Từ đại lục này đi thẳng phía tây, tận cùng là những dãy núi băng tuyết trùng điệp mênh mông. Không ai biết bên kia núi tuyết là gì, cũng chưa ai đến đó. Tuyết tan thành những dòng chảy lớn, dần dần hội tụ thành sông, từ Khởi quốc phía tây, qua Hạ quốc phía tây nam, đến Trần quốc và Ninh quốc, tại vùng giáp ranh giữa Ninh quốc và Trần quốc, dòng sông trở thành biên giới tự nhiên của hai nước, lưu vực rất rộng, đến hai trăm trượng có dư. Thành Lâm Nam lưng dựa vào núi, tường thành quanh co uốn lượn trên núi, bên trên có những chốt hiểm yếu, trông giống như con rồng khổng lồ ôm ấp bảo vệ vững chắc thành trì bên dưới.
Mười lăm đô thành phía đông của thành Lâm Nam xuôi theo hướng Phong thành đều là bình nguyên, vẫn là kho lương thực của Ninh quốc, các nhánh của sông Hán Thủy chảy vào bình nguyên, bồi đắp phù sa cho nơi này trở nên màu mỡ, lại thêm khí hậu ôn hòa, sản vật phong phú, tám phần mười lương thực rau xanh của Ninh quốc đều từ nơi này mà ra. Nếu phá được thành Lâm Nam, có thể tiến thẳng đến mười lăm thành trì kia, tổn thương nghiêm trọng nguyên khí của Ninh quốc. Cho nên tầm quan trọng của thành Lâm Nam không thua kém Biên thành phía tây.
Thành Lâm Nam phía nam, Biên thành phía tây, hai thành trì này là cửa ngõ trấn giữ phía tây và nam của Ninh quốc, giữ vững hai thành này mới đảm bảo an ninh của Ninh quốc. Những vách núi phía đông của thành Lâm Nam tạo nên vịnh cảng tự nhiên, doanh trại thủy quân của Nam quân đồn trú tại đây, cách cổng thành Lâm Nam năm dặm đường thủy, tiến có thể công, lui có thể thủ, lại thêm vị trí hiểm yếu của thành Lâm Nam, đây cũng là nguyên nhân khiến ba nước dọc sông Hán Thủy xưa nay chưa bao giờ dám mạo hiểm vuốt râu hùm Ninh quốc.
Trăng non mới nhú, sao thưa thớt, mây quang đãng, dòng Hán Thủy lặng lẽ chảy về đông. Một đội lính gác bước chân đều tăm tắp, trao đổi khẩu lệnh tiến hành đổi gác. Tại trạm gác trên tường phía tây cổng thành phía nam, có một vị tướng quân trẻ tuổi đang đứng, quân phục màu đen, áo giáp mềm bó sát thân hình cao lớn thanh tú của chàng, ngũ quan như tạc, đôi mắt lạnh, sáng như sao, cặp môi rõ nét mím lại thành nụ cười nhạt. Chàng đưa mắt nhìn về phía nam sông Hán Thủy, ánh mắt như vượt qua mặt sông rộng, dừng lại ở bờ bên kia. Dưới ánh trăng, phía bờ nam có những bóng thuyền sừng sững. Tay chàng vịn vào bờ tường, gõ nhẹ, sóng ào ạt vỗ dưới chân tường, vỗ vào tâm trí chàng.
Ba năm nay Ninh vương ngày càng già yếu, tin báo cho biết người đã nghỉ triều một tháng, việc triều chính do thái tử lo liệu, cục diện Phong thành trở nên căng thẳng. Mà Trần quốc nhiều năm khổ luyện thủy binh, có lẽ là đã chờ đợi thời cơ rất lâu. Khi Ly Thân vương và thái tử bắt đầu cuộc chiến tranh giành vương vị, Ninh quốc có thể phải đối điện với nguy cơ ngoại xâm và nội chiến triền miên.
Không xa, phía sau chàng có mấy người lính hộ vệ vận áo giáp, bịt mặt khẽ bẩm: "Chúa thượng, đêm đã khuya, mời chúa thượng đi nghỉ".
Nếu là trước đây, chàng sẽ lạnh lùng liếc mắt không thèm để ý, nhưng hai năm nay... chàng khẽ cau mày, với chàng hỉ nộ đã sớm tiêu tan không còn dấu vết, lại nhìn vì sao sáng nhất bên cạnh vầng trăng, trong đầu lại hiện lên hình ảnh một đôi mắt, ánh mắt chàng lại trở nên dịu dàng. Ba năm rồi, A La, nàng sống thế nào?
Hồi đó trong cơn thịnh nộ chàng đã ra lệnh đốt sạch sơn trại ở vùng núi phía tây của họ Vương, lại được chỉ lệnh bình dẹp phương nam, chàng nhất lộ thẳng tiến, truy lùng khắp mọi ngả đường phía nam, nhưng không hề tìm ra dấu vết A La. Tiếp đó, Ly Thân vương Lưu Phi tiếp quản Hữu quân ở Biên thành, thay thế An Thanh vương được lệnh trở về Phong thành dưỡng lão. An Thanh vương mật lệnh cho Lưu Giác, tiếp quản Nam quân, khi Ninh vương chưa băng hà tuyệt đối không được trở về Phong thành.
Lưu Giác bất lực trong tìm kiếm A La, lại không phụ kỳ vọng của phụ thân. Ba năm nay, càng kiên định, quyết đoán mạnh tay chỉnh đốn Nam quân, nửa thu phục nửa thanh trừng, dần dần loại bỏ thế lực của Vương thái úy, nắm chắc Nam quân trong tay, khiến trên dưới một lòng, vững như thép.
Nam quân lúc đầu không phục vị hoàng thân tiểu vương gia này, thoạt nhìn chàng ngoại hình tuấn lãm, vẻ chơi bời phong lưu, nghe đồn do hôn thê bị bắt cóc mới được giao quyền Bình Nam tướng quân, lòng bội phần không phục, thầm rủa xả, một đại quân tinh binh là thế nay lại trở thành sĩ tốt để báo tư thù. Đến khi Lưu Giác truy quét ba trăm ngọn núi giữa mười lăm thành trì từ trấn Thuận Hà đến Cốc thành phía nam, quét sạch mười mấy sơn trại, khiến cho miền nam Ninh quốc sạch bóng khấu tặc, kế sách chu toàn tỉ mỉ, thủ pháp quyết liệt mau lẹ, kiếm thuật tàn khốc vô tình mới khiến cho binh sĩ thần phục. Tiếp theo, thực hiện quân kỷ nghiêm minh, từ đó Nam quân mới trên dưới thuận lòng.
