Hàn Phi Tử

PHẦN IV

Trong phần II, chúng tôi đã nói tác phẩm Hàn Phi Tử có phần ngụy tạo của người đời sau như thiên Sơ kiến Tần ý kiến không phải của Hàn Phi; những thiên Giải lão, Dụ lão tư tưởng trái ngược với Pháp gia, không thể do Hàn viết; những thiên Tam thủ, Tâm độ, Nhân chủ…. giọng văn non nớt, rườm rà cũng rất đáng ngờ; nhất là những thiên có vần như Chủ đạo, Dương giác thì càng không thể tin được. Vì vậy để viểt phần này, chúng tôi bỏ qua một bên tất cả những thiên đó, chỉ dùng những thiên mà đa số học giả công nhận là của Hàn. Tóm lại, chúng tôi muốn xét văn nghị luận của Hàn Phi, chứ không xét văn nghị luận trong Hàn Phi Tử.

Chúng ta hãy tạm đừng xét văn trong Đạo đức kinh: nó thật đặc biệt, gồm những châm ngôn có những vế đối nhau, cân xứng, có khi có vần nữa, gần giống thể phú cuối đời Chiến Quốc và đầu đời Hán, khiến một số học giả vẫn tự hỏi nó xuất hiện vào đời nào, có thực của Lão Đam không, mà Lão Đam có sống thực không. Tạm gạt tác phẩm đó ra rồi, chúng ta thấy trong khoảng hai thế kỷ, từ thế kỷ V tới thế kỷ III trước T.L., văn của “chư tử”, tức các triết gia Trung Hoa đã tiến bộ gần như liên tục. Mới đầu là bộ Luận ngữ chỉ dùng một thể đơn giản nhất là kí ngôn; môn sinh của Khổng Tử ghi những lời của thầy. Rồi tới các cuốn Trung Dung, Đại học cũng vẫn là kí ngôn thêm những đoạn nghị luận ngăn ngắn. Bộ Mặc tử mở đầu cho thể nghị luận – hay biện luận – nhưng lí luận lắm chỗ ngây thơ và rườm. Bộ Mạnh Tử cũng là kí ngôn như Luận ngữ, đúng ra là ghi những đối thoại giữa Mạnh Tử và một số vua chư hầu hoặc một số học giả đương thời. Trang tử dùng ba lối: kí ngôn, lí luận vắn tắt và ngụ ngôn. Tới Tuân tử mới bỏ hẳn lối kí ngôn mà dùng thể lí luận theo đề tài. Sau cùng là Hàn Phi dùng hết thảy các thể của người trước, cho nên tác giả bộ Trung Quốc văn học sử của viện Đại học Bắc Kinh soạn, do Nhân dân văn học xã ở Bắc Kinh xuất bản năm 1959, khen Hàn là “tập đại thành bút pháp thuyết lí của chư tử thời Tiên Tần” và “văn lí luận đến Hàn Phi đã hoàn toàn thành thục” (quyển 1 trang 93).

Trước khi phân tích bút pháp của Hàn, chúng ta nên biết quan niệm của ông về văn nghị luận. Thiên Bát thuyết, ông viết: “Thư ước nhi đệ tử biện, pháp tỉnh nhi dân mạnh tụng. Thị dĩ thánh nhân chỉ thư tất trứ luận, minh chủ chi pháp tất tường sự”.

書約而弟子辯,法省而民訟簡。是以聖人之書必著論,明主之法必詳事。

Nghĩa là: sách mà giản ước thì (khó hiểu mà) học trò tranh biện về ý nghĩa trong sách; pháp luật mà tỉnh lược thì dân chúng hay tranh tụng. Vì vậy sách của thánh nhân nghị luận tất rõ ràng, pháp luật của mình chủ ghi việc tất tường tận.

Ông chủ trương rằng trình bày một học thuyết cũng như soạn một bộ luật, phải thực rõ ràng, khiến cho ai đọc cũng hiểu rõ được, mà tất cả những người đọc đều hiểu như nhau, không thể có hai ba cách giải thích khác nhau được, như vậy để tránh những sự tranh luận, kiện tụng vô ích. Gọn là một đức tốt, nhưng gọn quá đến nỗi hoá ra mập mờ thì phải tránh. Chúng tôi nhớ thế kỷ XIX, tiểu thuyết gia Pháp Stendhal đọc đi đọc lại bộ dân luật của Napoléon để tập lối viết của các nhà thảo luật.

Viết là cốt để trình bày tư tưởng, tình cảm của mình, hễ người đọc hiểu là mình đạt được mục đích rồi. Lời không cần tô chuốt. Vì nội dung có tầm thường thì mới phải tô chuốt, mà tô chuốt quá có thể làm cho người đọc quên mất nội dung đi.

Đầu tiên Ngoại trừ thuyết tả thượng Hàn Phi chép lại một cố sự lí thú. Vua Sở chê lời của Mặc Tử không văn nhã, tô chuốt, một môn đệ của Mặc Tử bênh vực thầy, kể ra hai việc: con gái Tần Mục Công về làm dâu nước Tấn mà trang sức, không đẹp, sang bằng các nàng hầu, thành thử bọn nước Tấn yêu bọn thiếu nữ đó hơn cô dâu (họ choá mắt vì sự tô chuốt mà coi thường nội dung); một thương nhân nước Sở bán hạt châu cho nước Trịnh, quá trang sức cái hộp, và người nước Trịnh chỉ mua cái hộp và trả lại hạt châu (họ thấy nội dung tầm thường nên không dùng). Rồi môn đệ của Mặc Tử đó kết: “Ngày nay người ta bàn luận đều thích dùng lời khéo léo văn hoa, bậc vua chúa thấy cái văn hoa mà quên rằng những lời đó vô dụng. Thuyết của Mặc Tử truyền cho cái đạo của tiên vương, luận lời của thánh nhân để tuyên cáo cho mọi người. Nếu dùng những lời văn hoa tô chuốt thì sợ người ta chỉ nhớ cái văn hoa mà quên cái hữu dụng của học thuyết, như vậy là lấy cái văn hoa làm hại cái hữu dụng (dĩ văn hại dụng), không khác gì việc người nước Sở bán hạt châu, vua Tần gả con gái”.

“Dĩ văn hại dụng” là cái tật của rất nhiều người cầm bút trong những thời theo chủ trương duy mĩ. Ít nhất là về điểm đó Hàn Phi không phản đối Khổng Tử. Vì Khổng bảo: “Lợi cốt diễn được ý là đủ rồi” ( - Từ đạt nhi dĩ hĩ - Vệ Linh công 40).

