HÀ NỘI - TÌNH NHÂN

PHẦN II - Chương 11

Vân tuông ra khỏi nhà. Mặc dù mọi chuyện xẩy ra gần trọn buổi sáng hôm nay như một khối đá khổng lồ đang hiển hiện nằm án ngữ chật cứng trong suy nghĩ của cô. Nhưng cái gì cũng vậy. To quá, lớn quá choán tất cả mọi tầm mắt nhìn thì thường lại giống như một thứ nhỏ quá không thể trông thấy được. Cô lẳng lặng đi xuyên qua Thọ xương, thông qua đường Lý quốc Sư, vòng vèo gần như vô định qua Phủ doãn. Loanh quanh thế nào cô lại đến chân tường nhà thờ lớn. Tiếng chuông nhà thờ thong thả buông xuống những giọt âm thanh trầm mặc khiến Vân có cảm giác những tiếng chuông này đang rơi vào trong lồng ngực của mình và làm con tim trong đó như tăng thêm nhịp đập. Vân bất chợt nhìn lên. Bức tượng Đức mẹ bế Đức chúa con chìm ngập trong mầu không gian trầm mặc. Vân cảm thấy như khuôn mặt Đức mẹ cũng đang buồn buồn trong một cảm giác nặng nề. Những giọt rỉ đồng xanh nặng trĩu, thấm đẫm sự đặc quánh của thời gian. Những chiếc xích lô lởn vởn như trong một sự nhàn tảng đi lòng vòng quanh hàng rào tượng và quanh khoảng sân mênh mông. Đám đứa trẻ cả trai lẫn gái đang mê mải nô đùa, chòng ghẹo nhau. Với chúng trên thế gian này chỉ có những ngày tháng vô tư, tràn đầy sự vui chơi, đùa nghịch. Ôi giá ước gì mình được như những đứa trẻ kia Thanh thản, nhẹ nhõm. Đầu óc không vướng bận gì. Còn với tuổi mình. Sự đời có bao giờ được thế. Đúng là không bao giờ. Lòng Vân trống trải một cách lạ lùng. "Xe". Từ trong miệng Vân đột ngột thốt lên tiếng gọi mơ hồ nhưng ngay lập tức một chiếc xích lô xịch tới trước mặt Vân. "Phu xe". Vân rùng mình khi chỉ thiếu một chút nữa thôi cô thốt ra câu gọi dường như đã bị lãng quên gần mười năm nay. Lúc nào nhỉ. à phải rồi. Trong một buổi họp khu phố đầu tháng này. Ông chủ tịch tiểu khu cứng đơ trong chiếc áo bốn túi có mầu giống như mầu của quân phục của bộ đội nói thật dài rằng"người có học hành hẳn hoi có bằng bác sĩ, kĩ sư cũng bình đẳng như những người lao động chân tay từ anh đạp xích lô đến ngưòi đổ rác. Ai cũng bình đẳng như ai. Bình đẳng tức là bằng nhau, không ai hơn ai, dù người ta làm gì. Chế độ này mọi người đều làm chủ mà lại. Vì thế không được gọi là những người lao động chân tay như đạp xích lô, kéo ba gác là Phu. Đó là một cách gọi khinh miệt giai cấp mà bọn thực dân, phong kiến đặt ra một cách khinh miệt để phân biệt và chia rẽ những tầng lớp dân. Còn dứơi chế độ ta mọi ngưòi đều bình đẳng.., "

- Cô đi đâu ạ?

Một chiếc xích lô có mái che là tấm bạt da mầu gụ xịch đến trên đó có một gã thanh niên có khuôn mặt dài ngoằng, láu lỉnh cố làm ra vẻ hiền lành với đôi mắt hấp hay. Khi nhận ra Vân là cô gái trẻ, đôi mắt của gã dường như càng nháy hơn. Đôi môi mỏng quẹt uốn éo làm duyên một cách lộ liễu. Vân định thôi không lên xe của gã nhưng rồi như một sự đã rồi. Vân lẳng lặng trèo lên xe rồi chỉ tay về phía hàng Gai nói khẽ:

- Cho tôi lên đường Cổ Ngư.

- Cháu biết rồi đường ấy bây giờ được gọi là đường Thanh niên. Kể ra thế cũng được cô nhỉ?

