Hằng ngày phải mang theo Đình Nhi đến cơ quan làm việc, thật vô cùng bận rộn. Sáng sớm, khi tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên, là bắt đầu một cuộc chiến mới, cho đến tận lúc Đình Nhi lên giường ngủ mới tạm coi là kết thúc. Lúc đó tôi mới có thời gian dồn tâm sức vào tập giáo trình đại học. Tiểu Viên, cô bạn hàng xóm, thấy cảnh ngộ của tôi quá vất vả, chị chủ động nhờ cô giáo của nhà trẻ nội trú, nể tình riêng cho Đình Nhi vào lớp học của cô buổi ban ngày. Tôi đang mừng vì từ nay ban ngày hoàn toàn được giải phóng, thì bất ngờ, khoảng gần trưa ngày thứ ba, Đình Nhi gào khóc nằng nặc đòi về nhà. Cô giáo sợ lãnh đạo nhà trẻ phát hiện ra, vội vã bảo Tiểu Viên mang cháu về. Thích đến nỗi đã có lần sơ ý làm “mất lòng” một người hàng xóm. Lần ấy Đình Nhi còn đang ở nhà bà ngoại, cháu đã ngây thơ nói với ông hàng xóm rằng: “Ông Đình ơi! Cháu không thích ông đâu, cháu chỉ thích cô giáo ở nhà trẻ thôi!”.
Nhờ Tiểu Viên xin lỗi cô giáo giúp tôi, và nhắc nhở Đình Nhi kàm như thế là không được. Cháu thẳng thắn nói: “Ở nhà trẻ, cô giáo không dạy hát, không dạy múa, không kể chuyện gì, ngay cả đồ chơi cô cũng không cho chơi, con không đi nhà trẻ ấy đâu!”. Tiểu Viên nói: “Lớp tuổi nhỏ là phải như thế chứ!”. Cô khuyên tôi nên nhờ Hội Văn nghệ liên hệ cho Đình Nhi được chính thức vào nhà trẻ đó. Phòng Tổ chức của Hội Văn nghệ tỉnh cũng đồng ý cho tôi một chỉ tiêu được cho con vào nhà trẻ nội trú, họ đang chờ tôi trả lời.
Thái độ bất bình thường của Đình Nhi làm tôi nhận ra cái nhà trẻ đó chỉ là loại nhà trẻ kiểu cũ, “đơn thuần là bảo mẫu và giữ trẻ”. Trẻ con ở đó chẳng được học cái gì. Nó không giống như nhà trẻ số 3 mà một đồng nghiệp của tôi đã giới thiệu. Ở đó họ thực hiện một chế độ giáo dục đổi mới, các loại đồ chơi nhằm phát triển trí lực của trẻ con được bày sẵn trên bàn, cháu nào thích chơi thứ gì, tự do lựa chọn, chỉ có điều chơi xong phải trả lại nguyên chỗ cũ.
Tôi cũng đã một vài lần đưa Đình Nhi đến Nhà trẻ số 3 đó tham quan, cháu rất thích. Song muốn vào được nhà trẻ kiểu mẫu đó, còn phải chờ đợi thêm mấy tháng nữa. Chọn được nhà trẻ ưng ý rồi, dù có chờ đến ba năm nữa vẫn cứ chờ.
Tôi nghĩ rằng, đừng nói đến loại nhà trẻ không coi trọng phát triển trí lực cho trẻ con, ngay cả các nhà trẻ rất coi trọng điều đó, thì tất cả các loại nhà trẻ nội trú không bao giờ tôi gửi con vào. Bởi vì, trẻ con dưới 6 tuổi rất cần sự giáo dục riêng lẻ của gia đình. Ở chúng, sự chú ý rất hay bị phân tán, tình cảm không ổn định, ý chí rất mỏng manh, không thích hợp với việc lấy giáo dục tập thể làm chính. Chúng không thể tách rời sự gần gũi âu yếm của cha mẹ, chúng rất cần tình cảm gia đình; sự bắt chước lời nói, sự phát triển hành động, sự hình thành tính cách của trẻ … không thể tách rời sự giáo dục riêng lẻ của cha mẹ. Nếu hằng ngày không có được sự giáo dục riêng lẻ của gia đình, thì đã làm mất đi môi trường và động lực chủ yếu để thúc đẩy sự phát triển cả tâm, sinh lý cho trẻ con. Để cho Đình Nhi hằng ngày đều được thưởng thức “món ăn tinh thần” của gia đình, tôi không gửi Đình Nhi vào Nhà trẻ nội trú.
Như vậy, Đình Nhi chỉ còn cách ngày ngày theo mẹ đi “chỉnh Đảng” mà thôi.
Ít lâu sau tôi đọc được hai mẩu tin quan trọng trên báo chí. Một là, Nhà hát kịch Thượng Hải có chiêu sinh một lớp chuyên tu về lý luận hý kịch, tháng 5 này sẽ tổ chức thi, thời gian học 2 năm, chủ nhiệm lớp là ông Dư Thu Vũ. Tin thứ hai: có một phụ nữ chờ việc ở Thành Đô, thành lập một nhà trẻ tư nhân, điều kiện ở đó tuy còn thô sơ, cô giáo lại chỉ có một mình là bà chủ đó, thế nhưng lại gần 10 đứa trẻ ở đó lại đang vui đùa rất vui vẻ, học phí lại không đắt lắm. Và điều quan trọng hơn là ngay ngày mai có thể cho con nhập học. Thế là tôi liền nộp học phí cho Đình Nhi. Về đến cơ quan tôi vội vã tìm gặp Tổng biên tập Lý Luỹ, hy vọng lãnh đạo sẽ cho phép tôi nghỉ công tác, có thời gian ôn luyện văn hoá để thi vào lớp đại học chuyên tu do thầy Dư Thu Vũ làm chủ nhiệm.
Tổng biên tập Lý Luỹ là một người luôn coi trọng việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, ông không chỉ đồng ý cho Ban biên tập chi khoản chi phí cho tôi đi học, mà còn làm công văn báo cáo với Đảng uỷ cơ quan phê chuẩn kế hoạch học tập của tôi. Tôi đã không phụ công lao của đồng nghiệp, trong cuộc đua tranh kịch liệt giữa các cán bộ chuyên ngành trong toàn quốc, tôi đã vượt qua được tất cả các cuộc thi văn hoá, thì chuyên ngành và thi năng khiếu. Tôi tự cảm thấy cũng không đến nỗi nào. Ngoài ra, tôi còn làm việc với Nhà hát kịch Thượng Hải và Xưởng phim Thượng Hải, chuẩn bị một số đề tài cho Ban biên tập chúng tôi. Xong xuôi công việc tôi mới trở về Thành Đô chờ kết quả.