Lưu Giác vẫn đứng ở chốt canh, mặc cho gió sông thổi. Dạo đó, truy tìm các ngả phía nam, không tìm thấy dấu vết của A La, chàng suy đi nghĩ lại, cuối cùng khẳng định A La đã trở về Phong thành. Cáp tổ báo tin, Tử Ly phụng mệnh tây tiến, không thấy A La đi theo, phủ Ly Thân vương và phủ thái tử cũng không thấy tăm tích. Lưu Giác cười, thầm nghĩ, A La nhất định đang ẩn náu nơi nào đó ở Phong thành. Cục thế chưa rõ, tìm thấy cũng không phải là chuyện hay, nếu cưới A La, để nàng lại trong vương phủ ở Phong thành chàng sẽ rất nhớ nhung. Bèn lệnh cho Cáp tổ, khi phát hiện được A La, chỉ cần sai cao thủ bí mật bảo vệ, không cần tiếp cận, tránh khiến nàng kinh động.
Lưu Giác kỳ thực rất khâm phục A La, tuổi nhỏ như vậy mà có thể đưa mẫu thân và nữ tỳ bỏ trốn, lại còn dám phóng hỏa đốt cầu phao, kế hoạch chu toàn, che mắt được bao nhiêu người.
Nhưng ba năm nay không thấy tin tức của nàng, Lưu Giác hơi giận, Phong thành lớn đến đâu? Mỗi khi Cáp tổ bẩm báo không có tin gì, chàng lại sầu muộn vô chừng, rồi lại đắc ý A La có thế trốn lâu như vậy mà không để lộ dấu vết, chàng bỗng càng thêm yêu thích nàng. Mãi đến ba tháng trước, Cáp tổ báo về, có một đôi vợ chồng trẻ cùng bà mẹ đang đi về phía thành Lâm Nam, bà mẹ có ngoại hình rất giống thất phu nhân của tướng phủ, nghi là A La, lúc đó chàng mới cả mừng.
Lưu Anh nhớ rõ, hôm đó chúa thượng nhận được tin báo của Cáp tổ lại uống rất say, một mình uống rượu, múa kiếm trong hậu viên, cười ngất, nói to: "Tử Ly, huynh nói đúng lắm, A La đúng là bảo ngọc. Nàng ấy đến rồi, đến Lâm Nam rồi!". Đây là lần đầu tiên trong đời, Lưu Anh thấy chủ nhân uống say. Y cố cõng chàng về, Lưu Giác nằm trên giường vẫn còn cười, nhắm mắt, kéo áo Lưu Anh, luôn miệng hỏi: "Lưu Anh, ngươi nói xem, A La gặp ta liệu có bỏ chạy không?".
Lưu Anh mắt đỏ hoe. Lúc sáu tuổi, rét cóng suýt chết ở ngoài đường, một bát canh thịt đã khiến y tỉnh lại, mở mắt nhìn thấy Lưu Giác, khuôn mặt đẹp như tạc, tươi hồng như thoa phấn chớp mắt nhìn, tươi cười: "Ngươi tỉnh rồi à? Sau này đi theo ta nhé, nhất định không để ngươi bị đói".
Lúc đó Lưu Giác mới năm tuổi. Từ đó Lưu Anh luôn ở bên chàng như hình với bóng, lớn lên cai quản Thanh tổ của Ô y kỵ.
Lưu Giác say dường như lại trở về thuở nhỏ, lúc đó, khi bị ốm chàng cũng thường kéo áo Lưu Anh miệng hỏi không ngừng: "Ta nằm mơ thấy mẫu thân, bao giờ phụ thân mới về?". Lưu Anh nhìn thấy nụ cười buồn ẩn trên khuôn mặt thanh tú của chủ nhân, thầm thề với chính mình, tam tiểu thư kia nếu đã đến thì đừng nghĩ có thể bỏ chạy, mình sẽ tìm mọi cách giữ nàng ta bên cạnh chúa thượng. Lưu Anh ngẩng đầu nhìn tấm lưng thẳng tắp như thanh gươm trong gió lạnh, thử khuyên lần nữa: "Chúa thượng, gió đông rất lạnh, cẩn thận bị cảm, quay về thôi".
Lưu Giác quay người: "Đi thôi, về uống chén rượu nóng, trời đúng là lạnh quá".
Từ xa đã nhìn thấy mái cổng cao vút của thành Lâm Nam, Tiểu Ngọc vui sướng reo lên: "Đến rồi, đến Lâm Nam rồi, không biết vú Trương có khỏe không? Gặp thất phu nhân không biết vú sẽ mừng đến mức nào nhỉ?".
Thất phu nhân cười dịu dàng. Từ khi rời tướng phủ, lòng bà cũng dần trở nên vui vẻ. Hai năm du ngoạn vừa rồi, được ngắm nhìn thế giới bên ngoài muôn màu như vậy, coi như bà đã sống không uổng.
"Tiểu nương tử à, nàng càng ngày càng hoạt bát đấy, ngó nghiêng như thế còn ra thể thống gì, hãy để tướng công nàng tận mắt nhìn nào!". Rèm xe vừa vén lên, khuôn mặt như tạc bằng ngọc của A La hiện ra. Cử chỉ nàng phóng khoáng đĩnh đạc, chỉ có đôi mắt vẫn lóng lánh như thủy tinh, linh lợi khác thường.
Nhìn thấy thành Lâm Nam sừng sững nguy nga giữa lưng chừng núi, nàng buột miệng nói: "Dựa núi cận sông, địa linh nhân kiệt, thành phố du lịch hạng nhất".
Thất phu nhân nhìn nàng vẻ trách móc: "Suốt dọc đường ăn ăn uống uống, vung tay quá trán, bây giờ chỉ còn mấy ngàn lạng bạc, còn không mau đi kiếm tiền nuôi nhà, lại chỉ mải chơi".
A La cười, giơ tay đón bắt những bông hoa tuyết bay lất phất, kéo dài giọng than thở: "Gió ơi, tuyết ơi, Tam Nhi số khổ, phải còng lưng kiếm tiền nuôi cả nhà".
Tiểu Ngọc và thất phu nhân đã nghe A La kể chuyện Hỷ Nhi và Dương Bạch Lao, lúc đầu chịu bao nhiêu khổ cực, về sau khổ tận cam lai, được hưởng hạnh phúc sung sướng. Khi kể chuyện đó A La bắt chước Dương Bạch Lao vừa nhảy múa vừa lấy sợi dây thừng màu hồng định quấn đầu cho Tiểu Ngọc. Bây giờ nghe nàng uốn giọng như vậy thất phu nhân lại thấy buồn cười mắng yêu A La, trong xe tiếng cười nói đùa vui ồn ào.
