Dứt Tình

Chương 2

Buổi sáng thấy Tiết Hằng ngủ li bì trên cái giường mà những nếp xô lệch ở tấm vải phủ nệm đã nói rõ tới một đêm trằn trọc, nghĩ ngợi ủ ê. Xiên qua lần màn phủ cửa kính, những tia nắng dịu soi lộng lẫy cái phòng ngủ quét vôi xanh, tăng vẻ đẹp cho hết thảy những đồ bày trong phòng.

Nàng nằm nghiêng mình, mảnh chăn đơn phủ đến ngực, tay bắc ngang trán, đôi môi mím chặt, lông mày cau, đủ hiểu dù đã ngủ nàng cũng vẫn không được tĩnh trí và còn phải chiến đấu với cả những giấc chiêm bao, có lẽ vẫn giày vò nàng.

Việt Anh cầm tay nàng và nhìn nàng trừng trừng, ai oán, giận dữ, đoạn vồ lấy hai vai nàng mà lay… Đó là một người mà lòng trông đợi, sự thất vọng đã khiến cho hóa ra rồ dại. Thoạt đầu, nàng còn nhìn trộm cái mặt gân guốc nhưng đau đớn đó một cách sợ hãi, nhưng dần dần, lòng thương đến thắng được lòng cương quyết, nàng cúi đầu nhắm nghiền mắt, rồi ngả đầu vào ngực Việt Anh.

Ái tình đã một lần đắc thắng…

Mà đó là lần đầu Tiết Hằng sa vào tội lỗi, đã chịu nhận sự âu yếm ở miệng một kẻ không là chồng, cả hai đều sa ngã nhưng đều sung sướng cực điểm. Thốt nhiên, một tiếng gót giày nện mạnh, cánh cửa phòng bật tung ra. Cặp nhân tình vội buông nhau, quay lại nhìn thì, đó là Đào Quân, đó là người chồng đứng trước cái tang chứng là vợ ngoại tình, nhưng mà chỉ đứng thừ người ra, mặt dần dần tái đi chứ không nói gì cả…

– Trời ơi!

Tiết Hằng tung chăn, chống tay ngồi dậy nhìn quanh, bàng hoàng. Nàng không tin cái phòng vắng vẻ, bình tĩnh, dụi mắt hai ba lần, vẫn còn hốt hoảng, vẫn còn ngơ ngác tìm cái tôi ở lúc nằm mê. Sau cùng, đã định thần rồi, nàng uể oải bước xuống dép. Mớ tóc mun xõa xuống kín lưng, nàng thong thả vấn thành búi trên đầu, rồi đẩy cửa và tươi cười, lấy đôi hàm răng ngà ngọc ra đón chào buổi bình minh. Hạnh phúc, mãi đến nay nàng mới hiểu nghĩa nó. Nàng sung sướng quá, vì như người đã để xuống đất được một gánh nặng…

Chứ gì? Trận bão qua, một đêm… bây giờ là cảnh trời yên tĩnh, là cảnh lòng lâng lâng, không hối hận… Đến tiếng thông reo lúc đó cũng hết đem sự muốn hứng đến cho nàng, một người vốn vẫn giàu cảm tình.

Tiết Hằng tươi cười ngắm vạn cỏ cây. Những cảnh chung quanh xưa vẫn quen mắt nàng mà bữa nay lại cảm nàng như những cảnh nàng chưa hề bao giờ thấy trước cả. Mặt trời còn đỏ, trên không gian sán lạn không một tí mây nào vẩn màu xanh…

Gió mát thổi từng cơn làm bay quần, bay áo, làm tung tóc, dễ chịu như một sự trêu đùa. Và sóng bể rập rờn cũng như khe khẽ ngâm cái bài thơ của những kẻ chân mây góc biển.

– Thưa bà…

Tiết Hằng quay vào, mặc vội cái áo dài rồi mở cửa ra. Người bếp kính cẩn thưa:

– Mơnuy bữa nay thế nào ạ?

– Sao không hỏi ông.

– Ông con vặn xe đi với bà Năm từ nẫy…

– Đi từ nẫy? Thế bây giờ mấy giờ?

– Bẩm gần 6 giờ…

– Thế còn những ai ở nhà?

– Không còn ai cả. Cô Yvonne với ông Việt Anh cũng vừa đi chơi, không kịp điểm tâm.

– Thôi, không phải về cảng mua bán nữa. Liệu mua ngay tại đây rồi làm những món ăn xoàng, tùy ý anh.

Rồi nàng đẩy cửa, lại quay vào ngồi thừ trên giường.

