Đường Ra Biển Lớn

Chương 9: PHỚT LỜ DƯ LUẬN

1976 – 1977
Vào tháng 8/1976, Virgin lâm vào khó khăn thực sự. Chúng tôi đang cố gắng để ký hợp đồng với một số ban nhạc rock đình đám dự kiến sắp ra mắt, nhưng dường như chúng tôi liên tục để tuột mất họ. Thí dụ như, chúng tôi đã để lỡ mất Bottomtown Rats vì tôi kiên quyết đòi bản quyền phát hành nhạc trong khi họ lại muốn bán bản quyền đó khắp mọi nơi. Chúng tôi không thể tìm được một ban nhạc mới có thể kéo chúng tôi ra khỏi vết xe đổ hay xóa đi hình ảnh thương hiệu âm nhạc hippi đã gắn với chúng tôi.
Điển hình trong số những lo lắng đó chính là chúng tôi đang đứng giữa cuộc tranh chấp với Gong về một số quyền liên quan đến thu âm. Một trong số những môn đồ của họ đã đổ về các văn phòng Vernon Yard để tiến hành cuộc phản kháng. Các văn phòng của chúng tôi bị chiếm đóng bởi một đám những nhà hoạt động ôn hòa và yêu chuộng hòa bình với mái tóc dài và để râu. Họ mặc những chiếc captan, đi xăng đan và hút tẩu. Họ có diện mạo của một ban nhạc gồm những tu sĩ và pháp sư lang thang. Sau một buổi chiều thú vị ngồi thượt trên ghế sofa lắng nghe Gong, Henry Cow và Mike Oldfield, cố gắng thuyết phục tôi ký vào đơn khiếu nại, và cuối cùng họ cũng quyết định ra về. Chúng tôi đứng trước cửa và cảm ơn họ đã tới. Khi họ rời đi chúng tôi từ tốn thu bớt những món đồ chôm chỉa của họ – chủ yếu là các đĩa hát mà họ cố giấu trong các nếp áo captan, nhưng một hoặc hai người trong số họ còn thủ cả những tấm poster, băng, dập ghim và thậm chí cả điện thoại bàn. Tất cả họ đều mỉm cười khi bị bắt quả tang và bỏ đi một cách thoải mái. Tôi theo chân họ đi vào đường Portobello Road và theo dõi họ lang lang qua những sạp bán trái cây. Một người dừng lại để mua vài quả chà là. Khi người bán hàng bán trái cây cho họ thì một người đàn ông có mái tóc được cạo theo kiểu thổ dân Mohican nhuộm xanh và hồng đi ngang qua.
Những môn đồ mặc captan của Gong nhìn lướt qua fan nhạc rock này một cách thờ ơ, rồi nhặt chà là của họ và đi khỏi, vừa đi vừa nhai tóp tép.
“Tôi sẽ ra ngoài tầm 10 phút” – Tôi nói với Penni, trợ lý của tôi. Tôi đi ngược lên Portobello Road và tìm một hiệu cắt tóc.
“Cắt nhiều không?” – Người thợ cắt tóc hỏi.
“Tôi nghĩ đã đến lúc tôi phải có một kiểu đầu đáng đồng tiền” – Tôi nói. “Cắt khoảng 1 foot rưỡi và để xem tôi trông như thế nào.”
Thay vì những tên như Hatfield and the North và Tangerine Dream, một chuỗi những ban nhạc mới xuất hiện tại những điểm dán áp phích quảng cáo. Họ là The Damned, The Clash, The Stranglers và nổi tiếng hơn cả là The Sex Pistols.
Vào tuần cuối cùng của tháng 11, tôi đang làm việc tại văn phòng thì nghe thấy bài hát lạ lùng cất lên từ phòng làm việc Simon ngay phía dưới tôi. Tôi chưa từng nghe bất cứ bài hát nào như thế. Tôi chạy xuống cầu thang để gặp anh ta.
“Cái gì vậy?” – Tôi hỏi.
“Đó là đĩa đơn của The Sex Pistols, mang tên ‘Anarrchy in the UK’ (tình trạng vô chính phủ tại Anh)”
“Anh thấy nó thế nào?”
