Sớm mai chúa nhựt, ông trạng sư Xương thức dậy tắm gội và thay y phục, rồi lại bàn ăn mà uống cà phê.
Trước sân nắng dọi sáng lòa, giục lòng người đi chơi đặng quên những nỗi nhọc thân mệt trí trót một tuần lễ vừa mới qua rồi đó.
Ông Xương muốn đi chơi, mà rồi ông hỏi lấy ông: Đi đâu bây giờ?... không biết phải đi đâu... Cô Cúc được thả hôm thứ năm, đến nay đã ba bữa rồi, mà mình chưa gặp cô, vậy mình có nên vô nhà cô mà thăm cô hay không? Không nên, bởi vì mình có công lo lắng cứu cô, nếu bây giờ cô được khỏi họa mà mình lân la đến với cô, thì té ra mình muốn kể ơn. Còn muốn lấy tình mà thăm cô, thì cô đã nói rõ ràng rằng cô không có chút tình nào với mình hết, vậy mình còn mang mặt tới làm chi nữa. Thôi, phận sự mình đã làm tròn rồi thì thôi, không nên để ý đến cô Cúc nữa.
Ông nghĩ như vậy, mà mặt ông không vui. Ông nhớ lại hôm qua ông mắc ở trên tòa luôn hai buổi, lại hồi hôm ông mắc đi ăn tiệc về khuya nên nhựt báo ngày thứ bảy ông chưa xem được. Uống cà phê rồi, ông bước lại bàn viết ngồi giở nhựt trình ra mà xem. Ông đọc đến tin tức ông thấy có một nghị định của Chánh phủ Việt Nam kêu gọi thanh niên có bằng trung học, từ 20 tới 28 tuổi phải vào trường sĩ quan trừ bị mà học tập đặng sung làm cán bộ cho binh đội quốc gia. Lại có một nghị định thứ nhì đòi những người Việt Nam trước kia là sĩ quan lưu hậu của binh đội Pháp bây giờ phải nhập ngũ để làm cán bộ cho binh đội quốc gia Việt Nam.
Ông đọc rồi, ông đương bàng hoàng nghĩ nghị, bỗng nghe có tiếng gõ cửa ở ngoài. Ông ngướt mắt ngó ra cửa và nói lớn: “Mời vô”.
Cô Cúc mạnh dạn bước vô, mắt ngó ông Xương và cười và kêu: “Anh!”.
Ông Xương chưng hửng, liền đứng dậy nói: “Em!”.
Cô Cúc nói tiếp: “Ngày thường anh mắc làm việc, em thăm anh không tiện, bởi vậy em phải đợi ngày chúa nhựt em mới đến nhà riêng mà tạ ơn anh đây”.
Bây giờ ông Xương mới định thần lại, ông lộ sắc mừng, lật đật mời cô Cúc vào phòng khách mà ngồi rồi ông nói:
- Anh làm trạng sư, em phạm tội với pháp luật, thím phán cậy anh bào chữa, nên anh phải tận tâm lo cứu em. Việc anh làm đó là phận sự của anh, chớ có ơn nghĩa gì đâu mà em phải tạ ơn.
- Anh hiểu lầm. Em đến tạ ơn anh, không phải vì nhờ anh làm cho em khỏi tù tội đâu. Em nhắm mắt nhảy vào lưới pháp luật, anh theo cản trở, không để cho em làm như ý em muốn, việc ấy em phiền anh lung lắm, chớ nào phải em mang ơn.
- A! Nếu vậy thì anh hiểu lầm thiệt. Vậy anh xin em tha lỗi cho anh. Em cũng còn phiền anh! Nhờ có hoàn cảnh vạch mắt cho em thấy rõ chỗ tối tăm, thấp thỏi, nhưng mà em cũng chưa chịu đổi ý hay sao?
- Một tờ giấy trắng tinh, nếu mình làm đổ mực lên rồi, dầu mình bôi cạo thế nào đi nữa, tờ giấy ấy cũng không còn trắng như xưa được. Tâm hồn của mình cũng vậy, hễ bị chán ngán rồi thì dầu được vui vẻ thế nào cũng không khỏi còn chút ít buồn bực.
Ông Xương lặng thinh suy nghĩ một chút rồi mới thở dài mà nói:
- Cũng còn như vậy hoài!... Quân sát nhơn, quân ăn cướp, nó làm hư cái óc non nớt, nó làm vỡ khối tình hăng hái của một thiếu nữ như vậy, có luật gì trị tôi nó được đâu!... Tức lắm !...
- Xin anh đừng phiền, đừng giận. Em đã suy xét kỹ lưỡng rồi, lỗi tại nơi em, chớ không phải tại nơi ai mà trách họ. Vì em lầm lỗi, nên cái đời của em hư hỏng là đáng lắm. Em không nỡ trách ai hết... Em là người bị hại mà em không giận, anh can cớ gì mà anh tức?
- Anh không can cớ gì!... Anh không can cớ gì!... Chừng nào em mới hiểu thấu tâm hồn của anh không biết!
- Hiểu mà làm gì?... Có ích gì đâu mà hiểu.
- Sao vậy? sao lại không ích?
- Sự ấy anh đã dư biết, cần gì phải hỏi. Anh có cảm tình với em nặng lắm, tiếc vì tình em đã cạn, đã khô rồi, em không còn một chút tình nào để đáp lại tình cảm của anh được, bởi vậy em không muốn hiểu tâm hồn của anh làm chi.