Trong thời gian lên Thượng Hải dự thi, tôi gửi Đình Nhi tại nhà trẻ tư nhân mà tôi vừa kể. Để Đình Nhi được quan tâm chăm sóc tốt hơn trong 20 ngày tôi xa nhà lên Thượng Hải, tôi đã nộp lệ phí luôn cả tháng. Vợ chồng bà chủ động viên tôi cứ yên tâm đi công tác. Khi tôi trở về đến đón Đình Nhi, thấy cháu gầy rộc đi, không còn nhận ra cháu nữa. Chiếc khăn mặt mới tinh giờ bẩn thỉu như giẻ lau nhà. Những điều tồi tệ ấy tôi cũng đã lường trước, nhưng khi Đình Nhi cúi nhặt những hột cơm vãi ở dưới nền nhà cho vào miệng, và nhất là khi tắm cho cháu, thây gân cốt lộ ra. Tôi thương cháu như đứt từng khúc ruột.
Đến nay tôi vẫn chưa hiểu nổi trong 20 ngày xa mẹ, cháu bị đày đoạ như thế nào, tôi cũng không muốn trực tiếp hỏi cái người đã xử tệ với cháu. Tôi không bao giờ bước chân đến cái gọi là trẻ kinh khủng đó một lần nữa. Trong cuốn “Nhật ký dạy con”, ngay sau ngày từ Hồ Bắc trở về, tôi đã viết:
Sau 20 ngày xa cách, trí nhớ của Đình Nhi đã suy giảm quá nhiều, hầu như con không còn nhớ gì về bà ngoại và các cậu của nó, những bài thơ Đường trước đây con thường đọc thuộc lòng nay đều không nhớ nữa, những thói quen tốt đẹp mà tôi đã dày công rèn dũa tạo nên nay đều mất hết, như thói quen giữ vệ sinh, thói quen khi ăn uống. Về tính cách cũng có nhiều thay đổi, không còn ngây thơ hoạt bát như trước đây; tính hồ nghi, bụng dạ hẹp hòi ngày càng thể hiện rõ hơn. Giờ đây con hay chấp nhặt, hay cáu bẳn, hay gào khóc, khát khao được âu yếm nuông chiều. Khuôi mặt gầy tọp đi, những vết muỗi cắn đỏ hằn từng mảng. Tôi đã mất nhiều công sức để uốn nắn lại tính tình và thói quen của con, cốt sao cho tâm hồn và cả thể xác của con được lành mạnh như trước đây. Tôi đã phải thuê cả một cô giúp việc chăm sóc con. Một tháng sau, Đình Nhi trở lại bình thường. Lúc bấy giờ tôi rất lo, những gì đã xảy ra trong 20 ngày qua sẽ để lại những ảnh hưởng không tốt đối với cháu sau này, tôi luôn để tâm theo dõi, Giờ đây (2 tháng đã trôi qua), tôi thấy hầu như hậu quả không có gì ghê gớm lắm.
Thời gian đó, cha mẹ tôi mỗi tháng đã cố dành dụm lấy 10 đồng giúp đỡ tôi một nửa tiên công thuê người trông nom cháu. Khoản trợ cấp đó kéo dài cho đến lúc Đình Nhi chính thức được nhận vào Nhà trẻ số 3.
BỎ LỠ THỜI CƠ ĐƯỢC THEO HỌC THẦY DƯ THU VŨ, TÔI HỐI TIẾC VÔ CÙNG
Tháng 7 năm 1984, tôi được nhận vào học lớp chuyên tu về lý luận của Nhà hát kịch Thượng Hải với điểm thi cao nhất, hơn nữa lại là một nữ sinh duy nhất trong số hơn 40 người được may mắn nhận vào. Tay cầm tờ giấy gọi nhập học tôi vừa mừng vừa lo: mừng vì tôi đã thi vào một lớp đại học nổi tiếng với chuyên ngành mình yêu thích, tôi sẽ được theo học một nhà giáo mà tôi hằng ngưỡng mộ - thầy Dư Thu Vũ. Khi đó thầy Dư Thu Vũ cũng chưa có tiếng tăm nổi trội, nhưng tôi yêu quý thầy là vì qua những tác phẩm chuyên luận về hý kịch, thầy đã có cách nhìn độc đáo, một tư duy mới mẻ. Trái lại tôi rất lo, nếu tôi đi học ở Thượng Hải, thì Đình Nhi sẽ ra sao?
Trong thời gian học thi ở Thượng Hải, tôi đã cố ý đi dò hỏi những nhà trẻ ở gần nơi tôi theo học. Với điều kiện như Đình Nhi, cháu sẽ không thể được nhận vào bất kỳ một nhà trẻ nào ở Thượng Hải. Tôi cũng thăm dò về lệ phí khi gửi một cháu nhỏ, một nhà trẻ loại xoàng nhất, cả tiền ăn lẫn tiền công trông trẻ, một tháng ít nhất cũng phải nộp 60 đồng nhân dân tệ. Có nghĩa là, sau khi nộp tiền cho cháu xong, thì toàn bộ thu nhập của tôi trong một tháng cũng chỉ còn lại 10 đồng. Mặc dù toàn bộ tiền học phí đơn vị đã bao cho, song với 10 đồng bạc lo chi phí cho cả tháng, tôi làm sao sống nổi.
Trong lúc đang khó khăn bộn bề như vậy, mẹ tôi đã chìa bàn tay cứu giúp, mẹ bảo tôi cứ để Đìn Nhi lại theo mẹ về Hồ Bắc. Thế nhưng lần này tôi không thể tiếp nhận lòng tốt đó của mẹ được. Bởi vì em dâu sắp sinh cháu nhỏ, nếu trong lúc này tôi lại đẩy Đình Nhi cho mẹ, mẹ tôi cùng một lúc phải chăm sóc cả hai cháu nhỏ! Tôi không thể ích kỷ như vậy được.
Nếu cứ gửi con ở lại Thành Đô, để mình được rảnh rang đi Thượng Hải theo học. Đó cũng là một việc làm ích kỷ. Trong 20 ngày tôi học thi ở Thượng Hải vừa qua, Đình Nhi đã khổ sở như thế nào trong cái nhà trẻ tư nhân đó, khó khăn lắm mới giải quyết được hậu quả tồi tệ đó. Tôi thật không dám đi theo vết xe đổ đó.