“Rất tuyệt”, Simon thú nhận. “Thật sự là như vậy” “Ai đã ký hợp đồng với họ?”
“EMI. Tôi đã bỏ qua họ một vài tháng trước. Có lẽ đó là sai lầm của tôi.”
Có một điều gì đó quá nguyên sơ và mãnh liệt về bài hát đến nỗi tôi đã quyết định phải xem liệu chúng tôi có thể giành lại họ hay không. Một vài ngày sau, tôi gọi cho Leslie Hill
– giám đốc điều hành của EMI. Anh ta quá bận rộn để trả lời điện thoại của tôi, vì thế tôi để lại một tin nhắn cho thư ký anh ta nói rằng nếu anh ta muốn giải thoát “sự lúng túng”, thì anh nên liên lạc với tôi. Nửa giờ sau đó cô ta gọi lại cho tôi và nói rằng EMI rất hạnh phúc với The Sex Pistols, cảm ơn.
Buổi chiều muộn hôm đó, ngày 1/12, vào lúc 5 giờ 30 phút, The Sex Pistols đã gây ra một vụ việc xôn xao dư luận. Họ được phỏng vấn trên Today, một chương trình truyền hình buổi chiều do Bill Grundy dẫn chương trình. Bill Grundy quay trở lại sau khi dùng bữa trưa tại Punch và nhận ra rằng 4 chàng trai trong studio đã uống khá say. Anh ta bắt đầu cười nhạo họ, nói về những nhà soạn nhạc lớn khác, Mozart, Bach và Beethoven. Mọi chuyện bắt đầu trở nên ngớ ngẩn khi Johnny Rotten đánh đổ ly nước và lẩm bẩm chửi thề: “Như cứt!”
“Anh vừa nói gì vậy?” Grundy hỏi. “Cái gì cơ? Không phải là tôi đang nghe thấy anh phát ngôn một từ thô lỗ đấy chứ?”
“Chẳng gì cả” – Rotten nói. “Hãy nói đi, gì vậy?”
Grundy nhận được đúng những gì anh ta muốn nghe. “Tôi nói: ‘Như cứt!’” – Rotten nói với anh ta.
“Thật ư?” – Grundy đáp. “Lạy chúa tôi, anh đang dọa tôi sợ đến chết đấy”.
Sau đó Grundy quay sang Siouxsie Sioux, một khách mời khác và hỏi cô liệu có thể gặp anh ta sau đó không. Steve Jones, một trong những thành viên của The Sex Pistols, đã cười lớn và gọi Grundy là một thằng già bẩn thỉu. Grundy quay về phía anh chàng này và khích anh ta phát ngôn thêm những câu chửi thề. Và sau đó, những ngôn từ như “Đồ ngu đê tiện” và “kẻ vô tích sự” được Jones nói với Grundy ở phần kết thúc của chương trình.
Ngày hôm sau, báo chí trong nước lại một lần nữa phẫn nộ bởi cách cư xử của The Sex Pistols. Không ai chỉ trích Bill Grundy vì đã khích bác họ chửi thề. Khi tôi đang ăn sáng và đọc bài báo về việc ai đó đã phá đám chương trình truyền hình bằng những ngôn từ bẩn thỉu thì chuông điện thoại reo. Lúc đó vẫn chưa đến 7 giờ sáng. Một sự đảo ngược tình thế tuyệt vời, giám đốc điều hành EMI lúc này đang đích thân gọi cho tôi.
“Hãy đến và gặp tôi ngay lập tức” – Anh ta nói. “Tôi nghe nói anh quan tâm tới việc ký hợp đồng với The Sex Pistols”.
Tôi đi thẳng tới văn phòng của EMI. Leslie Hill và tôi đã đồng ý EMI sẽ chuyển nhượng The Sex Pistols cho Virgin, với điều kiện Malcom McLaren, chủ tịch tập đoàn đồng ý.
Chúng tôi bắt tay. Sau đó Malcom McLaren bước ra từ phòng kế bên.
“Virgin đã đề nghị mua lại The Sex Pistols”, Hill nói, không thể giấu nổi tiếng thở phào nhẹ nhõm vì đã trút bỏ được gánh nặng trong giọng nói của anh.
“Tuyệt” – McLaren nói và bắt tay tôi. Tôi sẽ đến văn phòng của anh chiều nay.
