Gia Đình Má Bảy

CHƯƠNG 10

Docsach24.com

hững tin "cộng về, cộng nổi, cộng đánh" truyền theo đường xe lửa và đường ô tô đổ về Kỳ Bường, chỉ thì thầm miệng ghé sát tai mà mạnh như sóng ngầm.

Ở chợ Đồng Trầu:

- Cá chuồn muối bây giờ cao giá chị ơi... Nè, nghe nói Cách mạng nổi trên Kỳ Sơn hả chị?

- Giải phóng rồi, biệt kích lên xóc chông lu bù... Mỗi chục bà bớt cho hai đồng hử?

- Đâu được. Chị gặp Sáu Dõng không?

- Gặp. Mập mạnh lắm, qua nhà tôi luôn.

- Vậy chị lấy hết hai chục cá đi, không tiền nong chi. Về đưa ảnh một chục, nói tôi gửi... Thôi nể chị quá, bán lỗ cho xong trớt, chợ với búa!

Trên sân ga Đồng Mè:

- Ủa, thằng Hai. Đi quân dịch sao được về đó?

- Chú giỡn chi vậy, cháu đi bao giờ... Cháu nói nhỏ đây. Đại đội cháu hành quân trên núi Trà Bồng, chết, bị thương gần hết, cháu trốn luôn.

- Khoan về nhà đã, tụi nó gác dọc đường nhiều. Để tao dẫn tới nhà quen cho ở tạm, tối nay má mày tới đón. Má mày biết mày về nhất định xẻ con heo lứa ăn mừng.

Trong bữa cơm gia đình:

- Con gà mái để lại, đừng bán.

- Tiền đâu mua gạo?

- Hết gạo ta ăn khoai. Giã sẵn vài lon nếp giống nữa. Bộ đội đằng mình sắp về rồi.

- Vậy mà còn úp úp mở mở?

Cơn lốc đồng khởi bốc lên từ Bến Tre đã ra đến miền Trung, đang từ núi rừng Tây Nguyên đổ xuống biển Đông, đi tới đâu cuốn đất lên trời tới đấy.

Lòng người dân Kỳ Bường cồn lên, cồn lên. Câu to tiếp câu nhỏ, cái đầu gật gù, chân tay rậm rật. Ngọn đèn thắp hạt đậu đợi chờ được vặn to trong mắt. Những đôi mắt ấy nháy nhau hí hửng, rồi xoi xói nhìn theo bọn ác ôn, tìm sẵn chỗ trên thân chúng để xóc một mũi dao bén ngọt, hay ít ra cũng quật một khúc củi tạ. Nghĩ bấy nhiêu cũng đủ sướng rân cả người.

Đến khi nghe nói trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có nhiều ông bà chưa hề nghe tên, lại treo cờ xanh đỏ sao vàng, không ít người thấy ngờ ngợ. Coi chừng kẻo lầm với Quốc dân đảng, Đại Việt, cái bọn tranh ăn với Diệm, tự xng là cách mạng nhưng giết dân không kịp đếm. Trong cái xã hội tạp nham lừa lọc này, hễ một thứ hàng tốt ra đời là có ngay năm bảy thứ hàng giả bắt chước rất giống. Thế là đồng bào ùn ùn đi tìm Cách mạng, coi thử, nghe thử, nếu nhận ra đúng cán bộ "đằng mình" thì cố mà rước về. Khi biết rành mạch trong Mặt trận tỉnh nhà có ông Chín Chuyền - tỉnh ủy viên Đảng Lao động Việt Nam ngày trước - ở cấp huyện lại có anh Sáu Dõng cùng xã, bà con Kỳ Bường mới tin hẳn là "Cách mạng thứ thiệt, Cách mạng chánh hiệu".

Bọn tề sợ mất máu. Lão đại diện hội đồng đập bệnh bỏ việc ít lâu sau bị công an tỉnh tống giam. Lão Hạnh phó đại diện thấy vậy không dám từ chức. Mỗi buổi trưa lão đến trụ sở ngồi lơ láo vài tiếng, rồi trốn về quận ngủ nhờ.

