Dù Không Là Thiên Thần

Chương 7: Vết thương

Tôi giơ bàn tay trái ra, chầm chậm xòe bàn tay ra trước mặt anh, nói: Vì em là người có vết thương. Vết thương của em không gì có thể chữa khỏi.

1

Tôi ngoái đầu nhìn lại thấy một người đàn ông trẻ tuổi đứng cạnh tôi. Anh mặc áo vải may màu xám thuốc lá. Trong sảnh lớn ồn ã tiếng người, tiếng nhạc, màu sắc rực rỡ, bóng người nhộn nhạo. Ai cũng muốn chen lên phía trước, hy vọng có thể đứng được dưới chùm đèn sáng nhất, được nhiều người khác chú ý đến.

Trong sự chen lấn đó, buộc tôi cứ phải lùi lại phía sau.

Hôm đó là bữa dạ tiệc thường lệ hàng năm nhân dịp tết lao động 1-5 của công ty. Ngoài những đồng nghiệp thường gặp và không thường gặp ở nơi làm việc, nhiều nhà buôn có máu mặt cũng đến dự tiệc. Với mỗi người, đây là cơ hội tốt để phát triển kinh doanh.

Tôi thấy nhiều người cùng giới mặc những bộ dạ hội đầy nữ tính, ai cũng trang điểm lộng lẫy, khiến ngôi nhà cao to lạnh ngắt bê tông cốt thép tràn ngập vẻ xuân.

Tôi đứng trong một góc nhìn họ. Tôi đã mặc bộ quần áo đẹp nhất mà tôi có: áo tơ tằm màu nâu, tay lửng, cổ bẻ phẳng, chỉ lộ cái xương mỏ ác hơi nhọn, quần dài vải đay màu đen, ống rộng hợp với đôi giày gót nhọn.

Vẫn cảm thấy có một cái gì chưa thật hợp.

Nghĩ vậy, tôi cười một mình. Vừa ngoái đầu lại thì thấy anh chỉ cách tôi khoảng một mét, anh đang nhìn tôi.

Áo vải đen màu xám tàn thuốc, cùng chất liệu với cái quần dài của tôi, kiểu dáng rất hòa hợp, cổ vuông nhỏ, túi vuông. Quần dài cùng màu đen, bằng vải bông. Một đôi giầy không dây, màu trắng.

Tôi có cái thói quen nghề nghiệp đánh giá người bắt đầu từ quần áo.

Sau đó là mặt của anh, hơi vuông, không gầy, không béo, màu nâu nâu. Mắt không to lắm nhưng ánh mắt trong sáng đến không ngờ. Đôi môi với đường nét dịu dàng, cái cằm hơi bướng bỉnh, khoảng hai bảy, hai tám tuổi, tóc cắt cao ngay ngắn.

Anh cười. Cái góc nhỏ ấy, hai người đứng đã gần chật cả.

“Nguyễn Binh” tôi chợt kêu lên trong lòng. Anh đưa tay ra về phía tôi.

A, Nguyễn Binh, tôi vội chìa bàn tay phải ra. Không phải thích bắt tay đàn ông, chỉ vì cái tên ấy, tôi đã nghe, hơn nữa rất khâm phục. Ở tập đoàn thời trang Danh Sĩ, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của công ty thời trang chúng tôi, Nguyễn Binh là nhà thiết kế hạng nhất, là đồng nghiệp của tôi, cũng là đối thủ của tôi. Nghe nói, anh mới từ nước ngoài về với Danh Sĩ chưa lâu, nhưng trong ngành thời trang anh đã nổi tiếng. Tôi không ngờ anh còn trẻ thế, ăn mặc xuềnh xoàng thế, rất hợp gu thẩm mỹ của tôi.

“Tôi biết danh tiếng của anh đã lâu”. Tôi nói.

“Nghê Ấm, không có thể, chị còn trẻ thế này à?”. Anh nói giọng đầy ngạc nhiên trong khi vẫn chưa buông tay tôi. “Đúng là chị đã thiết kế kiểu váy Đường Phong đầy nữ tính kia phải không? Có thể trở lại đời Đường nổi tiếng về thời trang rồi đấy”.

