Đừng Nói Một Ai

Chương 25

Hester, Shauna đi taxi tới phòng khám. Linda đã đi tàu điện ngầm để gặp tư vấn viên tài chính của họ tại Trung tâm Tài chính Thế giới để xem xét việc thanh lý tài sản đóng tiền bảo lãnh.

Một chục xe cảnh sát vây phía trước phòng khám của Beck, bủa vây từ mọi phía như những cái phi tiêu do một gã say phóng ra. Đèn của họ quay tít ở mức báo động đỏ - xanh cao nhất. Tiếng còi rền rĩ. Rất nhiều xe cảnh sát kéo đến nữa.

“Chuyện quái gì đang xảy ra thế?” Shauna hỏi.

Hester nhìn thấy Phó phòng công tố quận Lance Fein, nhưng là sau khi ông ta nhìn thấy bà. Ông ta sầm sầm lao về phía họ. Mặt ông ta đỏ gay và mạch máu trên trán giật giật.

“Tên chó chết đó bỏ chạy,” Fein phun ra không một câu mào đầu.

Hester nhận câu chửi rồi đáp trả: “Người của ông hẳn đã làm cậu ấy hoảng sợ.”

Hai xe cảnh sát nữa kéo đến. Thêm cả xe tải quay tin tức của kênh Channel 7. Fein lầm bầm chửi rủa. “Báo chí. Mẹ kiếp, Hester. Bà biết chuyện này sẽ khiến tôi trông thế nào không?”

“Nghe này, Lance...”

“Như một tên làm mướn chết tiệt đối xử đặc biệt với người giàu, như thế đấy. Làm thế nào bà có thể gây ra chuyện này với tôi, Hester? Bà biết thị trưởng sẽ làm gì với tôi không? Ông ta sẽ đem tôi ra làm chuyện tán dóc. Và Tucker” - Tucker là công tố viên khu vực Manhattan - “Chúa ơi, bà có thể tưởng tượng ông ta sẽ làm gì không?”

“Ngài Fein!”

Một nhân viên cảnh sát đang gọi ông ta. Fein nhìn cả hai một lần nữa rồi bất thần quay đi.

Hester nhanh chóng quay sang Shauna. “Beck điên rồi à?”

“Cậu ấy sợ,” Shauna nói.

“Cậu ta chạy trốn cảnh sát,” Hester hét lên. “Chị hiểu không? Chị có hiểu thế có nghĩa là thế nào không?” Bà ta chỉ về phía cái xe tải của cơ quan báo chí. “Báo chí truyền thông đang ở đây, Chúa ơi. Bọn họ sẽ nói về chuyện một tên giết người đang chạy trốn. Thật nguy hiểm. Việc đó sẽ khiến cậu ấy như có tội. Việc đó sẽ khiến bồi thẩm đoàn khó chịu.”

“Bình tĩnh đi nào,” Shauna nói.

“Bình tĩnh ư? Chị có hiểu cậu ta vừa làm cái gì không?”

“Cậu ấy chạy trốn. Thế thôi. Như OJ, phải không? Có vẻ với bồi thẩm đoàn thì anh ta chả có vấn đề gì cả.”

“Chúng ta không nói chuyện về OJ ở đây, Shauna. Chúng ta nói về một bác sĩ da trắng giàu có.”

“Beck không giàu.”

“Chuyện đó không quan trọng, mẹ kiếp. Mọi người sẽ muốn ghim chặt mông cậu ấy vào tường sau chuyện này. Quên chuyện bảo lãnh đi. Quên một phiên tòa công bằng đi.” Bà ta hít vào một hơi, khoanh tay lại. “Và Fein không phải là kẻ duy nhất danh tiếng sẽ bị tổn hại.”

“Nghĩa là?”

“Nghĩa là tôi!” Hester rít lên. “Bằng một cú đánh mạnh, Beck đã hủy hoại uy tín của tôi với văn phòng công tố quận. Nếu tôi hứa giao một người, tôi phải giao anh ta.”

