Hai Số Phận

Chương 13

Đêm đó Abel nằm trong căn phòng nhỏ của anh ở khách sạn Plaza mà không sao ngủ được. Anh nghĩ đến người con trai có tên là William mà người ta bảo là nếu cha anh còn sống thì sẽ tự hào về anh ta. Tự nhiên anh cũng thấy đó chính là điều anh muốn thực hiện. Anh muốn được người ta coi mình là ngang hàng với những người như William trên đời này.

Từ khi đến New York, Abel đã phải trải qua một cuộc vật lộn gay go. Anh về ở một căn phòng chỉ có hai giường, thế nhưng anh lại phải ở chúng với George và hai người an hem họ khác của George. Kết quả là Abel chỉ có thể được ngủ khi nào một trong hai chiếc giường ấy không có người. Ông chú của George không sao có việc làm cho Abel được. Sau mấy tuần lễ rất lo lắng vì tiêu gần hết số tiền tiết kiệm mà chưa tìm được việc gì mặc dầu phải chạy đi chạy lại từ Brooklyn sang vùng Queens, cuối cùng anh xin được một chỗ ở cửa hàng thịtò. Họ trả cho anh chín đôla một tuần làm việc sáu ngày rưỡi và chỉ cho anh được nằm ngoài hiên. Cửa hàng đó nằm giữa một khu cộng đồng người Ba Lan nhỏ bé và nghèo ở phía Đông thành phố. Abel bắt đầu lấy làm sốt ruột với tính cách sống biệt lập của đồng bào anh ở đây, trong số đó còn có rất nhiều người không chịu học tiếng Anh.

Abel vẫn thường thấy George cứ mỗi ngày cuối tuần lại đi với các bạn gái, hết cô này đến cô khác. Riêng anh, hầu hết các tối trong tuần đều đi học trường đêm để nâng cao khả năng viết và đọc tiếng Anh. Anh không lấy làm xấu hổ về chuyện mình học chậm, vì từ hồi tám tuổi đến giờ anh có dịp nào được học nữa đâu. Trong hai năm, anh đã trở nên thông thạo với ngôn ngữ mới này, hầu như khi nói ra không còn ngượng ngịu mấy nữa. Anh cảm thấy mình đã sẵn sàng đi khỏi cửa hàng thịt này rồi. Nhưng đi đâu? Và đi bằng cách nào? Bỗng một hôm trong khi đang chuẩn bị một cái chân cừu cho khách, anh thoáng nghe thấy một trong những khách hàng quen là người chuyên cung cấp lương thực cho khách sạn Plaza phàn nàn với chủ hàng là ông ta sẽ phải đuổi một người phục vụ trẻ tuổi vì anh ta ăn cắp vặt. Ông ta nói: "Gấp quá, tôi biết tìm đâu ra người thay thế bây giờ được?" Chủ hàng không biết giúp ông ta giải quyết thế nào. Nhưng Abel thì biết ngay. Anh khoác bộ quần áo duy nhất của mình vào, đi bộ suốt bốn mươi bảy khu phố và qua năm quãng đường nữa vào thành phố nhận công việc nói trên.

Một khi yên thân ở Plaza rồi, anh ghi tên vào một lớp học đêm Anh ngữ cấp cao ở trường Đại học Columbia. Đêm nào anh cũng học rất đều, một tay mở từ điển, một tay viết lia lịa. Mỗi buổi sang, giữa giờ phục vụ ăn sáng và bày bàn cho bữa trưa, anh tranh thủ chép những bài xã luận của Thời báo New York, mỗi khi gặp từ nào không chắc chắn thì lại giở cuốn từ điển Webster cũ ra xem.

Ba năm sau đó, Abel leo dần lên các cấp phục vụ trong khách sạn Plaza cho đến lúc anh được cử vào phục vụ trong phòng Gỗ Sồi, hưởng lương mỗi tuần hai mươi lăm đôla với những khoản khách cho thêm. Trong cuộc sống riêng của mình, Abel không còn thiếu gì nữa.

Ông thầy dạy Abel có ấn tượng tốt với những tiến bộ của anh, đã khuyên Abel xin học thêm lớp ban đêm nữa để chuẩn bị thi lấy bằng Tú tài văn chương. Lúc rỗi rãi anh chuyển từ chỗ đọc những bài báo về ngôn ngữ sang đọc những bài về kinh tế, rồi bắt đầu chép riêng những bài trong Nhật báo phố Wall chứ không chép những bài trong Thời báo nữa. Cái thế giới mới này đối với anh hết sức hấp dẫn. Anh bị cuốn hút vào đó đến mức, ngoại trừ George, còn những bạn Ba Lan cũ trước đây anh không gặp họ được vào lúc nào nữa.