Ông Xương nghe dứt lời, ông đứng dậy gọn gàng và nói: “Uổng công, uổng công lắm!”. Nói mấy tiếng rồi ông ăn năn, nên đứng ngó ngay mắt cô Cúc mà hỏi:
- Em không có chút tình nào đối với anh hết, vậy chớ em đến nhà anh để làm gì!... Em đến đặng làm cho anh đau đớn chơi có phải không?
- Em đến tạ ơn anh.
- Anh cứu em cho khỏi tù tội, mà em đã nói chuyện đó là oán chứ không phải ơn, thế thì có ơn gì mà em phải tạ.
- Lúc em bị giam, anh chịu tốn công tốn của mà đưa cái tên của em vào làng văn một cách rất rỡ ràng, đó là cái ơn lớn lắm, nên em phải đến mà cảm tạ mỹ ý của anh.
- Anh có làm như vậy bao giờ?
- Anh xuất tiền in bộ tiểu thuyết “Mảnh gương trinh” của em, rồi anh cậy các báo Pháp, Việt cổ động ca tụng rất dồi dào làm cho công chúng yêu cái tên của em, giành nhau mua tiểu thuyết không có đủ mà bán, việc như vậy mà anh chối hay sao?
Ông Xương nghe mấy lời, ông đứng ngẩn ngơ. In tiểu thuyết rồi mướn nhựt báo cổ động, ý ông muốn sắm tài liệu để biện luận đặng cứu cô Cúc cho khỏi bị án, chớ nào phải ông tính làm cho cô nổi danh trong làng văn đâu... Cứu cô khỏi tội mà cô phiền, còn in tiểu thuyết mà cô cảm, thế thì cô trọng văn nghệ của cô hơn ái tình của mình, cám ơn như vậy cũng như xô đẩy tình của mình dang ra xa thêm hơn nữa, làm sao mà vui được!
Ông Xương chưa kịp trả lời với cô Cúc, bỗng thấy một viên san đầm ở ngoài sân bước vô cửa. Ông vội vã tiếp chào và mời vô nhà. Viên san đầm hỏi tên ông rồi mở cặp lấy đưa cho ông một tờ giấy mà nói chính phủ đã ra luật chiêu binh, nên kiếm ông mà giao tờ hiệu triệu lính lưu hậu. Ông Xương ký tên lãnh tờ, cám ơn viên san đầm rồi đưa người ra khỏi cửa.
Chừng san đầm đi rồi, ông vô mở tờ ra mà xem, thì thấy lịnh đòi sáng ngày sau phải có mặt tại ngũ. Đương uất vì tình, mà được tờ hiệu triệu nhập ngũ, thì có gì may mắn hơn nữa.
Ông Xương liền đổi buồn làm vui, day lại ngó cô Cúc và cười và nói:
- May lắm! Lòng anh đương chán ngán cuộc đời, thì có dịp làm cho anh thỏa chí mà vui với sự sống.
- Viên san đầm đem tờ đòi anh đi lính phải không?
- Phải.
Cô Cúc ngồi châu mày suy nghĩ.
Ông Xương đi qua đi lại một hồi rồi đứng lại mà nói tiếp: “Sáng mai anh phải có mặt tại ngũ. Ngày nay anh phải lo sắp đặt công việc nhà rồi còn thu xếp công việc ở phòng trạng sư nữa. Chắc anh không có thời giờ rảnh mà đi thăm thím Phán được. Vậy anh cậy em thưa giùm lại với thím rằng anh kính lời chúc thím ở nhà mạnh giỏi. Em cũng vậy, anh cũng cầu chúc cho em ở nhà bình an vui vẻ luôn luôn... Có lẽ em gặp anh bữa nay là lần chót... sợ không có dịp gặp nhau nữa. Vậy anh khuyên em hãy ngó mặt anh cho kỹ, bởi vì lính ra trận, sự sanh tử không thể liệu trước được...”.
Nghe mấy lời sau ấy, cô Cúc rất cảm xúc nên cô ứa nước mắt mà nói: “É! Anh đứng có nói kỳ cục như vậy nào! Nói chuyện nghe buồn quá!”.
Ông Xương chúm chím cười mà đáp: “Em sợ anh chết nên em buồn phải không?”.
Cô Cúc dằn lòng không được nữa, nên bây giờ khóc ra tiếng.
Ông Xương thấy vậy thì châu mày, bước lại đứng ngay trước mặt cô, mắt ngó cô trân trân, rồi cười mà hỏi: “Anh sắp làm nghĩa vụ, em phải mừng cho anh, chớ sao em buồn rầu như vậy?”.
Cô Cúc thủng thẳng đứng dậy, cặp mắt cứ ngó ông Xương một cách rất buồn thảm, giọt lụy tuôn ròng ròng. Cô đưa tay vịn ông, rồi úp mặt vào ngực ông và tức tửi nói: “Anh! Anh đừng chết nghe không... Em không bằng lòng cho anh chết. Anh phải sống, sống đặng về với em... Em sẽ chờ anh... Em ở nhà, em lo trao dồi văn nghệ mà đợi anh... Anh đừng chết nghe không”.
Ông Xương hân hoan, vội vã ôm mặt cô Cúc mà hôn và nói: “Vâng!... Cám ơn!... Sự sống của anh có ý nghĩa rồi!...”.