Xe đến gần cổng thành thì bị chặn lại, A La thoạt đầu cũng thấy kỳ lạ, nhưng nghĩ đây đã là Lâm Nam gần biên giới Trần quốc, kiểm soát người ra vào thành là đương nhiên, nên cũng thấy bình thường. Nàng đường hoàng nhảy xuống xe, chắp tay nói với lính gác: "Tướng gia, tại hạ là Trình Tinh ở Phong thành cùng hiền nội và gia mẫu về nam thăm người thân, xin cho phép".
Lính gác vốn mặt sắt, nhưng nhìn thấy vị công tử khôi ngô, nhã nhặn lại hiểu lễ nghĩa, sắc mặt cũng dịu đi nhiều, liền đáp: "Thượng quan có lệnh, phàm là khách vào thành đều phải lưu bút vào sổ, công tử cứ làm theo quan lệ là được".
A La vung bút, ghi quê quán danh tính, sau đó ba người thuận lợi vào thành. Lòng cười thầm, Phong thành Trình phủ, cho dù đi tra xét cũng không phải là giả mạo.
Có rất đông khách thập phương và thương nhân đi đường thủy đến thành Lâm Nam, trong thành đường sá bằng phẳng, hàng quán san sát, cư dân đông đúc, phồn thịnh náo nhiệt. A La ngồi trong xe trầm tư quan sát. Mấy năm trước nàng đã giao cho vú Trương món tiền lớn, để vú cùng người con trai đến thành Lâm Nam mua nhà, mở quán rượu nhỏ làm kế sinh nhai. Không biết ba người cùng đến thế này, quán rượu ấy liệu có đủ nuôi sống cả nhà hay không.
Rồi nàng lại cười, chuyện đó để đến nơi hẵng hay, bây giờ phải tìm được Thường Lạc tửu quán đã. Theo địa chỉ của vú Trương, xe ngựa rẽ vào một con đường nhỏ, men theo con dốc đi lên, không lâu sau đã nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, một lá phướn màu xanh cắm trên cành cây, trên có hàng chữ Thường Lạc tửu quán. Phu ngựa dừng xe, A La nhảy xuống gọi: "Vú Trương, vú Trương, chúng ta đến rồi!".
Vú Trương ngồi sau quầy rượu, tóc đã điểm bạc, nhưng đầu óc vẫn tinh nhanh. Vú hồ nghi vểnh tai nghe, sau khi xác định, mặt vụt tươi cười mừng rỡ, từ trong quầy chạy ra. Vừa tới cửa đã thấy một vị công tử khôi ngô, dáng cao ráo đĩnh đạc, ánh mắt tinh nghịch nhìn mình mỉm cười, thất phu nhân được Tiểu Ngọc dìu xuống xe. Ngơ ngác định thần, vú Trương xúc động, mắt đỏ hoe nghẹn ngào: "Phu nhân!".
Thường Lạc tửu quán tọa lạc giữa lưng chừng núi, lúc này trời vẫn còn sớm, trong quán chưa có khách. Vú Trương vội vàng buông mành, đóng cửa quán, lên tiếng gọi con trai và con dâu.
A La thấy con trai, con dâu vú Trương mặt mũi đều thật thà chất phác, cô con dâu tay dắt một đứa bé trai ba tuổi, mặt mũi có vẻ bướng bỉnh, nàng không nén nổi nói đùa: "Hổ Tử phải không? Sao lớn lên trông như tiểu hổ thế này?".
Hổ Tử ba tuổi, sợ người lạ, trốn sau lưng mẹ, thò cái đầu bé nhỏ ra, nói: "Thiếu gia là tam tiểu thư thông minh mưu mẹo mà bà nội hay kể phải không? Sao chẳng giống tẹo nào?".
Mọi người cười ồ, A La cũng cười, giơ tay rút cái trâm trong búi tóc, mái tóc dài xổ tung, vẻ con gái lồ lộ. Hổ Tử mắt sáng lên: "A, tiên nữ tỷ tỷ!".
Mọi người lại ồ lên cười, vú Trương vội đưa ba người vào hậu đường. Ngôi nhà này có ba đình viện riêng rẽ, phía trước là tửu quán, ở giữa là chỗ ở của gia đình vú Trương, xuyên qua vòm cổng hình bán nguyệt lại là một tiểu viện xinh xắn. Vú Trương cười: "Ngày đêm mong mỏi, phu nhân và tiểu thư có hài lòng không?".
Thất phu nhân chắp tay vái vú Trương: "Mấy năm nay vất vả cho vú quá, đã chuẩn bị chu toàn cho mẹ con Ngọc Đường".
Vú Trương hốt hoảng đỡ thất phu nhân: "Không dám, phu nhân đã cứu già. Năm xưa nếu không có phu nhân bỏ tiền cứu giúp, già đâu có con cháu nhà cửa đề huề như bây giờ...".
A La xem xét tỉ mỉ xung quanh, nghĩ đến thằng bé Hổ Tử đáng yêu, trầm tư hồi lâu mới nói: "Vú Trương à, hôm nay chúng ta ở lại đây, ngày mai sẽ tìm chỗ khác. Vú thông thạo Lâm Nam, ngày mai đi tìm giúp ta chỗ mới".
Vú Trương ngạc nhiên: "Tiểu thư, sao không ở cùng chúng tôi? Tiểu thư chê chỗ này hay sao?".
A La cười: "Tìm một chỗ khác, ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì, sẽ không liên lụy cả nhà, ở riêng rẽ mới dễ ứng phó. Ta có rỗi đến tửu quán uống rượu cũng không gây nghi ngờ. Vú nhớ nhé, lần sau chúng tôi đến chỉ là khách bình thường".
Tối hôm đó, thất phu nhân và vú Trương mấy năm không gặp, giờ được dịp dốc bầu tâm sự. Vú Trương nghe kể, ngậm ngùi, thở dài, lại rơi bao nhiêu nước mắt.
Lưu Giác được tin báo A La đã đến thành Lâm Nam, bề ngoài chàng tỏ ra bình thường, nhưng trong lòng dậy sóng. Lưu Anh không nén nổi, hỏi: "Có cần thuộc hạ đi bắt về không?".
Bắt về có nghĩa lý gì? Lưu Giác nén nỗi khao khát được gặp mặt nàng, bình thản dặn dò: "Lệnh cho Minh tổ lựa ra mấy cao thủ đi theo bảo vệ nàng ấy, báo cho đội quân ngầm ở cổng thành, nếu thấy nàng ấy một mình ra khỏi thành, chỉ cần bí mật đi theo là được, nhưng không được để nàng ấy đưa cả mẹ cùng đi. Vào thành Lâm Nam nàng ấy còn có thể chạy đi đâu?".
