Gót sắt

Chương X

Docsach24.com

iền ngay sau bữa tiệc với các nhà doanh nghiệp là một thời kì khủng khiếp, những biến cố liên tiếp xảy ra như sấm sét; và tôi, cái tôi bé bỏng vẫn quen sống nếp sống bình thản trong thành phố đại học yên tĩnh, thấy mình với tất cả những việc riêng của mình bị cuốn vào cơn lốc của những sự kiện lớn trên thế giới. Có phải vì yêu Ernest mà tôi đã thành một người cách mạng không, hay vì anh đã giúp tôi nhìn thấy rõ cái xã hội tôi đang sống, tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi đã thành một người cách mạng, và tôi lao vào những sự kiện đang quay cuồng diễn ra, những sự kiện mà cách đây ba tháng tôi không tài nào quan niệm được.

Cuộc khủng hoảng trong số phận riêng của tôi đến cùng một lúc với những khủng hoảng lớn trong xã hội. Trước hết, ba tôi bị sa thải khỏi trường đại học. Ồ, không phải bị sa thải theo nghĩa đen đâu. Ba tôi bị buộc phải xin từ chức, có thế thôi. Bản thân việc này không có gì đáng kể lắm. Thật ra, ba tôi lại lấy thế làm thú vị. Ba tôi đặc biệt thú vị ở chỗ cụ bị sa thải chớp nhoáng như thế là vì cụ cho xuất bản cuốn sách “Kinh tế và giáo dục”. Cái đó đã xác nhận những lập luận của cụ, cụ bảo thế. Phỏng còn có bằng chứng nào tốt hơn để chứng minh rằng nền giáo dục đã bị giai cấp tư bản thống trị.

Nhưng bằng chứng ấy không bao giờ lọt ra ngoài. Không ai biết ba tôi đã bị cưỡng bức rời khỏi trường đại học. Ba tôi là một nhà bác học tiếng tăm lớn. Đưa một tin như thế ra, cùng với lí do cụ bị buộc phải từ chức, có thể gây ít nhiều căm phẫn trên toàn thế giới. Báo chí không hết lời ca tụng và đề cao cụ, hoan nghênh cụ đã bỏ cái nghề dạy học vừa vất vả vừa nhạt nhẽo để dốc hết thời giờ vào việc nghiên cứu khoa học. Mới đầu ba tôi còn cười. Về sau cụ nổi giận – vẫn cái kiểu giận dữ mà cụ gọi là thuốc bổ. Rồi đến việc cuốn sách bị thủ tiêu. Sự thủ tiêu này tiến hành bí mật đến nỗi thoạt đầu chúng tôi không biết gì hết. Cuốn sách vừa xuất bản đã phần nào kích động nhân dân trong nước. Ba tôi bị báo chí tư bản đập một cách lịch sự: nói chung, tất cả đều lấy làm tiếc cho một nhà bác học lớn như thế lại rời bỏ lĩnh vực của mình phiêu lưu sang lĩnh vực xã hội học mà mình hoàn toàn không biết để rồi bị lạc lối. Cứ như thế luôn trong một tuần. Ba tôi cười thầm và cụ bảo là cụ điểm trúng huyệt của chủ nghĩa tư bản. Và rồi đột nhiên các báo chí và các tập san phê bình im hẳn, không nói gì đến cuốn sách nữa. Và cuốn sách cũng đột nhiên biến khỏi thị trường, vào các hàng sách không thể tìm được lấy một cuốn. Ba tôi biên thư cho các nhà xuất bản và được trả lời là các bản in đã rủi ro bị hư hại. Tiếp theo đó là cả một sự thư đi thư về rất rắc rối. Cuối cùng bị dồn vào thế không thể úp mở được nữa: các nhà xuất bản phải tuyên bố rằng họ tự thấy không có khả năng in lại cuốn sách, nhưng cũng sẵn lòng từ bỏ bản quyền của họ về cuốn sách đó.

