Khi tìm hiểu ý nghĩa thành ngữ đục nước béo cò người ta thường lưu tâm đến một hiện thực dễ dàng quan sát thấy ở các vùng nông thôn. Ta đã biết, cò là một loài vật đêm ngày lặn lội kiếm con ốc, bắt con tôm, con cá trên đồng ruộng. Phải nhọc nhằn lắm, may ra cò mới kiếm được miếng ăn hàng ngày. Thế nhưng, trong các vụ cày bừa, ruộng nước đục ngầu, bùn, lấm làm cho cá tôm ở dưới nước không chịu được phải ngoi mình lên mặt nước. Thế là chẳng vất vả bao công, cứ thế cò chén những con vật xấu số do hoàn cảnh "đục nước" mà phải ngoi mình làm mồi cho nó. Biết lợi dụng vụ cày bừa, với những chân ruộng đục nước, cò có thể kiếm chác, nuôi thân béo mầm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự quan sát này thì chưa làm bộc lộ rõ được cách đánh giá của nhân dân ta đối với kẻ cơ hội lợi dụng hoàn cảnh rối ren nội bộ mà kiếm lợi lộc qua thành ngữ đục nước béo cò!
"Nghĩ đến câu đục nước béo cò
Nên bao nhiêu sự thật sờ sờ
Các xừ cứ tảng lờ như chẳng rõ"
(Thơ Tú Mỡ)
Hẳn là trong quan niệm dân gian còn có một ý tứ gì thâm hậu hơn được tiềm ẩn trong thành ngữ này. Đục nước trong đục nước béo cò không hẳn chỉ phản ánh nhân tố khách quan đưa lại sự rối ren của hoàn cảnh (như do cày bừa) mà còn có thể do bản thân các nhân tố chủ quan gây nên. Cảnh đàn cá tranh ăn, cảnh cá lớn nuốt cá bé, chẳng làm khuấy động môi trường sống của chúng ta là gì. Một điều thú vị hơn là tại sao "đục nước" lại chỉ béo mỗi chú cò và chính cò là biểu hiện của kẻ cơ hội? Có lẽ đối với nhân dân ta, con cò gắn liền với cuộc sống đồng ruộng, ngoài việc tự thân kiếm ăn, cò còn là kẻ cướp công, ăn bớt ăn xén công sức của kẻ khác. Cốc mò cò xơi, cò ăn bớt của cốc, chẳng phải là xuất phát từ cách nhìn nhận đó hay sao? Cho nên cò là biểu trưng cho hạng người cơ hội, và với thành ngữ đục nước béo cò nhân dân ta phê phán hành vi của bọn cơ hội chủ nghĩa.
"Rân nhảy ra đúng lúc, khi lãnh chúa Kỳ Bường là lão Phô đã gục, khi Chính phủ bị người phải vung tiền ra mua, khi tình hình rối loạn dễ đục nước béo cò. Cha hắn sao biết chỗ lắt léo ấy" (Phan Tư- "Gia đình má Bảy")