Đứa con của đất

Chương 31

Docsach24.com

iểu đoàn chúng tôi rời rừng khi mùa mưa đến. Gần sáu trăm chiến sĩ và đội viên thanh niên xung phong mình mang đầy súng đạn, gạo muối đã ra khỏi rừng đúng vào lúc rừng sắp đổ mưa già. Anh em chúng tôi chân đi dép cao-su, đầu đội nón tai bèo. Quân phục của chúng tôi là thứ vải hột dền nhuộm màu khói, có nhiều bộ đã sờn cũ và mang nhiều miếng vá. Chen lẫn trong đội hình màu khói ấy là màu áo đen hoặc xanh sẫm của các cô gái thanh niên xung phong. Những giải khăn rằn của các cô quấn cổ bay phần phật.

Tiểu đoàn chúng tôi đi, để lại sau lưng những cánh rừng già ngút ngàn mà mưa không ngớt xối xuống, giăng mù. Có hôm chúng tôi đi suốt trong mưa, người ướt đẫm, nhưng tốc độ hành quân vẫn không chậm lại. Cả một niềm hy vọng lớn đang rạng lên phía trước. Có biết bao nỗi đợi mong, những điều hứa hẹn đang vẫy gọi. Mưa vẫn ngày một lớn hơn, vẫn xối xả rỏ ròng ròng xuống mặt chúng tôi. Nhưng những khuôn mặt đang ướt đẫm nước mưa ấy của anh em chúng tôi vẫn tươi cười, hớn hở. Những đôi mắt có lúc bị nước mưa nhòa ướt, rồi sau đó lại mở to, lóng lánh, sáng trưng.

Chúng tôi đang tiến về miền Đất-đỏ.

Hôm ở rừng học sa bàn đánh vào Đất-đỏ, anh Ba Đấu nói lần này chúng tôi về Đất-đỏ là về quê hương chị Võ Thị Sáu nên chúng tôi phải đánh thắng, phải đưa cho được đồng bào ở đó ra khỏi vòng kềm kẹp của giặc. Ý chí quyết đánh quyết thắng cùng cái niềm tin giải phóng cứ lớn ra, nở nang ra giữa lòng chúng tôi. Hy vọng mỗi lúc một khởi sắc, như chính đất dưới chân chúng tôi thêm một ngày đi tới lại thấy thẫm hồng hơn.

Miền Đất-đỏ kia xích lại gần mãi. Đường đi chuyền dần từ màu cát ngà sang màu nâu nhạt, và đến ngày thứ tư thì đỏ hẳn lên. Đất-đỏ không còn xa chúng tôi nữa. Sắp đến đất đó rồi. Tên đất nghe sao như nỗi đắng cay lắng đọng, như mồ hôi, như màu cờ hòa chan với máu. Ấy là miền đất rất giàu, mà đời người thì lại rất nghèo, xưa nay máu không khi nào ngơi tưới đẫm gốc cây cao-su. Tôi biết đó là một miền đất anh hùng như mọi miền đất khác của tổ quốc tôi. Tại đó có một người con gái chết rồi mà bất tử, là Võ-Thị-Sáu, người con gái hãy còn sống mãi trong bài hát ngợi ca mở đầu như một kỷ niệm rưng rưng: "Mùa hoa lê-ki-ma nở, quê ta miền Đất-đỏ...". Hôm nay lời ca đó đang mấp máy trên môi chúng tôi, khi chúng tôi đang cầm súng cất bước đi tới nơi đã sinh ra người nữ anh hùng thời kháng Pháp.

... Hôm nay chúng tôi đã thiệt sự đặt chân lên vùng đất đỏ. Đế dép cao-su của anh em tô quện dính thứ đất đỏ như chu sa. Bỗng nhiên hôm nay trời hửng nắng. Chúng tôi vui mừng chạy cẫng lên giữa khung cảnh hực hỡ sắc đỏ của đất, của những chùm chôm chôm, trái dừa lửa, của ráng chiều.

Đêm đến, tiểu đoàn chúng tôi đóng lại trong vườn cao-su cách thị trấn Đất-đỏ bốn cây số. Chúng tôi được lệnh nghỉ quân sáu tiếng đồng hồ, sau đó sẽ tiếp tục hành quân đến chỗ đánh. Và trận đánh, theo dự định sẽ nổ ra vào lúc trời sáng. Tôi leo lên võng, vấn một điếu thuốc to, vừa hút vừa ngẫm ngợi khoái trá về cái giờ khai hỏa rất kiên quyết và táo bạo của tiểu đoàn cho tới phút nầy vẫn được giữ nguyên. Trong khi những viên đạn pháo 105 của địch từ phía Đất-đỏ thụt bay véo qua đầu, tôi ngả lưng phà rít điếu thuốc một cách ngon lành. Thấy Cần cứ trở mình trên võng mắc cạnh võng tôi, tôi nhắc:

- Đi mệt, tranh thủ ngủ đi mầy Cần!

Cần làm thinh không đáp. Tôi biết Cần đang lo lắng. Trong khẩu đội, lần này có Cần là người hồi hộp xúc động hơn cả. Tôi đ điều đó ngay từ khi biết có một cuộc hành quân đánh lên Đất-đỏ. Cần sinh đẻ tại đất nầy, cái đó đã đành. Hơn thế, bà mẹ mù lòa của Cần hiện còn ở đợ giữ con cho người tại nơi nầy. Suốt dọc đường hành quân, tôi biết Cần hết sức băn khoăn lo lắng về mẹ mình. Cần thổ lộ với tôi: "Anh Quyết à, không biết má tôi giờ ra sao, không biết má tôi có còn hay là không?". Tôi đã nói: "Chắc không có sao đâu!". Rồi tôi bảo Cần rằng nếu má Cần còn nguyên ở chỗ cũ thì hay lắm, vì ấp chiến lược đó nằm trong điểm làm ăn của đơn vị. Lần này cả khẩu đội tôi sẽ quyết đưa má Cần ra một xã giải phóng, có bà con cô bác đùm bọc che chở (cái nơi đó tôi cũng đã bàn với anh Đấu). Mấy hôm trước, khi tôi báo cáo xin ý kiến về việc này, anh Ba Đấu và anh Sáu Dũng vừa ở quân y về đều tán thành ngay. Anh Đấu bảo: "Mấy anh biết hoàn cảnh bà má thằng Cần đã lâu, nhưng cũng chưa biết tính sao, bây giờ nhân dịp nầy mấy em tính luôn như vậy là hay lắm!".

Trong khẩu đội, ngoài tôi ra, Lắm và Khởi đều quyết lòng cứu bà mẹ. Lắm Kèn nói kiếm được bà má Cần, Lắm Kèn sẽ lãnh cõng.

Thấy Cần nằm yên không nói gì, tôi tiếp lời:

- Đừng lo mày Cần. Tao tin thế nào bà già cũng còn ở đó. Nội nhật ngày mai là mình biết thôi mà. Nếu gặp má trong khi nhiệm vụ khẩu đội mình còn phải tiếp tục chiến đấu thì tao bàn với tiểu đội thanh niên xung phong của Biếc lo đem má đi. Còn nếu mình đã "dứt" tụi nó hết rồi thì anh em mình cõng má về dư sức!

Nghe tôi nói, Cần vẫn im lặng. Tánh Cần xưa nay vẫn thế. Trong khẩu đội, Cần mủ mỉ ít nói. Ngay cả sự cực khổ sự đau đớn, Cần vẫn không nói không than.

Tôi biết sự lo lắng của Cần về bà mẹ chính mà nỗi đau đớn bởi đó là một người mẹ vừa cơ cực vừa tật nguyền; bởi mẹ Cần đã khổ mà còn ráng khổ thêm một mình để Cần ra đi. Dẫu chưa biết mặt mẹ Cần, nhưng nghe chuyện, tất cả chúng tôi đều thấy phục bà mẹ, đều xót xa canh cánh bên lòng như xót xa đối với chính mẹ mình. Trong trận đánh ngày mai, ngoài nhiệm vụ chiến đấu, việc đem bà mẹ ấy ra khỏi vòng lao khổ là một nhiệm vụ rất đỗi thiêng liêng của chúng tôi.

