Em phải đến Harvard học kinh tế

CHƯƠNG 6

NỘI TRÚ TRONG TRƯỜNG SƠ TRUNG

MỘT VÀI MÂU THUẪN VỚI GIÁO DỤC CỦA GIA ĐÌNH

Trường Chuyên ngữ Thành Đô là một trường nội trú khép kín. Nữ sinh năm thứ nhất bậc sơ trung được sắp xếp ở tầng lầu đẹp nhất, mỗi phòng có 8 học sinh. Trước khi khai giảng hai ngày, khi học sinh vào nhận phòng, nhà trường cho phép cha mẹ học sinh vào sắp xếp giường chiếu cho con em mình. Từ một việc nhỏ là sắp xếp giường chiếu này, chúng tôi đã nhận thấy giữa cách làm việc cuả nhà trường và sự giáo dục tại nhà của chúng tôi đã có cái gì đó thiếu sự hài hoà.

Trước khi vào nhà trường, chúng tôi đã dăn Đình Nhi: để bồi dưỡng cho con có một khả năng độc lập, ngay từ khi bước chân vào trường, mọi việc trong cuộc sống con phải tự làm lấy, kể cả việc sắp xếp giường chiếu, ba mẹ chỉ giúp đỡ con khi thật cần thiết. Ngay từ nhỏ Đình Nhi đã có thói quen “tự mình làm những công việc của mình”. Vào trường lần này Đình Nhi vẫn giữ thói quen ấy.

Sau khi chúng tôi cùng với Đình Nhi chuyển chăn chiếu, màn đệm vào phòng ở, đã thấy các bậc cha mẹ của những học sinh mới đến tất bật sửa sang giường chiếu cho con gái mình. Chúng tôi do dự một lát rồi quyết định cứ làm theo lời giao hẹn trước với Đình Nhi là để cháu tự làm lấy.

Ai ngờ, khi Đình Nhi vừa leo lên giường cầm khăn để lau những bụi bặm bám đầy các cọc màn, thì một bác phụ huynh ở giường bên cạnh vội kinh ngạc hét lên: “Này, nguy hiểm lắm, xuống đi cháu, để đấy bác lau cho!” Nói rồi bác ta vội chạy đến lau hộ. Tình trạng này thì chúng tôi không thể đứng yên được rồi. Tôi vừa rối rít cảm ơn bác hàng xóm tốt bụng, vừa bảo Đình Nhi xuống giường, đi lĩnh sách vở, còn mình làm tiếp công việc bác hàng xóm, lau giường tủ giúp Đình Nhi.

Tôi vừa dọn dẹp chỗ ở cho Đình Nhi vừa cảm thấy có cái gì đó bất ổn. Suốt 12 năm qua, chúng tôi luôn né tránh mọi sự quấy nhiễu và xung đột của một hệ thống giáo dục khác đối với Đình Nhi, còn bây giờ thì không thể tránh nổi. Lúc này, tuy tôi còn chưa hiểu những người bạn cùng phòng với Đình Nhi, nhưng chỉ qua việc dọn dẹp giường chiếu này, tôi đã nhìn thấy, những đòi hỏi của cha mẹ với các cháu nhẹ hơn nhiều so với những đòi hỏi của chúng tôi đối với Đình Nhi. Cũng qua việc chuyện trò với các bậc cha mẹ ấy, chúng tôi cũng cảm thấy, sự nghiêm khắc của họ chủ yếu thể hiện ở việc theo dõi thật sát kết quả học tập của con cái, còn mọi việc khác, họ làm thay con tất cả. So với họ, những yêu cầu và sự rèn luyện của chúng tôi đối với Đình Nhi từ nhỏ đến nay, có thể nói là “quá hà khắc”.

