Em phải đến Harvard học kinh tế

CHƯƠNG 8

PHÒNG BỊ PHẢI TỪ XA, VƯỢT QUA BÃI ĐÁ NGẦM

Làm thế nào để Đình Nhi có thể vượt qua được “thời kỳ chống đối” trong thời gian cháu đang học trung học này một cách thuận lợi? Ngay từ khi Đình Nhi còn đang học tiểu học, chúng tôi đã suy nghĩ đến vấn đề này.

Trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, thời kỳ học trung học, từ trước tới nay luôn được coi là “thời kỳ nguy hiểm” nhất và cũng là thời kỳ mà các bậc cha mẹ luôn đau đầu nhất. Thời kỳ này tập trung vào giai đoạn sơ trung. Nhiều thầy cô giáo cho rằng, học trò giai đoạn này quả thực là những chú “nghé con mới vực”.

Trẻ con trong “thời kỳ chống đối” này thường có tâm lý muốn rời xa cha mẹ. Có lẽ, trong giai đoạn này cha mẹ thường hay kêu ca, bắt bẻ làm chúng luôn cảm thấy không hài lòng, rất muốn tìm thấy những người bạn cùng lứa tuổi để thổ lộ nỗi lòng. Sự bế tắc trong tâm hồn khiến các cháu luôn cảm thấy cô đơn. Hơn nữa những khó khăn trắc trở trong sự trưởng thành cũng khiến các cháu thường bị ức chế và tự ti. Cùng với sự phát triển về thể chất, các cháu còn giống như “kẻ bị đè nén” bắt đầu đấu tranh để “giành quyền độc lập”, đòi cha mẹ phải nới lỏng “vòng tay o ép”, trả lại “tay lái con thuyền đời” của mình. Thế nhưng trên thực tế, còn lâu chúng mới đủ sự khôn ngoan và chín chắn để tự mình xác định được phương hướng cuộc đời mình.

Các nhà tâm lý học và giáo dục học đều nhấn mạnh, các cháu trong thời kỳ học trung học, giống như đang đi qua một bãi đá ngầm cần những tay lái vững vàng đầy kinh nghiệm của cha mẹ. Nếu như để mặc cho con thuyền ấy tự do trôi nổi trong khu vực đá ngầm, rất dễ bị vấp ngã lật thuyền hoặc lạc hướng. Có không ít các cháu đã đi vào con đường lầm lỗi ngay trong giai đoạn tuổi hoa này. Đó là những con thuyền bất hạnh giữa bãi đá ngầm.

Cho dù không xảy ra vấn đề gì lớn lắm, những sự xung đột thường xuyên giữa cha mẹ và con cái, cũng ngày một gay gắt hơn. Những thần tượng về cha mẹ được hình thành ở các cháu ngay từ thời kỳ thơ ấu, đến bây giờ sẽ ngày một bị mờ nhạt đi qua những xung đột hàng ngày, thậm chí đã biến thành “bạo chúa”. Các cháu sẽ rất không hài lòng, thậm chí còn chống đối ra mặt với cách quản thúc của cha mẹ. Và các bậc cha mẹ cũng sẽ thấy rằng phương thức giáo dục bằng trách mắng, ra lệnh đối với các cháu quả thực không còn hiệu nghiệm nữa.

Chúng tôi đã quyết tâm hạn chế đến mức tối thiểu những nhân tố bật lợi trong thời kỳ chống đối này ở Đình Nhi. Vì vậy, chúng tôi đã áp dụng phương pháp “phòng ngừa từ xa” (một vài điểm của phương pháp này ở những chương trước đã có đề cập đến). Sau khi Đình Nhi vào học ở sơ trung, chúng tôi đã tự động điều chỉnh phương thức giáo dục, cố gắng duy trì mối liên hệ thường xuyên và ảnh hưởng của chúng tôi đối với Đình Nhi, nhằm đạt hiệu quả cao trong việc “giáo dục tư tưởng”, giúp cháu sớm hình thành một nhân sinh quan khoa học và cao thượng.

Sự điều chỉnh kịp thời này, đã giúp chúng tôi có được một vài việc thành công.

BẮT ĐẦU TỪ VIỆC THƯỜNG XUYÊN QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC,

ĐỂ XÁC LẬP CHÍ HƯỚNG

Sự thành công của mỗi con người, đều có một quy luật chung “Chí hướng là thầy của mọi việc” (Chí vi sự chi soái) có nghĩa là: chí hướng là động lực quan trọng cho mọi sự thành công trong sự nghiệp.