Thông thường tôi quyết định liệu tôi có thể tin tưởng một ai đó chỉ trong 60 giây tôi gặp họ. Khi tôi quan sát Malcom McLaren, trong chiếc quần đen bó sát và đôi giày mũi nhọn, tôi tự hỏi không biết làm việc với ông có dễ dàng không. Ông ta không bao giờ xuất hiện tại Vernon Yard buổi chiều hôm đó, và không bao giờ trả lời điện thoại của tôi ngày hôm sau. Tôi ngừng gọi cho ông ta sau 4 lần không nhấc máy. Ông ta biết cách để nắm thóp được tôi nhưng ông ta không gọi.
Vào ngày 9/3/1977, McLaren đã ký hợp đồng chuyển nhượng The Sex Pistols cho hãng thu âm A & M. Lễ ký kết được diễn ra bên ngoài cung điện Buckingham Palace, nơi 4 thành viên ban nhạc rock xếp hàng và la hét chỉ trích hành vi ngược đãi của dòng họ hoàng gia.
Ban nhạc chỉ gồm 4 thành viên như ban đầu nhưng họ được truyền sức mạnh bởi Malcolm McLaren.
Tôi ngồi bên bàn làm việc và tự hỏi về Malcolm McLaren. Tôi biết rằng ông ta đang nắm một thứ bán chạy nhất trong tay, một ban nhạc có thể lay chuyển hình ảnh của Virgin. Nếu Virgin ký được hợp đồng với The Sex Pistols, ở một nước đi nào đó, Virgin sẽ có thể xóa bỏ hình ảnh hippi đang bao trùm lên. EMI đã chế nhạo Virgin và gọi chúng tôi là “Những tên hippi của Earl’s Court”. Họ không bận tâm tới việc chúng tôi không hề sống ở nơi nào gần Earl’s Court (tên gọi đó thật mỉa mai và tôi dị ứng với nó). Chúng tôi bị hình ảnh của Gong và Mike Oldfield ám lấy. Những tấm sec tiền bản quyền thực sự ấn tượng nhưng tôi sợ rằng không một ban nhạc rock mới nào sẽ nghiêm túc chấp nhận chúng tôi nếu chúng tôi chỉ có một số các ban nhạc hippi. Virgin Music cần thay đổi và phải thay đổi mau chóng, và The Sex Pistols có thể thực hiện điều đó cho chúng tôi.

“Mỗi ban nhạc là một sự mạo hiểm.” – Derek Green, giám đốc điều hành A &M, đã nói một cách vui vẻ với giới báo chí. “Nhưng theo quan điểm của tôi The Sex Pistols chính là sự mạo hiểm ít rủi ro nhất.”
A & M đã tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng sự kiện ký kết của The Sex Pistols. Kể từ khi A & M là “những nhà tư bản” kiếm tiền từ các ban nhạc bằng cách “bóc lột” họ, The Sex Pistols căm ghét họ như họ căm ghét tất cả các công ty thu âm – hoặc ít nhất họ giả vờ như vậy. Sid Vicious, sau này trở thành tay chơi bass của ban nhạc đã ngay lập tức thể hiện sự ngạo mạn sau khi ký hợp đồng bằng cách phá phách văn phòng của Dereck Green và nôn khắp lên bàn làm việc của anh ta. Ngay sau khi tôi nghe được tin này tôi đã với lấy điện thoại để thử vận may cuối cùng. Trước sự vui sướng của tôi, Dereck Green nói với tôi anh ta sẽ chấm dứt hợp đồng với họ.
“Chúng tôi có thể ký với họ không?” – Tôi hỏi.
“Nếu anh đủ sức chống chọi với họ” – Anh ta nói. “Chúng tôi chắc chắn không thể làm được việc đó”.
The Sex Pistols được A & M bồi thường 75.000 bảng vì việc hủy bỏ hợp đồng. Cùng với
500.000 bảng họ nhận được từ EMI, họ đã thu được 125.000 bảng mà chẳng phải tốn công sức nào ngoài việc chửi thề, nôn mửa và một đĩa đơn. Lại một lần nữa, The Sex Pistols bắt tay vào tìm kiếm một thương hiệu thu âm.