- Ông có đi khắp nước cũng không tìm được một nhà xuất bản nào chịu sờ vào cuốn đó, – Ernest nói. – Chẳng những thế, con mà vào trường hợp ông thì con sẽ đi tìm chỗ trốn ngay. Ông mới chỉ nếm qua mấy đòn khai vị của cái Gót sắt thôi.

Nhưng ba tôi chỉ là một nhà khoa học. Ba tôi thấy người nào nhảy ngay đến kết luận thì không bao giờ tin. Một thí nghiệm khoa học không được tiến hành xong đến chi tiết thì không phải là thí nghiệm. Cho nên ba tôi kiên nhẫn đi một vòng khắp các nhà xuất bản. Họ xin lỗi đủ mọi cách: nhưng không nhà nào chịu xem cuốn sách cả.

Ba tôi chịu rằng cuốn sách đã thực sự bị thủ tiêu. Ba tôi định đưa việc này lên báo, nhưng bài cụ gửi đến không được đăng. Trong một hội nghị chính trị của Đảng Xã hội, thấy có mặt nhiều phóng viên, cụ tưởng dịp tốt đã đến. Cụ đứng dậy kể lại việc thủ tiêu cuốn sách. Hôm sau cụ đọc báo và cụ cười. Nhưng rồi cụ nổi khùng đến một độ mà tất cả cái tính chất thuốc bổ đều bị gạt đi hết. Các báo không đả động gì đến cuốn sách, nhưng lại xuyên tạc hẳn cử chỉ của cụ. Họ bóp méo những câu, những chữ và biến những nhận xét mực thước và rất thận trọng của cụ thành một bài diễn văn vô chính phủ và đầy vẻ khiêu khích. Họ làm rất khéo. Ví dụ, tôi còn nhớ một câu. Cụ dùng danh từ “cách mạng xã hội”. Phóng viên chỉ bỏ hai chữ “xã hội”. Hãng Thông tấn liên hiệp bèn lấy cái đó truyền đi khắp nước, và khắp nước nhao nhao cả lên. Cụ bị gán cho cái tên hư vô chủ nghĩa và vô chính phủ, và trong một bức tranh đả kích được in ra rộng rãi, người ta vẽ cụ đang phất một lá cờ đỏ dẫn đầu một lũ người tóc dài, vẻ mặt hung dữ, tay cầm đuốc, dao găm, và bom phá.

Báo chí viết những bài xã luận dài, đầy giọng thoá mạ, công kích hết sức dữ dội cụ là vô chính phủ, và nói lấp lửng rằng thần kinh cụ bị suy sụp. Cái cách xử sự đó của báo chí tư bản không phải là chuyện mới, Ernest bảo chúng tôi thế. Nó thường phái phóng viên đến tất cả các cuộc họp của Đảng Xã hội, dụng ý là để xuyên tạc và bóp méo những lời phát biểu đặng làm cho giai cấp trung lưu khiếp nhược, không dám bắt tay với giai cấp vô sản. Và Ernest nhắc đi nhắc lại, khuyên ba tôi thôi đừng đấu tranh nữa mà nên lánh đi một nơi. Báo chí của Đảng Xã hội phát động đấu tranh và tất cả những ai đọc báo trong giai cấp công nhân đều biết là cuốn sách bị thủ tiêu. Nhưng cũng chỉ có giai cấp công nhân biết thôi. Liền sau đó một nhà xuất bản lớn chuyên xuất bản sách về chủ nghĩa xã hội, tên là nhà Kêu gọi giác ngộ, điều đình với ba tôi để cho in cuốn sách đó. Ba tôi phấn khởi lắm, nhưng Ernest rất ngại cho cụ.

