Duyên Nợ Ba Sinh

Thiên thứ hai

Người ta có tâm, nên sẽ nghĩ suy rất nhiều chuyện, và cũng sẽ quên đi rất nhiều chuyện. Tôi chẳng biết là quỷ nơi địa ngục có tâm hay chăng.

Thời gian ngày ngày qua đi, tôi cảm thấy mình càng ngày càng trở nên lãnh đạm, rất nhiều sự việc trong quá khứ, đã không còn nhớ rõ cho lắm. Tôi dần dần quên đi những giờ khắc xúc động, thương xót, đớn đau; quên rồi, dường như quên cả rồi…

Đầu óc đã quên rất nhiều điều, cần phải có cái gì mới bù đắp vào, thế là, ngay năm ấy tôi bắt đầu suy xét lời nói của Bồ tát, dường như cũng hiểu được một vài đạo lý.

Kiếp phù du toàn là khổ, vạn tướng vốn là không. Đây là lời nói của Bồ tát, tôi tin rằng Bồ tát nói đúng, nhưng tôi thật tình chưa hiểu được, đã là “hồng trần mười trượng” muôn hình ngàn tướng vì sao nó lại là Cảnh Không chứ? Đã là Cảnh Không, vì sao lại muốn dùng thế giới phồn hoa làm rối loạn mắt người chứ? Thần Phật đương nhiên là bậc thanh tịnh, nhưng kẻ phàm phu tục tử làm sao có thể thấu hiểu cái gọi là sự thật của bề sau mặt ngoài này chứ?! Lẽ nào đây là Thần Phật cố tình bày trò để làm khổ con người sao? Khiến người ta chẳng kham nổi biển khổ mà quay đầu về nước Phật? Thần Phật nham hiểm đê tiện như thế, là đáng phải cho xuống Địa ngục. Nhưng mà, tôi tuyệt đối không tin Thần Phật lại đi bỡn cợt người đời, bởi vì các ngài là đấng từ bi bậc nhất. Toàn bộ tất cả những điều này, giải thích thế nào đây?

Tôi vùi đầu vào kinh sách, mê cuồng trong giáo lý Phật môn, tôi muốn biết, toàn bộ những điều này là như thế nào. Tôi còn nhớ một ít sự tình nơi trần thế vào năm ấy, bây giờ nhớ lại, nghĩ đến mà kinh. Nếu như tôi có thể hiểu rõ vấn đề nhân quả trong sự việc đó, tôi tin rằng, nỗi thống khổ trên thế gian cũng sẽ dần dần tan mất. Tôi đã từng hoang mang và chờ đợi suốt ngàn năm, nên muốn giúp đỡ những linh hồn hoang mang lạc lõng giống như tôi, những kẻ cùng chung nỗi khổ, thì cũng như giúp giải thoát chính mình.

Trong sự kiếm tìm lục lọi, không biết tàn hết bao mùa giá lạnh, bất tri bất giác, tôi lại vùi đầu trong kinh điển đã ba trăm năm. Ty chủ Luân hồi đã từng cho gọi tôi trở lại, bảo tôi đạt được Đại đạo, muốn tôi làm phán quan bên cạnh ngài, tôi khước từ. Bạch Vô Thường lại kinh ngạc đến thè lưỡi xuống tận mặt đất, nói tôi gì mà đã xem thường danh lợi, đã đạt cảnh giới “Tứ đại giai không”, chỉ muốn ban ngày thăng thiên. Tôi chẳng nói gì, chỉ thầm mắng trong lòng: Tôi nào phải hòa thượng, Không cái gì mà Không, cái gì mà xem thường danh lợi, chẳng qua là trong lòng tôi đang bời bời rối loạn thế thôi. Nhưng không biết tự lúc nào, những người chung quanh, ồ không – phải là Quỷ chứ, đã lễ độ hơn đối với tôi, Bồ tát cũng thường xuyên gọi tôi đi nghe Ngài giảng kinh nói pháp. Thật tình tôi chỉ có thể hiểu được một chút, cho dù hiểu được, tôi vẫn không cảm thấy lời Ngài hoàn toàn đúng. Bởi vì tôi tin rằng giữa Đất Trời, trong cõi mịt mù tự có Chân lý, Chân lý là cái gì? Tôi cảm thấy đó là phải làm cho chúng sinh không khổ đau nữa. Bồ tát nói phải xả bỏ tất cả dục vọng, tôi lại cảm thấy không hợp lý, cuộc sống không còn dục vọng thì sinh hoạt như thế nào? Nhưng tôi lại chẳng dám nói ra, chỉ có vâng vâng dạ dạ, sau đó dốc sức vào trong quyển kinh để tìm kiếm câu trả lời.

