Gót sắt

Chương VIII

Docsach24.com

gay trước khi Ernest ứng cử vào Quốc hội trong danh sách Đảng Xã hội, ba tôi tổ chức một bữa tiệc mà ba tôi gọi riêng trong nhà là bữa tiệc “Lãi và Lỗ”. Ernest gọi bữa tiệc là bữa tiệc của những người phá máy. Trong thực tế, đó là một bữa tiệc của các nhà doanh nghiệp – lẽ dĩ nhiên là những nhà doanh nghiệp nhỏ. Theo tôi nghĩ thì không có người nào trong bọn họ kinh doanh quá số vốn hai mươi vạn đô-la. Họ đúng là đại diện cho giới kinh doanh thuộc tầng lớp giữa. Trong bữa tiệc có ông Owen, ở hãng “Silverberg, Owen và Công ty”, một hãng thực phẩm lớn có nhiều chi nhánh. Chúng tôi vẫn thường mua thực phẩm ở đó. Có cả những người hùn vốn vào hãng dược phẩm lớn Kowalt và Washburn, và ông Asmunsen, chủ một mỏ đá granite lớn ở quận Contra Costa. Còn có nhiều người khác vào loại chủ hay hùn vốn ở những xưởng máy nhỏ, những hãng buôn nhỏ, những doanh nghiệp nhỏ, tóm lại những nhà tư bản nhỏ.

Trông họ không đến nỗi nhạt lắm. Họ là những người mặt mũi sắc sảo, nói năng đơn giản và sáng sủa. Họ đồng thanh kêu ca về những công ty đại tư bản và những tơ-rớt. Khẩu hiệu của họ là “Tiêu diệt các tơ-rớt”. Mọi sự chèn ép đều do các tơ-rớt mà ra, và tất cả, không trừ ai, đều tố khổ như thế. Họ chủ trương rằng Chính phủ phải nắm lấy quyền sở hữu về những tơ-rớt như đường sắt và bưu điện và phải đánh thuế lợi tức hết sức nặng, lũy tiến một cách dữ dội để phá bỏ những tích luỹ khổng lồ. Để sửa chữa những tệ lậu ở địa phương, họ cũng chủ trương thành phố nắm quyền sở hữu những công trình có tính chất công ích như nước, khí thắp, điện thoại và xe điện.

Câu chuyện của ông Asmunsen về những nỗi điêu đứng của ông trong việc làm chủ mỏ đá đặc biệt là hay. Ông thú thực rằng mỏ đá ông không đem lại một chút lợi nhuận nào, mặc dầu khối lượng kinh doanh rất đáng kể, do chỗ San Francisco bị trận động đất lớn tàn phá. Công cuộc xây dựng lại San Francisco kéo dài sáu năm, tổng số doanh thu của ông tăng lên bốn lần, rồi tám lần, thế mà ông cũng không giàu thêm được chút nào.

- Công ty đường sắt có phần lại còn biết rõ việc kinh doanh của tôi hơn cả tôi nữa kia, – ông nói. – Những khoản chi tiêu của tôi, nó biết không sai một xu, nó thuộc cả các điều khoản trong những hợp đồng của tôi. Nó làm cách nào mà biết rõ như thế được tôi cũng chỉ đoán phỏng chừng thôi. Chắc nó phải có điệp viên trong đám nhân viên của tôi, chắc nó còn lui tới tất cả những người kí hợp đồng với tôi nữa. Các ngài xem, tôi vừa kí được một hợp đồng lớn, tiền lời tưởng đã ngon ơ, thế là giá vận tải từ mỏ đá ra thị trường lập tức tăng lên. Họ cũng không thèm giải thích gì cả. Công ty đường sắt đã nuốt chửng chỗ tiền lời của tôi. Trong những trường hợp như thế, tôi không có cách nào để làm cho họ xét lại việc tăng giá. Ngược lại, những khi có tai nạn, phí tổn khai thác tăng lên, hoặc hợp đồng khó nhai hơn, y như họ hạ giá vận chuyển. Kết quả là thế nào? Lãi lớn lãi nhỏ của tôi, công ty đường sắt nó nẫng hết.

Ernest ngắt lời hỏi:

- Số còn lại tính đến cùng cũng chỉ xấp xỉ tiền lương trả cho ông như trả cho một viên giám đốc, nếu công ty đó là chủ mỏ đá chứ gì?

- Chính thế, – ông Asmunsen trả lời. – Vừa mới rồi, tôi tính sổ sách suốt mười năm qua. Té ra số tiền lời kiếm được cũng chỉ vừa bằng tiền lương của một viên giám đốc. Khác nào chính công ty đường sắt có cái mỏ đá ấy và thuê tôi điều khiển.

- Tuy vậy vẫn có chỗ khác, – Ernest cả cười. – Là đáng lý ra, công ty phải gánh tất cả những rủi ro mà ông đã vui lòng gánh giúp.

- Rất đúng, – ông Asmunsen buồn rầu đáp.

Sau khi để mọi người phát biểu ý kiến, Ernest bắt đầu hỏi đến những người chung quanh. Anh hỏi ông Owen trước.

- Ông mở chi nhánh ở thành phố Berkeley này chừng sáu tháng rồi đấy nhỉ?

- Phải.

