao, trách nhiệm lớn thì có 3 cách để kiềm chế: con tin, an định, nắm chắc. Thân thích, vợ con họ là con tin; tước lộc hậu hĩ đúng như lời đã hứa là để an định họ; dùng nhiều cách để khảo sát ý kiến và định gian hay ngay của bề tôi[8], xét trách nhiệm và trừng phạt, là để nắm chắc họ. Đối với người hiền thì tìm cách chặn họ bằng cách giữ con tin, đối với kẻ tham lam thì cảm hóa bằng cách an định, đối với kẻ gian tà thì làm cho họ khốn cùng bằng cách nắm chắc (…). Có kẻ để cho sống thì việc nước mà giết đi thì tổn thương danh tiếng của vua, nên dùng thức ăn uống mà trừ họ, hoặc giao cho kẻ thù của họ (giết họ) như vậy là trừ gian một cách kín đáo (….) Cha anh người hiền lương mà lưu vong ở nước ngoài là “cái họa trôi nổi”, mối họa là họ mượn sức nước ngoài (để chống mình) và nước ngoài dùng họ (để xâm lược mình); Cho những kẻ bị mình làm nhục được hầu cận mình[9], là cái họa "giặc ở bên cạnh", mối họa ở chỗ họ sinh lòng oán hận vì bị nghi hay bị nhục; vua mà không để lộ ra, ghét mà không trừng trị ngay[10], là làm “tăng thêm loạn”, mối họa ở chỗ bọn cầu may vọng động nổi lên ( dùng kẻ mình ghét đó để cướp ngôi của mình); có hai đại quyền uy ngang nhau, không bên nào hơn bên nào, gọi là “nuôi họa”, mối họa ở chỗ các gia tộc lớn tranh cướp, giết chóc mà sinh loạn; không cẩn thận, không giữ cái thể uy nghiêm như thần của mình, gọi là “mất oai”, mối lo ở chỗ loạn có thể nổi, mình bị đầu độc. Năm mối họa đó, bậc vua chúa mà không biết thì sẽ bị hiếp hay bị giết (…)

°

4. Lập đạo: (…) Khảo sát việc đã qua để biết rõ (lời trước kia) có đúng không; đặt bề tôi ở gần mình để xét cái tình của họ, đưa họ ra xa để xét tình hình ở ngoài của họ[11], dùng những điều mình biết rồi để tra hỏi về những điều chưa biết; giả vờ sai khiến họ làm bậy để chấm dứt thói khinh lờn của họ, đảo lộn lời nói của mình để thử kẻ sinh nghi; dùng lí luận tương phản để tìm ra kẻ gian ngầm; đặt kẻ gián điệp để bẫy kẻ làm bậy; dùng sự bổ nhiệm và cách chức để xét hành động của kẻ gian; ra chỉ thị rành rọt để người dưới khỏi làm bậy vì hiểu lầm; có thái độ khiêm nhường để dễ thấy kẻ nào cương trực, kẻ nào a dua; nghe nhiều người để biết về những điều mình chưa biết; xúi cho kẻ dưới tranh đấu nhau để phá các bè đảng; nghiên cứu cho sâu một vấn đề để làm cho người ta sợ tài mình; tiết lộ những ý khác nhau để dễ biết ý kiến của kẻ dưới.

°

5. Giữ bí mật: Bậc minh chủ phải giữ bí mật, nếu để lộ niềm vui ra thì bề tôi nhân dịp vua vui mà xin gia ân cho người khác, nếu để lộ nỗi giận ra thì bề tôi nhân đó mà thị uy với người khác[12]. Vì vậy, lời nói của minh chủ phải được ngăn cách, đừng cho thông ra ngoài, phải giữ kín đừng để cho người ta biết. Dùng trí của một người để biết cái gian của mười người, là cái đạo thấp; dùng trí của mười người để biết cái gian của một người là cái đạo cao[13].

Bậc minh chủ dùng cả đạo thấp và đạo cao, cho nên không kẻ gian nào thoát được. Trong một huyện, nhà nào cũng gần nhau, họp nhau thành từng ngũ (5 nhà), từng liên (250 nhà), hễ ai tố cáo lỗi của người khác thì được thưởng, không tố cáo thì bị trừng trị. Bề trên đối với người dưới, người dưới đối với bề trên đều như vậy cả; như vậy thì trên dưới, sang hèn, đều đem pháp luật ra răn nhau, đem điều lợi ra dạy nhau. Bẩm tính của người dân là muốn có cái “thực” của sự sống, lẫn cái “danh” của sự sống[14]. Cái danh của bậc vua chúa là hiền, trí; cái thực của họ là quyền thưởng phạt. Danh thực có đủ là có phúc, tốt.

°

6. Tham nghiệm lời nói: Nếu không nghe lời nói của nhiều người và tham nghiệm với thực tế xem có công hiệu không thì (không phán đoán được), không trách kẻ dưới được; nếu không lấy sự công dụng làm tiêu chuẩn thì những tà thuật sẽ làm mê hoặc bề trên.