Tối hôm qua, khi nàng gắt với Việt Anh câu: “Ồ, ngài nói ai?” thì chàng ngẩn người ra, không hiểu, tuy không dám nói gì nữa nhưng bụng phân vân như kẻ giữ lái một chiếc tàu bể đã mất địa bàn. Việt Anh là người si tình nhưng si tình một cách khác đời, nghĩa là có cái tâm hồn của một bạo chúa, với lòng yêu một cách gắt gỏng chứ không chịu ăn mày lòng yêu. Cho nên cử chỉ bất phục ngẫu nhiên đó đã bịt miệng chàng.

Đến bữa cơm, Yvonne lại càng như xoắn lấy Việt Anh, mỗi phút ngồi gần nhau lại như đem cho cả hai bên thêm ít nhiều cảm tình về sự tâm đầu ý hợp. Cơm xong, trò chuyện ít lâu đến cuộc khiêu vũ mà Tiết Hằng chỉ ngồi nhìn một cách bàng quan. Vì không rõ chuyện chi cả, Yvonne khiêu vũ một cách có hứng thú, khi làm nữ kỵ binh của Đào Quân cũng như khi của Việt Anh, lúc nào nàng cũng vừa nhảy vừa ngửa cổ ra cười. Nhưng Việt Anh có một thái độ khác hẳn: muốn trêu gan Hằng, chàng đã đóng vai cái người say đắm Yvonne.

Thản nhiên, Hằng ngồi vặn kèn, giữ nhịp cầm cung trong buổi khiêu vũ. Nàng đã muốn tránh mặt ái tình thì còn vạ gì mà ghen ai? Hai nữa, những cử chỉ chướng mắt của Việt Anh bên cạnh Yvonne chỉ khiến nàng cười thầm và tự nhủ rằng không khi nào lại mắc mưu sự trả thù của một anh hề. Nàng chỉ thương chớ không hề giận.

Nhưng việc đó là việc trước mắt, còn hai người đi chơi mát buổi sáng lại là việc sau lưng. Hằng còn ngủ thì họ đã đi, cũng không thèm lên đánh thức nàng, không thèm bảo qua cho nàng biết, cử chỉ đó có nghĩa na ná với một sự rủ nhau cùng đi trốn chẳng biết nàng có cần để tâm?

Tiết Hằng chợt nghĩ đến cơn ác mộng vừa rồi. Nàng cười, nhìn lên ảnh mình rồi tự nhủ: “May thật, chỉ là một giấc mê!”. Nhưng đàn chim sẻ trên hiên cứ ồn ào cãi nhau, chiêm chiếp luôn hồi khiến nàng đã bâng khuâng lại càng thêm sốt ruột.

Trong mười phút, nàng cứ ngồi ngây người ra nghĩ ngợi quẩn quanh. Thốt nhiên đứng lên như cái máy có người vặn, hấp tấp vào buồng rửa mặt, thay quần áo, đoạn xuống nhà vớ lấy một cái dù Nhật mở cửa ra đi một mạch, không ngửng đầu.

Sau một đêm bão, mặt đường nhựa sạch như lau, bóng nhoáng đến có thể soi gương được, cỏ cây mơn mởn tốt tươi như sau một buổi tắm gội. Những mái ngói, tường vôi, lá cây đám cuội, hết thảy mọi vật đều sạch sẽ, ướt át, lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời. Chỗ nào cũng là trăm nghìn mảnh gương.

Lững thững Hằng đi, có ý tìm kiếm khắp nơi đều không gặp. Trên bãi bể, trên núi, trên các mỏm đá đều không thấy bóng dáng hai người. Những chỗ đẹp, đáng ngồi hóng gió với hứng thi vị của tạo vật mà không ngồi hưởng, vậy họ đi đâu? Chót vót đứng trên mũi bể, Hằng để một tay lên mặt che, quay khắp bốn phương tìm những mỏm đá trước đền Bà Đế cũng vắng tanh vắng ngắt.

Hằng quay về, cũng đã nhọc mệt, lử thử đi. Nàng đi những con đường nhỏ quanh co bao bọc ruộng làng, đi tắt.