Thế thì đành bỏ phí một cơ hội hiếm hoi là được lên Thượng Hải theo học hay sao? Tôi chưa cam tâm chấp nhận, đánh liều tìm đến cha đẻ của Đình Nhi, hy vọng sẽ cho cháu ở tạm với cha đẻ 2 năm. Nhưng anh ấy có nhưữn khó khăn riêng, Đình Nhi không thể ở đó được. Thật hết cách. Tôi đành phải viết thư cho thầy Dư Thu Vũ, nói rõ hoàn cảnh của mình, xin ý kiến thầy, cho phép tôi được tự học ở Thành Đô, đến kỳ thi tôi xin đến tham dự đầy đủ. Thật không ngờ thầy Dư đã thuyết phục được Ban lãnh đạo nhà hát chấp nhận lời đề nghị đó của tôi. Thế nhưng, càng nghĩ tôi càng thấy không ổn, học một lớp lý luận chuyên ngành như vậy theo phương thức hàm thụ thật là khó, chi bằng cứ ở lại Thành Đô tự học đại hcọ theo chương trình Đài truyền hình hướng dẫn, như vậy vẫn giữ lại một cơ hội sau này được nghỉ công tác theo học một lớp chuyên tu của một trường nào khác hơn không.
Như vậy, tôi đã bỏ mất một dịp may hiếm có được theo theo học thầy Dư. Chừng nửa năm sau, thầy Dư có dịp đi qua Thành Đô, rất muốn gặp tôi, thầy đã nhờ một nhà viết kịch nữ nhắn cho tôi biết, thế nhưng không hiểu vì sao bà ấy lại quên. Hai năm sau, thầy Dư Thu Vũ lại viết thư cho tôi, khuyên tôi nên thi nghiên cứu sinh do thầy hướng dẫn. Tôi tự biết rằng, tôi sẽ không thể nào vượt được môn thi Anh văn. Vì vậy, tôi đã viết thư “xin tạ lỗi” thầy. Cũng thật lạ, cái tình cảnh hữu duyên vô phận giữa tôi và thầy Dư ấy, lại được lặp lại trong câu chuyện giữa cha tôi và thầy Dư. Sau đó vài năm, tôi vô cùng kinh ngạc gặp lại bóng dáng của cha tôi trong vài lời “Tái bút” viết sau quyển “Bắc đường chìm nổi của một nền văn hoá” của thầy Dư. Hồi đó, tiếng tăm của thầy đã vang trong cả nước, bạn bè trong nước và thế giới đều đánh giá cao tác phẩm của thầy. Trong lời “Tái bút” của cuốn sách nổi tiếng ấy, thầy đã viết: “Trong tất cả những lời bình luận vừa qua, tôi thấy, nghiêm túc hơn và có kiến giải độc đáo hơn chính là bài viết của năm nhà giáo thuộc khoa Trung văn Trường Đại học Hồ Bắc, bài viết này đã được đăng trong mục Bàn về cuốn “Bước đường chìm nổi của một nền văn hoá” thuộc tờ Học Báo của nhà trường. Tôi rất ngạc nhiên trước những suy nghĩ sâu sắc và độc đáo của Trường Đại học Hồ Bắc về lịch sử văn hoá Trung Hoa và nghệ thuật văn xuôi đương đại”. Thầy Dư Thu Vũ đương nhiên không thể biết được rằng, trong những nhà bình luận đó có cha tôi và cái chuyên mục bàn về cuốn sách của thầy trong tờ Học Báo của nhà trường lại chính do cha tôi đề xướng. Tuy rằng, mục đích chính của cha tôi lúc đó chỉ là kích thích hứng thú của học sinh đối với bộ môn Tập làm văn mà cha tôi đang giảng dạy. Thế nhưng, đọc tác phẩm “Bước đường chìm nổi của một nền văn hoá”, cha tôi thầy mình như “sông sâu núi thẳm gặp tri ân”. Thầy Dư Thu Vũ còn viết: “Sau này, tôi liền tìm đến tận Vũ Hán để nghiên cứu, được biết rằng, Trường Đại học đó ẩn mình trong một vùng xa xăm hẻo lánh của tỉnh này. Tôi hỏi có thể đi máy bay đến đó được không? Họ trả lời: “Đi máy bay cũng phải mất khá nhiều thời giờ mới tới được, mà lại chỉ có thể đi được bằng trực thăng, hơn nữa lại không đáp xuống được vì ở đó mây mù dày dặc mà núi non lại vô cùng hiểm trở. Tôi chưa biết rằng câu trả lời ấy có chính xác hay không (chắc là không, nhưng tôi lại thầm nghĩ rằng, trên dải dất Trung Quốc mênh mông này, những nới còn ẩn chứa những “tàng long ngoạ hổ” chắc là không ít".
Khi tôi đọc được đoạn “Tái bút” trên, thì cha tôi đã không còn ở cõi đời này. Cảnh ngộ biết tiếng nhau mà không có cơ hội gặp nhau của cha tôi trước đây, thật không ngờ lại được lặp lại ngay trong cuộc đời con gái của ông. Có lẽ đó là định mệnh!
Bỏ lỡ mất cơ hội được theo học thầy Dư Thu Vũ, có thể nói rằng đây là sự hy sinh lớn nhất của tôi vì Đình Nhi, và đây cũng là điều cả đời tôi luôn hối hận. Suốt mười mấy năm nay lòng tôi cảm thấy buồn man mác, đôi lúc tôi than thân trách phận. Cũng may là việc nuôi dạy Đình Nhi rất có kết quả, sự hy sinh của tôi đã được đền bù thoả đáng.
“Tình thương máu mủ” chỉ là một tình thương bản năng và mù quáng, chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu tâm lý của người thân, đối với con cái chủ yếu chỉ nhằm sự đòi hỏi, và ước muốn về cuộc sống vật chất của nó. Đó là một thứ tình thương “một chiều”, “nước mắt chảy xuôi” mà thôi. Nhà văn M. Gorki nổi tiếng, người Nga, phê phán loại tình thương này: “Đó là thứ tình thương mà bất cứ con gà mái nuôi con nào cũng có”. Các nhà giáo dục học thì cho rằng, thứ “tình thương máu mủ” bản năng phải được nâng lên thành “tình thương vì giáo dục”; (tức là phải có ước muốn, mục tiêu và lòng tin dạy con nên người. Thương yêu con với một thái độ, một nguyên tắc và phương pháp đúng, cùng với việc làm thoả mãn những nhu cầu cần thiết về cuộc sống vật chất cho con, phải đặc biệt coi trọng việc làm phong phú cuộc sống tinh thần, và kích thích niềm say mê của con trẻ, phải xây dựng được một mối quan hệ yêu thương “hai chiều”, dân chủ và luôn quan tâm lẫn nhau …).