Tôi bắt đầu ngạc nhiên về nước bài tài tình của Malcolm McLaren. The Sex Pistols hiện là ban nhạc gây sốc nhất trên khắp đất nước. Trong số tất cả các ban nhạc rock đang được hiện thực hóa nhanh chóng lúc bấy giờ, The Sex Pistols vẫn giữ vị trí ban nhạc tai tiếng nhất. Họ có một đĩa đơn mang tên “God Save The Queen” mà tôi biết họ dự kiến phát hành đúng thời điểm Lễ kỷ niệm 25 năm trị vì của Nữ hoàng vào tháng 7/1977.
Tôi đã quan sát và đợi chờ, hiểu rằng Malcolm McLaren không ưa tôi. Ông ta chế giễu tôi từ một tên hippi leo lên trở thành thương nhân. Nhưng, khi những tuần lễ trôi qua và ngày lễ kỷ niệm đang tới gần, không một ai tới ký hợp đồng với The Sex Pistols. Tôi biết rằng Virgin có lẽ là thương hiệu thu âm duy nhất có thể làm điều này. Chúng tôi không có những cổ đông để phản đối, không có công ty mẹ hay sếp lớn ngăn cản chúng tôi. Vào ngày 12/5/1977 Malcolm McLaren cuối cùng cũng đến gặp chúng tôi. Tình thế đã đảo ngược.
Virgin ký hợp đồng mua bản quyền tại Anh album đầu tiên của The Sex Pistols với giá
15.00 bảng, và thêm 50.000 bảng để có thể nắm bản quyền album tại khắp nơi trên thế giới.
“Anh có nhận thức được điều anh đang làm không?” McLaren hỏi tôi. “Tôi biết.” Tôi trả lời ông ta đầy chắc chắn.
Từ giây phút chúng tôi ký hợp đồng với The Sex Pistols, McLaren đã tìm cách chuyển nhượng tất cả cho chúng tôi để chúng tôi không bao giờ có ý muốn loại bỏ họ. Chúng tôi đã phát hành “God Save The Queen”, mặc dù bị đài BBC cấm phát nhưng lại nhanh chóng nhảy vọt lên vị trí số hai trong bảng xếp hạng. Lẽ ra nó đã ở vị trí số 1 nhưng các cửa hàng băng đĩa như Virgin và HMW, mà có thể tiêu thụ một số lượng lớn các đĩa nhạc, lại không được phép liệt kê số đĩa nhạc bán ra để tổng hợp bảng xếp hạng.
Vào ngày Lễ kỷ niệm năm 1977, Malcolm McLaren đã thuê một chiếc tàu tuần dương trên sông Thames và chạy theo thượng lưu thẳng hướng Hạ Viện. Cảnh sát biết có chuyện gì đó sắp xảy ra và họ cử xuồng theo dõi chúng tôi ngay khi chúng tôi khởi hành từ Westminster Pier. Ban nhạc đợi tới khi họ ngang qua Hạ viện, rồi sau đó với lấy ghita cùng dùi trống và gào lên bài quốc ca phiên bản do họ tự sáng tác.
Chúa che chở cho Nữ hoàng Một đế chế phát xít
Biến bạn thành kẻ khờ Một trái bom tiềm ẩn
Chúa che chở cho Nữ hoàng Bà ta không phải là người
Không thể mang tới tương lai trong giấc mộng người Anh Không có tương lai! Không có tương lai!
Cảnh sát vượt lên họ và yêu cầu ban nhạc ngừng chơi. Đây là điều không được phép bởi vì ban nhạc có quyền chơi trên thuyền. Điều này khiến tôi liên tưởng tới buổi biểu diễn của The Beatles trên nóc nhà các studio Apple cũng bị buộc ngừng lại bởi cảnh sát. Nếu đó là Frank Sinatra trên tàu thì chắc hẳn đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Cảnh sát lên tàu của chúng tôi và lái chúng tôi quay trở lại bến tàu, nơi họ đã bắt giữ Malcolm McLaren, nguyên nhân chính vì ông ta đã khởi xướng cuộc biểu tình tinh thần và bắt đầu hò hét: “Lũ lợn phát xít”.