Chúng ta còn nhớ “thực tế” là tính cách nổi bật nhất của Pháp gia. Đưa ra một lí thuyết nào, đặt ra một qui chế nào, họ nhằm trước hết sự ích lợi của quốc gia, nếu làm cho quốc gia phú cường là tốt, ngược lại thì dù cao siêu, tốt đẹp đến đâu cũng phải bỏ. Vì vậy họ áp dụng triệt để qui tắc danh phải hợp với thực của Danh gia, nhưng lại ghét bọn ngụy biện như bọn Công Tôn Long vì những biện luận của bọn đó đều là hư ngôn hết. Hàn Phi chỉ trong có mấy hàng đã cho ta thấy rõ ông khinh họ ra sao:

“Nghê Duyệt là người nước Tống, giỏi biện thuyết, đưa ra thuyết “ngựa trắng không phải là ngựa” – Hàn chắc là lầm, thuyết đó là thuyết của Công Tôn Long – các biện sĩ ở Tắc Hạ không ai bác được, nhưng khi ông ta cưỡi ngựa trắng qua khỏi ải thì chịu nộp thuế. Vậy dựa vào lời hư không, có thể thắng được một nước, mà khảo về thực tế, xét về hình trạng thì không thể gạt nổi một người” (Ngoại trừ thuyết tả thượng).

Hơn nữa, ngay những thuyết nhân nghĩa của Nho và Mặc, ông cũng chê là không thực tế, không áp dụng được, nói chỉ để chơi thôi. Ông ví những thuyết đó như đất, bùn trẻ con làm bộ dùng làm cơm canh trong khi vui đùa, nhưng tới bữa vẫn về nhà ăn cơm canh của cha mẹ… (Như trên).

Vậy biện luận thì phải thiết thực, không được dùng “hư ngôn”, đó cũng là một qui tắc nữa của Hàn Phi.

°

Sau cùng, khi biện luận có khi phải dẫn chứng, không phải tham nghiệm trước đã, nếu có đúng thì mới dùng làm chứng cứ, nếu không thì hoặc là ngu, hoặc là lừa gạt thiên hạ. Hàn Phi diễn ý đó trong đoạn đầu thiên Hiển học mà nhiều sách văn học sử Trung Quốc cho là tiêu biểu cho văn nghị luận của ông. Hàn viết:

(…)Khổng Tử và Mặc Tử đều xưng tụng Nghiêu Thuấn mà chủ trương khác nhau và đều tự cho là chân truyền của Nghiêu Thuấn. Nghiêu Thuấn đã không sống lại thì lấy ai là người quyết định được học thuyết nào mới thực là của Nghiêu Thuấn (…)[1]

Không tham nghiệm được mà cứ xác định là ngu; không xác định được mà dùng làm chứng cứ thì là lừa gạt người ta. Vậy căn cứ vào các tiên vương mà theo đạo Nghiêu, Thuấn, nếu không phải là ngu cũng là lừa gạt thiên hạ. Cái học ngu và gạt người ấy, hỗn tạp và mâu thuẫn ấy, bậc minh chủ không chấp nhận.

孔子、墨子俱道尧、舜,而取舍不同,皆自谓真尧、舜,尧、舜不复生,将谁使定儒、墨之诚乎(...)無參驗而必之者、愚也,弗能必而據之者、誣也。故明據先王,必定堯、舜者,非愚則誣也。愚誣之學,雜反之行,明主弗受也。

(Khổng Tử, Mặc Tử câu đạo Nghiêu Thuấn nhi thủ xả bất đồng, giai tự vị chân Nghiêu Thuấn; Nghiêu Thuấn bất phục sinh, tương thùy sử định Nho Mặc chi thành hồ (…) Vô tham nghiệm nhi tất chi giả, ngu dã; phất năng tất nhi cứ chi giả, vu dã. Cố minh cứ tiên vương, tất định Nghiêu Thuấn giả, phi ngu tắc vu. Ngu vu chi học, tạp phản chi hành, minh chủ phất thụ dã).

Phi ngu tắc vu” và “ngu vu chi học” đã thành những thành ngữ chúng ta thường gặp trên sách báo Trung Hoa. Lời mạt sát của Hàn Phi xác đáng, gọn mà mạnh, nhằm vào hầu hết các triết gia thời đó chứ không phải riêng Nho gia, Mặc gia vì cả Đạo gia, Danh gia cũng có tật viện Nghiêu Thuấn để chống đỡ học thuyết của họ. Họ đã chụp lên Nghiêu Thuấn đủ các thứ mũ, phái nào cũng đưa hai ông ấy lên làm ông tổ.[2]

 

Xét chung thì Hàn Phi luôn luôn theo đúng được ba qui tắc trên: văn ông sáng sủa, lập luận rành mạch (thỉnh thoảng chúng ta gặp những chỗ khó hiểu là do người sau chép sai hoặc thiếu và do có những chữ cổ ngày nay không dùng nữa), cho nên đọc không mệt như Nam Hoa kinh mà cũng không gây những cuộc tranh biện bất tận cho người sau như Đạo đức kinh; văn ông lại bình dị, không tô chuốt (chúng ta có cảm tưởng rằng thời ông người ta nói sao thì ông viết vậy); còn tính cách thiết thực, không hư ngôn, không quái đản, ngụy biện thì càng hiển nhiên hơn nữa. Độc giả đọc bất kì thiên nào trong phần dịch ở sau, nhất là các thiên Hiển học, Ngũ đố, Thuế nan, Cô phẫn sẽ nhận thấy rõ, chúng tôi khỏi phải dẫn chứng ở đây thêm rườm.

 

Về qui tắc cuối: phải tham nghiệm, có thấy đúng rồi mới dùng làm chứng cứ, Hàn Phi có hai điểm đáng khen:

 

- Ông hiểu biết rộng, chịu tìm tòi, thu thập rất nhiều cố sự để dẫn chứng: sáu thiên dài Nội trừ thuyết thượng và hạ, Ngoại trừ thuyết tả thượng hạ, Ngoại trừ thuyết hữu thượng và hạ với bốn thiên Nạn, hai thiên Thuyết lâm, đã gồm trên 200 cố sự rồi; nếu kể cả những cố sự rải rác trong các thiên khác thì con số chắc tới 300. Nhờ vậy Hàn Phi Tử khác hẳn Tuân Tử, nhiều màu sắc hơn, đọc vui hơn; nó cũng khác hẳn Liệt TửLiệt Tử tuy cũng có mấy trăm cố sự nhưng phần lí thuyết, biện luận gần như thiếu hẳn. Hàn Phi dung hoà được bút pháp của hai nhà đó.

 

- Ông lại có tinh thần phê phán, biết tồn nghi: gặp một cố sự nào có hai thuyết khác nhau, ông ghi cả hai. Trong sáu thiên Nội trừNgoại trừ có cả chục trường hợp tồn nghi như vậy, chúng tôi chỉ xin đan cử một truyện 2d/ Nội trừ thuyết thượng về phép nhà Ân trị tội kẻ đổ tro[3] ra đường nhưng không nói dùng hình phạt nào. Tử Cống cho vậy là nghiêm khắc, hỏi Khổng Tử, Khổng Tử đáp như vậy là biết đạo trị nước, rồi giảng tại sao: “Đổ tro (hoặc than) ra đường, nó bay lên, phủ cả người ta[4], người ta tất nổi giận, rồi ẩu đả nhau, tàn hại nhau nữa, gây loạn nên cần phải trị. Lại phải trị nặng thì mới có công hiệu; chỉ cần làm một việc dễ (không đổ tro ra đường) mà tránh được một tội nặng thì dân sẵn sàng nghe theo.

