Đứa con của đất

Chương 1

Docsach24.com

ấy giờ chú Tư Râu Sắt dơ bó đuốc rơm mới nhen cháy lên nói:

- Thôi anh em mình đưa anh Năm vô nhà đi!

Mấy chú mấy bác nông dân Phước-lai khom những tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi, luồn qua cái khung của hẹp té của nhà tôi, trở ra sân.

Tôi và chị Hòa tôi bíu lấy nhau đứng thu lu ở góc sân. Chúng tôi đứng chết sững ở đó, người khẽ run lên như đôi chim non bị bão. Rồi chị Hòa tôi khóc lớn và nắm chặt lấy tay tôi. Tôi không khóc, mà đứng ngó về phía chái bếp ám đầy khói. Tại đó, má tôi có thai bảy tháng, bụng nhú to, đang dựa lưng vào vách đất. Trong buổi chiều nhá nhem, bóng má tôi không động, thoáng thoáng hiện bởi ánh đuốc lúc chờn vờn lúc bừng lên.

Giá như cái bếp trệt nọ đỏ lửa như mọi hôm và trên bếp có một nồi cơm đang sôi thì trông má tôi như đang ngồi nấu bữa cơm chiều. Nhưng không, má tôi đã chết. Lũ ác ôn sau khi mổ bụng ba tôi, đã đâm mấy nhát dao thiệt sâu vô ngực má tôi đang bụng mang dạ chửa. Và không hiểu sao, chúng còn kéo má tôi đặt dựa lưng vô vách.

Vậy là trong lúc ra sông hái bần, chị em chúng tôi đã trở thành hai đứa trẻ mồ côi. Chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, bọn ác ôn đã băng tắt đường ruộng, lẻn vào giết chết ba má tôi. Sự việc này xảy ra không làm tôi đến nỗi khó hiểu. Đã mấy năm nay, nhà tôi là chỗ ẩn náu nương tựa của mấy cô mấy chú cán bộ. Hồi đêm hôm ấy, bọn tố cộng gom bà con Phước-lai lại bãi cỏ trước đình làng. Chúng dúi gậy vào tay bà con buộc phải đập anh Sáu Chiến, là một cán bộ chúng vừa bắt được Anh.Sáu Chiến thì cũng đã có lần ở trong nhà tôi.

Ba má tôi bị bọn tố cộng cưỡng ép đập anh Sáu Chiến đầu tiên. Nhưng cả ba lẫn má tôi đều đứng trân trối nhìn anh Sáu Chiến, nước mắt chảy ròng ròng. Vậy rồi ba má tôi quẳng gậy đi, vùng la lớn: "Tôi không đập, tôi không đập!". Tiếng la của ba má tôi lúc ấy nghe như bị bóp tim. Tất cả bà con xung quanh được thể cũng phản đối không chịu hành hạ anh Sáu Chiến, bảo rằng anh không có tội tình gì cả. Bọn tố cộng tức tối, hầm hè lôi anh Sáu Chiến đi, giữa lúc anh còn ngoảnh lại nhìn ba má tôi, nhìn bà con với đôi con mắt ướt đầy.

Cho đến chiều nay, bằng tính mạng mình, ba má tôi đã trả giá cho cái hành động cự tuyệt trong đêm hôm trước. Sự trả giá ấy chắc là ba má tôi cầm như thế nào nó cũng đến, ngay từ lúc ba má tôi quăng gậy. Nhưng không phải chỉ có ba má tôi chết. Cùng chết theo với ba má tôi, còn có đứa em sắp sửa ra đời của tôi nữa.

Chỉ còn sót lại chị em tôi. Cũng là sự may mắn. Chớ nếu như chị Hòa và tôi mà có ở nhà trong cái giờ khắc ác nghiệt đó thì có lẽ giờ đây chúng tôi cũng không còn.

Thiệt là tội nghiệp cho má tôi, chẳng là hồi sáng má tôi có thốt bảo rằng mình thèm ăn bần quá. Cho nên vào lúc xế chiều chị em tôi mới rủ nhau ra sông hái bần. Chúng tôi lựa bẻ toàn thứ bần dĩa, chua dịu mà không chát, trái nào trái nấy lớn gần bằng cái dĩa con cá 1.