Tuần đó chúng tôi đã bán hết 100.000 bản God Save The Queen. Rõ ràng God Save The Queen phải là đĩa hát dành vị trí số 1 nhưng Top of The Pops và BBC lại cho rằng Rod Stewart mới thực sự là số 1. God Save The Queen đã bị cấm phát trên các phương tiện phát thanh và truyền hình. Nhưng theo cách nhìn của chúng tôi mọi việc vẫn tiến triển hết sức tốt đẹp: Album càng bị cấm, chúng tôi càng bán chạy.
The Sex Pistols là một bước ngoặt cho chúng tôi, là ban nhạc mà chúng tôi đã cất công tìm kiếm bấy lâu nay. Họ đã đưa Virgin quay trở lại trên bản đồ âm nhạc, với tư cách một công ty băng đĩa có thể tạo ra sức ảnh hưởng công chúng to lớn và đủ sức đối chọi với ban nhạc rock. The Sex Pistols là một sự kiện quốc gia: mỗi cửa hàng trên phố, mỗi người nông dân, mỗi người đi xe buýt, mỗi người cao tuổi, đều nghe The Sex Pistols. Được sống cùng sự phẫn nộ của công chúng là một điều hết sức thú vị. Như Oscar Wilde đã chỉ ra: “Điều duy nhất tồi tệ hơn việc bị mọi người bàn tán là không còn được ai bàn tán đến nữa”. The Sex Pistols được lên mặt báo nhiều hơn bất cứ tin tức nào khác vào năm 1977 ngoại trừ sự kiện Lễ kỷ niệm. Sự nổi tiếng của họ thực tế là một tài sản có thể nhận thấy. Hầu hết báo chí đều thể hiện quan điểm tiêu cực nhưng cũng giống như The Rolling Stones mà họ đã nhắc tới 15 năm trước.
Vào tháng 11/1977, Virgin phát hành Never Mind The Bollocks, Here’s The Sex Pistols.
Chữ in trên vỏ ngoài album là thiết kế tuyệt vời của Jamie Reid, lấy ý tưởng cắt sơ sài từ những đề mục báo theo như cách phát đi các bản tin tìm trẻ lạc và thư rác. Các cửa hàng của Virgin dán những tấm poster lớn màu vàng quảng cáo album lên các cửa sổ của họ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi sẽ có ai đó cảm thấy chướng tai gai mắt vì điều này. Một ngày, chủ cửa hàng của chúng tôi tại Nottingham đã bị bắt vì tội Hoạt động quảng cáo không hợp pháp năm 1889, cùng tội danh khiến tôi bị bắt mười năm trước đó, khi Trung Tâm tư vấn Sinh viên quảng cáo kêu gọi giúp đỡ những người bị bệnh hoa liễu. Tôi đã gọi cho John Mortimer, người đã giúp bảo lãnh tôi sau đó.
“Tớ sợ rằng chúng ta đang vướng phải Hoạt động quảng cáo bất hợp pháp một lần nữa”. Tôi nói với cậu ta. “Cảnh sát nói rằng chúng ta không thể sử dụng từ ‘bollocks’ (Tinh hoàn, những chuyện không đâu)”
“Bollocks thì sao?” Cậu ta hỏi. “Có quái gì sai với từ bollocks chứ? Đó là một trong những từ yêu thích của tớ đấy.”
“Họ đang bắt chúng ta phải dỡ hết các poster của The Sex Pistols có khẩu hiệu ‘Never mind the bollocks, here’s The Sex Pistols’ (Phớt lờ những thứ rác rưởi, The Sex Pistols tới đây rồi), và họ đe dọa sẽ ra lệnh thu hồi album”
Cậu ta nói rằng chúng tôi cần một chuyên gia tư vấn ngôn ngữ, một giáo sư Anh có thể định nghĩa chính xác từ “bollocks” cho chúng tôi. Do vụ việc này xảy ra tại Nottingham nên tôi gọi điện cho trường Đại học Nottingham.
“Làm ơn cho tôi gặp giáo sư ngôn ngữ của trường được không?” – Tôi hỏi. “Giáo sư James Kinsley.” – Người tiếp tân trả lời.
Tôi được nối máy và giảng giải tình huống cho giáo sư hay.
