- Má đâu rồi Vy?
Con em vừa đậy cái nắp xoong vào hũ gạo vừa nói:
- Má ở nhà đó chị!
- Má ở nhà, mà ở đâu?
- Ở trước "phòng thờ" đó.
Con chị chạy ra "phòng thờ". Gọi là "phòng" cho sang nhưng nó chỉ là phần trước của căn nhà một gian chiều dài khoảng sáu mét và rộng bốn mét. Mẹ chúng đã dùng chiếc màn lớn giăng dọc theo cây đòn dông giữa nhà để chia hai khu vực riêng biệt: phía trước là nơi thờ Phật và thờ bố chúng gọi là "phòng" thờ, phía sau gọi là "phòng" ngủ. "Phòng thờ" có hai cửa sổ luôn luôn được mở rộng: một, sát bên cạnh bàn thờ ông bố hướng về phía cuối bức tường thành của khuôn viên nhà họ Hoàng và một, nơi mà bộ bàn ghế gỗ được kê sát đối diện hai bàn thờ, hướng về phía cổng ra vào trước nhà ông bà bác Cả. Cửa ra vào, được người thiết kế kế hoạch là nơi thông thương chính, bị bức tường thành phía trước chắn ngang nên muôn đời bị khép kín và khoá chặt. Bức tường thành trắng, cao và dài đã đóng khung căn nhà nhỏ vào khuôn khổ tường cao cổng kín chung với những căn nhà trong khuôn viên gia đình họ Hoàng khi mà cái cổng ra vào trước nhà ông bà bác Cả là nơi thông thương duy nhất của toàn đại gia đình với bên ngoài. "Phòng ngủ" được ngăn ra làm hai bởi cái tủ áo. Phần trong nơi giường lớn của hai chị em song song cạnh giường nhỏ của bà mẹ gọi là "buồng ngủ"; phần ngoài là khoảng nền nhà hẹp, nơi ba mẹ con thường ngồi ăn cơm và được gọi là "chỗ ăn cơm”. Chỗ này thường nhận ánh sáng ban mai chiếu vào khi cánh cửa ra vào, phụ trở nên chính, được mở ra. “Buồng ngủ” thường xuyên tối tăm vì không có một cửa sổ nào, thỉnh thoảng mới nhận vài tia nắng ban ơn trải dài từ "chỗ ăn cơm”.
Sáng nay, trái với"phòng ngủ", "phòng thờ" không có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Trong bóng tối lờ mờ, bà mẹ ngồi yên lặng trước bàn thờ nhìn những làn khói hương đang bay phảng phất trước mặt. Tiếng động phía sau không làm bà quay lại. Con chị đứng tựa chiếc ghế gỗ cạnh bàn học chăm chú nhìn mẹ thật lâu mà không thấy mẹ hỏi han gì, nên nó bước sang "phòng ngủ", hỏi con em:
- Em "đánh răng” chưa? Rửa mặt chưa?
- Chưa.
- Chớ em làm gì vậy?
- Em kiếm đồ ăn.
- Chưa "đánh răng” sao ăn được?
- Tại em đói quá!
Con chị chợt nhận ra là nó cũng đang đói bụng. Hôm qua, mãi nghĩ đến những món quà Nô-en, cả nó và con em đã không ăn được bao nhiêu. Nó hỏi em:
- Em kiếm cái gì trong hũ gạo vậy?
- Em coi có cái gì ăn không?
Con chị nhìn em thương hại. Lần nào cũng vậy, mỗi khi cô Út đi khỏi, nó thường lùng hái cây trái trong vườn và cất giấu vài trái mãng cầu nứt gai, hay sa bô chê vào hũ gạo nho nhỏ của mẹ nó; nhờ vậy chúng thường có thức ăn cho những lần đói bụng. Những ngày trước Nô-en, trái cây gần như không quan trọng đối với nó nên nó đã bỏ thói quen này.
- Không có gì ăn đâu em! Chị sẽ cho em cái khác. Bây giờ đánh răng trước đã.
