Giải thích Thành ngữ - Tục ngữ

Cửa Khổng sân Trình

Trong thành ngữ nổi bật tên tuổi hai nhân vật tiêu biểu của đạo Nho: Khổng (Khổng Tử) và Trình (Trình Tử). Khổng Tử là người học rộng, tài cao, vốn là người nhà Chu nước Lỗ (551 trước công nguyên). Khổng Tử soạn lại Lục Kinh, Kinh Thi, phê bình Kinh dịch, dịch Kinh lễ, Kinh nhạc làm Kinh Xuân – Thu và Lục nghệ. Đạo của Khổng Tử dạy gồm 8 tôn chỉ: hiếu, dễ, trung, thứ, tu, tề, trị, bình. Học trò của Khổng Tử rất nhiều. Về sau, chính họ đã chép những lời dạy của thầy mình thành Luận ngữ. Còn Trình Tử, tức là Trình Điều, một danh nho thời Tống thì cũng không hiếm người theo học. Như vậy, nói đến cửa Khổng sân Trình là nói đến hai bậc thầy nổi tiếng trong mối quan hệ với học trò của họ. Thầy và trò là tiêu biểu cho nhà trường, do đó thành ngữ cửa Khổng sân Trình dễ dàng được hiểu là trường học, nơi dạy đạo Nho thuở trước. Thành ngữ cửa Khổng sân Trình còn có biến thể là sân Trình cửa Khổng.

Ngoài ra, trong văn học cổ còn dùng các từ ngữ như sân Trình, cửa Trình, cửa Tuyết, sân Tuyết với ý nghĩa tương tự như cửa Khổng sân Trình. Các dạng thức này được hình thành từ điển tích được ghi lại trong Chu Tử ngữ học. Số là, có hai học trò là Du Tạc và Dương Thời đến nhà Trình Tử ra mắt thầy. Đến nơi thì thầy đang nhắm mắt ngẫm nghĩ. Họ không dám cắt dòng suy nghĩ của thầy, cứ như vậy đứng lặng yên. Mãi đến khi thầy Trình mở mắt thì tuyết đã rơi ở chỗ hai cậu học trò đứng dày đến một thước. Do tích này mà các từ ngữ sân Trình, cửa Trình, sân Tuyết, cửa Tuyết chẳng những biểu hiện nơi học tập đạo Nho mà còn thêm nét nghĩa hàm chỉ ý chí quyết tâm cầu học của những người có chí tiến thủ theo con đường đèn sách thuở trước:

“Thông minh sẵn có tư trời

Còn khi đồng ấu mãi vui cửa Trình”

(Bích Câu kỳ ngộ)