Thấy được những thay đổi đáng buồn khi Đình Nhi thiếu thốn “tình thương máu mủ”, tôi mới nhận thức sâu sắc rằng, trong quá trình con cái trưởng thành, “tình thương vì giáo dục” tuy rất quan trọng, song “tình thương máu mủ” không thể nào thiếu được. (Đó là thứ tình thương có tinh thần hy sinh cao thượng, không phải chỉ có ở những con người có quan hệ máu mủ với nhau. Nếu một đứa trẻ con ngay cả “tình thương của một con gà mái nuôi con” cũng không có được thì làm sao nó có thể hưởng thụ được thứ “tình thương vì giáo dục” càng cao cả hơn kia?).
Vậy thì, chúng ta hãy biết nén nhin để hy sinh khi cần phải hy sinh!
MUA SÁCH CHỌN NHỮNG QUYỂN NỔI TIẾNG. BỒI DƯỠNG ÓC THẨM MỸ CHO CON
Biết tôi đã trúng tuyển vào Nhà hát kịch Thượng Hải, nhưng lại quyết định không đi, bạn bè ai cũng ngạc nhiên. May mà Tổng biên tập Lý Luỹ, hiểu nỗi khổ tâm của tôi, ông ủng hộ quyết định của tôi. Vì như vậy cùng một lúc, tôi vừa công tác, vừa tự học mà vẫn gần gũi chăm sóc Đình Nhi. Thế là, cuộc sống của tôi vẫn tiến triển đều đều, vẫn con đường cũ.
Được cô bảo mẫu giúp chăm sóc Đình Nhi, tôi có nhiều thời gian hơn cho cuộc sống cuối học kỳ của chương trình tự học. Thế nhưng hàng ngày, khoảng thời gian từ sau bữa tối đến trước khi Đình Nhi đi ngủ, tôi vẫn không quên chương trình giáo dục sớm đối với cháu. Nhân lúc dẫn con đi dạo sau bữa tối, dọc đường thấy được điều gì, tôi liền nói với Đình Nhi về cái đó, mục đích là mở rộng tầm hiểu biết và bồi dưỡng khả năng quan sát cho con.
Tối thứ bảy hàng tuần, hai mẹ con và cô bảo mẫu đều đi chợ đêm trên đường Xuân Hy. Mấy năm nay đang là buổi giao thời giữa các tập tranh truyện liên hoàn truyền thống và các tập truyện tranh màu hiện đại. Chợ đêm tối thứ bảy, thường có những cuộc bán đại hạ giá các tập truyện tranh liên hoàn truyền thống, chỉ cần bỏ ra khoảng 2 hào bạc là đã có thể mua được một quyển sách rất hay. Tôi và Đình Nhi đều rất thích đãi cát tìm vàng trong những quầy sách hạ giá đó. Và hầu như mỗi lần đều có thể mua được vài ba quyển truyện tranh liên hoàn hay mà giá lại rất rẻ. Thời đó trên thị trường mới xuất hiện một loại kem “Đầu búp bê” với giá 3 hào một que, Đình Nhi rất thích ăn loại kem này, nhưng tôi chỉ cho thưởng thức vài lần. Có một lần, như mọi khi đi chợ đêm, tôi định thử xem Đình Nhi thích sách vở đến mức nào, tôi cho con 3 hào và nói: “Con thích mua kem hay mua sách, tuỳ ý”. Đình Nhi không hề do dự: “Con sẽ mua sách”. Tôi hỏi: “Tại sao?”. Đình Nhi nói: “Kem ăn xong là hết, nhưng sách thì có thể xem được mãi mãi”. Các suy nghĩ của con làm tôi thấy mừng lắm, thế là tôi mua sách cho con, và thưởng thêm một que kem nữa.
Khi mua sách, cũng như khi ghi âm các câu chuyện cho con, tôi đều giữ một nguyên tắc là, cố gắng chọn những truyện có tiếng tăm. Tôi tin rằng, qua thời gian sàng lọc, những truyện nổi tiếng đều có sức hấp dẫn nghệ thuật, cso ý nghĩa sâu xa đối với sự phát triển trí tuệ và năng khiếu thẩm mỹ của trẻ em. Ngoài những tập truyện nhi đồng nổi tiếng mà trẻ em rất thích, những bộ tranh liên hoàn được cải biên theo những tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng, cũng là những bộ sách có sức hấp dẫn lâu dài. Trong cuốn “Nhật ký dạy con” có lần tôi đã viết:
Thời gian lên Thượng Hải dự thi, tôi có mua về motọ bộ tranh liên hoàn “Hồng lâu mộng”, Đình Nhi thích đến không ngờ. Suốt ngày cứ quẩn quanh bên tôi và cô bảo mẫu Tiểu Lý đòi kể “Hồng lâu mộng”. Chỉ ít lâu sau cháu đã nhớ được hầu hết các nhân vật và tình tiết trong các tích truyện như: “Cuộc gặp gỡ đầu giữa Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc”, “Hý Phượng lộng quyền”, “Đại Ngọc chôn hoa”… Có lần tôi dẫn Đình Nhi đi xem băng video vở kịch “Hồng lâu mộng”, vì chất lượng băng quá tồi, khi xem đến đoạn “Kim Ngọc lương duyên” thì chuyển sang xem một màn trình diễn vũ balê của Nga, Đình Nhi bỗng khóc oà lên, cứ nằng nặc đòi xem “Hồng lâu mộng”. Tôi dỗ thế nào cũng không nín, cuối cùng đành để Tiểu Lý dẫn cháu về trước.
Tôi cũng rất thích “Hồng lâu mộng”, khi mang thai Đình Nhi, tôi đã đọc lại “Hồng lâu mộng” lần thứ hai. Phải chăng cháu đã được di truyền từ đấy? Bà ngoại cũng thích “Hồng lâu mộng”, bà đã từng dẫn cháu đi xem bở Việt kịch “Hồng lâu mộng” chiếu trên tivi. Chưa đầy 3 tuổi mà Đình Nhi đã bập bẹ kể: “Giả Bảo Ngọc có một cô em gái họ Lâm. Sau đó Giả Bảo Ngọc lấy Tiết Bảo Thoa, cô Lâm buồn rồi chết”. Đây là câu chuyện bà ngoại dạy cháu. Hơn thế nữa, lúc ấy Đình Nhi đã biết yêu Lâm Đại Ngọc và ghét Tiết Bảo Thoa. Khả năng tiếp nhận và hiểu biết của cháu thật hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa.