Tôi cười, rụt tay lại, không trả lời câu hỏi của anh. Không biết anh nói thật lòng hay chỉ nịnh tôi. Tôi muốn tin rằng đối phương này không khéo nói, để lộ hết cả lòng dạ của mình. Anh có lẽ là người như thế. Cái ánh mắt ấy không giống như che giấu một cái gì bên trong.

Tôi thấy nhẹ nhõm hơn một tí.

2

Ở trong một cái góc nhỏ, không phải là sở thích của tôi. Tôi đã từng là người thích ồn ào. Khi còn là con gái chưa đầy hai mươi tuổi, học thiết kế thời trang trong một trường Đại học, tôi hoạt động rất sôi nổi. Tôi không xấu gái, lại lớn lên trong một gia đình nề nếp. Gia cảnh sung túc, bố mẹ hòa thuận, nên tính cách tôi là tính cách hướng ngoại. Thời tiểu học, tôi thích làm lớp trưởng, thời trung học, thích làm bí thư chi đoàn, đến đại học, tôi thích tổ chức những hoạt động bề nổi có tích chất phong trào, lại tự cho rằng mình có tài năng hơn người.

Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã thích mặc quần áo do mình thiết kế, mẹ mua vải về, đem thuê thợ may cắt may theo bản vẽ của tôi. Hồi đó, mẹ tôi chỉ biết nghe theo tôi. Những quần áo do tôi thiết kế, đúng là đẹp nên mẹ tôi không thể nói gì được.

Trong một hoạt động do tôi tổ chức ở trường Đại học, tôi đã quen với Phó Tự Hành. Từ lâu tôi có tham vọng phải tìm được một công ty thời trang lớn để thiết kế cho họ. Tôi nghĩ Phó Tự Hành có thể giúp tôi biến ước mơ đó thành hiện thực.


Đó là một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, phụ trách văn phòng đại diện của một công ty thời trang nước ngoài ở Trung Quốc. Anh ta hơi gầy, có cặp mắt sâu. Mọi hành vi cử chỉ của anh ta tỏa ra một sức hấp dẫn mà bọn con trai trong trường không thể so sánh được.

Anh ta coi bọn sinh viên trong trường như chúng tôi là đáng giá nhất, có triển vọng nhất. Tôi đã thiết kế cho anh ta hai kiểu quần áo. Mặc dù kiểu quần áo đó chưa được sản xuất hàng loạt, nhưng khi đến gặp tôi lần thứ hai, anh ta đã mặc một trong hai kiểu đó. Chất liệu vải còn hơn hẳn loại mà tôi mơ ước, màu đỏ tươi, cái cổ bẻ xinh xắn, bốn cúc, túi áo được viền bằng một màu hơi khác.

Khi nhìn tôi cười, anh ta biểu lộ đầy đủ nhất cái khí chất quý tộc mà tôi thầm mong ước.

Hồi đó tôi là đứa con gái hoàn toàn trong trắng, chưa hề có một cái gì đen tối, chưa hề có một tí nào. Năng lực nhìn nhận cuộc sống của tôi hầu như là một con số không. Tôi đã vội vàng yêu Phó Tự Hành, nghĩ rằng anh ta có thể tạo cơ hội cho tôi. Trên thực tế, chính anh ta đã tạo cơ hội cho tôi. Anh ta tìm tôi, đưa tôi đi xem phim, tặng tôi nước hoa quý. Khi lái xe, anh ta đặt tay lên bàn tay tôi.

Thế rồi, trong một buổi tối, anh ta đã cướp đoạt đi của tôi tất cả, sau đó nói với tôi rằng anh ta đã có vợ.