 

Thuyết thứ nhì nói rõ là nhà Ân chặt tay kẻ đổ tro ra đường. Tử Cống cũng cho là nghiêm khắc quá, nhưng Khổng Tử chỉ đáp vắn tắt: Không đổ tro là việc dễ, bị chặt tay là điều dân ghét. Làm việc việc dễ để khỏi bị cái mình ghét, cổ nhân cho như vậy là dễ (nghĩa là dân sẵn sàng làm), nên ban hành luật đó”.

 

Chúng ta thấy thuyết sau đáng tin hơn thuyết trước: ghi rõ là chặt tay, như vậy mới hiểu tại sao Tử Cống cho là nghiêm khắc quá; Khổng Tử chỉ giảng lí do nhà Ân ban hành luật đó, chứ không khen là “biết đạo trị nước”. Khổng Tử chủ trương trọng lễ hơn hình, trọng sự giáo hoá hơn sự trừng phạt, tất không nói những lời như trong thuyết thứ nhất. Có lẽ Hàn Phi cảm thấy vậy nên tồn nghi mà ghi thêm thuyết sau.[5]­

 

Tuy nhiên chúng ta phải nhận rằng một số cố sự Hàn đưa ra làm chứng cứ không đáng tin và ông đã không luôn luôn theo đúng qui tắc cuối cùng của ông.

 

Chẳng hạn, trong phần truyện 2- Nội trừ thuyết thượng, chuyện Khổng Tử ra lệnh cho dân nước Lỗ: sai không cứu lửa (ở chằm Tích) thì bị trừng trị như tội hàng giặc hoặc bỏ chạy”, chúng tôi ngờ rằng cũng không hợp với chủ trương của Khổng Tử. Nhất là truyện 1a/ thiên Ngoại trừ thuyết tả hạ, Hàn Phi chép rằng khi Khổng Tử làm tướng quốc nước Vệ, có người ghét ông, tâu với vua Vệ, vu oan cho ông muốn làm phản. Truyện đó sai: Khổng Tử không hề làm tướng quốc nước Vệ; thời đó kẻ làm loạn ở Vệ là Khổng Khôi, trùng họ với Khổng Tử, nên người ta lầm là Khổng Tử.

 

Về Quản Trọng, cũng có vài cố sự chúng tôi vẫn còn ngờ. Truyện 2k/ Nội trừ thuyết thượng gây cho ta một hình tượng đáng tởm về vị tướng quốc của Tề Hoàn Công đó: muốn cho dân Tề bỏ cái tục chôn cất trọng hậu làm tốn vải, tốn gỗ của quốc gia, Quản Trọng hạ lệnh: “Quan quách mà dầy quá mức thì thây người chết sẽ bị chặt mà kẻ chủ tang sẽ bị tội”. Trị tội người chủ tang là điều có lí, chặt thây người chết thì vừa vô lí vừa tàn nhẫn quá, một chính trị gia được Khổng Tử khen là có lòng nhân, dân chúng được hưởng ân đức (Luận ngữ - Hiến vấn - 17); được Tư Mã Thiên ngưỡng mộ vì “dân chúng yêu ghét cái gì thì cũng yêu ghét cái đó”, “mệnh lệnh nào ban xuống cũng thuận lòng dân, như nguồn nước xuôi dòng”, “dân muốn cái gì thì cấp cho cái đó, không muốn cái gì thì trừ cái đó”, biết “phân biệt nặng nhẹ, cẩn thận về việc cân nhắc lợi hại”, một người như vậy lẽ nào lại ra cái lệnh “bất nhân” kia.

 

Mà Quản Trọng cũng không thể có thái độ bỉ ổi như trong truyện 5b/ thiên Ngoại trừ thuyết tả hạ; phàn nàn với Tề Hoàn Công rằng mình nghèo, Hoàn Công cho có đài tam qui; được đài tam qui rồi lại phàn nàn rằng địa vị thấp – làm tướng quốc địa vị còn thấp! – Hoàn Công cũng chiều lòng, đặt ông ta lên trên hai quí tộc Cao và Quốc của Tề; được địa vị đó rồi lại xin được coi là người trong họ nhà vua, vì vậy mà Hoàn Công mới “lập ông làm Trọng phụ” (như hàng cha chú của vua).

 

Truyện xin xỏ, vòi vĩnh đó chắc chắn không có; Quản Tử không chép, Sử kí của Tư Mã Thiên cũng không; Luận ngữ chỉ chép lời Khổng Tử chê Quản Trọng xa xỉ vì cất đài tam qui, còn tên gọi là Trọng phụ và sự được tôn trọng hơn hai họ Cao và Quốc là những điều không thể xin được.

 

Hàn Phi giá bỏ hẳn thuyết đó đi, chỉ chép thuyết thứ nhì: “Quản Trọng ra ngoài thì dùng xe bọc màu đỏ, với người hầu mặc áo xanh, về nhà thì cho đánh trống, trước sân bày vạc, trong nhà có đài tam qui” thì hơn, nhưng thuyết này chỉ tỏ rằng Quản Trọng xa xỉ và không biết lễ như Khổng Tử chê thôi chứ không đủ chứng minh rằng Quản Trọng áp bức vua như Hàn Phi nói trong phần kinh.

 

Truyện đó Luận ngữ (Bát dật -22) đã chép rành mạch như sau:

 

“Khổng Tử bảo: “Khí tượng của Quản Trọng nhỏ thay! Có người hỏi: “Quản Trọng là người tiết kiệm không?” Ông đáp: “Quản Trọng có đài tam qui, về việc quan thì không kiêm nhiệm như vậy sao gọi là tiết kiệm được?” (Lại hỏi) “Nhưng Quản Trọng biết lễ chứ? Đáp: Vua chư hầu dựng cái tắc môn (một thứ cửa) trước dinh. Quản Trọng cũng dựng cái tắc môn. Vua chư hầu dùng giá để úp chén (phản điếm) khi dự yến với một vua chư hầu khác, Quản Trọng cũng có cái úp chén. Họ Quản mà biết lễ thì còn ai mà không biết lễ?”