Ba Phổ cảnh sát trưởng nhảy lên kiêm luôn chức đại diện. Hắn leo lên ngôi độc tôn trong xã và quyết giữ ngôi bằng được. Hắn giàu nhất xã, không thể bỏ ruộng đất mà chạy tháo thân. Hắn húc như trâu điên. Hắn bắt toàn xã "đình công học tố cộng" nửa tháng, bắt quì "sám hối" trắng đêm hết bốn cây nến chứ không cho "đứng một đèn" như trước. Hắn tự tay đánh chết và mổ bụng hai người dám cãi trước lớp. Hắn buộc từ trẻ em mười bốn tuổi tới ông bà già sáu mươi tuổi đeo mõ đi gác. Cảnh sát phó Huỳnh mở miệng can, hắn rút súng đòi bắn ngay giữa trụ sở.

Trong buổi lễ "Toàn dân trích huyết ăn thề trung thành với Ngô tổng thống", Ba Phổ gầm dữ dội. Vì cố gầm nhiều quá nên giọng hắn khản đặc:

- Đồng bào ngó lại cái mặt hai mươi năm diệt cộng đây (trước hắn chỉ nói mười lăm năm). Hễ Việt cộng về ám sát cán bộ quốc gia thì sao? Thì hết thảy các gia đình nhảy núi, tập kết, đảng viên cũ, tôi cho ba tấc đất lấp mặt là yên, còn lại bao nhiêu phải di dân hết. ằng này có chết cũng nửa xã chết theo. Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn. Đừng tưởng dễ ăn mà mừng. Ai theo Việt cộng tôi cứ để cho tự do, chỉ xin một miếng gan làm kỷ niệm!

Hắn rút dao găm cắm phập xuống bàn, để con dao rung rung lại đấy, bước xuống. Trong cái bộ hùng hổ ấy hiện rõ sự khủng khiếp. Vẻ "máu lạnh Ănglê", của hắn không còn nữa. Hắn bắt đầu nghi kỵ, đay nghiến, chửi đánh bọn đàn em. Mới ba tháng trước, chính hắn còn nói "Việt cộng ăn lá cây ỉa cứt bò, bảy đứa đeo một cộng đu đủ không gãy, đẽo cọng dừa làm súng". Bây giờ nghe ai nhắc vậy là hắn bạt tai, ghép tội "nói mỉa quốc gia".

Hắn hung đến nỗi bọn tề xã thôn và lũ theo đóm ăn tàn cũng lánh xa hắn. Chúng đi phân trần với những người có con em theo Cách mạng:

- Phần ổng làm ổng chịu, bọn tôi có gì không phải nhờ bà con xí xóa cho. Chẳng qua dùi đánh đục, đục phải đánh săng...

Vài tên "Cần lao nhân vị" nhiều nợ máu với đồng bào bám riết Phổ, xui hắn đánh giết gắt hơn nữa. Chúng họp thành một nhóm, thề "không đầu hàng cộng sản". Chúng đào nhiều hầm bí mật, một đêm đổi chỗ ngủ ba bốn lần, rải một mạng lưới cộng tác viên chuyên đưa tin hỏa tốc cho chúng tránh Quân giải phóng. Một số dân vệ thân tín nhất mang cả trung liên và bộ đàm đi ngủ lang với chúng, được chúng cho ăn nhậu thả cửa. Trong số đó đồng bào ngạc nhiên thấy có Tư Sỏi. Sỏi mới tập đánh bạc uống rượu mà đã mê tít, có đồng nào ném vào quán thịt chó với sòng bài hết. Thằng Phổ nói với tay chân:

- Cả trung đội dân vệ có một mình nó lì lợm nhứt. Thằng đó nói như cóc cắn, đánh thì thấu trời. Anh nó theo Việt Minh chết từ bảy mươi đời rồi, cả nhà nó không ai dính với cộng sản... Nó bướng hả? Nó không phải cộng sản mới dám bướng. Chó sủa không mấy khi cắn. Mà trò đời, hễ sa vô cái vụ đớp hít với xìlát cáctê, đố thằng nào nhả ra được mà theo cộng sản.

*

Tùng tùng, tùng! Tùng tùng, tùng!