Lưu Giác thầm nghĩ, ta rất muốn xem rút cục nàng sẽ làm gì ở đây? Nghĩ đến sự mưu trí của A La, lòng chàng lại xao xuyến, môi thoáng nụ cười.
Đã vào giữa đông. Những bông tuyết bay lả tả trên bầu trời thành Lâm Nam, tuyết tan trên mặt đường ẩm ướt, những tầng khí lạnh ngắt trong trẻo bao phủ thành phố, hít thở một hơi, khí lạnh đã xuyên thấu phủ tạng. A La vận chiếc áo bông màu xanh nhạt, mỉm cười tự tin, chậm rãi bước từng bậc đi xuống, dạo chơi trong thành. Những hàng quán lớn nhỏ san sát, chất đầy sản vật phong phú, đồ da của Khởi quốc phía tây, đặc sản của Hạ quốc phía tây nam, đồ tơ lụa của Trần quốc phía nam đều có thể tìm được ở đây, những tửu lầu mái cong sang trọng rải rác xen lẫn những quán rượu nhỏ bình thường. A La thầm đánh giá, du lịch và giao thương đã khiến nơi đây phát triển thịnh vượng, hôm nay ra phố xem lại mới nhận thấy thành Lâm Nam chính là một thương cảng và thành phố du lịch lớn nhất của Ninh quốc.
Sự náo nhiệt của Lâm Nam có một phong vị khác so với Phong thành. Trong thành khắp nơi đều có thể gặp những thương khách và phu bốc vác nói đủ các kiểu khẩu âm. Do đây là thương cảng lớn, mặc dù đang giữa tiết đông hàn, thuyền buôn vẫn qua lại tấp nập. Chỉ có những lính tuần khoác kiếm đi lại khắp nơi mới nhắc người ta nhớ ra đây là một trấn biên ải trọng yếu.
Nàng thong thả đi dạo đến tận cổng thành phía nam, đứng trên bến cảng nhìn ngắm thuyền buôn đang neo trên bến. Thuyền lớn có hai tầng lầu, dài tới hơn hai chục trượng, đã hạ buồm, những cột buồm sừng sững như cây rừng. A La thú vị nghĩ thầm, một chiếc chuyền lớn như thế, phải bao nhiêu người mới chèo được, đi đến gần quan sát, nhìn vào khoang đáy qua những ô cửa hình vuông. Hình dung ra cảnh tượng tráng lệ khi thuyền khởi động, hàng trăm mái chèo nhất tề vung lên đều tăm tắp, bỗng bật cười khoái trá. Từ quán rượu của vú Trương đi ra phố, dạo chơi trên bến cảng cả nửa ngày, ngắm nghía phong cảnh xem chừng rất hay, nhưng kiếm tiền như thế nào nàng vẫn chưa nghĩ ra. Đây là thương cảng sầm uất, mấy nước giao thương trên sông Hán Thủy, nhưng buôn bán A La nghĩ bây giờ mình chưa làm được. Nàng không muốn mở quán ăn kiểu Tố tâm trai làm bà chủ, thực khách qua lại phức tạp, không cẩn thận có khi lại xảy ra chuyện, thậm chí mở phường ca hát vui chơi cũng không khả quan. Nàng còn nhớ, những vũ trường hiện đại đều phải có chỗ dựa, những chốn phong nguyệt của Ninh quốc đều phải lập hồ sơ đi báo quan phủ lập sổ thuế, nàng đương nhiên không thể lập hồ sơ. Huống hồ nhân khẩu ở Lâm Nam phức tạp, nhiều binh lính, có câu "tú tài gặp lính, có lý cũng bằng không", binh lính làm gì vào những ngày nghỉ? Đương nhiên sẽ đến những tụ điểm giải trí tiêu khiển, nàng không muốn mình phục vụ chẳng may có gì sơ suất, làm phật lòng vị khách nào đó mà bị đập tiệm.
Thong thả trở về nội thành, A La chầm chậm thả bước vừa đi vừa suy nghĩ, suy tính mọi khả năng. Chợt ngẩng đầu nhìn thấy trên ngọn cây đa phía trước cắm một lá cờ phướn, trên viết "Ỷ La tửu quán", bụng nghĩ cái tên thật là hay, nhìn thấy hai chữ tửu quán, lại thấy bụng đói cồn cào. Nàng nuốt nước bọt, thầm nghĩ mình chưa thưởng thức món ăn ngoài phố của thành Lâm Nam, vậy là rảo bước đến đó.
Tửu quán dựng bên một cây đa to, một dòng thác nhỏ từ sườn núi phía sau chảy xuống, quán dựng theo kiểu nhà sàn, tầng trệt bỏ không, chỉ gồm những cây cột chèn chắc vào vách núi, là kiểu kiến trúc nhà sàn bằng gỗ điển hình ở miền núi. Bên ngoài có hành lang, cửa sổ chạm trổ hoa văn có rèm che bằng giấy lụa, cổ kính giản dị mà trang nhã. Nơi sườn núi có ngọn thác trút xuống cây cối xanh um, lá đa non bóng như được tưới nước, che khuất một nửa quán, vừa kín đáo mà ngồi bên trong lại có thể nhìn thấy cảnh phố phường bên ngoài. A La vừa nhìn đã thấy thích chỗ này.
Những tia nước nhỏ bắn vào áo bông của nàng, nụ cười nở trên môi, A La bước vào. Vừa vén bức rèm vải chắn gió nặng trịch, một làn hơi ấm sực phả ra. Bên trong có lò sưởi, chủ nhà còn cẩn thận ném vào lửa mấy miếng vỏ quýt khô, hương thoang thoảng rất dễ chịu. Trên tường treo mấy bức tranh chữ rải rác, ở một góc lại còn đặt cây đàn, bố trí rất trang nhã, A La hơi hiếu kỳ, không biết chủ quán là người thế nào.
Có lẽ đã quá ngọ, trong quán chỉ có hai, ba bàn có khách. Nàng đi thẳng đến góc quán có cửa sổ ngồi xuống, lát sau một giọng nói thanh thanh nhẹ nhàng vang lên: "Công tử dùng trà hay dùng rượu?".
A La ngây người ngẩng đầu, một tú nữ tuổi chừng đôi mươi đang tươi cười nhìn nàng."Quán này là của cô nương ư?".
"Vâng, chính là của Doanh Tú".
Doanh Tú? A La cười: "Quả là một cái tên đẹp". Lòng đã thầm có cảm tình với nàng chủ quán, nụ cười tự dưng cũng mặn mà hơn: "Tại hạ lần đầu đến Lâm Nam, có thể phiền Doanh Tú cô nương giới thiệu các món ở đây? Cho vài món đặc sắc nhất, có hoàng tửu chứ? Có thể hâm nóng giúp không?".
