Đứa con của đất

Chương 9

Docsach24.com

ua hôm sau, tôi không phải chỉ lãnh một cái bao của Bảy Vàng giao cho để đi hái cà-phê mà còn lãnh chăn dắt tới bốn mươi mốt con bò. Thoạt tiên tôi ngỡ Bảy Vàng đưa cái bao để tôi chui vào ngủ như hồi tôi mới về ở nhà Biện Tư. Nhưng không phải thế. Bảy Vàng bảo tôi:

- Mày đi thả bò, nhơn thể ghé vô vườn cà-phê của tao ở đó hái cà-phê luôn, hái đầy bao thì thôi!

Tôi cầm cái bao, lùa bò đi.

Chiều hôm đó, ông già Hai, tức ông già khi sáng ra mở cổng, đã dắt chỉ cho tôi biết chỗ thả bò. Tôi thấy ông nhìn tôi với đôi mắt buồn bã lo lắng, giống như đôi mắt anh Đấu nhìn tôi khi tôi mới tới nhà Biện Tư. Ông già Hai lặng lẽ như một cái bóng. Ông nói ít lắm, và nói chậm rãi từng tiếng một. Ông khuyên dặn tôi:

- Cháu ráng cho bò ăn no, đừng chểnh mảng cậu Bảy Vàng đánh chết!

Đêm đến, ông già nhỏ thó ấy trăn trở, ho sù sụ. Trên tấm phản rộng, ông nằm ở trong cùng, còn tôi nằm phía ngoài. Cái gian xép này dính liền với kho lúa. Có lẽ trước cũng là một gian của kho lúa. Giờ người ta đã tháo bớt ván dừng ở chung quanh khiến gian nhà trống hơ. Chỗ còn kín là chỗ ông già nằm. Chắc chính ông đã cặm cui lấy những tấm ván còn lại ở phía ngoài che gom chỗ ông, hầu chống đỡ những cơn gió về khuya, lúc nào cũng dọa dẫm, muốn bứt ông rời khỏi cuộc sống, như cơn gió ấy đã bứt đi bao chiếc lá úa. Tôi thấy ông già có vẻ như đang nằm đợi chết. Ông gầy quá, mà những trận ho lại cứ liên tiếp hành hạ ông. Mỗi lần nổi cơn ho, người ông như bị gẫy gập làm đôi. Từ lúc có thêm tôi, coi ông lại càng buồn bã thêm. Nhứt là khi Bảy Vàng bảo ông giao bò, bảo ông chỉ dẫn nơi chốn cho tôi chăn dắt. Bởi sự có mặt của tôi đâu như cũng là sự loại bỏ ông. Nhưng hình như ông chỉ buồn cho thân ông, chớ không buồn giận tôi. Tôi biết vậy, qua cái câu ông căn dặn tôi, và cả trong đôi mắt ông lặng lẽ nhìn tôi.

Trên con đường ngoằn ngoèo đỏ sẫm dẫn từ những trảng cỏ, tôi bắt đầu ngẫm nghĩ về Bảy Vàng. Tôi thấy đằng sau câu nói của ông già Hai, Bảy Vàng là một Bảy Vàng khác. Tôi hoang mang nghi ngại về lời hứa của hắn, là sau năm mươi hôm phụ việc, hắn sẽ chovề và sẽ nói với Biện Tư giũ nợ cho cô Tôi. Lời hứa ấy liệu hắn có giữ hay không. Trước mắt tôi chưa có cái gì chắc chắn trả lời tôi cả, chỉ có ngồn ngộn bốn mươi mốt con bò vàng hực đang chen chúc đi chật cả đường, làm cho những người cu ly cao su đều phải né dạt vô lề đường.

Tôi nghe loáng thoáng có người nói:

- Cha chả, Bảy Vàng bữa nay kiếm ở đâu được thằng nhỏ chăn bò cao như sếu vậy kìa?

- Va cần phải kiếm chừng vài đứa như vậy mới giữ xiết bầy bò của va mà. Tôi coi rồi, cứ cái mửng nầy thì ít lâu nữa bà con Châu Ro hết sạch bò với va!

Những câu nói đó càng làm tôi đâm nghi thêm. Tôi chẳng biết tại sao bà con Châu Ro rồi sẽ hết sạch bò với Bảy Vàng. Vậy thì hẳn là bò này của bà con trong các sóc Châu Ro, rồi làm sao đó mới lọt về tay Bảy Vàng? Té ra không phải là bò của Bảy Vàng nuôi, Bằng cách nào mà hắn thâu tóm được ngần ấy con bò? Tới bốn mươi mốt con chớ ít ỏi gì. Tôi không thấy giận những bác cu-ly cạo mủ ban nãy đã gọi tôi là thằng nhỏ chân sếu, mà tôi chỉ nghĩ về Bảy Vàng, về đàn bò, hồi nhớ lại lúc còn sống ba tôi có lần nói dân Châu Ro nghèo cực lắm, con nít Châu Ro đẻ ra nuôi không được chết nhiều lắm.