- Con đã nói với ông là tình thế chúng ta lúc này rất nguy hiểm, bất chợt sẽ xảy ra việc gì không biết, – anh khẩn khoản. – Quanh ta đang bí mật diễn ra những việc tày đình. Ta có thể cảm thấy. Ta không biết là việc gì, nhưng mà có. Tất cả bộ máy đang quay cuồng với những việc đó. Ông đừng hỏi con, chính con cũng không biết. Xã hội đang quay cuồng và có một cái gì đó đang sắp sửa kết tinh. Nó đang kết tinh. Việc thủ tiêu cuốn sách là một chất kết tủa 1 báo hiệu cái đó. Bao nhiêu sách đã bị thủ tiêu? Chúng ta không có một ý niệm gì hết. Chúng ta thật là mù mịt. Chúng ta không làm thế nào mà biết được. Đấy rồi ông xem, thể nào báo chí xã hội chủ nghĩa và các nhà xuất bản xã hội chủ nghĩa cũng sẽ bị thủ tiêu. Con sợ là sắp bị đến nơi rồi. Chúng ta cũng sắp bị bóp cổ đến nơi rồi.

Ernest bắt mạch tình hình nhanh hơn các đảng viên xã hội khác: trong vòng hai hôm, cuộc tấn công thứ nhất bắt đầu. Tờ Kêu gọi giác ngộ là một tờ báo hàng tuần, số phát hành trong giai cấp vô sản là bảy mươi nhăm vạn mỗi kì. Nó cũng thường ra những số đặc biệt luôn, phát hành từ hai đến năm triệu bản. Những số đặc biệt này phát hành được là nhờ những đội công nhân tình nguyện tập hợp xung quanh tờ báo Tiếng gọi. Đòn đầu tiên là đánh vào những số đặc biệt đó, và là một đòn búa tạ. Do một quy định độc đoán của Bưu điện, những ấn phẩm đó bị coi như không nằm trong phần lưu hành bình thường của tờ báo, và do đó không được chuyển.

Một tuần sau, Bộ Bưu điện quyết định rằng tờ báo này có tính chất phiến loạn và gạt hẳn nó ra ngoài sự chuyên chở của Bưu điện. Đó là một đòn ghê gớm đánh vào việc tuyên truyền chủ nghĩa xã hội. Tờ Kêu gọi ở trong một tình trạng tuyệt vọng. Nó dự định một kế hoạch gửi báo đến những người mua dài hạn bằng con đường của những công ty xe lửa tốc hành, nhưng họ không nhận. Thế là tờ Kêu gọi chết. Nhưng chưa chết hẳn. Tờ Kêu gọi dự định tiếp tục bộ phận xuất bản sách của nó. Hai vạn cuốn sách của ba tôi đang đóng, và máy còn đang in thêm. Một buổi tối, một đám đông kéo đến bất thần, vừa phất lá cờ Mỹ và hát những bài ca ái quốc, vừa châm lửa vào nhà máy in lớn của báo Kêu gọi, và tiêu huỷ sạch sành sanh nhà máy đó.

Lúc này Girard, ở Kansas, là một thành phố yên tĩnh, thái bình. Ở đây chưa bao giờ có những cuộc rối loạn của lao động. Tờ Kêu gọi trả lương theo quy định của Công đoàn; trong thực tế, nó là xương sống của thành phố, vì nó cấp việc làm cho hàng trăm người cả nam lẫn nữ. Cái đám đông kia không phải là dân Girard. Đám người đó như từ dưới đất chui lên và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lại chui xuống đất. Ernest nhìn thấy trong việc này một tầm nghiêm trọng hết sức ghê gớm.

- Bọn Trăm đen 2 đang được tổ chức ở Mỹ, – anh nói. – Đây mới là bước đầu. Sẽ còn nhiều chuyện như thế này. Cái Gót sắt đã bắt đầu thành hung hãn.