 

Rõ ràng là Hàn Phi không tra cứu xem cố sự ông dùng để dẫn chứng có đúng không. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu cho ông: ông không có đủ sách để tra cứu như chúng ta ngày nay. Thời đó sách còn bằng thẻ tre. Một bộ Luận ngữ khắc lên thẻ tre chắc chứa đầy một cái rương lớn, và những nhà nổi tiếng là có nhiều sách như Huệ Thi đi đâu cũng chở theo năm xe sách thì số sách cũng chỉ được khoảng năm sáu chục bộ như bộ Luận ngữ, không bằng một ngăn trong tủ sách của chúng ta. Rất có thể Hàn Phi không được đọc Luận ngữ, Tuân Tử không được đọc Mạnh Tử, Trang tử không được đọc Đạo đức kinh[6] và ngay cả Huệ Thi cũng không có đủ những bộ mà đời sau gọi là Tứ thư và Ngũ kinh. Không có đủ sách để đọc, cho nên già nửa sự hiểu biết của họ về lịch sử, về các triết thuyết, về đời sống của người trước phải dựa vào truyền thuyết, mà truyền thuyết thì mười phần may lắm đúng sự thực được vài ba. Không có sách để tra cứu, cho nên Hàn Phi dù có muốn tham nghiệm xem có đúng không trước khi dùng một cố sự nào làm chứng cứ cũng không được. Và ta có thể nói rằng họ không hiểu những triết gia sống cách họ một vài trăm năm, ngay cả người đồng thời với họ, bằng chúng ta ngày nay hiểu những người đó. Thiên Thiên hạ trong Trang tử, thiên Phi thập nhị tử trong Tuân Tử, tuy có những nhận xét đáng quí nhưng xét chung thì thiếu sót, thiên lệch, nhất là lời Tư Mã Đàm (cha Tư Mã Thiên) phê bình các triết gia lớn thời Tiên Tần thì càng nông cạn nữa. Vậy ta cũng không nên trách Hàn Phi không hiểu Khổng Tử và Quản Trọng; không ai có thể chỉ nghe những truyền thuyết mà hiểu một triết gia, một chính trị gia được.

 

Văn của Tuân Tử có tổ chức, lời tinh luyện mà dụng ngữ phong phú, có cái giọng nghiêm túc, bình đạm của một bậc thầy, một triết gia thuần tuý tuy bàn về chính trị nhưng không chiến đấu cho chủ trương của mình. Văn của Hàn Phi thường thiếu những đức đó.

 

Văn của Mạnh Tử hùng hồn, lôi cuốn, bừng bừng cái nhiệt tâm của một chiến sĩ và tràn trề cái khí hạo nhiên của một đại trượng phu dám mắng thẳng vào mặt các vua chúa đương thời, như khi ông mạt sát vua chư hầu là hiếu chiến “cho đất ăn thịt dân, tội đáng chết” (Li Lâu thượng - 14); là “làm liều, hoang vọng”, ham tiệc tùng, săn bắn làm cho dân phải nhịn ăn, phải hầu hạ, không được nghỉ ngơi (Lương Huệ vương hạ - 4); hoặc khi ông vạch tội Lương Huệ vương là giết dân rồi đổ lỗi cho sự mất mùa: “Vua để cho loài chó, heo ăn hết đồ của dân mà chẳng biết ngăn cấm, trên đường đầy những kẻ chết đói mà không xuất lúa phát chẩn cho dân. Dân chết, vua nói rằng: “Chẳng phải tại ta, tại mất mùa đấy. Như vậy có khác nào đâm chết người ta rồi lại bảo: “Chẳng phải tại ta, tại mũi dao đấy!” (Lương Huệ vương thượng - 3), nhất là khi ông buộc tội Lương Huệ vương là đã khiến cho loài thú ăn thịt dân vì trong bếp nhà vua có thịt béo, trong tàu có ngựa mập mà dân không có gì ăn, trong đồng la liệt kẻ chết đói (Lương Huệ vương thượng  - 4).

 

Trong bộ Mạnh Tử có tới non một chục chỗ giọng gay gắt như vậy; Hàn Phi không có khí phách đó vì ông chủ trương tôn quân triệt để; vua dù bất lực, có lỗi, bề tôi cũng không được phê phán, cho nên trong tác phẩm của ông, chỉ có mỗi một chỗ ông nặng lời với vua, tức đoạn cuối thiên Nạn ngôn:

 

“… Tuy là hiền thánh thì cũng không thoát chết, không tránh khỏi bị lăng nhục. Tại sao vậy? Tại khó thuyết phục được kẻ ngu (tức bọn vua hôn ám). Lời nói phải thì trái tai, phật ý, không phải là hiền nhân, thánh nhân thì không chấp nhận được”. Nhưng đoạn đó lại bị một số học giả ngờ rằng không phải của Hàn Phi mà của người sau ngụy tạo, vì nó trái hẳn với giọng các thiên khác.

 

Kém hùng hồn, kém cái khí hạo nhiên, nhưng văn Hàn Phi bi đát hơn. Khi cực kì chán nản, Mạnh Tử chỉ chua xót thở dài:

 

“Có người hồi nhỏ học đạo (trị quốc) của thánh hiền, lớn lên, mong thi hành sở học của mình, nhưng nhà vua (Tề Tuyên vương) lại bảo: “Khoan, hãy để qua một bên sở học của ngươi mà làm theo ý ta đã”. Như vậy mới làm sao! Nay nhà vua có một hạt ngọc chưa mài, dù đáng một vạn dật thì cũng giao cho thợ ngọc giũa mài. Đến việc trị quốc thì nhà vua lại bảo: “Khoan, hãy để qua một bên sở học của ngươi mà làm theo ý ta đã” Sao hành động khác thì giao ngọc cho thợ giũa mài?” (Lương Huệ vương hạ - 9).

 

Hàn Phi khi nào tuyệt vọng thì nghĩ tới chết, tự ví mình với Ngô Khởi và Thương Ưởng, một kẻ bị chặt chân tay, một kẻ bị xé thây.

 

Trong thiên Cô phẫn, sau khi xét cái lẽ không đội trời chung giữa bọn trọng nhân (tức bọn quí tộc cầm quyền mà bảo thủ), và bọn sĩ giỏi pháp thuật như ông, sau khi nhận rằng bọn sĩ giỏi pháp thuật có năm cái thế phải thua bọn trọng nhân, mà không có một thế nào thẳng nổi, Hàn Phi kết luận:

 

“Thế đã không thắng được mà lại không sống chung được, tất có kẻ mất người còn, thì kẻ sĩ giỏi pháp thuật làm sao khỏi bị nguy? Bọn trọng nhân nếu có thể vu tội lỗi cho ai thì sẽ dùng phép công mà giết người đó, không vu được thì sai người ám sát”. Tóm lại là hạng sĩ nhiệt tâm cứu quốc như ông, dám cải cách, thì nếu không bị bọn cầm  quyền dùng phép công mà giết, cũng sẽ bị chúng sai người ám hại.

 

Cuối chương Hoà thị ông kể hai trường hợp để dẫn chứng:

 

“Sở không dùng Ngô Khởi mà bị mất đất và loạn, Tần thi hành pháp của Thương quân mà phú cường. Lời hai ông ấy đều đúng mà Ngô Khởi bị chặt chân tay, Thương quân bị xé thây là tại sao? Tại bọn đại thần oán pháp thuật mà dân chúng ghét sự cai trị”.

 

Hàn chủ trương không tô chuốt lời văn, nhưng một số thiên ông viết kĩ đáng làm mẫu mực cho thời sau, như các thiên Hiển học, Ngũ đố, Cô phẫn (coi phần dịch) nhất là thiên Thuế nan mà từ Tư Mã Thiên đến nay ai cũng nhận là bất hủ, bộ Cổ văn nào cũng trích dẫn.