Trong khi phục vụ ở khách sạn Plaza, anh vẫn luôn luôn nghiên cứu tìm hiểu về những người nổi tiếng của các gia đình Baker, Loeb, Whitney, Morgan và Phelp (những nhà tài chính ngân hàng nổi tiếng trong lịch sử hình thành CNTB Mỹ) và cố hình dung được tại sao người giàu lại khác với mọi người như vậy. Anh đọc Henry Louis Mencken (1880-1956 nhà văn kiêm nhà báo Mỹ), đọc báo Mercury Mỹ, đọc Scott Fitzgerald (1896-1940 tiểu thuyết gia, nổi tiếng về viết truyện ngắn), Sinclair Lewis (1885-1951 nhà văn soạn kịch kiêm nhà báo Mỹ), và Theodore Dreiser (1871-1945 tiểu thuyết gia) để có thêm kiến thức càng nhiều càng tốt. Anh đọc kỹ từ Thời báo New York trong khi những người phục vụ khác chỉ liếc qua tờ Tấm gương. Anh đọc tờ Nhật báo phố Wall vào giờ nghỉ trong khi những người khác ngủ gà ngủ gật. Anh không biết là những kiến thức mới này sẽ đưa anh đến đâu, nhưng anh không một lúc nào nghi ngờ câu châm ngôn của Nam tước đã nói với anh rằng không gì có thể thay thế được cho việc học hành tử tế.

Vào một ngày thứ năm của tháng Tám năm 1926 – anh nhớ rất kỹ ngày này vì hôm đó Rudolph Valentino qua đời và rất nhiều bà đi mua sắm trên đại lộ Năm đều mặc đồ đen để tang anh ta – Abel đang phục vụ như mọi ngày thường ở một chiếc bàn góc phòng, Những bàn ở góc phòng bao giờ cũg dành cho các nhà kinh doanh lớn, họ thường ngồi ăn một cách kín đáo và nói chuyện riêng không ai nghe thấy được. Anh thích được phục vụ ở các bàn đặc biệt này, vì đây là khu vực người ta bàn chuyện mở rộng kinh doanh và qua những mẩu chuyện anh thoáng nghe được của họ thường có những thông tin rất quý. Sau khi họ ăn xong, nếu khách là người của một ngân hàng hay một công ty cổ phiếu lớn, Abel sẽ tìm cách kiểm tra giá cổ phiếu của những công ty ấy. Nếu giọng điệu của những ông khách này trong khi nói chuyện có vẻ lạc quan, thì anh sẽ đầu tư một trăm đôla vào công ty nhỏ với hy vọng sẽ được công ty mẹ vực lên. Nếu vào cuối bữa ăn mà ông khách gọi mang xì gà lên, Abel sẽ tăng tiền đầu tư lên hai trăm đôla. Cứ mười lần như vậy thì giá cổ phiếu anh chọn theo kiểu đó chỉ trong sáu tháng đã tăng lên gấp đôi, cũng tức là thời gian Abel bám lấy chứng khoán. Trong bốn năm làm việc ở khách sạn Plaza và làm theo cách đó, anh chỉ mất tiền có ba lần thôi.

Trong việc phục vụ hôm nay, anh thấy có một điều rất không bình thường ở cái bàn góc phòng này là khách đã gọi ngay xì gà ngay từ trước bữa ăn. Abel nhìn vào sổ ghi khách đặt bàn trước thấy có tên là Woolworth. Abel đã gần đây có nói đến tên ông ta nhưng anh không xác định ngay được. Còn ông khách cũng ngồi kia là Charles Lester, khách thường xuyên của Plaza và là một nhà ngân hàng có cỡ ở New York. Trong khi phục vụ bữa ăn, anh cố nghe xem họ nói chuyện gì. Khách thì hoàn toàn không quan tâm gì đến người phục vụ mặc dầu anh tỏ ra chú ý nghe họ bàn bạc. Abel không thể phát hiện được chi tiết gì quan trọng, nhưng anh biết được loáng thoáng là sáng hôm đó kết thúc một vụ làm ăn và đến cuối ngày người ta sẽ công bố. Anh chợt nhớ ra. Anh đã đọc thấy tên ông này trên tờ báo Nhật ký phố Wall. Woolworth chính là người có ông bố đã từng lập ra cửa hàng đầu tiên nổi tiếng là chỉ bán những thứ từ năm đến mười xu. Ra bây giờ người con định đi quyên vốn để mở rộng hệ thống cửa hàng ấy. Khi khách hang ăn tráng miệng - phần lớn khách đều chọn thứ bánh dâu pho-mát (do Abel gợi ý) – anh tranh thủ ra ngoài phòng ăn một lúc cho đại diện của anh trên phố Wall.

- Ông Woolworth đang buôn bán gì ấy nhỉ? – anh hỏi.

Đầu dây kia im lặng một chút rồi nói:

- Cổ phiếu thôi. Gần đây hoạt động lắm, không rõ tại sao.

- Vào cuối ngày hôm nay nếu nghe thấy công ty thông báo thì anh lấy tài khoản của tôi ra mua nhé.

- Họ sẽ thông báo gì? – Người đại diện không hiểu hỏi lại.

- Lúc này chưa tiết lộ được, - Abel đáp.