Bà con đã khiêng ba tôi vô nhà. Con chó Phèn của tôi chạy quấn theo sau, kêu ư ử. Mọi người đặt ba má tôi lên cái chõng tre cũ, thấp và ọp ẹp. Ba tôi vẫn ở trần, đầu còn buộc khăn xước. Bụng ba tôi nay đã được đắp bằng tấm áo lên phèn, mốc cời của chính ba tôi. Má tôi nằm hai tay đặt nơi bụng, cứ như là giữ lấy, cứ như muốn đời đời che chở cho đứa em sắp ra đời của tôi. Ba má tôi nằm sóng đôi, dưới ánh đuốc cháy sáng, hệt như ngày nào nằm ngủ bên nhau sau buổi làm lụng vất vả.

Tôi cảm thấy cái giờ phút nghiêm trọng, cái giờ phút xa lìa ba má tôi đã tới gần, nên tôi tiến lại bên giường. Từ người ba má tôi toát lên mùi máu, mùi mồ hôi, mùi khét nắng trộn lẫn với mùi rơm mới thơm thoảng. Giờ đây tôi không biết sợ những mùi ấy, giờ đây tôi những muốn nhào tới ôm chặt lấy ba má tôi.

Trời đã tối hẳn. Bà con lối xóm kéo tới độ mươi người. Thời buổi này, mọi cuộc tụ tập, kể cả cuộc đưa đám cũng đều là nguy hiểm. Cho nên những người ấy đến nhà tôi một cách im lặng, như những cái bóng. Và chỉ với chừng ấy người thôi, mà nhà tôi coi chừng đã chật, bởi gọi là nhà chớ kỳ thiệt nó chỉ nhỉnh hơn cái chòi giữ dưa một chút mà thôi. Kế đó tôi nghe mọi người bàn tính tới lui mãi về vụ ván đóng hòm. Là bởi nhà tôi vốn không có ván, mà bà con lối xóm cũng chẳng có nhà ai có bộ ván nào nguyên vẹn. Rốt cuộc mỗi nhà phải gom góp lại từng tấm ván để đóng hai cái hòm. Lúc bà con tẩm liệm cho ba má tôi, và lúc tôi ngó thấy nắp hòm đậy lại thì tôi vùng la ré lên rồi chạy nhào tới, vẹt mấy người đứng chung quanh ra. Bà con chụp ghì chặt lấy tôi. Tôi la dữ dội, khi nghe tiếng đóng nắp ván hòm vang lên cum cum. Tôi có cảm tưởng những cây đinh kia không phái đóng vào ván, mà là đóng vào giữa tim tôi. Lịch kịch mất một lúc nữa, mọi người mới bắt đầu đốt thêm đuốc đưa ba má tôi đi. Chị Hòa và tôi chạy ùa theo. Đám người cầm đuốc đi về phía miếng đất gò bỏ hoang ở cuối làng. Tôi cũng biết rằng không còn có chỗ nào khác. Gia đình chúng tôi thì có mấy công đất được cách mạng tạm cấp hồi kháng chiến chống Pháp, nhưng khi hòa bình lập lại chưa đầy một năm, mấy công đất đó đã bị chủ đất giựt lại ráo. Bây giờ những người cố nông mình trần thân trụi kiểu ba má tôi mà chết thì lại ra nằm nơi miếng đất gò mà xưa kia đời ông đời cha vẫn nằm.

Chị em chúng tôi đi ngay sau hai cái hòm. Con Phèn luôn bám sát gót chân tôi. Chị Hòa tôi vừa đi vừa khóc và vấp ngã luôn. Thấy vậy một người bước tới cõng xốc chị tôi lên vai. Một người nữa cũng đến dợm cõng tôi, nhưng tôi không chịu. Người đó vẫn ghé lưng:

- Thằng Quyết leo lên tao cõng!

Tôi vẫn không chịu. Tôi đi bươn tới, không rời h cái hòm. Bị vấp mấy lỗ chân trâu, tôi ngã chúi người, nhưng lại lồm cồm trờ dậy, chạy riết theo. Chú gì đó không cõng được tôi, chép miệng nói trong bóng tối:

- Dì Sáu coi, cái thằng nhỏ này thiệt kỳ. Tự hồi chiều tới giờ tôi thấy nó cứ lầm lì, biểu cõng cũng không chịu cho cõng nữa chớ, cái thằng thiệt...

Tôi nghe tiếng dì Sáu Xích bảo:

- Ối, con nít mà!

- Nó con nít, mà điều tôi coi tướng nó gan...

Tôi nghe họ nói hết, và lấy làm tức mình. Ba má tôi chết cách đau đón như vậy mà tôi không buồn sao.