Khi còn đang học tiểu học, Đình Nhi đã nhiều lần hỏi chúng tôi: “Tại sao mọi bạn khác không làm như vậy, mà con thì phải làm?” Thế nhưng lần nào chúng tôi cũng giải thích cho cháu hiểu và tin phục, nên Đình Nhi luôn vui vẻ chấp nhận mọi yêu cầu có vẻ “đặc biệt” ấy. Bây giờ vào nội trú, ngày ngày Đình Nhi chung sống với các bạn, những hiện thực và nền nếp mới sẽ đem lại cho Đình Nhi nhiều điều khó hiểu, khi đó Đình Nhi sẽ không có được những giải đáp kịp thời. Những khúc mắc đó cứ tích tụ mãi, cộng thêm với tâm lý chống đối mà tuổi thanh xuân thường có, sắp đến với Đình Nhi, không biết rồi đây Đình Nhi còn có những thay đổi ra sao? Trong suốt cả sáu năm nội trú, mỗi tuần Đình Nhi chỉ được sống với cha mẹ có 24 giờ đồng hồ, trong đó có đến già nửa thời gian dành cho việc ăn ngủ, vậy mức độ ảnh hưởng của ba mẹ đối với Đình Nhi còn thấp đến mức nào?

Chẳng bao lâu, sự thay đổi của Đình Nhi đã chứng tỏ chúng tôi lo lắng quả thực là không thừa.

Ngay trong ngày chủ nhật đầu tiên Đình Nhi trở về nhà, tôi phát hiện thấy trong lúc cháu vừa ăn cơm vừa vui vẻ chuyện trò cùng ba mẹ, cháu đã tiện tay vứt luôn xương xẩu xuống nền nhà. Sau khi tôi nhắc nhở, Đình Nhi vội xin lỗi ngay, nhưng lại nhặt mảnh xương đó ném vào sọt giấy lộn. Rồi chỉ một lát sau, cháu lại ném xương xuống đất, tôi lại nhắc, cháu lại xin lỗi… Sau mấy lần nhắc nhỏ, Đình Nhi tỏ ra khó chịu:

Có làm sao đâu, mẹ! Ở trường chúng con vẫn làm thế! Đã có người dọn vệ sinh rồi mà!

Mọi người đều làm như vậy, không có nghĩa là làm như vậy là đúng!

Chuyện vặt ấy mà, có gì đâu mà mẹ phải nói nhiều thế?

Sự việc không lớn, nhưng đó là một thói quen không tốt, ít nhất là không biết tôn trọng thành quả lao động của người khác – Không nhịn được ba cũng phải cau mày nói lại.

Con mới ở nội trú có bảy ngày mà đã đánh mất một thói quen tốt mà ba mẹ đã dạy con từ khi mới tròn 3 tuổi. Lẽ nào lại không đáng nói hay sao?

Chẳng ai như ba mẹ cả, một tuần con mới được về nhà một lần, thế mà cứ mắng mỏ, bắt bẻ con mãi, hu hu…

Đình Nhi vừa khóc vừa bỏ chạy vào nhà vệ sinh, xả nước ào ào tắm gội, để mặc tôi và ba cháu ở ngoài lắc đầu chán ngán.

Tiếng khóc bỗng trở thành tiếng hát, Đình Nhi vừa tắm vừa hát, đây là biện pháp “thay đổi trạng thái tâm lý” Đình Nhi mới phát minh ra. Một lát sau, Đình Nhi hai tay xoa mái tóc ướt sũng, bước ra, khuôn mặt đỏ bừng, vẻ nũng nịu: “Biabia! Mia mia!” (đây là cách gọi thân yêu ba cháu và tôi của Đình Nhi) – “Con biết ba mẹ đều nói rất đúng, nhưng chẳng hiểu làm sao, con chỉ thích cãi ba mẹ…” – Nói rồi, hai tròng mắt đỏ hoe.

Đây là lúc mà tôi và ba dễ mềm lòng nhất. Chúng tôi kiên nhẫn nói với cháu: “Nỗi lòng của con, ba mẹ đều rất hiểu, con biết không, con đang sắp sửa bước vào tuổi thanh xuân, các nhà tâm lý gọi tuổi thanh xuân của một con người là thời kỳ “cai sữa về tâm lý”. Đó là một quá trình phát triển bình thường. Đáng chú ý là, tâm lý thích chống đối trong giai đoạn tuổi dậy thì này sẽ khiến con luôn chống đối ba mẹ một cách mù quáng. Ý kiến càng đúng đắn càng không muốn nghe lời. Mong con nhận thức ra được đặc điểm tâm lý của tuổi dậy thì này, để tránh phải đi những đoạn đường vòng trong giai đoạn học sơ trung…”

