Em phải đến Harvard học kinh tế

CHƯƠNG 5 (D)

Do không được vào học tại các trường tiểu học loại A, chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với kết quả học tập cao của ĐÌnh Nhi. Vào một ngày thứ bảy, giữa học kỳ II lớp 2, Ương Ương, một bạn tốt của ĐÌnh Nhi, hiện đang học Trường tiểu học Sở Thương Nghiệp đến chơi với ĐÌnh Nhi. Tôi hỏi Ương Ương: "Cháu có viết nhật ký không?" Ương Ương nói: "Thầy giáo yêu cầu chúng cháu mỗi ngày phải bỏ ra 30 phút viết một bài nhật ký dài 250 chữ, tuỳ ý viết cái gì cũng được".

Tôi thấy biện pháp này rất hay, liền bảo Đình Nhi làm theo. Tôi còn bổ sung thêm: nếu câu chuyện quá dài có thể chia ra viết trong vài ngày, nếu câu chuyện ngắn quá, thì một ngày có thể viết hai chuyện. Tóm lại, trong thời gian 30 phút vẫn phải viết 250 chữ. Tôi cho rằng, việc hạn chế số chữ và thời gian như vậy buộc ĐÌnh Nhi phải suy nghĩ và viết thật nhanh, rất có lợi cho việc tập trung tư tưởng, nâng cao hiệu suất tư duy.

Vì Ương Ương đã làm như vậy, nên Đình Nhi vui vẻ chấp nhận. Một bài nhật ký bây giờ thường dài gấp đôi những bài trước đây, vì vậy trong quá trình sưu tập tư liệu, bắt buộc phải quan sát kỹ hơn. Từ đây, công việc viết nhật ký của Đình Nhi bước sang giai đoạn mới, ghi lại quá trình bồi dưỡng tố chất tổng hợp rất sinh động của mình.

Ngày 16 tháng 5

Chiều nay, trên đường đi đổ rác về, tôi nhìn thấy ba chiếc chậu hồng trụ đỉnh đẹp tuyệt vời. Trên mỗi chậu đều nở được ba bông hoa. Tôi nghĩ ở đây không có ong mật làm sao có thể thụ phấn được, thế là tôi quyết định thụ phấn nhân tạo cho chúng.

Tôi cầm nhẹ một bông hồng đực, rũ phấn vào trong lòng bàn tay, sau đó tôi vít nhẹ một bông hoa hồng cái, để cho noãn hoa của nó chấm vào phấn hoa đực trong lòng bàn tay tôi. Cứ lần lượt như vậy, tôi đã thụ phấn nhân tạo cho tất cả các bông hoa cái.

Sau khi thụ phấn xong cho mấy chậu hồng trụ đỉnh, tôi lại thấy bên cạnh có mấy chậu sen lệnh kiếm cũng đang nở hoa. Tôi chợt nghĩ: thử lấy phấn đực của hồng trụ đỉnh thụ phấn nhân tạo cho sen lệnh kiếm xem sao.

Thế là, tôi lại rũ phấn đực của hoa hồng trong lòng bàn tay, rồi đem đến mấy chậu hoa sen lệnh kiếm, tôi dốc phấn hồng trụ đỉnh vào noãn cái của hoa sen. Như vậy, tôi đã làm thêm được một việc là lai giống hoa sen bằng phương pháp thụ phấn nhân tạo.

Mẹ nhận xét: bề ngoài hoa hồng trụ đỉnh như thế nào? Nhuỵ đực và nhuỵ cái của nó có gì khác nhau, làm thế nào để phân biệt được? Chưa miêu tả được hoa sen lệnh kiếm. Tôi miêu tả quá trình thụ phấn sinh động và cụ thể, nếu hoa cũng miêu tả được như thế thì tốt biết bao. Xem ra, về quá trình thao tác, tác giả đã ghi được khá rõ ràng, còn việc quan sát đối tượng thao tác chưa được tả tỉ mỉ. Cần phải học cách miêu tả các bài "Chú sóc con" và "Con chim chả hồng" trong sách giáo khoa. Chỉ cần mấy câu tả đã làm hiện lên một cách sống động vật mình miêu tả. Điều mấu chốt là, khi quan sát phải nhanh nhạy tìm ra được đặc điểm của sụ vật.