Môi trường sinh sống của những đứa con độc nhất, nhìn chung đều có những nhân tố bất lợi dễ làm các cháu nảy sinh tư tưởng mình là trung tâm của cả gia đình, tư tưởng này rất không có lợi cho việc khổ luyện thành tài. Luôn được quan tâm săn sóc, nhưng chúng tôi luôn phòng ngừa Đình Nhi sẽ trở thành một con người ích kỷ, mong muốn cháu là một con người giàu lòng vị tha, hảo tâm rộng lượng, biết nhìn xa trông rộng. Bởi vì xưa nay những con người làm nên nghiệp lớn đều là những con người có chí hướng rõ ràng, có hoài bão lớn lao. Còn mọi thói xấu như tham lam ti tiện, ích kỷ hại người, tính toán chi li, hẹp hòi thiển cận… đều là kẻ thù của mọi sự thành công.

Cơ sở của việc xác lập chí hướng là gì? Phải bắt đầu từ đâu để xác lập chí hướng cho con? Việc này chúng tôi phải xác định thật sớm cho Đình Nhi, nếu để muộn sẽ hoàn toàn bị động.

Tôi từng thấy, và cũng phải thừa nhận rằng, dã tâm và lòng tham cũng là một động lực thúc đẩy để làm nên sự nghiệp. Thế nhưng động lực đó đã mang trong mình nó quá nhiều, quá nặng “cái tôi”. Vì vậy, nó cũng chỉ là “một chiếc vé xe chay đường gần”, hoặc một chất kích thích đô-ping trong thi đấu thể thao, nó giúp con người ta đến đích thật nhanh, nhưng tàn lụi cũng nhanh. Có nhiều người tiếng tăm lừng lẫy một thời, cũng chỉ vì nguyên nhân ấy mà sự nghiệp và danh tiếng phút chốc tan thành mây khói. Dù thế nào cũng không thể đi theo con đường này được.

Do đó, tôi cho rằng, xác định chí hướng cho Đình Nhi phải bắt đầu dạy cho cháu biết quan tâm đến người khác. Một đứa trẻ một khi đã thực sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác, nhất định là biết quan tâm đến những nỗi đau của những người không có liên quan gì đến mình, mới có thể dứt bỏ được “cái tôi” hẹp hòi trong suy nghĩ và hành động, mới có thể phóng tầm mắt ra khỏi vòng luẩn quẩn những lợi ích cá nhân, để nhìn ra cả thế giới xung quanh, xây dựng được vai trò và sứ mệnh của mình trong thế giới đó. Có như vậy mới có đủ dũng khí và nghị lực phi thường để làm nên sự nghiệp.

Ở lứa tuổi nhi đồng, người được Đình Nhi hâm mộ nhất là Andersen, vì ông đã để lại cho tất cả trẻ con trên thế giới biết bao chuyện đồng thoại lý thú và hấp dẫn. Đến tuổi thiếu niên thì Đình Nhi lại hâm mộ những nhà khoa học và bác Lôi Phong bởi vì các nhà khoa học đã làm cho nhân loại không ngừng tiến lên, không ngừng hiện đại hoá nền văn minh, còn bác Lôi Phong cả một đời chỉ biết chăm lo tận tuỵ vì người khác.

Sự chăm lo thời tiểu học và cả trước đó nữa đã đặt cơ sở tư tưởng rất tốt cho Đình Nhi. Nhưng để xác định được chí hướng thật rõ ràng, chỉ ở giai đoạn tiểu học không thể làm xong được, ngay cả giai đoạn sơ trung cũng vẫn chỉ là giai đoạn chuẩn bị mà thôi. Nhưng tôi vẫn hy vọng, giai đoạn sơ trung sẽ la giai đoạn khởi động để Đình Nhi suy nghĩ và xác lập được chí hướng của mình.

Cha mẹ luôn có ý thức suy nghĩ về điều đó, còn Đình Nhi cũng suy nghĩ về điều đó một cách vô thức. Nói theo cách nói của các nhà tâm lý học, trẻ con trong lứa tuổi dậy thì luôn thích tò mò tìm hiểu về những lĩnh vực mà chúng chưa được biết. Trong quá trình tìm tòi đó, tính năng động chủ quan của trẻ được phát triển rất nhanh, đồng thời các cháu luôn có hứng thú về một chuyên ngành nào đó. Trong bài nhật ký “Những suy nghĩ lạ lùng trong một buổi sớm mùa hạ” viết trong dịp nghỉ hè năm thứ nhất bậc sơ trung của Đình Nhi, đã phần nào thể hiện được tâm trạng đó:

Sáng sớm hôm nay, đang nằm trên giường, chả hiểu sao, tôi chợt nhớ đến câu chuyện có người bỏ thuốc mê vào trong hoa quả cho người khác ăn, đợi người đó mê đi thì hành hung. Chuyện này mới đựơc phát trên truyền hình. Thế mà tôi cứ nằm suy nghĩ miên man. Nghĩ rằng, thuốc mê mà để trong trái cây rất dễ bị phát hiện. Nếu hoa quả có thể gây mê cho con người, sẽ rất khó phát hiện ra. Tôi chợt nhớ, trong một lần thí nghiệm bài sinh vật, cô giáo đã pha mực đỏ vào lọ cắm hoa, rồi cắm một bông hoa hồng bạch. Ít lâu sau, các gân lá và cả các cánh hoa cũng đỏ hồng lên. Ồ! Vậy thì mình có thể dùng dung dịch thuốc mê tưới cho cây ăn quả, rễ cây sẽ hút lên để nuôi quả, hơi nước bay đi, thuốc mê sẽ đọng lại trong trái cây. Chắc chắn ai ăn phải trái cây đó sẽ bị gây mê. Các loại thuốc kháng sinh khác cũng có thể làm theo cách đó. Như vậy, sẽ có các loại trái cây trị bệnh, như táo chữa ho, cam chữa cảm… Lúc ấy, ai mà chẳng muốn ăn “thuốc”? Nhưng tại sao người ta không làm nhỉ? Ồ! Mình hiểu ra rồi. Nếu tưới cây bằng nước thuốc, nồng độ dung dịch thuốc tất sẽ cao hơn nồng độ trong tế bào thực vật, như vậy tế bào sẽ bị mất nước và khô héo. Những nhành hoa trong phòng thí nghiệm chẳng đã nhanh khô héo hay sao?

Tôi vươn vai ngồi dậy, bật cười vì những suy nghĩ vớ vẩn của mình. Nhưng nếu không học sinh vật thì làm gì có những suy nghĩ thú vị như thế!

Đoạn nhật ký “Những suy nghĩ buổi sớm” như một “giấc mộng giữa ban ngày” ấy của Đình Nhi đã chứng minh cho một nhận định chung của chúng tôi là: Đình Nhi không có năng khiếu khoa học tự nhiên. Bởi vì cháu chưa có biểu hiện hứng thú nghiên cứu một cách say sưa và kiên trì về khoa học tự nhiên. Thế nhưng, một bài nhật ký khác viết sau đó chừng hai mươi hôm, và nhiều sự việc khác sau đó đã làm chúng tôi một lần nữa khẳng định: về khoa học xã hội, Đình Nhi đã thể hiện một sự say mê mãnh liệt có chiều hướng phát triển lâu dài.

Khi đi đổ rác, tôi thường gặp một bà già nhặt rác, có lẽ là một bà già sống cô đơn, trông thật đáng thương! Nếu không cô đơn, thì già cả như thế tội gì phải làm một công việc vừa bẩn thỉu vừa nặng nhọc đến như vậy?

Một hôm trên đường tan học về nhà, tôi lại gặp bà lão ấy, đang khom lưng cào bới trong các thùng rác bẩn thỉu và hôi thối. Mái tóc bạc rối bời búi lại sau gáy, khuôn mặt vàng ệch đầy những nếp nhăn, tất cả như đều muốn nói lên sự vất vả và đau khổ của cuộc đời. Bà mặc một chiếc váy rách nát, chân đi giầy ba-ta bộ đội, ngón chân cái thò hẳn ra ngoài…

Không nén được xúc động, tôi đi đến bên bà, tò mò hỏi: “Bà ơi! Bà già thế rồi, còn làm những công việc này làm gì?” Bà chậm rãi, ngẩng đầu nhìn tôi, rồi lắc đầu thở dài: “Làm để mà sống cháu ạ!” – “Thế bà không có con à?” – “Có chứ! Bà được ba trai, một gái, tất cả đã thành gia thất cả rồi”. Thì ra bà không phải là bà già cô đơn, tôi nghĩ vậy, rồi hỏi tiếp: “Thế sao bà không ở nhà vui vầy với con cháu có hơn không?” – “Với con cháu à?” – Bà nhắc lại, rồi nở một nụ cười đau khổ: “Chúng nó đều đã có gia đình riêng cả rồi, có đứa nào thèm nghĩ đến mẹ đâu, cũng chả có đứa nào muốn nuôi bà già ốm yếu này. Chúng nó đều coi bà là đồ bỏ đi. Bà tuy già nhưng  vẫn còn sức khoẻ, vẫn cần phải ăn uống, không làm việc này, biết làm việc gì hơn”.

