Gót sắt

Chương XII

Docsach24.com

au ngày cưới, tôi tình cờ gặp Giám mục Morehouse. Nhưng tôi phải kể các việc theo thứ tự. Sau hôm Người bước ra ở cuộc họp I.P.H, vốn là một tâm hồn hiền hoà, đức Giám mục đã làm theo sự thôi thúc của bạn bè, đi nghỉ. Người trở về kiên quyết hơn bao giờ hết trong việc truyền bá bức thư của Nhà thờ. Trước sự kinh ngạc lớn của Hội thánh, bài giảng đầu tiên của Người giống hệt những lời Người kêu gọi trong cuộc họp trước. Người nhắc lại, phát triển hơn nữa và đưa nhiều chi tiết đáng thất vọng về việc Nhà thờ đã đi chệch những lời dạy của Chúa và việc con bò vàng đã được dựng lên ngai thờ thay cho đức Chúa.

Và kết quả là dù muốn hay không muốn, Người cũng đã bị đưa tới một nhà điều dưỡng tư cho những người bị bệnh thần kinh, trong khi đó thì báo chí cho đăng những bài tường thuật cảm động về cơn khủng hoảng tinh thần và tính chất chí tôn của Người. Người bị giảm lỏng trong viện điều dưỡng. Tôi có yêu cầu nhiều lần, nhưng đều bị từ chối, không được đến gặp; và tôi hết sức rầu lòng vì cái thảm cảnh một người khoẻ mạnh, bình thường và tâm hồn rất cao cả đang bị đè bẹp dưới cái ý muốn tàn nhẫn của xã hội. Bởi vì đức Giám mục là một người khoẻ mạnh, bình thường và cao cả. Như Ernest đã nói, tất cả những thiếu sót của Người là ở chỗ Người có những ý niệm sai lệch về sinh học và xã hội học, và do những ý niệm sai lệch của Người, Người đã không đi được đúng đường để chỉnh đốn mọi việc trong xã hội. Tôi rất hãi hùng vì sự bất lực của đức Giám mục. Nếu Người cứ khăng khăng đi vào chân lí như Người đã nhìn thấy, Người sẽ bị giam vào nhà điên, và Người sẽ không thể làm gì được. Tiền bạc của Người, địa vị của Người và văn hoá của Người đều không cứu nổi Người. Những quan điểm của Người đều có hại cho xã hội, và xã hội không thể quan niệm rằng những quan điểm nguy hại như thế lại có thể phát sinh ra ở một bộ óc lành mạnh. Ít ra thì, theo tôi, thái độ chung cũng là như vậy.

Nhưng đức Giám mục mặc dầu tâm hồn hiền hoà, trong trắng, Người không phải là không tinh ý. Người nhìn thấy rõ những nguy hiểm của Người. Người thấy mình bị mắc trong một tấm lưới nhện và tìm cách trốn thoát. Bị bè bạn bỏ rơi không giúp đỡ - ba tôi, Ernest và tôi rất sẵn sàng giúp Người nhưng lại không được nhờ tới - Người đành phải chiến đấu một mình. Và trong sự cô độc bắt buộc của viện điều dưỡng, Người khỏi. Người lại khoẻ mạnh như thường. Mắt Người thôi không nhìn thấy những ảo ảnh nữa; óc Người đã tẩy rửa được các tư tưởng kì khôi cho rằng nhiệm vụ của xã hội là phải nuôi đàn chiên của Chúa.

Như lời tôi nói, Người đã trở nên lành mạnh, lành mạnh hoàn toàn, báo chí và những người của Nhà thờ hân hoan chào mừng Người trở lại. Một lần tôi đến Nhà thờ dưới quyền Người cai quản. Người giảng kinh giống hệt như Người vẫn hằng giảng ngày xưa, trước khi mắt Người nhìn thấy ảo ảnh. Tôi thất vọng và thấy chướng cả tai. Như vậy tức là xã hội đã đánh cho Người đến gục rồi sao? Người có phải là Người không kham nổi những cố gắng phi thường đó và ngoan ngoãn đầu hàng cái trật tự hiện hành?