Cuối tháng 7, Đình Nhi bị sốt cao 40 độ C, phải nằm viện. Trong thời gian nằm viện, khi cắt cơn sốt Đình Nhi lại giết thời giờ bằng cách nghe kể hoặc xem lại bộ tranh liên hoàn “Hồng lâu mộng”. Sự say mê của Đình Nhi khiến mọi người trong viện đều phải ngạc nhiên. Tôi đã phải cất bộ sách ấy đi, để sau này lớn lên cháu còn có cái mà xem lại. Tháng 9 năm ấy, có lần tôi dẫn cháu đi xem bộ phim “Hồng lâu mộng”, kết quả thật bất ngờ, cháu nhớ truyện tốt gấp nhềi lần so với nghe kể truyện tranh liên hoàn.
Còn nhỏ tuổi như vậy đã cho tiếp xúc với “Hồng lâu mộng” có tốt không? Tôi cho rằng khôngc so gì là không tốt cả. “Hồng lâu mộng” là tác phẩm văn học cổ điển ưu tú nhất của dân tộc Trung Hoa, ảnh hươởn của nó không chỉ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mà còn thấm sâu cả trong cuộc sống xã hội và truyền thống lịch sử. Đó là một bộ phận của nền văn minh Trung Hoa. Sớm tiếp xúc với nó, lại có một chút hiểu biết về thơ ca cổ điển (lúc bấy giờ Đình Nhi đã có thể đọc thuộc lòng hơn chục bài thơ cổ), có thể sớm làm cho trẻ con cảm thụ được cái hay, cái đẹp của văn học cổ điển, nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình hình thành năng khiếu thẩm mỹ của trẻ em. Cái đẹp của văn chương cổ điển, cái đẹp của nghệ thuật dân gian, cái đẹp của thế giới tự nhiên, cộng với cái đẹp về chuẩn mực đạo đức, về quan niệm giá trị và về nhân sinh quan mà tôi đã dày công dạy cháu bằng cả lời nói và việc làm của chính bản thân mình. Tất cả những thứ đó đã tạo ra cho Đình Nhi một thế giới nội tâm vô cùng phong phú và bồi dưỡng cho Đình Nhi một khả năng hiểu biết khá chuẩn xác. Nếu biết kiên trì dạy dỗ, nếu biết rèn luyện cháy một cách nghiêm khắc và khoa học, thì chắc chắn rằng một ngày không xa sẽ có được một kết quả không ngờ. Nếu các cháu không được tiếp nhận một giáo dục từ sớm các cháu sẽ không bao giờ có được kết quả đó. Đình Nhi đang thực hiện điều mơ ước của mình.
Tương lai xa vời còn chưa biết thế nào. Trước mắt, có điều này đã củng cố vững chắc lòng tin của tôi đối với cháu. Lần ấy tôi dẫn Đình Nhi đến rạp xem một vở kịch nhi đồng. Tại đây sự phản ứng của Đình Nhi, một đứa trẻ mới 3 năm 3 tháng tuổi, đã chứng tỏ cháu có một khiếu thẩm mỹ hơn người.
Ngày mồng 2 tháng 7, xem vở kịch “Nguyệt Cầm và chú hổ con”, Đình Nhi rất cảm động. Sự phản ứng của Đình Nhi không chỉ rất mạnh mẽ, mà còn chính xác và đúng đắn nữa. Đối với các nhân vật, Đình Nhi không chỉ có thái độ yêu ghét rõ ràng, mà còn tỏ ra khá hiểu tâm lý và hoàn cảnh của nhân vật. Đơn cử một ví dụ, La Ca, nhân vật chính của câu chuyện, sau khi không may sa vào hầm bẫy của tên phú ông đã khẩn thiết giục bạn mình, một chú hổ con, còn đang ngơ ngác đứng trên miệng hố, hãy mau chóng rời xa chốn nguy hiểm này. Không nỡ bỏ bạn trong cơn hoạn nạn, chú hổ con không chịu chạy đi. Lúc đó dưới chỗ khán giả, các trẻ nhỏ cũng sốt sắng giục hổ chạy đi, co cháu còn đứng dậy hét lên” “Hổ ơi! Chạy đi, chạy mau đi!”. Đình Nhi quay sang tôi nói nhỏ: “Mẹ ơi! Chú hổ con không nên chạy đi, mẹ nhỉ?”. Tôi hỏi tại sao. Đình Nhi nói: “La Ca vẫn còn đang ở dưới hố kia, hổ con phải canh giữ cho bạn mình chứ, chạy đi làm sao được”. Tôi rất vui mừng là cháu đã hiểu được ý nghĩa sâu sắc của tình tiết này trong vở kịch: tình bạn còn quý hơn cả sinh mệnh của mình. Điều này nhiều khán giả nhỏ, ở đó phần lớn là các cháu học sinh tiểu học, đều chưa hiểu được ý nghĩa của tình tiết trên.
SỰ LỰA CHỌN ĐẦY ĐAU KHỔ, NHƯNG CHÍNH XÁC: KHÔNG LÀM “THẦN ĐỒNG”
Mới 3 tuổi mà Đình Nhi đã tỏ ra có nhiều ham muốn: muốn học tiếng Anh, muốn tập đọc, lại còn muốn cả học toán, học hội hoạ, đánh đàn cũng rất ham. Tôi chỉ có thể đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của cháu, vì không có thời gian, không có tiền và không đủ khả năng. Ví dụ như về tiếng Anh, lúc này cháu đã có thể nói được từ mới tiếng Anh khá thuần thục, tự cháu còn đặt ra một số câu rất ngộ nghĩnh và buồn cười, cũng giống như những bài thơ “thất ngôn cổ phong”, cháu tự làm ra trước đây mà đọc lên không ai hiểu nổi. Chỉ tiếc là, lúc đó không kiếm đâu ra những băng ghi bài học tiếng Anh, khả năng của tôi cũng không thể đủ dạy cháu. Môn đó đành phải gác lại. Theo nguyên tắc “tiềm năng đệ giảm”, Đình Nhi đã mất đi cơ hội trở thành thần đồng.
Tôi hiểu rất rõ, mỗi phút của trẻ thơ đều vô cùng quý báu, thế nhưng tôi vừa bận công tác lại vừa bận học tập, trước kỳ thi tốt nghiệp chương trình tự học đại học cuối năm 1985, tôi quả thật không còn thời gian và cả tiền bạc nữa để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng Đình Nhi thành “thần đồng”, do tôi tự vạch ra.