Hút hết điếu thuốc, tôi nằm một lúc rồi nhảy xuống võng, đi tới đi lui giữa những gốc cao-su, căn dặn anh em:

- Như trên cho hay, giờ chót trinh sát báo cáo là có hai C biệt động Da Beo ngụy nằm tại mấy ấp chiến lược mình sẽ đánh vô. Tụi Da Beo này hồi giờ mình chư, nhưng nghe nói là tụi ác ôn có tiếng. Ban chỉ huy vẫn giữ y kế hoạch tác chiến, gặp tụi nào cũng mần, Da Beo Da Cọp gì cũng mần ráo, nghĩa là tụi nào đút đầu vô thì mình nhai luôn... Hễ nổ súng, là thằng Lắm phải thổi kèn thúc tới liền. Thằng Khởi, thằng Cần phải theo sát tao... À quên, mấy cục cơm vắt tụi bây cất kỹ chưa, coi chừng chuột xực, tới sáng nhịn đói xung phong không nổi nghen!

Lắm cười:

- Tao treo ở đầu võng rồi!

Khởi nhóng người lên nói:

- Anh Quyết đừng có lo, rủi chuột có xực, bữa mai mình cũng không sợ đói. Có bà con cô bác mà lo gì đói!

Tôi nói:

- Đừng có chủ quan. Đụng tụi Da Beo, dang ca với nó một tăng rồi mới gặp bà con, mới có ăn uống được chớ bộ mầy tưởng...

- Nè mấy anh, tụi ngụy sao nó khoái đặt tên nghe ác ôn không. Da Beo là tên đơn vị của nó hay là tụi nó bận đồ rằn ri như da beo?

- Thì là tên đơn vị tụi nó, mà tụi nó cũng bận đồ y như da con beo vậy. Hồi giờ, tụi ngụy tụi Mỹ gì cũng hay đặt tên nghe hì hợm: "Trâu Điên nè, Cọp Biển nè, Báo Đen nè. Đặt tên hì hợm ác xiêm lại để chi vậy, để hớp hồn mình, làm mình mới nghe mất thần. Ngặt mình là dân "chì" không, nên hớp hồn hơi khó. Tao nói thiệt, tụi nó cũng có thằng gan, nhưng gan kiểu liều mạng mục, chớ không phải gan kiểu như mình. Để mai giáp mặt rồi biết, Beo Cọp gì mai rồi biết!".

Tôi nói và trở về võng. Thói thường khi sắp bước vào một trận đánh mới, tôi có tật hay rột rẹt, đi tới đi lui. Coi còn anh em đã sửa soạn kỹ càng chưa? Có tướng nào hơi "nhợn" không, và coi lại từng thùng đạn, cục cơm vắt. Không biết nếu không có giặc ở nhà làm ruộng thì sao, chớ bây giờ hễ mỗi lần có một trận đánh mới là tôi nghe mở cờ trong bụng, nghe như có người rủ đi ăn giỗ, và lập tức trong đầu tôi dãn ra hết, mường tưởng ra mọi góc cạnh diễn biến của trận địa mà ở đó tôi thấy rõ thằng giặc tiến thoái, thấy rõ mình phải bắn nó ra sao. Tất cả đều y như chiến trường đang diễn, tất cả đều chắc mẩm, hệt như hồi nhỏ tôi cởi truồng lội dưới sông Phước-lai dẫm dấu mò cá, y như rằng mỗi một dấu chân đẫm qua lát sau trở lại là chộp dính ngay một con rô biển. Lắm khi, trận đánh còn theo tôi vào cả giấc ngủ. Tôi thường chiêm bao thấy mình ở giữa trận, tả xung hữu đột, nô nức la thét vùng đạp đến nỗi có lần Lắm giựt mình kêu rùm. Mỗi lần như vậy, sau khi thức giấc, tôi nằm tức cười một lúc lâu, mới ngủ lại.

Đêm nay cũng thế, tôi mới chợp mắt một chút thì chiêm bao. Nhưng cảnh chiêm bao hiện ra không phải là cảnh xung sát với địch trên chiến trường. Giấc mơ tái hiện cái cảnh do cô Tám kể hôm cô xuống thăm tôi ở Xã bang. ấy là cảnh con chó Phèn của tôi bị thằng Hoành bắn trọng thương, mang vết thương đi trong đêm tối. Con chó cùng thời thơ dại với tôi đó lê lết tru rống qua một quãng đồng dài, qua sông rạch, bưng trấp mò về tới một vùng lau lách. Con vật đáng thương đó trườn mình đến bên hai ngôi mả nằm giữa những thân lau lả lay, xào xạc. Con chó rên nho nhỏ, rồi thè lưỡi liếm đất bên mả. Đôi mắt nó long lanh ướt rượt dưới ánh sao. Máu con vật vẫn ri rỉ chảy ra. Máu đọng thành vũng chỗ nó nằm, thấm vào mả. Cuối cùng tôi nghe con vật tru lên một hồi dài. Tôi giựt mình tỉnh dậy. Đã mở mắt ra, thấy rõ mình đang đóng quân giữa vườn cao-su rồi mà tôi hãy còn nghe tiếng tru. Tiếng tru rền rỉ thê thảm của con Phèn tưởng như còn nghe thấy hoài không bao giờ dứt.

Tôi ngồi bật dậy trên võng. Bàng hoàng mất một lúc bởi giấc mơ, tôi ngồi thu mình trên võng, càng nghĩ tới cái chết của con Phèn càng thêm đau lòng. Lúc này pháo địch đã thôi bắn. Lâu lâu nghe vọng lại những tràng súng lụp bụp ở hướng Đất-đỏ. Vòm lá cao-su trên đầu tôi rì rào gió thổi, làm rơi nhẹ những hạt sương. Có lúc vòm lá im bất động, và trong ánh trăng lên muộn, hàng trăm ngàn cây cao-su hơi nghiêng mình về một phía, thẳng tắp, đều đặn. Tôi vấn một điếu thuốc. Chợt nghe tiếng Cần hỏi khẽ:

- Anh Quyết thức rồi à?

- Ờ, tao nằm chiêm bao, thức dậy nãy giờ buồn quá!

- Chiêm bao gì mà buồn?

Tôi thở khói thuốc phào ra, nhỏ giọng:

- Chiêm bao thấy con chó Phèn của tao. Nó chết đã lâu bị thằng Hoành ác ôn bắn, con chó đi cả chục cây số về chết bên mả của ba má tao... Nó chết thiệt như vậy chớ không phải là tao chiêm bao ra đâu. Theo anh Ba Đấu, thì cũng thằng Hoành nầy đã giết ba má tao...

- Vậy sao?

Cần buột kêu. Lát sau, Cần nói nho

- Bữa nay tôi cũng ngủ không được. Nằm trong vườn cao-su này, tôi ngủ không xiết. Hồi đó tôi đi cạo mủ ở đây chớ đâu. Anh Quyết à, anh có ngó thấy mấy cái chén trắng trắng nằm rải dưới gốc cây cao-su kia không? Chén đựng mủ đó, mà cô bác kêu bằng chén đựng máu. Năm mười hai tuổi, tôi đã đi cạo mủ với má tôi. Má tôi khi đó lén lút nuôi mấy cô chú cán bộ. Bữa nào đi làm má tôi cũng dỡ cơm nhiều hơn, có khi đem gạo đem cá khô vô rừng cho các cô chú đến lấy. Từ khi má tôi bị pháo Mỹ bắn hư hai con mắt thì tôi cạo mủ một mình, rồi bỏ nơi đây mà đi. Tôi đi qua mấy vườn cao-su nầy để kiếm bộ đội. Tôi lội đi lội lại nhiều lần, lên tuốt trên miệt rừng trên, cạp ăn hết túm củ mì luộc để đón bộ đội kéo ngang...

Cần ngưng nói. Có tiếng chân ai đi sột soạt. Khởi từ điểm gác ở cặp ngoài đường vô báo:

- Gần tới giờ rồi, mấy anh mình dậy đi, cơm nước xong là vọt!

Tôi nói:

- Chỉ còn thằng Lắm, chớ tao với thằng Cần dậy lâu rồi!

Không ngờ khi Khởi tới giật giây võng Lắm thì Lắm đã bật ngay dậy, nói giọng tỉnh rụi:

- Tao thức rồi!

Chúng tôi ai cũng đều đã thức trước cả. Từ lâu, điều đó hầu như đã thành lệ. Cái đêm hôm rạng ngày mở ra một trận đánh mới nào hầu như ai cũng tỉnh ngủ, ai cũng thức trước giờ trực gác. Chúng tôi nhanh chóng cuốn võng, và phút chốc đã ăn xong cơm trong im lặng, trong bóng tối chớm rạng ánh trăng lên.