Xem qua biết bao là kinh sách, kinh của nhà Phật, còn thêm sách của Đạo gia, tôi chỉ hiểu được một nửa ý tứ của nó. Về sau tôi cảm thấy những ý này tuy rằng hữu lý, nhưng đó đâu phải là thứ tôi cần tìm hiểu. Đặc biệt là “Nam Hoa Kinh” của Trang tiên sinh, tôi hoàn toàn bị câu chuyện hóa bướm lượn bay của ông mà đầu óc cuồng xoay, dào dạt đầy trang giấy, chẳng biết sao mà nói. Càng khiến tôi mê hoặc ấy là Bồ tát mỗi lần hỏi tôi về thiền cơ. Tôi không muốn ăn nói lung tung, không muốn trầm ngâm chẳng nói. Bồ tát lại nét cười trên mặt, tôi thật sự không hiểu tâm ý của Ngài, hoang mang thế mà hết ngày.

Lại như thế mà hai trăm năm trôi qua, tôi rất lấy làm lạ vì sự kiên nhẫn của mình, cứ y như trước mà chăm chỉ xem kinh, cho dù tâm không để đó, lại có thể đọc. Xem ra đọc kinh có sự lợi ích, kinh đọc chưa xong, mà Bồ tát càng thêm lòng ưu ái, được Ngài truyền cho các pháp để tu luyện, học những thuật như là cưỡi khí bay lên, nhịn ăn tập thở, đánh chém biến hóa… Tôi vốn là một tên lính quỷ bé nhỏ, vốn là một kẻ không có tư cách để học, cũng không biết học xong dùng để làm gì, nhưng Bồ tát nói, tu luyện các pháp chủ yếu chỉ là dùng để hàng ma vệ đạo. Tôi không hiểu được, đã là Phật pháp vô biên, thì tại sao còn có tà ma ngoại đạo. Nhưng Bồ tát nói, có những kẻ bản tính ngoan cố độc ác, không dạy dỗ được. Tôi vâng vâng dạ dạ. 

Có một hôm, tôi đi dạo nơi địa phủ, không biết không hay lại đến chỗ nấu cháo lú của Mạnh bà bà. Bà ấy đang ngủ gục, tôi bước đến gọi bà tỉnh lại. Mạnh bà bà thình lình thức dậy, vội vã nhìn ngó chung quanh, cả lúc sau mới nhẹ thở một hơi. Tôi thấy lạ lùng quá, sao bà lo lắng như thế, bà nói, nếu có hồn quỷ nào nói là không ăn cháo lú của bà mà đi đầu thai, thì bà phạm tội nặng lắm. Tôi hỏi bà, vì sao phải ăn cháo lú mới được đi đầu thai? Bà nói: là vì để cho ký ức từ đời này sang đời khác không thể tiếp nối, khiến cho họ mỗi một kiếp đều có nỗi ân hận suốt đời không cách nào bù đắp, cứ thế mà chờ đến khi họ chán ghét nỗi khổ đau đầy đọa, thì sẽ buông bỏ sự luân hồi, tâm hướng về đại đạo. Tôi ngạc nhiên và nghi ngờ quá, phương pháp này đối với tôi mà nói, là đánh lừa người khác, là cố tình hành hạ người ta. Tôi hỏi, chẳng lẽ trần gian nhân thế là không tốt sao? Vì sao mà không muốn họ làm người chứ? Mạnh bà bà sắc mặt từ kinh dị chuyển thành hoảng sợ, cái gì cũng không trả lời, vội vàng đẩy tôi mời đi ra…