Tiếng trống cái từ trên Kỳ Lâm cuộn về, hằn rõ trên tiếng mõ lao xao khắp nơi, như ếch ộp kêu chen với nhái sau mưa. Xa hơn nữa, phía Kỳ An, Kỳ Chính cũng râm ran trống mõ. Địch đặt ra cái lệ báo động liên hoàn này ban đầu là để đốc dân ra vây bắt cán bộ ta, gần đây biến thành hiệu báo cho bọn tề kịp chạy trốn Quân giải phóng. Nhưng đêm nay đồng bào Kỳ Bường hiểu ngay: các xã mé trên sông Nhỡn kéo cờ khởi nghĩa!

Cũng tiếng trống mõ đau lòng của mẹ đuổi bắt con năm xưa, sao bây giờ giục giã rộn ràng đến thế!

Bọn dân vệ gác cầu sông Nhỡn thổi còi rút chạy. Nửa giờ sau súng nổ loạn ở chợ Đồng Trầu. Mấy viên đạn lửa đỏ lừ bay chậm, ngoáy đuôi loằng ngoằng đến tận ngọn tre trước cổng nhà má Bảy. Má đang đun nồi nước vội chạy ra sân xem. Chưa có lệnh khởi ở Kỳ Bường, ai đã đánh vào chợ Đồng Trầu?

Tư Sỏi luồn cửa sau vào bếp. Áo quần Sỏi mặt trước đẫm bùn, mặt sau khô. Sỏi hổn hển.

- Anh Bê tới... má nói... tôi tìm ra hầm bem thằng Phổ rồi. Chiều mai cho con Út quán bà Lành lấy tin. Tôi không về được.

- Súng nào bắn dữ vậy con?

- Biệt kích bắn lầm dân vệ. Bên nào cũng hoảng tam tinh, quên ráo mật khẩu. Thằng Quỳ chết rồi. Tổ cha nó, ham ba đồng lương miết. Đang lộn xộn tôi chạy về một chút, phải xuống gấp. Má còn tiền không?

Má móc túi, còn bốn chục đồng đưa hết cho con:

- Tiêu gì vậy?

- Đánh bạc. Tốn gần ba trăm rồi, cay quá.

Sỏi đâm đầu ra vườn, biến mất. Má lại ngồi đun nước. Con cái vắng cả, má làm sao nhắm mắt được. Út Sâm chống xuồng qua sông lúc sẩm tối, lên Kỳ Lâm gặp đội anh Dõng, chắc ham vui ở lại luôn trên ấy.

Nghĩ đến hai con, má cứ nửa mừng nửa lo. Chúng nó trên nuôi hai mươi tuổi đã biết gánh việc dân việc nước, không đến nỗi xấu hổ với lớp đàn anh. Thế nhưng má cứ nhớ những sự khờ dại của con từ khi ẵm ngửa đến giờ mà ngại. Tư Sỏi còn khá, đến như Út Sâm dỗ ba câu là nghe, thốt ba tiếng là hớ, làm sao cho khỏi hỏng việc lớn? Chuyện binh đao mà Sâm cứ giỡn cười như không...

Má nhớ đến thằng Quỳ. Cũng tội nghiệp. Nó chết dễ dàng, gọn lỏn, như cái chén rớt xuống đất, người ta thuận chân đá luôn mảnh vỡ vào đống rác. Nó có họ với má. Nhà nghèo trời dòm qua mái, nó đánh bạc thua hết lúa bồ lúa non, tham lương nhảy vào dân vệ đã bốn năm nay. Nó không độc hại gì, chỉ ranh vặt, hay xin xỏ bòn mót của những người dễ tính như má. Nó chết, người ta không rủa nó ác như cũng nhiếc nó dại... Ừ, hai con má dù khờ dại đến đâu cũng còn khôn gấp trăm lần những đứa như thằng Quỳ. Có lẽ má sống mãi với con nên không thấy con lớn khôn. Mà chưa khôn đã có Cách mạng dạy. Ai dạy mau khôn cho bằng Cách mạng?

Gà gáy nửa đêm eo óc. Rồi bìm bịp gọi trở canh. Má đang bỏ trấu rấm bếp, út Sâm rón rén vào lúc nào không biết, "hừ" một tiếng bên tai má. Má giật mình:

- Ớ ông trùm ông xã... Đứa nào vậy?