Làm thế nào đây? Chẳng lẽ tôi lại phải hy sinh một lần nữa cho Đình Nhi, ngay cả tự học đại học cũng phải bỏ hay sao? Theo dòng suy nghĩ ấy: Nếu tôio từ bỏ công việc tự học đại học theo Đài truyền hình, tôi có thể bắt tay vào dạy cho Đình Nhi chương trình tiểu học. Tôi dự tính chỉ mất khoảng 3 năm Đình Nhi sẽ học xong chương trình này. Cứ cho là mất 6 năm nữa Đình Nhi học xong chương trình trung học, thế thì chỉ khoảng 12 tuổi, Đình Nhi sẽ thi vào đại học được rồi. “Thời gian biểu” này hấp dẫn biết bao! Còn tôi, nếu bỏ dở việc tự học đại học có thể tôi bị mất đi công tác biên tập, một công việc mà tôi luôn yêu thích. Và như vậy, nguồn sống của mẹ con tôi sẽ mất đi chỗ dựa vững chắc. Trước khi thi đỗ đại học, có thể tôi vẫn phải gác lại kế hoạch bồi dưỡng Đình Nhi thành “thần đồng” vì lý do kinh tế. Hơn nữa, nếu ĐÌnh Nhi theo học hết chương trình từ tiểu học đến hết trung học tại nhà, tôi làm gì có đủ thời gian để dạy cháu, và nhất là các môn toán, lý, hoá bậc cao trung tôi hoàn toàn không có khả năng, cũng không đủ tiền để mời gia sư cho cháu.
Làm thế nào đây? Tôi đau khổ tự hỏi mình: Lẽ nào lại phải bỏ dở kế hoạch bồi dưỡng “thần đồng” tại đây? Để thuyết phục mình, tôi quyết định tạm gác vấn đề kinh tế sang một bên, hãy suy nghĩ về những ảnh hươởn mặt trái đối với Đình Nhi khi thực thi kế hoạch “thần đồng”.
Trước hết, nếu theo học tại nhà, Đình Nhi sẽ bị đánh mất đi một cơ hội vô cùng quý báu, đó là được sôốn những năm tháng tuổi thơ với những người bạn cùng trang lứa với mình. Như vậy sẽ hạn chế rất nhiều đến sự phát triển khả năng giao tiếp của cháu. Nếu những tri thức của tôi thực sự có ảnh hưởng đến sự phát triển của Đình Nhi, thì cháu rất khó có khả năng trở thành một nhân tài về khoa học tự nhiên. Nếu là một nhân tài về khoa học xã hôi, thì khả năng giao tiếp, khả năng hoà đồng với cuộc sống xã hội phải là một nhân tố vô cùng quan trọng, mà nhưữn khả năng đó chỉ có thể hình thành trong cuộc sống tập thể. Vì vậy, phương án tự học tại nhà thực tế sẽ trở ngại rất lớn đến sự phát triển sau này của Đình Nhi.
Hơn nữa, những việc làm của mẹ bao giờ cũng là một tấm gương có ảnh hươởn nhất đối với con gái, nếu tôi dứt khoát bỏ dở kế hoạch tự học, thì làm sao có thể giáo dục được con có được phẩm chất đạp bằng mọi khó khăn, quyết đạt được mục đích của mình?
Còn điều này nữa, nghĩ cùng buồn cười nhưng nó là sự thực, xưa nay những người con gái có tài thường rất khó kiếm được chồng. Nếu Đình Nhi sau này may mắn trở thành “nữ thần đồng”, liệu cháu có thể lấy được ai?
Qua mấy ngày đêm suy nghĩ dằn vặt, tôi nhận ra rằng: có lẽ từ bỏ ý nghĩ trờ thành “thần đồng” là sáng suốt hơn cả. Thứ nhất là cứ tuần tự như tiến theo học từ mẫu giáo đến đại học cùng với các bạn cùng tuổi, như vậy về mặt tuổi trẻ sẽ không mâu thuẫn gì với chế độ giáo dục hiện hành. Thứ hai là sau khi từ bỏ sách lược “đơn thương độc mã” trong việc học hành, vẫn có thể tập trung sức lực vào những phần trọng điểm trên cơ sở phát triển toàn diện, như vậy càng có lợi cho sự phát triển trí lực và hình thành nhân cách cho Đình Nhi, chuẩn bị đầy đủ cơ sở để Đình Nhi tiếp tục phát triển trong tương lai. Thứ ba là, việc tự học đại học đối với tôi có tác dụng bổ sung và điều chỉnh kiến thức, để xứng đáng hơn với tư cách cô giáo tại nhà đối với Đình Nhi. Ngoài ra về mặt kinh tế, đây là kế hoạch duy nhất có thể thực hiện được. Xét cho cùng, tự học đại học có quan hệ rất lớn đến việc giành lấy một chức danh chuyên nghiệp trong làng biên tập, để cải thiện điều kiện sống của gia đình, tôi buộc phải đầu tư một thời gian tối thiểu để hoàn thành việc tự học.
Nghĩ ra được những điều như vậy, những dằn vặt làm tôi mất ăn mất nghủ những ngày qua, dường như tiêu tan hết. Sau này, qua báo chí, tôi đọc được mấy bài viết về những con đường quanh co của các bậc “thần đồng”, tôi cảm thấy mình là may mắn khi lựa chọn con đường này.
Cuối năm 1999, trên tờ “Báo thanh nhiên đặc khu”, có bài về “vị thần đồng”, tuổi trạc Đình Nhi, năm 14 tuổi đã được Trường Đại học Nam Khai nhận miễn thi vào học lớp chuyên toán của trường tại cơ sở Hắc Long Giang, ba năm sau nhà trường “quyết định đuổi học”. Không phải cháu đó không đủ thông minh, mà là từ năm thứ nhất đến năm thứ ba không chịu học hành, thường trốn học đi chơi trò điện tử, hoặc say sưa đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, đến nỗi các bộ môn chính mà nhiều lần thi vẫn không đủ điểm. Những thành công xuất sắc trước đây đã tạo nên ở cháu một tính cách cực kỳ kiêu ngạo, không bao giờ chịu nghe lời khuyên bảo của người khác. Mãi đến khi anh trai đến đón về quê, cuối năm 1998, cháu mới chợt nhận ra rằng, 18 tuổi mà không được đi học, thì chỉ còn cách đi cày ruộng. Lúc đó cậu bé mới hiểu được mối quan hệ giữa học và cuộc sống, cậu lại quyết tâm lao đầu vào học tập, nửa năm sau lại thi đỗ vào Trường Nam Khai.