Người đại diện chột dạ. Xưa nay anh ta vẫn biết là chớ hỏi kỹ về những nguồn thông tin của khách hang. Abel vội trở lại phòng Gỗ Sồi, vừa kịp để đem cà phê lên cho khách. Họ còn ngồi nán lại một lúc và chỉ đến lúc họ chuẩn bị ra về thì Abel mới quay lại bàn đó. Ông cầm biên lai cảm ơn Abel về việc anh phục vụ chu đáo. Ông ta quay sang ông bạn rồi hỏi anh:

- Này, cậu em có muốn tiền thưởng không nào?

- Dạ, cám ơn ông, - Abel nói.

- Vậy thì cậu em nên mua cổ phiếu Woolworth.

Hai người khách phá lên cười. Abel cũng cười, cầm lấy 5 đôla ông khách chìa ra cho và cảm ơn ông ta. Trong sáu tuần sau đó, anh kiếm được 2412 đôla lợi nhuận từ cổ phiếu Woolworth mà ra.

Mấy ngày sau, sinh nhật thứ hai mươi mốt của mình, Abel được chấp nhận vào quốc tịch Mỹ và anh quyết định nhân dịp này phải tổ chức lien hoan chiêu đãi. Anh mời George với Monika đến dự. Monika là người tình mới nhất của George. Ngoài ra còn có một cô gái tên là Clara, người tình cũ của George. Anh rủ họ đi xem John Barrymore trong phim Don Juan, sau đó đến nhà hàng Bingo ăn bữa tối. Hồi này, George vẫn chỉ là thợ tập việc trong lò bánh của ông chú anh tavới lương tám đôla một tuần. Mặc dầu vẫn coi George là bạn thân nhất, nhưng Abel hiểu là giữa hai người đã có sự khác biệt vì George là một anh rỗng túi còn Abel thì đã có trên tám nghìn đôla gửi ngân hàng và bây giờ đang là học sinh năm cuối của trường Đại học Columbia chuẩn bị thi tú tài về kinh tế. Abel biết là mình đang đi đến đâu, còn George thì bây giờ không dám mở miệng nói với ai rằng mình sẽ là thị trưởng New York nữa.

Bốn người có một tối liên hoan rất vui, nhất là do Abel biết ăn ở chỗ nào ngon. Ba người bạn kia được một phen chén thỏa thích. Khi nhà hàng đưa biên lai ra, George hoảng sợ thấy số tiền của bữa ăn đó nhiều hơn lương tháng của anh ta. Abel trả tiền một cách thản nhiên coi như số tiền đó chả nghĩa lý gì. Vả lại, nếu đã không chịu được thế thì vào nhà hàng làm gì. Coi như không, đừng nói gì hoặc đừng tỏ ra ngạc nhiên, đó là điều những người giàu có đã dạy cho anh biết như thế.

Đến tận hai giờ sáng cuộc liên hoan mới kết thúc. George và Monika trở về phía Đông cuối thành phố, còn Abel thì thấy mình được hưởng Clara. Anh đưa cô ta vào phía cửa sau khách sạn Plaza qua thang máy chuyên chở đồ giặt rồi đưa về phòng anh trong đó. Cô ta không chờ phải giục giã mới trèo lên giường và Abel cũng vội vã vào nằm ngay với cô ta để còn ngủ một chút sáng mai dậy sớm làm việc. Anh lấy làm hài lòng đã hoàn thành nhiệm vụ với cô ta vào lúc hai giờ rưỡi sang. Anh nằm lăn ra ngủ một mạch cho đến sáu giờ thì chuông đồng hồ gọi dậy. Lúc đó anh vẫn còn đủ thì giờ hành động với Clara một lần nữa trước khi đứng dậy mặc quần áo.

Clara ngồi trên giường phụng phịu nhìn Abel thắt ca vát rồi hôn cô ta một cái tạm biệt.

- Em nhớ lúc ra về cũng bằng lối cửa lúc đêm qua nhé, kẻo lôi thôi cho anh lắm đấy, - Abel nói. – Bao giờ thì gặp lại em?

- Anh không gặp lại đâu, - Clara lạnh lùng đáp.

- Tại sao thế? – Abel ngạc nhiên hỏi. – Anh làm gì đâu?

- Không, chính là cái anh không làm ấy chứ. – Cô ta nhảy xuống giường và vội vã mặc áo vào.

- Cái gì anh không làm? – Abel hỏi. – Em muốn đi ngủ với anh kia mà, không phải thế à?

Cô ta quay lại nhìn thẳng vào anh.

- Đúng là em muốn thế, nhưng về sau mới biết là anh với Valentino cũng chả khác gì nhau, nghĩa là cả hai cùng chết rồi. Anh có thể là của quý khách sạn Plaza vào những lúc người ta đói ăn, nhưng ở trên giường thì anh chẳng là cái gì hết. - Mặc xong quần áo, cô ra cửa còn nắm lấy tay vịn và ngoái lại nói. – Có lẽ anh chưa thuyết phục được cô nào đi nằm với anh phải không?, - rồi đóng sầm cửa lại.

