Gương hy sinh

9. NORBERT WIENER

Docsach24.com 

“Tôi đã cho cả thế giới này một năng lực vô biên để làm điều thiện cũng như để làm điều ác. Nhưng thế giới này là thế giới của Hiroshima.” Đó là lời của ông Norbert Wiener, trong cuốn Cybernétique. Chính ông là người sáng lập ra môn học mới mà ông đặt tên là Cybernétique (kiểm động học) (1). Lời ông nói đó có vẻ như một lời tự phụ, sự thực nó chỉ là một lời nhận xét và phán đoán nghiêm khắc.

Đời của ông thật kỳ dị. Nổi tiếng là thần đồng, mười một tuổi vào trường Đại học, mười bốn tuổi đậu cử nhân, mười tám tuổi làm giáo sư ở Đại học đường Harvard - một trong những trường Đại học danh tiếng nhất thế giới. Người ta thường nói loài người đương biến thành một giống sinh vật thông minh hơn, một giống “siêu nhân”. Nếu lời đó đúng thì ông có lẽ là một trong những “ca” biến chuyển đầu tiên đó.

Ông là một nhà toán học kỳ tài, sự nghiệp của ông về môn toán đủ cho ông nổi danh; ông lại còn là một triết gia và một công dân can đảm nữa. Từ ba mươi ba năm nay (2) ông là giáo sư toán ở Viện Công nghệ Massachussets.

Viết tiểu sử của ông là một việc dễ mà rất khó. Vì chính ông đã chép lại quãng đời quan trọng nhất của ông trong cuốn: Ex-prodigy, my childhood anh youth (3) (Cựu thần đồng, tuổi thơ và tuổi xuân của tôi). Khó vì cá nhân cùng công việc của ông đều gây nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đến nay vẫn chưa dứt.

°

°

 

Norbert Wiener sanh năm 1894. Phụ thân của ông, chuyên môn về các ngôn ngữ tư lạp phu (Slave), là một nhân vật kỳ dị, gốc Do thái, qua Huê-Kỳ lập nghiệp ở cuối thế kỷ 19, làm hội trưởng hội người Gael (giống người Ái Nhĩ Lan hồi xưa) ở Kansas City.

Mẫu thân ông gốc Đức qua Huê-kỳ lập nghiệp ở Missouri.

Ông là con đầu lòng, thông minh lạ lùng, hồi bảy tuổi đã được các nhà chuyên môn về giáo dục biết tiếng. Các tạp chí giáo dục thường nói đến “em bé thần đồng” đó, và ông bà Wiener để cho con đọc những bài đó.

Đầu thế kỷ 20, gia đình Wiener lại Cambridge (Massachussets) làm ăn.

Norbert ham mê khoa học và triết lý. Phụ thân ông muốn cho ông thành một nhà ngôn ngữ học, hướng dẫn ông, và ông học tấn tới lạ thường, mới bảy tuổi đã tập sửa một bản thảo.

Năm 1903, ông chín tuổi, vào trường trung học Ayer với tư cách là “Sinh viên đặc biệt”. Ông theo nổi, không thua kém những bạn học hơn ông từ bốn đến sáu tuổi. Ở trường, ông cũng không phá phách gì lắm, trừ một lần. Lần đó, ông mười một tuổi, tổ chức một nhóm cách mạng tính lật đổ ban giáo sư để chiếm trường!

Năm 1906, ông vô học Đại học đường ở Tufts. Ông làm những thí nghiệm về vật lý, chế tạo được vài kiểu máy về điện.

Lúc đó tinh thần xã hội của ông đã xuất hiện rất rõ rệt. Ông nhận thấy rằng môn toán học thuần túy có thể làm thay đổi thế giới và tạo cho con người những năng lực phi thường. Nghĩ hè ông qua chơi bên Đức, rồi ở Đức hai năm, trước tại Munich, sau tại Gottingen.

Ông theo học giáo sư David Hilbert về môn toán.

Kế tới đại chiến 1914-1918, ông rời Đức, qua Anh, ở Luân Đôn ít lâu, đâm chán, năm 1915 trở về Huê Kỳ. Đã tới lúc phải kiếm nghề để sống. Ông vô học một lớp sĩ quan, bỏ dở, ra viết giúp Bộ Bách Khoa Huê Kỳ, viết báo về chính trị, rồi lại trở vô học lớp sĩ quan. Hết chiến tranh, ông được giải ngũ.

Dò dẫm mấy năm, bây giờ ông mới kiếm được lối đi: sẽ chuyên môn về Toán học, vô ban nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachussets, một viện có danh tiếng. Hiện nay ông còn ở trong viện đó.