Nghe bà kể về những đứa con bất hiếu ấy của bà, tôi giận điên người. Tôi bảo bà: "Bà có thể làm đơn kiện họ, họ đối xử với bà như thế vậy là phạm pháp đấy!" - "Ôi dào!" Bà lại thở dài não ruột: "Đều là ruột thịt cả mà ai nỡ làm vậy. Mà có kiện cáo thì quan hệ mẹ con lại càng căng thẳng hơn, hơn nữa, chúng còn dám ngẩng đầu lên nhìn mặt ai nữa!" Tôi bất chợt thấy đau nhói trong tim. Tôi vội chạy về nhà, chọn lấy hai quả táo to nhất, chín nhất, lễ phép đặt vào tay bà: "Bà ơi! Cháu biếu bà hai quả táo này!" Tay bà run run đỡ hai quả táo, vô cùng xúc động, bà không nói được lời nào, lặng lẽ quay đi.

Trái tim tôi cứ đập liên hồi. Tôi nghĩ, trong xã hội chúng ta, một xã hội có truyền thống kính già yêu trẻ, hiếu thuận với mẹ cha, thế mà vẫn còn có những bà già như thế này, không được con cái quan tâm chăm sóc. Lầm lũi sống trong cô đơn cực khổ, thế mà lúc nào cũng nghĩ về con, hy sinh tất cả vì con. Tôi tự hỏi: "Mình có thể làm được điều gì cho những con người bất hạnh ấy?"

Những câu chuyện và tình cảm như vậy còn bắt gặp khá nhiều trong nhật ký của Đình Nhi viết trong thời kỳ học trung học. Ví như nỗi lòng thương cảm đối với những em bé bị thất học, trong bài "Mong cho ngày thứ 32 đến sớm", hoặc nhắc nhở mọi người hãy quan tâm đến nạn đói trên thế giới trong bài "Cảm nghĩ sau khi nghe truyện "Bữa tiệc của những người đói khát""... Mỗi lần đọc được những dòng nhật ký đó của Đình Nhi, chúng tôi đều tìm cách bàn luận thêm về cháu, chia sẻ với cháu về những niềm tâm sự đó, nhằm biểu dương cháu về tấm lòng biết quan tâm đến thế thái nhân tình. Chúng tôi cho rằng, quan tâm đến người khác, không chỉ là ban phát ân huệ cho người ta một cách đơn phương, mà ngược lại, những con người được Đình Nhi quan tâm ấy đã cho cháu một cơ hội để cháu tự vượt qua khỏi cái vòng ích kỷ cá nhân để đến với nhân quần. Chúng tôi phải cảm ơn họ rất nhiều.

Từ chỗ biết quan tâm đến những người xung quanh, Đình Nhi đã biết quan tâm cả đến những vấn đề của đất nước, của thế giới. Đây là cơ sở rất tốt để Đình Nhi xác lập chí hướng của mình trong giai đoạn lên học cao trung.

Khuyến khích Đình Nhi biết quan tâm đến người khác chúng tôi đồng thời luôn nhắc nhở cháu, phải luôn cảnh giác với những nhân tố không đảm bảo an toàn. Trong xã hội đầy những cạm bẫy đối với trẻ con (nhất là đối với các cháu gái), sự cảnh giác thường xuyên này là một điều kiện tối thiểu và bắt buộc để các cháu lớn lên, đứng vững được trong cuộc đời.

YÊU ĐƯƠNG SỚM?

PHẢI BIẾT ĐỀ PHÒNG TRƯỚC LÚC MANH NHA

Trong học sinh trung học, hiện tượng yêu đương sớm khá phổ biến, khi tôi đang viết những dòng này, có một bà mẹ đang đau khổ gọi điện cho tôi kể về việc đứa con gái của bà mới 12 tuổi đã sa vào con đường yêu đương...

Đối với học sinh trung học, yêu đương sớm chính là "cái hộp Pandore" trong thần thoại Hy Lạp. Nếu ai mở nó ra, các tai hoạ khủng khiếp trong cái hộp đó sẽ ào ạt bay ra tác oai tác quái. Yêu đương sớm có tác hại ghê gớm đối với tương lai của tuổi trẻ. Điều bất hạnh là, dù một trường học có quản lý gắt gao đến mức nào đi nữa, hiện tượng yêu đương sớm trong lứa tuổi học sinh vẫn cứ xảy ra. Hơn nữa, trong các trường trung học hiện nay, hiện tượng yêu đương sớm còn nghiêm trọng hơn nhiều so với thời Đình Nhi mới vào học sơ trung. Vì vậy, việc giúp cho các cháu biết khoá chặt "cái hộp Pandore" ấy lại là một điều vô cùng cần thiết.