Abel đứng ngớ người. Suốt ngày hôm đó, anh băn khoăn về câu nói của Clara. Anh không thể tìm được một ai để bàn về vấn đề này. Có nói với George chỉ tổ cho anh ta cười thêm. Còn nhân viên khách sạn Plaza thì ai cũng tưởng anh biết đủ mọi thứ. Anh hiểu rằng vấn đề này, cũng như các vấn đề khác anh đã gặp trên đường đời, đều có thể vượt qua được miễn là mình hiểu biết và có kinh nghiệm.

Sau bữa trưa được nghỉ nửa ngày, anh tìm đến hiệu sách Scribner ở đại lộ Năm. Trước đây cửa hàng này đã giúp anh giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế và ngôn ngữ, nhưng anh không tìm ra được cái gì có vẻ như giúp anh giải quyết được những vấn đề về tình dục. Các nhãn sách đều chẳng nói được gì, và cuốn gọi là Khó xử về tinh thần thì hoàn toàn không thích hợp.

Abel bỏ hiệu sách đi ra, không mua gì, và cả buổi chiều la cà trong một nhà hát bẩn thỉu ở đường Broadway, không xem chiếu bóng mà chỉ luẩn quẩn suy nghĩ về điều Clara nói lúc sáng. Cuốn phim đang chiếu là một chuyện tình có Greta Garbo đóng, mãi đến cuối phim mới có cảnh hôn hít, thành ra cũng chẳng giúp đỡ gì hơn được cho anh so với hiệu sách Scribner.

Ở rạp chiếu bóng ra thì trời đã tối. Ngoài đường đang có gió lạnh. Abel lấy làm lạ thấy về đêm đường phố cũng ồn ào và nhiều đèn sáng như ban ngày vậy. Anh bắt đầu đi bộ lên đường 59, hy vọng gió mát sẽ làm cho đầu óc mình tỉnh táo hơn chút ít. Anh dừng lại ở góc đường 52 để mua tờ báo buổi chiều.

- Tìm gái hả? - một giọng nói ở góc đường bên quầy bán báo lên tiếng.

Abel ngẩng đầu lên nhìn. Bà ta chừng ba mươi lăm tuổi, mặt bự phấn sáp, môi bôi một thứ son kiểu mới. Chiếc áo lụa trắng có một khuy đã cởi sẵn. Bà ta mặc váy lên đến tận bẹn.

- Chỉ năm đôla thôi, mất xu nào đáng xu ấy, bà ta nói và vẹo mông sang một bên để hở một đường bên váy lên đến tận bẹn.

- Ở đâu? – Abel hỏi.

- Có nhà riêng ở gần đây.

Bà ta hất đầu chỉ cho Abel biết là hướng nào. Lần đầu tiên, Abel trông thấy rõ mặt bà ta dưới ánh đèn đường. Bà ta cũng không phải không hấp dẫn. Abel gật đầu đồng ý. Bà ta cầm lấy tay anh ta rồi hai người cùng đi.

- Nếu bị cảnh sát giữ thì anh bảo là bạn cũ và tên tôi là Joyce nhé, - bà ta nói.

Họ đi đến đầu phố rồi vào một ngôi nhà nhỏ bẩn thỉu có nhiều buồng cho thuê. Abel kinh sợ thấy phòng bà ta nhếch nhác quá. Tất cả bên trong chỉ có một bóng đèn trần, một chiếc ghế, một chậu rửa mặt với một chiếc giường đôi ọp ẹp mà hình như trong ngày hôm đó đã được dùng đến nhiều lần.

- Chị ở đây à? – anh ngần ngại hỏi.

- Trời ơi, không đâu. Chỗ này chỉ để làm ăn thôi.

- Tại sao chị làm chuyện này? – Abel hỏi, trong bụng nghĩ không biết mình có nên tiếp tục kế hoạch này không.

- Tôi phải nuôi hai đứa con, mà chồng thì không có. Anh bảo còn cách nào khác nữa? Nào, anh có muốn hay không đây?

- Có nhưng không phải như chị nghĩ, - Abel nói.

Bà ta nhìn anh chột dạ.

- Anh không phải là cái đám chuyên hành hạ người ta như Hầu tước de Sade (nhân vật Pháp 1740-1814 nổi tiếng trác táng) đấy chứ?

- Chắc chắn là không rồi, - Abel hỏi.

- Anh không châm thuốc lá vào người tôi chứ?

- Không, không có chuyện đó đâu, - Abel giật mình đáp. – Tôi muốn được chỉ bảo tử tế. Tôi muốn học.

- Học? Anh nói đùa đấy à? Anh bạn thân mến, dễ anh tưởng đây là trường đêm chuyên dạy về ngủ với gái sao?

- Đại khái là như vậy, - Abel nói và ngồi xuống góc giường, nói lại cho bà ta nghe đêm trước Clara đã phản ứng với anh thế nào. - Chị xem có thể giúp tôi được không?

- Người đàn bà kia nhìn Abel một lúc lâu, tự hỏi không biết anh chàng này có định bịp mình không.

- Được thôi, - bà ta nói. – Nhưng cứ mỗi buổi ba mươi phút là anh sẽ mất năm đôla đấy.