Con chị bước khỏi nhà đi xuống bếp, con em lẽo đẽo theo sau. Đến bên chỗ ba viên gạch, nơi được coi là bếp lò, con chị đút tay vào cái hũ sành bốc một nắm muối hột, rồi chìa trước mặt em:
- Em lấy muối này bỏ lên bàn chải đánh răng đi.
Con em nghe lời chị, với lấy cái bàn chải nho nhỏ đầu tua tủa trong cái lon móc cạnh góc bếp, và đặt muối lên đó. Hai đứa đến cái lu gần giếng, lấy nước ngồi chải răng. Chải răng và rửa mặt xong, hai đứa ngồi trên bậc tam cấp ngó ra sân. Con em ngồi bí xị bên cạnh chị. Nó chờ đợi mãi mà con chị chẳng cho gì như đã hứa.
Ngoài vườn, cây cối im lặng và yên bình. Sáng nay không thấy bóng dáng của cô Út, hay bất cứ một người lớn nào trong khuôn viên nhà họ Hoàng. Không nghe tiếng cô Út chửi, khu vườn trở nên hoang vắng vô chủ và con chị tí tửng đứng lên, giục em rối rít:
- Em đi ra vườn với chị mau lên! Mau lên đi Vy!
Con em bước vội theo chị. Nó đinh ninh là chị sẽ cho cái gì ăn. Thỉnh thoảng khi cô Út vắng nhà, con chị vẫn thường kiếm trái cây vườn cho nó và mỗi lần như thế chị nó thường nhường cho nó tất cả các trái cây hái được để nó ăn tha hồ.
Trái với ước đoán của con em, con chị không đi len lỏi giữa những vòm cây ăn trái trong vườn để tìm trái, nó đến gốc vú sữa, và ngồi bệt tại gốc cây. Tháo hai chiếc dép nhựa ở đôi bàn chân ra, nó dùng chúng để vét đất cát vào thành một cái ụ. Con em ngạc nhiên. Nó chăm chú nhìn từng động tác của chị mà không đoán ra được chị nó sẽ cho ăn món gì. Con chị thấy em giương mắt chờ đợi thì thú vị lắm. Nó ra lệnh cho con nhỏ em ngồi chờ trên gốc rễ lồi của cây vú sữa, rồi hí hửng bỏ chạy vào nhà bếp. Vào bếp một lúc, nó lại chạy ra lu nước, chạy đến cây khế ngọt, rồi chạy xa tận đến khóm bông bụt tây. Một lát sau, nó trở lại chỗ con em đang ngồi, khệ nệ bày bao nhiêu thứ đặt gần nơi ụ đất. Tay thoăn thoắt, miệng huyên thuyên, nó không ngừng giải thích:
- Nụ hoa bụt tây này là ớt, nước trong cái chén này là nước mắm. Chị cắt hoa bụt này vào nước để mình có nước mắm ớt. Lá khế này cắt nhỏ để làm hành chiên mỡ. Còn ca nước này là bột gạo.
Con em nghe chị giải thích mà nó không thể nào hình dung được món ăn nào cho cơn đói bụng của nó. Còn con chị thấy em im lặng, tưởng được đồng lòng nên tiếp tục líu lo:
- Bây giờ chị đổ bánh căn!
Dùng cái muỗng con con để múc nước, nó cẩn thận dốc đứng từng giọt xuống mặt phẳng của ụ đất. Nó cố tình tạo ra những khoanh tròn nhỏ gọn cách xa nhau giống như những khuôn tròn trên lò bánh căn. Các giọt nước thấm vào đất cát tạo thành những khối tròn ướt, màu nâu đậm, khác biệt hẳn những chỗ đất khô và nhạt màu khiến ụ đất trông giống như cái lò bánh căn với các khuôn nhỏ bên trên.