- Từ ngày ấy, tôi thấy ba tiệm bán thực phẩm nhỏ ở các góc phố đóng cửa. Nguyên nhân chắc là do chi nhánh của ông?

Ông Owen gật đầu cười, thoả mãn.

- Họ mong gì địch với chúng tôi được!

- Sao lại không địch được?

- Vốn chúng tôi to hơn. Kinh doanh to bao giờ cũng ít khi lỗ và bao giờ cũng nhiều hiệu lực hơn.

- Như thế là cửa hàng của ông nuốt số lãi của ba cửa hàng nhỏ. Tôi hiểu. Nhưng ông hãy nói cho tôi biết, những người chủ ba cửa hiệu ấy về sau ra sao?

- Một người lái cam-nhông giao hàng cho hãng chúng tôi. Còn hai người kia tôi không rõ.

Ernest đột nhiên quay sang phía ông Kowalt:

- Ông luôn luôn bán phá giá [59], vậy số phận những chủ hiệu thuốc nhỏ bị ông dồn vào góc tường ra làm sao?

- Trong bọn họ có ông Haasfurther hiện nay phụ trách bộ phận đơn thuốc của chúng tôi.

- Và ông đã thu hết những món lời mà họ đương kiếm được chứ gì?

- Nhất định rồi! Chính vì thế cho nên chúng tôi mới ra kinh doanh.

- Còn ông, – chợt Ernest hỏi ông Asmunsen, – ông rất khó chịu vì việc công ty đường sắt ăn hết lãi của ông có phải không?

Không có tiếng trả lời

Ông Asmunsen gật đầu.

- Bằng cách hớt tay trên những người khác, có phải không?

Ernest gặng hỏi.

- Có thế mới kiếm ra lời chứ, – ông Asmunsen trả lời cộc lốc.

- Vậy ra cái trò kinh doanh tức là kiếm lời bằng cách hớt tay trên người khác và ngăn không cho người ta hớt tay trên mình để kiếm lời. Nó là như thế, có phải không?

Ernest phải nhắc lại câu hỏi, ông Asmunsen mới chịu trả lời:

- Phải, chính thế. Tuy vậy chúng tôi không phản đối người khác kiếm lời, miễn là nó đừng quá quắt.

- Chắc ông muốn nói quá quắt nghĩa là kếch sù. Thế có khi nào ông tự phản đối, không cho mình thu những món lời kếch sù không?

Ông Asmunsen thú nhận một cách rất trang nhã rằng quả ông có cái nhược điểm ấy thật. Đến đây Ernest lại quay sang người khác, một người tên là Calvin, nguyên là chủ một hãng sữa lớn.

- Thời gian gần đây, ông chống với tơ-rớt sữa. Bây giờ ông lại theo chính sách của Đảng Kho thóc [60]. Tại sao thế?

- Ồ! Tôi đã chịu bỏ cuộc đâu! – Ông Calvin đáp, dáng điệu trông cũng khá hung hăng. – Muốn chống bọn tơ-rớt, chỉ có một lĩnh vực có thể chống được là lĩnh vực chính trị. Tôi đang chiến đấu trên lĩnh vực đó. Để tôi giải thích cho ông nghe. Cách đây mấy năm, các chủ sữa chúng tôi muốn làm gì thì làm, đều là theo ý chúng tôi.

- Nhưng các ông có cạnh tranh nhau kia mà, – Ernest ngắt lời.

- Phải, và chính cái đó làm cho tiền lời phải hạ xuống. Chúng tôi cố tập hợp thành tổ chức, nhưng luôn luôn bị những chủ sữa độc lập chọc thủng hàng ngũ. Rồi tơ-rớt sữa ra đời.

- Do số tư bản thặng dư của hãng Standard Oil [61] cấp vốn, – Ernest nói.

- Đúng thế, – ông Calvin công nhận. – Nhưng thời gian ấy chúng tôi không biết. Nhân viên của tơ-rớt sữa vác dùi cui đến tìm chúng tôi. Họ bảo: “Vào thì kiếm bẫm, hoặc nếu ở ngoài thì chết đói”. Phần đông chúng tôi gia nhập tơ-rớt. Đó là loại người không chết đói. Ồ, mới đầu, nó trả cũng bẫm. Giá sữa mỗi lít tăng một xu. Một phần tư xu do chúng tôi hưởng. Ba phần kia thuộc về tơ-rớt. Rồi giá sữa lại tăng thêm một xu nữa, nhưng chúng tôi không được xơ múi một tí gì. Chúng tôi kêu đều vô hiệu. Tơ-rớt đã nắm quyền làm chủ. Chúng tôi mới vỡ nhẽ ra mình chỉ còn là những quân cờ. Cuối cùng một phần tư xu hưởng thêm cũng bị rút mất. Rồi bọn tơ-rớt bắt đầu thắt thòng lọng. Phỏng chúng tôi còn làm gì được nữa? Chúng tôi đã bị bóp chết. Không làm gì còn những chủ sữa nữa, chỉ còn độc một hãng tơ-rớt sữa.

- Nhưng nếu giá sữa của họ tăng lên hai xu, tôi tưởng các ông có thể cạnh tranh với họ được chứ? – Ernest gợi ý một cách hóm hỉnh.