Vân im lặng không trả lời. Một nỗi chán chường xuất hiện ngày càng lớn. Bây giờ trong đầu cô đầy ắp những suy nghĩ về Long. Đúng là cô hoàn toàn không ngờ. Một người như Long lại lấy phải cô vợ ghê gớm như thế. Và Vân cũng không thể tưởng tượng nổi Diễm - người con gái Vân từng biết. Rất dịu dàng, lịch sự, tế nhị và có phần e ấp. Vậy mà đột nhiên… Tiếng xích xe nghiến trèo trẹo trên đường. Tiếng anh xích lô bẻo lẻo cố gợi chuyện vẫn không làm Vân đứt mạch suy tư trầm uất của mình. Đúng là không thể ngờ. Nhưng ví thử đặt mình vào Diễm thì sao. Trên đời này có người đàn bà nào mà không có máu ghen. Có người vợ nào yêu chồng lại có thể thanh thản nhường chồng mình cho người đàn bà khác. Và có người đàn bà nào có thể lặng yên khi biết có người thứ ba chen ngang vào quan hệ chồng vợ. Đúng rồi. Diễm đánh ghen một cách dữ tợn như vậy là hoàn toàn có lý. Mình dù thua thiệt thế nào cũng không thể trách móc được chị ấy được. Chỉ khổ một nỗi là me Vân lại biết. Nếu chỉ mình me cô biết thôi đã đau khổ lắm rồi. Vân biết me cô là người đàn bà hiền lành, cẩn thận, chu đáo và không bao giờ làm điều gì có thể gây ra sự xấu hổ cho mình và gia đình. Vậy mà bây giờ hàng phố biết… Ông chủ tịch tiểu khu đến lập biên bản. Ngoài ra còn những người hàng xóm và cả những kẻ qua đường chứng kiến sự xấu xa của gia đình do Vân gây ra. Chao ôi bây giờ chỉ còn nước chết thì Vân mới quên hết được. Sự khốn khổ, hổ thẹn của mình. Sự nhục nhã của me. Rồi sự rè bỉu của bạn bè đối với Vũ. Rồi khu phố sẽ nhìn như thế nào đối với gia đình mình. Đúng là chỉ còn cái chết mới may ra dấu đi được tất cả, trốn tránh được tất cả miệng lưỡi thế gian. Ánh mắt soi mói bới lông tìm vết của thiên hạ. Dưới nấm mồ nặng nề và u tối mọi sự sẽ được chôn sâu.

- Thưa cô sắp đến đường Cổ à quên đường Thanh niên rồi. Cô định xuống chỗ nào. Đầu hay cuối ạ?

- Anh cứ đi đi

Bị đứt ngang suy nghĩ khiến Vân hơi bực. Cô cố ghìm sự bực bội của mình. Cô nhìn xung quanh rồi tự nhiên giơ tay ra hiệu cho anh xích lô dừng lại:

- Anh cho tôi xuống đây.

- Vâng, vâng. Xin cô cứ từ từ. Chắc là cô muốn đi bộ dạo mát hay là hẹn ai phải không ạ.