- Đắt hơn bằng tú tài Columbia, - Abel nói. – Tôi cần học mấy bài tất cả.

- Còn tùy ở chỗ anh học nhanh hay chậm chứ, - bà ta nói.

- Được, ta bắt đầu luôn đi, - Abel nói và rút trong túi ra năm đôla. Anh đưa tiền cho bà ta. Bà ta nhét tiền vào trong bít tất. Như vậy rõ ràng là bà ta sẽ không cởi tất cả ra nữa.

- Cởi quần áo ra, anh bạn, - bà ta nói. – Mặc quần áo thế này thì chẳng học được gì đâu.

Anh cởi ra rồi, bà ta nhìn ngắm anh bằng con mắt thông thạo.

- Anh không phải như Douglas Fairbanks (nhân vật nổi tiếng đẹp trai hấp dẫn của điện ảnh Mỹ), phải không nào? Nhưng thôi, anh đừng lo. Tắt đèn đi rồi thì người anh thế nào cũng không quan trọng nữa. Cái quan trọng là anh có thể làm được gì cơ.

Abel ngồi xuống cạnh giường. Bà ta bắt đầu giảng giải cho anh biết là phải làm những gì đối với người đàn bà. Bà ta lấy làm lạ không những Abel không tỏ ra thèm muốn gì mình, mà lại còn ngạc nhiên thấy hai tuần sau đó ngày nào anh cũng đến rất đều.

- Bao giờ thì tôi biết là mình học xong? – Abel hỏi.

- Rồi anh sẽ biết, - Joyce đáp. - Nếu anh làm cho tôi sướng được thì đến một cái xác ướp Ai Cập anh cũng làm cho sướng được.

Bà ta dạy cho anh biết đâu là những chỗ nhạy cảm trên cơ thể bà ta, và bảo anh phải biết kiên nhẫn trong khi làm tình. Những dấu hiệu như thế nào khiến anh có thể biết được là anh làm cho người ta thỏa mãn. Abel nghe rất kỹ và làm theo từng cái bà ta dặn. Lúc đầu anh có hơi máy móc, nhưng bà ta đảm bảo rồi anh sẽ thành công không thể tưởng tượng được. Quả nhiên, đến tuần thứ ba và sau khi đã có thể làm cho người đàn bà Joyce này trở nên sống động và háo hức trong vòng tay của mình. Lần đầu anh nghe thấy tiếng rên rỉ của Joyce và cảm thấy sung sướng một cách lạ kỳ. Bà ta cứ bấu chặt lấy anh rên rỉ hoài, lúc to, lúc nhỏ, cho đến lúc bà ta phải hét lên rồi buông tay ra, rã rời.

- Anh bạn ơi, thế là anh đỗ thủ khoa rồi đấy nhé. - Thở được rồi, bà ta nói. Nhưng Abel thì chưa thấy gì.

Abel tốt nghiệp cả hai bằng. Anh tự thưởng cho mình bằng cách rủ cả mấy người, George, Monika và Clara nữa, đi xem trận đấu quyền Anh vô địch thế giới giữa Gene Tunney với Jack Dempsey và mua vé hạng nhất. Đêm đó, sau khi xem trận đấu rồi, Clara miễn cưỡng làm cái bổn phận đi nằm với Abel vì anh ta chi cho cô khá nhiều tiền. Nhưng đến sáng hôm sau thì chính Clara lại cầu khẩn Abel là đừng có bỏ rơi cô ta.

Mặc dầu vậy, Abel không bao giờ rủ cô ta đi nữa.

* * *

Tốt nghiệp Đại học Columbia rồi, Abel cảm thấy không hài lòng với cuộc sống ở khách sạn Plaza. Tuy nhiên, anh chưa hình dung được mình sẽ tiến lên nữa như thế nào. Mặc dầu anh đã phục vụ một số trong những người giàu nhất và thành công nhất ở Mỹ, nhưng anh chưa hề bao giờ dám nói chuyện trực tiếp với những người đó, vì anh sợ làm như thế có thể mất việc như chơi. Dù sao, anh nghĩ các vị khách đến ăn ở đây sẽ chẳng ai thực sự quan tâm đến nguyện vọng của một người hầu bàn. Abel quyết chí mình sẽ trở thành một người đứng đầu những tay phục vụ bàn.

Một hôm có ông bà Ellsworth Statler đến ăn trưa ở phòng Gỗ Sồi trong khách sạn Plza là nơi Abel đang làm thay người khác một tuần. Anh nghĩ bụng vận may của mình đã đến. Anh làm mọi cách để có thể gây ấn tượng cho nhà chủ và bữa ăn hôm đó thật là tuyệt. Lúc ra về, ông Slatler cảm ơn Abel một cách nồng nhiệt và cho anh mười đôla. Nhưng rồi chỉ thế là hết, Abel nhìn theo khách đi ra phía cửa ngoài khách sạn, không biết làm thế nào nữa.

Sammy, người đứng đầu những tay hầu bàn, vỗ vào vai anh hỏi:

- Ông Statler cho cậu gì đấy?