Mặt con em không biểu lộ một chút thú vị nào nhưng nó tiếp tục im lặng chăm chú nhìn trò chơi lạ mắt. Con chị cười cười, nói nói với vẻ tự tin. Nó hoàn toàn tin tưởng là con em sẽ thích cái trò chơi tự chế của nó.
- Bánh căn chín rồi! Để chị múc ra cho em nghe!
Bứt hai chiếc lá vú sữa ở cành non mọc sát gốc cây, nó dùng chiếc lá nhỏ như vật xúc để múc mấy cái bánh căn cát ra khỏi lò rồi đặt chúng trong chiếc lá vú sữa lớn hơn. Được năm “cái bánh căn đất cát” trên "cái dĩa", con chị nhặt hai nhánh cây vú sữa khô thanh mảnh làm đũa gắp mấy lá khế được xắt vụn lên làm hành chiên, rồi múc "nước mắm ớt" trong cái chén nắp keng đưa cho con em.
- "Ăn” bánh căn đi Vy!
Con nhỏ em đưa hai tay đón lấy “dĩa bánh căn” và "chén nước mắm" một cách miễn cưỡng. Nhìn chằm chằm "thức ăn sáng” quái lạ mà chị trao cho, khuôn mặt của nó xị dài ra. Nó trở nên bất động như bị hoá thạch. Con chị im lặng nhìn em. Đôi mắt nó di chuyển lên xuống không ngừng, lúc ở trên khuôn mặt con em, lúc ở đĩa bánh căn, và kiên nhẫn chờ lời em nói. Một lúc sau, đôi mắt con chị sáng lên, nó nhanh nhảu đặt hai “chiếc đũa” bằng nhánh cây vú sữa khô và thanh mảnh trên "dĩa bánh căn”, nói vui vẻ:
- Chị quên! Phải có đũa mới ăn được chứ!
Mặt con em càng lúc càng dài ra với đôi mắt sụp buồn và đôi mi chơm chớp. Phụng phịu một lúc, nó đưa đôi bàn tay nhận hai thứ mà chị nó cho là "thức ăn sáng”, rồi hạ thấp dưới bụng, cạnh hông, hỏi giọng trách móc:
- Làm sao em ăn được mấy cái bánh đất cát này?
Dứt lời con nhỏ hất cả "bánh căn” lẫn “nước mắm” xuống đất, nức nở:
- Mấy cái này đâu phải đồ ăn sáng đâu!
Con nhỏ chị sững sờ trước việc bất ngờ. Nó trợn mắt:
- Ai cho phép em đổ đồ của chị? Không chơi ăn đồ ăn sáng thì trả lại chị chứ ai cho phép bỏ như vậy?
Mặc dù con em không trả lời, chỉ rơm rướm nước mắt khóc, con chị vẫn chưa hết giận. Nó nhướng mày, định giảng đạo cho em thêm về thói tự ý tự thị; thế nhưng, chưa mở miệng đã nghe những tiếng cười khúc khích sau lưng:
- Kỳ ghê! Làm sao mà ăn “bánh căn cát”được chứ!
Quay đầu lại, nó nhận ra ba đứa cháu ngoại gái của ông bà bác Cả. Ba đứa con gái này là ba đứa con gái trong sáu đứa con vừa trai vừa gái của chị Trịnh, người con gái độc nhất của ông bà bác Cả. Chúng trong ba chiếc đầm hồng vải ren sạch sẽ mới tinh với những đôi mắt nhìn chắm chú. Hình như chúng đã quan sát trò chơi từ lâu lắm nhưng vì con chị mải mê với "công việc" của nó nên không hề hay biết. Những sợi dây ru băng cùng màu buộc gọn sau những đuôi tóc chải thẳng tắp và những đôi giầy hồng với vớ trắng làm rõ hơn sự trái ngược của vẻ đài các với nền đất lẫn cát mà ba đứa con gái này đang đứng yên trên. Chúng ôm búp bê nhắm mắt, mở mắt và sách hình màu. Con chị long mắt. Nó đang tức con em, lại bị nghe những lời nói ngạo, định trả đũa mấy câu gì cho đỡ bực, nhưng nghĩ mãi không ra câu nào cho hợp lý, đành phải lặng thinh.