(Trọng tâm giáo dục: Ba đã nhiệt liệt biểu dương "hoạt động khoa học" còn mang nặng tính ấu trĩ ấy của ĐÌnh Nhi, còn tôi đóng vai trò của một cô giáo ngữ văn. Sau khi đọc lời nhận xét của tôi, chủ nhật sau đó, Đình Nhi đã bỏ công quan sát kỹ hai loài hoa đó, lấy đó làm tài liệu cho một bài nhật ký khác. Sau đó mấy ngày, ĐÌnh Nhi lại viết một bài nhật ký nữa có liên quan về hoa, lần này cháu đã tiến bộ nhiều).

Ngày 22 tháng 5

Chiều nay, trong giờ lên lớp của "Nhóm bạn cùng chung sở thích", thầy giáo dạy tập làm văn đã lấy bài "Những bánh xe trong cuộc sống" của tôi làm bài văn mẫu, đọc cho cả lớp nghe. Tôi mừng rơn.

Vừa tan học, tôi vội vã trở về. Tới nhà, ba mẹ đi làm chưa về. Tôi ngồi vào bàn làm bài tập và viết chữ. Một lát sau, ba đi làm về, tôi nói với ba: con hâm lại cơm rồi. Ba nói số cơm đó không đủ ăn, phải đi vo gạo nấu thêm cơm. Thế là tôi đi vo gạo, tôi nấu thêm một nồi cơm mới. Đúng lúc đó mẹ cũng trở về nhà. Mẹ xuống bếp làm thức ăn, còn tôi trở về phòng riêng làm tiếp công việc của mình.

Ăn cơm tối xong, tôi vội đem bài tập làm văn ra khoe mẹ. Không ngờ mẹ nói: "Viết rất bình thường. Bài này mà cũng được lấy làm bài mẫu, chứng tỏ rằng trình độ viết văn của lớp con còn kém lắm. Như vậy, chẳng qua chỉ là "bó đũa chọn cột cờ", "xứ mù thằng chột làm vua" mà thôi".

(Trọng tâm giáo dục: Không nên quá coi trọng những lời khen rẻ tiền. Nhà văn nổi tiếng Mỹ, lúc ông 8 tuổi cũng có những chuyện tương tự. Lần đầu tiên ông làm được một bài thơ, mẹ tấm tắc khen: "Hay quá!" Bố thì lại chê: "Dở òm!" Nhiều năm sau, ông cảm thấy rất mừng vì ngay từ nhỏ đã được nghe hai ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau đối với cùng một tác phẩm đầu tay của mình. Sự việc đó đã dạy cho ông biết: phải luôn giữ được trạng thái cân bằng trước những lời khen chê đủ kiểu của thiên hạ, không được vì sự chê bai của người khác làm mất đi dũng khí của mình, và trước sự tán dương ầm ĩ phải biết kiềm chế, không được say sưa tự mãn).

Ngày 3 tháng 6. Thứ bảy

Chiều nay, bạn Ương Ương đi xe đạp đến trước sân nhà, gọi tôi, rủ đi tập xe đạp. Tôi bảo bạn Ương Ương, hãy lên nhà tôi đã để tôi sắp xếp, xem có thời gian đi xe đạp hay không. Và còn được bao nhiêu. Bạn Ương Ương liền khoá xe lại, leo cầu thang gác lên nhà, tôi ngồi viết một thời gian biểu, nội dung như sau:

Luyện viết chữ: 60 phút

Làm bài tập ngữ văn: 30 phút

Lau nhà: 15 phút

Viết nhật ký: 60 phút

Luyện đàn: 30 phút

Tổng cộng là 3 giờ 15 phút. Quỹ thời gian buổi tối là 5 giờ 55 phút (trừ ăn tối và nghỉ ngơi). Như vậy tôi còn 1 giờ 10 phút để tập xe đạp. Tôi và Ương Ương vui vẻ xuống lầu.