Từ nơi chỗ Mạnh bà bà quay lại, tâm tình của tôi luôn luôn không cách nào bình tĩnh, tôi không muốn tin rằng thủ đoạn đối xử với chúng sinh như thế này là điều hợp lý, nhưng đấy lại đúng thật là luật trời, vì sao luật trời phải không công bằng như thế chứ? Kinh Phật nói rằng chúng sinh bình đẳng, cũng có nghĩa là chúng sinh có quyền chọn lựa cuộc sống mà tự họ mong muốn, ngay cả có người không quan tâm đến Đại đạo, cũng chỉ là điều có thể hiểu mà. Song, để chúng sinh chịu đủ đọa đày rồi đành hướng đầu về Đại đạo, đây hiển nhiên là một trò lừa bịp. Đại đạo cũng hay, trần gian cũng tốt, muôn vật trong vũ trụ sinh nở tự nhiên, chắc hẳn nó phải có giá trị thật sự, vì sao phải bất chấp mọi thủ đoạn để ép buộc, lôi kéo họ để tâm hướng về Đại đạo chứ?! 

Ôm lòng nghi hoặc, tôi lại vùi đầu vào kinh điển, không biết đã lật qua bao nhiêu trang kinh sách, chỉ thấy một lời giải, chỉ có Tâm hướng về Đại đạo mới là thích hợp, lý do ư? Lại không có, cũng chẳng cần lý do. Dần dần, tôi cũng mỏi mệt vì xem quá nhiều kinh sách, chỉ còn chuyên tâm tu luyện những pháp dùng để trừ ma vệ đạo.

Thời gian lại trôi qua năm trăm năm sau, Địa ngục xảy ra một sự kiện; dưới mắt người khác, là một chuyện nhỏ, theo như tôi thấy, lại là một chuyện lớn, nó đã vĩnh viễn thay đổi vận mệnh tôi …

Chu bút Phán quan Tần Sở là thủ hạ của Tần Quảng vương, nghỉ yêu mến một cô gái ở trần gian (chuyện tình này có lúc xảy ra), bởi vậy mới lén trốn đến nơi trần thế. Sứ giả Địa ngục khuyên giải không có hiệu quả, Thập điện Diêm vương bèn phái lính quỷ dưới âm ty đến tóm y bắt về. Ai ngờ nghỉ u mê không tỉnh, một lòng muốn đến nhân gian cùng cô gái phàm trần đó gặp gỡ, cả gan đến nỗi dám vượt ngục mà đi. Sau cùng lại vẫn bị tóm cổ, hơn nữa lính quỷ còn bắt luôn hồn phách cô gái ấy, đem cô ta giam cầm vĩnh viễn tại địa cốc u tối, để phán quan mãi mãi không cách nào cùng cô ta gặp nhau. Tần Sở vừa buồn vừa giận mới mắng chưởi chư thần tại Âm ty là mất hết nhân tính, các thần đều giận, họ muốn đem Tần phán quan tru diệt, cho y đời đời kiếp kiếp chẳng được siêu sanh.

 

Tần phán quan cuối cùng bị ngũ lôi ầm ầm đánh nát tan thành tro bụi…

Mọi người đã tản mác rất lâu, tôi lại lén lút quay lại Tru Hồn Đài, trông thấy những mảnh hồng bào vụn nát của phán quan còn sót lại, tôi chỉ cảm thấy một nỗi thê lương vô hạn. Lúc này, một cơn gió thổi đến, một mảnh lụa trắng bị gió thổi bay lên, tôi liền vội vàng chụp lấy. Quái lạ, Địa ngục làm sao mà có gió? Tôi hoài nghi mới cầm mảnh lụa trắng ngần ấy lên xem, trên mặt có chữ:

“Năm ấy trời thu trong vắt, chim én đậu bên cầu. Khéo sao gặp gỡ, tình trao như nước, mây cắt núi xanh xanh biếc.  

Mĩm cười cam chịu, ước ao cùng say đắm kiếp này. Rồi từ đấy, mãi ngồi ngơ ngẩn, đêm đêm tiếng mưa tí tách”.