Gã xích lô láu lỉnh cố ghìm cái nháy mắt. Vân không đáp lặng lẽ mở ví lấy tiền. Sau khi gật đầu chào khẽ gã xích lô, cô cố không ngoảnh lại nhìn gã, rồi thong thả bước đi. Ôi mặt nước hồ Tây mênh mông dường kia nếu mình tìm được chỗ nào đây vắng vẻ để nhảy ào xuống mà không có bất kỳ người quen thuộc hay xa lạ nào kể cả những người tình cờ qua đường biết được. Sau đó mọi sự thật nhẹ nhõm và thanh thản. Mọi người liên quan đến Vân sẽ thật thoải mải vì mọi điều phiền hà, vướng bận và cả nỗi lo toan mà Vân mang lại cho họ sẽ tan biến đi. Có lẽ chỉ còn me là đau khổ lắm. Cả em Vân, Vũ nó sẽ ân hận lắm. Thể nào cậu ấy cũng lấy làm đau khổ vì anh cả đã mất rồi, còn lại bà chị duy nhất mà cũng không giữ được, không giúp chị thoát khỏi sự u buồn cô đơn. Nhưng thôi cũng chỉ một năm, hay năm là cùng thì ngay cả me cũng sẽ quên Vân và cả cái chết của mình đi. Thời gian là cái cối xay tất cả mọi điều vương vấn trên trần thế. Vả lại cuộc sống còn biết bao điều cần quan tâm, tính đến. Ai hơi đâu bận tâm vì mình nữa. Mỗi khi nhớ đến mình người ta chắc chỉ nhớ đến một người con gái đã mang lại sự đau khổ cho mình và cho người khác. Kể cả cha uy nghiêm giảng giải trên bục nhà thờ nếu tình cờ biết đến cái chết của Vân thì Người cũng chỉ chau mày, đưa tay lên làm dấu, mắt khẽ chau lại với lời lẩm bẩm đau xót và thương tiếc "a di men, lạy chúa tôi. Chúa lòng lành vô hạn. Và cũng thật tiếc thay. Vì cớ gì con lại cố tình mắc phải điều răn của Chúa". Có lẽ lúc đó chỉ có Chúa ở trên thiên đàng. Với tầm nhìn và phép thánh cao siêu Chúa mới bao quát được hết trần gian với những số phận nhỏ nhoi và đau khổ giống như Vân. Chúa sẽ giang đôi tay cao cả của Người để đón linh hồn nhỏ nhoi của Vân lên xếp vào hàng thiên thần nhỏ bé đứng bên Chúa. Tay Vân sẽ đựoc cầm bình nước thánh hay một nhành hoa. Lúc đó Vân tin mọi đau khổ, mọi phiền não trên trần thế này sẽ tan biến hết như những đám mây xốp trắng, mỏng tang đang bồng bềnh trôi phía đầu trời. Dưới đó chỉ thấy mênh mông nước và những hàng lau sậy rập rờn. Phải rồi chỉ có nơi đó Vân mới có thể từ từ trầm mình xuống làn nước lạnh ngắt để giải thoát cho cuộc đời khốn khổ. Còn những chỗ này. Hàng cây phượng ven hồ vừa trút xong những chùm hoa đỏ rực cuối cùng đã bắt đầu lộ ra những chùm quả non xanh mướt, bé bỏng. Một vài đôi tình nhân cố dấu mọi cảm xúc đang dâng trào lên khoé mắt, gò má, tay trong tay đi lại như để tận hưởng cho hết sự ngất ngây bởi những làn gió mát rượi từ mặt hồ đưa vào và cả bởi cảm giác về sự có nhau, yêu thương nhau mang lại. Ngày trước. Không, có lẽ chỉ gần mười năm qua thôi chứ mấy người con gái sẽ tha thướt, kín đáo và cũng thật quyến rũ trong tà áo dài, và người con trai thì khoẻ mạnh, trẻ trung trong áo sơ mi cộc tay bỏ trong quần xoóc hay quần dài, còn bây giờ… Nhưng kể cả lúc này thì dù ăn mặc thế nào, chắc trong lòng những kẻ tay cầm tay kia đang rân rân một nỗi niềm khó tả mà chỉ có họ mới thấu hiểu nổi. Đó là cảm xúc của tình yêu, của mong đợi và ước mong. Nghĩ đến đây Vân chợt giật mình. Vậy mà Vân với Long. Chưa bao giờ Vân có được những giây phút ấy. Bởi lẽ hình như hai người chưa bao giờ yêu nhau, chờ đợi mong ngóng nhau. Bởi vì Long đã có vợ, có cả một gia đình trong khi Vân mới chỉ là cô gái còn ngơ ngác, vô tư với tuổi ô mai của mình. Vậy mà chỉ trong khoảng khắc, sau cái đêm mưa bất chợt trong chiếc lều vắng của người chữa xe đạp bên bờ Hồ Tây phía rặng ổi xanh mờ kia.