(Trọng tâm giáo dục: để Đình Nhi biết cách sắp xếp thời gian của mình trong cả một giai đoạn dài, cứ đến cuối tuần tôi yêu cầu cháu phải lập được một bảng thời gian biểu chi tiết cho cả tuần sau. Trước hết phải trừ đi những thời gian dùng cho mọi việc bắt buộc cho sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ, xem truyền hình... xem còn bao nhiêu thời gian để làm việc. Sau đó lại tính riêng hai ngày thứ bảy và chủ nhật, giúp mẹ làm việc vặt trong gia đình, đi chơi xa hoặc tiếp khách... Trừ tất cả các khoản đi, thì sẽ biết có còn thời gian để đi chơi hàng ngày không, và còn bao nhiêu thời gian. Đối với các bậc cha mẹ, việc tính toán kỹ như vậy sẽ tránh được việc lúc nào cũng hò hét con học bài, biến việc học tập của con thành việc "khổ sai". Làm việc theo giờ nào việc nấy rất có lợi cho việc nâng cao hứng thú và hiệu suất học tập cho con).

Ngày 1 tháng 7. Chủ nhật. Trời mưa

Chiều nay, ba cho tôi và Ương Ương cùng tập “diễn thuyết” từ 3 đến 5 phút.

Chúng tôi bắt đầu đọc sách. Cuốn sách mà tôi đọc là cuốn “Bí mật” - một tuyển tập các chuyện lạ trên thế giới. Tôi chọn bài “Các kiểu ly hôn” để tập diễn  thuyết. Tôi bắt đầu kể:

“Trên thế giới có nhiều kiểu ly hôn.

Ly hôn bằng lời thề: ở một số nước Ả rập, khi một người chồng đã chán ghét vợ mình và có ý định bỏ vợ, thì chỉ cần chỉ thẳng vào mặt vợ mình và nói liền ba tiếng: “Ly hôn, ly hôn, ly hôn”. Thế là có thể ly hôn.

Ly hôn bằng cách kéo đứt sợi dây: ở một số nước phía Nam dãy núi Hymalaya, sau khi lấy nhau, cuộc sống vợ chồng không hoà hợp, chỉ cần hai bên thuận tình ly hôn, họ có thể lấy một sợi chỉ mỏng manh, rồi vợ chồng mỗi người nắm một đầu dây kéo mạnh. Sợi dây đứt, coi như đã hoàn tất thủ tục ly hôn.

Ly hôn qua bưu điện: để tạo thuận lợi cho những cặp vợ chồng tình nguyện ly hôn, chính quyền địa phương bang California của Mỹ đã quy định một đạo luật cho phép “Ly hôn qua đường bưu điện”. Những cặp vợ chồng muốn ly hôn chỉ cần qua con đường bưu điện, nộp cho chính quyền 40 đô-la Mỹ là được phê chuẩn.

Còn nhiều kiểu ly hôn kỳ lạ khác, nhưng thời gian đã hết”.

Viết ra thì như vậy, nhưng thực ra khi tôi kể thì còn lúng túng lắm, và có rất nhiều chỗ sai, nhất là địa danh và tên người… nhiều lúc ba tôi không nhịn được, cười ngặt nghẽo.

 

Ngày 2 tháng 7. Thứ hai (tiếp) 

Sau khi tôi kể xong, thì đến lượt Ương Ương. Bạn ấy cũng chọn lấy một chuyện trong cuốn “Bí mật” như trên tôi vừa nói. Câu chuyện bạn ấy kể là chuyện một người có sáu chiếc dạ dày, chùm truyện “Những điều bí ẩn trên cơ thể con người”. Đây cũng là một chuyện lạ. Một bệnh viện ở Java, Indonesia, vừa mới nhận vào một bệnh nhận nam, khả năng ăn uống của anh ta thật kỳ lạ. Suốt ngày lúc nào cũng kêu đói, vớ được cái gì là ăn ngấu ăn nghiến, thậm chí còn ăn cả tấm ga trải giường. Nhân viên phục vụ vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Chưa phát hiện ra anh ta mắc bệnh gì, họ đã nhất trí đuổi anh ta ra khỏi bệnh viện…

Tài diễn thuyết của Ương Ương cũng chẳng hơn tôi là mấy, có điều năm tháng và địa đanh bạn ấy nhớ hơn tôi.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi tập “diễn thuyết”, tuy chưa thật vừa ý, nhưng rất vui.