Viện là một trường Đại học kỳ dị. Bạn thử tưởng tượng một trường Bách Khoa tối tân, tối tân đến nỗi có lớp dạy môn khoa học dự tượng (Science-fiction) (4). Về môn vật lý toán (5) và môn vật lý thực nghiệm (6) trường là một trung tâm lớn bực nhất thế giới. Năm 1920, ông Wiener tuyên bố những phát minh đầu tiên của ông về môn toán ở trường đó.

Năm 1926 ông cưới cô Margaret Wegemann, gốc Đức. Từ năm đó đến đầu đại chiến thứ nhì (1940) ông tiếp tục nghiên cứu về Toán học thuần túy.

Sự hiểu biết của ông đã rộng mà lại sâu. Ông nói rất thạo sáu sinh ngữ, biết tất cả các môn khoa học và nhiều môn kỹ thuật. Nhờ sự hiểu biết lạ lùng đó mà ông sáng tạo được môn kiểm động học.

Khoa học có mục đích là tiên tri, mà môn Thiên văn có thể đoán rất đúng những nhật thực, chỉ sai vài giây thôi. Tuy nhiên không phải là hiện tượng nào cũng có thể tiên tri được. Ông nghiên cứu những trường hợp khó đoán trước, nghiên cứu vì tinh thần tò mò của một nhà khoa học; không ngờ khi đại chiến thứ nhì nổ ra, thì công trình nghiên cứu của ông có một giá trị thực tế đặc biệt. Năm 1940, Pháp bị phi cơ và thiết giáp Đức đánh tan tành; Anh lo lắng sẽ tới phiên mình. Cho nên phía đồng minh phải nghĩ ngay đến việc chống phi cơ. Tất nhiên là phải bắn bằng đại bác. Nhưng khi nhắm để bắn thì người ta không nhằm vào cái chỗ hiện thời phi cơ đương ở, mà nhằm vào cái chỗ phi cơ sẽ tới khi đạn nổ. Vậy phải đoán trước sự chuyển động của phi cơ. Mà đoán cách nào được bây giờ? Làm sao biết được phi công địch sẽ lái qua bên này hay bên kia, sẽ bay lên hay bay xuống để tránh đạn? Công việc cực kỳ khó khăn, vậy mà ông Wiener bắt tay vô.

Năm 1942, ông thảo một bản thuyết trình về căn bản toán học của một kiểu máy có thể cho ta biết trước sự chuyển động của một phi cơ. Bản thuyết trình đó nhan đề là Hoàng họa, vì bìa nó màu vàng. Nó khó hiểu đến nỗi cả những kỹ sư cực kỳ tài giỏi cũng phải gắng sức mò lâu mới ra. Nhờ công trình đó mà người ta chế tạo được kiểu máy gọi là “máy tiên tri”, thắng được sự tấn công ồ ạt của Đức ở Ardennes, diệt được những phi cơ tự tử của Nhật, tức những phi cơ nhỏ và nhanh quân Nhật lái đâm bổ vào những phi cơ lớn của Đồng minh, (7) diệt được cả những bom V1 mà Đức bắn qua Luân Đôn.

Chế tạo xong rồi, ông Wiener ngạc nhiên thấy rằng máy đó giống bộ thần kinh của loài người quá.

Năm 1945, bom nguyên tử nổ ở Hiroshima. Tinh thần luân lý của ông xúc động mạnh, ông từ chối, không chịu nghiên cứu cho quân đội nữa. Người ta kể rằng có lần ông tuyên bố với các nhà quân sự như vầy: “Nếu có một em nhỏ tám tuổi chẳng hạn, bảo rằng ở trường có những đứa lớn hơn đánh đập nó thì tôi đưa cho nó một đôi bao tay để đấu quyền và tôi dạy cho nó môn đấu quyền, chứ không đưa cho nó một con dao cạo. Các ông có nhiều trách nhiệm hơn một em nhỏ tám tuổi, vậy các ông đừng lại xin tôi giao cho các ông một con dao cạo để rồi các ông có thể cứa họng những bạn nhỏ bé của các ông”. Không rõ có thực ông tuyên bố như vậy không, nhưng không thấy ông đính chính.