Nhưng dẫu cơ sự lấn cấn trong đầu về Bảy Vàng, tôi cũng cố làm tròn công việc của ngày đầu tiên. Tôi lùa bò tới chỗ trảng cỏ, thả cho bò ăn cỏ rồi xách bao vô vườn cà-phê mà Bảy Vàng bảo là vườn cà-phê của hắn. Về chuyện này tôi không ngờ vực gì cả. Tôi tin rằng tất cả vườn cao su và cà phê ở quanh đấy đều là của Bảy Vàng.

Bấy giờ giữa mùa cà phê đang chín. Tôi lọt vô khu vườn cà phê trĩu quả, luồn qua những gốc cà phê rụng đầy trái chín và những bãi cứt chồn lổn nhổn hạt cà phê nâu nhánh. Tôi cứ vít cành xuống hái từng chùm. Tới lúc mặt trời đứng bóng, tôi đã hái được đầy bao. Tôi quảy cà phê trở ra bìa trảng để coi bò ăn đã no chưa, bỗng tôi trông thấy trên trảng là một đàn bò khác chớ không phải đàn bò của tôi. Nhưng con bò lạ không biết của ai, đã ngang nhiên chiếm lấy vùng trảng xanh cỏ nhứt, còn bò của tôi thì bị dồn sang tận mé bên kia trảng. Tôi liền bỏ cái bao cà phê xuống, xách gậy chạy ra. Đến nơi tôi quơ gật đáng đuổi đàn bò lạ chạy nhốn nháo. Thình lình giữa lúc ấy, tôi chợt nghe tiếng chửi lớn rồi liền đó nghe hơi gió rít. Một viên đạn sỏi không biết từ đầu bắn tới, trúng chả vai tôi làm tôi đau điếng. Ngó về hướng có tiếng chửi, tôi thấy xuất hiện hai đứa trạc tuổi tôi đang cười rố lên cười vì viên đạn của chúng đã bắn trúng. Tôi nhìn kỹ, nhận ra một đứa lớn hơn tôi một chút, mặc áo chim cò, tay còn cầm cái nạng giàn thun, đang tiếp tục tra đạn định bắn phát nữa. Tôi giận sôi gan, nghĩ bụng "Đã cướp cỏ bò tao mà còn dám bắn tao, phải đập mấy thằng này một trận mới được!". Thế rồi bất kể viên đạn thứ hai của kẻ địch đang bay vù tới, tôi chạy lao thẳng lại chỗ thằng mặc áo chim cò, đấm vào mặt nó một cú đấm trời giáng Nó té ngã người trên cỏ. Tôi lập tức nhảy tới, giật lấy cái nạng giàn thun, đánh bồi thêm mấy cú nữa khiến cho nó tối tăm cả mặt mũi.

Thằng nhỏ cùng đi với nó tính xông vô tiếp ứng, liền bị tôi hốt chân, bế bổng cả người liệng trên bãi cỏ. Miếng đánh nầy là của anh Đấu dạy, lâu nay tôi luyện rất thuộc, nên hể tôi mà dừng thì coi như ăn chắc. Thằng nhỏ bị tôi liệng, quá sợ lồm cồm ngồi dậy, dãn ra, chớ không dám xáp vô nữa.

Tôi thấy thằng nhỏ này coi bộ nghèo, in dân chăn bò như tôi nên tôi không rượt theo, chỉ lo giữ chặt thằng mặc áo chim cò. Tôi đạp chân lên ngực thằng này, nghiến răng trèo trẹo hỏi:

- Mày là thằng nào, ở đâu mà dám cả gan tới đây đuổi bò tao, rồi còn bắn tao nữa, hả?

Nói mau, không tao đập chết luôn! Đã bị tôi dận chân lên ngực mà nó trả lời cà xốc:

- Tao là con chủ sở Nam Trung nè. Còn mày là thằng nào?

Tôi nghe nó nói càng thêm nổi xung, liền nắm tóc kéo lết đi:

- Mầy xưng là con của chủ sở hả? Tưởng con ai chớ con chủ sở thì tao mừng quá. Tao sẽ trói đầu mày bỏ tại đây cho ban đêm cọp ra ăn thịt mày chơi!

Day về phía thằng nhỏ mặc quần cụt rách đang bỏ chạy, tôi thét:

- Còn thằng kia trở lại đây tao hỏi. Mày mà chạy, tao giết thằng này!

Thằng nhỏ nghe tôi dọa, riu ríu quay lại. Tôi hỏi:

- Mày cũng là con của chủ sở phải không?

- Dạ không, tôi đi coi bò cho sở của anh này!