Tôi đến thăm Người trong toà nhà lộng lẫy của Người. Người thay đổi một cách thảm hại. Người gầy hẳn đi và trên mặt có nhiều nét trước kia tôi chưa bao giờ thấy. Rõ ràng là Người bối rối vì tôi đến. Trong khi nói chuyện, Người kéo tay áo hoài, ông ra vẻ bứt rứt lắm; mắt Người không để yên mà nhìn ngang nhìn ngửa, nhìn đủ mọi phía để tránh gặp mặt tôi. Tâm trí Người như đang bận nghĩ một việc gì; trong câu chuyện của Người, có những chỗ ngắt quãng kì lạ, những chỗ thay đổi chủ đề đột ngột và Người nói đầu Ngô mình Sở không đâu vào đâu cả. Có thể nào đây lại là con người trầm tĩnh, giống hệt đức Chúa, có đôi mắt trong sáng, cái nhìn mạnh bạo và tâm hồn cứng cỏi mà tôi đã từng biết xưa kia: Người đã bị nhào nặn lại. Người đã bị làm cho khiếp nhược đến phải quy hàng. Tâm hồn Người mềm yếu quá. Nó không đủ sức mạnh để đương đầu với bầy chó sói có tổ chức trong xã hội.

Tôi cảm thấy buồn không sao tả xiết. Người nói năng mập mờ, khó hiểu và rất lo sợ những điều tôi có thể nói ra, thành thử tôi không có bụng dạ nào để hỏi han Người nhiều. Người nói xa xôi về bệnh tình của Người. và chúng tôi nói chuyện nhát gừng về Nhà thờ, về việc chữa cái dương cầm và những việc từ thiện nhỏ nhặt; và Người nhìn tôi ra về, vẻ nhẹ nhõm hiện rõ trên nét mặt. Trước thái độ đó, tôi những muốn bật cười, giá như tim tôi không ứ đầy nước mắt.

Ôi, người anh hùng bé nhỏ đáng thương! Giá tôi biết rõ như thế nhỉ! Người đang chiến đấu như một người khổng lồ, thế mà tôi không ngờ đến. Đơn thương độc mã giữa hàng triệu đồng loại. Người đang tiến hành cuộc chiến đấu của Người. Người rất ghê sợ không khí của nhà điên, nhưng Người vẫn muốn trung thành với chân lí và lẽ công bằng. Bị hai cái đó giằng xé, Người đã quyết tâm bám chặt lấy chân lí và lẽ công bằng, nhưng Người đơn độc đến nỗi ngay tôi Người cũng không dám tin. Người đã học bài học kinh nghiệm của Người quá kĩ. Nhưng chỉ ít lâu sau, tôi biết rõ thái độ của Người. Một hôm đức Giám mục biến mất. Người không báo trước cho ai biết về việc Người ra đi. Ít ngày sau vẫn thấy Người không trở về, người ta bắt đầu xì xào rằng Người đã tự tử trong một cơn loạn óc. Nhưng ý nghĩ đó đã tiêu tan khi người ta biết.

Người đã bán hết của cải - dinh thự của Người trong thành phố, biệt thự của Người ở Menlo Park, tranh và những sưu tập nghệ thuật của Người và cả cái tủ sách mà Người rất quý nữa. Rõ ràng là Người đã tẩu tán hết tài sản trước khi bỏ đi.

Việc đó xảy ra giữa lúc bản thân chúng tôi cũng đang bị lao đao, và mãi đến khi dọn về nhà mới, chúng tôi mới có thì giờ để thắc mắc về những việc mà đức Giám mục đã làm. Rồi mọi việc bỗng nhiên sáng tỏ. Một hôm, vào lúc sâm sẩm tối, tôi chạy qua phố để đến hiệu thịt mua sườn về làm cơm chiều cho Ernest. Trong hoàn cảnh mới của chúng tôi, chúng tôi gọi bữa ăn cuối cùng trong ngày là "bữa cơm chiều".