- Chúng tôi cũng tưởng thế. Chúng tôi cũng đã thử. – Ông Calvin ngừng một lát. – Nhưng chúng tôi đã lụn bại. Tơ-rớt có thể tung sữa ra thị trường với giá rẻ hơn sữa của chúng tôi. Nó bán vẫn được lãi chút ít, trong khi chúng tôi bán hoàn toàn lỗ vốn. Tôi mất năm vạn đô-la trong cuộc mạo hiểm đó. Một số lớn chúng tôi vỡ nợ. Những chủ sữa thế là bị quét sạch.

- Như thế là tơ-rớt cướp lãi của các ông, – Ernest nói. – Và các ông nhảy vào làm chính trị định để ban hành luật pháp mới, quét sạch tơ-rớt và cướp lại số tiền lãi chứ gì?

- Những khi diễn thuyết trước các chủ trại, chính tôi cũng vẫn nói như thế. Những lời ông vừa phát biểu tức là gói ghém được tất cả ý nghĩa của chúng tôi.

- Nhưng tơ-rớt sản xuất sữa vẫn rẻ hơn các chủ sữa độc lập, có phải không? – Ernest hỏi.

- Còn nói gì nữa! Nó tổ chức như trời ấy, lại dùng toàn máy móc tối tân. Vốn của nó bao nhiêu, làm gì nó không làm thế được?

- Điều đó khỏi phải bàn, – Ernest đáp. – Nhất định là nó làm được như thế và nó đương làm như thế.

Đến đây, ông Calvin lao vào một bài diễn văn chính trị để trình bày quan điểm của mình. Một số người khác theo dõi ông một cách nhiệt tình và tất cả đều la lên phải phá các tơ-rớt.

- Óc họ đơn giản một cách đáng thương hại, – Ernest nói thêm với tôi. – Họ đã nhìn thấy cái gì thì họ nhìn thấy rất rõ, chỉ phải một nỗi là họ không nhìn được xa quá tầm mũi của họ thôi.

Một lát sau, anh lại tiếp tục cuộc thảo luận và theo thói thường đặc biệt của anh, anh lái cho đến hết buổi tối.

- Tôi đã chú ý nghe tất cả các ông, – anh bắt đầu, – và tôi thấy rõ rằng các ông là những người kinh doanh theo lối chính thống. Đối với các ông thì cuộc đời tóm tắt lại tức là tiền lời. Các ông có một lòng tin chắc chắn và bền bỉ rằng các ông sinh ra chỉ cốt để kiếm lời. Duy có một điều phiền, là giữa lúc các ông đang kiếm lời thì các tơ-rớt đến cướp tiền lời của các ông. Thế là các ông ở một tình trạng tiến thoái lưỡng nan, trái hẳn với cái mục đích các ông sinh ra ở đời, và theo các ông tưởng thì chỉ có một lối ra là đập tan cái tổ chức nó đã cướp đoạt tiền lời của các ông.

“Tôi đã nghe rất kỹ. Tôi thấy chỉ có một cái tên này là tóm tắt được bản chất của các ông. Tôi sẽ gọi các ông bằng cái tên ấy. Các ông là những người phá máy. Các ông có hiểu một người phá máy là thế nào không? Để tôi nói các ông nghe. Hồi thế kỷ mười chín, ở nước Anh, đàn ông đàn bà dệt vải bằng khung cửi tay ngay ở trong nhà. Sản xuất theo cái hệ thống tại gia này vừa chậm, vừa xấu, lại vừa tốn kém. Về sau, máy hơi nước và các loại máy móc giảm nhẹ lao động ra đời. Một nghìn máy dệt tập trung trong một nhà máy lớn và do một cái máy trung ương làm chuyển động, dệt rẻ hơn những thợ dệt dùng khung cửi tay ở nhà rất nhiều. Trong nhà máy là chế độ tổ hợp, đứng trước chế độ đó, sự cạnh tranh tàn lụi đi. Những người đàn ông đàn bà làm việc cho bản thân mình trên những khung cửi tay bây giờ vào nhà máy điều khiển những máy dệt và họ làm không phải cho bản thân họ nữa, mà cho các ông chủ tư bản. Dần dần trẻ con vào làm việc ở các máy dệt, công hạ hơn và choán chỗ của người lớn. Những người này do đó mà thành khốn đốn. Mức sống của họ sụt hẳn xuống. Họ chết đói và họ đổ tất cả cho máy móc. Họ bèn phá máy. Họ không thành công bởi vì họ quá là ngây dại.

“Thế mà các ông chưa hiểu bài học đó. Sau một thế kỷ rưỡi, lại đến lượt các ông định phá máy. Chính các ông cũng phải thú thực rằng máy móc của các tơ-rớt làm việc có hiệu suất hơn và rẻ hơn các ông. Chính vì thế mà các ông không thể cạnh tranh với những máy đó. Chính vì thế mà các ông muốn phá những máy đó. Các ông còn ngây dại hơn cả những người công nhân ngây dại bên nước Anh, và trong khi các ông gầm lên đòi phục hồi sự cạnh tranh thì các tơ-rớt cứ tiếp tục tiêu diệt các ông.