“Như vậy là một trong những nhân viên của anh đã bị bắt vì trưng bày tấm poster có từ ‘bollocks’?” – Giáo sư Kinsley nói: “Rắc rối đây! Thực sự, từ bollocks là một biệt danh chỉ các thầy tu vào thế kỷ XVIII. Và sau đó, do các thầy tu nói bậy bạ rất nhiều về thuyết giáo của họ nên ‘bollocks’ dần dần có nghĩa là ‘rác rưởi’”.
“Vậy ‘bollocks’ thực sự vừa có nghĩa là ‘thầy tu’ vừa là ‘rác rưởi’?” Tôi hỏi lại, để đảm bảo không bỏ lỡ thông tin nào.

“Chính xác”. Ông ta nói.
“Ông có thể vui lòng chuẩn bị làm nhân chứng tại tòa không?” Tôi hỏi. “Tôi rất sẵn lòng”, ông ta đáp.
Tôi rất thích thú với vụ kiện tại tòa. Công tố viên sẽ xác định người giành chiến thắng trong vụ kiện rõ ràng mang tầm quốc gia này. Người chủ cửa hàng của chúng tôi bị chất vấn và thừa nhận anh ta đã dán tấm poster của The Sex Pistols lên cửa kính cửa hàng. Viên cảnh sát thuật lại việc bắt giữ khi người chủ cửa hàng đang dán một tấm poster gây xúc phạm. Viên cảnh sát có diện mạo chỉn chu của kẻ thực hiện một công vụ tuyệt vời và đang mong đợi được ngợi khen vì điều đó.
“Không có câu hỏi nào cả” – John Mortimer nói khi anh ta được yêu cầu chất vấn lại cảnh sát.
Một chút thất vọng, viên cảnh sát ngồi xuống.
“Tôi muốn gọi nhân chứng của tôi”, John Mortimer đứng lên nói. “Giáo sư James Kinsley, giáo sư ngôn ngữ trường Đại học Nottingham”.
Khi Giáo sư James Kinsley giảng giải rằng “bollocks” chẳng liên quan gì tới tinh hoàn mà thực sự có nghĩa là “thầy tu” rồi sau đó – do các thuyết giáo của thầy tu chất đầy nhiều điều bậy bạ – nên trở thành “rác rưởi”, John Mortimer chăm chú nhìn giáo sư và dường như đang đấu tranh để bảo vệ những suy nghĩ của mình.
“Vậy, thưa giáo sư Kinsley, ông nói rằng khẩu hiệu: ‘Never mind the bollocks, here’s The Sex Pistols,’ nền tảng của vụ kiện này, nên được dịch chính xác hơn là: ‘Never mind the priest, here’s The Sex Pistols’ (Phớt lờ các thầy tu, The Sex Pistols tới đây rồi).” John Mortimer hỏi.
“Phải. Hoặc có thể là ‘Never mind the rubbish, here’s The Sex Pistols.’” (Phớt lờ những thứ rác rưởi, The Sex Pistols tới đây rồi)
John Mortimer cho phép một khoảng yên lặng để phát triển suy luận tại phiên tòa. “Never mind the priests, here’s The Sex Pistols”, anh ta trầm ngâm. “Đó là ý nghĩa của câu nói này. Phải, tôi không có gì để nói thêm nữa. Nó giống như một tựa đề lạ cho một album nhưng tôi nghi ngờ liệu Nhà thờ có cảm thấy phiền không?”
“Tôi nghi ngờ họ sẽ cảm thấy điều đó”. Giáo sư Kinsley tán thành.
Công tố viên sau đó tiếp tục chất vấn Giáo sư Kinsley về điểm này, hỏi liệu ông có thể đảm bảo rằng không ai trong giới tăng lữ cảm thấy bị xúc phạm không.
Lúc này Giáo sư Kinsley mới lật con Át chủ bài. Ông gập cổ áo polo của mình xuống để lộ chiếc cổ đứng của thầy dòng. Giáo sư Kinsley cũng được biết đến như Giám mục Kinsley.

“Thế là đủ.” Quan tòa ngắt lời. Ông ta ngồi thẳng, nghiêm trang, và thực hiện những nghi thức tòa án trang trọng nhất có thể, thông báo: “Vụ kiện đã bị bãi bỏ.”