Cánh rừng cao-su chứa cả tiểu đoàn chúng tôi không rlghe xao động gì lắm. Chúng tôi biết rõ sự im lặng từ giờ phút nầy trở đi là hết sức quan trọng. Suốt chặng đường hành quân từ rừng lên đây, chúng tôì đã cố gắng che kín mọi dấu vết, mọi sự dòm ngó của địch, kể cả bọn điệp dưới mặt đất và cặp mắt hết sức soi mói của con "đầm già" con "cầu tiêu" 1 từ trên không trung rong rễu ngó xuống. Giờ đây không có gì đáng tiếc bằng mọi bí mật lại bị phát hiện từ điểm áp kề trận địa. Hồi đầu hôm thấy pháo bắn vọt qua đầu, tôi đã mừng. Vì điều đó một phần nào chứng tỏ bọn địch chưa hay biết g

Chúng tôi rời bỏ khu rừng cao-su, nơi chúng tôi đã nghỉ tạm trên sáu tiếng đồng hồ. Nhưng chúng tôi vẫn hành quân trong rừng cao-su chớ không đi giữa đường cái.

Đại đội chúng tôi đến nơi và đã bố trí xong trước khi trời sáng. Nơi chúng tôi chiếm lĩnh nằm sát ấp chiến lược Phước-thạnh. Cái ấp nầy ở bên con đường đi Long- tân có một cái núi đất nhỏ cao chừng năm chục mét. Ngoài ra còn có hai con lộ chạy từ Bà-rịa đi Xuyên-mộc, và từ Đất đỏ ra Phước-hải. Chính nơi đây là quê nhà của chị Võ thị Sáu. Khẩu đội tôi đi cùng trung đội Một, lãnh nhiệm vụ khi nổ súng thì chi viện cho toàn đội. Anh Đấu anh Dũng đầu buộc chặt khăn như mọi khi, khom mình chạy từ trung đội nầy tới trung đội khác, nói giọng xúc động:

- Chỗ nầy là chỗ chôn nhau cắt rún của chị Võ Thị Sáu. Cho nên anh em mình phải đánh coi cho được. Chị Sáu sẽ ngó coi mình đánh đó!

Nghe mấy lời của anh Đấu anh Dũng, tôi nổi gai ốc khắp người. Về chị Võ Thị Sáu, tôi đã được học tập, được nghe kể chuyện từ lâu. Tôi còn thuộc nhiều bài hát ca ngợi chị, trong đó có một bài vọng cổ tả lúc chị bị giặc Pháp đưa đi bắn. Bài ca ấy nói chị hiên ngang đứng trước họng súng, dưới chân chị là những ghềnh đá Côn-đảo trào sóng. Trong sóng biển gió biển réo dậy ầm ầm, chị Sáu thét lên những lời bất khuất, đã gọi Bác Hồ, rồi ngã xuống nơi cái đảo tù ngục đó. Chị Sáu chết ở Côn-đảo, nhưng chị sinh ra ở đây. ở mảnh đất đỏ tươi mà anh em chúng tôi đang nằm chờ nổ súng, chính là nơi chị cất tiếng khóc oa oa chào đời. Cách đấy chỉ vài trăm thước, hãy còn ngôi nhà cùa chị. ở đó cho tới hôm nay vẫn còn giặc. Trong mấy chục năm, hết quân thù nầy lại tới quân thù khác lũ luợt kéo đến. Tin mớt nhứt của trinh sát cho hay: nắm chắc tại Phước-thạnh có một đại đội Da Beo, một trung đội dân vệ phòng thủ ấp, còn ở cách đó hai cây số có một tiểu đoàn biệt động quân.

Trời đã rạng sáng. Đêm tối vẹt ra, đất từ từ đỏ lựng và cây lá xanh lên. Trước mắt chúng tôi, ấp Phước-thạnh nằm trong vòng ràọ giây thép gai, nhú những nóc ngói của lô-cốt, nhà công sở, trường học. Vẫn chưa có lịnh nổ súng. Tôi nghĩ: "Bộ mấy anh Ban Chỉ huy tính đợi tụi biệt động bung ra rồi thanh toán nó ở ngoài hay sao kìa? Hay là mấy anh đợi cho sáng hẳn, đánh cho nó bất ngờ?" Tôi thấy như vậy càng tốt, ban ngày ban mặt bắn té thằng nào đếm đủ thằng nấy...

Tới bẩy giờ sáng, súng lệnh mới nổ. Tôi chỉ vừa kịp thoáng ngó thấy anh Đấu tay cầm "Côn 12" nòng còn tóe khói, thoát mạnh. Thế là tôi ôm đại liên vọt lên như bay. Anh em trong khẩu đội cũng như bay theo tôi. Hồi kèn xung phong của Lắm thổi vang. Tôi vừa lọt được vô ấp thì đụng ngay lưng địch. Bọn nầy khoảng hai chục tên mặc đồ lốm đốm vàng đen coi y hệt da beo.

Bị chúng tôi ập tới quá nhanh, chúng còn nhốn nháo chưa kịp bắn, thì tôi bắn quét liền. Năm bảy tên Da Beo nhảy dựng, té chúi. Tôi xông tới. Bọn còn lại bỏ chạy. Khởi và Cần lượm luôn mấy khẩu "cạc-bin" băng cong khoác vào vai. Không để tụi Da Beo kịp xoay trở, chúng tôi rượt nà. Bọn nầy bị bắn té vài tên nữa, còn lại bao nhiêu chạy nhào vô một ngôi trường học. Sở dĩ tôi biết đó là một cái trường học là vì tôi ngó thấy ở trước sân các em học trò đang lố nhố rất đông và có cả một cô giáo mặc áo dài trắng. Giữa lúc tôi tính xách đại liên xông thẳng vô trường học, thì đột nhiên cô giáo mặc áo trắng chạy vụt ngược về phía tôi. Cô giáo vừa chạy vừa dơ cả hai tay lên trời, la lên tiếng được tiếng không:

- Mấy em ở trỏng đông lắm... - Đừng, đừng bắn anh, đừng bắn anh ơi!

Mới vừa nghe cô la lên như thế thì tôi đã nghe đạn bay chao cháo. Bọn Da Beo chạy vô trong trường học đang bắn xỉa ra, bất kể các em học trò đang đầy sân. Cô giáo chạy tới mặt mày tái mét coi rất tội nghiệp.

Tôi lập tức kéo cô nằm xuống đất. Bây giờ bọn Da Beo bắn như mưa. Tôi tính bắn mấy tên lấp ló sau khung cửa, nhưng sợ trúng các em nhỏ nên tôi không bắn. Khởi thét:

- Mẹ, nó dựa vô mấy đứa nhỏ, nó biết mình không dám bắn đó anh Quyết! Tôi đã nhận ra điều đó rồi. Không thể nào bắn quét được, vì nếu bắn quét thế nào cũng có em chết. Tôi đành phải ghìm súng, giữ cửa. Hễ tên nào ló ra cửa thì tôi bắn, vớ ý đồ kềm chặt không cho chúng chạy vượt ra, đợi đơn vị tôi tới bắt sống. Bọn Da Beo chừng như cũng biết mối nguy cơ ấy, nên chúng cố tìm cách tháo ra.

Nhưng tên nào ló đầu ra, cũng đều bị chúng tôi bắn. Có thằng thụt vô kịp, có thằng chết. Chúng cứ thụt ló như vậy hoài tới mươi phút thì anh em trung đội Hai tràn tớí, ào vô. Mười mấy tên biệt động Da Beo lúc đó mới dơ tay đầu hàng. Chúng bị lùa ra khỏi trường học.

Sau lưng tôi, cô giáo còn nằm sát đất, run cầm cập như lên cữ rét. Tôi tức cười quá kêu:

- Cô ơi dậy đi, run gì mà run dữ

Cô ta ngước mặt lên. Rồi cô lồm cồm ngồi dậy. Da mặt xanh mét của cô dần dần ửng đỏ. Giờ có lẽ cô mới kịp mắc cỡ vì thấy tôi cười. Giờ tôi mới nhìn kỹ, thấy cô ta còn rất trẻ, tuổi ước chừng mười tám mười chín là cùng. Cô có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi má phính và cặp mắt trẻ thơ. Bỗng tôi ngạc nhiên ngó thấy chiếc áo dài trắng cô đang mặc đã đứt phăng đâu mất cả một vạt sau, khiến cho chiếc áo phía trước thì dài, phía sau thì ngắn coi rất tức cười. Tôi kêu lên:

- Ủa, cái áo của cô sao mất tiêu vạt sau rồi?