Tim Doanh Tú xốn xang, vị công tử ngồi đây, tuy nói năng nhỏ nhẹ nhưng ngữ khí có gì khiến người khác không thể chối từ, từ lúc nào thành Lâm Nam xuất hiện một vị công tử hào hoa như vậy? So với tảng băng bên cạnh, nụ cười của vị công tử này quả là như hoa mùa xuân, nàng bất giác liếc nhìn sang bên cạnh.
Thấy Doanh Tú thoáng ngây người, A La cũng liếc sang bên cạnh, thầm reo, sao kỳ lạ thế. Người ta nói, long phượng hội tụ hết ở năm vị công tử Phong thành, thành Lâm Nam cũng không kém, đi loanh quanh mấy tửu quán, đã gặp ngay một chàng phong lưu không kém công tử Phong thành.
Dường như cảm nhận được ánh mắt phía bên này, người đó hơi nghiêng đầu, liếc nhìn Doanh Tú, Doanh Tú hơi đỏ mặt, lại khẽ lắc đầu. Người đó lại nhìn A La, cũng hơi ngây người, một công tử có khuôn mặt như tạc bằng ngọc!
Ánh mắt A La và người đó gặp nhau, cảm thấy như có làn khí lạnh phả ra. Nàng khẽ cau mày, tươi cười nói với Doanh Tú: "Bà chủ chắc nghe chưa rõ? Cho xin ba món và một bầu rượu hâm nóng".
Doanh Tú lại đỏ mặt, vội nói: "Xin công tử đợi chút, Doanh Tú đi chuẩn bị".
Nàng rảo bước đi về phía quầy, miệng nhanh nhẹn sai bảo người làm. A La bất giác cảm thấy đắc ý, người đẹp kể cũng tốt thật, vừa vào quán ăn đã khiến chủ quán đích thân phục vụ, về nhà mình phải khoe với Tiểu Ngọc mới được.
Lát sau Doanh Tú đón chiếc khay từ tay người phụ việc, đích thân bê ra, nhẹ nhàng nhấc từng đĩa đặt xuống bàn, kèm một bầu rượu hâm nóng, khẽ nói: "Đây là măng đông xào, thịt thỏ hầm, cá sông rán. Đều là đặc sản địa phương, rượu do nhà hàng tự ủ, gọi là Ly nhân túy, mùa đông mới có, sau khi hâm nóng vị càng đậm, dư vị ngấm lâu, công tử chớ tham uống nhiều".
A La rất đỗi kinh ngạc, Ỷ La tửu quán này, xem ra mình đã không vào nhầm quán, nàng bỗng càng thêm hứng thú đối với Doanh Tú, hỏi: "Bà chủ nếu không bận có thể giới thiệu với tại hạ cái hay của đặc sản bản địa không?".
Mắt Doanh Tú ánh lên nụ cười, ánh mắt Lại vô tình đánh sang bàn bên cạnh, nàng mỉm cười: "Chỉ e quấy rầy nhã hứng của công tử".
"Quý công tử đây đã mời, lại lần đầu tới thành Lâm Nam, nếu không chê, xin cho phép tại hạ hầu chuyện công tử".
A La liếc nhìn, anh chàng đẹp trai lạnh như băng xen lời. Lại lướt nhìn khuôn mặt ửng hồng của Doanh Tú, thầm nghĩ, xem ra bà chủ này có tình ý với vị công tử mặt lạnh như băng kia, chỉ có điều không biết người này xen vào là có ý gi, liền cười nói: "Tốt quá, tại hạ lần đầu đến Lâm Nam, không biết, thì ra người ở đây đều nhiệt tình như vậy".
Lời nàng vừa dứt, Doanh Tú mặt càng đỏ tợn, vội vàng nói: "Xin hai vị tự nhiên, Doanh Tú còn bận chút việc". Nói đoạn rảo bước quay ra.
Chàng công tử có khuôn mặt lạnh như băng ngồi xuống, nói: "Tại hạ là Cố Thiên Tường, không biết đại danh của công tử là gì?".
A La giật mình, thì ra chàng ta chính là một trong ngũ đại công tử Phong thành, con trai của tả tướng đương triều Cố Thiên Tường! A La chưa bao giờ gặp, thì ra chàng ta đã đến Lâm Nam. Nàng chuyển hướng suy nghĩ, nói: "Tại hạ là Trình Tinh, người Phong thành, đến Lâm Nam thăm người thân, lần đầu đến đây. Mấy món ăn này không biết có gì đặc sắc, xin công tử chỉ giáo". Nói xong cầm đũa gắp ăn, lại rót rượu uống. Vị cay lan tỏa, hương thơm nồng nàn, bụng càng thêm đói, nàng ăn liền mấy miếng. Đột nhiên thấy không ổn, vội ngẩng đầu nhìn anh chàng tảng băng, cười: "Dạo chơi Lâm Nam cả ngày, đói quá, công tử cũng dùng đi? Ta vừa ăn vừa nói chuyện".
Cố Thiên Tường cũng không từ chối, tự rót rượu cho mình, nói chậm rãi: "Loại măng đông này không dễ hái, măng mùa đông không trồi lên mặt đất, phải là người miền núi có kinh nghiệm mới tìm được, người không biết đào cả ngày cũng không được một cây. Nghe nói có một cách, đó là nhìn bóng tre, cứ từ ngọn tre chiếu thẳng xuống đất sẽ có măng, nhưng không phải ngọn nào cũng có măng. Măng mùa đông ăn vừa giòn vừa thơm, xào chay là hạng nhất".
A La liên tục gật đầu, lại ăn thêm mấy miếng măng, quả thực vừa giòn vừa ngọt, nghe chuyện thấy thú vị quá, lòng càng hưng phấn, mời Cố Thiên Tường một chén rượu, lại tiếp cục tròn mắt nghe chàng ta nói.
Ánh mắt Cố Thiên Tường chạm mắt A La, bỗng ngẩn người, cảm thấy đôi mắt có phần quen quen, nhưng không nhớ đã gặp ở đâu. Chàng quay trở lại câu chuyện, nguyên do, thứ nhất là chàng thầm khen sự phong lưu của nhân vật A La này, hai là gần đây hai nước Ninh Trần cục diện căng thẳng, nghe người này nói lần đầu tới Lâm Nam, trong lòng có phần cảnh giác. Chàng uống một ngụm rượu lại tiếp: "Thịt thỏ chỗ nào cũng có, nhưng món thịt thỏ ở Lâm Nam đặc sắc vô cùng. Muốn bắt được thỏ hoang trên núi quả không dễ, chúng nhỏ hơn thỏ thường, tìm thấy hang của chúng cũng không dễ bắt, trước tiên phải đánh dấu rồi đốt lửa xung quanh, giăng lưới ở cửa hang trong cùng, mới bắt được. Nếu lúc bủa vây hang mà làm nó kinh động, lưới còn chưa kịp chăng, nó đã phi như tên bắn ra ngoài chạy thoát. Cho nên nhìn chung phải hai, ba người phối hợp mới được".