Vừa lúc tôi ở hiệu thịt ra, một người ở cửa hàng thực phẩm đằng góc phố cũng đi ra. Một cảm giác quen thuộc rất kỳ lạ khiến tôi nhìn lại một lượt nữa, nhưng người đó đã rẽ sang phố khác và đi rất gấp. Tôi thoáng thấy trên đôi vai xuôi và mớ tóc bạc giữa khoảng vành mũ và cổ áo của người đó một cái gì đó gợi lại cho tôi những kí ức mơ hồ. Tôi rảo bước, cố dẹp những ý nghĩ đang thành hình trong óc tôi. Không, không có lí nào. Đức Giám mục đời nào lại mặc quần áo lao động bạc phếch, dài lê thê và bợt cả đũng ra như thế!

Tôi đứng lại, mình lại cười mình, và định thôi không đuổi theo nữa. Nhưng tôi bị đôi vai và mớ tóc bạc quen quen kia ám ảnh. Tôi lại đi rảo bước. Vừa lúc đi vượt lên trên, tôi liếc nhìn rất nhanh vào mặt người đó; rồi tôi quay ngoắt lại: thì ra đức Giám mục thật.

Người cũng đứng sững lại, miệng há hốc. Cái túi giấy to Người cầm bên tay phải rơi xuống vỉa hè, bục ra và một đống khoai tây rơi tung toé, nảy cả lên chân Người và lên chân tôi. Người nhìn tôi vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi, rồi Người như xẹp xuống cất tiếng thở dài. Tôi đưa tay ra. Người bắt tay tôi và tôi thấy tay Người nhớp nhớp. Người cứ đằng hắng hoài ra vẻ rất bối rối và Người vã cả mồ hôi trán. Trông cũng biết là Người đang khiếp sợ lắm.

- Khoai tây! - Người thì thầm yếu ớt. - Quý lắm!

Cả hai chúng tôi cúi xuống nhặt và lại cho khoai vào cái túi rách. Lần này thì Người ôm khư khư cái túi trên tay. Tôi cố nói để Người hiểu là tôi rất sung sướng được gặp lại Người, và vì vậy Người phải đi ngay về nhà với tôi.

- Ba con mà được gặp cha thì ba con sướng lắm, - tôi nói. - Nhà con ở cách đây có vài bước đường thôi.

- Cha không đến được, - Người nói. - Cha vội phải đi. Thôi con về nhé.

Người lấm lét nhìn bốn chung quanh như sợ bị lộ và nhất định bỏ đi. Người thấy tôi lẽo đẽo đi theo và kiên quyết không chịu rời Người. Người bảo: - Cho cha biết nhà ta ở đâu, cha sẽ đến thăm sau. - Không, - tôi cương quyết trả lời. - Mời cha đến ngay bây giờ. Người nhìn những củ khoai tây vãi tung trên tay Người và mấy gói đồ nhỏ Người ôm ở tay bên kia.

- Quả tình cha không thể đến được, - Người nói. - Như thế này thật là khiếm nhã, nhưng thôi con bỏ quá cho cha. Giá mà con cũng biết chuyện đó nhỉ! Trông vẻ mặt người như muốn rời rã ra, nhưng Người tự chủ được ngay.

- Vả lại còn chỗ thức ăn này, - Người nói tiếp. - Đây là một trường hợp rất đáng thương. Thật là kinh khủng. Bà lão đã già rồi. Cha phải mang đến ngay cho bà ta. Bà ta đói. Cha phải đi ngay tức khắc. Con hiểu chứ? Rồi cha sẽ đến đằng nhà. Cha hứa với con thế. - Để con cùng đi với cha, - tôi tự nguyện nói. - Có xa không, thưa cha? Người thở dài và đành chịu. - Cách đây có hai dãy nhà thôi, - Người nói. - Ta đi mau lên.