Ngoài ra, có một lớp cơ sở thuộc khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, năm 1987 đã tiếp nhận một sinh viên mới 12 tuổi. Kỳ thi cuối học kỳ của ngay năm học đầu tiên đã có mấy môn không đủ điểm, nhà trường đã nghĩ đến cách khuyên cháu nên thôi học (chưa biết kết quả ra sao!). Có một lớp khác một học kỳ đã phải đuổi đến 3 học sinh, một cháu vì tội yêu đương quá sớm không chịu học hành, còn hai cháu kia cũng lại vì quá say mê chơi trò điện tử và đọc truyện kiếm hiệp.
Các chuyên gia của ngành giáo dục cho rằng, các cháu thiếu niên vốn có một trí lực siêu phàm ấy, sở dĩ không theo được tiến trình đại học, không phải vì các cháu kém thông minh. Các cháu tuổi còn quá nhỏ, tố chất tâm lý, khả năng phân biệt đúng sai, khả năng tự kiềm chế, thậm chí cả khả năng biết khắc phục khó khăn để vươn lên sau mỗi lần thất bại … đều chưa chín chắn, đạt tới trình độ mà một sinh viên đại học cần có. Ngoài ra, các sinh viên tuổi còn niên thiếu, thông thường chỉ giỏi về các môn toán, lý, hoá, còn các môn văn, sử, triết thì lại rất mỏng manh. Nhìn chung, các bộ môn về khoa học tự nhiên dễ “mau chóng đạt được thành công”, còn các bộ môn về khoa học xã hội, thì thường phải dựa vào vốn sống và sự chín chắn về tâm lý. Mà phiền một nỗi, nếu văn mà không giỏi, thì khi phân tích, suy luận trong một bài toán, lý, chắc sẽ gặp khó khăn. Một giáo viên chủ nhiệm của một lớp sinh viên ở Thượng Hải – ông Trần đã nhận định: chính cơ cấu kiến thức của những sinh viên non trẻ đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển tiếp theo của họ.
Đối chiếu lại, thực trạng hiện nay của Đình Nhi đã chứng tỏ sự lựa chọn trước đây của tôi là hoàn toàn chính xác, dù rằng cháu đang học ở một trường nổi tiếng nhất thế giới: Trường Đại học Harvard. Cháu vẫn không có khả năng giành được những thành tích mà mọi người đều kinh ngạc. Khi tôi đang viết mấy dòng hồi ký này, cũng là lúc Đình Nhi vừa hoàn thành kỳ thi giữa học kỳ của năm học đầu tiên tại Trường Đại học Harvard. Điểm số của cháu là 3 điểm A, một điểm B, trong đó có những môn, điểm số của cháu cao hơn cả những người được xếp loại A.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, tôi không phản đối việc bồi dưỡng “thần đồng” và việc tiếp nhận những sinh viên tuổi còn niên thiếu. Trái lại, tôi nghĩ rằng nên có kế hoạch và bồi dươỡn nhiều hơn nữa những tài năng như vậy. Chỉ có điều trong hoàn cảnh “không bắt đợc cả cò lẫn trai”, như tôi. Tôi đã lựa chọn con đường ưu tiên giáo dục tố chất. Đình Nhi của tôi tuy không trở thành “thần đồng” ngay từ thời niên thiếu để mọi người ngưỡng mộ, nhưng cháu vẫn đang trở thành một con người phát triển toàn diện, có đầy đủ tiềm năng để phát triển tiếp theo.
TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN TRÍ LỰC – ĐÃ CHƠI PHẢI CHƠI RA TRÒ
Đối với tôi từ bỏ kế hoạch bồi dưỡng “thần đồng”, chỉ là việc từ bỏ việc học chương trình tiểu học trước tuổi, chứ không từ bỏ việc giáo dục từ sớm tại nhà cho Đình Nhi. Trái lại tôi sẽ dồn hết thời gian và công sức, tiếp tục bồi dưỡng Đình Nhi phát triển toàn diện.
Thời gian đứa trẻ từ 3 đến 6 tuổi, quan trọng nhất vẫn là phải ưu tiên phát triển trí lực. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, cấu tạo đại não con người, đến 6 tuổi đã cơ bản hoàn thành. Mặc dù các nhà khoa học Mỹ và Canada qua nghiên cứu gần đây đã phát hiện những thay đổi to lớn trong một số bộ phận then chốt trong đại não con người, còn tiếp tục phát triển cho đến tuổi thanh niên, nhưng đó chỉ là sự thay đổi được gọi là giải phẫu học “điều chỉnh”. Các nhà khoa học sự phát triển của đại não để tiến hành giáo dục. Có vậy, mới có thể đẩy nhanh sự phát rtiển cả về trí lực, rõ ràng là thời gian đứa trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Đó là thời gian đại não phát triển nhanh nhất.
Tiếp tục phát triển trí lực, có nghĩa là tiếp tục bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ cho Đình Nhi, bao gồm khả năng quan sát, trí nhớ, khối lượng từ vựng, sức hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề, đồng thời cũng bồi dưỡng khả năng tư duy trừu tượng, khả năng nắm bắt vấn đề … Những khả năng đó được coi là sẽ không thay đổi sau khi đứa trẻ tròn 6 tuổi, hơn nữa nó luôn liên quan mật thiết đến kết quả thi cử của các kỳ thi lên lớp sau này. Có thể nói rẳng, mỗi một giờ phút hai mẹ con tôi được sống gần nhau, đều là những giờ phút luyện rèn để phát triển trí lực cho cháu.
Khoảng tháng 7 tháng 8 năm 1984, trí lực của Đình Nhio đã có bước nhảy vọt. Khi đó công việc bề bộn, tôi vẫn dành ra thời gian ghi lại sự kiện đáng nhớ ấy:
Đình Nhi đã biết độc lập tuỳ hứng làm thơ. Đó là một buổi chiều của một ngày trung tuần tháng 8, tôi và cô bảo mẫu dẫn Đình Nhi đến nhà ăn của toà soạn “Tứ Xuyên nhật báo” ăn tối. Dọc đường, theo yêu cầu của tôi, Đình Nhi đã xuất khẩu một bài thơ về chiếc mầm cây nhỏ:
Nhánh mầm non, nhánh mầm cây ơi!
Hãy cho ta một chút gió trời
Lau hộ ta mồ hôi đọng trên vầng trán.
Ôi hạnh phúc biết bao!
Ta yêu mầm non biết nhường nào!