Thế là cuốn sách của ba tôi bị tiêu huỷ. Tiếp đó chúng tôi phải mục kích nhiều việc do bọn Trăm đen gây nên. Tuần này qua tuần khác, lại thêm nhiều tờ báo của phong trào xã hội chủ nghĩa bị Bưu điện xoá tên, không chuyên chở; và nhiều khi bị bọn Trăm đen phá cả máy in của phong trào. Dĩ nhiên các báo chí trong nước ủng hộ chính sách phản động của giai cấp thống trị và các báo chí xã hội chủ nghĩa đã bị thủ tiêu đều bị xuyên tạc và bôi nhọ, trong khi bọn Trăm đen được đưa lên thành những nhà ái quốc chân chính và những người cứu nguy cho xã hội. Những lời xuyên tạc này được tin là thật, đến nỗi ngay những giáo sĩ thành thật cũng lên toà giảng ca ngợi bọn Trăm đen, tuy họ tỏ vẻ tiếc về sự cần thiết phải dùng vũ lực.

Lịch sử đang chuyển biến gấp. Cuộc tuyển cử mùa thu sắp đến, và Ernest được Đảng Xã hội chỉ định ra tranh cử vào Quốc hội. Anh có rất nhiều khả năng trúng cử. Cuộc bãi công của ngành ô-tô buýt ở San Francisco bị phá. Và tiếp luôn đó, cuộc bãi công của anh em phu xe ngựa, xe bò bị phá. Hai cuộc thất bại này rất tai hại cho giới lao động đã được tổ chức. Tất cả liên đoàn Mặt trận đường thuỷ, cùng với đồng minh của họ ở các ngành kiến trúc, đã ủng hộ những người phu xe ngựa, xe bò; và tất cả đã tan tác thảm hại. Đó là một cuộc bãi công đẫm máu. Cảnh sát dùng dùi cui đánh vỡ đầu không biết bao nhiêu người, danh sách người chết càng tăng thêm, vì một cỗ súng máy đặt ở những kho thóc của công ty Marsden đã quạt vào những người bãi công.

Do những việc trên, mọi người đều căm thù. Mọi người đều thèm máu, đều khao khát trả thù. Bị đánh bại trên miếng đất do họ tự chọn lấy, họ sẵn sàng trả thù trên mặt trận chính trị. Họ vẫn duy trì được tổ chức công đoàn của họ, và cái đó cho họ sức mạnh để tiến hành cuộc đấu tranh chính trị đang tiếp diễn. Ernest ngày càng có cơ trúng cử. Càng ngày càng có thêm nhiều tổ chức mới quyết định ủng hộ những đảng viên xã hội, và chính Ernest cũng không nhịn được cười khi anh được tin tổ chức Lao động xe đám ma và tổ chức Lao công vặt lông gà cũng gia nhập trận tuyến của anh. Giới lao động trở nên bướng bỉnh. Họ đổ xô đến các hội nghị của Đảng Xã hội với một nhiệt tình điên dại, nhưng họ dửng dưng trước những thủ đoạn lừa lọc của những chính khách thuộc đảng phái cũ. Những nhà hùng biện của các đảng phái cũ thường được chào đón bằng những phòng họp trống rỗng, thỉnh thoảng họ cũng gặp được những phòng họp chật ních, nhưng họ thường bị làm cho thất điên bát đảo, đến nỗi nhiều khi họ phải gọi lực lượng dự trữ của cảnh sát đến để can thiệp.

Lịch sử ngày càng chuyển gấp. Không khí rung lên vì những việc đang xảy ra hay sắp xảy ra. Cả nước sắp lâm vào một thời kì khủng hoảng 3 do một loạt những năm phồn vinh gây nên. Đúng như thế, trong những năm phồn vinh này, cái khó khăn tống những hàng ế thừa không tiêu thụ hết ra nước ngoài ngày càng trở nên khó khăn thêm. Các ngành công nghiệp đều làm ít giờ đi; nhiều nhà máy lớn nghỉ việc chờ tiêu thụ hàng thừa; và lương bắt đầu bị cắt tả cắt hữu.