Má không nhận ra con ngay. Sâm cầm súng gỗ, mặc bộ đồng phục "thanh niên cộng hòa" màu xanh biển của anh, đội một cái mũ trẻ con bằng vải chỏm tròn, vành mềm sụp xuống che mắt. Quanh lưng Sâm thắt một nịt đạn to rách tướp, đeo lủng lẳng một cái chuông xe đạp và hai hộp sắt gỉ, khi Sâm cựa mình chúng kêu lục cục rổn rảng. Mặt và cổ bôi lọ nồi đen nham nhở, khiến hàm răng cười nổi trắng lóe.

Sâm cười, nói khao khao:

- Oai không má? Giống ông Giải phóng chưa? À mà má thấy Giải phóng bao giờ đâu?

- Làm trò gì vậy Út?

- Trò giành chánh quyền. Vui ghê lắm. Con đi bắt ác ôn Kỳ Lâm, tụi nó lạy con như rái giỗ cha. Con kêu loa muốn đứt gân cổ. Tối mai đến lượt xã mình. Còn cơm nguội không má?

Sâm ăn ngốn ngấu mấy tảng cơm cháy, đi rửa mặt qua loa, thay áo quần xong lăn ra ngủ. Má phải soi đèn, lấy khăn ướt lau mặt và cổ con cho thật sạch lọ.

Chợt nhớ ra, má lên nhà trên xem thử. Quả nhiên Sâm vứtừa cái nịt đạn giả, cái mũ vải và cây súng gỗ trong góc nhà. Má chép miệng, đem tất cả ra hầm bí mật giấu. Sâm làm cách mạng nhẹ nhõm như đi chơi. Nhẹ quá nên dễ tròng trành, dễ vấp ngã.

Cũng như hầu hết bà con, má tưởng đồng khởi là việc rất đơn giản: trống đánh, loa kêu, đồng bào biểu tình giành chính quyền, kéo cờ tuyên bố độc lập như năm Dậu. Nhưng cái ngày đồng khởi hôm nay lại nhốn nháo, lắt léo, dài chưa từng thấy.

Sâm thức dậy, đâm bổ qua nhà chị Năm. Còn lại một mình má ngơ ngẩn, vá chưa xong cái áo lại vất đấy đi nhen lửa nấu cám heo, giống hệt Sâm khi lên cơn đãng trí và bị má mắng: "Lãng lãng như con gái sảng chồng". Chốc chốc má lại ra xem bóng nắng. Bóng cau xõa trên mặt sân cứ ì ra, hồi lâu chỉ ngắn lại được một gang tay, hình như nó ngại cái giờ quyết liệt đến mau quá.

Trên đường tỉnh, đồng bào Kỳ Lâm lũ lượt kéo xuống quận báo cáo cái vụ tối qua: Quân giải phóng về làm chủ toàn xã, nắm đầu hết những người làm việc quốc gia, cử ủy ban Mặt trận xong xuôi cả. Quân giải phóng đông lắm, súng ống to nhỏ đủ cỡ, chỉ ở ngoài đồi hoang chứ không ở làng, gặp ai cũng giở bản đồ ra hỏi đường xuống quận xuống tỉnh.

Một chị quen má Bảy ghé vào uống nước, nói ỡm ờ:

- Lính giải phóng có một con nhỏ dễ thương lắm, nhà nó ở Đồng Dừa...

Má chột dạ. Chị kia nheo mắt:

- Ông Dõng đẩy nó vô nhà tôi, nhờ tôi trét lọ nồi cho nó... Tôi đi đây bác. Hù bọn quận một mẻ chơi cho sướng miệng, mà cũng chặn luôn cái chuyện ném bom bắn áo vô làng.

Má cười, nhẹ người. Thì ra cũng đằng mình cả.

Rồi cô Mại đến tìm Sâm. Tuy đang hoảng nhưng Mại vẫn diện đồng hồ mạ vàng to bằng cúc áo, hoa tai nở lập lòe, áo nilông hồng nhạt viền đăng ten ở tất cả những chỗ có thể viền được.

Mại cất giọng nhõng nhẽo của đào cải lương:

- Ối, cháu khủng khiếp quá bác ơi!

- Việc gì mà khiếp?

- Cháu đa cảm lắm bác ạ. Cháu sợ mọi sự lưu huyết trên đời. Ôi, cuộc đời ngang trái!