“Hester?”

“Cái gì?”

“Ngay giờ phút này tôi đếch quan tâm đến danh tiếng của bà.”

Một âm thanh đột ngột rền vang làm cả hai giật nảy mình. Họ quay lại và nhìn thấy một chiếc xe cấp cứu lao xuống khu nhà. Ai đó gào thét. Rồi một tiếng thét khác. Cảnh sát bắt đầu lao vụt đi như quá nhiều những quả bóng được ném ra cùng một lúc vào cái máy trò chơi bắn đạn.

Xe cấp cứu lao vút đến rồi đỗ lại một chỗ. Nhân viên cấp cứu - một người đàn ông và một phụ nữ - nhảy ra khỏi xe. Nhanh. Quá nhanh. Họ mở cửa sau và kéo một cái cáng ra.

“Lối này!” ai đó hét lên. “Anh ta ở chỗ này!”

Shauna thấy tim mình lỗi một nhịp. Cô chạy về phía Lance Fein. Hester theo sau. “Chuyện gì thế?” Hester hỏi. “Xảy ra chuyện gì?”

Fein tảng lờ mặc kệ bà ta.

“Lance?”

Ông ta cuối cùng đối diện với họ. Những thớ thịt trên mặt ông ta run lên giận dữ. “Thân chủ của bà.”

“Cậu ấy làm sao? Cậu ấy bị thương?”

“Anh ta vừa tấn công một nhân viên cảnh sát.”

Thế này thật điên rồ.

Tôi đã vượt quá giới hạn khi chạy trốn, khi tấn công viên cảnh sát trẻ tuổi kia... Bây giờ không còn đường quay lại. Vì vậy tôi chạy. Tôi chạy hết tốc lực.

“Cảnh sát nằm xuống!”

Ai đó thực sự hét lên như thế. Nhiều tiếng hét sau đó. Nhiều tiếng rè rè của bộ đàm nữa. Nhiều tiếng còi báo động nữa. Tất cả họ đều đang đổ về phía tôi. Tim tôi nảy bật lên cổ họng. Tôi vẫn cuồng chân chạy. Chúng bắt đầu không tuân lệnh và nặng nề, như thể những múi cơ và dây chằng đang đông thành đá. Tôi mệt rã rời. Mũi tôi chảy nước. Nước nhầy đó trộn lẫn với bất cứ thứ bụi nào mà tôi gom góp đầy ở môi trên và trườn hết vào miệng tôi.

Tôi chạy ngoặt từ khu nhà này sang khu nhà khác như thể làm thế sẽ lừa được đám cảnh sát. Tôi không quay ngang quay ngửa nhìn xem họ có đang đuổi theo không. Tôi biết họ đang đuổi theo. Tiếng còi báo động và tiếng bộ đàm bảo cho tôi biết vậy.

Tôi không có cơ hội thoát nào cả.

Tôi lao qua những khu dân cư tôi thậm chí không bao giờ lái xe tới. Tôi nhảy qua một hàng rào và chạy hết tốc lực qua đám cỏ cao của cái có lẽ từng là một sân chơi. Người ta nói về việc giá đất ở Manhattan leo thang. Nhưng ở đây, không xa Harlem River Driver là mấy, có những khu đất trống chất ngất mảnh thủy tinh vỡ và những tàn tích gỉ nát của cái có lẽ từng là những bộ xích đu và khung sắt đu quay cho trẻ em chơi, và có lẽ cả xe ôtô.

Phía trước một dãy nhà cao tầng rẻ tiền, một toán choai choai da đen, đi khệnh khạng sóng hàng ngang với nhau như bọn găngxtơ, nhìn tôi như chỗ thức ăn thừa ngon lành. Bọn chúng toan làm gì đó - tôi không biết làm gì - thì nhận thấy cảnh sát đang đuổi bắt tôi.

Chúng bắt đầu cổ vũ tôi.

“Chạy đi, anh chàng da trắng!”