Dưới sự hướng dẫn của đức Giám mục, tôi đã được biết rõ hơn về khu phố tôi đang sống. Tôi không ngờ có thể có những cảnh khổ cực thê thảm đến như thế. Dĩ nhiên, như vậy là do tôi không chú ý đến việc từ thiện. Tôi càng thấy rõ Ernest có lí khi anh ví những việc từ thiện như một lá thuốc cao dán trên một cái ung thư. Phương thuốc của anh tức là cắt bỏ cái ung thư đi; trả lại cho người thợ chỗ sản phẩm người đó đã làm ra; trợ cấp cho những người già cả đã từng lao động một cách vẻ vang cho xã hội. Như vậy sẽ không cần đến những việc từ thiện. Tin chắc như thế, tôi cùng với anh đem hết sức ra làm việc cho cách mạng, chứ không hao phí năng lực của mình để tìm cách xoa dịu những vết thương xã hội luôn luôn đẻ ra từ sự bất công của chế độ.

Tôi theo đức Giám mục vào một gian phòng nhỏ, dài chừng mười ba bộ 1, rộng chừng mười bộ, ở mãi tít nhà trong. Chúng tôi thấy một bà cụ già bé nhỏ người Đức - sáu mươi tư tuổi, theo lời đức Giám mục. Bà cụ tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi vào, nhưng bà cụ gật đầu chào rất nhã nhặn và tiếp tục khâu một chiếc quần đàn ông đặt trên đầu gối bên cạnh bà cụ, ở dưới sàn, là một đống quần như thế. Đức Giám mục thấy trong nhà hết củi, hết than, bỏ ra ngoài đi mua.

Tôi cầm một chiếc quần lên và xem xét công việc của bà cụ.

- Thưa bà, có sáu xu đấy thôi, - bà cụ vừa nói vừa khẽ lắc đầu và vẫn khâu tiếp. Bà cụ khâu chậm, nhưng khâu luôn tay. Hình như bà cụ đã bị cái động từ "khâu" hoàn toàn chế ngự. - Công phu như thế này mà họ chỉ trả có bấy nhiêu thôi à? - Tôi ngạc nhiên hỏi. - Cụ làm mất bao nhiêu thì giờ?

- Vâng, họ chỉ trả có thế, - bà cụ trả lời. - Làm xong thì được sáu xu: mỗi cái khâu mất hai tiếng đồng hồ. Nhưng mà nhà chủ không biết đến chuyện ấy, - bà cụ vội vàng nói thêm, sợ bị chủ rầy rà sau này. - Tôi làm chăm lắm. Tôi bị thấp ở cánh tay. Chị em còn con gái họ làm nhanh hơn nhiều. Họ khâu xong một chiếc chỉ bằng nửa thời giờ của tôi thôi. Ông chủ ấy rất tử tế. Ông ấy cho tôi mang việc về nhà làm, vì bây giờ tôi già rồi và tiếng máy chạy ầm ầm làm cho tôi chóng mặt. Ông ấy mà không tử tế thì tôi cũng đến chết đói...

"Vâng, những người làm ở xưởng, họ được tám xu. Nhưng bà bảo làm thế nào? Công việc đến người trẻ làm còn chẳng đủ, huống hồ người già... Thường tôi chỉ nhận được có một chiếc là hết. Thỉnh thoảng mới được như hôm nay, họ trao cho tám chiếc, phải làm xong trước khi đêm. Tôi hỏi bà cụ làm việc bao nhiêu giờ, bà cụ trả lời cái đó tuỳ theo từng mùa.

- Mùa nực: đơn đặt hàng ùn đến, tôi làm từ năm giờ sáng đến chín giờ tối. Nhưng mùa đông trời rét quá. Chưa làm tay đã cóng lại. Thành thử phải làm khuya hơn, nhiều khi đến tận nửa đêm.