 

Bố cục minh bạch: có mở có kết, mở thì đột ngột, vào thẳng ngay vấn đề, kết thì gọn mạnh, đập vào óc ta, khiến ta không quên được. Phần giữa (khai triển) gồm đủ cả lí thuyết: (những điều nên tránh và những điều nên theo khi thuyết phục các vua chúa) và chứng cứ (cố sự về Y Doãn, Bách Lý Hề, Quan Kì Tư, Nhiễu Triều, Di Tử Hà, và người nước Tống bị trộm).

 

Ông phân tích thuật du thuyết thực đầy đủ, đời sau không ai hơn, mà tâm lí sâu sắc, như khi ông bảo:

 

“Bậc quí nhân được người ta bày cho một mưu kế mà thích, coi đó là công (sáng kiến) của mình, kẻ du thuyết biết rõ đầu đuôi thì thân sẽ nguy”.

 

hoặc:

 

“Bọn quí nhân muốn khoe trí thì nên kể cho họ nghe nhiều việc khác đồng loại với việc họ định làm để họ tham khảo được rộng, khiến cho họ dùng kiến nghị của ta mà ta cứ giả đò như không biết, để họ không ngờ rằng mình đã mở trí cho họ”.

 

Các tâm lí gia ngày nay cũng khuyên ta như vậy.

 

Giọng của ông lúc thì thành khẩn, như khi ông chỉ ước ao được “làm tên đầu bếp (như Y Doãn), hay kẻ tôi mọi” (như Bách Lí Hề) miễn là được vua chúa nghe lời mình, dùng mưu mình để cứu đời; lúc thì dí dỏm một cách hơi ngạo đời, như hai câu kết:

 

“Rồng là một con vật thuần, có thể lấn lờn mà cưỡi, nhưng dưới họng nó có những vẩy ngược, chu vi rộng cả thước, ai mà đụng tới thì nó sẽ giết. Bọn vua chúa có những vẩy ngược, kẻ du thuyết mà biết đừng đụng tới thì là tạm được rồi vậy”. 

夫龍之為蟲也,柔可狎而騎也;然其喉下有逆鱗徑尺,若人有嬰之者,則必殺人。人主亦有逆鱗,說者能無嬰人主之逆鱗,則幾矣。

(Phù long chi vi trùng dã nhu, khả hiệp nhi kị dã; nhiên kì hầu hạ hữu nghịch lân kích xích, nhược nhân hữu anh chi giả, tắc tất sát nhân. Nhân chủ diệc hữu nghịch lân, thuế giả năng vô anh nhân chủ chi nghịch lân, tắc cơ hĩ).

 

Ví vua chúa với con rồng, vừa hợp vừa đúng với tục Trung Hoa. Đọc Chiến Quốc sách chúng ta thấy biết bao vua chúa bị bọn biện sĩ như Tô Tần, Trương Nghi, Phạm Tuy, Thái Trạch “lấn lờn mà cưỡi”. Hàn Phi đã khéo léo, không ví họ với loài nào khác mà ví với con rồng, cũng là hiểu tâm lí họ nữa. Tần Thuỷ Hoàng đọc tới hai câu đó chắc chỉ mỉm cười chứ không trách Hàn vào đâu được, chưa biết chừng còn thích Hàn vì Hàn biết sợ những “vẩy ngược” của mình.

 

Chúng ta đã thấy nghệ thuật trình bày tư tưởng, học thuyết của Hàn trong thiên Thuế nan. Trong các thiên khác như Hiển học, Ngũ đố, Nạn thế, Định pháp v.v… ông vừa trình bày học thuyết của ông vừa đả kích tư tưởng của người khác. Riêng về việc bác bỏ lời ở nhân(?), ông viết tới bốn thiên: Nạn nhất, nhị, tam, tứ và chính trong bốn thiên đó, lí luận của ông xác đáng, sắc bén, đanh thép nhất, hơn Mạnh Tử nhiều. Ông phân tích kĩ một cố sự hoặc lời lẽ của một người, đả kích cả mọi mặt, không còn để lọt một sơ hở nào khiến cho chúng ta khó có thể nói thêm được nữa.

 

Thí dụ bài 1 trong Nạn nhất. Cố sự như sau:

 

Tấn Văn Công sắp khai chiến với Sở, quân Sở đông mà quân Tấn ít, ngại khó thắng, nên hỏi ý kiến của hai người:

 

Cậu Phạm (Tức Hồ Yển) và Ưng Quí. Cậu Phạm đáp: ”Thần nghe nói người quân tử trọng lễ thì cực lực giữ sự trung tín, nhưng lúc chiến tranh thì không ngại trá ngụy, nhà vua cứ dùng mưu mô mà lừa gạt“.Ung Quí đáp: “Đốt rừng để săn bắn thì được nhiều thú, nhưng sau sẽ không còn con nào. Dối trá với dân thì thu lợi được một lần thôi, sau không gạt được lần nữa”.

Tấn Văn Công khen lời Ung Quí là phải nhưng lại dùng mưu của Cậu Phạm, đánh thắng được Sở rồi, khi thưởng công, đặt Ung Quí ở trên Cậu Phạm, lấy lẽ rằng: “Lời Cậu Phạm chỉ là lời quyền biến dùng tạm một thời, còn lời Ung Quí là cái lợi muôn đời”.

Khổng tử nghe truyện đó khen Văn Công là quyền biến lại hiểu cái lợi vạn đại, rất đáng làm bá chủ.

Hàn Phi bắt bẻ cả Ung Quí, Tấn Văn Công lẫn Khổng tử.

a/ Trước hết Ung Quí không hiểu câu hỏi của Tấn Văn Công, đáp ra ngoài. Văn Công hỏi cách lấy ít chống đông, mà lại đáp rằng “Sau không gạt được lần nữa”, như vậy là đáp không sát.

b/ Văn Công (và cả Ung Quí nữa) không biết cái lẽ quyền biến một thời và cái lợi muôn đời. “Đánh mà thắng thì được nước yên, binh mạnh, uy thế vững, sau có chiến tranh cũng không thể lớn hơn vậy, thế thì sao lại lo không có cái lợi muôn đời? Còn như đánh không thắng thì nước mất, thân chết (…) đâu còn rảnh để đợi cái lợi muôn đời?”.

c/ Văn Công cũng không hiểu lời của Cậu Phạm nữa. Cậu Phạm bảo “không ngại trá ngụy” là trá ngụy với Sở chứ đâu phải trá ngụy với dân mình. Địch là nước mình đánh, sau dù không lừa gạt được nữa thì có hại gì đâu?

d/ Ung Quí không có công gì trong việc thắng Sở cả, chỉ khuyên giữ chữ tín (chữ tín trong trường hợp này vô dụng); Cậu Phạm đã có công trong việc thắng Sở lại cũng không quên khen chữ tín (Người quân tử trọng lễ thì cực lực giữ sự trung tín), nghĩa là tuy khuyên Văn Công tạm dùng mưu để chiến thắng nhưng rồi sau phải nhớ chữ tín, như vậy là chính Cậu Phạm mới biết lẽ quyền biến, vừa hiểu cái lợi lâu dài. Văn Công khen và thưởng Ung Quí trên Cậu Phạm là bậy.

e/ Mà Khổng tử khen Văn Công cũng bậy nữa.[7]

°

Có khi một hành động của cổ nhân được Hàn mổ xẻ về nhiều khía cạnh, tùy nhiều hoàn cảnh, lúc khen, lúc chê. Thí dụ sự phê phán hành động phản chủ của Dương Hổ.