Tôi đại khái gật đầu khi lao qua chúng, một vận động viên marathon biết ơn nhờ một chút khích lệ từ đám đông. Một đứa trong bọn hét lên, “Diallo!” Tôi tiếp tục chạy, nhưng tôi biết, dĩ nhiên rồi, Amadou Diallo là ai. Ai ở New York chả biết. Anh ta đã bị cảnh sát bắn bốn mươi mốt phát - và anh ta không mang vũ khí. Trong một thoáng, tôi nghĩ nó tựa như là lời cảnh báo cảnh sát có thể nổ súng vào tôi.

Nhưng chẳng phải thế chút nào.

Luật sư bên bị trong phiên tòa của Amadou Diallo cả quyết khi Diallo đưa tay lấy ví của anh ta, cảnh sát nghĩ đó là một khẩu súng. Kể từ đó, mọi người phản kháng bằng cách đút vội tay vào túi mình, rút ví ra, và hét “Diallo!” Cảnh sát đường phố báo cáo lại, mỗi lần tay một ai đó đút vào túi như thế, họ vẫn cảm thấy hoảng sợ.

Bây giờ chuyện đó xảy ra. Những đồng minh mới của tôi - đồng minh được xây dựng trên thực tế, họ chắc hẳn nghĩ tôi là kẻ giết người - rút ví của họ ra. Hai cảnh sát bám đuôi tôi do dự. Như thế đủ để tôi vụt nhanh về phía trước.

Nhưng vậy thì sao?

Cổ họng tôi bỏng rát. Tôi đang hít vào quá nhiều không khí. Giày tôi như đôi bốt bằng chì. Tôi dần lờ đờ. Ngón chân tôi kéo lê, làm tôi vấp ngã. Tôi mất thằng bằng, trượt trên vỉa hè, đập tay, mặt và đầu gối xuống mặt đường.

Tôi cố đứng dậy, nhưng chân tôi run bần bật.

Họ đang bám sát tôi.

Mồ hôi làm áo sơ mi dính chặt vào da. Như có sóng vỗ ù ù xuyên từ tai này sang tai kia. Tôi luôn ghét chạy. Những tay sùng bái chạy bộ mô tả họ bị nghiện trạng thái phấn khích mê ly khi chạy như thế nào, họ đến cõi niết bàn được coi là trạng thái thăng hoa của người chạy như thế nào. Phải rồi. Tôi vẫn luôn tin chắc rằng - cũng giống hệt như đỉnh cao của tự sướng - cực khoái là do thiếu oxy lên não hơn là bất kỳ hình thức sung sướng bạo khổ dâm nào.

Tin tôi đi, thế này không sướng chút nào đâu.

Mệt. Quá mệt. Tôi không thể cứ chạy mãi được. Tôi liếc ra sau. Không có cảnh sát. Đường phố vắng tanh. Tôi thử đẩy một cái cửa. Không vào được. Tôi thử cái khác. Tiếng bộ đàm lại réo lên. Tôi chạy. Ở cuối khu nhà, tôi nhìn thấy một cánh cửa hầm chứa mở ra đường hơi khép hờ. Cũng gỉ. Mọi thứ ở chỗ này đều gỉ.

Tôi cúi xuống và kéo thanh cầm bằng kim loại. Cánh cửa gãy rắc một phát không sung sướng lắm. Tôi hé nhìn vào phía trong tối đen.

Một cảnh sát hét, “Chặn nó lại phía bên kia!”

Tôi không buồn ngoái lại. Tôi vội bước xuống cái lỗ. Tôi đặt chân lên được bậc thang đầu tiên. Run run. Tôi đưa chân ra tìm bậc thứ hai. Nhưng không có bậc nào.

Tôi giơ chân lơ lửng trong một giây, như Wile E. Coyote sau khi chạy xuống một đỉnh núi, rồi tôi bất lực nhảy xuống cái hố đen ngòm.

Cú rơi chắc hẳn không quá ba mét, nhưng có vẻ như tôi mất rất nhiều thời gian để chạm được đất. Tôi vung hai cánh tay. Không ích gì. Cơ thể tôi đập xuống nền xi măng, cú va chạm làm răng tôi kêu lách cách.