Cô "tiểu thơ bé nhất", khoảng ba tuổi, đang mút ngón tay cái chợt ngừng lại, lân la đến bên con nhỏ chị. Nó ngồi xuống cạnh "lò bánh căn”, ôm con búp bê trong bụng, giương đôi mắt đen lay láy, ngây thơ hỏi:
- Cho "em" chơi không?
Ánh mắt con chị dịu đi. Nó gật đầu:
- Thuý Phi muốn "ăn bánh căn” hay muốn “làm bánh căn”.
- Em muốn "làm bánh căn”.
Con nhỏ chị nói một cách vui vẻ:
- Được rồi, dì cho "em" "làm bánh căn”!
Nó đưa cái muỗng cho bé Thuý Phi và bày con nhỏ cách đổ “bột” vào lò cát. Nhìn những hạt nước thấm dần trong cát, con bé thích chí cười khanh khách.
Hai đứa chị của bé Thuý Phi, Thuý Phong và Thuý Phương, thu hút bởi trò chơi ngồ ngộ, ngồi thụp xuống bên cạnh em của chúng. Ba cái áo đầm xòe ra che trên cát, và hoàn toàn quây tròn cái "lò bánh căn” của con nhỏ chị. Con nhỏ em có thêm bạn, quên cả đói, chen vào ngồi giữa chị ruột của nó và con Thuý Phi để tham gia chung trò chơi mà nó chẳng thấy thú vị lúc bắt đầu.
- Đến phiên em! Cho em đổ bánh căn với!
Con chị nói với vẻ trang trọng:
- Được rồi, ai cũng được đổ bánh căn hết! Nhưng mà, cái lò bánh căn này không phải như mấy cái lò bánh căn người ta bán ngoài chợ đâu! Hễ cát sụp xuống là phải làm cái lò khác. Chờ chị xây lại cái lò khác mới đổ bột được.
Nói xong, con chị cầm hai chiếc dép nhựa mòn đế của nó san bằng cái lò cũ cho sập hẳn đi rồi tém đất cát vun lại một cái mới. Cái lò mới được vun lên như một cái đồi nhỏ nhưng cái đỉnh của nó không phải là "lò bánh căn” cho nên nó lấy một chiếc dép xoa cho cái đỉnh bằng phẳng như “lò bánh căn” mới thôi.
Cái lò mới vừa được “xây” xong, cả bọn nhao nhao:
- Em làm trước!
- Em trước!
- Nó làm rồi, em trước!
Phân vân chưa quyết định đưa cái muỗng cho ai, con chị chợt giật thót lên vì tiếng hét lớn của bà bác Cả gái vang lên sau lưng nó:
- Đi vô nhà mau! Tụi bây ra đó làm chi?
Ba đứa con gái nghe tiếng bà ngoại chúng la lớn, hoảng hốt vụt đứng lên, chạy ù về phía bà. Con nhỏ em sợ sệt nhích người ngồi ép sát sát vào người con chị, mặt lấm la, lấm lét. Con chị, không hiểu vì quá sợ hay bị em ép sát, ngồi bất động, hết nhìn bà bác Cả lại nhìn đống cát của cái lò và các thứ lổn ngổn trước mặt. May mắn cho nó là bà bác gái không hỏi ai đã bày đầu trò chơi. Bà ta kéo mấy đứa cháu ngoại đi về phía hiên nhà lớn. Và hai chị em con nhỏ còn lại giữa sân vườn, ngơ ngẩn hướng mắt về lối trồng hoa trước nhà ông bà bác Cả cho đến khi những cái nơ tung tăng mất dần sau khóm hoa hoàng anh. Tiếng bà bác Cả gái còn văng vẳng:
- Ai cho tụi bây ra chơi với tụi dơ dáy nớ hử? Coi nì! Có thấy áo lấm đất đầy như ri không? Cái lũ con ông Đạm lúc nào cũng chơi đất cát kiểu man ri mọi rợ vậy mà tụi mi chơi với lũ nớ làm chi để áo lấm đất như ri hử?