"Vâng, mùa nực năm nay thật là xúi quá. Thời buổi khó khăn. Chắc là Chúa giận. Một tuần nay ông chủ mới trao cho tôi việc này là một đấy. Kể ra, không có việc làm thì cũng chẳng dám ăn nhiều. Tôi cũng đã quen thế rồi. Suốt đời tôi đi khâu thuê, ở bên nước tôi ngày trước, rồi ở cái đất San Francisco này nữa; tất cả ba mươi ba năm rồi.

"Nếu được trả tiền nhà thì mọi việc đều ổn thoả cả. Ông chủ nhà ông ấy tử tế lắm, nhưng ông ấy phải thu tiền nhà. Thế là phải, chứ còn gì nữa. Cái buồng này ông ấy chỉ lấy có ba đô-la. Như vậy là rẻ lắm rồi. Nhưng mỗi tháng xoay được ba đô-la có phải là chuyện dễ đâu?

Bà cụ lại không nói nữa và vừa gật gù vừa tiếp tục ngồi khâu. - Như vậy, cụ chi tiêu chắc là phải dè xẻn lắm nhỉ, - tôi hỏi. Bà cụ gật đầu.

- Sau khi trả tiền nhà rồi, thì cũng không đến nỗi lắm. Dĩ nhiên, mua thịt về ăn thì không được. Cũng không có sữa để pha cà-phê. Nhưng ngày nào cũng được một bữa, và thỉnh thoảng lại được hai bữa.

Bà cụ nói câu sau cùng đó một cách tự hào. Giọng bà cụ đượm một vẻ đắc thắng. Nhưng trong khi bà cụ im lặng ngồi khâu, tôi nhận thấy đôi mắt vui vui của bà cụ giấu một nỗi buồn ghê gớm và hai bên mép của bà cụ rũ xuống. Mắt bà cụ nhìn tận đâu đâu. Bà cụ vội vã đưa tay lên dụi mắt cho khỏi mờ để tiếp tục khâu cho tốt.

- Không, không phải cái đói nó làm cho người ta đau lòng đâu, - bà cụ giải thích. - Đói mãi nó cũng quen đi. Tôi khóc chính là vì đứa con gái tôi. Nó đã bị máy nghiến chết. Nó làm việc đó vất vả thật, nhưng tôi không hiểu sao được. Nó rất khoẻ. Nó còn trẻ, mới có bốn mươi, và nó mới làm được ba mươi năm. Kể ra, nó bắt đầu có sớm quá thật, nhưng mà nhà tôi mất. Nồi hơi trong xưởng nhà tôi làm bị nổ. Bà bảo lúc ấy chúng tôi còn biết xoay xở ra sao nữa? Nó lên mười nhưng nó khoẻ lắm. Khốn nạn, cái máy may đã giết mất con tôi. Đúng như thế. Nó giết chết con bé, mặc dầu con bé làm nhanh nhất xưởng. Tôi cứ nghĩ đến chuyện đó luôn, thành ra tôi biết. Vì thế tôi không thể làm việc ở xưởng được. Cái máy may làm cho đầu óc tôi quay cuồng lên. Lúc nào tôi cũng nghe thấy nó bảo: "Tao giết nó, tao giết nó!" Và cái máy cứ kêu lên như thế suốt ngày. Tôi nghĩ đến con tôi, không tài nào làm việc được nữa.

Đôi mắt già nua của bà cụ lại nhoà đi một lần nữa, và bà cụ phải lau nước mắt trước khi tiếp tục khâu. Tôi nghe thấy đức Giám mục lật đật bước lên cầu thang, liền mở cửa. Trông Người mới ngộ làm sao chứ? Người cõng trên lưng một nửa túi than, bên trên có một tí củi thanh để nhóm lửa. Mặt Người bám đầy những bụi than xuống góc phòng bên cạnh lò sưởi và lau mồ hôi bằng một chiếc mùi-soa bằng vải thô. Tôi hầu như không tin vào những giác quan của mình nữa. Đức Giám mục đen chùi chũi như một anh phu than, bận một chiếc áo sơ-mi bằng vải bông rẻ tiền đứt cả khuy cổ và một chiếc quần mặc ngoài của anh em lao công! Nghịch mắt nhất là chiếc quần đã bợt cả đũng, dài lượt thượt xuống tận gót chân và giữ ở háng bằng một chiếc thắt lưng da hẹp bản, y hệt những người lao công vẫn mặc.