Giờ tôi đang nằm ngửa, nhìn lên. Cánh cửa đóng sầm lại phía trên. Một việc tốt, tôi nghĩ, nhưng bóng tối giờ đây gần như bao trùm tất thảy. Tôi sờ vội khắp người, tay bác sĩ tiến hành khám bên trong cơ thể. Chỗ nào cũng đau.

Tôi lại nghe tiếng cảnh sát. Tiếng còi báo động không bớt đi, hoặc có thể bây giờ âm thanh chỉ đang rung rung trong tai tôi. Rất nhiều giọng nói. Rất nhiều tiếng rè rè.

Họ đang bám sát tôi.

Tôi lật người sang bên. Tay phải tôi tì xuống, làm những chỗ rách trên lòng bàn tay đau nhói, và cơ thể tôi bắt đầu đứng lên. Tôi để cho cái đầu kéo toàn thân lên; nó gào thét phản đối khi tôi đứng trên đôi chân mình. Tôi suýt nữa ngã xuống một lần nữa.

Giờ sao đây?

Tôi chỉ nên trốn ở đây? Không, thế không được. Rồi cuối cùng họ sẽ bắt đầu tìm từng nhà một. Tôi sẽ bị bắt. Hay thậm chí nếu họ không làm thế, tôi sẽ không chạy được với cái ý định lẩn trốn trong một tầng hầm tối đen. Tôi chạy để tôi có thể giữ cuộc hẹn của mình với Elizabeth ở Washington Square.

Phải di chuyển.

Nhưng đi đâu?

Mắt tôi bắt đầu quen dần với bóng tối, dù sao cũng đủ để nhìn thấy những hình thù hắt bóng. Hộp chất thành đống bừa bãi. Có hàng đống giẻ rách, một vài cái ghế quầy bar, một cái gương vỡ. Tôi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong gương và suýt nhảy bật lại phía sau. Trên trán tôi có một vết rách dài, sâu. Quần tôi rách toạc ở cả hai đầu gối. Áo sơ mi tả tơi như trong Incredible Hulk. Người tôi bẩn thỉu đầy bồ hóng đủ để làm việc như một thợ quét ống khói.

Đi đâu?

Cầu thang. Phải có một cái cầu thang xuống đây ở chỗ nào đó. Tôi mò mẫm tiến về phía trước, di chuyển theo kiểu điệu nhảy giật giật, đẩy chân trái bước trước như thể nó là một cây ba toong trắng. Chân tôi giẫm lạo xạo lên một vài mảnh thủy tinh vỡ. Tôi vẫn bước tiếp.

Tôi nghe thấy cái mà tôi nghĩ là tiếng lầm bầm, và một đàn chuột khổng lồ ngoi lên chạy về phía tôi. Cái gì đó như một bàn tay víu lấy tôi, giống như thứ ngóc lên từ một ngôi mộ. Tôi hét lên cắn lại.

“Himmler thích cá ngừ nướng!” ông ta hét lên với tôi.

Một người đàn ông - phải, giờ tôi nhìn thấy rõ là một người đàn ông - bắt đầu đứng lên. Ông ta cao, đen, râu xám trắng và quăn tít đến độ trông như thể đang ăn một con cừu.

“Mày có nghe tao nói không?” người đàn ông hét. “Mày nghe tao vừa bảo với mày cái gì không?”

Ông ta bước về phía tôi. Tôi lùi lại.

“Himmler! Nó thích cá ngừ nướng!”

Người đàn ông có râu này rõ ràng không hài lòng về chuyện gì đó. Ông nắm tay thành nắm đấm và dứ dứ nhắm vào tôi. Tôi bước sang bên cạnh mà không nghĩ gì. Nắm đấm lao qua tôi với đủ xung lực - hoặc có thể là đủ rượu - khiến ông ta ngã nhào. Ông ta ngã sấp xuống. Tôi không buồn đợi. Tôi tìm thấy cầu thang và chạy lên.