(Đình Nhi rất có tài ăn nói, chính nhờ ngay từ nhỏ cháu đã được huấn luyện khá công phu. Trọng tâm giáo dục: Hình thức gọi là “diễn thuyết” này cũng là một phương pháp huấn luyện rát tích cực cho khả năng thông báo tin tức, phát biểu ý kiến trước hàng trăm con mắt đang theo dõi, thế nhưng thái độ người diễn thuyết vẫn bình tĩnh, ung dung, nói năng chủ động lưu loát và dòng suy nghĩ không hề lẫn lộn. Sau này, khi được phỏng vấn tại Mỹ, Đình Nhi đã phát huy rất tốt khả năng này).

 

KHÔNG GẶP THẦY GIỎI, VẪN PHẢI LÀ MỘT TRÒ GIỎI

Theo chúng tôi được biết, và cũng qua thực tế học tập của Đình Nhi, tuyệt dại các thầy cô giáo mà chúng tôi đã gặp đều yêu ngành yêu nghề, hết lòng vì học sinh. Cho đến nay chúng tôi vẫn luôn kính trọng và biết ơn các thầy cô giáo đó. Có rất ít các thầy cô giáo vẫn chưa thực sự tận tâm với nghề nghiệp, gặp phải những thầy cô giáo đó, quả là điều không may mắn đối với học sinh. Nhưng nếu các bậc cha mẹ có những biện pháp hữu hiệu để bù đắp lại những sự thiệt thòi đó, thì con cái họ vẫn có thể trở thành trò giỏi, con ngoan.

Mấy năm đầu bậc tiểu học, Đình Nhi chưa gặp được vận may. Do sự tiếp nhận học sinh theo địa bàn đăng ký hộ khẩu, nên không được vào học ở một trường như ý muốn, chật vật lắm mới xin được vào một trường tiểu học loại trung bình, nhưng lại không may gặp phải một cô giáo ngữ văn kiêm chủ nhiệm lớp, môt cô giáo chưayên tâm với nghề dạy học. Để đỡ phải chấm bài, trong cả hai năm lớp 2 và lớp 3, phần lớn bài tập ở nhà của học sinh, cô đều cho chép lại nguyên xi bài khoá.

Để giữ uy tín cho cô, tôi luôn thúc giuc Đình Nhi phải cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ học tập ít hiệu quả ấy. Dẫu sao, đối với học sinh tiểu học, thói quen tôn trọng thầy cô giáo còn quan trọng hơn cả những kiến thức mà các cháu học được ở thầy cô. Quyết không thể vì một sự thiếu trách nhiệm của một thầy cô nào đó, để Đình Nhi coi thường cả những yêu cầu đúng đắn của các thầy cô giáo nói chung. Chỉ khi nào việc làm của Thầy cô giáo có ảnh hưởng xấu trực tiếp đến học sinh, chúng tôi mới răn đe con cái bằng cách “việc này ba mẹ sẽ trực tiếp đến xin với thầy cô giáo”, chứ không cho phép con tự ý chối bỏ những đòi hỏi của thầy cô. Ví như, cuối học kỳ II lớp 2, trước khi thi cô chủ nhiệm yêu cầu học sinh phải chép lại bài khoá của cả một học kỳ. Một mệnh lệnh rất không hợp lý như vậy, đương nhiên là chúng tôi không thể để cho Đình Nhi chấp hành. Nếu không còn thời gian đâu để học các bộ môn khác, kết quả thi cử sẽ thế nào. Nhưng khi giải thích cho ĐÌnh Nhi, tôi không bình phẩm và cũng không tỏ thái độ phản đối, chỉ nói: “Mẹ sẽ viết giấy xin với cô giáo cho con được miễn chép bài khoá mà chỉ tập trung học “từ mới”, vì mặt đó còn quá yếu. Chắc cô giáo sẽ đồng ý thôi”.