Tôi đã mười hai tuổi rồi chớ còn nhỏ nhít gì. Thiệt ra, tôi thương ba má tôi không biết để đâu cho hết, nhưng từ chiều tới giờ xen giữa nỗi đau, tôi mãi nghĩ về kẻ đã giết ba má tôi. Đêm hôm qua, tôi cũng có mặt nơi bãi cỏ đình làng, và nhìn thấy ba má tôi liệng gậy. Cho nên bây giờ tôi biết ai là bọn đã giết ba má tôi, tuy chưa biết đích xác đứa cầm dao. Tôi mãi mường tượng tới một dịp chạm mặt với bọn người đó, và ước sức mình có thề cầm chĩa mà đâm từng tên một. Hết nghĩ ra cách báo thù bằng chĩa, tôi lại nghĩ tới cách báo thù bằng dao. Nhưng cách nào tôi cũng thấy chưa đủ hả. Vì mãi nghiến ngấu trong lòng về những điều đó nên tôi không khóc, chỉ khi nào sực nhớ là bắt đầu từ giờ phút này mình không khi nào còn gặp lại ba má mình nữa, khi đó bụng dạ chết điếng, tôi mới thét lên.

Chú Tư Râu Sắt nẫy giờ cầm đuốc đi đầu bỗng dừng lại. Chú nói như hạ lệnh:

- Thôi, tới chỗ rồi, anh em dừng lại!

Chú Tư quơ ngọn đuốc soi quanh một cái nỗng đất trụi lủi:

- Mình đặt vợ chồng anh Năm nghỉ ở đây... Anh nào thủ cuốc vá lên đây coi!

Mấy người cầm cuốc vá ở phía sau lom xom chạy tới. Chú Tư Râu tuồng như đã thuộc lầu hết mọi gò nỗng ở đây:

- Đào ở chỗ này thôi. Anh em mình bắt tay vô đi. Đất chỗ này hơi cứng đa, mà điều khỏi sợ nước ngập

Những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống lớp đất gò, nháng lửa. Đất cứng quá. Mãi một lúc sau, mới xuống được tới lớp đất hơi mềm hơn. Rồi không mấy chốc, tôi ngó thấy lưỡi vá bắt đầu thuốn lên những thỏi đất đỏ rói như máu. Tôi bắt rùng mình. Đêm cuối năm, gió lạnh run rẩy lùa trong bóng tối. Nhưng trên lưng những người đào huyệt thì mồ hôi vẫn đổ tươm tươm. Trong tiếng cuốc vá đào bới, lát lát lại bật lên tiếng khóc nức nở của chị Hòa tôi, tiếng sụt sịt và hỉ mũi rèn rẹt của mấy thím cùng xóm. Có tiếng gầm gừ chửi rủa tụi ác ôn Mỹ - Diệm. Và dì Sáu Xích, là người đàn bà lối xóm thấu hiểu tình cảnh nhà tôi thì miệng không ngớt than thở cho số phận hai chị em tôi. (Tôi nghe nói hồi trước chính dì Sáu là người chứng kiến cái cảnh ba má tôi dắt díu tới đây ở đậu đất làng).

Hai cái huyệt mỗi lúc một xuống sâu. Tôi sợ quýnh lên trước miệng huyệt tối om dần đó. Lát sau, chợt chú Tư Râu Sắt nói:

- Được rồi! Mọi người xúm lại hạ huyệt.

Dì Sáu Xích lượm đất cục dúi vào tay chị em tôi bảo ném xuống. Tôi làm theo lời dì. Nhưng tôi liền cảm thấy đau điếng khi cục đất rơi trúng đánh bộp trên nắp tấm ván thiên. Tôi không liệng thêm cục nào nữa. Trong khi đó, con chó Phèn quýnh quáng chạy vòng quanh miệng huyệt và tru rống lên.

Việc chôn cất ba má tôi vậy là xong. Giữa lúc cô bác sửa soạn quay về xóm, tôi ngồi bệt bên mả. Cạnh tôi, con Phèn nằm phục, duỗi hai chân tới trước. Con chó lông vàng ấy không ngớt le lưỡi cúi liếm đất mộ. Không lẽ để một mình tôi ngồi đấy, cô bác lôi tôi đi. Nhưng tôi rị lại, vùng vẫy trong im nín. Tôi không muốn rời ba má tôi mặc dù bây giờ ba má tôi nằm dưới đất. Cho tới khi chú Tư Râu Sắt lừ lừ bước đến cất giọng ồ ồ:

- Đi về, Quyết. Hay là lên tao cõng về!

