Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất

Chương 20: Phong tình

Có lúc thay vì tỉnh táo, nhiều người lại mong ước có thể sống mơ màng như kẻ trong mộng. Đó là vì đời người có quá nhiều gánh nặng, khi chúng ta không thể trốn tránh, thì đôi khi cũng cần buông thả.

Có lẽ chúng ta đề biết, chỉ cần sinh mệnh không đứt đoạn, câu chuyện đời người sẽ vẫn tiếp tục. Một câu chuyện kết thúc, đồng nghĩa một câu chuyện khác bắt đầu. Biết bao duyên phận đến đến đi đi, chúng ta sẽ có được những gì? Mất đi những gì? Nếu tất cả tình cảm mãnh liệt của một người đều hao mòn hết, phải chăng thế giới của anh ta từ đó sẽ yên lặng vắng vẻ?

Có người nói, nếu bạn thật sự đã chán ngán thành phố xô bồ, hãy chọn cách một mình đi xa đến chân trời. Đến trấn nhỏ Ô Trấn[1] mộc mạc yên tĩnh, đến thành cổ Lệ Giang[2] u nhã mà lại phong tình, hoặc đến Tây Tạng, cao nguyên cách bầu trời rất gần, có thể tiện tay hái lấy mây trắng. Nhưng những nơi ấy thật sự là yên tĩnh ư? Sẽ không xảy ra chuyện gì sao? Trong phim Dòng chảy thời gian[3], cô Anh đến Ô Trấn một lần, liền nảy sinh một mối tình ghi lòng tạc dạ với cậu Văn người Ô Trấn, khó mà thoát ra. Dưới ánh mặt trời[4] trên Kim Đỉnh núi tuyết Ngọc Long[5] ở Lệ Giang, có một đôi nam nữ dùng mạng sống khắc họa tình yêu ở đây. Còn Tây Tạng từng có một vị tăng như Đạt Lai thứ 6 Tsangyang Gyatso, mảnh đất này, dù từng hoang vu ra sao, về sau đều sẽ nở đầy hoa tình.

[1] Ô Trấn: thị trấn cổ nằm ở phía bắc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

[2] Lệ Giang: đô thành cổ nằm ở tây bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, là nơi sinh sống của các dân tộc Bạch, Nạp Tây và Tạng. Thành cổ Lệ Giang (bao gồm Đại Nghiên, Thúc Hà và Bạch Sa) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1997.

[3] Dòng chảy thời gian: phim truyền hình Trung Quốc, tên gốc “Tự thủy niên hoa”, các diễn viên Huỳnh Lỗi (vai Văn) và Lưu Nhược Anh (vai Anh), một phần ngoại cảnh được quay ở Ô Trấn.

[4] Dưới ánh mặt trời: phim truyền hình Trung Quốc, tên gốc “Nhất mễ dương quang”, các diễn viên Hà Nhuận Đông, Tôn Lệ, một phần ngoại cảnh được quay ở Lệ Giang.

[5] Núi tuyết Ngọc Long: một dãy núi gần Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, Trung quốc, có tất cả mười hai đỉnh núi cao trên 5.000m quanh năm tuyết phủ, đỉnh cao nhất là Phiến Tử Đẩu cao 5.596m.

Ở khu phố cổ của Lhasa, có một con đường đi kora là phố Barkhor[6]. Người đến đây nhất định sẽ không quên ghé vào một nơi. Kiến trúc của phố Barkhor đa số đều là màu trắng, riêng góc đông nam của phố Barkhor có một tòa lầu nhỏ hai tầng sơn toàn sắc liệu màu vàng, đây chính là quán rượu Makye Ame[7] nổi tiếng, cung điện bí mật của Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 Tsangyang Gyatso năm xưa. “Makye Ame” là một truyền thuyết đẹp lưu truyền ở Tây Tạng, có ý nghĩa là “người mẹ thánh khiết, thiếu nữ thuần khiết”, hoặc có thể mở rộng là “giấc mơ đẹp đẽ”. Tsangyang Gyatso từng là một anh chàng đẹp trai phong lưu hào phóng ở quán rượu nhỏ này, Dangsang Wangpo. Sự xuất hiện của Ngài sẽ khiến tất cả ánh mắt trong quán Makye Ame đều ngưng đọng.