Đình Nhi đã nghe ra, khẽ gật đầu, âu yếm ôm ghì ba mẹ, rồi khe khẽ hát, bước vào phòng làm bài tập. Tôi và ba cháu thì trái lại, không thể thanh thản vô tư được như cháu. Chúng tôi đã dự cảm được rằng, tuổi dậy thì và việc ở nội trú, hai nhân tố này sẽ là một trở lực to lớn ngăn cản sự liên hệ và thông cảm giữa chúng tôi và Đình Nhi, ít nhất cũng trong suốt cả thời kỳ học trung học. Nếu giải quyết không tốt, những cuộc tranh cãi như vừa rồi sẽ là chuyện cơm bữa trong gia đình chúng tôi.

Quả nhiên như vậy, ngay ngày hôm sau, trong việc sắp xếp quần áo cho Đình Nhi vào trường, giữa tôi và cháu lại xảy ra một cuộc tranh cãi. Hôm đó, trời đang nóng nực, nhưng tôi cứ sắp sẵn cho Đình Nhi mấy bộ quần áo dài, đề phòng trời mưa lạnh, nhưng Đình Nhi không chịu mang theo. Ba phải đứng ra hoà giải, nhưng Đình Nhi vẫn một mực không nghe, cháu nói: “Cho dù trời có lạnh, con cũng không cần ba mẹ mang quần áo cho con!” Ba nói với tôi, bây giờ là lúc mình phải tuỳ việc nhượng bộ, phải “nắm chắc việc lớn, thả lỏng việc nhỏ”. Những việc nhỏ đó, dù vì nó mà bị vấp ngã, cũng để cho Đình Nhi có thêm bài học kinh nghiệm trong cuộc sống. Tôi miễn cưỡng gật đầu.

Ngày chủ nhật đầu tiên như vậy đó. Tôi thực sự thấy buồn. Nhưng thật không ngờ, Đình Nhi vẫn cứ thanh thản như không. Tối hôm đó, trên trang nhật ký viết ngay khi cháu trở lại trường có đoạn viết:

Trở về rồi! Trở về rồi! Ta đã trở về với nhà trường, với tập thể thân thương, với đại gia đình yêu quý của ta rồi! Hôm nay là ngày chủ nhật, ta, một nữ sinh nội trú, chỉ được ở nhà đúng 25 giờ 50 phút, lại phải ra đi. Ngồi nhớ lại, mới cảm thấy không khí gia đình thật ấm áp.

Chiều qua, vừa bước chân vào nhà, mẹ ôm chầm lấy ta, cảm động nói: “Ôi! Con gầy quá, mới có mấy ngày mà sao gầy quá vậy?” Kỳ thực, tôi thấy tôi chẳng gầy đi chút nào, chỉ vì mẹ thương tôi quá nên nghĩ vậy. Rồi mẹ hỏi tôi đủ thứ chuyện: ăn có được no không? Đêm ngủ có lạnh không? Có biết giặt quần áo không? Tập quân sự có vất vả không?... Mẹ cứ tíu tít hỏi hết chuyện này sang chuyện kia, làm tôi cuống cả lên, không biết trả lời như thế nào. Tôi cảm thấy có một luồng hơi ấm áp đang tràn ngập cõi lòng mình, một sự ấm áp đến ngất ngây bởi được mẹ yêu.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, cũng vẫn chỉ là sự quan tâm rất bình thường, hằng ngày của mẹ, mà trước đây tôi cho là chuyện đương nhiên không hề để ý. Không hiểu vì sao, giờ đây tôi thấy đó quả là một niềm hạnh phúc.

Trước khi về trường mẹ cứ quanh quẩn bên tôi, tíu tít dặn dò hết chuyện này sang chuyện nọ, cả ba nữa, ba cũng khuyên nhủ đủ điều. Trước đây những chuyện như thế này tôi thường tỏ vẻ không vui, cho là ba mẹ hay lắm điều, vẽ chuyện, nhưng giờ đây thì lại khác, tôi đã nhận ra được một tình yêu thương thật là mãnh liệt của ba mẹ.