Sau một phút quên lãng, một phút thả mình hay sự suy xụp mà chính mình cũng không muốn để tiếp nhận cơn đau đớn kinh khủng như có lưỡi dao oan nghiệt nào đó xẻ đôi da thịt Vân. Sau cơn đau làm mất đi tất cả sự trong trắng của đời con gái đó đã gắn chặt cuộc đời mình với anh chàng Long lạ lùng kia để rồi phải chịu đựng đủ thứ lo sợ, bàng hoàng, hổ thẹn. Một cặp tình nhân đi qua, cô gái có đôi mắt dài hình như có một thoáng tô chì trên bờ mi đã ngỏanh lại nhìn Vân như thương hại. Cô ta hình như chỉ bằng có khi kém tuổi Vân, vậy mà… Thôi thì được yêu thì cứ yêu đi nhưng biết đâu đấy cũng con ngưòi đang rạng ngời hạnh phúc đó rồi sẽ một là kéo dài những năm tháng vui vẻ, hay lại giống Vân chẳng sớm thì muộn sẽ xa vào sự khổ sở, khốn nạn như Vân. Jê su ma, Lạy Chúa tôi. Kiếp đàn bà là cực nhục, là thê thảm thế sao. Vậy thì có lý gì mà sống trên đời này? Mình đã quýêt dứt bỏ rồi, vĩnh biệt tất cả nhưng làm sao tìm được chỗ kín đáo để… Lúc đó mình chỉ cần nhắm mắt lại. Không, không mình sẽ chọn một cây mọc chĩa ngang từ bờ ra, lặng lẽ kín đáo trèo lên. Rồi lặng lẽ, kín đáo bò ra cành ngang chĩa ra mặt nước, đoạn từ từ buông tay ra. Dòng nước lạnh băng oan nghiệt sẽ tràn vào bóp nghẹt tất cả. Vân cứ việc vẫy vùng, cứ việc quẫy đạp để rồi chẳng bao lâu, giỏi lắm chỉ trong khoảng mười lăm, hai mươi phút thì cô chỉ còn là cái xác không hồn nặng nề chìm dần xuống mặt nước. Mọi ao ước, yêu đương, giận hờn, mọi khao khát lớn nhỏ lúc đó sẽ như những váng bọt trút khỏi con ngưòi Vân để nổi lên mặt nưovcs Hồ tây vô tư mênh mông. Vân chỉ còn là cái xác vô hồn dong rêu sẽ phủ lên, bùn sẽ trùm kín và những con cá sẽ bơi lượn xung quanh, thậm chí trên thân thể cô. Vân bỗng rùng mình, ớn lạnh. Cả những con đỉa nữa chứ. Có lẽ trên đời này chưa có con vật nào làm Vân ghê sợ hãi hùng như giống đỉa. Thân thể mềm nhũn, lạnh băng, tanh tưởi, bé xíu thế mà bỗng chốc bám chặt lấy da thịt con người và chỉ trong chốc lát con đỉa căng tròn lên, vàng kệch ra, bám thật chắc vào da thịt mình như được một thứ keo nào đó gắn chặt lấy. Trời ạ mùa hạ năm nào nhỉ. Phải rồi khi Vân mới vừa mười bốn tuổi Vân về quê nội ở Phùng khoang. Khi cô nhìn thấy con cá cờ quẫy cái đuôi te tua với bao nhiêu sắc mầu, chúi đầu xuống để nhặt những hạt cơm mà cô họ Vân vừa đãi gạo làm vương ra. Vân thích quá, cô lội xuống cầu ao, xoè bàn tay của mình ra trên đó có mấy hạt cơm cố ngồi im lặng, hai con cá cờ ham ăn bị đánh lừa bởi sự yên lặng đó từ từ bơi vào lòng bàn tay Vân. Nhưng cũng chính lúc Vân đang thích thú bởi cảm giác buồn buồn vì hai chiếc mồm xinh xinh đớp nhẹ vào lòng bàn tay thì cô bất chợt thét to lên khi thấy cổ chân mình bị con đỉa to tướng bám chặt. Vân vừa hét vừa nhẩy cẫng lên bờ ao, dãy đành đạch. Người cô họ cô đang phồng mồm thổi lửa trong bếp nghe tiếng thét của cháu chạy ra và bật cười khi thấy hai mắt của Vân nhắm nghiền, chân dẫm bành bạch. "Để yên, để yên cô bắt ra cho nào Vừa nói người cô họ vừa đưa bàn tay có bôi vôi ăn trầu túm lấy lấy con đỉa. Vân nhắm nghiền mắt nhưng rồi vì tò mò cô he hé mở mắt và thấy làm lạ Con đỉa vừa chạm phải vôi cả thân hình béo tròn của nó cong lên và nhẹ nhàng tuột khỏi chân Vân để lại một dòng máu đỏ xẫm đang chẩy… Thế mà bây giờ dưới đáy hố, trong làn nước đầy dong rêu này thì chắc chắn sẽ có cơ man nào là đỉa. Nếu Vân rơi xuống đó chắc chắn hàng chục, hàng trăm con vật kinh tởm này sẽ bám chặt lấy thân thể mình. Lúc đó thì… Nhưng kể cả hàng nghìn, hàng vạn con đỉa bám chặt thì cũng chẳng có gì phải kinh, phải sợ bởi lẽ khi ấy mình chỉ là cái xác không hồn như cành cây, như hòn đá vô tri còn biết sợ hãi, ghê tởm là gì nữa. Đỉa thì mặc xác đỉa. Vân cảm thấy bực mình vì cô suýt bật cười bởi những suy đoán của mình. Cô ngẩng nhìn lên. ở phía trước nơi gần đường dẫn vào cổng đền Trấn vũ có điều gì bất thường mà người ta tụ tập đông thế kia. Tiếng người ta gọi nhau ơi ới, tiếng chân đua nhau chạy huỳnh huỵch.