Mặc dầu đức Giám mục có vẻ nóng bức, hai bàn tay sưng húp đáng thương của bà cụ già đã cóng đi vì lạnh. Trước khi từ biệt bà cụ, đức Giám mục đã nhóm xong lửa và tôi cũng đã gọt xong khoai tây cho vào luộc. Dần dần về sau, tôi được biết thêm có nhiều trường hợp tương tự trường hợp của bà cụ, và nhiều trường hợp còn thê thảm hơn, chìm trong những chỗ sâu thẳm khủng khiếp của những dãy nhà bên láng giềng.

Chúng tôi về nhà thấy Ernest đang hốt hoảng vì sự vắng mặt của tôi. Sau khi cái ngạc nhiên ban đầu của cuộc gặp mặt đã hết, đức Giám mục ngồi ngả lưng trên ghế, duỗi thẳng hai chân mặc quần vải thô và thở dài khoan khoái. Chúng tôi là những bạn cũ đầu tiên Người gặp lại từ khi Người bỏ đi, Người bảo chúng tôi thế; và trong những tuần gần đây, chắc Người khổ tâm vì nỗi cô độc của mình lắm. Người nói với chúng tôi kể cũng đã nhiều, mặc dầu Người nói nhiều hơn về niềm vui mà Người cảm thấy trong khi thực hiện những lời răn của Chúa.

- Bởi vì bây giờ, tôi đang nuôi những con chiên của Chúa, - đức Giám mục nói. - Tôi đã học được một bài học lớn. Dạ dày có yên thì phần hồn mới yên được. Đàn chiên của Người phải được nuôi bằng bánh mì, với bơ, với khoai tây, với thịt; sau đó, và chỉ có sau đó, tâm trí họ mới sẵn sàng nhận những thức ăn tinh khiết hơn.

Đức Giám mục ăn bữa ăn tôi nấu một cách ngon lành. Ngày trước, đến nhà tôi, Người không bao giờ ăn ngon miệng như thế. Chúng tôi nói chuyện về những ngày đó, và Người bảo rằng trong đời chưa bao giờ Người thấy khoẻ như bây giờ.

- Bây giờ tôi toàn đi bộ, - Người nói. Và Người hơi đỏ mặt khi nhớ tới thời kì còn lên xe xuống ngựa, coi đó như một tội lỗi khó lòng chuộc lại được. - Sức khoẻ của tôi vì thế càng tăng lên, - Người nhanh nhảu nói thêm. - Và tôi rất sung sướng, hết sức sung sướng, đúng như thế. Mãi đến bây giờ tôi mới thật là người của Chúa.

Tuy thế nhưng trên mặt Người vẫn hiện lên một nỗi đau khổ thường xuyên, nỗi khổ đau của nhân loại mà Người lấy làm nỗi đau khổ của chính mình. Người nhìn thẳng vào cuộc đời, và cuộc đời lột trần truồng ra thật là khác hẳn những điều Người đã đọc trong những cuốn sách in Người xếp trong thư viện. - Và chính ông phải chịu trách nhiệm về tất cả những cái đó, ông

bạn trẻ tuổi ạ, - Người nói thẳng với Ernest. Anh đâm luống cuống, ngượng nghịu. - Tôi... tôi đã báo trước để cụ rõ rồi kia mà, - Ernest lắp bắp.