Sau khi Đình Nhi được vào học Trường Chuyên ngữ không lâu, nhà trường đã mở hội nghị phụ huynh học sinh năm thứ nhất. Trong hội nghị đó, cô Trần, một giáo viên chủ nhiệm giàu kinh nghiệm, đã nêu thẳng vấn đề để các bậc phụ huynh cũng suy nghĩ và đề phòng:

"... Các cô các bác có nghĩ rằng, trong suốt 6 năm học ở nhà trường từ năm thứ nhất bậc sơ trung từ năm thứ nhất bậc sơ trung, đến năm thứ ba bậc cao trung, tiếp xúc gần gũi với nhau, ai dám chắc là không có vấn đề tình cảm. Chuyện yêu đương sớm trước tuổi trong học sinh rất dễ xảy ra". Các vị phụ huynh tất thảy đều giật mình lo lắng.

Yêu đương sớm là một vấn đề lớn mà vợ chồng tôi luôn canh cánh trong lòng. Trong số học sinh mà tôi từng làm chủ nhiệm, có một bé gái với đôi mắt đen tròn sáng rực, rất thông minh,thế nhưng đến năm thứ hai bậc sơ trung, một hôm lần đầu tiên nhận được một mảnh giấy của một bạn trai đưa đến. Rồi từ đó về sau là những bức thư tình tới tấp qua lại, tiếp đến là những cuộc hẹn hò trong đếm tối. Thế là thành tích học tập của cháu như đi cầu trượt, cứ trượt hoài đến mức phải lưu ban. "Ngoài cuộc thì sáng, trong cuộc thì quáng", cháu đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên bảo chí tình.

Đề phòng chuyện này xay ra với Đình Nhi, vợ chồng tôi đã tốn khá nhiều thời gian để bàn bạc, cố tìm ra nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa.

Chúng tôi nhận định rằng, có ba nguyên nhân dẫn đến việc yêu đương quá sớm:

Trước tiên, tâm lý trẻ con được phát triển đến một mức độ nhất định, chúng sẽ nảy sinh một cảm xúc thích những người khác giới, và sau đó là vấn đề tình cảm sẽ nảy sinh. Hơn hai nghìn năm về trước, Kinh Thi đã nói: "Cỏ em mơn mởn đào tơ. Bao chàng trai trẻ thẫn thờ chạy theo". Trai gái yêu nhau đó là bản tính tự nhiên tất yếu của con người. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ thái độ của cháu trước sự rung động của trái tim non trẻ như thế nào. Và cha mẹ chỉ cần có biện pháp đúng đắn, sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với thái độ ứng xử của các cháu.

Thứ hai, phim ảnh, những tiểu thuyết tình yêu sướt mướt, và cả những bài hát nỉ non đầy rẫy khắp nơi đã có ảnh hưởng tiêu cực thúc đẩy các cháu bước vào con đường yêu đương quá sớm.

Thứ ba, ảnh hưởng tiêu cực ngay trong một số bè bạn cùng trang lứa, cũng có tác dụng không thể coi thường.

Khi chuyện các cháu yêu đương trong lứa tuổi học trò đã trở thành chuyện phổ biến, chuyện bình thường, khi những tấm gương vẫn được bạn bè hâm mộ như những học sinh xuất sắc, những "liền anh, liền chị" trong giới học sinh cũng lao vào những cuộc yêu đương trước tuổi, tất nhiên sự tác động và sức lôi cuốn của nó đối với tâm lý các cháu thật là đáng sợ. Những "tấm gương" đó có sức mạnh ghê gớm lắm. Chính trong lúc đó, nếu lại có một anh chàng không đến nỗi đáng ghét lắm xuất hiện, rồi những mảnh giấy hẹn hò thơm mùi nước hoa, lại những bức thư tình sướt mướt, trong đó có rất nhiều những câu thơ trích dẫn dễ làm xúc động những trái tim non trẻ, thêm vào đó là những ánh mắt đắm đuối, những nụ cười khêu gợi, và rất nhiều sự chăm sóc ân cần đúng lúc... Làm sao những trái tim non nớt kia không gục ngã, điều đó chẳng có gì là lạ.

Khi một đứa trẻ đã trót sa vào con đường yêu đương quá sớm, khuyên nhủ chúng dừng lại là một điều rất khó. Biện pháp hiệu quả là phải "phòng ngừa từ xa". Biết vậy, nên chúng tôi cũng đã quyết định "mở chiến dịch phòng ngừa từ xa cho Đình Nhi".

Biện pháp ngăn chặn thứ nhất là: phim ảnh và các loại tiểu thuyết tình yêu là những trò mua vui trong cuộc sống, chỉ có thể xem chúng là những trò tiêu khiển, chứ không thể coi đó là cuốn sách giáo khoa cho cuộc sống.

Là một biên tập viên một tạp chí văn nghệ, chúng tôi có điều kiện thuận lợi hơn mà nhiều người không có: hiểu quá trình "sản xuất ra một minh tinh màn bạc" hay một tác phẩm văn nghệ nào đó.