Dương Hổ (trong Luận ngữ chép là Dương Hoá) là gia thần của quan đại phu họ Quí ở nước Lỗ, mà phản chủ, muốn đánh họ Quí với họ Mạnh, họ Thúc, việc thất bại, phải trốn ra khỏi Lỗ, mới đầu qua Tề, Tề Cảnh Công lấy lễ tiếp đãi. Bão Văn tử can:

“Không nên, Dương Hổ được họ Quí yêu mà đánh lại Quí tôn là vì ham sự giàu có của ông ấy. Nhà vua giàu có hơn Quí tôn mà nước Tề lớn hơn nước Lỗ, Dương Hổ sẽ còn hết sức gian trá nữa”. “Cảnh Công bèn bỏ tù Dương Hổ”.[8] (Nạn tứ - bài 2).

Hàn Phi chê Bão Văn tử, bảo:

Dương Hổ chỉ có tội là vụng về mà thất bại, còn gian trá, thì bề tôi nào mà chẳng có lòng gian trá, chẳng muốn cướp quyền vua để hưởng lợi, giữa vua và họ có tình ruột thịt gì đâu mà bảo họ thương yêu vua. Mà họ thành ra gian trá chính là lỗi ở vua nhu nhược, hôn ám, chứ nếu vua sáng suốt, nghiêm khắc thì họ đâu dám không trung tín. Vậy Bão Văn tử khuyên vua trừng phạt Dương Hổ là bậy.

Nhưng rồi Hàn xét lại, bênh vực Bão Văn tử: trừng trị Dương Hổ là phải vì vậy là ngăn ngừa cái loạn có thể phát ra (Dương Hổ có thể làm loạn ở Tề như đã làm loạn ở Lỗ), thị oai với bọn bề tôi có lòng gian tà, mà lại được tình thân ái của Quí tôn, Mạnh tôn, Thúc tôn ở Lỗ.

Dương Hổ bị nghi ở Tề, bèn trốn qua Triệu, được Triệu Giản chủ phong làm tướng quốc. Ngoại trừ thuyết tả hạ, truyện 2c/ chép:

“Kẻ tả hữu hỏi Giản chủ: “Hổ giỏi cướp chính quyền mà sao nhà vua lại dùng làm tướng quốc?” Giản chủ đáp: “Dương Hổ lo cướp chính quyền, ta lo giữ” và ông dùng thuật để khống chế Hổ. Hổ không dám làm bậy, trung thành phụng sự, làm cho Giản chủ mạnh hơn lên, gần thành một bá chủ chư hầu”.

Đó mới là chủ trương của Hàn Phi: vua đối với bề tôi, chỉ nên cậy vào cái thuật khống chế bề tôi của mình chứ không nên trông cậy vào sự trung thành của bề tôi vì bề tôi nào cũng có những quyền lợi ngược với quyền lợi của vua, cũng nuôi lòng phản vua. Hễ có bản lãnh như Triệu Giản tử mà không ngại làm mất lòng nước Lỗ (Triệu ở xa Lỗ) thì cứ dùng Dương Hổ: nếu thiếu bản lĩnh như Tề Cảnh công lại ở sát nước Lỗ, sợ mất lòng Lỗ thì đừng dùng Dương Hổ. Còn bản thân Dương Hổ thì chẳng có gì tội với Tề, với Triệu cả, không đáng trách. Quan niệm đó là quan niệm của Pháp gia, mà phân tích, xét tới, xét lui cả mọi mặt như vậy quả là kĩ.

Vandermeersch, trong sách đã dẫn trang 237, đã khen Hàn Phi có tài cùng bàn về một vấn đề mà đưa ra được hai lối nghị luận trái ngược nhau, như trong bài 6 thiên Nạn nhị. Cố sự như sau:

“Lí Khắc trị nước Trung Sơn. Quan lệnh ấp Khổ Hình trình bản kế toán, số thu quá nhiều. Lí Khắc bảo: “Lời nói khéo léo nghe thì thích, nhưng không hợp tình lí, như vậy gọi là “điệu ngôn” (hư ngôn, không thực). Không có mối lợi về núi rừng, chằm hang mà số thu được nhiều, như vậy là “điệu hoá” (hư vật, không có thực). Người quản tử không nghe “điệu ngôn”, không nhận “điệu hoá”; ông nên từ chức đi”.

Hàn Phi bác bẻ lời của Lí Khắc theo hai cách: Cách thứ nhất theo lối ngụy biện, khúc luận của Danh gia. Ông bảo:

“Lí tử lập thuyết: “Lời nói khéo léo nghe thì thích nhưng không hợp tình lí, như vậy gọi là “điệu ngôn”.

Khéo nói là làm cho người nghe thích, cái đó tuỳ người nghe. Người nói không phải là người nghe thì sự khéo nói cũng không phải là sự thích[9]. Cái mà Lí tử bảo là không hợp tình lí không tuỳ thuộc người nghe mà tuỳ thuộc lời người đó nghe được. Người nghe nếu không phải là tiểu nhân (vô học) thì là quân tử. Tiểu nhân không hiểu tình lí vậy không thể xét lời nói xem có hợp tình lí hay không; quân tử biết xét lời nói xem có hợp tình lí hay không thì tất không thể thích được (vì lời nói khéo không hợp tình lí). Vậy bảo “Lời nói khéo léo nghe thì thích nhưng không hợp tình lí” là nói sai”.

“Tóm lại – đây là lời của Vandermeersch – “điệu ngôn” không phải là một đặc tính áp dụng cho một lời xác định được, mà cũng không thể làm cho một người hiểu biết thích được. Nó chỉ là một cái “danh” Lí Khắc dùng ở đây không hợp, thành thử ông ta lí luận sai. Công Tôn Long cũng cho rằng không thể bảo một con ngựa nào đó trắng được vì cái “danh” trắng không thể dùng để gọi một cái gì không phải là màu sắc, mà là một sinh vật được”.

Chúng ta thấy lối lí luận, khúc mắc (cho nên gọi là khúc luận) chỉ dựa trên cái “danh” mà không dựa trên sự thực. Sự thực thì ai cũng thấy những lời khéo nói thường là sai (giấu giếm hoặc phóng đại) không nhiều thì ít, mà dù có học (quân tử) hay vô học (tiểu nhân) thì cũng có thể thấy được chỗ sai nhưng vẫn phải nhận là nói khéo.