Nói xong lời đó, ông đi nghỉ mát ở Mễ-tây-cơ. Tại Mễ-tây-cơ ông gặp vài nhà bác học đương nghiên cứu bộ thần kinh, như ông Lorente de No, ông Authur Rosenblutt… Ông bàn cãi với họ và thấy rằng bộ thần kinh với máy bắn (tức máy tiên tri) của ông có điểm này giống nhau là cả hai đều biết dùng những lỗi lầm đã qua để tự sửa lại lỗi hành động. Điều lạ lùng hơn nữa là máy của ông khi vướng một hạt bụi chẳng hạn máy chạy bậy, thì lúc đó “thái độ” của nó y như thái độ một người đau: một người đau bị chứng tê liệt, run rẩy đưa tay ra ráng nâng ly thuốc, thì thái độ cũng y như cái máy của ông lúc chạy bậy. Giống nhau như hệt, cả về lượng lẫn phẩm. Ông và các người cộng sự của ông có thể tính được đúng thời gian run tay của một con bệnh sẽ kéo dài bao lâu. Do đó ông nảy ra ý này là sự nghiên cứu bộ thần kinh, sự nghiên cứu hệ thống điện thoại và sự nghiên cứu những máy tự động có thể họp chung lại thành một môn mới.

Và ông đặt cho môn học mới đó cái tên là cybernétique, không ngờ rằng nhà bác học Ampère đã dùng tên đó trước ông. Tiếng cybernétique, do một tiếng Hy-lạp có nghĩa là bánh lái.

Ông bèn gom góp hết ý kiến về vấn đề đó. Nhưng nếu không có sự giúp đỡ của ông Enrique Freymann thì chưa chắc gì một tác phẩm độc đáo như vậy đã ra đời được.

Ông Enrique Freymann (mới mất đây) làm Giám đốc nhà xuất bản Hermann, đường Sorbonne ở Ba-Lê. Nhà Hermann xuất bản một loại sách lấy tên là Tin tức khoa học và kỹ nghệ (Actualités scientifiques et industrielles). Các nhà bác học danh tiếng nhất thế giới đều viết cho loại sách đó. Ông Freymann ở Ba-Lê nhưng quốc tịch Mễ-tây-cơ và khi Đức đã chiếm Pháp, ty Công An Gestapo của Đức muốn đem đày ông thì Chính phủ Mễ-tây-cơ cương quyết can thiệp, làm cho tất cả các nhà bác học thế giới đều mang ơn.

Năm 1947, Wiener lại thăm Freymann (các nhà bác học ngoại quốc nào hễ tới Ba-Lê cũng tiếp xúc với Freymann) kể những công việc nghiên cứu tìm tòi của mình ở Mễ-Tây-Cơ; Freymann nghe xong, bảo: “Phải xuất bản đi”. Thế là môn kiểm động học ra đời.

Năm 1948, sách in xong. Dưới nhan đề Cybernétique, có phụ đề này: “Những phương tiện kiểm soát và truyền đạt của loài vật và của máy móc”.

Sách rất khó hiểu, nhưng phong phú lạ lùng, làm cho tác giả nổi danh liền.

Trước khi có môn kiểm động học thì người ta cho rằng tư tưởng, thứ nhất là vài trạng thái của tư tưởng như sự lý luận, khả năng tiên tri, sự lựa chọn những ký ức là những hoạt động chỉ có bộ óc con người mới làm được. Môn kiểm động học đã cho ta thấy rằng máy móc cũng có thể làm được những việc đó. Và lần lần người ta tin ở những con người máy (robot), những bộ óc điện, những bộ máy tư tưởng.

Tin như vậy cũng hơi quá. Tất nhiên là máy không thể suy nghĩ được. Tôi xin lấy một thí dụ giản dị: khi luồng điện mạnh quá thì dây chì chảy ra mà chúng ta tránh được một hỏa hoạn. Ta nói là cầu chì nổ. Không ai nghĩ rằng cầu chì thông minh. Một bộ óc điện phức tạp hơn nhiều, cho nên người ta tưởng nó có những tính cách bí mật; nhưng sự thực nó cũng chỉ gồm nhiều cầu chì mà luồng điện có thể qua được hay không qua được. Khi luồng điện qua, người ta cho hiện lên một con số nào đó (chẳng hạn số không); khi luồng điện không qua, người ta cho hiện lên con số khác (chẳng hạn số một); theo phương pháp đó, người ta có thể cho máy làm những bài tính rất rắc rối. Chỉ khác mỗi một điều là máy toán không dùng những cầu chì thường, cứ cháy rồi là phải thay; mà dùng những đèn điện như loại đèn của các máy vô tuyến điện; hoặc những bộ phận tinh tế hơn nữa gọi là transistor.

Dùng những máy toán cực kỳ rắc rối, gồm cả triệu bộ phận như vậy, người ta có thể làm xong trong vài giây những bài toán khó khăn đến nỗi, dùng cây viết mà tính thì phải cả một đời người mới xong. Máy tính nhanh hơn cả tốc độ của một viên đạn, nghĩa là bắn phát đạn ra, khi viên đạn chưa tới đích thì máy đã cho ta biết được nó sẽ đi qua chỗ nào và nổ trúng đâu. Máy còn có thể thay người để lái một phi cơ, điều khiển một xưởng.