- Cái gì thế anh? Giọng ẽo ợt của cô gái nào đó qua đường chợt lọt vào tai Vân

- Chuyện gì vậy mà xúm đông xúm đỏ thế kia? Giọng trầm hơi khàn của người đàn ông

- Hình như có người tự tử.

- Trai hay gái?

- Gái thì phải

- Chết lâu chưa?.

- Biết được.

Vân rùng mình định quay lại nhưng có điều gì chính trong cô lại thôi thúc Vân đi lại gần. Khi đến gần đám đông, Vân cố tình không muốn len vào nhưng chính lúc đó từ trong đám đông một cô gái cao dỏng dỏng vắt mớ tóc dài thượt có chiếc cặp ba lá sáng trắng cặp ngang len ra với sức mạnh của kẻ chạy trốn. Đôi mắt cô gần như nhắm nghiền. Đôi môi hồng nhạt động đậy cùng những lời xuýt xoa thốt ra "ghê quá, kinh quá". Có ai đó hích mạnh vào lưng Vân khiến cô loạng choạng, tay cô chờn vờn trên vai những người đứng gần mà cô nhận ra là người đàn ông có đôi mắt nhỏ xíu nhíu lại dưới cặp lông mày rậm rì. Chính ngay lúc đó Vân nhìn thấy khuôn mặt nhợt nhạt của cô gái xấu số. Không biết cô gái chìm xuống nước đã bao lâu mà phủ trên khuôn mặt có đôi mắt nhắm nghiền và đôi môi mím chặt như đang cố dấu đi sự uất ức mà cô âm thầm chịu đựng từ bao đời là một nước da xanh nhợt. Bên vành tai nhỏ xíu một sợi rong xanh lét đeo lòng thòng. Vân bất chợt rùng mình. Không hiểu sao chỉ một thoáng nhìn vào khuôn mặt cô gái chết đuối, Vân có cảm giác dường như cô gái bất hạnh này có cái gì quen quen mà Vân đã gặp cô ta ở đâu đó.

- Trông mặt mũi thế kia mà sao lại dại dột thế?

- Tranh vợ cướp chồng thiên hạ thì trời quả báo là đúng lắm rồi. Có mà thừa hơi mới đi thương những hạng người như thế.