“Tất cả các ông tựu trung chỉ nói có mỗi một chuyện: sự tiêu diệt của cạnh tranh và sự ra đời của tổ hợp. Chính ông, ông Owen, ông đã tiêu diệt sự cạnh tranh ở Berkeley đây khi chi nhánh của ông có hiệu lực hơn. Thế mà khi cảm thấy bị các tổ hợp khác, các tơ-rớt, chèn ép, ông liền kêu la ầm ĩ. Đó chính vì ông không phải là một tơ-rớt. Nếu ông là một tơ-rớt thực phẩm cho tất cả nước Mỹ, ông sẽ hát bài hát khác. Và bài hát của ông sẽ là: “Thượng đế hãy phù hộ cho các tơ-rớt. Nhưng cái tổ hợp nhỏ bé của ông không phải là một tơ-rớt và chính ông cũng không biết sự bất lực của nó. Ông bắt đầu đoán trước được những ngày cuối cùng của chính mình. Ông cảm thấy rằng bản thân ông cùng với những chi nhánh của ông chỉ là một quân cờ trên bàn cờ. Ông nhìn thấy những nhà giàu đầy thế lực ngày càng lên cao và càng thêm thế lực, ông cảm thấy những bàn tay bọc sắt của họ thò xuống những món tiền lời của ông và véo đây một miếng, kia một miếng, bàn tay của tơ-rớt đường sắt, tơ-rớt dầu lửa, tơ-rớt thép, tơ-rớt than; và ông biết rằng cuối cùng, những bàn tay đó sẽ tiêu diệt ông, sẽ cướp đến phần trăm cuối cùng của những món lời ít ỏi của ông.

“Thưa ông, ông quả là một người xấu chơi. Khi ông dùng cái tổ hợp ưu việt của ông để bóp chết ba hiệu thực phẩm ở Berkeley đây, ông phồng ngực lên, ông ca ngợi hiệu lực và đầu óc kinh doanh, ông gửi vợ sang châu Âu bằng những món tiền lời ông đã thu được bằng cách nuốt sống ba hiệu thực phẩm còm kia. Đó tức là chó ăn thịt chó. Ông đã ăn thịt người kia, những kẻ địch của ông. Nhưng rồi đến lượt ông bị những con chó lớn hơn ăn thịt, thế là ông rít lên. Những điều tôi nói với ông đều đúng với tất cả những người đang ngồi ở cái bàn này. Tất cả các ông đều đang rít lên. Tất cả các ông đang lâm vào nước cờ bí và tất cả các ông đang rít lên vì thế. Nhưng trong lúc các ông rít lên thì các ông không trình bày sự thể một cách minh bạch như tôi trình bày. Các ông không thú nhận rằng chính các ông thích bóp nặn tiền lời của người khác và các ông kêu la ầm ĩ là bởi vì có những kẻ khác đang bóp nặn tiền lời của các ông. Các ông thật là quỷ quyệt. Các ông toàn nói lảng sang chuyện khác. Các ông làm những bài diễn văn chính trị kiểu tư bản nhỏ như ông Calvin làm vừa rồi. Ông Calvin ông nói gì? Tôi còn ghi được vài câu của ông: “Những nguyên tắc cốt rễ của chúng ta là vững chắc”. “Điều mà đất nước này đòi hỏi là quay trở về với những phương pháp Mỹ căn bản – tức là tự do cơ hội cho tất cả mọi người…” “Tinh thần tự do trong đó đất nước này đã ra đời”, “hãy trở về với nguyên tắc của tổ tiên chúng ta”.

Khi ông ta nói “tự do cơ hội cho tất cả mọi người”, ông muốn nói đến cái tự do bóp nặn tiền lời, cái tự do ấy hiện nay đã bị các tơ-rớt tước đoạt mất của ông. Và cái điều vô lý ở trong đó là các ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi những câu ấy rồi về sau các ông tin những câu ấy thật. Các ông muốn có cơ hội cướp bóc đồng loại bằng cách thức nhỏ nhặt của các ông, các ông lại tự thôi miên đến cái độ các ông tưởng rằng các ông muốn có tự do. Các ông tham lam, bẩn thỉu, nhưng ma lực của những câu các ông nói làm cho các ông tin rằng các ông là những người ái quốc. Khát vọng về tiền lời của các ông thật ra chỉ là sự ích kỷ đến tột độ, nhưng các ông đã khéo biến tướng nó thành sự chăm sóc vị tha đối với nhân loại đau khổ! Thôi, giữa chúng ta với nhau, xin các ông hãy thành thật lấy một lần thôi, hãy nhìn thẳng vào sự thật và gọi thẳng tên nó ra”.

Bàn tiệc có nhiều người đỏ bừng mặt vì tức giận, nhưng đồng thời họ cũng tỏ ra lo ngại. Họ hơi sợ con người trẻ tuổi mặt mày hiền từ nhưng nói như dao chém và có một đặc điểm khủng khiếp là gọi cái cán mai bằng cái cán mai. Ông Calvin vội vã xin trả lời:

- Sao lại không? Sao chúng ta lại không thể quay trở về với lối sống của cha ông chúng ta từ khi thành lập nước Cộng hoà! Ông nói nhiều điểm đúng, ông Everhard ạ, mặc dầu nghe rất chối tai. Nhưng ở đây, giữa chúng ta với nhau, chúng ta có thể nói toạc móng heo ra được. Ta không cần phải úp mở: ta cứ công nhận sự thật như ông Everhard đã vạch trắng nó ra. Đúng là những người tư bản nhỏ chúng tôi chạy theo tiền lời và các tơ-rớt đã cướp mất của chúng tôi. Đúng là chúng tôi muốn phá vỡ các tơ-rớt để giữ lấy tiền lời. Tại sao chúng tôi lại không thể làm thế được? Tại sao lại không, tôi hỏi. Tại sao lại không?