Mại thở dài một cái rõ dài, moi trong cái làn nhựa đỏ ra một gói giấy to:

- Cháu may cờ cho Sâm đây. Giấu đi bác. Cháu không chối từ một hy sinh nào vì Sâm. Thưa bác cháu về ạ.

Mại vuốt lại rèm tóc buông trên trán theo kiểu tóc "bà Nhu" trong ảnh, nghiêng đầu chào má. Má cố nín cười. Má vẫn không hiểu vì sao con nhỏ đỏng đảnh này lại mến Út Sâm được.

Tiếp tới chị Đa đem con sang gửi má. Đầu tóc của chị quanh năm rối bù, hôm nay thêm mấy chùm trái ké mắc vào. Tối qua nghe súng nổ chị khiếp quá, ban đầu chui xuống phản, sau sợ đạn lửa cháy nhà lại ôm con chui vào hàng rào ngồi run. Chị tất tưởi quảy gánh trầu xuống chợ bán. Sợ thì vẫn sợ, nhưng bụng đói đầu gối phải bò, để héo cả gánh trầu buôn thì hốt đất mà ăn à.

Chị Đa đi chừng một tiếng đồng hồ lại thấy hộc tốc người không chạy về, mặt cắt không ra giọt máu:

- Trốn... trốn bác ơi! Chết sạch trơn!

- Gì đó chị?

- Việt cộng về... soạn gánh đi bác!

- Đâu, Việt cộng đâu?

- Về trên Kỳ Lâm. Nghe nói họ làm tội người nhà lính quốc gia trên đó. Dọn đồ đi bác. Tôi có bà thím dưới Kỳ Hải, xuống đó ở tạm. Kìa, mau lên bác!

Chị Đa được cái miệng ít lời nhưng phải đôi tai quá mỏng. Chị hay nghe, hễ nghe là tin răm rắp, bởi chị nghĩ ai cũng khôn hơn mình. Trộm cắp, trai gái, giặc giã, cờ bạc, chuyện gì chị cũng ham nghe. Chị rất mê hóng "chuyện Việt cộng", vừa hóng vừa rùng mình như nghe chuyện ma hiện hồn. Mới đi một quãng đường mà chị đã hứng vào tai khối tin đồn trái ngược. Cách mạng chiếm quận rồi, trương cờ búa liềm, mặc áo quần đen hết. Sư đoàn số mấy đó của chính phủ đang đánh lên Kỳ Sơn. Một đại đội bảo an của tỉnh theo Giải phóng, một "ông núi" đeo hai súng lục đứng ra phất cờ, hô một tiếng dạ rắp thiệt đều. Và cuối cùng, độp một cái: "Việt cộng sẽ trừng trị những người có chồng con đi lính cụ Ngô". Lạy Trời, lạy Chúa, lạy Phật!

Người vợ lính ngụy quanh năm tất bật hớt hải ấy sợ tái xanh tái xám, chỉ còn đủ trí khôn để gửi gánh trầu nhờ nhà quen ở chợ bán hộ, rồi ríu chân chạy về với con. Trong óc chị rối tinh những phe nhữngng kéo quân về Kỳ Bường, sắp đánh nhau loạn đả xà ngầu như tuồng Chiến quốc, dân sẽ nát như tương. Cách mạng với giải phóng chắc là phía tốt. Việt cộng với cộng sản trị vợ lính kiểu ấy thì ác quá. Chưa biết bên nào hơn, hẵng cứ lánh nạn cái đã.

Má Bảy xẵng giọng:

- Ai nói bậy bạ vậy?

- Ông Ba Phổ. Ổng biểu tản cư về quận, ổng phát gạo cho ăn.

- Tôi không chạy. Anh Sáu Dõng về đây không chặt đầu tôi đâu mà lo.

- Việt cộng chớ đâu phải ông Dõng!

Trong lúc cuống cuồng, chị quên rằng chính chị thường trầm trồ với má Bảy về ông Dõng "Việt cộng nằm vùng".

- Ngán chị lắm. Vô ra cũng cha bầy trẻ, lại còn chia ra cha thằng Túc với cha con Thừa!