Chúng tôi đặt kế hoạch khuyên nhủ Đình Nhi và triết lý của chúng tôi như sau: phim ảnh, đĩa hát và những cuốn tiểu thuyết ái tình nhan nhản hiện nay đối với những người sản xuất ra chúng cũng chỉ là những thứ hàng hoá kinh doanh. Thế là, các ông chủ ra sức tô son trát phấn, tuyên truyền quảng cáo cho thứ sản phẩm đặc biệt của mình, sao cho có thật nhiều người hâm mộ say mê sản phẩm của họ. Túi tiền của những người hâm mộ chính là nguồn tài sản của các ông và chủ các công ty. Đã có rất nhiều chuyện nực cười và rất đáng thương tâm do hậu quả của những thứ hàng hoá kinh doanh trên mang lại. Ở Nhật Bản có quá nhiều người say mê phim chuyện phương tây, đã tổ chức hội những người không lấy chồng để được "nổi tiếng". Thậm chí, có những người muốn được nổi tiếng hơn đã liều mình tự sát... Mỗi khi xảy ra một sự kiện bất hạnh do học đòi theo "mốt" các minh tinh như vậy, các minh tinh chẳng hề mất một sợi lông chân, dự luận xã hội lại một lần sôi động và các ông bà chủ những công ty lại được dịp hốt bạc nhiều hơn.

Ngoài ra, ngay từ nhỏ Đình Nhi đã đọc được khá nhiều sách viết về những con người nổi tiếng, được "gặp gỡ" với đủ loại các "ngôi sao", điều đó đã giúp cho cháu nhận thức rõ hơn chân giá trị của các "ngôi sao" bằng lý trí.

Trên cơ sở hàng loạt những sự thực đó, Đình Nhi đã biết cách lựa chọn và có được một quan điểm rõ ràng: đối với các loại ca khúc đang lưu hành "chỉ được thích thôi chứ không được say mê", phải luôn tỉnh táo trước những ngụ ý ngầm trong các bài hát, không được quá say mê để cho nó dắt mũi lôi đi. Đối với các loại tiểu thuyết ái tình, Đình Nhi vẫn không hề ưa thích. Đình Nhi luôn chán ghét các cảnh phong hoa tuyết nguyệt, bướm lả lơi trong các tiểu thuyết không có mấy giá trị đó. Ngay từ nhỏ, ĐÌnh Nhi đã được chúng tôi phân tích khá kỹ về những loại tiểu thuyết đó rồi. Xem ra, môi trường giáo dục đã phát huy tác dụng âm thầm thẩm thấu của nó.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đã để cho Đình Nhi tự rút ra kết luận. Cháu đã dùng bút đỏ để viết vào mảnh giấy rồi dán ngay trước bàn học câu: "Phim ảnh và các loại tiểu thuyết tình yêu chỉ là trò mua vui, chỉ có thể xem chúng là trò tiêu khiển chứ không được coi là sách giáo khoa cho cuộc sống". Lời tổnh kết đó như một bức tưòng chắn không cho các nhân tố ngoại lai xâm nhập ảnh hưởnh đến tình cảm của Đình Nhi. Tất cả những sách báo, phim ảnh, băng đĩa có nội dung không lành mạnh đều bị đẩy ra khỏi cửa, tránh cho Đình Nhi những cám dỗ thấp hèn.

Biện pháp ngăn chặn thứ hai: Chúng tôi khẳng định với cháu rằng, trò chơi tình yêu đi vào thì dễ, rút ra thật khó.

Một ngày cuối tuần, Đình Nhi từ trường trở về nhà, vừa gặp ba mẹ cháu liền tíu tít kể về một chuyện khá thú vị ở trường:

"Ba mẹ biết không, ở lớp con hôm nay có một bạn nêu ra một sáng kiến: yêu đương sớm là rất có hại, cho nên, đương nhiên là không được yêu rồi. Nhưng cũng có thể chơi trò yêu đương, chỉ yêu giả vờ thôi. Như vậy vừa tránh được tác hại của tình yêu quá sớm, vừa có thể được hưởng chút thú vị của tình yêu. Ba mẹ thấy bạn ấy nói chuyện có buồn cười không?"

Chúng tôi đều không ai cười được, trái lại bắt đầu lo: đợi khá lâu không có chuyện yêu đương sớm, "con quỷ chín đầu" này đã bắt đầu xuất hiện rồi sao? Xem ra, cái trò nguỵ biện này cũng chẳng có gì hấp dẫn Đình Nhi cho lắm.