Đến một gốc đề bèn cụp dù, ngồi xuống nghỉ chân. Gió bể hây hây, những cây dâu tốt lá, cao chấm đầu người… Hằng ngồi ít lâu, tầm mắt bỗng đặt tới một vật tròn tròn, xám xám. Lấy dù hẩy một cái, vật đó lật ngửa, phô ra màu trắng hếu: bụng một con chim sâu. Con vật khốn nạn chắc chết vì bão; bởi lẽ mình nó chỉ đét đi chớ không có tí thương tích nào. Hai chân quặp chặt, đôi mắt nhắm nghiền, còn mỏ há rộng. Tức khắc Hằng buồn rầu ngay. Nàng rùng mình nghĩ đến mọi sự tang thương biến cải của đời. Đẹp, trẻ, khỏe mạnh, lấy chồng giàu, sống một cuộc đời mà người ta cho là sung sướng tột bực, cái địa vị nàng bao nhiêu kẻ mầy mò không xong!… Nhưng nói cho cùng ra, hỏi nàng có sướng? Dù sướng thật đi nữa, ngày nay đã vậy ai biết ngày mai thế nào? Đó là sự bất trắc của hạnh phúc.

Tiết Hằng liên miên hồi tưởng lại quãng đời từ thuở còn là cô học trò ngây thơ. Cái tuổi chứa chan hi vọng, cái tuổi sung sướng vô cùng, nhưng thời gian chỉ đi chứ không trở lại… Nàng chợt nhớ một buổi tan học, từ trường trung học Sa Lộ ra về, nàng ngồi xe nhà ở giữa cho Việt Anh với Đào Quân đạp xe đạp kèm hai bên… Hồi đó, nàng còn có tên Tây: Mathide Tiết Hằng.

– Mathide! Tôi sẽ đem đến biếu mình một bộ sách rất đẹp…

– Mathide! Cứ lấy máy ảnh của tôi mà dùng…

Trong ba khối óc còn ngây thơ, óc của Đào Quân là của kẻ trưởng giả hợm đời và óc Việt Anh là của hạng si tình quá sớm. Trong khi Đào Quân chỉ biết nói tới câu: “Tôi cho tài xế đánh xe đến đón mình nhé?” thì Việt Anh đã khai chiến: “Hằng ạ, sau này tất chúng mình phải lấy được nhau”.

Một hôm, Tiết Hằng đỏ mặt ngỏ ý riêng với mẹ trong một phút điên rồ. Tức thì bà mẹ tỉ tê nói: “Con nhầm. Khi nào thầy con lại có thể thuận gả con cho Việt Anh được! Vẫn biết hai bên xưa kia có đi lại với nhau, ông bà ấy cũng dòng dõi thế gia quý tộc, nhưng phải cái tội nghèo. Thời buổi này mà không có tiền thì làm gì được? Hai nữa, ba mày lại đang là người góp vốn với ba anh Quân… Nhân tiện con đã động đến, nên mẹ bảo con biết trước: ba con ngỏ ý với mẹ định gả con cho anh Quân đã lâu rồi. Về phần bên ấy, ai cũng ưng, nhưng vì chúng bay còn đi học nên bảo nhau giấu cả hai, chưa cho đứa nào biết vội”.

Đó là vết thương thứ nhất có thể làm ngừng đập trái tim cô gái ngây thơ. Hằng nghe xong tái mặt, không nói gì. Cả đêm hôm ấy ngồi thức để khóc lóc vật vã. Không thể lấy Việt Anh được, vì lẽ bố Đào Quân là một nhà tư bản doanh nghiệp, chủ mấy cái mỏ kẽm và cái gia tài đó sẽ về phần Đào Quân! Nàng thấy nàng là một thứ hàng hóa, trong cuộc nhân duyên sắp bén đó.

Một hôm, Hằng nói với bố rằng khinh bỉ sự làm giàu. Người bố hiểu ngay, biết rằng con gái muốn phản đối việc trăm năm, bèn nói lưỡng: “Tao hiểu mày rồi! Con không màng tưởng sự lấy chồng giàu phải không? Được, để tao liệu…”. Một cô gái trẻ tuổi, còn dại dột nữa, liệu có thể thấu rõ được tâm địa một người cha, mà lại một người cha đã lăn lóc việc đời? Hằng được lời nói đó thì vội tin ngay.

Nàng nói qua cho Anh rõ, để chàng liệu mà sửa soạn. Ồ, mà Việt Anh sửa soạn cuộc tóc tơ kia ra làm sao thì có trời biết. Đối lại mấy cái mỏ, mấy xưởng máy phần gia tài của Đào Quân là những khí giới lợi hại trong việc đi chinh phục Tiết Hằng, thì chàng hình như đã vững tâm ở số mệnh, cứ mặc lòng mê mệt về một ý tưởng riêng. Ít lâu, xảy ra sự chủ trương việc bãi khóa sau cái tang Phan Chu Trinh. Rồi đến thôi học, vào Nam Kỳ làm báo. Một năm tờ báo bị đóng mà ông chủ bị 6 tháng tù án treo, đuổi ra Bắc Kỳ.