Thế nhưng, từ sau khi vào trường nội trú, Đình Nhi luôn không muốn “bày tỏ sự yêu thương trước mặt người thân”. Có lẽ, để chứng tỏ mình đã là “người lớn”. (Cũng may được sự uốn nắn kịp thời của chúng tôi, từ khi lên học bậc cao trung, Đình Nhi đã khôi phục lại được những thói quen tốt mà chúng tôi rèn luyện cho cháu từ hồi nhỏ). Cũng giống như các bạn cùng trang lứa, trước mặt ba mẹ, Đình Nhi luôn giấu đi tình cảm yêu thương lưu luyến với cha mẹ quá lộ liễu như thời trẻ con. Thế nhưng, sức mạnh của một thói quen thật là ghê gớm, cái thói quen luôn muốn trao đổi bàn bạc với cha mẹ đã được hình thành từ nhiều năm nay, đã khiến Đình Nhi, như một bản năng, rất muốn tìm một ai đó để trao đổi tâm tình. Thế là bằng cách viết nhật ký, cháu đã chọn cô chủ nhiệm lớp của cháu làm đối tượng để được tâm sự những điều thầm kín tự đáy lòng mình.

CÔ GIÁO GIÀU NHÂN CÁCH, CHĂM LO NHƯ CHA MẸ

Trường Chuyên ngữ Thành Đô có rất nhiều thầy cô tốt, Đình Nhi đã học được ở các thầy cô nhiều điều bổ ích. Cô giáo chủ nhiệm bậc sơ trung của ĐÌnh Nhi, Lý Tấn Vinh, là một trong những thầy cô giáo ưu tú của nhà trường.

Cô Lý dạy ngữ văn, giàu kinh nghiệm. Ở trên lớp, cô say sưa giảng bài, giọng nói êm dịu thiết tha, đôi mắt truyền cảm, khi cô giảng đến những đoạn văn xúc động, học sinh dưới lớp cũng khó lòng cầm được nước mắt. Những học sinh do cô đào tạo, nhiều người đã đạt giải cao trong các cuộc thi văn của thành phố hay trong toàn tỉnh Tứ Xuyên. Cô rất hiểu, học sinh trung học là những đứa trẻ đang tập làm người lớn, hay chống đối để tự khẳng định mình. Vì vậy, cô rất nguyên tắc, nhưng cũng hết lòng thương yêu học sinh. Điều này rất có giá trị đối với sự phát triển lành mạnh của Đình Nhi.

Là một giáo viên chủ nhiệm giàu kinh nghiệm, cô Lý hiểu rõ, phải bằng cách nào mới chiếm được trái tim học sinh.

Ngay tuần lễ đầu tiên sau ngày khai giảng, cô Lý đã yêu cầu học sinh mỗi ngày phải nộp cho cô một bài văn viết dưới dạng nhật ký để nắm bắt kịp thời sự thay đổi tư tưởng của học sinh. Qua đó, cô tìm cách giúp các em mau chónh thích nghi với cuộc sống học tập khá căng thẳng trong trường. Trước khi nộp bài nhật ký đầu tiên, cô yêu cầu học sinh hãy viết một đoạn “tự giới thiệu về mình”, nhằm giúp cô nắm được tư tưởng và tính cách của từng em.

Sự mở đầu thú vị đó làm Đình Nhi thấy hào hứng. Cháu rất mong cô Lý cũng sẽ là người bạn tốt của mình, giống như cô chủ nhiệm của cháu thời tiểu học. Trong bài “Tự giới thiệu”, Đình Nhi say sưa viết:

“Con họ Lưu, tên là Diệc Đình, năm nay 12 tuổi. Tính con rất cởi mở, rất thích kết bạn, luôn cho rằng được kết bạn là một niềm vui lớn nhất của đời người, cho nên con rất mong được kết bạn với nhiều người. Khuyết điểm lớn nhất của con là tính tình nóng nảy, nhưng đối với bạn bè con rất thực lòng. Con tin rằng, chúng con sẽ là những người bạn tốt của nhau, luôn động viên và giúp đỡ lẫn nhau”.