- À, bây giờ chúng ta đã đi vào bản chất của sự vật, – Ernest nói ra vẻ hài lòng. – Tại sao lại không phỏng? Để tôi trả lời các ông nghe, mặc dầu tôi nói có phần chối tai đấy. Các ông có thấy không, các ông nghiên cứu việc kinh doanh theo lối cò con của các ông nhưng các ông chưa hề nghiên cứu sự tiến hoá của xã hội. Các ông đang sống giữa giai đoạn quá độ trong sự tiến hoá kinh tế, nhưng các ông không hiểu thế, và cái đó đã khiến cho các ông lầm lẫn. Tại sao các ông lại không thể quay trở lại phỏng? Là bởi vì các ông không thể nào quay trở lại được. Các ông không thể bắt sông chảy ngược về nguồn được. Cho nên các ông cũng không thể bắt ngọn trào tiến hoá kinh tế chảy ngược dòng. Joshua làm cho mặt trời đứng yên trên đất Gibeon, nhưng các ông còn muốn hơn cả Joshua. Các ông muốn mặt trời đi giật lùi. Các ông muốn thời gian đi ngược lại, từ giữa trưa trở về sáng. Đứng trước những máy móc tiết kiệm sức lao động, nền sản xuất có tổ chức, hiệu lực mỗi ngày một lớn mạnh của những hợp doanh, các ông muốn làm cho mặt trời kinh tế lùi lại chừng một thế hệ, về thời kỳ không có tư bản lớn, không có máy móc lớn, không có đường sắt, thời kỳ nhung nhúc những nhà tư bản nhỏ, họ sát phạt lẫn nhau trong một nền kinh tế vô chính phủ và sản xuất thì thô sơ, lãng phí, vô tổ chức và tốn kém. Các ông nên tin lời tôi, việc của Joshua tiếng vậy còn dễ hơn, vả lại đã ruồng bỏ những tư bản nhỏ các ông rồi. Mặt trời của các nhà tư bản nhỏ đang lúc lặn. Nó sẽ không bao giờ mọc lại đâu. Ngay giữ nó đứng nguyên một chỗ, các ông cũng không đủ sức làm. Các ông đương lâm vào con đường diệt vong, số phận các ông là phải biến hết khỏi bộ mặt xã hội.

“Đó là nghiêm lệnh của tiến hoá. Đó là lời của Thượng đế. Tổ hợp mạnh hơn cạnh tranh. Con người cổ sơ ẩn náu trong khe đá. Nó hợp lực đánh nhau với những thú dữ ăn thịt người. Kẻ thù đó là những con vật cạnh tranh với nhau, trong khi người cổ sơ là một vật biết hợp quần và chính vì thế mà nó vươn được lên địa vị chúa tể các loài vật. Và từ đó tới nay con người đã dựng lên những tổ hợp ngày càng rộng lớn. Đó tức là tổ hợp đối địch với cạnh tranh; cuộc đấu tranh đó diễn ra từ hàng nghìn thế kỉ nay và cạnh tranh bao giờ cũng bại. Cho nên những ai gia nhập hàng ngũ của cạnh tranh cuối cùng nhất định bị tiêu diệt.

- Nhưng chính các tơ-rớt cũng do cạnh tranh đẻ ra, –ông Calvin ngắt lời.

- Đúng rồi, – Ernest đáp. – Và chính các tơ-rớt đã tiêu diệt cạnh tranh. Thì ông cũng đã nói rằng chính vì thế cho nên ông không kinh doanh sữa nữa.

Lần đầu tiên có tiếng cười chạy quanh bàn tiệc và cả ông Calvin cũng phải hùa theo mọi người để cười chính bản thân ông. Ernest tiếp tục:

- Và bây giờ, vì ta đang nói đến các tơ-rớt, ta hãy nên làm sáng tỏ một vài điều. Tôi sẽ phát biểu một số ý kiến, và nếu các ông không đồng ý, các ông cứ việc nói. Nếu các ông im lặng tức là các ông đã đồng ý. Có phải máy dệt vải nhiều hơn và rẻ hơn khung cửi tay không? – Anh ngừng một lát, nhưng không ai có ý kiến gì. – Thế thì phá máy dệt đi để trở lại phương pháp dệt tay vừa thô sơ vừa tốn kém, như vậy có phải là tối vô lý không? – Mọi người gật đầu đồng ý. – Có đúng cái hình thức tổ hợp gọi tên là tơ-rớt có hiệu lực lớn hơn và sản xuất rẻ hơn hàng nghìn xí nghiệp nhỏ cạnh tranh với nhau không? – Vẫn không ai phản đối. – Như vậy tiêu diệt các tổ hợp tiết kiệm và nhiều hiệu lực ấy đi có là bất hợp lý không?

Một lúc lâu vẫn không ai trả lời. Về sau, ông Kowalt lên tiếng.