Do trong cả năm, việc dạy dỗ học sinh của cô chủ nhiệm chưa làm hết trách nhiệm, cho nên kết quả thi của bộ môn do cô phụ trách không được như ý. Vì vậy, cô đã tìm cách tăng điểm cho học trò bằng biện pháp căn cứ vào năng lực học tập thực tế và tinh thần hăng hái phát biểu ở trên lớp của một số học sinh. Do đó, kết quả ngữ văn cuối học kỳ II lớp 2 của ĐÌnh Nhi thực tế chỉ khoảng 90 điểm, cô đã tăng cho thành 98 điểm.

Để cho Đình Nhi có nhận thức đúng về kết quả thi cử của mình, hôm nhận được giấy báo kết quả thi, chúng tôi đã phải giải thích ngay theo hướng tích cực cho Đình Nhi về việc làm của cô giáo: Cô giáo tăng điểm cho con vì con thi quá kém (hồi đó học sinh lớp 1, lớp 2 phải đạt 95 điểm mới được coi là thi đỗ). Cô sợ con chán nản buồn phiền. Sau đó tôi hỏi cháu: “Khi thi vào đại học, liệu có ai dám mạnh tay cho con thêm điểm không?” Đình Nhi suy nghĩ rồi nói: “Chắc không mẹ ạ!” Ba nói thêm: “Không những không, mà chỉ cần thiếu nửa điểm tên con đã phải đứng dưới hàng trăm ngàn bạn khác. Cũng như vậy con chỉ cần cố lên nửa điểm, tên con cũng sẽ đứng trên hàng trăm hàng ngàn bạn khác rồi. Trên thực tế, hàng năm chỉ vì hơn kém nhau nửa điểm mà đã có hàng trăm hàng ngàn thí sinh hoặc thi đỗ đại học hoặc thi trượt”.

Tôi nói với ĐÌnh Nhi: “Muốn có được kết quả thi thật tốt, thì tự mình phải đặt ra những yêu cầu thật cao. Thời xưa ở trung quốc đã có một câu nói rất hay rằng: “Pháp hổ kỳ thượng, đắc kỳ trung dã…”” Ba liền giải thích: “Câu nói đó có nghĩa là: đặt ra yêu cầu thật cao, kết quả việc làm có thể chỉ ở loại trung bình; đặt ra yêu cầu ở mức trung bình, thì kết quả làm việc chỉ ở loại kém…”. Sau ba còn lấy một vài dẫn chứng cụ thể để chứng minh câu nói đó là đúng… Đình Nhi sau sưa nghe, nghe xong liền biểu thị quyết tâm: “Con cũng sẽ pháp hổ kỳ thượng…”. Tôi mừng quá ôm chặt con vào lòng, khen con có ý chí và bảo: “Để con có thể “Pháp hổ kỳ thượng”, mẹ sẽ dẫn con đến học tập kinh nghiệm của anh Lý Hưởng”.

Lý Hưởng là con trai một người bạn đồng nghiệp của tôi, cháu rất say mê học tập, điểm học tập và điểm đạo đức đều xếp loại giỏi. Đầu năm nay, cháu vừa được nhà trường tiến cử cho đi học tại một trường trung học trọng điểm vào loại số một, số hai của tỉnh Tứ Xuyên. Sau này, sau sáu năm học tập tại trường trung học, Lý Hưởng đã được trường Đại học Bắc Kinh tuyển thẳng vì có thành tích học tập xuất sắc, đứng thứ ba trong kỳ thi giỏi văn toàn tỉnh Tứ Xuyên. Mẹ cháu, cô giáo Ngô rất có kinh nghiệm cả trong việc dạy học ở trường và giáo dục con cái ở nhà. Cứ mỗi kỳ nghỉ phép hàng năm, tôi đều dẫn Đình Nhi đến nhà anh Lý Hưởng chơi, để cháu được người thực việc thực. Những lời khuyên bảo của cô giáo Ngô và những bài học sống động của anh Lý Hưởng đã giúp Đình Nhi giảm được bao đoạn đường vòng. Hơn nữa, còn tập cho cháu một thói quen: thấy người hơn mình phải chủ động khiêm tốn học hỏi và luôn lấy họ làm gương để noi theo.