A La cười: "Thì ra, con thỏ xảo quyệt có đến ba cái hang, không biết người quen luyện võ như công tử đây, liệu có dễ dàng bắt được thỏ hoang?".
Cố Thiên Tường giật mình, thầm nghĩ, lẽ nào chàng ta nhận ra mình, biết mình luyện võ công. Chàng sinh nghi, thầm nhủ, nói năng phải cân nhắc kỹ mới được. Chàng thản nhiên nói: "Nếu Thiên Tường đi bắt thỏ, dù chúng có xảo quyệt đến mấy, cũng không thể chạy thoát".
A La cảm thấy lời chàng ta có ẩn ý, nhưng lúc này chưa nghĩ ra, cười nói: "Cố công tử đi bắt thỏ quả thật là dùng dao mổ trâu đi giết gà rồi. Còn món cá sông rán này có gì đặc sắc?".
Thấy lời thăm dò của mình bị A La nhẹ nhàng hóa giải, Cố Thiên Tường lại càng sinh nghi, vị công tử có khuôn mặt như ngọc tạc, phong độ hào hoa mã thượng này rút cục là người thế nào? Chàng nhiều năm sống trong quân doanh, tự thân toát ra vẻ lạnh lùng, sát khí, người bình thường bị ánh mắt lạnh băng của chàng liếc một cái đã sợ run, nói không ra lời. Vị công tử này có đôi mắt sắc long lanh, rất có hồn nhưng rõ ràng không có nội lực, chàng ta từ đâu đến, lại cơ hồ không sợ uy vũ áp chế của mình.
Cố Thiên Tường rắp tâm tìm cho ra bí mật, nói tiếp: "Loại cá sông nhỏ này còn gọi là cá trong khe đá, không thể đánh bằng lưới, phải đợi đến tối, tìm chỗ nước nông, soi đèn, nhân lúc cá chui vào khe đá nghỉ, nhanh tay chộp từng con. Thân nó rất trơn, ban ngày rất linh hoạt, lại chỉ bé bằng ngón tay, nên rất khó bắt".
A La "ồ" một tiếng, đầy ngạc nhiên. Cố Thiên Tường này rất am hiểu thành Lâm Nam, cũng là người rất tinh tế, nếu không sao lại chú ý cả những chi tiết vụn vặt như vậy. Thấy chàng ta đã nói xong, thức ăn cũng đã ăn kha khá, nhưng Cố Thiên Tường dường như chưa có ý định đứng lên. Chàng ta nhận ra mình rồi sao? Rõ ràng không thể, trước đây hai người chưa từng gặp, hơn nữa, bức họa cũ lại không phải là ảnh, liệu có giống không? A La không biết động cơ nào khiến chàng ta muốn kéo dài câu chuyện với mình, nhưng chàng ta chỉ huy lực lượng thủy quân của Nam quân, ắt có lòng kiên nhẫn. A La cũng cảnh giác, thấy chàng ta chưa có ý muốn ra về, cũng bắt đầu kể những món ngon, toàn là tiệc măng, các cách chế biến thịt thỏ, những bữa tiệc cá, các cách chế biến phối với ba món này, nàng nói say sưa hào hứng thao thao bất tuyệt.
Cố Thiên Tường càng nghe càng kinh ngạc. Trình Tinh này tuổi chưa quá mười bảy, nhưng hình như lại hiểu biết rất rộng, nghe những yến tiệc và món ăn vừa kể, dường như không phải ai cũng được ăn. Chàng thận trọng hỏi: "Tiểu huynh đệ hình như đã đi rất nhiều nơi, hiểu biết sâu rộng, thật khiến tại hạ khâm phục!".
A La thầm nghĩ, nếu ta kể những món ăn của "Mãn Hán toàn tịch" cho chàng ta nghe, từ đồ ăn, bát đĩa, đến nguyên liệu chế biến, chắc chàng ta sẽ nảy con ngươi ra ngoài mất. Ta chẳng phải hiểu biết sâu rộng gì, ta chỉ sống hơn anh hai mươi năm thôi. Nàng khẽ cười, nói tiếp: "Tại hạ tính có phần háu ăn, một số món cũng chỉ nghe nói, chưa được nếm, nói với huynh cho vui thế thôi".
"Tại hạ rất thích nghe công tử kể những chuyện thú vị như vậy, không biết công tử có vui lòng ngồi thêm với tại hạ lúc nữa không? Trong khung cảnh ấm cúng thế này, được gặp công tử tài mạo tót vời, lời lời châu ngọc quả là thú vị".
A La nghĩ, nếu không biết thân phận của anh, tôi đã bỏ đi rồi, bây giờ thì không dám. Đằng nào cũng chỉ là kể chuyện, chuyện kể ấy à, tôi có vô khối, ngàn lẻ một đêm cũng không kể hết, chưa biết chừng chuyện trò vui vẻ, lại biết thêm tình hình của Lâm Nam. Lúc này A La và Cố Thiên Tường bắt đầu thi nhau kể, trên trời dưới bể, phong tục, đặc sản các nước, không thiếu chuyện gì.
Cố Thiên Tường càng nghe mắt càng mở to, vẻ lạnh lùng trong mắt đã bớt vài phần, thay vào đó là sự hiếu kỳ và khâm phục. Bất luận chàng nói ẩn ý thế nào, A La cũng thản nhiên nhìn thẳng vào mắt chàng, chàng thầm nghĩ, Trình Tinh này hiểu rõ phong tục tập quán của Phong thành như lòng bàn tay, tiếng Phong thành nói rất thạo, Cố Thiên Tường cuối cùng tin Trình Tinh không phải là gian tế của địch quốc, cười sảng khoái: "Tiểu huynh đệ, thật là có duyên với nhau, không biết tiểu huynh đệ còn lưu lại Lâm Nam bao lâu, ta sẽ thường xuyên đến đây nói chuyện uống rượu với đệ".
A La uống Ly nhân túy vào cũng có phần chếnh choáng, cười thầm, tùy anh thôi, từ công tử biến thành tiểu đệ. Cố Thiên Tường vừa nói vài câu đã hỏi ngay tình hình Phong thành, rõ ràng muốn thăm dò có đúng nàng là người Phong thành. A La nghĩ đến địa chỉ đã ghi sổ đăng ký lúc vào thành Lâm Nam, bụng nghĩ, chắc chàng ta không thể coi mình là gian tế . Lúc này Cố Thiên Tường đã hết nghi ngờ, hai người nói chuyện càng thoải mái tự nhiên.