Cô giáo nhỏ tuổi đưa tay quờ ra sau lưng, nói giọng tấm tức:

- Hồi nẫy tụi nó có cho tôi chạy ra đâu. Một thằng chụp vạt áo tôi níu lại, mà tôi thì chạy đại tới nên bứt luôn.

Chúng tôi cười rộ lên, làm cô gái càng đỏ mặt. Nhưng rồi cô đâm dạn lên:

- Mấy anh ở đâu mà xung phong vô lẹ quá trời. Tôi vừa mới tới trường, chưa kịp vỗ tay biểu mấy em vô lớp, là nghe bùm bùm, rồi kế thấy đám lính Da Beo bị mấy anh rượt chạy túa tới... Tôi cười:

- Thì bộ đội giải phóng phải lẹ chớ cô. Nói thiệt tụi tôi không tới thì thôi chớ tới thì tới cấp kỳ. Mà thôi, bây giờ xin chào cô nghe, tụi tôi còn phải đánh dọn tuốt lên trên kia. Còn cô cũng cứ vô lớp dạy mấy em học như thường đi!

Cô giáo hơi dẩu môi:

- Dạy gì, súng nổ rùm còn ở đó mà dạy!

- Không có sao đâu, ở khúm nay kể như yên rồi. Cô cứ vô lo dạy đi. ủa mà chưa được, cô phải về thay áo đi đã không thôi mấy em nhỏ nó cười chết. Thôi chào cô, tụi tôi đi nghen!

Chúng tôi quày quả đi sâu vô ấp. Cô giáo vẫn đứng tần ngần ngó theo chúng tôi. Rời khơi trường học một đỗi, chúng tôi nghe súng nổ ran trước mặt. Bọn Da Beo cụm lại trong mấy hàng dừa, bắn rất rát, khiến anh em lên không nổi.

Anh Đấu ở đâu chạy tới, đưa tay trỏ một ngôi nhà dưới rặng lê-ki-ma:

- Mấy em ngó thấy cái nhà đó không, nhà chị Sáu đó!

Tôi phóng người lên nhìn, ngó thấy một cái nhà vách đất, nóc lợp tranh đã cũ rệu. Chung quanh nhà cây cối đi đốn rạp, chỉ còn lại mấy cây lê-ki-ma.

Từng lớp giây thép gai vây kín quanh nhà tuồng như hiện có bọn địch cố thủ ở đó. Anh Đấu ngó vô vườn dừa sốt ruột bảo:

- B2 đánh lăng nhăng lâu quá. Thôi mấy em đem đại liên đánh tạt sườn địch cho thiệt mạnh, bứng nó ra khỏi mấy gốc dừa đó đi!

Tôi nhận lệnh, dẫn khẩu đội đi vòng, rồi đánh thốc ngay vào các bờ dừa. Đại liên chúng tôi nổ miết không ngừng. Giây đạn vàng chóe cứ như bị khẩu Brô-ninh nuốt chửng. Bọn địch bị đánh núng quá, nhảy xào xào qua các mương dừa. Đang bắn bọn biệt kích Da Beo thình lình tôi nghe sau lưng súng nổ dậy lên. Tôi sửng sốt không biết có chuyện gì thì liên lạc chỗ anh Đấu chạy vô báo bọn Biệt động quân đã tiếp viện, chúng đang bắt từ sau đánh tới. Tôi xách đại liên nhảy vào bờ dừa.

Lần này, đặt đại liên xong, tôi kêu anh em trong khẩu đội tản ra. Đợi bọn biệt động xáp tới thiệt gần, tôi mới bắn. Bọn này bị chết nhiều, hoảng hốt lùi lại. Tôi ôm xốc đại liên, hô anh em rượt theo. Nhưng mới rượt tụi biệt động được chung một công đất thì bọn biệt kích Da Beo ban nãy còn trong vườn dừa bám theo đánh. Bọn biệt kích rõ ràng có ý muốn xé khẩu đội của tôi để kết liền với bọn biệt động. Đang rượt ngon trớn, bị bọn này làm mất hứng, tôi giận quá quay trở lại kêu Khởi đem cho tôi một thùng đạn lum đum. Lắp đạn xong thì bọn Da Beo cũng vừa ào tới.

Khởi và Cần thét:

- Bắn!

Tôi bắn hết tới nửa thùng đạn, xô ngã hằng chục tên. Bọn còn lại quýnh quá, vừa lùi vừa tụt cởi đồ da beo, nhảy sồn sộn xuống mương dừa. Cần và Khởi la:

- Tụi nó chém vè!

Đang giận vì bọn này bám đít đánh, tôi xách đại liên phóng qua mương, nhảy đến sát từng tên Da Beo đang lóp ngóp dưới mương. Hầu như tôi dí sát đại liên vào từng tên mà bắn. Còn lại một tên hình như là chỉ huy, tay hẳn cầm súng ngắn tay cầm một trái lựu đạn da lá đưa lên ghé răng rút chốt. Tôi chạy trên bờ dừa còn hắn thì lội dưới mương Tên sĩ quan cố gắng bươn về phía cuối mương. Khi đã đến cuối mương, bỗng hắn xây lại, tựa lưng vào bờ mương, sẵn sàng đợi tôi rấn tới. Tôi không thể dây dưa, liền bắn một viên ngay vào giữa bộ ngực lông lá bê bết sình của hắn. Hắn ngoẻo vật đầu vào bờ mương. Khỏi và Cần tính chạy lại chỗ tên sĩ quan vừa chết, thì tôi thét:

- Đừng, đừng lại!

Tôi vừa thét dứt thì một tiếng lựu đạn nổ ầm. Đó là trái lựu đạn mà tên chỉ huy đã rút chốt cầm tay, nhưng chưa kịp liệng. Đợi khói lựu đạn tản bớt, tôi chạy đến chỗ tên chỉ huy chết. Ngực hắn nát bấy thêm ra, vì trái lựu đạn của chính hắn. Tôi chợt nhìn thấy ở nơi cánh tay chạy lên bả vai trần của hắn có thấy hình xâm rất tục tĩu. Tôi ngờ ngợ nhớ đâu như mình đã có lần ngó thấy hình xâm này rồi, nên đưa chân đá khều cái kết rằn ri giờ đang trụt che mất nửa mặt hắn. Khi cái kết văng ra, tôi kinh ngạc trố mắt rồi kêu lên:

- Trời ơi, thằng Hoành!

Đúng là thằng Hoành. Tôi không thể nào quên bộ mặt hung ác của hắn. Cho dù đã sáu năm trôi qua, tôi vẫn nhớ rõ mặt hắn. Cái da mặt sạm đen, hơi rỗ một ít và đôi mắt đặc biệt hầu như chỉ có toàn tròng trắng giờ đây vẫn chưa nhắm, trừng trừng ngó vào một cõi khác. Tôi không ngờ là hắn, kẻ thù của bà con cô bác nhưng cũng chính là kẻ thù của tôi mà bấy lâu tôi đỏ mắt, kiếm tìm, thì hôm nay khi giết hắn tôi cũng chưa biết được đó chính là hắn. Ngược lại, khi chết hắn cũng nào ngờ chết bởi tay tôi. Cái chuyện ác báo ác lai tưởng như là lời răn, hóa ra có thiệt vậy đó, có thiệt một cách ngẫu nhiên. Trong khoảnh khắc, tôi thấy lại những cảnh mà tội ác của tên Hoành gắn liền. Cảnh chết của ba má tôi, cảnh đêm tối nơi chòi trâu năm nọ tụi thằng Hoành đâm lên người các cô chú cán bộ. Và cảnh con Phèn, con chó bị hắn bắn trọng thương băng mình đi trong bóng đêm, máu rỏ dài trên suốt một quãng đồng hiu quạnh. Vẫn chưa hết, trên mặt tôi vẫn còn vết sẹo do hắn dùng lưỡi hái mà quấu. Còn những bữa tiệc rùng rợn tại nhà Biện Tư, thằng sát nhơn đó uống rượu với gan người xào. Và biết đâu còn những cảnh xảy ra ở chỗ khác, có bàn tay hắn nhúng vào? Những năm qua, hẳn hắn còn tiếp tục gây ra biết bao món nợ máu khác. Bây giờ thì hắn đã trả nợ. Ngồi chết thõng thượt dưới mương lầy lụa bùn sình trộn lẫn máu, tên ác ôn lưng dựa vào bờ mương trổ đầy rễ dừa, đầu ngoẻo vật sang bên. Trên người hắn chẳng còn bộ đồ da beo, mà chỉ còn mặc có cái quần cụt vằn vện. Tay phải của hẳn giờ hãy còn cầm khẩu súng ngắn, nhưng các ngón tay đã rã rời buông lỏng

Tôi cúi xuống gỡ khẩu súng ra khỏi tay hắn, đó là một khẩu "Côn 12", đạn trong gắp còn bảy viên, chưa kể một viên đã lên nòng.