Nghe những lời bàn tán lao xao quanh mình Vân cảm thấy lành lạnh sau gáy. Vân lầm lũi cố chen ra khỏi đám đông, nhưng lời bàn tán của thiên hạ vẫn vô tình lọt vào tai Vân. Thì ra cô gái này ở đầu phố Khâm thiên cạnh khu nhà dầu. Ngày trước mẹ cô hình như làm cô đầu rượu. Mà cái trò đã đưa cả đời mình, thân thể mình làm món hàng cho cánh đàn ông để nuôi lỗ miệng thì sớm muộn thế nào, nếu người đàn bà, đứa con gái đó thân thể lành hành thì dù là không chồng cuối cùng loay hoay thế nào vẫn lại có con. Càng lớn đứa bé càng xinh xẻo, đến khi vào thì con gái thì sắc trổ ra hết độ, khiến cô càng tỏ ra xinh đẹp nức tiếng đến quá nửa Hà nội này, đến độ anh chàng ở tận Ngã tư sở cũng theo đuổi. Gã đàn ông này là con độc nhất của một nhà chuyên thu mua lông gà, lông vịt ở làng Triều khúc. Bố mẹ anh chàng hiếm hoi phần vì muốn có cháu bế, phần vì muốn có thêm người làm nên đã ép anh chàng lấy vợ từ khi anh ta mới mười bốn tuổi. Cô vợ hơn chồng sáu tuổi. Khi anh chàng vào độ tuổi ra giàng đã mặt nặng mặt nhẹ chê bai người vợ hơn tuổi một lòng tảo tần, chịu thương chịu khó quán xuyến công việc nhà chồng. Anh chàng con một được nuông chiều suốt ngày dong chơi và khi đến phố khu nhà Dầu thì đâm mê mẩn cô nàng tợn. Cô này cũng tỏ ra quyến luýên anh chàng. Hai người đã thề thốt với nhau nguyện chung sống trọn đời. Ai dè người vợ chính thất của anh chàng trai lơ này biết được. Tuy có tiếng cả làng Triều Khúc là người vợ hiền lành nhưng khi cơn ngứa ghẻ hờn ghen ập đến. Hơn nữa mồ hôi trên đổ mồ hôi dưới cho nhà chồng gần hai mươi năm, cơ ngơi có được như ngày nay đâu dễ tự nhiên sang tay người khác. Con ranh ăn trắng mặc trơn không tốn tý công sức nào lại toạ hưởng kì thành cướp trắng trên tay con này là không được. Nghĩ nát óc mấy đêm trời, vừa ức vừa điên vì sự nghĩ của kẻ mất chồng, mất của. Chị vợ này đành đi nước liều bằng cách thuê hai tay côn đồ hiếm hoi còn sót lại ở Ngã tư sở đến doạ cắt tóc bôi vôi nếu không rời bỏ anh chồng ăn chơi, bán giời không văn tự kia. Nhục nhã một nhưng tuyệt vọng vì biết ý trung nhân của mình đã có vợ và lại là cô vợ đáo để. Nếu cứ khăng khăng bám lấy anh chàng thì sớm muộn không phải đầu cũng phải tai. Hai thằng côn đồ trông hung tợn thế kia chắc được ăn tiền ghê gớm lắm. Mà cái giống đàn ông đã cầm đồng tiền trong tay rồi thì bảo gì chúng nó chả nghe Mình thì chân yếu tay mềm, tứ cố vô thân. Thôi thì kiếp này không chung bát chung giường thì đành hẹn kiếp khác chứ không thì… Nhưng càng nghĩ cô nàng càng cám cảnh, càng tiếc rẻ những gì anh chàng kia thề thốt, hứa hẹn. Ôi thế mới biết đàn ông, đàn ang ăn đấy nói đấy nhưng họ khác nào cái chong chóng giấy, hễ phe phẩy gió là quay tít lên biết thế nào mà lường. Cô nàng càng nghĩ càng uất nên sau khi đã ngà ngà bởi hai cốc rượu Boóc đô nâu đỏ cô ả bèn thuê xích lô chạy thẳng lên rặng ổi tìm chỗ thanh vắng nhất trẫm mình. Xẩm tối cô ả quyên sinh thì nửa đêm hôm đó trời nổi giông bão chập. Cái giống tự tử thì dù lâu hay chóng hễ có sấm chớp đùng đùng thì xác chết dù có chìm sâu tận đáy cũng phải nổi lên. Thành thử trời đất run rủi, xui khiến thế nào không biết mà xác cô gái bất hạnh ngay tiếng sấm đầu đã nổi lên lưng lửng khiến thuyền câu mới đi có nửa vòng đã móc được xác cô ta cách bờ đền Trấn quốc chưa đến mười xải tay. Nghĩa là cái xác của người con gái oan trái đó chỉ sau vài tiếng đồng hồ đã hiển hiện trước mắt người đời như một sự cảnh báo thiên hạ, mà cũng phơi ra mọi sự bất hạnh của kiếp người khốn khổ…