Khi Cố Thiên Tường lòng đã hết nghi ngờ, ngoài chuyện quân sự tuyệt đối không đả động, càng nói lại càng thích những kiến giải mới mẻ cởi mở của A La. Nhìn trời, thấy đã hơi muộn, chàng chắp tay, nói: "Thiên Tường đang có việc, cáo từ trước, nếu có thời gian sẽ lại cùng tiểu huynh đệ uống rượu nói chuyện cho vui".
ALa cười đáp lễ, cũng đứng lên ra về.
Trong phủ tướng quân, thành Lâm Nam, Lưu Anh khẽ bẩm báo: "Tam tiểu thư đi dạo cả ngày trong thành, lại đứng ở bến cảng phía nam nhìn ngắm rất lâu".
Lưu Giác trầm ngâm một lát, nói: "Định đi đường thủy hay sao?".
"Nhìn rất lâu nhưng không thấy hỏi thăm ai".
"Sau đó?".
Lưu Anh có vẻ chần chừ, Lưu Giác quay đầu khẽ hỏi: "Có cần ta hỏi lần thứ hai không?".
Lưu Anh vội đáp: "Giờ Ngọ ba khắc đi vào Ỷ La tửu quán gặp Cố Thiên Tường tướng quân, ngồi cùng bàn uống rượu, nói chuyện rất vui. Giờ Dậu mới về, tướng quân Thiên Tường trở về quân doanh, tam tiểu thư trở về Thường Lạc tửu quán".
A La quen Cố Thiên Tường từ lúc nào? Tùy tiện nói chuyện với đàn ông như thế đâu có giống khuê nữ danh gia! Lưu Giác hơi ghen, mỉm cười hỏi: "Với nhãn lực của Thiên Tường, mà lại không nhận ra nàng ấy là gái?".
"Chuyện này...". Lưu Anh lúng túng.
Lưu Giác hỏi: "Nàng ấy thay đổi nhiều lắm sao? Cáp tổ đã vẽ lại chân dung, thấy mặt mũi đầy đặn hơn, mắt vẫn như trước, nếu không đã không nhận ra".
"Chúa thượng, nghe Minh tổ báo, dáng diệu của tam tiểu thư không khác đàn ông bao nhiêu, mùa đông mặc áo rộng, không để lộ cổ, lại thêm tuổi còn trẻ, người không biết cũng không dễ nhận ra".
Lưu Giác thở dài: "Biết rồi, cứ bí mật đi theo. Nếu nàng lại gặp Cố Thiên Tường nữa, lệnh cho Minh tổ đứng xa một chút, nhớ đừng để Thiên Tường phát hiện". Chàng đăm đăm nhìn ra cửa sổ, một cây mai đang nở hoa, bên cạnh là khóm thủy tiên đung đưa, còn có cả mấy cây hải đường rất to, do được sưởi ấm hoa nở rộ, hương thơm sực nức. Chàng nhớ năm xưa A La đang ngắm cảnh, bị chàng quấy rầy nàng đã nổi giận, có lẽ nàng rất yêu hoa. Trước khi rời Phong thành chàng đã đến thăm Đường viên, nhìn thấy khóm hải đường trước sân. Lý tướng nước mắt lã chã nói với chàng, A La sáu tuổi đã biết đọc câu thơ "Hải đường bất tích yên chi sắc, độc lập mông mông tế vũ trung". Nàng chắc cũng yêu hoa hải đường. Chàng thẫn thờ một lát rồi sai Lưu Anh: "Ngươi đến doanh trại thủy quân tìm Thiên Tường tướng quân, nói là ta mời tướng quân xong việc đến phủ uống rượu".
Khi Cố Thiên Tường đi vào sân, thấy trước mặt sáng rực. Trong sân treo rất nhiều đèn lồng, lại còn đốt mấy lò sưởi, những cây hoa hải đường được sưởi ấm càng thêm thắm sắc, trong ánh sáng màu hồng huyền ảo lung linh, những cánh hoa thắm rực như cháy, Lưu Giác lơ đãng đứng dựa vào thành ghế uống rượu.
Chàng bước nhanh vào, ngồi xuống bên khóm hoa, tự rót rượu cho mình. Rượu vừa vào miệng, chàng cau mày, bật hỏi: "Ly nhân túy ư? .
Lưu Giác ngạc nhiên nhướn mày: "Hiếm có! Cố công tử đến chơi, lần đầu tiên thấy công tử chủ động cất lời!".
Cố Thiên Tường lạnh lùng liếc Lưu Giác: "Tưởng ta không biết ư? Thì ra là thuộc hạ của huynh, ta còn tưởng là người của Trình Tinh kia".
Lưu Giác cười nhạt: "Đã biết là không giấu nổi đệ, bọn thuộc hạ này đến là ngu, nhìn thấy đệ cũng không tránh đi". Cố Thiên Tường không nói gì, thầm nghĩ, Lưu Giác cho người theo dõi Trình Tinh là vì lẽ gì?
"Cho người tiếp cận cũng có cái hay. Bọn chúng hồi báo, chiều nay Thiên Tường tướng quân cười sáu lần cả thảy!". Lưu Giác bỗng ngồi thẳng lưng, trợn mắt một cách khoa trương, huơ huơ tay trước mặt Cố Thiên Tường, "Thiên Tường, một năm nay chưa thấy đệ cười, một buổi chiều đã cười hết phần của cả năm. Sao ta không thể mua Ly nhân túy về thưởng thức, xem rượu ngon đến đâu? Chà chà, sáu lần! Đệ đã cười tới sáu lần".
Cố Thiên Tường nghiêm mặt, đôi mắt nghiêm lạnh thoáng cười, Lưu Giác là thế, khoa chân múa tay khiến chàng phì cười. Chàng không trả lời, uống một hơi cạn ly. Rượu này thú vị thật, sau khi hâm nóng càng thơm phức, chàng bất giác hâm mộ Lưu Giác rất biết hưởng thụ, giữa tháng đông hàn mà vẫn ươm được hoa nở đẹp thế này.
"Giữa tiết đại hàn muốn có được những bông hoa này phải mất chút công sức. May mà nó nở, rút cục là được sưởi ấm nên nó đã nở". Lưu Giác nheo mắt nhìn những đóa hoa nở rực, khẽ nói.