Tiếng la của bà bác Cả gái lớn đến độ đánh thức pho tượng đá bà mẹ tỉnh giấc và giục bà chạy ra ngoài vườn. Bà vội giúp hai đứa nhỏ dọn dẹp các thứ trên sân đất cát rồi hối chúng vào nhà. Nghiêm cấm chúng không được rời khỏi bàn học, bà bắt cả hai chị em đọc sách và làm bài.
Mở rộng hai cánh cửa sổ, vâng lời mẹ ngồi vào bàn học nhưng hai con nhỏ không đọc sách hay làm một bài tập nào. Đôi mắt của chúng đồng luyến tiếc xuyên qua các song sắt và nhìn về phía ngôi nhà lớn. Trong trí tưởng tượng, chúng đang tiếp tục chơi đổ bánh căn với những đứa nhỏ bà con Thuý Phong, Thuý Phương và Thuý Phi, rồi được ôm ấp và vuốt ve các con búp bê xinh đẹp do mấy đứa bé này trao cho. Rất lâu, những đôi mắt xa xôi mơ màng với nỗi tiếc ngẩn ngơ vẫn còn bên song cửa sổ.
Đến gần chiều, còn bao nhiêu gạo trong hũ, bà mẹ trút hết ra để nấu cháo. Cháo không là món ăn hợp khẩu vị của con chị. Bởi vì nó ghét món cháo cho nên mỗi lần bệnh là mỗi lần cực hình; có cự tuyệt thể nào, bà mẹ ép nó phải ăn cho bằng hết một chén cháo trước khi uống thuốc mới thôi. Hôm ấy không bị bệnh hoạn hay đau ốm gì mà mẹ nó bắt hai đứa ăn cháo nên con chị ấm a, ấm ức với món ăn không thích hợp. Nó cằn nhằn:
- Tụi con không bị bịnh sao má bắt tụi con ăn cháo?
Bà mẹ chậm rãi trả lời:
- Má không có đủ gạo để nấu cơm. May là nhà còn chút gạo thừa nên má đem ra nấu cháo.
Im lặng một lúc bà nói tiếp:
- Có cháo ăn là may rồi đó con! Ngày mai không biết có gì để nấu ăn không. Có gì ăn nấy, đừng đèo bồng thứ nọ thứ kia. Không ăn, để đói lã người ra là bịnh không có tiền mua thuốc chữa đâu!
Con chị ngạc nhiên muốn hỏi mẹ vài câu với hai chữ "tại sao" nhưng nó ngại không dám lên tiếng vì nó nhận ra nỗi đăm chiêu căng thẳng hằn trên khuôn mặt của mẹ và những bước chân lặng lẽ bỏ ra sân của bà. Con em không nói năng gì. Nó hạnh phúc với chén cháo trước mặt. Cháo trắng với vài hạt muối hột đối với nó vẫn tốt hơn là không có gì ăn. Từ sáng sớm đến lúc trời gần xế chiều mà nó chưa được một thức ăn gì trong bụng. Mãi mê với trò chơi mới của chị vừa bày ra từ buổi sáng và mong muốn được chơi ké búp bê với những đứa cháu bà con, nó đã quên cơn đói cồn ruột. Bấy giờ, không màng để ý đến ai ăn, ai không, nó bê chén, húp cháo xì xà xì xụp như đang ăn cao lương mỹ vị. Thấy em ăn ngon lành, con chị đưa muỗng lên thử. Nếm được hai muỗng, nó buông cả chén lẫn muỗng xuống nền nhà.
Con em đang húp chùn chụt, ngưng lại, trố mắt ngạc nhiên:
- Chị không ăn hả?
Con chị lắc đầu:
- Không
- Chị chỉ muốn ăn "bánh căn cát” chứ không muốn ăn “cháo thật” hả?