Má nói lấp lửng vừa đủ cho chị đỡ sợ, và nghĩ thầm kiêu hãnh: "Cách mạng nằm ngay trong nhà tôi đây chớ ở đâu mà về?". Chị Đa nghe lời má ở lại, không phải vì đã hiểu mà vì có người cứng bóng vía hơn để chị dựa hơi. Con má Bảy vô dân vệ, thấy má không sợ chị cũng đỡ lo.

- Lỡ bên cụ Ngô cho tàu bay ném bom hay bắn đại bác, ta làm sao bác?

- Đào hầm mà núp. Hồi đánh Tây chín năm, bom đạn vãi như trấu, nhà tôi có sứt mẻ gì đâu. Mà hễ họ giết dân thì mình phải kêu kiện gắt chớ.

- Thôi trăm sự tôi nhờ bác. Bác còn tôi còn.

Chị ở luôn trong nhà má Bảy, dỗ con ngủ rồi thái chuối, giúp má.

Bóng cau lùi ra khỏi sân, nhường bóng dừa từ sau nhà nhích tới. Một chiếc "tàu rà" xõa đôi cánh vuông quần bốn năm vòng trên Kỳ Bường, bay lên Kỳ Lâm. Tiếp tới hai chiếc trực thăng hình chuồn chuồn bay dọc sông Nhỡn, sà thấp xuống Đồng Dừa, bánh xe gần chạm ngọn tre. Tiếng phành phạch nhức óc làm trâu ngoài đồng bứt mũi nhảy lồng, chó sủa đứt hơi. Chúng đỗ xuống bãi đá bóng gần chợ Đồng Trầu.

Má Bảy bắt đầu lo. Giữa bấy nhiêu chuyện rối bời, Út Sâm có nhớ xuống quán bà Lành lấy tình hình không? Má dặn nó hai lần, nhưng nó nói trước quên sau, biết đâu. Má gửi nhà cho chị Đa, xách cái vỏ chai bảo xuống chợ mua dầu lửa. Má cứ muốn luôn luôn có mặt bên con để nhắc nó nhớ. Con chim mới ra ràng, để nó bay một mình má không yên bụng.

Ra đến đường ô tô, má dừng lại. Đại đội biệt kích của quận từ Đồng Trầu kéo lên phía cầu sông Nhỡn, kẹp súng dò dẫm đi dưới vệ cỏ, tránh mặt đường đắp cao. Mấy tên dân vệ dẫn đầu, trong đó có Tư Sỏi. Đến gần má, Sỏi nháy mắt nói to:

- Má về xếp gánh chạy giặc mau lên! Triệt để tản cư, vườn không nhà trống, mai mốt dẹp cộng sản xong rồi về.

- Con Út đâu?

- Má đánh nó một trận cho tôi. Sáng giờ cứ quanh quẩn chỗ quán chợ, chơi rông ho

Gần cuối hàng quân, má thấy thằng Phổ, mấy đứa lạ mặt có lẽ ở quận về, rồi hai thằng Mỹ. Bọn Mỹ mặc đồ đen, đội mũ bê rê giống hệt biệt kích. Chúng chống gậy cong đầu đi lom khom cho đỡ cao, trông như đang đóng vai ông già trên sân khấu. Một tên ngước đôi mắt thau nhìn má, xì xồ cái gì. Má thấy đầu gối mềm ra, nghĩ "Nó nghi, nó bắt...", nhưng vẫn gân mặt nhìn trả. Tên Mỹ kia đáp lại xì xồ, đưa gậy chỉ về phía gò Chà Là. Chúng đi thẳng. Má ngó theo, còn thấy hai cái cổ đỏ như cổ gà chọi cố thụt sâu vào vai.

Má trở về nhà, thấp thỏm nghĩ đến cuộc nổi dậy tối nay. Bọn Mỹ đem quân lên, định dựa vào sông để chống ta. Má biết rõ không có "sư đoàn 305" nào kéo về cả. Nhân bọn ngụy dựng đứng lên chuyện ấy, đồng bào thổi phồng thêm để dọa lại chúng thôi. Còn Quân giải phóng thì hầu hết cũng giống Út Sâm, chỉ có súng gỗ và chuông xe đạp đeo lưng. Phải hoãn đồng khởi mất. Má bỗng tiếc xót xa, tiếc quặn cả người. Trông mãi mới tới cái ngày mở mặt...