[6] Phố Barkhor: hay phố Bát Giác, là con đường đi kora xung quanh chùa Jokhang (Đại Chiêu Tự), Lhasa.

[7] Mã Cát A Mễ.

Mặt trăng sáng vằng vặc,

Trên đỉnh núi phía đông.

Khuôn mặt nàng rạng rỡ,

Hiện lên nơi đáy lòng

Bao nhiêu năm đã trôi qua, bài thơ Tsangyang Gyatso viết cho Makye Ame vẫn lưu truyền đến nay. Ngài chân thực bày tỏ tâm ý tốt đẹp của trai gái hồng trần, quán rượu Makye Ame, vì Tsangyang Gyatso, đã chất chứa phong tình mà nơi khác không có. Biết bao khách qua đường đi ngang chốn này, trong quán rượu tràn trề vẻ dịu dàng, nhấm nháp một ly rượu ngon, lưu lại chút ít cõi lòng. Tên tuổi xa lạ, mặt mũi xa lạ, không ai quen biết ai, nhưng họ thật sự đã gặp nhau. Ở cùng một nơi, nghĩ đến cùng một người, một người đã rời xa ba trăm năm, hồn phách của Ngài phải chăng sẽ vào lúc đèn hoa vừa thắp sáng trôi dạt đến chốn này? Ở đây, cùng một cô gái trẻ tuổi thời nay, kết một đoạn duyên phận mỏng manh, chỉ một đêm say thôi, tới khi trời sáng lại ai đi đường nấy.

Tsangyang Gyatso bị cung Potala giam cầm đã năm năm, đã trải qua đau khổ thất tình, đã chịu đựng kiếp sống con rối, trái tim của Ngài bắt đầu rạo rực, như cỏ xanh lan tràn ngoài cửa sổ, như làn gió ấm áp tháng tư. Chẳng biết là thử thách của Phật tổ đối với Ngài, hay là trong số mệnh Ngài định sẵn sẽ có một giấc mơ đẹp đẽ, hoặc là vì nguyên nhân nào khác. Tsangyang Gyatso vào một ngày vô ý, phát hiện trong chiếc lồng son đẹp đẽ này hóa ra có một cửa ngách nho nhỏ không người qua lại, không người canh giữ, điều này có nghĩa là Ngài có thể từ trong cửa ngách lẻn ra ngoài, thông qua con đường này đến thành cổ Lhasa.

Con đường này đem đến cho gian phòng đóng kín một làn ánh sáng ấm áp, cũng tiếp dòng máu mới cho trái tim sắp sửa lạnh ngắt của Tsangyang Gyatso. Ngài vứt bỏ năm năm khép mình vào khuôn phép, không nhu nhược nữa, Ngài phải nhân lúc nửa đêm không người từ cửa ngách đi ra ngoài, đến thành Lhasa tươi đẹp, sống hết mình một lần vì bản thân. Nơi náo nhiệt nhất ban đêm, chính là một quán rượu nhỏ trên phố Barkhor. Tsangyang Gyatso bước ra cửa ngách, thay trang phục hoa lệ, đội mái tóc giả đẹp đẽ, trong nháy mắt Ngài lắc mình biến thành một chàng trai anh tuấn tiêu sái. Ngài tự đặt một cái tên, gọi là Dangsang Wangpo[8]. Ngài phải đến một quán rượu đèn đuốc huy hoàng, dự một buổi yến tiệc thịnh soạn của tuổi thanh xuân, tạm biệt thân phận Phật sống, Ngài sẽ là tình lang đẹp nhất thành Lhasa.