Cô giáo Ngô nói với Đình Nhi, năm lớp 3 là năm đã có sự phân hoá rõ rệt về trình độ của học sinh. Nguyên nhân của sự phân hoá đó là do tố chất trí lực của từng người và cơ sở tri thức do hai năm lớp 1 và lớp 2 tạo dựng nên. Để khắc sâu ấn tượng cho Đình Nhi, tôi cố ý hỏi cô giáo Ngô: “Theo cô, cơ sở của bộ môn ngữ văn là gì?” Cô trả lời: “Cơ sở của môn ngữ văn không có gì khác ngoài ba việc: học chữ, ghép từ và đặt câu”. Tôi lại hỏi: “Phải chăng học sinh chỉ phải nghe thầy giảng là đủ, còn muốn làm một học sinh xuất sắc thì phải biết chủ động mở rộng kiến thức của mình”.

Tiếp lời cô, tôi hỏi lại Đình Nhi: “Con cũng đang phấn đấu để được là học sinh xuất sắc, đúng không? Vậy thì kỳ nghỉ phép này, hai mẹ con sẽ tập trung luyện tập ghép từ và đặt câu nhé”.

Tác dụng tích cực của một tấm gương sáng và những lời gợi mở của các bậc phụ huynh, xưa nay luôn là một sức mạnh dư luận, hiệu quả nhất. Trong không khí cởi mở ấy, Đình Nhi đã tiếp thu một cách thoải mái và vui vẻ.

Sau khi tư tưởng đã thông, nhiệt tình học tập ngữ văn đã có, trong kỳ nghỉ hè của lớp 2, hằng ngày Đình Nhi vẫn theo tôi đến cơ quan. Tôi ngồi đọc bản thảo, còn ĐÌnh Nhi ngồi bên cạnh, tập ghép từ. Tôi yêu cầu cháu, mỗi chữ phải ghép được 4 từ. Mỗi khi bí không nghĩ ra được, cháu lại xin mẹ “cho vay từ”. Cũng có thể chỉ ghép được một hay hai từ, tôi cũng giải thích cho cháu về trường hợp đặc biệt này.

Trên đường đi làm hoặc trở về nhà, rồi cả những khi tôi bận làm cơm, cháu thường quanh quẩn bên tôi, tay vẫn cầm quyển vở tập ghép từ, lấy những từ đã ghép tập đặt câu. Mỗi khi hiểu lầm nghĩa của từ hoặc đặt câu sai, tôi thường ngắt lời cháu, giảng giải tại chỗ. Sau đó bắt cháu nhắc lại cho tôi nghe. Tôi còn có quy định mới với Đình Nhi: nếu nghe được từ mới nào hoặc một cách nói mới, cháu phải tự giác nhắc lại ba lần.

Việc tự học trong kỳ nghỉ hè này thật có hiệu quả. Cháu không chỉ học được các từ một chữ tạo ra bốn từ mới để nắm được tính đa nghĩa của mỗi chữ Hán, mà còn hình thành được quan niệm: “Kỳ nghỉ hè chính là một “trạm tiếp dầu” quan trọng để đi tiếp những chặng đường sắp tới”. Sau này cứ mỗi kỳ nghỉ hè, Đình Nhi đều nuôi một hy vọng: “Phải có một bước tiến mới trong kỳ nghỉ hè này”, để cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ học tập mà cha mẹ giao cho.

Cũng cần nói thêm rằng, ngoài những bài tập do nhà trường quy định, không bao giờ chúng tôi giao cho cháu những bài tập tương tự, mà bằng các hình thức luyện tập khác nhẹ nhàng và rất có hiệu quả, cố gắng giúp Đình Nhi phát triển các kỹ năng học tập. Về việc này, sau đây còn có dịp kể tỉ mỉ hơn.