Loài người được năng lực kỳ diệu đó là nhờ công trình của Wiener và những người cộng tác với ông. Tuy vậy, muốn cho công bằng, chúng ta cũng không nên quên ơn một người Pháp tên là Francois Dussand, người đầu tiên đã xây dựng một lý thuyết tổng quát cho tất cả các loại máy đó.

Vậy máy có thể thay bộ óc của con người mà làm được nhiều công việc mau hơn người, nhưng không thể nào thông minh như óc của loài người được.

Ông Wiener đã nhận xét rất đúng rằng những máy giúp chúng ta làm điều thiện mà cũng có thể tăng năng lực của chúng ta để làm điều ác.

Nhờ môn kiểm động học người ta có thể chế tạo những người máy lái phi cơ để oanh tạc một châu thành. Nhưng cũng nhờ khoa đó, người ta đã chế tạo một máy đánh thuốc mê dùng ở dưỡng đường Mayo (Huê-kỳ). Máy này rất kỳ dị, dùng những sóng điện trong óc bệnh nhân mà tự động khóa vòi hơi thuốc mê lại một khi bệnh nhân bắt đầu mê man. Người ta còn có thể chế được những chân tay nhân tạo mà người cụt chân, cụt tay đeo vào, có thể điều khiển y như điều khiển những chân tay bằng da thịt vậy. Lại có những máy đọc sách cho người đui dùng, và vô số “phép màu” khác nữa.

Như vậy là loài người có thêm được những bộ óc tự chủ, không biết mệt, không cần ngủ. Ta thử tưởng tượng, có một năng lực kỳ diệu như vậy, chúng ta có thể thay đổi đời sống của chúng ta và biến đổi được cả vũ trụ đến cái mức nào!

Tuy nhiên máy không thể nào hoàn toàn thay thế được con người, không gây ra sự thất nghiệp, vì máy không khi nào có được cái óc tế nhị, máy lại không lập được chương trình. Các tạp chí chuyên môn Huê-kỳ thường rao những tin cần dùng người chuyên môn về máy tính. Chỉ có hạng suốt đời cộng cộng, chia chia, không làm được cái gì khác là sẽ lâm nguy; máy sẽ đào thải họ, vì máy có một sức nhớ vô biên (có thể nhớ được hàng tháng những con số rất rắc rối) và một sức kiên nhẫn cũng vô biên: 50 triệu bài toán cộng nó cũng coi thường!

Nhưng dù sao nó vẫn chỉ là cái máy, không thông minh, bao giờ cũng phải cần dùng người. Cho nên môn kiểm động học không làm cho ta sợ, mà trái lại, làm cho ta hy vọng. Môn đó có thể giúp ta tìm được nguyên nhân bệnh điên và phương pháp trị bệnh đó.

Nhiều nhà thần kinh bệnh học đã nghiên cứu “trường hợp” Wiener, để ráng tìm xem bộ óc kỳ dị đó làm việc ra sao. Họ không thấy gì khác bộ óc của người thường. Ông đánh bài “bridge” thì cao vô cùng, nhưng tính tình hòa nhã, không xấu chơi. Lại có tinh thần trào phúng. Một lần, trong một cuộc hội nghị các nhà bác học, ở Ba-lê, ai cũng tưởng ông tuyên bố về khoa học thì ông lại nói suốt hai giờ về bản chất của loài quỷ! Người ta thường lo ngại rằng khi cái giống “siêu nhân” xuất hiện thì họ sẽ làm những trò ghê gớm gì và đưa nhân loại vào con đường nguy hiểm nào đây. Nếu tất cả các siêu nhân đều như Norbert Wiener thì chúng ta chỉ nên cầu cho nhân loại mau có được rất nhiều siêu nhân, càng nhiều càng tốt.

 

(Constructeurs d’Univers - Hans Hartmann, Plon 1956)

 

Chú thích:

(1) Môn này nghiên cứu và kiểm soát những vận chuyển tự động

(2) Ông Hans Hartmann viết bài này trước năm 1956.

(3) Simon and Schuster - New York - 1953

(4) Chúng tôi không chắc rằng dịch đã đúng; vì không biết môn đó dạy cái gì

(5) Môn này dùng toán học để nghiên cứu về vật lý, chứ không thí nghiệm

(6) Dùng thí nghiệm để nghiên cứu vật lý

(7) Chính sách đổi quân tốt lấy quân xe trong môn cờ tướng