Những tai biến ấy Hằng phải trông thấy một cách đau lòng trong khoảng hai năm. Trong khi đó, phụ thân của Đào Quân lập thêm được một nhà máy chai, tậu thêm được một cái mỏ than nữa. Trước sự thay đổi lớn, Hằng còn biết nói thế nào! Cả nhà đều thì thầm một cách sợ hãi, mỗi khi nhắc đến một hành tung của Việt Anh. Giữa thời kỳ này mà ai lại đả động tới việc trăm năm giữa Hằng với Anh thì đích xác rồi, đó là một người hóa dại.

Lẽ tất nhiên, ít lâu Đào Quân cưới được Tiết Hằng. Đó là sự nảy nở thịnh vượng của một gia đình này, bên cạnh sự sụp đổ của một gia đình kia.

Lấy tư cách là bạn cũ cả vợ lẫn chồng. Việt Anh năng tới lui cái tiểu gia đình mới lập. Người vợ hơi e ngại sự thân mật trong tình bạn hữu đó, nhưng người chồng lại coi là việc rất tự nhiên. Lại thêm Đào Quân cho Việt Anh là kẻ có cái số phận ngang tàng, sinh ra đời không phải để hưởng mọi hạnh phúc êm đềm mà chỉ để tự hoại mọi đường công danh bởi một chí hướng riêng, nên cũng không đề phòng cho lắm.

Việc đề phòng là việc riêng của Hằng.

Đã bao lâu nay, người chồng thì vô tình không biết, người vợ thì giữ gìn, cự tuyệt, để người tình thân cứ việc chạy theo cái duyên đã đi thì không trở lại.

– Ơ hay! Chị Hằng ngồi đây đấy à?

Tiết Hằng giật mình quay lại, Yvonne và Việt Anh. Cả hai đứng dừng, ngạc nhiên không hiểu sao mới tinh sương Hằng đã ra ngồi làm gì đấy. Anh hỏi:

– Sao bà lại ngồi đây?

– À, tôi… tôi đang đi tìm hai người đấy mà.

– Tìm chúng tôi ấy à?

– Phải.

– Tìm chúng tôi ở một gốc cây?

– Chưa thấy đã mỏi chân, cấm không cho người ta ngồi à?

– Thế khỏi mỏi chân chưa thì đứng lên, đi chơi một thể…

Hằng đứng dậy oằn mình mấy cái rồi cầm lấy dù:

– Khỏi mỏi rồi nhưng chả đi chơi. Ta quay về.

– Ừ, về thì về.

Cả ba lững thững quay về; tình cờ Hằng lại đi giữa. Dân quê tò mò đều dừng gánh đứng ngắm cái đám kỳ lạ; một người đầm đẹp, khoác tay một thiếu nữ đẹp, đi với một người đàn ông mặc tây - cả ba có ý thân thiết với nhau quá chừng.

Tiết Hằng hỏi Yvonne:

– Nhà tôi đã cùng với bà đi đâu từ sáng?

– A, đi về Hải Phòng, hình như về để ký giấy tờ quan hệ gì đó. Có bảo đến chiều lại ra ăn cơm.

– Chứ buổi trưa thì thôi?

– Có lẽ…

Tự nhiên Việt Anh kêu:

– Mai tôi cũng về Hà thành!

Hằng chỉ nhìn nhưng không hỏi, còn Yvonne có ý tiếc:

– Sao ông lại về ngay thế? Thế mà dám gọi là nghỉ hè.

– Ấy làm nghề viết báo thì chỉ có quyền được nghỉ độ một vài ngày đã là nhiều.

– Thôi được, ông cứ về Hà Nội. Rồi khi về, nếu có dịp, tôi sẽ đến thăm tòa báo của ông.

Tới nhà, vào phòng khách, ba người uống trà mạn sen. Tiết Hằng lướt qua mặt Anh, giơ cho chàng một mảnh giấy. Chàng bỏ vội vào túi áo, lại ngồi nghiêm trang một lúc lâu.

Nửa giờ sau đó. Việt Anh làm ra bộ vô tình mà bước ra hành lang. Đứng nấp bên một cái cột tròn to hai ôm, chàng nhìn trước nhìn sau rồi giở mẩu giấy ra đọc:

Anh,

Nếu mai mình đã về Hà Nội thật thì tôi có một chuyện nói ngay hôm nay. Ta để Yvonne ngủ trưa, ta lẻn đi Pagodon, sẽ tiện nhất. Nên khéo cho đến bữa trưa nay.