- Vậy thì làm thế nào? – ông hỏi. – Chúng tôi chỉ thấy một lối thoát duy nhất là phá các tơ-rớt để khỏi bị chúng thống trị.

Lập tức Ernest sôi lên sùng sục:

- Tôi sẽ vạch cho các ông một lối khác, – anh nói. – Ta không nên phá những máy móc thần tình ấy, nó sản xuất vừa nhiều, vừa tốt lại vừa rẻ. Ta hãy nắm lấy quyền kiểm soát nó. Ta hãy lợi dụng cái hiệu lực và cái rẻ của nó. Ta hãy điều khiển nó để phục vụ cho chúng ta. Ta hãy gạt bỏ những kẻ hiện nay làm chủ những máy móc thần tình đó. Cái đó, thưa các ông, chính là chủ nghĩa xã hội, một thứ tổ hợp rộng hơn các tơ-rớt, một tổ hợp kinh tế và xã hội lớn nhất trên hành tinh chúng ta từ xưa đến nay. Nó phù hợp với sự tiến hoá. Chúng tôi đương đầu với sự tổ hợp bằng một tổ hợp rộng lớn hơn. Đó là phe chiến thắng. Các ông nên đến với những người xã hội chủ nghĩa chúng tôi và đứng vào phe chiến thắng.

Đến đây, có ý kiến bất đồng. Nhiều người lắc đầu xì xào.

- Được, các ông thích trở thành những vật lỗi thời kia, – Ernest cả cười. – Các ông thích làm như các cụ tổ kia. Số phận các ông là sẽ bị tiêu diệt cũng như tất cả những rơi rớt di truyền từ mấy đời để lại bị tiêu diệt. Có bao giờ các ông tự hỏi đến lúc những tổ hợp lớn hơn những tơ-rớt di truyền từ mấy đời thì các ông sẽ gặp phải những chuyện gì không? Có bao giờ các ông nghĩ đến các ông sẽ đứng chân ở chỗ nào khi bản thân những tơ-rớt lớn hợp nhất lại thành một cái tổ hợp của những tổ hợp – thành một tơ-rớt xã hội, kinh tế và chính trị không? – Anh quay ngoắt lại phía ông Calvin. – Ông hãy cho biết tôi nói có đúng không? Ông bắt buộc phải lập một đảng chính trị mới vì những đảng cũ đều nằm trong tay các tơ-rớt. Trở lực chính cho việc tuyên truyền của Đảng Kho thóc các ông, chính là các tơ-rớt. Đằng sau mỗi một trở lực các ông vấp phải, đằng sau mỗi một đòn đánh vào các ông, đằng sau mỗi một thất bại các ông phải chịu, đều có bàn tay các tơ-rớt. Có phải thế không? Ông nói cho tôi nghe.

Ông Calvin im lặng, có vẻ không được thoải mái lắm.

- Ông nói đi, – Ernest giục bằng một giọng khuyến khích.

- Đúng, – ông Calvin thú nhận. – Chúng tôi nắm được cơ quan lập pháp ở bang Oregon và đã đưa thông qua được một bộ luật bảo hộ rất tuyệt, nhưng đạo luật đó đã bị một viên thống đốc, tay sai cho các tơ-rớt phủ quyết. Chúng tôi bầu được một viên thống đốc ở Colorado thì cơ quan lập pháp lại ngăn cản không cho ông ta nhận chức. Hai lần chúng tôi đưa thông qua một thứ thuế quốc gia về lợi tức thì hai lần Toà án tối cao bác bỏ, coi như trái với Hiến pháp. Toà án đều nằm trong tay các tơ-rớt. Chúng ta là dân chúng, chúng ta trả tiền các quan toà không được sộp lắm. Nhưng rồi sẽ có thời kỳ…

- Mà các tơ-rớt sẽ họp nhau lại để kiểm soát tất cả việc lập pháp, mà tập đoàn các tơ-rớt bản thân nó sẽ thành chính phủ, – Ernest ngắt lời.

- Không khi nào, không khi nào, – mọi người nhao nhao lên. Ai nấy đều có vẻ bực tức, hung hăng.

- Các ông hãy nói cho tôi nghe, – Ernest hỏi, – nếu thời kỳ đó đến, các ông sẽ làm gì?

- Chúng tôi sẽ dốc toàn lực nổi dậy, – ông Asmunsen hét lớn và nhiều người lên tiếng ủng hộ quyết định của ông.

- Thế thì nội chiến rồi còn gì, – Ernest doạ.

- Nội chiến thì nội chiến, – ông Asmunsen đáp và tất cả những người ngồi ở bàn đằng sau chỗ ông hưởng ứng rầm rầm. – Chúng tôi chưa quên những chiến công oanh liệt của ông cha. Vì tự do của chúng ta, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu và hi sinh.

Ernest mỉm cười nói:

- Các ông đừng quên vừa rồi chúng ta đã mặc nhiên đồng ý với nhau rằng tự do ở trường hợp các ông có nghĩa là tự do bóp chẹt người khác để kiếm lời.

Bàn tiệc lúc này ầm ầm phẫn nộ, tưởng chừng sắp có đánh nhau đến nơi; nhưng giọng Ernest át tiếng ồn ào.