Cửa bị khóa.

“Himmler!”

Ông ta nói to, quá to. Tôi đẩy cửa. Không lối thoát.

“Mày nghe tao nói không? Mày nghe tao đang nói cái gì không?”

Tôi nghe một tiếng rắc. Tôi liếc ra sau và thấy một thứ rọi thẳng vào đầu tôi.

Ánh nắng.

Ai đó đã mở đúng cái cửa bảo vệ chống mưa gió mà từ đó tôi chui vào.

“Ai dưới đó thế?”

Một giọng cảnh sát. Đèn pin bắt đầu rọi khắp sàn. Nó rọi đến người đàn ông có râu.

“Himmler thích cá ngừ nướng!”

“Ông hét đó à, ông già?”

“Mày nghe tao nói không?”

Tôi dùng vai ủi cửa, vận toàn bộ sức để đẩy. Khung cửa bắt đầu rạn. Hình ảnh Elizabeth hiện ra - cái tôi nhìn thấy trên máy tính - tay nàng giơ lên, mắt chớp chớp ra hiệu. Tôi đẩy mạnh hơn.

Cánh cửa rơi ra.

Tôi ngã xuống một sàn đất, cách cửa trước tòa nhà không xa mấy.

Giờ sao?

Những cảnh sát khác đang ở gần - tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng liên lạc bằng bộ đàm - và một trong số họ vẫn đang dò hỏi ông lão viết tiểu sử của Himmler. Tôi không có nhiều thời gian. Tôi cần giúp đỡ.

Nhưng từ đâu?

Tôi không thể gọi Shauna. Cảnh sát đang vây quanh cô. Linda cũng thế. Hester sẽ khăng khăng đòi tôi nộp mạng.

Ai đó đang mở cửa trước.

Tôi chạy xuống hành lang. Lớp lót sàn dơ dáy và bẩn thỉu. Những cánh cửa đều bằng kim loại và đóng kín. Lớp sơn trên hoa văn đã rạn vỡ. Tôi đập mạnh vào một cửa thoát hiểm khi hỏa hoạn để mở ra và chạy đến chỗ cầu thang. Đến tầng ba, tôi ra được bên ngoài.

Một bà già đứng trong hành lang.

Bà ta, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy, da trắng. Tôi đoán là chắc hẳn bà nghe thấy tiếng động và ra ngoài xem có chuyện gì. Tôi đột ngột dừng lại. Bà ta đứng cách xa cái cửa mở nhà bà đủ để tôi có thể chạy thoát qua...

Tôi sẽ làm thế? Tôi sẽ đi xa đến mức đó để chạy trốn?

Tôi nhìn bà ta. Bà ta nhìn tôi. Rồi bà ta rút ra một khẩu súng.

Ôi Chúa ơi...

“Mày muốn gì?” bà ta hỏi.

Và tôi thấy mình đang trả lời: “Xin cho tôi dùng nhờ điện thoại của bà được không?”

Bà ta không bỏ lỡ dịp. “Hai mươi dollar.”

Tôi lấy ví và rút tiền mặt ra. Bà già gật đầu rồi cho tôi vào. Căn hộ nhỏ tí và được chăm sóc cẩn thận. Có đăng ten trên mọi khăn phủ đi văng và trên bàn gỗ đen.

“Ở chỗ kia,” bà ta nói.

Điện thoại có số quay tay. Tôi nhét ngón tay vào những cái lỗ nhỏ xíu. Thật kỳ lạ. Tôi chưa từng bao giờ gọi số điện thoại này - chưa bao giờ muốn - nhưng tôi thuộc lòng. Các chuyên gia thần kinh có lẽ sẽ có một ngày nghiên cứu khoa học ngoài trời về sự kiện này. Tôi quay số xong và đợi.

Hai hồi chuông sau, một giọng nói vang lên, “Vâng?”

“Tyrese? Bác sĩ Beck đây. Tôi cần anh giúp.”