Hai khối tình

Chương VII

Sớm mai mặt trời đã lên cao rồi, mà Cúc vẫn còn nằm im lim trong buồng.

Bà phán tưởng hồi hôm con đi xem hát ngồi lâu lại thức khuya nên mệt mỏi, bởi vậy bà không kêu thức dậy, có ý muốn để cho con ngủ nhiều cho khỏe. Bà uống nước trà rồi bà đi ra đám trầu mà hái trầu.

Nắng giọi những lá trầu long lanh khoe màu vàng tươi. Bà phán hái đã được mười đôi rồi, thình lình bà nghe có tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa ngõ. Bà ngó ra thì thấy hai chiếc xe hơi đậu sắp hàng ngay cửa bà, trên xe có nhiều người bước xuống, ba người Pháp và năm sáu người Việt Nam, hăng hái đi vô sân. Bà phán không hiểu người ta có việc chi mà vô nhà bà, nên bà cũng thủng thẳng đi lại trước thềm mà đón.

Một người Việt Nam mặc âu phục hỏi bà:

- Nhà này phải nhà của một cô gái tên Lê Thị Thu Cúc hay không?

- Thưa phải, ông hỏi chi vậy?

- Có chuyện. Cô Cúc có ở nhà hay không?

- Thưa, có. Nó còn ngủ.

- Bà là ai? Có bà con với cô Cúc hay không?

- Tôi là mẹ ruột của nó.

- Bà vô kêu cô Cúc thức dậy cho mau.

- Có chuyện gì vậy ông?

- Chuyện gì rồi thủng thẳng bà sẽ biết.

Bà phán đi quây quã vô nhà. Ba người Pháp với hai người Việt Nam đi theo bà bén gót, còn mấy người Việt Nam khác thì phân nhau đi vòng hai bên nhà.

Cô Cúc nghe tiếng nói om sòm phía trước rồi lại nghe tiếng giày lộp cộp vô nhà, cô vội vàng bới đầu rồi bước ra cửa buồng. Bà phán với mấy người khách lạ cũng đã vô tới đó.

Một người Pháp biểu một người Việt Nam hỏi coi cô có phải cô là Lê Thị Thu Cúc hay không. Cô không đợi người Việt Nam thông ngôn, cô liền đáp bằng tiếng Pháp với người Pháp đó rằng:

- Lê Thị Thu Cúc là tôi đây. Tôi muốn biết coi tôi được sự hân hạnh mà nói với ai?

- Tôi là quan biện lý, còn hai ông đi với tôi là quan thẩm án với quan kiểm sát sở tuần cảnh trong quận nầy.

- Tôi kính chào mấy quan lớn. Đến nhà tôi các quan lớn cần dùng tôi về việc chi hay sao?

- Chúng tôi muốn hỏi cô một chuyện. Vì cô biết tiếng Pháp, có lẽ cô trả lời ngay được, chẳng cần phải cậy người thông ngôn.

- Bẩm quan lớn, tôi trả lời ngay với quan lớn được. Quan lớn muốn hỏi chuyện chi?

- Tôi muốn biết coi hôm qua buổi chiều nghĩa là từ hồi 2 giờ tới 5 giờ rưỡi cô có đến nhà ông Trần Thái Dương ở đường Garcerie số 333 hay không?

- Bẩm có.

- Cô lại đó hồi nào, giờ nào rồi cô ở tới giờ nào cô mới về?

- Tôi lại tới nhà ông Dương hồi 4 giờ chiều hoặc sớm hoặc trễ chừng ba phút đồng hồ.

- Tốt. Cô ở đó tới giờ nào mới đi?

- Tôi không có đồng hồ, nên tôi không biết giờ đó là giờ nào. Song tôi có thể bẩm cho quan lớn biết rằng tôi ở trong nhà ông Dương chừng nửa giờ đồng hồ.

- Tốt lắm. Hồi cô vô nhà ông Dương thì ổng ở chỗ nào? Trên lầu hay là ở từng dưới?

- Bẩm, hồi tôi lại thì ông Dương đương đứng ngoài trước sân.

- A!... Cô ở đó nửa giờ đồng hồ, cô nói chuyện với ổng chỗ nào?

- Ổng mở cửa rào cho tôi vô, chừng vô nhà rồi ổng mời tôi đi thẳng lên lầu mà nói chuyện. Trong lúc tôi ở đó thì tôi với ổng ngồi tại phòng tiếp khách của ổng ở trên lầu. Bẩm quan lớn, tại sao mà quan lớn hỏi mấy câu ấy?

Để thủng thẳng rồi tôi sẽ cho cô biết. Bây giờ tôi xin cô hãy trả lời cho rành rẽ theo câu hỏi mà thôi.

- Tôi sẵn lòng làm cho vừa lòng quan lớn.

- Cái bóp này phải của cô hay không?

Quan biện lý day lại lấy cái bóp của một người Việt Nam đương cầm mà đưa cho cô Cúc xem.

Cô Cúc coi ngoài coi trong rồi mới đáp:

- Bẩm phải, cái bóp của tôi. Ông Dương trổ mòi dê, ổng ôm hôn tôi; tôi giận tôi đập cái bóp vô mặt ổng, rủi sút tay văng cái bóp ra xa. Tôi lật đật chạy xuống thang mà ra đường không kịp lượm, quan lớn lấy mà trả cho tôi, thiệt tôi rất đội ơn quan lớn.