Chừng ấy tôi mới chịu đứng dậy. Tôi thấy khó mà cưỡng lời chú Tư Râu Sắt. Lâu nay tôi có phần kiêng sợ chú. Chẳng những kiêng sợ mà còn sùng bái và khâm phục chú nữa. Không phải tự dưng chú Tư có kèm thêm- cái biệt danh là Râu Sắt. Đó là một cái biệt danh của chú từ hồi kháng chiến chống Pháp. Theo lời ba tôi kể lại thì khi còn là một du kích, chú Tư có một ngón nghề đặc biệt hơn mọi du kích khác là thường ngồi đợi Tây trong bụi cây hoặc núp rình sau các cánh cửa, hễ Tây la cà vô xóm sơ ý một chút là bị chú nhảy ra chộp cổ. Thằng Tây nào bị chú chộp cổ, lúc buông ra cũng đều trợn mắt chết tươi, và ở nơi cổ thằng Tây đó y như rằng còn in đủ dấu nă ngón tay tím bầm. Tôi vốn thán phục chú Tư Râu Sắt từ lâu nên bây giờ tôi không thể cưỡng ý chú được.

Song tôi cũng chẳng để cho chú cõng. Tôi đi một mình lùi lũi sau lưng chú. Lúc đó, tôi yên chí là con Phèn vẫn chạy ở đằng sau. Nào ngờ đi được một đỗi, tôi ngó ngoái không thấy con Phèn đâu cả. Tôi liền đứng lại, dợm trở lui kiếm còn Phèn, nhưng xảy nghe loáng thoáng phía trước hình như ai đó đang nói chuyện về tôi, cho nên tôi bước riết theo để lóng nghe coi họ nói gì. Thì ra mọi người đang nói về cái chết của ba má tôi. Có tiếng một người bảo:

- Tôi thì tôi nghi tụi trên quận xuống!

- Thì mấy thằng tố cộng hồi hôm chớ ai!

- Không phải, chắc tụi biệt kích... Thì cũng là lũ đó. Thiệt chó đẻ hết sức, biểu người ta làm điều thất đức, người ta không chịu làm rồi lén tới nhà giết người ta!

- Nó lỏn vô êm quá, chắc đi tắt lối ruộng...

- Đồ sát nhơn ám muội chớ có giỏi giang gì. Thương là thương cho anh Năm chị Năm. Người vậy mới là người biết nghĩa biết ân. Hai vợ chồng anh thà cam chịu chết chớ không chịu làm điều bất nghĩa, nay dẫu có thác cũng đáng được thành thần. Còn phần anh Sáu Chiến, tụi nó nói ảnh là cộng sản, biểu mình đập ảnh. Trời đất, hồi đó ảnh làm bình dân học vụ, lo lợp trường học cho con cháu mình học...

- Chắc rồi tụi nó cũng đem anh Sáu Chiến đi thủ tiêu thôi!

- Thà là như vậy, chớ bà con mình nhứt định không đập chết ảnh được!

Tôi lắng nghe tới đó rồi không còn nghe được nữa, vì mấy người nọ hạ giọng, rì rầm nói nhỏ lại. Nhưng chỉ với những câu nói ấy cũng đủ làm ruột gan tôi bồn chồn và càng nhận rõ kẻ đã giết ba má tôi.

Đêm hôm đó, sau khi từ ngoài gò mả trở về, chị Hòa tôi cứ sợ sệt nhớn nhác không ngủ được. Tôi phải khuyên lơn chị, mặc dù cảnh nhà trống trải thiệt ra cũng khiến bụng dạ tôi tê tái chớ không sao cứng cỏi cho được. Con Phèn thì vẫn biệt tăm chưa thấy về, Nhưng tôi cũng không đi kiếm nó nữa. Lâu lắm, tôi với chị Hòa mới chợp mắt. Chúng tôi thiếp đi trong nỗi đau thương và mất mát lớn lao cứ như mỗi lúc một xâm chiếm, tràn ngập tâm hồn thơ dại của chúng tôi.

Rạng ngày, dì Sáu Xích cầm lòng không đậu trước tình cảnh bơ vơ của chị em tôi, từ bên nhà sang nói:

- Thôi bữa nay hai đứa qua bên nhà tao ở. Để rồi tao nhắn cô Tám bây trên Phước-kiển xuống bàn tính coi... Chớ ba má bây không còn, ở đây lấy cơm gạo đâu mà ăn!

--------------------------------

Dĩa gốm nhỏ thường đựng nước mắm, có vẽ hình con cá.