Cố Thiên Tường cũng không nói gì, lặng lẽ nhấp từng ngụm Ly nhân túy. Hồi nhỏ chàng và Lưu Giác được học hai năm cùng với các hoàng tứ, Lưu Giác hoạt bát hiếu động, chàng trầm lặng ít nói. Do thân phận khác nhau, chàng vẫn nhớ lời dặn của cha, nhưng lòng thầm ngưỡng mộ tính cách quyết liệt, muốn làm là làm của Lưu Giác, lại thêm Lưu Giác nhiệt tình, chàng tình nguyện làm bạn với chàng ta, hai người quan hệ rất tốt. Bây giờ lại cùng đồn trú ở thành Lâm Nam, thỉnh thoảng lại cùng nhau uống rượu chuyện phiếm, cũng tiêu diêu thoải mái. Thiên Tường vốn ít nói, Lưu Giác nói nói cười cười, không có ai ngồi cùng, cũng tự thấy vui. Hai người thường ngồi với nhau, cũng đã quen cảnh một người nói luôn miệng, một người lầm lì không nói.
"Chà, Ly nhân túy này quả nhiên là rượu ngon, tên cũng hay! Huynh đã hơi chếnh choáng rồi. Thiên Tường, hôm nay đệ gặp người đó, nói những chuyện gì, sao lại cười tới sáu lần?".
Lưu Giác cuối cùng không nhịn nổi, mở miệng.
Lưu Anh đứng hầu một bên, nghe vậy thầm thở dài, chỉ cần liên quan đến tam tiểu thư là chúa thượng cơ hồ khó kìm chế, bề ngoài vẫn bình thường, trong lòng lại nôn nóng đến vậy. Quả nhiên, Cố Thiên Tường không trả lời, vẫn thong thả uống rượu, lúc lâu sau mới chậm rãi cất lời: "Huynh thích đàn ông?".
Lưu Giác bị sặc rượu, khuôn mặt tuấn tú đỏ hồng. Chàng phải vận nội khí mới hết sặc, liếc xéo Cố Thiên Tường: "Phải, đôi mắt ấy rất giống A La".
Cố Thiên Tường cau mày. Ba năm trước, nghe nói tiểu vương phi tương lai, tam tiểu thư tướng phủ bị bắt đến phương nam, Lưu Giác phẫn nộ đã quét sạch sơn tặc dọc đường, lại còn âm thầm ở trong quân doanh, không chịu trở về Phong thành, nơi gây ra vết thương lòng. Bây giờ xem ra tình hình càng thêm nghiêm trọng, ngay đến chàng trai có đôi mắt giống cô nương đó cũng không bỏ qua. Thảo nào, lúc chiều chàng luôn cảm thấy Trình Tinh rất quen, thì ra đôi mắt hơi giống người trong tranh. Chàng trầm ngâm một lát, cuối cùng mở miệng: "Trình Tinh đó không phải là gian tế, lại có vẻ xuất thân danh gia, nói chuyện rất hay, e là huynh chẳng làm gì người ta được đâu".
"Đúng thế, đi theo mãi, cũng không nghĩ ra có nên ra tay không". Lưu Giác nhìn những đóa hải đường nở rộ, rung rinh trong gió, thản nhiên nói.
Cố thiên Tường lại nghĩ tới Trình Tinh, tự dưng cảm thấy tiếc, sao vị công tử đó lại xúi quẩy có đôi mắt giống A La. Chàng bất giác khẽ thở dài.
"Đệ cũng biết thở dài ư? Đệ chịu cười với người ấy, thở dài vì ngươi ấy, mới quen đã như vậy, đệ sẽ không tranh giành với huynh chứ?". Lưu Giác nói đùa.
Lưu Giác lại có thể quan tâm đến thế sao? Cố Thiên Tường không tin vào tai mình. Đằng nào thì chàng cũng cười rồi, thở dài rồi, sao không thể khiến Lưu Giác ngạc nhiên? Chàng lạnh mặt: "Tranh giành cũng chẳng sao, đằng nào lâu lắm chúng ta không đánh nhau".
Lưu Giác ngớ người, bàn tay nắm lại, ly rượu trong tay sóng sánh, chàng uống một hơi cạn ly. Cố Thiên Tường cảm thấy buồn cười, lại có vài phần rầu lòng, Lưu Giác mặc dù hơn chàng một tuổi, nhưng từ nhỏ chính chàng lại chăm sóc chàng ta nhiều hơn. "Trình Tinh kia có ngũ quan như tạc bằng ngọc, thần thái tự nhiên, nói chuyện rất thoải mái, khó mà gặp một nhân vật như vậy. Người này có vẻ biết rất nhiều những chuyện ly kỳ mà đệ chưa biết, thật khiến người ta kinh ngạc".
"Đây là lần đầu tiên huynh thấy đệ đánh giá người khác nhiều như thế, hơn nữa lại chỉ thấy khen ngợi". Lưu Giác có vẻ khó chịu, chàng không biết vì sao, rất muốn nghe tin tức về A La từ Cố Thiên Tường, nhưng nghe xong lại thấy khó chịu.
"Đang định đi thăm cậu ta, uống rượu chuyện phiếm". Cố Thiên Tường lạnh lùng đổ thêm dầu vào lửa.
Lưu Giác thầm "hừ" một tiếng, cười ranh mãnh: "Ồ, nhân tiện báo với đệ, người ta trú ở Thường Lạc tửu quán phía tây thành".
Cố Thiên Tường cảm thấy có gì rất kỳ khôi, lúc này Lưu Giác bực mình mới phải, tại sao lại tựa hồ khuyến khích chàng đến gặp người đó. Chàng lẳng lặng uống nốt rượu trong ly, đứng lên nói: "Cũng muộn rồi, đệ về quân doanh đây".
Lúc Cố Thiên Tường quay lưng trở ra, Lưu Giác mỉm cười nói nhỏ với chàng: "Giai nhân của rượu Ly nhân túy lúc này có lẽ lại đang chơi đàn. A, tuyết rơi rồi, Lưu Anh nhớ mang ô cho Thiên Tường tướng quân".
Lưu Anh không nhịn được cười: "Cố tướng quân, xin mời!". Cố Thiên Tường lưng chợt cứng lại, mặt thoáng sa sầm.
Lưu Giác lại cười: "Tướng quân mặt lạnh tim nóng ơi, thích thì thích, có gì mà ngại không nói".
Thiên Tường giậm chân, tức giận lườm Lưu Giác, nghiêm mặt rời Lưu phủ.
Lưu Giác cười ngất, cảm thấy trong lòng dễ chịu đôi chút. Những bông hoa tuyết li ti mỗi lúc một dày, chàng ngồi lặng hồi lâu rồi lẩm bẩm một mình: "Ngày mai trời lạnh, không biết Thường Lạc tửu quán có rượu ngon hâm nóng hay không?".