Cuộc bãi công lớn của công nhân cơ khí cũng bị phá vỡ. Hai mươi vạn công nhân cơ khí cùng với năm mươi vạn đồng minh ở các ngành luyện kim bị đánh bại trong cuộc đấu tranh đẫm máu nhất làm rung chuyển nước Mỹ từ trước đến nay. Công nhân đã phải dàn trận đánh nhau với bọn phá bãi công 4 có vũ trang do các hội chủ đưa ra chiến trường; bọn Trăm đen xuất hiện ở nhiều nơi lẻ tẻ, phá hoại các di sản; và do đó mười vạn quân chính quy của nước Mỹ đã được gọi ra để chấm dứt toàn bộ việc này bằng vũ lực. Một số thủ lĩnh lao động bị xử bắn; nhiều người khác bị phạt tù, và hàng nghìn người trong hàng ngũ bãi công bị tập trung vào những bãi nuôi bò 5 và bị lính tráng hành hạ rất tàn tệ.

Bây giờ là lúc phải trả nợ cho những năm phồn vinh, trả bằng một giá rất đắt. Khắp mọi thị trường đều ứ đọng, khắp mọi thị trường đều suy sụp; và trong cuộc tổng sụt giá, giá lao động sụt nhanh hơn cả. Cả nước co quắp vì những rối loạn trong công nghiệp. Chỗ này bãi công, chỗ kia bãi công, khắp mọi nơi lao động bãi công; và nếu họ không bãi công thì cũng bị bọn tư bản đẩy ra ngoài. Báo chí đầy rẫy những chuyện lao động và máu. Và tất cả những cái đó, bọn Trăm đen đã đóng vai trò của chúng. Bạo động, đốt nhà, phá hoại lung tung các tài sản là nhiệm vụ của chúng, và chúng hoàn thành nhiệm vụ một cách rất thành thạo. Tất cả quân đội chính quy được điều ra trận, nói là để đối phó với những hành động của bọn Trăm đen 6. Các thành phố lớn nhỏ đều như trại lính, và người lao động bị bắn chết như chó. Bọn phá bãi công được tuyển mộ trong đội quân đông đảo của những người thất nghiệp; và khi bọn phá bãi công bị các công đoàn đánh bại, bao giờ quân đội chính quy cũng ra mặt để đàn áp công đoàn: Rồi lại còn dân vệ. Cho đến lúc này, vẫn chưa cần phải trông vào đạo luật bí mật về dân vệ. Mới có bộ phận dân vệ chính thức ra hoạt động, nó ra hoạt động ở khắp mọi nơi và trong giai đoạn khủng bố này, quân đội chính quy được chính phủ bổ sung mười vạn người nữa.

Chưa bao giờ lao động bị đánh tứ tung như thế. Đây là lần đầu tiên bọn đại thống soái của nền công nghiệp, bọn thiểu số thống trị, ném toàn lực lượng để lấp vào lỗ hổng của các hội chủ đang chiến đấu. Các hội này trong thực tế thuộc giai cấp trung lưu, và lúc này, bị thời buổi khó khăn và thị trường suy sụp thúc bách, và được bọn đại thống soái của nền công nghiệp giúp đỡ, chúng đã giáng cho các tổ chức lao động một thất bại khủng khiếp và quyết định. Đây là một liên minh có tính chất toàn năng, nhưng là liên minh giữa con sư tử với con cừu non, và không bao lâu giai cấp trung lưu cũng đã nhận thế.

Giới lao động máu me bê bết, không nói không rằng, nhưng đã bị quật ngã. Tuy nhiên, không phải vì nó thất trận mà thời thế khó khăn. Bản thân các ngân hàng, tức là lực lượng quan trọng nhất của bọn thiểu số thống trị cũng tiếp tục thu hồi những khoản tiền cho vay. Nhóm Wall Street 7 biến thị trường chứng khoán thành một xoáy nước ghê gớm cuốn sạch sành sanh của cải trong nước. Và từ những đống hoang tàn khốc liệt, dựng lên hình thù của bọn thiểu số thống trị mới ra đời: thản nhiên, lạnh lùng và đầy tự tin. Cái bình thản và cái tự tin của nó thật khủng khiếp. Không những nó đã dùng thế lực rộng lớn của bản thân, mà còn dùng cả thế lực của Ngân quỹ nước Mỹ để thực hiện những kế hoạch của nó.