Thằng bé trỏ vào thằng mặc áo chim cò. Tôi nói:

- Tao tưởng mầy cũng là anh em với nó thì tao trói hai thằng luôn thể. Còn nếu mầy đi coi bò thì thôi, tao tha. Nhưng tao cấm mày mở trói cho nó. Tới chiều mầy cứ việc lùa bò về một mình, nghe chưa? Bây giờ mầy đi ra tháo một sợi giây vàm cho tao!

- Dạ thưa anh bò đi ăn đâu có giây vàm.

- Mấy con bò tụi bây cỡi đó mà không có giây vàm à?

Thằng nhỏ túng thế đành phải nghe lời tôi đi ra trảng tháo lấy một sợi giây vàm đem vô cho tôi. Tôi dùng sợi giây đó trói ghịt thằng con chủ sở Nam Trung vào gốc cao su ở bìa trảng. Rồi bỏ mặc nó ở đấy, tôi đi lùa bò tới những chỗ có cỏ ống cao lêu nghệu, cho bò ăn thiệt no.

Tôi gọi thằng bé mặc quần cụt rách ra bảo:

- Mầy cũng lùa bò đi ăn đi, còn thiếu gì chỗ có cỏ ngon. Tao chỉ kiếm đủ cỏ cho bò của tao thôi, tao đâu có giành hết chỗ để mầy bị chủ đánh?

- Em cũng đâu dám dành chỗ của anh, tại thằng con chủ sở nó biểu!

- Sao nó lại đi theo mầy?

- Nó đi bắn chim.

- Bữa nào nó cũng đi à?

- Lâu lâu nó mới đi. Nó học trên Sài-gòn, hôm rầy về sở chơi. Mà anh ơi, anh thả nó ra đi, chớ anh trói nó luôn lát nữa em về một mình em bị đòn chết?

Nghe thằng nhỏ nói thế, tôi bỗng động lòng. Thiệt ra mọi sự đều do thằng con chủ sở gây hấn, nhưng nếu tôi cương quyết trị tội nó thì khổ lây tới thằng nhỏ nầy.

Tôi tính chắc phải thả thằng con chủ sở ra. Nhưng tôi vẫn không nói vội. Tới xế chiều, sau khi bò của tôi và bò của thằng nhỏ đều no căng bụng, tôi mới dắt thằng nhỏ đi lại chỗ trói thằng con chủ sở. Tôi nói với thằng con chủ sở bấy giờ đã bắt đầu khóc vì hoảng sợ.

- Nói thiệt, tội của mầy đáng lẽ để cho cọp tha mới phải. Ngặt thằng nầy nó năn nỉ xin tha cho mầy, nên tao thương nó mà tha cho mầy một lần, nghe chưa?

- Dạ...

- Tao tha nhưng mày phải lạy tao ba lạy, sau nầy gặp tao phải kêu bằng anh xưng em đàng hoàng, nghe chưa?

- Dạ.

Bây giờ tôi nói chi thằng con chủ sở cũng dạ hết. Nó đã mất hẳn cái vẻ xấc láo, ngang ngổ ban nãy. Khi được tôi mở trói, nó đứng dậy vươn vai dợm bỏ đi. Tôi nắm lưng nó kéo lại bắt nó phải lạy. Thằng con chủ sở còn dùng dằng chưa chịu, tôi trừng mắt nạt:

- Ê, cự nự là tao trói lại liền!

Nó sợ hết hồn, mọp hai gối xuống, chắp tay xá ẩu. Tôi chưa vừa ý, bắt nó phải lạy đàng hoàng. Thằng con chủ sợ bị tôi bó buộc gắt gao mới chịu lạy đủ ba lạy. Tôi tha cho nó đi.

Cầm trên tay cái nạng giàn thun mới tước được, tôi thích thú ngó theo bóng thằng mặc áo chim cò chạy lốc thốc trên trảng cỏ. Bây giờ tôi đang ở trong cái trạng thái hả hê của kẻ thắng trận. Tôi nghĩ trên người tôi chẳng có quần tốt áo tốt như thằng kia. Tôi cũng chẳng có bò, chẳng có một gốc cà phê, một gốc cao su nào. Cha mẹ tôi thì chết hết, cô Tám tôi không có một thước đất và thân tôi hết ở đợ coi trâu cho Biện Tư lại ở đợ coi bò cho Bảy Vàng. Vậy không lẽ tôi còn phải nhịn nhục tới cỡ nào nữa. Bên tai tôi còn âm vang câu nói của chú Chín Khẩn: "Phải bắt tụi nó trả nợ, nợ máu phải trả bằng máu!". Nhớ tới chú Chín, tôi lại nóng ruột muốn trở về Phước Kiển. Không phải tôi định trở về với Biện Tư, mà là trở về cùng em Biếc em Thắm, đợi ngày chú Chín cho người tới đón. Chú Chín có hứa với tôi như vậy và tôi rất hy vọng điều ấy.