Cách thứ nhì để bác bẻ Lí Khắc là dựa trên sự thực, và cách này, Vandermeersch gọi là lí luận của Pháp gia. Hàn Phi bảo: Thu được nhiều mà cho là “điệu hoá”, lời đó chưa phải là luôn luôn đúng. Lí Khắc không có thuật nào để biết là khai đúng hay gian mà sao cứ thấy thu được nhiều đã vội cho là khai gian? Vì đất đai tuy xấu nhưng nếu làm đúng mùa, không bị thiên tai, không bị trở ngại trong công việc, lại tận lực làm ruộng, tận dụng kĩ thuật (lựa lúa giống, bón phân, có những tiện lợi của xe thuyền, máy móc…), biết tiết kiệm thì thu được nhiều, như vậy đâu phải là “điệu hoá”. Không tham nghiệm, căn cứ vào sự thực mà chê trách bậy, Lí Khắc quả là không biết thuật trị nước (Coi bài 6 - Nạn nhị - phần dịch).

Hàn Phi đã dùng lí luận của Danh gia để bác bẻ hai chữ “điệu ngôn”, lại dùng lí luận của Pháp gia để bác bẻ hai chữ “điệu hoá”. Lí Khắc nếu còn sống cũng không thể cãi được. Lí luận thực xác đáng, sắc bén, tinh tế. Nhưng chúng tôi cũng tự hỏi: Hàn vốn ghét thói ngụy biện của Danh gia mà sao lần này lại cao hứng dùng thuật đó? Kể cũng đáng ngờ.

Sau cùng, điểm này quan trọng nhất: Hàn Phi có công làm cho thể văn nghị luận của Trung Hoa thời Chiến Quốc rất mực phong phú, có đủ hình thức.

Ông tập đại thành của người trước, dùng.

Hình thức vấn đáp trong Luận ngữ, Mạnh tử, như trong các thiên Định pháp, Vấn biện. Thiên Định pháp đáng coi là mẫu mực. Ông tưởng tượng một người ngồi đối thoại với ông, người đó hỏi, ông đáp, lại hỏi nữa, lại đáp nữa, như vậy ba lần. Nhờ cách đó, ông xét được mọi khía cạnh của vấn đề, mà chúng ta đọc không thấy chán.

Hình thức cố sự và ngụ ngôn như trong sáu thiên Nội, ngoại trừ thuyết. Chúng tôi chỉ xin giới thiệu hai trong vô số truyện lí thú, một truyện là cố sự về Ngô Khởi, một viên tướng đạt tới tuyệt đỉnh qui tắc Đắc nhân tâm:

“Ngô Khởi làm tướng quốc nước Ngụy, đánh Trung Sơn. Quân sĩ có người bị nhọt, ông quì xuống tự hút mủ cho. Mẹ anh ta đứng bên khóc. Có người hỏi:

Tướng quân đối với con bà như vậy, sao bà lại khóc?

Đáp:

Ngô Khởi đã hút mủ vết thương của cha nó, mà cha nó chết (vì cảm mối tình đó, hi sinh đánh giặc cho Ngô Khởi). Nay nó lại sẽ chết mất thôi, vì vậy mà tôi khóc”.

Một truyện là ngụ ngôn: “Một người nước Trịnh muốn mua giày, đo bàn chân mình rồi đặt cái ni ở chỗ ngồi. Anh ta ra chợ quên đem cái ni theo. Tìm được thứ giày muốn mua rồi, anh ta (sực nhớ lại) bảo: “Tôi quên đem cái ni theo, để tôi trở về lấy”. Rồi trở về nhà, khi trở lại thì chợ đã tan, không mua giày được. Người ta hỏi: “Sao không lấy chân để thử giày?” Đáp: “Nên tin cái ni, chứ không nên tin mình (Ngoại trừ thuyết tả thượng - truyện 3s).

Hàn Phi mỉa bọn chính khách đương thời chỉ xưng tụng tiên vương mà không xét hành động của mình có thích hợp với việc nước, với xã hội trước mắt không.

Hàn lại có sáng kiến:

Đưa các qui tắc lên trên, gọi là phần kinh, rồi mới chú thích ở dưới, gọi là phần truyện, như trong sáu thiên Nội, ngoại trừ thuyết. Cách trình bày đó giống cuốn Đại học.

Mở đầu loại phê bình nhân vật lịch sử cho các nhà văn sau này (Đường, Tống, Minh) như bài 3 thiên Nạn nhất chê Quản Trọng: “Lời Quản Trọng khuyên Hoàn Công đó (tức đuổi Thụ Điêu, Dịch Nha, công tử Khai Phương đi) – không phải là lời của một người biết pháp độ.

Ông ta muốn đuổi Thụ Điêu, Dịch Nha là cho rằng họ không yêu thân họ để thỏa ý muốn của vua. “Bản thân mà mình không yêu thì làm sao yêu vua được?”. Như thế là muốn vua đuổi hết các trung thần đi. Vả lại lấy lẽ họ không yêu thân họ mà suy đoán rằng họ không yêu vua thì cũng có thể lấy lẽ Quản Trọng không chết vì Công Tử Củ để suy đoán rằng ông ta sẽ không chết cho Hoàn Công, vậy thì ông cũng thuộc hạng bề tôi phải đuổi đi..

“Đạo của bậc minh chủ không phải vậy. Lập ra cái mà dân muốn để họ làm việc cho mình, vì vậy mà đặt ra tước lộc để khuyến khích họ; lập ra cái mà dân ghét để ngăn cấm sự gian tà, vì vậy mà đặt ra hình phạt để ra oai với họ. Khen thưởng mà xác thực, hình phạt mà cương quyết thì bề tôi có công được cất nhắc, mà kẻ gian tà không được dùng, như vậy dù có Thụ Điêu, hẳn cũng không làm gì được vua; mà bề tôi sẽ tận lực thờ vua, vua ban tước lộc để báo đáp bề tôi. Vua tôi đối với nhau không có tình cha con, đều là tính toán với nhau cả; hễ vua có đạo (tức thuật) thì bề tôi tận lực mà việc, gian tà không phát sinh, vua vô đạo thì bề tôi trên che lấp cái sáng của vua, dưới thực hành tư dục của mình. Quản Trọng không làm cho Hoàn Công hiểu rõ pháp độ đó, chỉ khuyên đuổi (Thụ Điêu), giả sử đuổi Thụ Điêu rồi thì một Thụ Điêu khác lại đến, đó không phải là cách tận diệt sự gian tà”.[10]

Xin độc giả so sánh đoạn đó với đoạn dưới đây trong bài Quản Trọng luận của Tô Tuân (cha Tô Đông Pha) đời Tống:

Quản Trọng đau nặng, Uy Công[11] hỏi ai có thể thay làm tể tướng được. Lúc đó tôi tưởng Trọng nên đề cử những bậc hiền tài trong thiên hạ để đáp Uy Công, mà Trọng chẳng qua chỉ bảo rằng Thụ Điêu, Dịch Nha, Khai Phương ba người đó không hợp với nhân tình,[12] không thể thân cận được, thế thôi. Than ôi! Trọng cho rằng Uy Công quả có thể dùng được ba con người đó ư? Trọng với Uy Công gần nhau đã lâu năm cũng biết Uy Công là người ra sao chứ? Uy Công, sắc không lúc nào thiếu ở trước mắt, không có ba con người kia thì không thể thoả mãn được dục vọng. Ông ta mới đầu không để cho bọn đó chuyên quyền chỉ là nhờ có Quản Trọng. Ngày nào mà không có Trọng thì ba người kia có thể phủi bụi trên mũ[13] mà chúc mừng lẫn nhau. Trọng cho rằng lời mình dặn dò lúc lâm chung đủ để trói buộc chân tay Uy Công chăng?

