Thấp thoáng trong câu tục ngữ rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng là hình ảnh một nàng dâu hiền thảo, biết nhường nhịn, chăm sóc mẹ chồng, một từ nhịn hẳn cũng nói lên được điều đó. Lại nữa, nhường nhịn rau muống tháng chín lại càng rõ, vì rằng độ tháng chín rau muống đã hết vụ nên hiếm hoi. Ở đây, chúng ta gặp một cô con dâu tốt bụng và một bà mẹ chồng hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, điều đó lại là một nghịch lý. Những gì tưởng như được nói ra một cách hiển minh, lại được tiềm ẩn những ngụ ý sâu sắc với một cách hiểu trái ngược đầy vẻ mỉa mai. Vẫn là rau muống tháng chín nhưng đâu phải hiểu như trên. Đành rằng, tháng chín rau muống hiếm hoi hơn, nhưng đó chỉ là thứ rau trái vụ, chát đắng và dai nhách. Vẫn là nhịn nhưng đâu phải là sự nhường nhịn chia sẻ mà là sự chịu đựng, thà không ăn, nhịn đói nhịn khát còn hơn.
Hóa ra là nàng dâu trong rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng là một người con bất hiếu, dồn những gì khó nuốt, nuốt không trôi cho mẹ chồng. Câu tục ngữ phản ánh sự đối xử không tốt, thậm chí nhẫn tâm của nàng dâu đối với mẹ chồng. Quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng xưa nay thường được nhìn nhận như vậy, thành ra, trong lời ăn tiếng nói của nhân dân ta mới có câu thành ngữ có tính "tổng kết" là như nàng dâu với mẹ chồng. Dĩ nhiên, đây là cách đánh giá cũ, nặng thành kiến từ xa xưa để lại ngày nay. Người phụ nữ biết rõ mối quan hệ cùng giới tính, mối quan hệ "nội bộ", và chính họ, cũng nhận thức rõ, ai chẳng qua một thời trẻ trung, ai chẳng là nàng dâu, ai chẳng về buổi xế chiều, mấy ai chẳng phải là mẹ chồng, để rồi họ thông cảm cho nhau hơn, thương yêu nhau hơn.
Trong sử dụng ngôn ngữ, tục ngữ này có thể được dùng với dạng đầy đủ rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng. Về ý nghĩa, câu tục ngữ này có thể được dùng vượt ra ngoài phạm vi chỉ mối quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng. Trên thực tế, nó được dùng để phủ nhận, bác bỏ sự chăm sóc giữa các đối tượng khác nhau trong những mối quan hệ khác nhau.