Nghe câu được câu chăng câu chuyện của cô gái xa lạ xấu số Vân bàng hoàng lắm. Hoá ra chết rồi thì thân thể trở thành vật vô tri vô giác, mọi sự trên đời đều là vô nghĩa, vì tai có nghe được gì và miệng có mở được đâu nhưng còn thanh danh người chết và cả những người thân thì chịu sao nổi lời ra tiếng vào. Me Vân và cậu Vũ biết ăn nói thế nào với hàng phố. Lúc đó chắc chắn họ sẽ là những người chịu nhiều sự xỉ nhục. Hàng phố, thiên hạ kể cả những kẻ rỗi hơi, thừa thời gian sẽ nhòm nhỏ, buông ra đủ thứ lời ra tiếng vào. Rồi người ở quê ra toàn những người họ hàng thân thuộc người ta nghĩ gì Và còn điều này nữa. Khi chết bởi sự tự vẫn như vậy thì liệu xác mình còn được đưa vào nhà thờ mong cha đọc kinh, rửa hết tội lỗi nơi trần thế để mình có thể thanh thản về hầu dưới bàn tay chúa hay không. Nếu nhà thờ dứt khoát không nể, không tha thứ, không thông cảm, không thể tất nhân tình, thấu hiểu nỗi khổ tầy trời của mình thì mình chết rồi nằm xuống đâu đã yên. Nỗi nhục tầy trời này lại đổ hết lên đầu me, đầu cậu Vũ. Đấy là chưa kể biết đâu người ta không thể ngay lập tức vớt được xác mình mà phải ba bốn hôm sau. Lúc đó thân thể mình trưởng phềnh lên, thối nhức óc thì ngay cả me cả cậu Vũ chưa chắc đã dám đến gần, mà có vì tình máu mủ, ruột già thì cũng đưa khăn mùi xoa ra bịt mũi, cố nuốt nứơc bọt. Còn người thiên hạ khinh khỉnh đi qua ghê tởm nhìn me và cậu Vũ mà chê bai, mà giả bộ xót thương ngòai mặt nhưng trong bụng thì tha hồ dè bỉu bởi đứa con gái khốn nạn này… Vân rùng mình rảo bước nhanh hơn. Chả nhẽ lúc đó mình lại là kẻ ích kỉ chỉ biết lấy cái chết để trốn chạy tất cả để mặc me và cậu Vũ chịu bao điều tồi tệ vì sự xấu xa của đời mình và cả sự dơ bẩn của cái xác trương phềnh, thối tha như vậy sao… Không được. Không thể được. Mới nghĩ đến đây Vân vội vã nhìn quanh rồi rảo chân đi thật nhanh mong để rời thật xa đám đông hiếu kì đang xúm đông xúm đỏ quanh xác cô gái bất hạnh kia. Cô bất giác giơ tay ra vẫy chiếc xích lô mà người đạp xe là một ông già có bộ râu dài và nhọn điểm bạc đôi mắt mở to hấp hay:

- Cô về đâu?

- Cho cháu về đầu phố Phủ Doãn

- Vâng, mời cô lên xe

Ngồi yên vị trên xích lô rồi, Vân vẫn cố ngoảnh lại nhìn đám người nhốn nháo. Lảng vảng và dường như mang đôi chút bình thản là những chấm sâm cầm ngơ ngác khi thấp khi cao bay qua bay lại ngay trên đầu đám người lộn xộn. Cái đầu có chiếc mỏ nhọn của chúng đưa đi đưa lại. Lũ sâm cầm thương kẻ quyên sinh hay nó đang muốn tìm bầy đoàn, không biết bây giờ ở đâu. Tiếng kêu của nó bất chợt phát ra nghe cô đơn và tội nghiệp làm sao. Chiều vàng choé đang buông trên mặt nước hồ Tây xa xăm, mênh mông trong tiếng động u trầm mơ huyền của tiếng gió là mênh mang khi mờ khi rõ của hồi chuỗi chuông thu không trầm tịch của chùa Trấn Vũ.

Trong tiếng xe nghiến trèo trẹo, Vân cố nén tiếng thở dài chỉ thiếu một chút nửa là buột ra