- Tôi hỏi thêm câu nữa. Khi các ông dốc toàn lực nổi dậy thì lý do khiến các ông nổi dậy sẽ là việc các tơ-rớt nắm được chính phủ trong tay. Như vậy để chống với lực lượng của các ông, chính phủ sẽ dùng quân đội chính quy, thuỷ quân, dân vệ, cảnh sát, nói tóm lại tất cả bộ máy chiến tranh có tổ chức của nước Mỹ. Vậy thì lực lượng của các ông đâu?

Sự sợ hãi hiện trên mặt mọi người. Họ chưa kịp trấn tĩnh, Ernest đã nói luôn:

- Các ông có nhớ không, cách đây không lâu, quân đội chính quy của chúng ta chỉ có năm vạn người. Nhưng quân số mỗi năm một tăng và bây giờ lên đến ba mươi vạn.

Anh tiếp tục tấn công:

- Chưa hết. Trong khi các ông bo bo đuổi theo cái bóng ma yêu quý của các ông là tiền lời và các ông thuyết luân lý về cái bùa hộ mệnh của các ông là sự cạnh tranh, thì các tơ-rớt đã hoàn thành những việc to lớn hơn và khủng khiếp hơn kia. Lại còn tổ chức dân vệ.

- Đó chính là lực lượng của chúng tôi! – Ông Kowalt kêu to. – Với tổ chức đó, chúng tôi sẽ đánh bật sự tấn công của quân đội chính quy.

- Thế có nghĩa là chính các ông sẽ gia nhập dân vệ, – Ernest vặn lại, – và các ông sẽ bị điều đi Maine, đi Florida, đi Philippines hay một nơi nào khác để đàn áp những đồng chí của các ông đang làm nội chiến vì tự do. Trong khi đó, những đồng chí của các ông ở Kansas, Wisconsin hay ở các bang khác sẽ gia nhập dân vệ và sẽ đến California dìm cuộc nội chiến của bản thân các ông trong biển máu.

Lần này, tất cả đều kinh ngạc thật sự và lặng đi không nói được.

Sau cùng ông Owen lẩm bẩm:

- Chúng tôi sẽ không gia nhập dân vệ. Thế là xong. Chúng tôi cũng không đến nỗi ngốc thế đâu.

Ernest phá lên cười.

- Các ông không hiểu về quyền lực của các tơ-rớt. Các ông không vào cũng không được. Các ông sẽ bị bắt vào dân vệ.

- Còn có một thứ mà vẫn gọi là dân luật chứ? – Ông Owen nhấn mạnh.

- Không có đâu, một khi chính phủ đã tuyên bố thiết quân luật. Đến ngày mà các ông dốc hết lực lượng ra để nổi dậy, lực lượng của các ông sẽ quay lại đập vào các ông. Dù không muốn, các ông cũng sẽ phải vào dân vệ. Tôi vừa nghe thấy có người nói đến luật tự do thân thể. Các ông sẽ không được hưởng luật tự do thân thể đâu, mà sẽ chỉ được hưởng luật khám nghiệm thi thể thôi. Nếu các ông không chịu vào dân vệ, hoặc không chịu tuân theo lệnh một khi đã nhập ngũ; các ông sẽ ra trước toà án quân sự và các ông sẽ bị bắn chết như những con chó. Luật pháp là như thế.

- Đó không phải là luật pháp! – Ông Calvin nói rất quả quyết. – Không có thứ luật pháp nào như thế. Ông bạn trẻ tuổi ạ, ông mê ngủ rồi. Sao, ông không nói điều động dân vệ sang Philippines à? Như thế trái với Hiến pháp. Hiến pháp quy định rõ ràng: không được điều động dân vệ ra khỏi nước.

- Hiến pháp thì có liên quan gì đến việc đó? – Ernest hỏi. – Các Toà án đứng ra giải thích Hiến pháp và như ông Asmunsen đã công nhận thì Toà án là con đẻ của các tơ-rớt. Vả lại, như tôi đã nói, luật pháp nó là như thế. Có luật pháp như thế từ lâu rồi. Từ chín năm nay rồi, thưa các ông.

- Nghĩa là chúng tôi có thể bị bắt vào dân vệ à? – Ông Calvin tỏ vẻ không tin. – Nghĩa là nếu chúng tôi không chịu đi thì họ sẽ đem ra toà án quân sự đặc biệt xử bắn à?

- Chính thế, – Ernest đáp.

- Chúng ta chưa nghe nói đến đạo luật ấy bao giờ là làm sao nhỉ, – ba tôi hỏi và tỏ ra ngạc nhiên lắm.

- Vì hai lý do, – Ernest nói. – Trước hết vì chưa cần phải ban hành đạo luật đó. Nếu cần thì các ông cũng đã được nghe nói sớm kia rồi. Sau nữa vì đạo luật đó được thông qua chớp nhoáng ở Quốc hội và ở Thượng nghị viện, thông qua một cách bí mật, thực ra thì không có thảo luật. Lẽ dĩ nhiên, các báo không đả động gì đến nó. Nhưng những đảng viên xã hội chúng tôi biết chuyện đó. Chúng tôi đã cho đăng trên báo chí của chúng tôi. Nhưng các ông có đọc báo chí của chúng tôi bao giờ đâu!

- Tôi vẫn cho là ông mê ngủ, – ông Calvin khăng khăng không chịu. – Nước ta không bao giờ lại cho phép làm như thế.