Sỏi chạy vọt qua ngõ. Má ra đón ngoài sân để chị Đa khỏi nghe lỏm.

- Má giả soạn gánh mà đừng đi. Ai hỏi, nói đau bụng, đợi tôi về gánh. Báo cho anh Bê: biệt kích đưa Mỹ đi coi địa thế rồi rút về giữ quận, không ngủ trong xã. Tụi nó để ba lô ở quận, không đem cơm chiều.

Má thở phào.

- Thằng Phổ ngủ lại Đồng Mè, hễ động là chạy qua đường sắt xuống Kỳ Hải. Nó đi đâu tôi theo đó. Cóc cắn trời gầm không nhả. Tôi biểu con Út ở lại dưới chợ, đợi lấy tin chót.

Đôi mắt Sỏi long lên, rồi cặp mí sưng dày lại cụp xuống, che kín ánh thép nhọn. Sỏi ra khỏi ngõ, gọi với vào:

- Má nhớ nhét gói áo quần tôi vô trong gánh, nghe má!

Đại đội biệt kích dàn ra ven sông. Bọn Mỹ và tề không dám lên cầu, chỉ đi dọc bờ, bàn tán. Trong đám mía bên kia sông bỗng bật lên bốn năm tiếng súng liền liền. Một tên lính từ trên bực đất cao lộn đầu nhào xuống bãi như đuổi theo cây súng rơi trước nó. Hai tên nữa lăn gô ra đất. Súng chỉ bắn hai loạt, tiếng còi toe toe như kèn lính tiếp liền theo, rồi tiếng loa nổi: "Hỡi anh em binh sĩ...".

Bọn biệt kích kêu thét, chạy nhốn nháo tìm chỗ nấp:

- Chủ lực Việt cộng!

- Chết cha bay ơi rút, rút...

- Bắn! Kìa, ống ầm 1 nổ đi!

Thằng Phổ gào lạc giọng:

- Vì Chúa vì dân, tiến lên! Xung phong! Đèo mẹ, có tiến không?

Không một tên nào dám nhô ra đến bờ sông. Chúng bắn một hồi như trút đạn cho nhẹ, rồi rút chạy. Mấy tên nhào vào nhà má Bảy, đứa rút dao chặt tre, đứa tháo nghiến cái võng đay. Bị má níu tay, chúng thở hồng hộc:

- Bà cho mượn... bồi thường sau... ông Mỹ bị rồi, ông cốn...

Má nhớ lại, không đòi võng nữa. Cái võng của má bở lắm. Nó sẽ ném thằng Mỹ xuống đất.

Bọn lính khiêng lủng lẳng qua nhà má một thằng Mỹ rống ò ò trong họng. Thằng Mỹ kia đi sau, hết khóc sụt sịt lại giơ gậy dọa đánh lính. Máu chảy xuống, vẩy một tràng chấm sẫm lượn sóng trên đất khô. Trẻ em trong xóm ùa theo xem Mỹ rên Mỹ khóc. Một lát sau, thằng Túc chạy về lí láu kể với má: võng bị đứt, thằng Mỹ rơi xuống đường ôtô như mít rụng, rú một tiếng khủng khiếp. Thằng bạn nó quất gậy túi bụi vào bọn biệt kích. Cuối cùng, chúng đem nhau đến chợ Đồng Trầu và lên trực thăng.

Trận đánh Mỹ - ngụy đầu tiên trên đất Kỳ Bường diễn ra như vậy.

*

Cái ngày dằng dặc đầy những mừng lo nối tiếp ấy rồi cũng qua hết.

Đến giờ lên đèn Sâm mới về, nhăn nhó kêu đau bụng kinh. Má bắt Sâm lên giường nằm, pha một mo đài nước nóng đặt trên bụng con cho đỡ đau. Nhưng vừa nghe ba tiếng cú rúc sau vườn Sâm đã chồm dậy, hất mo nước đổ lênh láng cả chiếu. Sâm dặn má trước khi đâm bổ ra vườn:

- Ai tới nói "tôi đi cà lơ phất phơ", má chỉ ra thẳng vạt dừa nghe má. Người nào nói khác thì biểu họ về ngay, nói xã có lệnh giới nghiêm, cấm tụ

Trời tối hẳn. Những người "cà lơ phất phơ" lục tục kéo đến.