Anh em đang lục soát đồ đạc vũ khí của bọn Da Beo. Lắm Kèn từ đâu chạy tới đưa cho tôi coi một cái áo da beo sĩ quan:

- Tao mới lượm được dưới gốc dừa.

Thấy nơi ve cổ áo có thêu ba bông mai, tôi lẩm bẩm:

- Áo này chắc thằng Hoành mới cởi vụt. Nó đã lên tới chức đại úy rồi!

- Ai, thằng nào?

Tôi đưa tay trỏ:

- Thằng ngồi chết đó... Tụi bây lại coi mặt nó đi. Đó chính là thằng Hoành tao vẫn thường kể chuyện, hồi tao coi trâu ở Phước-kiển...

- Ủa, thiệt vậy sao?

- Tao đã nhìn kỹ, đúng là nó. Tao cũng không dè gặp lại nó ở đây. Tiếc cái là tao đã cho nó một viên vô ngực trước khi nó nhận ra tao.

Lắm bước lại dòm tên Hoành rồi bảo:

- Mặt thằng nầy ngó nháng qua là thấy ác ôn liền. ý là nó đã chết rồi. Nó chết tới hai lần. Một lần bị bắn, một lần lựu đạn trong tay tự nổ, thôi vậy cũng đáng đời.

Cầm khẩu "Côn" dắt vô lưng, tôi hô anh em ra khỏi bờ dừa, tiến thẳng về phía ngôi nhà chị Võ Thị Sáu bây giờ súng đang nổ dữ dội. Bọn lính biệt động vừa rúc vào đó và các nhà của đồng bào. Mới vừa trở ra khỏi bờ dừa, tôi đã nghe trung liên từ trong nhà quét ra. Bọn địch đã chiếm nhà chị Sáu, đặt trung liên lên bệ cửa sổ khoét giữa vách đất. Cả hai cửa sổ đều có trung liên nhả đạn. Như vậy là chúng có một công sự đề kháng khá vững. Trước đó ngôi nhà chị Sáu chỉ là một ngôi nhà bị quản thúc, trống không. Chung quanh nhà chị quả là có rất nhiều lê-ki-ma nhưng giờ đã bị đốn trụi, chỉ còn lại vài cây.

Sợ đánh cù nhầy lâu lắc không yểm trợ được anh em tràn vô xóm, tôi bàn với anh

- Ba đứa bây ở đây bắn kềm tụi nó, để tao vô!

Tôi bí mật ôm đại liên bò vòng vào hông nhà, nên bọn địch không chú ý vì đã có tường đất che chở. Tôi bò trườn tới, lôi theo khẩu đại liên, lanh lẹ như một con cá rô đang lóc mình. Tới lớp dây thép gai rào nhà, tôi vẹt lên, chui qua. Lọt khỏi hàng rào, tôi bò thêm chút nữa, rồi xách đại liên nhổm dậy chạy áp sát mình vào bức vách đất. Từ đó tôi men riết ra phía cửa sổ có cây trung liên địch đang bắn. Tới sát bên khung cửa, tôi đứng lại. Đợi tên xạ thủ vừa bắn đứt đoạn, tôi liền thoắt mình bước tới ngay cửa sổ đưa thẳng họng đại liên bắn chĩa vào giữa mặt tên xạ thủ. Tên này buông súng ngã vạt vào trong. Tôi chồm người qua cửa, thọc đại liên bắn ngoáy. Bọn địch trong nhà thất kinh la rú lên.

Tên địch đang bắn trung liên ở cửa sổ bên kia lẽ ra phải bắn tôi thì lại bỏ súng chạy. Tôi nhảy phốc qua cửa sổ, vào nhà. Trong nhà có tám chín tên địch dồn về phía vách bên kia. Tôi quét qua một loạt, chỉ còn sót lại một tên rú như điên, bò càng bò lê dơ thẳng hai tay lên:

- Được rồi, đứng dậy! Tôi thét: - Ê, còn thằng nào trong nhà không, ra hết không thôi tao bắt dược là chết!

Ở trong buồng chợt vang ra tiếng một giọng nói như ríu lưỡi:

Dạ có em... em xin hàng, đừng bắn... em... em mới dám ra!

Tôi ráng nín cười:

- Ra mau, không ra là tao quét liền!

Hai tên mặt mày xanh mét từ trong buồng ló ra.

Tôi nói:

- Từng đứa trói lẫn nhau, trói thúc ké, nghe không?

- Dạ tụi em không có giây. Một tên ngơ ngác trần tình.

- Cuộn giây gì tụi bây đeo ở "xanh-tuya" đó, hả?

- Dà dà... Trong phút hãi hùng, hai tên lính đã quên khuấy đi l bọn chúng đứa nào cũng có đem sẵn một cuộn giây để trói người. Nghe tôi nhắc chúng mới nhớ ra, tháo giây trói lẫn nhau. Thấy hai tên vừa trói vừa láo liên ngó tôi, tôi biết ý nói ngay:

- Ê đừng tưởng tao có một mình nghe. Anh em tao vô tới kia kìa. Mà dầu có một mình tao, thằng nào rục rịch dở trò phản phé là tao "dứt" liền, khỏi có ý kiến đa!

Mà thiệt, anh em tôi đã vô tới. Cả ba leo qua bậu cửa sổ, nhảy vô nhà lịch phịch. Tôi chỉ hai cây trung liên "Bar" nằm dưới đất nói:

- Tụi bây ráng chịu khó mang thêm hai cây nầy nữa. Của Mỹ đưa ngụy nộp cho mình, tội gì không lấy!

Ngôi nhà của gia đình chí Võ thị Sáu nay hoàn toàn không có vẻ gì là nơi của một gia đình hiện còn ngụ nữa. Ngôi nhà đã bị niêm phong, bị vây quanh bằng giây thép gai, và mới rồi là nơi cố thủ của bọn biệt động quân. Thời kháng chiến chống Pháp đã qua rồi, nhưng mọi dấu vết gì thuộc về chị Sáu, kể cả cái nhà cha mẹ chị cũng đều kích động cổ võ mạnh mẽ bà con đánh Mỹ. Cho nên bọn Mỹ ngụy đã đuổi cha mẹ chị Sáu đi nơi khác, và cấm tiệt không cho ai lui tới ngó nhìn. Kẻ thù hôm nay có đổi mặt, nhưng cũng cùng một duộc như nhau. Chúng nó cũng biết ngăn ngừa hậu họa do một người chết còn để lại, chúng sợ đến cả miếng đất ngôi nhà của người đã khuất. Nhưng sự ngăn cấm, sự quản chế ngôi nhà mái tranh vách đất đó lại gây nên nỗi phẫn khích với chúng tôi. Kể từ lúc anh Đấu chỉ cho tôi ngó thấy ngôi nhà chị Sáu, một ngôi nhà bị giam thế đó thì lòng tôi như có lửa đốt. Tôi đánh bọn biệt động cố thủ trong nhà mà không tưởng rằng mình đánh được mau như vậy. Mấy tên địch còn sống sót cũng phải bàng hoàng kinh ngạc.

Bọn địch trong nhà chị Sáu bị đánh tan làm cho bọn lính náu ẩn ở trong xóm cũng lần lượt bị tan rã. Lắm Kèn của chúng tôi chạy ra sân, leo lên một cành ổi, giương kèn thổi thúc. Đại đội tôi tràn ngập khắp xóm.