- Không, ông hiểu sai rồi, - đức Giám mục đáp, - tôi nói đây không phải để trách móc, mà để cảm ơn. Tôi phải cảm ơn ông đã chỉ đường cho tôi đi. Ông đã dẫn tôi đi từ những lí thuyết về cuộc sống đến cuộc sống thật. Ông đã vén những tấm màn giả dối đậy lên bộ mặt thật của xã hội. Trong lúc tôi còn tối tăm thì ông là ánh sáng, nhưng bây giờ thì tôi cũng đã nhìn thấy ánh sáng rồi. Và tôi rất sung sướng. Duy có một điều... - Đức Giám mục ngập ngừng một cách đau khổ và mắt Người ngơ ngác vì sợ hãi. - Duy có một điều là người ta hành tôi. Tôi không làm gì hại ai. Tại sao họ không muốn để cho tôi yên? Nhưng cũng chưa phải thế. Chính là cái cách họ hành ấy kia. Giá họ lấy roi đánh nát thịt tôi ra, hoặc họ đem tôi đi thiêu sống, hoặc họ đóng đinh tôi lên câu rút, đầu dốc ngược xuống dưới đất, giá như thế tôi lại không sợ. Đằng này họ nhốt tôi vào nhà điên! Các bạn cứ nghĩ xem! Tôi ở trong một nhà điên. Thật là phẫn nộ! Tôi đã thấy mấy trường hợp ở nhà điên. Họ lên cơn rất dữ dội. Cứ nghĩ đến, máu tôi cũng đủ đông lại rồi. Bị cầm tù từ nay cho đến khi xuống lỗ giữa những cảnh điên cuồng hò hét ấy ư! Không! Không! Không thể được. Không thể như thế được! - Người xua xua hai bàn tay, toàn thân Người run lên và co rúm lại trước cái hình ảnh Người vừa gợi lại. Nhưng một lát sau, Người lại bình tĩnh như thường.

- Các bạn tha lỗi cho tôi, - Người nói bằng một giọng chất phác. - Thần kinh tôi bây giờ nó khốn khổ như thế đấy! Nhưng nếu vì làm công việc của Chúa mà phải tới nơi đó, thôi thì cũng đành. Phỏng tôi là cái gì mà lại than phiền? Nhìn Người, tôi những muốn kêu lên: "Đức cha vĩ đại! Ôi, người anh hùng. Người anh hùng của chúa!" Buổi tối hôm ấy, chúng tôi được biết thêm về những việc Người làm.

- Tôi bán cái nhà của tôi đi, - Người nói. - Nói đúng hơn, có bao nhiêu nhà, tôi bán hết. Tôi bán cả những của cải khác nữa. Tôi biết là tôi phải làm bí mật, nếu không họ sẽ lấy hết của tôi. Thật là kinh khủng. Nhiều lúc tôi cứ ngạc nhiên mãi: với số tiền hai chục vạn đô-la, có thể mua được vô số khoai tây, bánh mì, thịt, than, củi. - Người quay sang phía Ernest: - Ông bạn trẻ ạ, ông nói rất đúng. Lao động họ làm ra bao nhiêu, thế mà lương thì mạt hạng. Thật là khủng khiếp. Suốt đời tôi, tôi chưa hề mó tay vào một việc gì, trừ cái việc nói như rồng như phượng cho một lũ Pharisees nghe. Trước tôi cứ tưởng là tôi đi truyền bá sứ mệnh của Nhà thờ, và do đó cho nên tôi đáng giá một nửa triệu đô-la. Tôi cũng chẳng hiểu một nửa triệu đô-la mua được cơ man nào là khoai tây, là bánh mì, là bơ, là thịt. Tôi còn nhận thức được hơn thế nữa kia. Tôi nhận thức được rằng tất cả số khoai tây, bánh mì, bơ và thịt bò đó là của tôi, thế mà tôi không hề lao động để làm ra nó. Như vậy, rõ ràng là có kẻ nào khác đã lao động để tạo nên những thứ đó và bị cướp mất những thứ đó. Và khi đi xuống giữa đám dân nghèo, tôi đã thấy những kẻ bị cướp đoạt kia, những kẻ đói rách, cực khổ vì bị cướp đoạt. Chúng tôi kéo Người lại câu chuyện Người đang kể:

- Tiền ấy ư? Tôi gửi ở nhiều nhà băng khác nhau, dưới những tên khác nhau. Bây giờ thì đừng hòng cướp đi của tôi, vì sẽ không bao giờ có thể phát hiện ra được. Tiền, thật là quý hết chỗ nói. Nó mua được bao nhiêu là thức ăn! Trước kia, chẳng bao giờ tôi biết tiền dùng để làm gì. - Chúng tôi rất mong được một phần chỗ tiền đó để dùng vào việc tuyên truyền, - Ernest trầm ngâm nói. - Được như thế thì ích lợi vô cùng. - Ông chắc như thế ư? - đức Giám mục hỏi. - Tôi không tin tưởng vào chính trị lắm. Thực ra, tôi sợ là tôi không hiểu về chính trị. Ernest rất tế nhị trong những vấn đề như thế. Anh không hỏi lại, mặc dầu anh hiểu rằng Đảng Xã hội đang điêu đứng vì thiếu quỹ.

- Tôi ngủ ở nhà trọ rẻ tiền, - đức Giám mục nói tiếp. - Nhưng tôi rất sợ. Tôi không bao giờ ở lâu một chỗ. Cùng một lúc tôi thuê hai phòng ở những nhà lao động trong hai khu phố khác nhau. Kể cũng quá quắt thật đấy. Tôi biết, nhưng cần phải thế. Tôi kéo lại một phần bằng cách làm bếp lấy, mặc dầu thỉnh thoảng tôi cũng đến ăn ở những tiệm cà-phê rẻ tiền và tôi đã khám phá ra một điều: Đêm khuya, lúc trời lạnh buốt mà ăntamales 2 thì thật tuyệt. Phải một nỗi đắt quá. Nhưng tôi đã tìm ra một chỗ mua một hào được ba cái, ăn không ngon bằng những nơi khác, nhưng được cái nóng sốt. "Cuối cùng, tôi đã tìm ra việc để làm cho nhân loại và được như vậy là nhờ có ông, ông bạn trẻ tuổi ạ. Việc đó là việc của Chúa. Đức Giám mục nhìn tôi và mắt người long lanh lên: - Cô đã bắt gặp tôi đang nuôi con chiên của Chúa. Và dĩ nhiên là cả hai người sẽ cùng giữ bí mật cho tôi.

Người nói vẻ thung dung lắm, nhưng nghe cũng biết là trong bụng Người rất sợ. Người hứa sẽ lại thăm chúng tôi. Một tuần sau, chúng tôi đọc báo thấy nói đến đức Giám mục Morehouse. Người đã bị đưa vào nhà điên Napa và trường hợp của người tuy vậy cũng vẫn còn chút hi vọng. Chúng tôi tìm hết cách để gặp Người, để làm cho trường hợp của Người được xét lại và điều tra lại, nhưng vô hiệu. Chúng tôi cũng không tài nào biết được gì thêm về Người, ngoài những lời tuyên bố lắp đi lắp lại là vẫn còn có một vài hi vọng mỏng manh rằng Người sẽ khỏi bệnh.

- Chúa Jesus ngày xưa bảo người nhà giàu trẻ tuổi bán hết của cải của mình đi. - Ernest nói bằng một giọng chua chát. - Cụ Giám mục tuân theo lời Chúa dạy mà đem tất cả các thứ mình có cho người nghèo tức là điên. Không còn bàn cãi lôi thôi gì nữa. Xã hội đã lên tiếng như vậy rồi..

Chú thích:

 Bộ (foot): 32,48 cm (ND).

 Một món ăn Mexico, văn chương thời đó thường nói đến. Hình như món ăn này cho thêm rất nhiều hương liệu. Ngày nay không ai biết món ăn này nấu như thế nào.