- Ông ấy không cho tiền thưởng ư? – Sammy nghi ngờ hỏi.

- Ồ, có chứ, - Abel nói. - Mười đôla. – Anh đưa tiền cho Sammy.

- Khá đấy nhỉ, - Sammy nói. - Tớ đã tưởng cậu định lòe tớ, Abel. Mười đôla, với ông Statler như thế cũng là tốt lắm đấy. Có lẽ cậu đã làm cho ông ta phải cảm động.

- Không tôi có làm gì đâu.

- Cậu nói thế là sao? – Sammy hỏi.

- Nhưng thôi, không quan trọng. – Abel đáp và định bỏ đi.

- Khoan đã, Abel, có mẩu giấy này cho cậu đây. Ông khách ở bàn mười bảy, ông Leroy muốn nói chuyện riêng với cậu đấy.

- Về cái gì thế, Sammy?

- Ai mà biết? Có lẽ ông ta thích đôi mắt xanh của cậu chăng.

Abel liếc nhìn ra bàn 17. Bàn đó chỉ dành cho những khách hiền lành không đòi hỏi gì và là khách vô danh nữa. Vị trí của chiếc bàn gần ngay cửa ra vào bếp. Abel thường tránh không phục vụ bất cứ bàn nào cuối phòng.

- Ông ta là ai thế? – Abel hỏi. – Ông ta muốn gì.

- Tớ không biết, - Sammy nói và cũng không buồn ngẩng lên. -Tớ không quen tìm hiểu về lịch sử đời sống của khách như cậu. Cho họ ăn tử tế, yên trí có tiền thưởng càng nhiều càng tốt rồi mong họ trở lại nữa, thế thôi. Cậu có thể cho đó là triết lý đơn giản, nhưng với tớ thế là tốt lắm rồi. Có lẽ ở Columbia họ quên không dạy cho cậu những cái cơ bản. Thôi, cậu ra đó đi, Abel, và nếu được tiền thưởng thì mang ngay về đây.

Abel nhìn vào cái đầu hói của Sammy, cười rồi bước đến bàn 17. Có hai người đang ngồi ở đó. Một người mặc chiếc áo ngoài sặc sỡ mà Abel không thích lắm, người kia là một cô gái khá xinh đẹp có mớ tóc vàng xoăn mà anh đoán là bồ của ông khách và trong bụng nghĩ thế nào cũng được nghe khách phàn nàn về chuyện cái cửa ra vào gần bếp, đòi phải đưa bàn đi chỗ khác để làm oai với cô gái tóc vàng kia. Không ai thích ngửi cái mùi trong bếp xông ra và những người phục vụ đi ra đi vào khiến cánh cửa bật thình lình liên tiếp. Nhưng cũng không thể không dùng đến chiếc bàn đó, vì khách sạn thì rất đông người ở, mà người New York vốn đã quen hễ thấy người lạ là không bằng lòng. Tại sao Sammy lại để anh phải đối phó với những khách có vẻ khó chơi như thế này? Abel từ từ bước đến bên người khách mặc áo sặc sỡ.

- Thưa, ông muốn nói với tôi ạ?

- Đúng thế, - ông ta đáp bằng một giọng miền Nam. – Tên tôi là Davis Leroy, còn đây là con gái tôi, Melanie.

Abel quay sang nhìn đôi mắt xanh của cô ta, một đôi mắt anh chưa từng thấy bao giờ.

- Trong năm ngày qua, Abel, tôi đã quan sát anh rất kỹ, - ông Leroy nói tiếp với giọng Nam lê thê ấy.

Nếu ai hỏi vặn lại thì Abel sẽ phải thừa nhận rằng anh chưa bao giờ để ý đến ông Leroy mà chỉ cách đây năm phút mới biết.

- Tôi rất có ấn tượng về những gì đã trông thấy, Abel, vì xem ra anh là người có hạng, có hạng thật sự, mà tôi thì vẫn chú ý đến những người như vậy. Ellsworth Statler không chọn những người như anh thì thật là ngốc.

Abel bắt đầu nhìn anh Leroy kỹ hơn. Đôi má đỏ hồng và chiếc cằm bạnh của ông ta khiến Abel nghĩ ông ta không biết cấm rượu là gì. Những đĩa thức ăn trước mặt đã ăn sạch chứng tỏ ông ta ăn cũng rất khỏe. Nhưng cái tên đó của ông ta, bộ mặt của ông ta, như không có nghĩa gì với anh cả. Nếu là bữa ăn trưa bình thường, thì Abel đã có thể rất biết kỹ về lý lịch của bất cứ ai ngồi ở ba mươi bảy trong số ba mươi chín chiếc bàn trong phòng Gỗ Sồi rồi. Nhưng hôm đó bàn ông Leroy ngồi lại là một trong hai bàn mà anh không biết.

Vẫn cái giọng miền Nam cất lên.

- Tôi không phải là một trong những nhà đại triệu phú thường ngồi ở mấy chiếc bàn trong góc của anh mỗi khi họ đến Plaza đâu nhé.

