Hai ngày rày cô Cúc cứ lửng đửng lờ đờ, vì trong trí bối rối như người đi lạc vào cảnh lạ, bước đường bợ ngợ, lại gặp ngã ba, không biết đi ngã nào. Thuở nay cô yêu mến văn nghệ, nên cô muốn chịu lãnh trách nhiệm chánh chủ bút tờ báo của Trần Thái Dương tính lập; mà rồi cô nghĩ trách nhiệm ấy rất nặng nề, phận cô tuổi trẻ tài sơ, lại chưa lịch lãm việc đời, sợ làm không kham phận sự, rồi để hư hỏng việc của người, mà cô còn hổ thẹn với chị em bạn nữa. Huống chi người yêu của cô hứa sẽ cưới cô, nếu cô lãnh làm báo, không biết người yêu có vui lòng hay không. Cô muốn gặp người yêu để bàn tính, mà bây giờ biết làm sao mà gặp cho được. Có nên đến sở làm mà kiếm người hay không? Con nhà tử tế không lẽ đi kiếm trai như vậy.
Phải định lẽ nào?
Ấy là câu cô cứ hỏi cô hoài, mà cô không trả lời được.
Đến trưa, bà phán với cô Cúc ăn cơm vừa rồi, thì có một người cỡi xe máy ghé nhà trao một phong thơ. Cô Cúc coi ngoài bao thì thấy đề tên cô và biên địa chỉ rành rẽ. Cô rọc bao thơ thì có một tấm danh thiếp của ông Trần Thái Dương biên mấy hàng chữ như vầy:
“Kính mời cô chiều nay, đúng bốn giờ, cô lên nhà tôi đặng tôi cắt nghĩa công chuyện làm mà tôi đã sắp đặt giùm cho cô xong rồi. Vì bận việc, nên tôi không xuống nhà cô được. Xin cô thứ lỗi. Kính chúc bà phán an khương”.
Đọc thơ rồi cô Cúc ngồi ngơ ngẩn. Cô đọc lại một lần nữa: Thấy danh thiếp còn in địa chỉ, số 333 đường Garcerie rõ ràng.
Bà phán hỏi:
- Thơ của ai vậy?
- Thưa, của Trần Thái Dương.
- Trần Thái Dương nào?
- Ổng nói ổng là anh em bạn của ba hồi trước. Má không biết sao?
- Thuở nay má không có nghe tên đó. Thơ nói chuyện gì?
- Ổng nói ổng kiếm được việc cho con làm rồi, và ổng mời con 4 giờ chiều lên nhà đặng ổng cắt nghĩa công việc ấy cho con hiểu.
- Làm việc gì?
- Ổng không có nói. Thiệt má không biết ông Trần Thái Dương này hay sao má?
- Không. Má đã nói với con thuở nay má không có nghe tên đó.
- Ổng nói ổng quen với ba nhiều lắm, song không có dịp gặp má. Vậy chớ hồi trước ba không có nói chuyện với má rằng ba biết ổng hay sao?
- Không nghe nói.
- Sợ lâu rồi má quên chớ.
- Ba con quen với người ta nhiều lắm, làm sao mà biết hết cho được. Ông đó có lòng tử tế muốn kiếm việc cho con làm, như kiếm được thì ông lại đây mà nói cho con hay, chớ sao ổng lại mời con đến nhà ổng.
- Người ta sẵn lòng giúp con, người ta lo lắng kiếm được việc thì ơn nghĩa đã nặng lắm rồi. Má còn buộc người ta phải đến nhà mình mà thưa cho mình hay nữa hay sao?
- Con là gái, mà con đến nhà người lạ như vậy sao được.
- Ông Dương lớn tuổi, đáng chú con lận mà. Mà người tướng mạo đàng hoàng, chớ phải là quân lạm xạm hay sao mà má ngại.
- Đời nay thiên hạ họ yêu quỉ lắm, má không dám tin cậy ai hết.
- Nói như má vậy thì có giao thiệp với ai được đâu. Mà dầu thiên hạ xấu, họ hại làm sao mình được. Đời xưa khác, đời nay khác. Gái đời xưa không có học thức, lại cũng không quen giao thiệp, nên tánh tình nhút nhát, thấy ai cũng sợ hết. Con gái đời nay đa văn quảng kiến, biết tự trọng, nên có sợ ai đâu.
- Tuy con học nhiều, song con chưa thông thạo thế tình, vậy con chẳng nên ỷ tài ỷ lực quá như vậy.
- Không có hại gì đâu mà má phải lo cho mệt trí.
- Mà ông Dương kiếm việc gì giùm cho con làm đó, sao ổng không nói phức ra cho con biết.
- Tấm danh thiếp nhỏ xíu, có chỗ đâu mà viết nhiều cho được.
- Thì lấy một tờ giấy mà viết.
- Má bắt bẻ quá! Tuy ổng không nói, song con nghi ổng muốn lập một tờ nhựt báo cho con làm chủ bút.
- Sao con lại nghi như vậy?