Ngay hôm đó, chúng tôi cùng ngồi lại bàn luận với Đình Nhi:

"... Cái lý luận về yêu giả vờ của bạn con, ba mẹ e rằng chính anh ta cũng chưa hiểu được rằng, trò chơi đó đi vào thì dễ mà rút ra thì thật là khó. Nếu đã chơi rồi, một khi một bên không tiếp tục chơi nữa, thì đối phương sẽ sinh lòng hối hận, nhẹ thì cãi vã liên miên, nặng thì tìm cách hại nhau, giết người trả thù. Báo chí thường đăng nhiều vụ án mạng như vậy. Ai dám bảo đảm rằng, trò chơi ấy của mình sẽ không kết thúc bằng nhiều sự việc bi thảm đến như vậy? Hoặc giả, bên này vẫn muốn chơi tiếp, mà bên kia lại muốn chấm dứt trò chơi, nỗi đau khổ do bị thất tình sẽ làm cho người ta thân tàn ma dại. Trên đường đi học chắc con đã gặp những cô gái phát điên, tóc rối bù mặt bẩn, hoa cắm đầy người, chỉ vì trót chơi trò yêu đương, rồi đối phương thi vào đại học, còn mình thì thi trượt, ở nhà. Thất tình mà điên, đáng thương hay đáng trách?"

Đình Nhi quả thực chưa lường hết được những hậu quả tai hại đó. Nghe xong cháu đã đi đến kết luận: trò chơi yêu đương không phải là trò đùa.

Biện pháp ngăn chặn thứ ba: Đừng vì sự đùa nghịch gán ghép của bạn bè mà tự mình biến đùa thành thật, cũng đừng để người khác vì hiểu lầm mà mơ mộng hão huyền.

Tuy vậy, nhưng vẫn còn có những hiện tượng đáng ngờ. Sự quan tâm của Đình Nhi đối với chuyện yêu đương hình như ngày một nhiều hơn. Mỗi lần từ trường trở về nhà, Đình Nhi thường kể nhiều hơn về những loại chuyện yêu đương.

Ít lâu sau, chúng tôi còn nghe được một câu chuyện có liên quan đến Đình Nhi. Cô giáo chủ nhiệm đã nói với chúng tôi, Đình Nhi có quan hệ khá gần gũi với một bạn trai ở trong lớp. Người bạn trai này cũng hơi nổi tiếng trong giới nữ sinh của nhà trường. Sự thân mật giữa Đình Nhi và người bạn trai ấy đã tạo ra những tiếng xì xào gán ghép ở trong lớp.

Chúng tôi lập tức nắm bắt ngay tình hình mà cô giáo vừa cung cấp. Chúng tôi nhận định, chắc chắn Đình Nhi chưa thực sự bước vào con đường yêu đương quá sớm. Có lẽ chỉ là sự mến nhau giữa học sinh nam và học sinh nữ mà thôi. Cảm thấy được gần gũi nói chuyện với nhau là thú vị và mới lạ. Ngoài ra sự nổi tiếng của người bạn trai trong giới nữ sinh đã làm cho ĐÌnh Nhi nổi tính tò mò.

Chúng tôi quyết định, nhân lúc hạt giống còn chưa nảy mầm phải lập tức dập tắt ngay. Giải quyết vấn đề ngay từ lúc mới manh nha bao giờ cũng dễ dàng hơn. Lần này thì mẹ đứng ra giải quyết, nói những chuyện thế này với con gái, mẹ nói tiện hơn. Thế là, ngay cuối tuần đó, mẹ và Đình Nhi có một cuộc nói chuyện khá dài.

Mẹ đã đi thẳng vào vấn đề, nhắc lại sự phản ảnh của cô giáo và các bạn với Đình Nhi. Đầu tiên mẹ khẳng định, nay sự việc của con cho đến thời điểm này coi như chưa có vấn đề gì. Thế nhưng, trong nam nữ thiếu niên, có nhiều người yêu nhau quá sớm chỉ vì bạn bè trêu đùa gán ghép lung tung, rồi chuyện đùa quá hoá thật. Cũng vì vậy, mà đã có nhiều học sinh học sơ trung vô tình sa vào chuyện yêu đương quá sớm. Con phải hiểu được điều đó. Bản thân mình không bao giờ được biến chuyện đùa thành chuyện thật. Ngoài ra, con cũng phải cố tránh đừng để người khác hiểu lầm, để người ta mơ tưởng hão huyền.

Trước đây, mẹ cũng đã nhiều lần khôn khéo răn đe, hơn nữa thái độ của mẹ rất khách quan cho nên ĐÌnh Nhi đã nghe lời. Cháu đồng ý với cách giải quyết của chúng tôi là dùng biện pháp dứt khoát và cứng rắn để giải quyết vấn đề. Ngay hôm sau đó, cháu bắt đầu xa lánh người bạn trai kia, không còn cảnh gần gũi cười đùa như trước nữa. Hơn nữa, trong khi giao tiếp với tất cả các bạn trai khác, cháu luôn giữ đúng mực, và luôn giữ một khoảnh cách nhất định.