Abel ngạc nhiên. Nếu là khách bình thường thì không ai có thể biết giá trị của những bàn khác nhau trong phòng ăn này.

- Nhưng tôi làm ăn cũng không đến nỗi tồi đâu. Thực ra, một ngày kia khách sạn của tôi cũng sẽ có thể gây ấn tượng tốt được như khách sạn này, Abel.

- Tôi tin chắc như vậy, thưa ông. – Abel đáp.

Leroy? Cái tên này sao không nói lên điều gì nhỉ.

- Để tôi nói thẳng cho anh biết nhé. Khách sạn đầu đàn trong số những khách sạn của tôi cần có một người phó quản lý mới phụ trách nhà ăn. Nếu anh quan tâm đến điều đó thì khi nào xong việc anh lên phòng gặp tôi.

Ông ta đưa cho anh một tấm thiếp.

- Xin cảm ơn ông, - Abel nói và nhìn vào thiếp: Davis Leroy. Công ty khách sạn Richmond, Dallas. Ở dưới có khẩu hiệu: Mỗi ngày kia mỗi bang có một khách sạn. Abel vẫn chưa thấy cái tên này của ông ta có nghĩa gì đối với mình.

- Tôi chờ gặp anh nhé, - ông khách miền Texas có chiếc áo sặc sỡ thân mật nói.

- Xin cảm ơn ông, - Abel nói. Anh mỉm cười với Melanie. Mắt cô ta vẫn xanh và lạnh lung như từ nãy đến giờ. Anh quay trở lại chỗ Sammy, trong đầu nghĩ ngợi.

- Anh có nghe thấy nói Công ty Khách sạn Richmond bao giờ không, Sammy?

- Có chứ. Cậu em tớ đã hầu bàn ở đó một lần. Hình như họ có tám chin khách sạn gì đó ở khắp miền Nam, do một anh chàng điên rồ người Texas quản lý nhưng mình không nhớ rõ tên. Sao cậu hỏi thế? – Sammy ngửng lên với vẻ ngờ vực.

- Chả có lý do gì đặc biệt cả, - Abel nói.

- Với cậu thì bao giờ cũng có lý do tất. Thế bàn 17 muốn gì? – Sammy hỏi.

- Họ phàn nàn về tiếng ồn trong nhà bếp. Chả trách họ được.

- Vậy ông ta muốn thế nào? Cho ra ngồi ngoài hiên ư? Ông ta tưởng mình là gì chứ, John D. Rockefeller chăng?

Abel để mặc cho Sammy đứng đó tính toán và càu nhàu, còn anh đi dọn mấy chiếc bàn của mình cho nhanh. Rồi anh trở về phòng bắt đầu tìm hiểu về Công ty Richmond. Chỉ gọi điện thoại đi vài nơi là anh đủ biết được hết. Đây là một công ty tư nhân, có tất cả mười một khách sạn, cái lớn nhất là một tòa nhà có 342 phòng sang trọng ở Chicago, gọi là Richmond Continental. Abel quyết định đến thăm ông Leroy và Melanie mà sẽ chẳng mất gì. Anh hỏi số phòng của ông Leroy. Đó là phòng 85, nhỏ nhưng thuộc loại sang. Anh đến trước bốn giờ, hơi thất vọng vì cô Melanie không có đó.

- Hoan nghênh anh đến, Abel. Mời anh ngồi.

Lần đầu tiên kể từ hơn bốn năm làm việc trong Plaza, bây giờ Abel mới được ngồi như một người khách.

- Anh được trả lương bao nhiêu? – Ông Leroy nói.

Câu hỏi bất ngờ làm Abel sửng sốt.

- Tôi được khoảng hai mươi lăm đôla mỗi tuần kể cả tiền thưởng.

- Tôi sẽ bắt đầu trả bằng trả anh ba mươi lăm mỗi tuần.

- Ông muốn nói khách sạn nào kia ạ? – Abel hỏi.

- Nếu tôi đoán đúng, Abel, thì anh xong việc lúc ba rưỡi, và trong khoảng nửa giờ sau đó là anh tìm hiểu về khách sạn, tôi nói vậy có đúng không?

Abel đã bắt đầu ưa ngay ông khách này. Anh bạo dạn đoán ngay.

- Khách sạn Richmond Continental ở Chicago, phải không ạ?

- Tôi đoán đúng, và cả về anh. – Davis Leroy cười.

- Trên người phó quản lý thì có bao nhiêu người nữa. – Abel nghĩ thật nhanh.

- Chỉ có người quản lý và tôi. Người quản lý là một người chậm chạp, dễ thương và cũng gần về hưu. Tôi còn đến mười khách sạn nữa phải lo. Anh sẽ chẳng gặp khó khăn gì lắm đâu. Tuy nhiên tôi cũng phải thú thật Chicago là chỗ tôi thích nhất. Đó là khách sạn đầu tiên của tôi ở miền Bắc, Melanie đi học ở đó nên tôi cũng mất nhiều thời gian ở thành phố này. Anh đừng có mắc sai lầm của nhiều người ở New York là đánh giá thấp Chicago. Họ thường nghĩ Chicago chỉ là một chiếc phong bì.