Đình Nhi đã đọc một hơi bài thơ đó, âm điệu vô cùng diễn cảm. Tôi coi trọng sự kiện này, không phải vì bài thơ đó đã thật hay, mà vì nó chứng tỏ rằng Đình Nhi đã có một bước độct phá mới trong tư duy sáng tạo và khả năng biểu đạt. Tối hôm sau, chúng tôi lại đến vườn hoa trên đại lộ Nhân Dân để ngắm nhìn vòi phun nước màu vừa được sửa sang lại. Tại đây, Đình Nhi cũng xuất khẩu một bài thơ tả cảnh. Tôi luôn cố ý dìu dắt cháu thực hiện những việc làm như vậy, dù đi chơi ở bất kỳ đâu, thì các cuộc du chơi ấy luôn trở thành những dịp để Đình Nhi hứng thú rèn luyện óc quan sát và khả năng biểu đạt.
Bước nhảy vọt về trí lực ấy của Đình Nhi còn biểu hiện ở khả năng quan sát. Trước đây cháu chỉ chú ý đến ở đâu có cái gì, mà phần lớn là những cái cháu đã biết. Giờ đây, cháu đã biết phân biệt được những sự khác nhau trong số những sự vật cùng loại, như phía trước Tổng phủ, dãy đèn đường ở phía Đông ít hơn đèn đường ở phía Tây mấy chiếc. Tự cháu quan sát và đã nói với tôi điều đó.
Mấy ngày trước, tôi dẫn Đình Nhhi đi xem hai bộ phim Mỹ “Cuộc chiến tranh giữa các vì sao” và “Bước ngoặt”. Xem bộ phim trước cháu được biết rằng, trên các vì sao xa xôi kia cũng có đủ loại người, cháu đã hỏi tôi khá nhiều câu, như “Tại sao tiếng thở của Water (một nhân vật của phim) lại không giống tiếng thở của chúng ta?”, “Những mật thám kia làm thế nào có thể ẩn nấp trong bụng Ador (cũng tên nhân vật trong phim)?”, “Những người đi đánh nhau tại sao phải đeo mặt nạ màu trắng?”.
Trên đường cùng mẹ đến cơ quan, cháu thường chỉ cho tôi những vật mà cháu chưa quen biết, đòi tôi phải cho cháu biết tên. Tôi nói cho cháu nghe tên từng thứ một, sau đó hỏi lại cháu: “Lá của cây hoa lăng tiêu giống cái gì nhỉ?”. Cháu nói: “Giống cái kim”. Tôi bảo cháu: “Giống lông chim chứ”. Nhưng khi quan sát kỹ thì thấy những chiếc lá thoạt nhìn giống lông chim kia, quả thực lại rất giống hàng ngàn chiếc kim thêu cắm dày đặc. Sự so sánh của cháu rất chính xác. Qua đó, tôi chợt nhận ra rằng, cùng một sự việc, song dưới con mắt trẻ thơ, hình ảnh của nó đã khác nhiều so với cách nhìn của người lớn.
Khi tôi đang ghi nhật ký, Đình Nhi hỏi tôi: “Mẹ đang xem sách yêu quái gì đấy?”. Tôi nói: “Mẹ đang giúp con ghi nhật ký, sau này nó sẽ trở thành câu chuyện về con”. Đình Nhi vui sướng nói: “Ôi, tốt quá, con xin cám ơn mẹ!”. Một lát sau cháu lấy những tấm thẻ kẹp sách ra chơi trò “đánh bài”, bỗng nhiên cháu nói: “Mẹ ơi, con muốn mẹ sống tròn một trăm tuổi, không được chết sớm hơn tuổi này đấy!”. Có lúc cháu cũng biết nói đùa: “A, hôm nay là ngày sinh nhật con mẹ nhỉ?” … Thật đáng yêu.
Tháng 9 năm 1984, Đình Nhi được tiếp nhận vào Nhà trẻ kiểu mẫu số 3. Với ý muốn là mong cháu hãy cố gắng, và cũng mừng vì ừ nay không phải nhờ bảo mẫu nữa, tôi đã mua tặng cháu một thứ đồ chơi mới.
Đó là một bàn cờ nhẩy. Tôi nghĩ rằng, cách đánh “nhảy cóc” của loại cờ này rất có lợi cho việc bồi dưỡng khả năng tư duy của trẻ nhỏ. Vì rằng, cách suy nghĩ để nhảy một nước cờ có tính trực quan hơn các loại cờ khác, nó giúp cho trẻ nhỏ hiểu biết và suy nghĩ về mối quan hệ lôgíc giữa “điều kiện” và “kết quả”, nó cũng rất tiện lợi cho việc giúp trẻ con phát triển khả năng tập trung chú ý và suy nghĩ về một vấn đề. Đầu tiên, tôi dạy cho Đình Nhi hiểu thế nào là “nhảy cóc”, sau đó dạy cho cháu biết thế nào để lợi dùng được quân cờ của mình và cả quân cờ của đối phương để làm những chiếc “cầu”, thực hiện những bước nhảy liên tiếp. Đình Nhi hiểu khá nhanh. Nhưng để giành được thắng lợi, cần phải tổ chức được những bước “nhảy dài”. Tôi và Đình Nhi tập đánh, cứ mỗi lần Đình Nhi có những bước “nhảy dài”, cháu sung sướng lắm, coi đó là một thành công lớn. Dẫu rằng, cuối cùng cháu vẫn bị thua, nhưng càng chơi cháu càng thấy tự tin, càng chơi càng hứng thú. Cách chơi đầy tính thử thách của loại cờ này luôn hấp dẫn Đình Nhi. Hơn nữa, tôi coi việc ngồi đánh cờ với con là một phần thưởng cho cháu, mỗi lần cháu có những biểu hiện tốt. Cho tới tận lúc cháu tốt nghiệp tiểu học, được ngồi đánh cờ với mẹ vẫn là một điều vô cùng sung sướng đối với cháu.
Đồ chơi của Đình Nhi không nhiều, mỗi lần mua đồ chơi, tôi đều suy nghĩ, đồ chơi này có giúp ích được gì trong việc phát triển tâm trí của Đình Nhi. Từ 0 đến 1 tuổi, tôi chọn những đồ chơi nhận biết hình dạng, 1- 2 tuổi, tôi chọn những đồ chơi đòi hỏi trí tưởng tượng của trẻ, sau 3 tuổi, chọn các đồ chơi đòi hỏi trí lực nhiều hơn như cờ nhảy, cờ năm quân, mô hình kiến trúc, đàn điện tử … Ngoài ra, còn mua cả các công cụ nhỏ để sử dụng trong các trò trơi như kính phóng đại, đá nam châm, địa bàn, nhiệt kế, đồng hồ trò chơi, thước cuộn … Trong khi chơi luôn chú ý kích thích tính hiếu kỳ và lòng ham muốn tìm tòi của trẻ.