Anh em sục vào các nhà bắn diệt bọn địch còn chui rúc trong đó. Chúng xé vách lá chui ra, có thằng chạy ra được, nhưng có thằng mới chui được một nửa người thì bị bắn chết nằm nửa trong nửa ngoài. Có tên trốn dưới gậm giường của đồng bào, anh em chúng tôi vừa vô thì bà con đã đưa mắt ra hiệu chỉ cho anh em bắt.

Tại ấp chiến lược Phước-thạnh, lực lượng địch coi như bị quét sạch. Các tiểu đội thanh niên xung phong, trong đó có tiểu đội Biếc lui lui tới tới lo khiêng thương binh và thu súng đạn. Anh em trong đại đội chạy vô nhà chị Sáu xúm khiêng tôi. Cần, Lắm tung lên. Anh em hoan hô khẩu đội tôi ầm ầm. Một lát sau, anh Đấu và anh Sáu Dũng chạy tới. Anh Dũng nói:

- Các đồng chí khẩu đội đại liên bữa nay có vinh dự rất lớn vì đã đánh chiếm lại được nhà của chị Võ Thị Sáu. Thay mặt Ban chỉ huy chúng tôi biểu dương các đồng chí. Riêng đồng chí Quyết, Chi ủy Đảng chúng tôi vừa hội ý và có xin ý kiến Đảng ủy Tiểu đoàn, quyết định kết nạp ngay đồng chí Quyết vô Đảng!

Tôi không ngờ có chuyện đó, mừng và cảm động rưng rưng nước mắt. Cuộc lễ kết nạp tôi liền được tổ chức ngay, giữa lúc trong ấp khói súng chưa tan, giữa tiếng kêu la rền rĩ của bọn địch bị tử thương đang hấp hối. Thiệt ra lễ kết nạp tôi không có nghi thức đầy đủ, nó khác hẳn những cuộc lễ kết nạp khác nhưng lại hết sức thiêng liêng. Là vì buổi lễ được cử hành tại nhà chị Võ thị Sáu. Cuộc lễ không có cờ Đảng, nhưng lại có Lắm thổi kèn bản Quốc tế ca. Đó lại là một sự bất ngờ mới. Tôi không rõ Lắm đã học thổi bản đó hồi nào mà nó thổi nghe hay và trang trọng hệt một tay kèn nghề. Điều đặc biệt hơn nữa là ngoài các chiến sĩ đảng viên còn có nhiều anh chưa vào Đảng được mời dự, vai khoác súng kéo tới đứng đầy nền nhà chị Sáu có rất nhiều chỗ còn ướt máu thù.

Buổi chiều của ngày hôm ấy, đại đội tôi đánh tràn tới ấp chiến lược Long-tân. Trên đường tiến, đại đội bị máy bay khống chế gắt gao. Chúng liệng bom, bắn phá suốt dọc đường. Mấy con đầm già rà rê cặp đường theo dõi. Một đại đội biệt động quân còn lại kéo ra cản đường trước khi đại đội tôi đến ấp. Nghe tin chúng kéo ngược lại, tôi đề nghị với Ban chỉ huy cho khẩu đội tôi ra dọn đường một mình chớ trời còn sáng cả đại đội hành quân sẽ bị máy bay phát hiện và gây khó khăn. Anh Đấu hỏi tôi:

- Em tính dọn ra làm sao nói nghe thử?

Tôi dơ tay chỉ một vườn chuối nằm sát đường vừa bị bom phá trụi nói:

- Vườn chuối đó trụi hết không còn gì, nhưng tụi em có thể nằm ém ở đó, đợi tụi nó tới thì tốc lên đánh!

Anh Đấu lắc đầu bảo:

- Khi không mà vác tới vườn chuối thoi loi đó cho nó vây à?

Tôi nói:

- Tụi em không phải đó để nộp mạng cho nó đâu, mà là để xé cho rách cái C biệt động đó. Tụi em cố xé rách kha khá, để trời sụp tối đơn vị mình càn qua nó đi luôn!

Anh Đấu kêu anh Dũng lại nói cho anh Dũng nghe đề nghị của tôi. Không dè anh Dũng lại tán thành, bảo rằng nếu xé được cái C biệt động đó đừng cho nó quày về ấp thì coi như cái ấp không thành vấn đề nữa. Anh đặt giả thuyết trường hợp C biệt đóng địch không đi qua vườn chuối mà băng đồng tới đây thì cả đại đội sẽ đánh cho nó rã luôn. Nói tóm, ý kiến anh Dững rất phù hợp ý kiến tôi ở chỗ tranh thủ đánh bọn này ở ngoài ấp khi nó tự dẫn xác đi kiếm mình. Bấy giờ anh Đấu mới đồng ý, nhưng anh chỉ đồng ý khi anh Dũng trình bầy thêm rằng trong trường hợp cần thiết, cả đại đội sẽ chi viện cho khẩu đội tôi, vì từ đấy ra vườn chuối chỉ có ba bốn trăm mét.

Chúng tôi bẻ thêm lá cây, dắt thêm lên người, lên súng rồi rời mí vườn tiến ra vườn chuối. Cái vườn chuối nầy sau khi bị đánh bom, có một con đầm già lai vãng, dòm ngó rồi rà theo một quãng đường đồng. Hình như nó không chú ý mấy tới vườn chuối nữa, vì sự thiệt vườn chuối đã bị bọn phản lực đánh rạp hết rồi. Khi chúng tôi tới đó thì mặt trời vẫn còn lảng đảng. Bốn đứa tôi men ra mé vườn giáp đường ruộng, leo qua những thân chuối bị bom đạn phạt nằm la liệt. Bom miểng tàn phá vườn chuối thiệt ngót ngọt. Miểng bom chém đứt thân chuối không để vướng. Thôi thì những quày chuối, bắp chuối rải rụng khắp nơi. Trong buổi chiều sắp tắt, chim hút mật được dịp nhảy nhót hút lấy mật ngọt ở những bắp chuối vừa trổ. Thứ mật nầy có lẽ càng ngọt đậm vì nung nắng suốt buổi.

Chúng tôi ra tới mí vườn cặp sát đường thì ngó thấy địch xuất hiện trên cánh đồng trước mặt. Tôi áng chừng chúng không có tới một đại đội mà chỉ có chừng hai trung đội. Bọn chúng đi thành hình dấu ớ, xa trông như dãy đăng nó giăng trên đồng cạn và di động. Lắm thốt chửi:

- Tổ cha, kéo đi coi sướng chưa, làm như muốn kiếm hốt mình như hốt cá.

- Thằng chỉ huy tụi này chắc khùng...

- Coi chừng nó có kế, tao nghi...

Tôi hỏi Lắm nghi gì. Lắm nói:

- Sợ nó khều nhử mình rồi kêu "ép" lên trút bom!

Tôi nói:

- Cái đó cũng dám lắm, nhưng tới lúc phát hiện kêu bom thì mình cũng phải tóm nó bộn rồi!

Tôi bảo anh em coi lại các mương vườn đã chọn chỗ núp. Bỗng nghe Cần kêu thấy hầm. Tôi chạy lại thấy có nhiều cái hố một nằm rải trên bờ chuối. Khởi nói:

- Chắc hầm của du kích!

- Coi chừng rắn... Tôi nhắc: - Khoan nhảy xuống ẩu, rủi đụng con hổ đất nào nằm dưới đó thì tiêu mạng!

Khởi lại nói:

- Tôi còn cầu gặp rắn hổ đất. Hễ gặp tôi đập chết bỏ đó, đánh xong xách về nấu cháo...

Chúng tôi lần lượt xuống hầm, đặt súng. Bây giờ khẩu đội tôi được địch trang bị cho quá mạnh. Ngoài tôi thủ đại liên, Cần và Khởi đều có trung liên. Tôi đứng thẳng người, quan sát địch, thấy chúng vẫn tiến tới mỗi lúc một gần. Tôi dặn anh em:

- Cú này cũng phải để nó tới thiệt gần, mới nổ. Cứ tỉnh đừng có hấp tấp quơ đũa gắp trước!

- Anh khỏi lo. Nhưng anh nói đợi nó tới gần là gần cỡ nào?

- Tao tính để thiệt sát nút, bảy thước thôi!

Bảy thước dành cho đại liên và trung liên, đó là cái cự ly khai hỏa sát nút nhứt từ trước tới nay. Lắm hồi hộp hỏi tôi:

- Để vậy sợ quá gần, nó ập đại vô e mình không kịp trở tay!