Hễ nhiều người cùng nói như nhau về một việc thì dễ tin. Chẳng hạn một việc không có thực, mười người nói thì còn khả nghi, một trăm người nói thì đã đáng tin, một nghìn người nói thì đã tin chắc rồi không cởi bỏ được lòng tin nữa[15]. Nói mà ấp úng vụng về thì bị người ta nghi, nói mà lưu loát khéo léo thì người ta tin. Gian thần che lấp bề trên thì dựa vào người khác mà mưu tư lợi, dùng nhiều kẻ khéo nói (bảo họ khen mình) mà được bề trên tin, lấy những trường hợp giống nhau để tô điểm những hành động riêng tư[16]. Bậc vua chúa không nén sự bất mãn mà đợi tham nghiệm (lời nói với việc làm của bề tôi rồi mới thi hành) thì làm cho gian thần có cái thế thủ lợi được. Bậc vua chúa nào có thuật thì khi nghe bề tôi, buộc họ có ý kiến phải thiết thực rồi thi hành phải thành công; có thành công mới thưởng, không thì phạt. Như vậy những lời vô dụng không được đem bàn ở triều đình, kẻ nào lãnh nhiệm vụ mà thấy không đủ khả năng thì đuổi về, thu ấn tín lại. Lời nào khoa trương thì bề trên xét kỹ từ đầu đến cuối xem có gian tình không, nếu có thì sẽ nổi giận mà trừng phạt. Lời nào không có chứng cớ mà khi thi hành không có kết quả như đã nói thì là lời vu khoát, bề tôi mà vu khoát thì phải trị tội. Lời nói phải thiết thực, lí thuyết phải có chỗ dùng, như vậy những lời nói thiên vị của bè đảng không dám tâu lên vua (…). Bề tôi đưa ra nhiều ý kiến là để tỏ rằng mình có trí và khiến vua phải tự lựa lấy một ý kiến, mà mình tránh được (trách nhiệm và) tội. Cho nên chỉ hạng vua dở mới để bề tôi đưa ra nhiều ý kiến. Đừng để cho bề tôi đưa ra một ý kiến thứ nhì, mà ý kiến đó với ý kiến thứ nhất giá trị như nhau[17], bắt bề tôi lời nói phải phù hợp với hành động sau này, để biết họ nói thực hay nói láo. Đạo (thuật) của bậc minh chủ là không cho bề tôi đưa ra hai ý kiến để bắt họ phải chịu trách nhiệm về một ý kiến thôi; không cho họ tự ý hành động, phải tham nghiệm lời của họ, xem có đúng, có hợp với việc, có hiệu quả không; như vậy bọn gian thần không có đường tiến lên được. (bỏ tiết 7 và 8)

Chú thích:

[1] Người: Trong nguyên bản có những tiêu đề này (đây cũng là một điểm đặc biệt của thiên) nhưng đặt ở cuối mỗi đoạn, chúng tôi theo lối trình bày ngày nay, đưa lên đầu.

[2] Có bản chép là trí lực (trí và sức mạnh).

[3] Có sách giảng là “khó lường như trời”. Thi hành pháp chế tức là thưởng phạt. Vì vậy chúng tôi hiểu là không thiên vị. Nguyên văn: chủ chi hành chế dã thiên.

[4] Nguyên văn là nhân (因), có bản chép là khốn (困).

[5] Có bản chép là “kết trí”: kết hợp các người trí.

[6] Nguyên văn: sự lưu tự thủ. Hai chữ tự thủ chúng tôi không hiểu nghĩa, không sách nào giảng thông cả.

[7] Nguyên văn: phúng định nhi nộ. Có sách giảng là: ý kiến nêu rồi thì dựa vào đó mà bắt người đưa ý kiến phải làm theo cho đúng. Chúng tôi châm chước ý kiến của Trần Khải Thiên.

[8] Nguyên văn tham ngũ: ba, năm, nghĩa bóng là khảo sát nhiều cách, nhiều mặt. Chúng tôi hiểu theo Trần Khải Thiên và Từ Hải. Có sách cho ngũ đó là chính sách dùng năm nhà dò xét lẫn nhau.

[9] Nguyên văn: lục nhục chi nhân cận tập, có sách giảng là hoạn quan hầu cận.

[10] Nguyên văn: tàng nộ, trì tội như bất phát, có sách hiểu là bề tôi giấu cái giận, che tội mà không phát giác ra.

[11] Cả đoạn này rất tối nghĩa, mỗi sách giải thích một khác. Chúng tôi không dám tin rằng địch đúng.

[12] Có sách giảng là nếu vua để lộ niềm vui ra thì bị lờn, để lộ nỗi giận ra thì uy bị phân chia. Nên để ý: đoạn trên Hàn mới bảo giận mà không để lộ ra thì có thể nguy.

[13] Đạo ở đây nên hiểu là thuật trị nước. Có học giả ngộ rằng hai chữ cao và thấp trong câu này dùng lộn với nhau.

[14] Thực là quyền, lợi; danh là tiếng tăm.

[15] Nguyên văn: thiên nhân bất khả giải dã. Trần Khải Thiên giảng là: mặc dầu một nghìn người không giảng được tại sao lại có điều đó.

[16] Cái này cũng rất tối nghĩa, mỗi người hiểu một khác.

[17] Nguyên văn: vô phó ngôn ư thượng dĩ thiết tương nhiên. Thí dụ: vua hỏi bề tôi: Địch đòi ta cắt đất cho chúng, nên cắt hay không? Bề tôi đáp: Cắt đất thì mình yếu đi, sẽ nguy; mà không cắt thì địch sẽ tấn công mình, mình không chống nổi, cũng sẽ nguy. Như vậy không dứt khoát mà lơ lửng, vua không biết quyết định ra sao.