Tiếp theo đó, Đình Nhi viết về nỗi khó nhọc trong buổi tập quân sự đầu tiên ở nhà trường:

Hôm nay, đối với tôi là một ngày không bình thường, ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường trung học, buổi bắt đầu cho cuộc sống nội trú trong nhà trường, cũng là ngày đầu tiên tôi tham gia huấn luyện quân sự. Những công việc ngày hôm nay gồm có: lễ khai giảng, tập quân sự và tổng vệ sinh, đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất là tập quân sự.

Về việc tập quân sự, tôi đã được nghe nhiều rồi. Thế nhưng, hôm nay được chính thức tham gia, một cảm giác thật là lạ, mới mẻ… Khi tập động tác nhìn phải thẳng, cái cổ của tôi cứ cứng đờ, vừa nói vừa đau, rất khó cử động. Ôi, tôi thật không hiểu nổi, tại sao cứ phải làm tội nhau quá vậy, tôi cho rằng chỉ cần tư thế đúng là được rồi, việc gì cứ phải đứng nghiêm mãi thế?

Khi mọi người đang được nghỉ ngơi, còn mình cứ phải tập lại, cảm thấy rất khó chịu. Mồ hôi nhễ nhại, lưng mỏi gối đau, phơi mặt dưới trời nắng chang chang, còn người khác thì ngồi trong bóng mát nói cười rôm rả. Lúc này, chỉ mong thầy cho nghỉ sớm, chả còn ao ước gì hơn.

Giờ đây, nhiệm vụ duy nhất của mình là phải ngủ một giấc thật ngon, để lấy sức bước vào một ngày mới nữa.

Đối với câu hỏi “Tại sao phải làm khổ nhau vậy” của Đình Nhi, cô Lý không hề tỏ ra phật ý, mà còn ghi một lời khen ở bên lề trang nhật ký: “Trọng tâm nổi bật, có cá tính!” Với lời khen này, ngay ngày hôm sau, cô Lý đã chiếm được cảm tình của Đình Nhi:

Hôm nay là buổi học thứ hai, tôi ngủ dậy sớm, tập thể dục, mua cơm sáng ăn, rồi lại tập quân sự… Mọi công việc cũng gần như ngày hôm qua, cảm giác mới lạ không còn nữa. Lời phê bình của cô Lý trong bài nhật ký hôm qua cứ làm tôi nhớ mãi.

Tại sao mỗi lời phê bình bình thường như vậy lại in dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi? Chính vì nó đã cởi bỏ được những khúc mắc ở trong lòng tôi. Lời nhận xét về niềm vui và nỗi khổ của cô đã làm tôi bừng tỉnh. Tôi vẫn cho rằng, luyện tập quân sự là một việc khô khan mệt mỏi, chẳng có chút hứng thú nào. Thế nhưng cô giáo lại nói, nhìn bề ngoài, luyện tập quân sự vừa khổ vừa mệt, chẳng thú vị gì, thế nhưng chính công việc luyện tập quân sự này đã cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp. Đúng vậy! Tôi vốn là một cô bé được nuông chiều, chỉ đứng nghiêm vài phút đã kêu khổ ầm lên, thế nhưng mới qua hai ngày luyện tập gian khổ, nay tôi có thể đứng nghiêm vài chục phút mà không thấy mỏi chân. Không chỉ với các động tác tập quân sự, mà còn nhiều mặt khác cũng đã có những tiến bộ rõ ràng. Ví dụ như trước đây có bị hơi sứt tay một tí là tôi đã “hạt châu rơi lã chã”, thế mà bây giờ dù có bị đứt tay với vết đứt to hơn tôi vẫn cố nén nhịn, tự băng bó lấy, không khóc tí nào. Đấy không phải là cái tốt của việc huấn luyện quân sự hay sao?Khi phát hiện mình đã cứng rắn trưởng thành, trong lòng tất nhiên rất sung sướng, sự sung sướng đó chẳng phải là một niềm vui hay sao? Cô giáo nói, niềm vui có nhiều loại, chơi đùa, nghỉ ngơi, xem ti-vi… cũng là niềm vui, làm nghề dạy học như cô, hằng ngày đổ biết bao mồ hôi tâm sức vì học sinh thân yêu, khi thấy học sinh mình tài giỏi nên người, đó cũng là một niềm vui, một sự kiêu hãnh.

Những lời nói của cô giáo làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều, nhờ cô giáo mà tôi đã hiểu được, niềm vui trong sự vất vả, niềm vui đó mới thực sự là niềm vui chân chính!