Biện pháp ngăn chặn thứ tư: Yêu đương sớm tất sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phấn đấu của cả đời người.

Ngay từ khi Đình Nhi mới vào tiểu học, chúng tôi đã cố ý bình phẩm những hiện tượng yêu đương trước tuổi được trình chiếu trên ti vi hoặc được đăng tải trên báo chí. Ngay trước mắt, cháu đã có một ấn tượng xấu về việc yêu đương quá sớm. Sau khi vào trung học, chúng tôi đã trực tiếp giảng giải cho cháu nghe về những hậu quả tai hại cho việc yêu đương quá sớm:

1. Yêu đương sớm tất sẽ ảnh hưỏng đến mục tiêu phấn đấu cả đời người. Trên thực tế, có nhiều học sinh trung học không làm chủ được những tình cảm ngây thơ ấu trĩ của mình, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc, đến khi thi trượt đại học, tình yêu ban đầu cũng tan vỡ, bấy giờ mới thấy được tác hại.

2. Yêu đương sớm chẳng khác gì mua trứng ấp trong túi vải, không thể dự đoán được rằng nó sẽ nở ra cái giống gì. Vì rằng học sinh trung học đang ở giai đoạn hoàn toàn chưa xác định được cuộc đời. Ở các cháu những đặc trưng tính cách, đạo đức, những khả năng sinh tồn trong xã hội, và nghề nghiệp trong tương lai hoàn toàn chưa xác định. Bạn cho rằng túi trứng này sẽ nở ra thiên nga, nhưng lại là trứng quạ, trứng rắn độc, trứng cá sấu, khi ấy sẽ thế nào?

3. Yêu đương sớm rất khó có được những kết cục mỹ mãn. Bởi vì, phàm những việc gì được bắt đầu bằng một sự say mê mù quáng, tất nhiên càng tỉnh, càng thấy nhiều những chỗ dở của nó, và thế là sinh ra chán ghét và ruồng rẫy. Hơn nữa yêu đương sớm tất sẽ làm trở ngại đến việc học hành của cả hai bên, trở ngại đến khả năng sinh tồn trong xã hội của cả hai bên. Cho dù sau này vẫn chung sống với nhau, nhưng vì học hành lỡ dở, nghề nghiệp bất ổn, cuộc sống khó khăn, khó tránh khỏi sự đay nghiến cắn rứt lẫn nhau, làm sao có được hạnh phúc vẹn toàn?

4. Yêu đương sớm còn tiềm ẩn một nguy cơ án mạng. Không tin sao? Ở vùng Đông Bắc vừa xảy ra một án mạng như thế đấy. Có một học sinh năm thứ ba bậc cao trung, học hành cũng bình thường thôi. Cùng trong lớp đó có một học sinh nữ học rất giỏi, xuất phát từ ý tốt đã chủ động đến giúp bạn trai học tập. Không ngờ, người bạn trai kia lại lầm tưởng là cô ta có ý yêu mình. Thế là ngày đêm yêu vụng nhớ thầm. Khi người bạn gái phát hiện ra điều đó và bắt đầu có ý định xa lánh người bạn trai. Nghĩ rằng, bạn gái đã có người yêu khác, bạn trai quyết chí báo thù kẻ đã giành mất người yêu trong tay mình. Thế là thảm kịch xảy ra ngay trong lớp học. Chàng trai "thất tình" vác dao đâm chết người bạn trai cùng lớp, mà chàng ta nghĩ là tình địch của mình rồi tiện tay đâm luôn người bạn gái đã giúp mình học tập, may mà chỉ bị thương phải đi nằm viện. Đáng thương thay, hai học sinh bị đâm thực ra lại chẳng có tình ý gì với nhau. Cái bệnh si tình thường hẹp hòi và cố chấp để rồi dẫn đến mù quáng và mất hết tính người. Đó là một quy luật đáng sợ.

Ngoài việc nói chuyện có chủ định vớ Đình Nhi, chúng tôi còn thường xuyên kể cho cháu nghe những chuyện liên quan đến việc đó, cốt nhằm khắc sâu ấn tượng cho cháu. Sự thực đã chứng minh rằng biện pháp "phòng ngừa từ xa" rất có hiệu quả. Trong suốt giai đoạn học trung học, Đình Nhi không hề sa vào vũng bùn yêu đương quá sớm, vì vậy tâm hồn và thể chất đều phát triển lành mạnh, mục tiêu phấn đấu không bị xung đột giữa cha mẹ và con cái đe doạ.