- Nhưng nước ta đã cho phép rồi đấy, – Ernest trả lời. – Còn về chuyện các ông bảo tôi mê ngủ, – Ernest cho tay vào túi rút ra một cuốn sách nhỏ, – các ông hãy nó cho tôi nghe, đây có phải là mê ngủ không?

Anh mở cuốn sách ra đọc:

- “Điều khoản Một, ra sắc luật vân vân và vân vân, – tổ chức dân vệ bao gồm tất cả những công dân nam giới, khoẻ mạnh, từ mười tám tuổi trở lên và bốn mươi tuổi trở xuống, trú ngụ tại bang, các địa hạt và quận Columbia…

“Điều khoản Bảy. Tất cả các sĩ quan hay những người bị trưng tập vào dân vệ – Thưa các ông, các ông nên nhớ chiếu theo điều khoản Một, tất cả các ông đều là những người bị trưng tập – nếu không chịu trình diện với sĩ quan tuyển binh sau khi được gọi như đã quy định ở đây, sẽ bị đưa ra toà án quân sự và phải chịu những hình phạt của toà án đó.

“Điều khoản Tám. Toà án quân sự xử những sĩ quan hay những chiến đấu viên thường trong dân vệ, sẽ gồm toàn sĩ quan của tổ chức dân vệ.

“Điều khoản Chín. Dân vệ khi được gọi ra để phục vụ nước Mỹ sẽ phải tuân theo những điều lệnh và những quy định về chiến tranh cũng như quân đội chính quy của nước Mỹ.

“Đấy, tình cảnh các ông là như thế, thưa các ông công dân nước Mỹ, các đồng chí dân vệ của tôi. Cách đây chín năm, những đảng viên xã hội chúng tôi tưởng rằng đạo luật đó chĩa mũi nhọn vào giới cần lao. Nhưng chính nó cũng chĩa cả vào các ông nữa thì phải. Trong cuộc thảo luận ngắn ngủi được giới cầm quyền cho phép, nghị sĩ Wiley tuyên bố rằng dự luật đó tạo nên một lực lượng dự trữ để nắm lấy cổ “lũ dân đen” – chính các ông cũng chỉ là dân đen, thưa các ông – “và để bảo vệ trong mọi trường hợp bất trắc đời sống tự do và quyền sở hữu”. Tương lai, khi nào các ông dốc hết lực lượng ra để nổi dậy, xin các ông nhớ cho rằng các ông sẽ nổi dậy chống quyền sở hữu của các tơ-rớt và quyền tự do được pháp luật công nhận cho các tơ-rớt bóp cổ các ông. Thưa các ông, nanh các ông đã bị nhổ rồi. Vuốt các ông đã bị gọt rồi. Đến ngày các ông dốc hết lực lượng ra nổi dậy thì các ông đã hết nanh vuốt, và các ông sẽ yếu như một đàn sên”.

- Tôi không tin! – Ông Kowalt kêu lên. – Không làm gì có luật nào như thế. Đây chỉ là một tin vịt do đám đảng viên xã hội các ông tung ra thôi.

- Dự luật đó được đại biểu Dick ở bang Ohio đưa ra Hạ nghị viện ngày 30 tháng 7 năm 1902, – Ernest đáp. – Nó được đem thảo luật chớp nhoáng. Nó được Thượng nghị viện thông qua ngày 14 tháng 1 năm 1903. Và đúng bảy ngày sau, được Tổng thống Mỹ phê chuẩn.62.

Chú thích:

59- Bán hoà vốn, có khi bán lỗ vốn. Như vậy một công ty lớn có thể bán lỗ vốn trong một thời gian dài hơn là một công ty nhỏ, khiến công ty nhỏ phải bỏ kinh doanh. Đây là một lối cạnh tranh.

60- Thời kỳ này có nhiều cố gắng tập hợp giai cấp chủ trại suy tàn trong một đảng chính trị để phá các tơ-rớt và các công ty đại tư bản bằng một chế độ luật nghiêm khác. Sau cùng tất cả những cố gắng đó đều

thất bại.

61- Tơ-rớt dầu lửa lớn nhất, kiếm được rất nhiều lời. Một thế hệ sau, các tơ-rớt khác mới ra đời.

62- Về đại thể, Everhard nói đúng, mặc dầu anh nhớ nhầm ngày. Dự luật đó được đưa ra ngày 30 tháng 6 chứ không phải 30 tháng 7. Ở Ardis còn có cuốn Biên bản Quốc hội, trong đó có nói về những ngày tháng liên quan đến dự luật đó như sau: 30 tháng Sáu, 9, 15, 16 và 17 tháng Mười hai 1902, 7 và 14 tháng Một 1903. Những nhà kinh doanh có mặt ở bữa ăn không biết về điều này cũng không có gì lạ. Rất ít người biết về đạo luật đó. Tháng 7 năm 1903, nhà cách mạng Untermann có viết ở Girard (Kansas) một bài ban đả kích đạo “Dự luật Dân vệ”. Bài đó được truyền bá trong giới công nhân, nhưng hồi đó sự phân hoá giai cấp đã quá sâu sắc, giai cấp trung lưu không được nghe nói đến bài đó, vì vậy không biết gì về đạo luật nói trên.