Thật là một tuyệt khúc “Vết Môi Hồng”! Quả là một tuyệt cú “Mãi ngồi ngơ ngẩn, đêm đêm tiếng mưa tí tách”. Tôi đột nhiên nhớ lại chuyện cũ ngàn năm, bên cầu hiu quạnh, một quỷ hồn cô độc, mãi ngồi ngơ ngẩn, chờ ai đó quay lại. Một giọt nước mắt tuôn rơi, thấm vào mảnh lụa trắng ngần đang trải rộng, nỗi sầu khổ tương tư buồn đau xa cách đã ngàn năm tích tụ lại lần nữa chọc thủng tầng tầng lớp lớp khóa kín nơi tim mà phun bắn trong lòng, mà tràn lan trong dạ giống như nước mắt trên mảnh lụa trắng tinh. Chỉ là hiện giờ tôi không biết, giọt lệ ngọc bi thương không tên tuổi này là vì Tần phán quan mà chảy? Là vì nàng ta mà rơi? Là vì tương tư mà rụng? Hay là vì tuôn trào cho chính nó…

Gió liên tục thổi đến hất tung những mảnh vải rách nát còn sót lại trên Tru Hồn Đài, Địa ngục không có gió đấy chứ? Lẽ nào là hồn phách Tần phán quan bất tử ư? Gió càng lúc càng to, thổi phất phơ mảnh lụa trắng ấy trong tay tôi, dường như tôi hiểu được ý tứ của ngọn gió ấy, bèn bước xuống Tru Hồn Đài, hướng về địa cốc âm u mà cất bước, lúc ngoảnh lại, gió đã ngừng thổi, toàn trường tan tác những mảnh hồng bào vụn nát của Phán quan, tựa như những chiếc lá hồng rơi rụng vào buổi tàn thu… lúc này tôi cảm được, Tần phán quan có lẽ vẫn tồn tại…

Lặng lẽ đến nơi nhà lao giam cầm hồn phách, trên gương mặt vô cùng tiều tụy ấy vẫn còn nhìn ra vết tích của dáng vẻ thùy mị xưa kia, tôi không ngăn được tiếng thở dài. Tôi chẳng ngờ được rằng quỷ hồn cũng vì tương tư mà khổ, vì ly biệt mà buồn, vì đôi lứa cách xa mà tiều tụy võ vàng. Đưa mảnh lụa trắng đó cho nữ quỷ ấy, tôi xoay người rời khỏi nhà giam, tôi không muốn nghe thấy tiếng khóc.

Đi được một đoạn đường, tôi không còn nghe tiếng khóc nữa, nhưng lại thấy từ bên phía nhà lao truyền lại một giọng hát u sầu mà vững chắc:

“Năm ấy trời thu trong vắt, chim én đậu bên cầu. Khéo sao gặp gỡ, tình trao như nước, mây cắt núi xanh xanh biếc.  

Mĩm cười cam chịu, ước ao cùng say đắm kiếp này. Rồi từ đấy, mãi ngồi ngơ ngẩn, đêm đêm tiếng mưa tí tách”.

Tiếng ca uất ức, nhưng có hơi hám ngọt ngào; tiếng ca ai oán, nhưng có chút mừng vui thanh thản. Tiếng ca càng lúc càng xa, song trong tai tôi nghe gần như gang tấc. Tôi cắn chặt răng, tung người hóa thành một luồng khói xanh, bay khỏi nơi địa cốc…

Hôm ấy, tôi hiểu được tình là vật chi, mà khiến người ta hẹn nhau sống chết.

Hôm ấy, tôi đã chán ngấy vực sâu không đáy của sự mê muội hoang mang nơi Địa ngục.

Hôm ấy, tôi không truy tầm Đại đạo nơi kinh Phật nữa.

Hôm ấy, tôi đã rời khỏi Địa ngục.

Hôm ấy, một lần nữa tôi trở lại Trần gian.

Tôi đã phản bội Địa phủ, Đại đạo; tôi muốn đến nhân gian để tìm kiếm Đại đạo chân chánh.

Vào khoảnh khắc đang trốn ra khỏi Quỷ Môn Quan, tôi nhìn lại Địa phủ đã ràng buộc tôi trong hai ngàn năm, “Chờ cho tôi hiểu rõ Đạo lý chân chánh, tôi sẽ lại quay về!”

Tôi cho rằng: đến lúc ấy, tôi cũng sẽ không còn hoang mang nữa, khổ đau nữa…