Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ

Giật gấu vá vai

Giật gấu vá vai là chỉ việc làm ăn luẩn quẩn cò con, không tạo ra được sự thay đổi lớn, lâu dài mà chỉ có tính chắp vá nhất thời. Chuyện cái vai và cái gấu trên đây là hình ảnh của kẻ khó làm ăn tạm bợ, nhưng cũng có ý chỉ tình cảnh cần giúp đỡ nhau.

Lấy chỗ vải ở gấu áo đem vá vào chỗ ở vai áo bị rách.

Câu này hàm ý chỉ việc xoay xở, chạy vạy, lấy chỗ nọ bù đắp vào chỗ kia để khắc phục tình trạng thiếu thốn túng quẫn.

Còn có câu: Bốc tay sốt, để tay nguội; Vặt đầu cá vá đầu tôm.

Chuyện kể:

Người nọ có mỗi một chiếc áo. Mặc nhiều lâu ngày áo rách ở vai. Chỗ vai áo bị rách hở hoác không thể nào coi được. Thấy cái gấu áo lòng thòng, chẳng mấy tác dụng, cái vai áo bèn bảo cái gấu áo:

- Chị cho tôi mượn một miếng vải ở gấu của chị. Chị để đấy cũng chỉ phí hoài, chẳng làm gì!

Cái gấu áo bảo:

- Sinh ra cái áo thì phải có vai, có gấu. Lấy của tôi bù cho chị thì tôi xin của ai bù cho tôi đây.

Cái gấu mới thuyết phục:

- Chị xem, tôi với chị cùng mẹ đẻ ra, làm cái áo che cho người. Vai tôi bị rách hở hoác, chúng ta lại chẳng xấu hay sao! Hơn nữa, cái phần gấu của chị có mất đi một chút thì mấy ai để ý.

Cái gấu vốn rộng lòng thương người lại nghe cái vai thuyết phục thấy có lý, nghĩ lại thấy mình cũng chỉ là một phần của áo, thôi thì cứ cho cái vai một miếng, nào đã có sao, bèn nói:

- Chị cứ giật lấy một miếng của tôi mà để lên đó, ta đỡ đần nhau được chút nào hay chút ấy, miễn là vai áo chị đỡ hở ra, che kín được cho người là tốt rồi.

Cái vai áo nghe vậy bèn bảo người giật lấy một miếng ở gấu áo rồi vá vào chỗ rách ở vai. Cái vai áo được vá kín, hết hở thịt ra, còn cái gấu thì bị mất một vạt. Tuy vậy, cái áo không bị hở vai lộ liễu như trước nữa.

Người lúc ấy mới bảo:

- Thôi tạm như thế cũng được.

-------------------

Cả cái áo chỉ có ngần ấy vải, giật chỗ này vá vào chỗ khác bị rách thì tất yếu chỗ bị giật, bị xén bớt sẽ lại thiếu hụt. Đấy chỉ là biện pháp tạm bợ, để che giấu cái khiếm khuyết dễ bị lộ ra ngoài. Giật gấu vá vai là chỉ việc làm ăn luẩn quẩn cò con, không tạo ra được sự thay đổi lớn, lâu dài mà chỉ có tính chắp vá nhất thời. Chuyện cái vai và cái gấu trên đây là hình ảnh của kẻ khó làm ăn tạm bợ, nhưng cũng có ý chỉ tình cảnh cần giúp đỡ nhau.

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)