- Vì bữa hổm ổng có nói ngoài nhà hàng. Má vui lòng cho con làm chủ bút nhựt báo hay không má?
- Việc đó thuở nay con chưa làm, biết con làm kham hay không.
Cô Cúc lấy thơ của ông Dương mà đọc lại nữa rồi ngồi suy nghĩ.
Làm chánh chủ bút một tờ báo... Ban đầu chưa quen, có lẽ mình viết bài không được lanh lẹ, có lẽ trong tòa soạn mình sắp đặt không được rành rẽ. Làm trong một ít tháng, mình có kinh nghiệm về nghề nghiệp rồi, lại nhờ có sẵn học thức của mình giúp đỡ, thì chắc mình dầu không hơn, chớ cũng không đến nỗi thua kém người ta. Cô Thanh Châu học không có bằng cấp như mình, mà cô làm báo cũng có danh quá đó sao... Cô Thanh Châu! Hôm nọ mình đến thăm cổ, giọng cổ nói chẳng khác nào như thầy của mình. Thầy! Cổ giỏi gì hơn mình mà làm thầy mình! Vậy mà mình đến cầu cổ, nên mình khiếp sợ, không dám tranh biện, thiệt mình dại quá! Mình sẽ làm chủ nhiệm một tờ báo như cổ, rồi sẽ biết ai hơn ai thua, ai cao ai thấp... Báo của mình lại đăng tiếu thuyết của mình viết, cô Thanh Châu có giỏi thì viết tiểu thuyết rồi đăng lên báo của cổ để so sánh với nhau chơi... Cha chả! Anh Hoàng hay mình làm báo chắc ảnh la dữ! Ảnh la mà có vẻ trong bụng ảnh vui, bởi vì có vợ làm chánh chủ bút nhựt báo, thì hèn hạ gì hay sao mà hổ. Ảnh cưới mình rồi mình buộc ảnh ở nhà mình đặng vợ chồng đi làm việc cho tiện, chúa nhựt vợ chồng sẽ dắt nhau về thăm cha mẹ, trong Bình Đông.
Anh Hoàng làm việc trong hãng buôn mới có một năm mà ăn lương mỗi tháng tới một trăm. Mình làm chánh chủ bút có lẽ ăn lương không dưới số đó. Cưới rồi mình biểu ảnh tiện tặn để dành tiền lương đặng mua một cái xe hơi nhỏ nhỏ, ảnh tập cầm bánh, mỗi bữa ảnh đưa mình lại nhà nhựt trình rồi ảnh đi làm việc, mãn giờ ảnh về ghé rước mình. Ban đêm trời tốt vợ chồng đi chơi. Chúa nhựt thả xuống Long Hải hứng gió. Vui lắm, khoái lắm!...
Cô Cúc ngồi suy nghĩ, mà một lát liếc mắt ngó chừng đồng hồ. Bà phán nằm lim dim trên ván, không nói một tiếng chi hết.
Đồng hồ gõ một giờ... rồi hai giờ. Trời chuyển mưa, nổi gió, ngoài đường lá cây khô rụng bay lác đác. Cô Cúc sợ trời mưa rồi lát nữa cô đi không tiện, nên cô bước ra cửa đứng mà ngó mây. Chắc không mưa vì gió thổi mây tan lần lần, rồi bầu trời thanh bạch lại.
Đúng hai giờ rưỡi cô mới vô trong buồng thay đồ mà đi tắm rồi trang điểm sửa soạn đặng gần 4 giờ đi lên đường Garcerie.
Bà phán hỏi:
- Con sửa soạn đi lên nhà ông Dương phải hôn?
- Thưa, phải.
- Con gái mà đi như vậy khó coi quá. Má muốn đi với con.
- Cần gì má phải đi. Con đã nói không có sao đâu mà má sợ.
- Ổng có lòng tử tế, giúp kiếm công việc cho con làm, má đi theo lên cám ơn ổng cũng được vậy chớ.
- Khoan đã chớ! Mình chưa biết ổng kiếm được việc gì. Để con lên coi ổng nói làm sao rồi sẽ hay. Chừng con có sở làm rồi má sẽ cám ơn ổng, nghĩ không muộn gì.
Cô Cúc dồi mặt thiệt đẹp, gỡ đầu thiệt láng, mặc một bộ đồ hàng màu trứng gà may thiệt khéo. Dung nhan của cô đã tuấn tú tao nhã, mà nhờ trang điểm thêm, nên xem đẹp đẽ vô cùng.
Còn thiếu 15 phút nữa mới 4 giờ, cô lấy tấm danh thiếp của ông Trần Thái Dương gởi hồi trưa mà bỏ vô bóp rồi từ giã mẹ, ôm bóp đi ra cửa.
Bà phán nói: “Lộn xộn quá! Ta ưng phức ông trạng sư Xương rồi ở không đi chơi cho sướng. Lo làm việc làm chi không biết”.
Cô Cúc không trả lời, ra đường rồi kêu xe kéo mà đi.