- Tốt lắm! Tốt lắm!... Từ lúc cô vô nhà tới hồi cô ra về, có thấy người nào ở trong nhà khác hơn ông Dương hay không?

- Bẩm, có một mình ông Dương mà thôi.

- Thiệt cô không thấy một người nào khác hay sao?

- Thiệt tôi không thấy ai nữa hết, chỉ có một mình ông Dương mà thôi. Ông Dương lại cũng có nói với tôi rằng ổng ở nhà có một mình, người bếp đi đâu mất từ hồi trưa, người bồi thì ổng sai đi mua đồ, còn vợ con của ổng ở dưới Rạch Giá. Quan lớn không tin thì quan lớn hỏi lại ông Dương coi có phải như vậy hay không.

- Ông Dương đâu còn mà hỏi. Ổng chết rồi. Đúng năm giờ chiều, người bồi với người bếp đi chợ về một lượt; người bồi lên lầu thấy ông Dương nằm chết trên một vũng máu tại phòng khách là chỗ cô nói ổng ngồi nói chuyện với cô đó.

Quan biện lý nói mấy câu sau nầy rất chậm, tiếng nói rõ ràng, lại ngó ngay cô Cúc trân trân. Mấy quan đứng chung quanh cũng chong mắt nhìn cô.

Cô Cúc biến sắc, đứng chưng hửng. Cô châu mày suy nghĩ một chút rồi nói: “Tôi đương tính làm đơn kiện ổng, té ra ổng chết rồi!”.

Quan biện lý hỏi:

- Cô muốn kiện ông Dương về việc gì?

- Về tội ổng gạt tôi đến nhà mà làm nhục phẩm giá của tôi.

- Theo lời cô mới khai thì cô đến nhà nói chuyện với ông Dương sau hết, rồi ổng bị đâm chết. Cái trường hợp ấy khiến cho người ta phải nghi cô giết ông Dương. Vậy nhơn danh pháp luật tôi bắt cô.

Một người Việt Nam đưa còng ra và lo mở khóa, tính còng cô Cúc.

Bà phán đứng gần đó, nãy giờ nghe con nói chuyện mà không hiểu câu nào hết. Bây giờ bà thấy người ta sửa soạn còng con bà thì bà la lớn: “Trời ơi! Việc gì vậy con?”

Cô Cúc đáp: “Tòa nghi con giết chết ông Dương nên bắt con”.

Bà phán nghe con nói như vậy thì thất kinh nên dựa vai vào vách buồng mà khóc.

Cô Cúc xin phép đi rửa mặt và mặc áo dài. Quan biện lý cho, song biểu một người Việt Nam theo giữ cô. Ngài lại truyền lịnh cho quan kiểm sát tuần cảnh coi xét nhà.

Người ta dạy bà phán mở bét hết các tủ ra. Người ta xem xét từ chút, coi tới trong kẹt trong hóc, xét trong nhà rồi xét tới ngoài vườn xét tới dưới bếp, không bỏ sót một chỗ nào. Người ta tìm rất kỹ lưỡng như vậy, song không thấy một vật gì, chỉ có 85 đồng bạc giấy gói để trong cái hộp cẩn giấu kín trong hộc của một cái tủ áo.

Quan biện lý cầm gói bạc và biểu thầy thông ngôn hỏi bà phán.

- Bạc nầy của ai?

- Thưa, bạc của tôi. Tôi lãnh tiền phụ cấp của kho hưu trí hôm tháng trước, tôi ăn xài còn lại có bấy nhiêu đó.

Quan biện lý cười. Ngài đưa gói bạc lại cho bà phán. Ngài nói chuyện với quan thẩm án và quan kiểm sát tuần cảnh một hồi rồi các quan trở ra sân, lại dạy dắt cô Cúc theo.

Bà phán cũng đi theo, nước mắt tuôn dầm dề. Chừng bà nghe người ta biểu cô Cúc lên xe mà ngồi thì cũng như người ta cắt ruột bà, nên bà khóc rống lên, nghe rất thảm thiết.

Người đi ngoài đường, không hiểu việc gì, nên chùm nhum đứng lại mà coi. Con Ba là đứa ở nấu ăn, nó đi chợ về gặp cảnh như vậy nó cũng lại đứng một bên bà phán mà ngó.

Hai chiếc xe hơi rút chạy, chở cô Cúc đi tuốt. Bà phán vẫn còn đứng ngó theo mà khóc. Con Ba nắm tay dắt bà trở vô nhà và đi và hỏi:

- Có việc gì vậy bà? Họ rước cô Hai đi đâu?

- Họ bắt nó, chớ rước đi đâu?

- Cô Hai có tội gì mà họ bắt?

- Họ nói nó giết ông Dương nên họ bắt.

- Trời đất ơi! Làm sao bây giờ bà?

- Biết làm sao! Oan ức hết sức! Thứ con nít, mà lại con gái nữa, mà nó giết ai, sao lại nói oan cho nó như vậy!

Vô tới nhà rồi bà phán mới nói với con Ba: “Phải ra ngoài nhà ông trạng sư mà hỏi ổng coi bây giờ làm sao mà kêu oan cho nó. Mầy ở nhà nghe hôn, để tao đi một chút”.

Bà lấy khăn đội lên đầu rồi kêu xe kéo mà đi.