“Nước Tề không lo rằng có ba người đó mà lo không có Quản Trọng. Có Trọng thì ba con người đó chỉ là ba thất phu. Không vậy thì thiên hạ thiếu gì hạng người như ba tên đó? Dù Uy Công may ra mà nghe lời Trọng, giết ba người đó đi, thì còn những kẻ khác, Trọng có thể trừ hết được không? Than ôi! Có thể bảo rằng Trọng không biết cái căn bản vậy. Nhận lời hỏi của Uy Công mà tiến cử bậc hiền tài trong thiên hạ để thay mình. Trọng tuy mất, nhưng nước Tề cũng vẫn còn Trọng. Như vậy ba con người kia có đáng ngại đâu, chẳng cần nói nữa…”.[14]

Hai nhà sống cách nhau mười ba thế kỉ (Hàn sinh năm – 280, Tô sanh năm 1009), một là pháp gia, một là nho gia, cùng phê bình một nhân vật mà sao giống nhau như thế; cùng không trách Hoàn Công mà chỉ kết tội Quản Trọng. Hàn chê Quản Trọng là không làm cho Hoàn Công hiểu rõ pháp thuật, Tô bắt lỗi Quản là không tiến cử người hiền; cùng bất công thiên lệch cả: Hàn không xét rằng Hoàn Công không phải hạng vua đủ tư cách, bản lãnh để tự giữ được pháp thuật; Tô quên rằng Quản đã mấy lần tiến cử người hiền (như Thấp Bằng, Ninh Thích, Ninh Việt… ) lên Hoàn Công, trước khi chết lại tiến cử Thấp Bằng thay mình nữa, chẳng may Thấp Bằng cũng chết sớm nên Tề mới mau loạn.

Lời văn cũng giống nhau. Hàn viết: “Quản Trọng không làm cho Hoàn Công hiểu rõ pháp độ (chỉ khuyên đuổi Thụ Điêu), giả sử đuổi Thụ Điêu rồi thì một Thụ Điêu khác lại đến, đó không phải là cách tận diệt sự gian tà…

使去豎刁, 一豎刁又至, 非絕姦之道也。

(Sử khử Thụ Điêu, nhất Thụ Điêu hựu chí, phi tuyệt gian chi đạo dã).

Tô viết: “Dù Uy Công may ra mà nghe lời Trọng, giết ba người đó đi thì còn những kẻ khác, Trọng có thể trừ hết được không?

雖桓公幸而聽仲,誅此三人,而其餘者,仲能悉數而去之邪?

(Tuy Uy Công hạnh nhi thính Trọng, tru thử tam nhân, nhi kì dư giả, Trọng năng tất số nhi khử chi da?).

Chúng tôi ngờ rằng Tô Tuân đã đọc Hàn Phi tử. Văn của ông tô chuốt hơn văn của Hàn, nhưng cũng hơi quá “kêu”, chúng tôi ưa văn của Hàn hơn: bình dị mà có khí, đúng là giọng một tư tưởng gia về chính trị, chứ không phải một nhà văn.

Chú thích:

[1] Chúng tôi đã cắt đi nhiều, xin coi toàn văn ở phần dịch.

[2] Dân tộc Trung Hoa không thích bàn về siêu hình (như dân tộc Ấn Độ), cho nó là bất khả tri, nên các triết gia của họ, bắt đầu từ Nho gia, phải đưa vào lịch sử, tái tạo một thời đại lí tưởng – thời Nghiêu Thuấn – làm căn bản cho tư tưởng chính trình, coi Nghiêu Thuấn là những bậc thánh. Nhưng Thánh của họ không phải là thánh (Saint) của phương Tay mà đại khái chỉ là những chính trị gia minh triết.

[3] Theo Trần Khải Thiên thì là than chưa vạc.

[4] Theo Trần Khải Thiên thì là làm bỏng chân người ta.

[5] Vương Ứng Lân đã thiếu đức chính trực, bỏ thuyết sau đi mà chỉ căn cứ vào thuyết trên mà mắng Hàn Phi là đem pháp trị dân của Thương Ưởng gán cho nhà Ân và vu cáo Khổng Tử đã khen “đạo trị nước đó” (Trần Khải Thiên dẫn trong Hàn Phi tử hiệu thích – trang 1025).

Nhưng Vương có lí khi trách Hàn không tra cứu kĩ: phép trị tội kẻ đổ tro đó không phải của nhà Ân mà của Thương Ưởng.

[6] Điểm này tác giả đã xét trong bộ Trang Tử, NXB Văn Hoá; nên nghĩ vậy vì trong Nội thiên (phần chắc chắn của Trang Tử viết) không thấy dẫn một câu nào trong Đạo đức kinh cả (BT). 

 

[7] Có thực là Khổng tử khen Văn công không, đó là vấn đề khác, không cần xét ở đây.

[8] Có lẽ chỉ đuổi Dương Hổ ra khỏi nước thôi, hoặc nếu bỏ tù thì sau cũng thả.

[9] Ý muốn nói: không phải có người thích mà là khéo nói, mà khéo nói chưa nhất định đã được mọi người thích.

[10] Chúng tôi bỏ đoạn sau chê Hoàn công cho bề tôi có thế lực mạnh quá nên mới chết thảm, không được chôn.

[11] Tức Tề Hoàn công. Đời Tống kị tên huý của Khâm tôn, cho nên đổi Hoàn ra Uy.

[12] Tức như Hàn Phi bảo “Bản thân mà họ không yêu thì làm sao yêu vua được?” Thụ Điêu tự thiến để tiến thân, Dịch Nha giết con để lấy thịt nấu cho Hoàn Công ăn, Khai Phương không nghĩ tới cha mẹ mà ở hoài với Hoàn Công.

[13] Khi Vương Dương được làm thứ sử Ích Châu thì bạn là Cống công sửa mũ cho ngay, phủi bụi cho sạch để vào mừng rồi được tiến cử làm đại phu.

[14] Chúng tôi bỏ đoạn sau. Coi trọn bài trong Cổ văn Trung Quốc – Tao đàn – Sài Gòn - 1966