Xuất phát từ quan niệm niềm vui trong gian khổ, sang ngày thứ ba, cô Lý cho cả lớp thảo luận vấn đề “Làm thế nào để xứng đáng là một học sinh chân chính Trường Chuyên ngữ?” Qua thảo luận, cả lớp đã đi đến một quan điểm chung là: “Lấy gian khổ làm niềm vui, lấy thăng tiến làm vinh dự”. Quan điểm chung cũng là một loại sức mạnh, nó có thể bắt buộc người ta tự đánh giá những suy nghĩ và hành vi của mình theo những tiêu chuẩn chung đó. Trong một trường có được một môi trường giáo dục tốt thì nền nếp nhà trường sẽ ổn định, học sinh rất khó sinh hư, các bậc phụ huynh sẽ luôn cảm thấy yên lòng.

Cô Lý là một con người đúng đắn và cực kỳ nghiêm khắc, cô vừa là một người mẹ hiền từ, cũng vừa là một người cha nghiêm nghị. Quan điểm giáo dục của cô rất phù hợp với quan điểm giáo dục của vợ chồng tôi.

Lấy chuyện ngày chủ nhật đầu tiên ĐÌnh Nhi trở lại nhà làm thí dụ. Hôm đó, tôi đã chuẩn bị cho Đình Nhi mấy bộ quần áo dài để đề phòng trời lạnh, Đình Nhi một mực không mang theo. Sang ngày thứ ba, quả nhiên trời lạnh. Bằng tình thương yêu học trò đúng mực, cô Lý đã biến chuyện không may đó trở thành một chuyện đầy ý nghĩa.

Sáng sớm hôm nay, trời bỗng nhiên trở lạnh, mưa cứ dầm dề, gió thổi ù ù không ngớt, cái lạnh làm tôi không sao ngủ tiếp được. Nhìn ra ngoài, bầu trời âm u xám xịt. Từ trong chăn ấm bò ra, tôi cảm thấy trời lạnh thấu xương, bàn tay tê cóng. Mở tủ quần áo, lục lọi lung tung mà chẳng tìm đâu ra một bộ quần áo đủ để chống chọi với cái lạnh. Chẳng còn cách nào khác, có bao nhiêu quần áo mùa hè, tôi đành phải mặc hết vào rồi lên lớp. Thế mà người vẫn cứ rung lên bần bật.

Sau tiết học thứ nhất, thấy tôi lạnh cô liền nói với tôi: “Con lạnh lắm phải không? Để cô gọi bảo Vương Giảo (con gái của cô) lấy cho con chiếc quần dài!” Câu nói đó làm cho tôi ấm hẳn lên. Lát sau, Vương Giảo mang quần áo đến cho tôi, bạn ấy còn nhiệt tình giúp tôi mặc thêm quần ấm. Tuy người tôi vẫn còn hơi lạnh, nhưng trong lòng thì ấm áp vô cùng. Đến trưa, mẹ của Cung Vệ Thanh, một người bạn cùng phòng với tôi, đã đem cho tôi và mấy bạn khác cùng phòng quần áo ấm. Những con người chưa quen biết nhiều lắm, sao họ lại tốt với tôi như vậy?

Bây giờ thì tôi đã hiểu ra ý nghĩa đích thực của câu nói: “Trên cõi đời này đâu cũng ấm áp!”

Những thầy cô giáo tốt như cô Lý của chúng tôi, trong trường Chuyên ngữ Thành Đô này còn nhiều lắm. Họ tạo thành một tập thể giáo viên vừa yêu nghề, yêu ngành, vừa tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ. Họ là nền móng, họ là rường cột để Trường Chuyên ngữ dựa vào đó mà vươn lên. Mọi sự tiến bộ của Đình Nhi cũng nhờ đó mà có được.

Nhờ có sự tận tâm dạy dỗ và lòng yêu trẻ thiết tha của các thầy cô, cộng thêm sự cần cù, khiêm tốn, ham học của Đình Nhi, chúng tôi mới thực hiện được một kế hoạch mang tính chiến lược đối với Đình Nhi là “Phải giải quyết mọi vấn đề về học tập ngay tại trường”.