Bọn thống soái công nghiệp đã quay lại sửa giai cấp trung lưu. Những hội chủ đã từng giúp chúng cấu xé lao động, nay lại bị những bạn đồng minh ngày nào quay ra cấu xé. Giữa sự tàn tạ của lớp người trung lưu, của các nhà doanh nghiệp và các nhà tiểu công nghiệp, các tơ-rớt đứng vững. Không, các tơ-rớt không phải chỉ đứng vững. Chúng hoạt động. Chúng gieo gió, gieo gió không chút chùn tay; vì chỉ mình chúng biết gặt cơn bão lốc để kiếm lời. Và những món lời đó ư? Thật là những món lời kếch xù. Bản thân chúng có đủ sức mạnh để đương đầu với cơn bão táp mà chính chúng đã thổi lên, cho nên chúng tha hồ hôi những của cải trôi giạt xung quanh chúng. Tài sản trong nước lụn bại một cách thảm hại, không thể tưởng tượng được, và các tơ-rớt đã được thêm vô kể là của cải, thậm chí chúng mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới, và bao giờ cũng là bằng cách gây thiệt hại cho giai cấp trung lưu.

Thế là mùa hè năm 1912 đã chứng kiến trận đòn ngầm kết liễu cuộc đời của giai cấp trung lưu. Chính Ernest cũng lấy làm sửng sốt, vì việc này tiến hành mau lẹ quá. Anh lắc đầu như để báo một điềm gở và nhìn trước thấy cuộc tuyển cử vào mùa thu tới sẽ vô hy vọng. Anh bảo tôi:

- Vô ích, chúng ta đã bị đánh bại rồi. Cái Gót sắt đã xuất hiện. Anh đặt hy vọng vào một cuộc thắng lợi hoà bình, bằng phương pháp đầu phiếu. Anh nhầm. Chính lão Wickson nói đúng. Chúng ta sẽ bị tước nốt những quyền tự do ít ỏi còn sót lại; cái Gót sắt sẽ dẫm lên mặt chúng ta; không còn cách nào khác là giai cấp công nhân phải làm một cuộc cách mạng đổ máu. Cố nhiên chúng ta sẽ thắng. Nhưng cứ nghĩ đến cuộc đổ máu đó, anh lại rùng mình.

Và từ đó Ernest gửi gắm tất cả lòng tin vào cách mạng. Về điểm này, anh đi trước Đảng của anh. Những đồng chí xã hội của anh không đồng ý được với anh. Họ vẫn khăng khăng tin rằng có thể đạt được thắng lợi trong tuyển cử. Không phải là họ đã bị choáng váng vì đòn đâu. Họ không thiếu bình tĩnh, không thiếu can đảm. Họ chỉ không tin, có thế thôi. Ernest không tài nào làm được cho họ biết lo sợ đúng mức về việc bọn thiểu số thống trị sắp lên nắm chính quyền. Họ có phần nào xao xuyến vì những lời anh nói, nhưng họ quá tin ở sức mình. Trong lí luận của họ về sự tiến hoá xã hội, không có chỗ nói đến bọn thiểu số thống trị, cho nên bọn thiểu số thống trị không thể có được.

- Chúng tôi sẽ cử anh vào Quốc hội, và mọi việc sẽ ổn thoả, họ nói với anh thế trong một cuộc họp bí mật của chúng tôi.

Ernest lạnh lùng hỏi:

- Thế đến lúc chúng nó kéo tôi ra khỏi Quốc hội, bắt tôi đứng sát vào tường và bắn phọt óc tôi ra, thì các anh sẽ làm thế nào?