- Đã tính chắc rồi nên tôi vẫn nói:

- Không ập vô nổi!

Tôi đánh giá bằng mắt nhìn, cả bọn địch đang kéo tới cao lắm là sáu bảy chục tên. Nếu chúng đành lọt vô tầm súng thì chắc chắn trong loạt đạn đầu, chúng sẽ bị bắn rụng ít gì cũng vài chục. Tôi mở hẳn một thùng đạn đại liên Mỹ loại đôi, cài giây đạn vào súng, vàng chóe, rực rỡ. Mùi đạn từ thùng đạn mới lấy được ở Ph thạnh nghe thơm sực mùi nhãn chín, nghe thấy khỏe trong mình. Cái cảm giác khỏe người, thơ thới và tỉnh táo nầy là một dự báo tốt lành.

Bọn biệt động ngụy đã tới gần. Dưới ánh nắng vàng vọt tôi đã nhận ra hình thù tên lính, những cái kết vải có rèm, quần áo trận ốp sát bó chật lấy người chúng.

Tội dặn Lắm chớ mà thổi kèn. Lắm có vẻ bực.

- Tao đâu có ngu đến nỗi "lạy ông tôi ở bụi này".

Tôi cười:

- Thì tao dặn vậy, sợ mầy hứng bất tử... Thôi im đi, mình ở trên gió!

Trên đồng, bọn địch bắt đầu thay đổi đội hình, khép lại thành một hàng dọc, đi theo con đường cặp sát vườn chuối. Tôi mừng rơn. Chúng nói chuyện lào xào. Một thằng chưởi thề:

- Đ.m. ba thằng Việt cộng trốn đâu mất hết, đi hoài mà chớ đụng thằng nào!

- Bộ mầy ham đụng tụi nó lắm hả, cái thằng miệng ăn mắm ăn muối...

- Bữa nay, các "đồng chí" mình còn mệt, chắc chưa lên Long-tân đâu. Đ. má, mấy thằng "tiền sát viên" hoảng quá báo ẩu rồi!

Bọn địch đi sát, đến nỗi chúng tôi ngó thấy mặt mũi từng thằng. Chúng đã đi lố khỏi năm bảy tên, tôi vẫn chưa bắn. Lắm huých sườn tôi nhưng tôi gạt nhẹ tay Lắm ra. Đợi chúng đi lố khỏi chừng mươi tên tôi mới ấn cò chấm từ tên đi đầu quét xuống. Hai khẩu trung liên cửa Khởi và Cần cũng nổ ran. Bọn địch đi giăng ngang mặt, như thể bia chường ra. Qua loạt đạn đầu, chúng thưa hẳn đi. Tới loạt sau, chúng chạy toán loạn, bắn trả tùm lum vì không ngó thấy chúng tôi đâu. Tôi liền cắt từng loạt ngắn, có khi bắn lẻ, rốt cuộc trên đồng chỉ còn trên một chục tên. Không để chúng kịp hoàn hồn, tôi xách súng kêu anh em vọt ra. Tôi quơ họng đại liên thét:

- Thôi đầu hàng đi. Tụi bây muốn chết hay sống?

- Dạ, muốn sống! Bọn chúng liệng súng nói lớn.

Trừ mấy tên chạy tuốt, tất cả đều đầu hàng. Thằng nào thằng nấy mặt mày tái mét. Có lẽ chúng chưa bao giờ bị đại liên bắn dữ như mới rồi.

Lắm Kèn cầm khẩu AK đi rêu quanh bọn lính nói:

- Tụi bây rủi mà may, gặp ông Quyết giò nhà tao xổ đại liên mà còn sống là may lắm đó!

Nghe Lắm nói, chợt mấy tên lính đưa mắt ngó nhau, thì thà thì thào.

Rồi, một thằng cóm róm hỏi tôi:

- Dạ thưa... vậy anh là Quyết giò?

Tôi ngó thằng lính, không hiểu sao nó lại nghe biết tên mình, rồi gật đầu tự trỏ vào ngực:

- Ừ, tao đây, nhìn thử coi có họ hàng bà con gì không?

- Dạ không... nhưng lâu nay tụi em có nghe danh anh, giờ mới biết.

Tôi ngạc nhiên cười hỏi:

- Vậy sao, tụi bây nghe tao làm sao?

- Dạ... dạ nghe anh bắn đại liên "căng thần kinh". May phước tụi em không bị anh giũ sổ...

- Đâu có phải mình tao, ở đơn vị tao còn có nhiều người hơn tao xa. Ừ, mà cũng phước lớn cho tụi bây, hồi nãy tao thương tình nên không xổ thêm, chớ tao mà xổ rấn thêm một loạt nữa thì bây tiêu hết rồi. Vậy bây giờ còn sống thì phải nghe lời tụi tao, nghe!

- Dạ.

- Thôi bây giờ tụi bây ngồi xuống nghỉ cho tỉnh hồn lại đi!

Một tên đâm dạn dĩ, rút từ trong túi xệ ra một gói "Quân tiếp vụ":

- Dạ mấy anh hút thuốc!

Tôi xua tay:

- Tụi bây cứ hút, tao không hút đâu, thứ đó lạt nhách!

Đoạn tôi lấy túi thuốc rê của mình, vấn một điếu to đốt hút. Tôi phà khói, hỏi tên lính:

- Tụi bây xuống đóng ở Long-tân lâu chưa?

- Dạ mới năm bảy bữa nay, mà điều trước đó tụi em cũng về đóng ở đó hoài...

Tôi kéo Cần lại, hỏi nhỏ:

- Cái thằng mà bà già ở giữ con cho nó tên là thằng gì?

- Thằng Năm Hổ, hồi đó làm trưởng ấp...

Hỏi Cần xong, tôi day hỏi tên lính:

- Tụi bây ở đó thường, vậy có biết Năm Hổ không?

- Năm Hổ nào? Có phải ông Năm Hổ Chủ tịch Hội đồng xã không?

- Trước y làm trưởng ấp, hồi mấy năm trước...

Tên lính gật đầu:

- Chắc đúng là ổng rồi... ổng mới lên chức Chủ tịch Hội đồng xã một năm nay!

- Chú mầy có khi nào ghé nhà y không?

- Có, có lần em theo "gạc-đờ-co" cho trung úy em tới nhà ổng nhậu...

Thấy tên lính nầy có vẻ chất phác chớ không láu lỉnh, lưu manh, tôi đổi cách xưng hô:

- Theo anh, thằng cha Năm Hổ này có ác ôn không?

Tên lính im đi một chốc rồi đáp:

- Thiệt tình em cũng không rành ổng lắm... Nhưng chưa nghe nói là ông giết ai, ví dụ như là mổ bụng hoặc mổ gan ai, mà điều ông giàu lắm...

- Nhà Năm Hổ có nhiều kẻ ăn người ở

- Có năm bảy người.

- Anh có để ý thấy một bà già mù nào giữ con cho Năm Hổ không?

Tên lính nhíu trán, cố nhớ, nhưng lắc đầu:

- Em không để ý, không biết có hay là không, có khi có mà em không biết... Nhưng ở Long-tân cũng có một bà già mù...

- Vậy hả?

- Dà. Có lần em thả rêu ghé chòi bà già mù đó. Bả ở một mình, bả mù hết hai con mắt mà đương rổ rá giỏi lắm. Bả mù nhưng không đói, đằng sau nhà bả có một miếng rẫy dưa hấu...

Cần không nén được, nhóng người tới hỏi:

- Anh ghé cái chòi đó lâu không?

- Em ngồi một chút rồi đi. Nói thiệt với mấy anh bữa đó em khát quá, thấy đám dưa tính vô kiếm một trái. Ban đầu bà già không biết em là lính, sau mới biết. Bả hỏi em đi lính ăn lương một tháng bao nhiêu, cha mẹ ở đâu. Em nói cha mẹ chết hết rồi. Bà già hỏi sao em không kiếm công chuyện khác mà làm, đi lính có bữa chết, hoặc chưa chết thì cũng bắn chết anh em cô bác mình không thôi... Em nói tại tụi nó bắt đi. Bà già thở dài, rồi lụm cụm đi ra rẫy, hái vô cho em một trái dưa...

- Anh ngó thấy cặp mắt bà già đó mù tự nhiên hay là có thương tích chi không?