- Ăn "bánh căn cát” chỉ là ăn giả bộ thôi chứ ai ăn thật!
- Vậy chị ăn “cháo thật” đi!
- Chị không thích ăn cháo!
Con em quẹt tay ngang miệng hỏi:
- Chị thích ăn bánh căn thôi hả?
- Đâu có thích đâu!
- Vậy sao chị làm?
- Tại không có gì ăn lại không có gì chơi nên chị làm cho đỡ buồn thôi!
- Vậy mà sáng nay em thấy chị ra ngoài vườn, em tưởng chị ra vườn tìm trái gì hái cho em.
- Làm sao chị hái được? Cô Út không đi ra vườn nhưng còn "trong đó” làm sao chị dám hái? Không nghe cổ la, ra vườn chơi là may lắm rồi!
Con em vét cháo chầm chậm đến sạch láng. Xong, đặt chén xuống nền nhà, nó quay sang nói với chị:
- Bây giờ em có cháo rồi em không thèm trái cây gì nữa đâu! Cháo ngon lắm! Chị ăn cháo đi chị! Ăn cháo đi!
Con chị hờ hững, lắc đầu:
- Chị không ăn đâu! Chị không thích ăn cháo!
ñôi mắt con em không rời chén cháo c?a con chị. Nó hỏi ngập ngừng:
- Vậy… chị cho em ăn chén cháo của chị được không?
Con chị gật đầu. Nó bước ra sân tìm mẹ.
Bên cạnh gốc dừa, bà mẹ đang đứng phân trần với bà bác Cả:
- Em không thể nào làm cho chị được nữa chị à! Vào nhà trong đó gặp cổ, em thấy “dị dị” làm sao. Em không thể nào vào trong đó được nữa!.
- Hỗn thì bị đánh để cho biết mà chừa tật, mắc mớ chi mà thím sợ không làm cho tôi nữa?Ngày hôm nay bao nhiêu con cháu đến nhà, tôi không có ai phụ việc, thím coi như vậy có được không?
- Chị thương em mà thông cảm cho. Em không thể làm cho chị được nữa. Bây giờ em chỉ cần tiền để buôn bán làm ăn.
Bác Cả gái la to:
- Buôn bán? Thím tưởng là buôn bán dễ lắm sao? Người ta lanh hơn thím bao nhiêu mà buôn bán không ra gì kia kìa.
Bà mẹ cúi đầu không trả lời. Bà bác Cả gái đang nói lớn tiếng chợt im bặt theo, nhìn chằm chằm vào mặt người em bạn dâu chờ đợi. Thời gian trôi qua rất lâu mà bà mẹ vẫn không nói gì về quyết định của bà khiến cho bà bác Cả gái giận dữ:
- Tôi nói hết lời mà thím không nghe thì nghỉ đi!
Nhưng mà đừng hỏi tôi tiền gì nữa hết. Thím phụ tôi được bao lăm mà đòi tiền? Tiền gì mà tiền hả? Tiền ơn, tiền nghĩa, tiền này kia khác nọ còn gì nữa mà đòi? Bây giờ tôi phải tìm người ở, phải trả tiền cho người ở, chứ không có đồng nào đưa cho thím đâu!
Bà mẹ cúi đầu chớp mắt:
- Dạ.
Bà bác Cả long đôi mắt to, điên tiết trước quyết định khăng khăng của bà mẹ qua sự im lặng dai dẳng của bà. Biết không thể thuyết phục được người em bạn dâu thay đổi ý định, bà ta nguây nguẩy đi về nơi bà cư ngụ.
Con nhỏ chị nghe và chứng kiến hết mọi chuyện mà không hiểu ai đúng ai sai, nhưng nhìn thấy dáng đứng xiêu vẹo của bà mẹ, nó cảm thấy mẹ nó đáng thương lắm. Nó lân la đến gần, ấp úng hỏi:
- Má cho con hỏi chút được không?
Bà mẹ gật đầu.
- Má không làm cho hai bác nữa hả má?