- Lúc bấy giờ, chúng tôi sẽ nổi dậy, – mười hai người đồng thanh trả lời, – và sẽ huy động hết lực lượng ra.

- Lúc bấy giờ, các anh sẽ bơi trong máu của các anh, – Ernest đáp. – Bài hát ấy tôi đã từng nghe giai cấp trung lưu hát rồi; và bây giờ thì giai cấp ấy với lực lượng của nó biến đâu cả rồi?

--------------------------------

 Chất rắn lắng xuống trong những phản ứng của các dung dịch hóa học.

 Trăm đen là đám phản động do bọn chuyên chế tuyển từ trong dân đen ra đế đàn áp Cách mạng Nga. Những tổ chức phản động này tấn công vào các tổ chức cách mạng, và đồng thời, những khi cần thiết,gây ra các vụ bạo động, phá hoại các tài sán để bọn chuyên chế có cớ huy động đội quân Cô-dắc.

 Những thời kì khủng hoảng như thế dưới chế độ tư bản thật là vô lí nhưng không thể tránh được. Sự phồn vinh bao giờ cũng đem lại tai hoạ. Cố nhiên tai hoạ là do số lợi nhuận thừa không tiêu thụ hết chồng chất lại gây nên.

 Bọn phá bãi công cả về mặt dụng tâm lần thực tế chỉ trừ có cái tên - chính là bọn lính tư của tư bản. Chúng rất có tổ chức, được trang bị rất mạnh, và luôn luôn sẵn sàng đáp nhưng chuyến tàu đặc biệt tới những nơi lao động bãi công hoặc bị chủ sa thải. Chỉ có ở thời kì quái gở này mới xảy ra cái việc quái gở là tên Farley, một tên chỉ huy khét tiếng của bọn phá bãi công, năm 1906 đã từng đáp tàu đặc biệt đi suốt từ bên này đến bên kia nước Mỹ, từ New York đến San Francisco, cùng với một đội quân hai nghìn năm trăm người võ trang đầy đủ để phá cuộc bãi công của anh em phu xe ở San Francisco. Hành động này vi phạm trực tiếp luật pháp trong nước. Việc giới cầm quyền làm ngơ trước hành động này và hàng nghìn hành động tương tự chứng tỏ bộ máy pháp luật hoàn toàn do bọn tài phiệt nắm.

 Trong cuộc bãi công của thợ mỏ ở bang Idaho khoảng cuối thế kỉ 19, có nhiều người bãi công bị lính tráng nhốt vào các bãi nuôi bò. Việc này sang đến thế kỉ 20 vẫn tiếp diễn.

 Chỉ có cái tên là nhập khẩu từ Nga sang, còn tư tưởng thì không. BọnTrăm đen nguyên là tổ chức mật thám của tư bản phát triển lên, và tác dụng của chúng bắt đầu có từ những cuộc đấu tranh của lao động hồi thế kỷ 19. Điều đó không còn phải bàn cãi gì nữa. Ngay Carroll D. Wright làm Bộ trưởng Lao động Mỹ thời đó cũng đã phải xác nhận như thế. Trong cuốn sách nhan đề "Giới lao động đấu tranh", y đã viết rằng "trong mấy cuộc đình công lớn có tính chất lịch sử, chính các nhà chủ đã xui giục lao động", rằng các chủ nhà máy đã cố ý gây ra bãi công để trút bỏ những kho hàng ế thừa, rằng trong những cuộc bãi công ở ngành đường sắt, bọn tay chân của chủ đã đốt các toa chở hàng để gây thêm rối oạn. Bọn Trăm đen chính là từ bọn mật thám của các ông chủ tư bản mà ra.

 Một phố của thành New York ngày xưa, địa điểm của thị trường chứng khoán, và cũng là nơi mà cái tổ chức bất hợp lí của xã hội cho phép bí mật điều khiển tất cả các ngành công nghiệp trong nước.