Tên lính nói:

- Bị miểng pháo!

Cần buột kêu: "Trời..." rồi nói ghé vào tai tôi: "Anh Quyết, chắc đúng má tôi rồi!".

Tôi rất mừng gật đầu:

- Ừ, tao cũng thấy là chắc tới chín phần mười...

Tôi vỗ vai tên lính:

- Nè, nãy giờ tôi quên hỏi, anh tên gì

- Em tên Đó!

- Nè, anh Đó, bữa nay anh bị tui tôi đánh bắt được là may lắm. Anh đừng sợ, miễn là anh thiệt tình muốn lập công chuộc tội. Chút nữa, tụi tôi còn đánh lên Long-tân, đánh rã ấp chiến lược ở đó luôn. Tụi tôi nhờ anh dẫn tới chỗ bà già mù được chớ?

- Dạ được... Lính Đó đáp, và hỏi: - Mà bà già ấy là chi với mấy anh?

Tôi trỏ Cần:

- Có thể là bà má của anh Cần đây!

- Ra vậy. Được rồi, để em dắt mấy anh tới đó!

- Ở Long-tân, đồn bót lính tráng tụi nó ra sao, anh Đó kể sơ cho tôi nghe coi!

Lính Đó cười, nhe hàm răng có một vài cái răng bịt bạc.

- Ăn thua là tụi biệt động em đây, chớ ba thằng bảo an dân vệ ở đó mà ăn nhằm gì. Cái C em là C biệt động cuối cùng bị mấy anh đánh bứt thì coi như mấy anh muốn kéo vô ấp lúc nào mà không được!

Mặt trời đã lặn. Đại đội chứng tôi kéo ra, anh em không ngờ chúng tôi đã đánh tan bọn biệt động. Chúng tôi giao số tù binh cho Ban chỉ huy, nhưng xin cho lính Đó theo khẩu đội tôi, sau khi đã kể lại cho anh Đấu anh Dũng nghe chuyện về một bà già mù mà tôi tin chắc là bà má của Cần. Hai anh đồng ý giao lính Đó cho tôi. Anh Đấu dặn:

- Nếu kiếm được bà già của Cần thì mấy em bố trí đưa về luôn, cứ đưa trước về Phước-thạnh. Từ đó sẽ giao cho thanh niên xung phong đưa về vùng giải phóng sau, mấy anh đã có bàn rồi!

Quả như lời lính Đó nói, đơn vị chúng tôi chưa tới Long-tân thì bọn bảo an dân vệ ở Long-tân đã bỏ chạy. Giữa lúc đơn vị tôi tràn vô cái ấp chiến lược còn nguyên để lục soát coi có tên ác ôn nào còn trốn lại không thì tôi dẫn khẩu đội theo lính Đó đi kiếm bà má Cần.

Lính Đó dắt chúng tôi đi miết về phía ấp, nơi cây cối thưa thớt lần, rồi tới một cánh đồng vắng vẻ nhưng cũng nằm trong vòng rào giây thép gai. Xa xa phía trước, ở giữa đồng, thấy có mấy ánh đèn leo lét. L nói:

- Cái chòi bà già ở khúm nhà đó!

Chúng tôi theo đường mòn đi như chạy về phía có ánh đèn. Một lát sau, tới xóm nhà có năm ba cái nhà nhỏ.

Từ trong nhà, có người đàn bà nào hỏi:

- Ai đi đó?

Tôi lên tiếng:

- Tụi tôi, bộ đội giải phóng đây!

Người đàn bà vừa hỏi vụt nín im. Chúng tôi theo lính Đó tới cái nhà ở cuối chòm nhà. Tới chừng đứng trước cái nhà đó, tôi nhận ra ấy là cái chòi chớ không phải là nhà.

Lính Đó trỏ vô chòi:

- Hôm nọ em ghé gặp bà già ở đây!

Tôi cất tiếng hỏi vào trong chòi tối om om:

- Có ai ở nhà không?

Tại cửa chòi chợt có bóng người, ở sát bên tôi. Bởi trời tối, nên tôi không để ý, lúc định thần ngó kỹ mới thấy dáng một bà già đứng nép bên cửa chòi, như cái bóng. Chừng như bà già đứng đó đã lâu, và ngóng đợi điều gì cũng đã lâu. Tôi liền nói, tin rằng điều mình nói đáp ứng đúng nỗi mong đợi của bóng người kia:

- Dạ... tụi cháu là bộ đội giải phóng mới về!

Rõ ràng tôi thấy cái bóng bà già như run lên. Vậy rồi bà lập cập như té chạy tới trước mặt tôi. Cần ở sau đó lách tới. Nhưng tôi ngăn Cần lại, chụp cầm đôi bàn tay răn reo của bà già:

- Má có thằng con nào tên Cần không?

Bà già đứng sững, hình như có sự nghi ngại không biết có thiệt chúng tôi là bộ đội giải phóng hay không.

Lính Đó v

- Má ơi, con là thằng lính ghé chòi má hôm nọ ăn trái dưa. Mới hồi chiều nay con bị mấy anh giải phóng đây đánh bắt được, mấy ảnh biểu con dắt mấy ảnh tới đây kiếm má đó mà!

Bà già vẫn có vẻ chưa tin hẳn. Tôi cảm thấy tim tôi nhói lên về điều đó, vì chỉ riêng điều đó cũng đã đủ nói cho tôi biết tất cả những sự gạt gẫm rún ép của địch ở đây nhiều lần đến nỗi chúng tôi đứng sờ sờ trước mặt mà bà má cũng chưa dám tin. Tôi phải đành cười nói:

- Nếu má chưa tin thì bây giờ má rờ thử, coi má có nhận ra thằng nào là con ruột của má không?

Cũng may vừa lúc ấy mấy thím mấy chị lối xóm bưng đèn qua tới, lăng xăng mừng rỡ chào hỏi chúng tôi. Chừng đó bà má mới tin, mới ôm lấy chúng tôi. Những ngón tay gầy guộc của má giờ run rẩy lướt lên người chúng tôi như dò tìm cho xác thực đây có đúng là những đứa con của mình không? Hai hố mắt má trông thiệt đáng thương. Miểng đại bác đã khoét mù mắt má, nên vùng mắt đó không còn gì, tối kín như bưng. Vậy nhưng tôi có cảm tưởng như má ngó thấy hết. Má rờ rẫm, ôm chặt chúng tôi trong lúc tấm thân già nua của má cứ run lên vì nỗi sung sướng và xúc động bất ngờ. Tôi lại để ý thấy ngoài đôi tay rờ rẫm, nắn nót, bà má còn ngửi được, phân biệt được. Ngoài đôi mắt đã mất, và các giác quan thông thường khác chắc hoạt động mạnh hơn hẳn trước, ở bà má còn có cái gì đó rất lạ. Đứa sau cùng tôi đẩy nhẹ vào lòng má là Cần. Chỉ mới vừa ôm lấy Cần, chỉ mới đưa bàn tay sờ khắp mặt Cần, má đã rền rĩ kêu lên:

- Trời... thằng Cần!

Thiệt lạ lùng quá. Sự xác nhận của má mới nhanh làm sao. Chỉ với đôi bàn tay sờ lướt qua đó, trong im lặng. Tôi nhìn cảnh ấy, lòng tự hỏi lẽ nào người mẹ lại thuộc mắt mũi đứa con mình tới cái mức đó. Tôi bàng hoàng xúc động tự hỏi như vậy. Song cảnh thực trước mắt tôi rõ ràng là vậy. Coi kìa, khi buột lên tiếng gọi Cần, thì tự nơi hai hố mắt kín bưng sâu thẳm của má bỗng từ từ ngập đầy nước mắt. Và khi bàn tay má nhẹ rời mặt Cần buông thõng xuống, thì khuôn mặt Cần ngay lúc đó cũng ràn rụa nước mắt.

Một thím lối xóm cầm đèn, nước mắt lưng tròng, lính quýnh dơ đèn lên nói:

- Thôi mời mấy chú vô nhà chớ Bà Tư, mời mấy chú vô nhà đi, bà Tư!

Bà má mù lòa đang sung sướng ấy giờ như sực tỉnh, quờ chụp tay chúng tôi, lụm cụm dắt vô chòi.

--------------------------------

Máy bay trinh sát OV.10 của Mỹ gồm có hai thân rất giống cầu tiêu ở miệt vườn Nam bộ.