- Ừ! Bà mẹ bước về phía nhà trong khi trả lời.
Con chị đi theo hỏi tiếp:
- Vậy má muốn làm gì?
- Má sẽ buôn bán.
Mắt con chị sáng lên vì câu trả lời của mẹ. Nó hỏi dồn:
- Buôn bán? Ôi chao! Con thích má buôn bán lắm! Khi má bán? Má bán gì?
- Má chưa biết! Má chưa có vốn con à!
Con chị ngơ ngác
- Vốn? Vốn là gì hả má?
- Vốn là tiền mình bỏ ra để mua đồ để bán kiếm lời đó con.
Mặt con chị trở nên thất vọng
- Không có vốn vậy mà sao má nghĩ đến chuyện buôn bán?
- Má nghĩ là có một ít tiền làm thuê cho bác Cả mấy năm nay có thể lấy làm vốn đi buôn không ngờ má không có đồng nào.
- Vì sao không có?
- Tiền đó tính vào cơm má con mình ăn hết rồi con à.
- Vậy má có còn tính đi buôn không?
- Má không biết!
Nhìn thấy nét mặt mỏi mệt của mẹ khi bà đứng khựng lại, con chị im lặng. Ngẫm nghĩ một lúc nó lại tiếp tục:
- Má không còn gì để có tiền hả má?
- Má chỉ có nắm tóc nhưng má đã bán rồi. Nắm tóc còn lại nhỏ quá không ai muốn mua đâu.
Con nhỏ chị kinh ngạc:
- Má đã bán nắm tóc của má rồi hả?
Buồn bã, bà mẹ gật đầu:
- Ừ, năm ngoái khi con bị suyễn nặng, không có tiền mua thuốc nên má đã bán rồi. Lúc đó má bán được sáu chục đồng. Má mua thuốc bốn chục, còn lại bao nhiêu má mua đồ ăn cho hai chị em con để tẩm bổ cho con thêm.
Nghe những lời này, mặt con chị xị xuống. Nó buồn bã nhớ đến lọn tóc đen mượt mà mẹ nó chắt chiu dành dụm từng ngày từ những sợi tóc rụng của bà. Mỗi lúc chải đầu, bà thường gom lại những sợi tóc đen mềm bóng mướt rồi dùng dây cao su cột túm chúng lại. Mỗi lần như thế, mẹ chúng thường mân mê cái gia tài nhỏ bé mà trời cho. Bà biết lọn tóc là vốn liếng bởi vì mấy bà hàng xóm thường gạ gẫm hỏi mua và rất hãnh diện vì có được một lọn tóc đẹp từ chính mái tóc của mình. Bà đã yêu quý và thường xuyên ngắm nghía lọn tóc mỗi ngày vậy mà bà đã bán đi từ lúc nào chẳng hề ai hay biết. Con chị kích động trước tin bất ngờ từ miệng mẹ nó kể ra. Nó không hề nghĩ đến chuyện bà mẹ vì nó mà bán gia tài duy nhất của bà. Tình yêu thương đối với mẹ nó dâng cao hơn bao giờ và nó thành thật muốn nói vài lời để bày tỏ niềm thương yêu vô tận đối với mẹ.