Ông Nhâm mặt hồng hơi men, tay cầm cây mác mới mài, tay vê chòm râu đen: "Tôi mới học tố cộng trên quận về, bị cùm xà lim ngứa cẳng quá, cũng bắt chước họ đi cà lơ phất phơ một chút". Chị Năm khoác vai một tay nải to, cười hết hai hàm răng đen lánh, dắt theo bốn cậu "thanh niên diệt cộng" ở Đồng Trầu vác gậy và đeo lựu đạn. Tới một nhóm "thanh niên cộng hòa" ba trai hai gái, xách cây thuốn sắt được xã phát để xăm hầm, đi với cô Hai Ngọ con ông Nhâm. Rồi anh Trưng thôn đội phó cũ, thằng Chuân con ông Rạng, ơ kìa con Trấu ôm cái loa to tướng nữa. Người mình hết. Làm cách mạng hết.

Má sướng muốn múa lên. Mấy lần má hỏi Bê và chị Năm về số người đằng ta, họ cứ cười cười lấp lửng: "Cách mạng miền Nam ai làm nấy biết!". Kín miệng ghê. Bây giờ tim má đập như trống báo động. Má chỉ đường cho gần ba chục người. Qua câu chuyện của họ, má biết ở các thôn còn nhiều nhóm đang đợi. Họ không kéo lên, sợ đông quá sẽ lộ, bọn ác ôn trốn mất.

Khi ngớt người đến, má Bảy mang vò nước chè và rổ chén ra vườn, rót đưa cho bà con uống. Dõng đang nói trong bóng cây:

- Cho Đồng Mè đi trước. Tránh chó sủa. Nhớ kỹ ám tín hiệu chưa?... Ờ, tốt. Đừng để sẩy con thịt bự. Đi đi Bê, liên lạc ngay với T.61. Hốt cho gọn nghe.

T.61 là tên mật của Sỏi. Út Sâm là T.73.

Khu vườn dừa tối nhấp nhô những bóng đi lại, thì thào. Chất nổ cứ dồn ứ nơi thiếu ánh sáng và tiếng động này. Quả mìn đen và im lặng chứa đầy sấm lửa bên trong.

Một đoàn người tuôn ra phía bờ sông. Má Bảy nhận ra Bê nhờ cây tiểu liên báng rút vác vai. Má túm áo Bê:

- Mãn cuộc rồi, kêu anh em về ăn cháo gà nghe con!

- Dạ.

Trên cổ Bê đeo lủng lẳng một vật gì sáng loáng như con dao găm. Má sờ thử, nhận ra cái còi hình loa mạ kền của xe Lam. Thì ra tiếng kèn của Quân giải phóng hồi chiều là do Bê thổi.

Lại nhóm nữa ra đi, vác rất nhiều ống loa bằng tôn, giấy, mo cau. Dõng đi với nhóm này. Má vội kéo tay anh:

- Con Út đâu anh?

- Má đó à? T.73 vừa đi với Bê xuống Đồng Mè. Nó khá lắm.

- Còn tôi, tôi làm gì, đi đâu?

Dõng cười:

- Má làm trưởng trạm liên lạc của ủy ban khởi nghĩa. To lắm. Chị Năm ở lại đây với má.

Vườn dừa đã vợi người. Chỉ còn một nhóm của Đồng Dừa với chị Năm Tân. Khi bộ phận của Bê bắt xong ác ôn, nổ súng làm hiệu, họ sẽ vét nốt bọn tề điệp tôm tép trong làng và phát loa gọi đồng bào đi mít tinh. Má Bảy vào nhà đợi những người đến sau, nhân tiện đun nước hết nồi này đến nồi khác đổ vào vò. Má đang sống lại những phút bồn chồn m say người của đêm xưa bộ đội kéo đi đánh đồn Pháp, má thức đun nước nấu khoai và đợi nghe tiếng bộc phá đầu tiên mở rào thép gai.

Chừng một giờ sau, súng trường nổ ba lần đĩnh đạc phía Đồng Mè. Mấy chục cái loa cùng một lần nổi lên râm ran.

Lệnh khởi nghĩa đã phát!

1

Súng cối.