Abel mỉm cười.

- Lúc này khách sạn hơi xuống cấp một chút, - ông Loroy nói tiếp, - Tự nhiên anh chàng phó quản lý của tôi bỏ đi, tôi cần có một người thay thế và hiểu biết công việc. Anh nghe đây, Abel, trong năm ngày qua tôi đã theo dõi anh cẩn thận, và tôi biết là anh có thể ngay thế người đó. Anh có muốn đi Chicago không nào?

- Bốn mươi đôla cộng với mười phần trăm lợi nhuận. tôi sẽ nhận việc ngay.

- Sao? – Davis Leroy rất ngạc nhiên hỏi. – Không có một người quản lý nào của tôi ăn lương trên cơ sở lợi nhuận như thế cả. Những người khác mà biết được như thế thì lôi thôi ngay.

- Tôi sẽ không nói cho ai biết nếu ông không nói, - Abel nói.

- Bây giờ thì tôi biết là mình đã chọn được đúng người, dù cho anh ta mặc cả còn giỏi hơn cả một người Bắc Mỹ có sáu cô con gái, - ông ta vỗ tay vào thành ghế. – Tôi đồng ý với điều kiện của anh, Abel.

- Ông có cần tham khảo gì thêm nữa không, ông Leroy?

- Tham khảo? Tôi biết rõ về lý lịch của anh từ khi anh rời châu Âu sang đây, cho đến lúc anh đỗ bằng kinh tế ở Columbia. Thế anh tưởng mấy ngày vừa qua ở đây tôi làm gì? Nếu phải cần tham khảo nữa thì tôi đã không để anh làm người đứng thứ hai trong khách sạn tốt nhất của tôi như vậy. Bao giờ anh bắt đầu làm việc được?

- Một tháng nữa tính từ hôm nay.

- Tốt. Tôi chờ đến lúc đó sẽ gặp anh, Abel.

Abel đứng dậy. Anh thấy mình đứng thế này dễ chịu hơn là ngồi ghế khách sạn. Anh bắt tay ông Davis Leroy, người khách ngồi ở bàn 17, chiếc bàn chỉ để cho những người không ai biết đến.

Rời thành phố New York và khách sạn Plaza, ngôi nhà thật sự của anh kể từ sau khi anh rời lâu đài ở Slonim, Abel cảm thấy bứt rứt trong lòng. Anh không ngờ có lúc phải chia tay như thế. Từ biết George, Monika và các bạn ở Columbia, anh thấy bịn rịn vô cùng. Sammy và những người hầu bàn khác tổ chức chiêu đãi tiễn anh đi.

- Rồi cậu còn lên nữa chứ không phải chỉ có thế đâu, Abel Rosnovski, - Sammy nói và mọi người cũng đồng ý như vậy.

Khách sạn Richmond Continental ở Chicago nằm giữa Đại lộ Michigan, trung tâm của một trong những thành phố phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Điều đó khiến Abel rất hài long. Anh rất nhớ câu châm ngôn của Ellsworth Statler nói rằng, có ba điều cực kỳ quan trọng đối với một khách sạn, đó là: địa điểm, địa điểm và địa điểm. Nhưng Abel cũng phát hiện ra ngay rằng khách sạn Richmond này chỉ được có mỗi cái là địa điểm thôi. Davis Leroy có nói rằng khách sạn hơi bị xuống cấp, nhưng như vậy là ông ta chưa nói đúng lắm. Desmond Pacey, người quản lý, không phải một người chậm chạp hiền lành như Davis Leroy nói, mà ông ta còn là một anh chúa lười nữa. Ông ta còn tỏ ra không ưa Abel lắm. Ông ta để cho anh phó quản lý mới của mình ở trong một căn phòng nhỏ tí dành cho nhân viên dành cho nhân viên khách sạn ở bên kia đường, chứ không cho ở ngay trong khách sạn. Mới xem qua những sổ sách của Richmond, anh đã biết ngay rằng số khách hàng ngày chỉ dưới 40 phần trăm phòng, còn nhà ăn thì không bao giờ có đến nửa số khách, mà nguyên nhân chính là thức ăn không ra gì. Nhân viên phục vụ thì nói đến ba bốn thứ tiếng gì với nhau nhưng hình như chẳng có ai trong số họ thông thạo tiếng Anh. Họ rõ rang không tỏ ra có chút gì hoan nghênh anh chàng Ba Lan ở New York này lên đây.

Anh không lấy làm lạ tại sao người phó quản lý trước đây đã vội vã bỏ đi như vậy. Nếu như đây là khách sạn mà Davis Leroy cho rằng ông ta ưa thích nhất, thì Abel cũng lấy làm lo ngại cả mười khách sạn còn lại kia lắm, dù cho ông chủ mới của anh có vẻ là người lắm tiền nhiều của ở Texas.

Nhưng trong những ngày đầu ở Chicago, cái tin hay nhất mà Abel biết được là: Melanie Leroy là đứa con duy nhất của ông chủ.