Tôi đem cái bao cà phê ràng buộc lên lưng bò, quơ gậy đuổi dồn đàn bò ra đường. Lòng tôì hả hê vì vừa bắt được thằng con chủ sở phải lạy mình. Buổi chiều trong rừng cao su trước khi mặt trời tắt, nó còn nhuộm đỏ ngàn lá một màu lửa. Đàn bò chạy rấn lên, như chính chúng cũng vội vàng về cho kịp trước lúc đêm xuống.

Những móng bò nện đồm độp trên đường, làm bốc cuộn lên một đám bụi lớn, đỏ hồng. Còn những cái lục lạc bằng thau nhỏ đ trên cổ chúng lạỉ được dịp thi nhau khua lên leng keng inh ỏi. Trước mắt tôi, dưới ráng chiều đỏ dậy cả một góc trời, ngôi nhà trại của Bảy Vàng hiện ra như đặt trên một miếng tiết. Từ phía cổng hậu, khói đã lên. Khói tợ như sương đặc, từ từ lan tỏa ra bên ngoài vòng rào sân bò cặm san sát những thân cây rừng vạt nhọn chĩa thẳng lên trời như những cây giáo lớn. Tôi lùa đàn bò qua cổng hậu, vào cái sân tràn ngập khói đó.

Khói làm tôi cay mắt và muốn sặc. Lùa hết bò vào sân, tôi vác cái bao cà phê chạy trở ra. Tại cổng, tôi gặp Bảy Vàng đã đứng ở đó. Hắn vỗ vai tôi:

- Thằng em mày bữa nav cho bò ăn no hết bả? Tao cũng có đếm bò rồi, còn đủ số. À, mầy hái được bao cà- phê đó à? Khá, mầy khá lắm. Nói thiệt với mầy, vườn cà phê đó không phải của tao đâu. Mà không sao, tao biểu hái mầy cứ việc hái, không đứa nào đám làm gì đâu?

Tôi hơi sửng sốt. Bảy Vàng nói đã đếm bò, lại còn biết là bò ăn no nữa. Nãy giờ tôi chớ thấy hắn ở đâu. Chả lẽ hắn đứng ở đâu đó mà tôi không thấy. Hắn lại bảo vườn cà phê tôi hái bữa nay không phải của hắn. Vậy thì rõ ràng tôi đã đi ăn trộm dùm cho hắn mà chính tôi cũng chẳng hay. Nhưng chắc chắn hắn có uy quyền gì đây, mới bảo rằng tuy không phải của hắn, có hái cũng không ai dám làm gì hắn!

Về tới gian nhà kho, tôi nghe tiếng ông già Hai ho sặc sụa. Chắc tại khói. Khói do chính ông hun lên để kịp khi bò về khỏi bị muỗi cắn. Ông Hai trỏ phần cơm dành cho tôi để ở góc phản, nói giữa cơn ho:

- Cơm đó, cháu... cháu ăn đi. Sao, cậu Bảy có nói chi không, cậu Bảv có đánh cháu không?

Tôi nghĩ mà thương cho ông già. Ông cứ lo cho tôi bị Bảy Vàng đánh. Bộ lau nay ông vẫn thường bị Bảy Vàng đánh lắm sao. Tôi nói:

- Không, ổng không nói gì. Mà cháu làm gì ổng đánh cháu mới được chớ!

- Ờ tao hỏi chừng vậy thôi. Chắc cháu đói bụng hung rồi, thôi ăn cơm đi.

- Ông Hai ăn chưa?

- Ăn rồi, ăn rồi!

Ông già đã nói dấu. Thiệt ra chiều nay ông đã bỏ cơm. Ông không ăn được. Giờ đây cái cơ thể già nua bệnh tật ấy chừng như đã tới lúc không nuốt được cơm nữa. Sau đó ông có thú thiệt rằng ông cũng có ráng ăn, nhưng chỉ trệu trạo nhai được vài miếng rồi gác đũa, rồi ho. Bây giờ ông ngồi bên nhìn tôi ăn hết chén nầy tới chén khác. Trong đôi mắt âm thầm bao giờ cũng như có rắc tro của ông già chợt thấy hắt lên cái ánh đỏ hồng của than củi khi mờ khi rạng. Tôi chắc ông già đang nhen nhóm sự hồi nhớ. Có lẽ ông đang nhớ lại khi vào tuổi của tôi, ông cũng ăn khỏe như tôi vậy. Có lẽ ông nhìn tôi mà tưởng chừng như thấy tôi bây giờ là ông dạo nào, trong cái quá vãng xa xôi của những chiều tà đầy tiếng bò rống, tiếng lục lạc bò vang khua, và mùi bò nồng nặc len vào cả trong hơi thở.