Nhưng, vẫn theo cố tật, nó chỉ suy nghĩ trong im lặng. Càng suy tư, con chị càng thở dài sườn sượt. Nghĩ đến nắm tóc của mẹ và số tiền đổ dồn cho tiền thuốc chữa bệnh cho nó, nó cúi đầu hối hận vì đã cho con em chén cháo. Khi ngước mặt lên, và nhận ra một khuôn mặt đầy tuyệt vọng của bà mẹ, nó lo lắng cầu nguyện ông bố phù hộ cho nó không còn mắc phải căn bệnh nào. Nó còn cầu nguyện ông xui khiến cho những người trong gia đình nội trở nên nhân từ và giúp cho mẹ nó mượn một số tiền để bà có thể dùng làm vốn buôn bán. Hoà với sự im lặng của bà mẹ, nó hình thành bao nhiêu niềm vui sướng trong cảnh mẹ nó mua bán hàng trăm thứ hàng tạp hoá trên gian hàng nhỏ nhắn, cảnh hàng vạn người khách lui tới tranh nhau mua hàng tấp nập, cảnh chiều tối khi mẹ nó về nhà với chiếc giỏ đựng tiền đầy ắp và cảnh tiền nhiều như núi làm cho"vốn" của mẹ nó ngập đến tận mái nhà. Tiền vốn của mẹ nó nhiều và cao đến độ bà thừa sức mua bao nhiêu thứ trang sức cho tai, cổ, cườm tay và những ngón tay chẳng khác gì những người đàn bà giàu có trong gia đình nội. Đầu nó chợt lóe sáng lên khi lời nói của mẹ vào những ngày Tết nguyên đán văng vẳng bên tai "Những sợi dây chuyền và lắc vàng này là vốn hồi môn khi các con đi lấy chồng. Má phải cất kỹ cho các con nên các con chỉ được đeo vào ngày Tết Nguyên Đán thôi, không được đeo đi học!”. Nó hỏi vội vàng:
- Má cho con hỏi chút nữa được không?
Bà mẹ giật mình gật đầu:
- Ừ! Con hỏi đi!
- Má nói cái dây chuyền và cái lắc vàng của chị em con là "vốn" của tụi con khi tụi con đi lấy chồng phải không?
- Ơ! Nhưng đó là của nội và các cô cho tụi con làm vốn. Má chỉ giữ cho tụi con chứ không thể bán được.
Ngẫm nghĩ một lúc, bà mẹ nói tiếp:
- Má chỉ còn sợi dây chuyền của ba mua tặng má nhưng đó là vật kỷ niệm của ba con để lại, má không thể nào bán được!
Con chị xị mặt, lảm nhảm:
- Ba sẽ nói mình bán nó khi thấy mình không có gì ăn.
Bà mẹ mất hết thần sắc, lẩm bẩm một mình như nói chỉ cho mình bà nghe:
- Không thể bán được! Cái mặt có hai chữ cái đê (Đ) và hát (H) là tên tắt của anh ta và mình.
Đột nhiên, khuôn mặt của bà mẹ sáng hẳn lên, mặc dù vẫn tiếp tục độc thoại:
- Giữ cái mặt, bán sợi dây lấy tiền để mua bán, sau này có lời mua sợi dây khác!
Con chị nghe mẹ nhắc chuyện đi bán, sung sướng đến nỗi không dám cắt ngang những dự định trong suy tính của mẹ. Còn bà mẹ thì huyên thuyên những dự định sắp tới của bà với nó.
- Ngày mai má sẽ bán sợi dây chuyền! Má sẽ ra bến xe ngựa thăm dò người ta buôn bán rau quả như thế nào rồi mới tính buôn bán món gì. Nếu má đi bán, má phải đi ra chợ sớm lắm, con ở nhà, kêu em dậy, nhắc em vệ sinh sáng và dắt nó đi học được không?
Con chị nhanh nhảu
- Được chứ. Con làm được. Miễn là…
Nó toan dứt câu với những chữ "má không làm 'người ở' cho hai bác Cả nữa!" nhưng nó kịp ngưng lại khi nghĩ hai chữ "người ở" xúc phạm và làm đau lòng mẹ. Niềm vui sướng và hy vọng ngập tràn trong lòng của nó. Hân hoan với hình ảnh bà mẹ kiếm tiền một cách độc lập và thành công, nó suy tính không ngơi những việc làm mà nó sẽ giúp mẹ trong lúc bà bận rộn mua bán. Trước khi bước vào nhà, nó còn quay lại nhìn về phía ngôi nhà lớn mỉm cười. Nó đang hy vọng một ngày nào đó mẹ của nó sẽ được giao thiệp một cách bình đẳng với những người lớn khác trong gia đình họ Hoàng.