Những chuyện như vậy, ngày nay không ít, nhưng với tôi hồi đó là không thể nào chấp nhận được. Tôi muốn sống đứng đắn nhất. Với tâm trạng đó, tôi đã yêu anh ta, chờ đợi một tương lai tươi sáng. Anh ta có thể chọn cách không yêu tôi, có thể cho tôi biết anh ta đã không còn hoàn toàn tự do nữa.

Nhưng anh ta không nói gì hết. Phó Tự Hành chỉ nói: “Anh cho rằng, em hiểu được quy tắc của tình yêu là như thế…”. Anh ta coi nhẹ như không, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến hậu quả nghiêm trọng mà tôi phải gánh chịu.

Anh ta nói quy tắc của tình yêu là để giữ thể diện cho tôi, không nói đó là trò chơi.

Đêm hôm đó, tôi không khóc, tôi trở nên đờ đẫn. Tôi mang tâm trạng phải có một tương lai tươi sáng để đi yêu anh ta. Thật không thể ngờ, nhưng anh ta đã chiếm đoạt tất cả của tôi.

“Em không thể đòi anh ly hôn để cưới em chứ?” – Phó Tự Hành nói, “Em phải biết mình, em là người con gái mà trời đã ban phó cho tất cả những gì để được nhiều con trai yêu chiều. Em sẽ có một tương lai rực rỡ, không phải để đi lấy những người chỉ biết tương cà mắm muối. Nghê Ấm, em không nên phụ cái sắc đẹp mà trời đã ban cho em. Em phải thoáng rộng hơn, như thế em sẽ hạnh phúc”.

Phó Tự Hành lên lớp cho tôi như vậy đó, đòi tôi phải thoáng rộng, đòi tôi phải nhận thức được giá trị của mình không phải là để đi làm vợ những kẻ ích kỷ.

Anh ta đã ngụy biện một cách vô liêm sỉ để bào chữa cho hành vi bỉ ổi của mình.

Nhưng tôi không thể chấp nhận. Một là tôi yêu anh ta khi chưa hề yêu ai khác. Đó là mối tình đầu của tôi. Hai là, nửa tháng sau, tôi biết mình có mang.

Rất nhiều, rất nhiều những điều tôi không đủ sức chịu đựng, đột nhiên ập đến trong một thời gian cực ngắn.

Cách giải quyết của Phó Tự Hành là một tập giấy bạc, xanh có đỏ có. Anh ta nói: “Anh có thể đưa em đến bệnh viện. Y học ngày nay đã tiến bộ rất nhiều, em không phải đau đớn gì cả. Cứ coi như một lần cảm nhẹ, sẽ khỏe nhanh thôi”.

“Phó Tự Hành, rốt cuộc có phải là anh yêu tôi không?”. Tôi nhìn anh ta, răng nghiến ken két. Nghĩ lại mình đúng là trẻ con, đến mức độ đó mà tôi còn hỏi anh ta như vậy.

Anh ta nói: “Yêu có rất nhiều loại. Anh nói em có tin không?” Anh ta cười, nụ cười đã mê hoặc tôi hồi đầu ấy, lúc đó như một nhát dao chọc thẳng vào tim tôi. Tôi chộp lấy cái cốc nước trên bàn, ném thẳng vào mặt anh ta. Đó là một cái cốc đựng đầy nước sôi. Anh ta không hề phòng bị gì. Anh ta không ngờ tôi có thể làm như vậy, không kịp tránh né, không kịp chống đỡ. Nước sôi đã làm bỏng nặng da mặt anh ta. Lúc đó đang là giữa mùa hè.

Tôi bị bắt giam mười lăm ngày. Phó Tự Hành đã bảo lãnh cho tôi ra. Cứ như mình là đấng cứu thế, anh ta mỉm cười với tôi và định một lần nữa khoác tay tôi. Nhìn bộ mặt đã bị bỏng nặng của anh ta, tôi chỉ muốn lấy dao chém thẳng vào đó.

Tôi chỉ tiếc tại sao anh ta không chết.

Phó Tự Hành cuối cùng cũng đã nhìn ra tất cả, lìa bỏ tôi, nói với tôi câu cuối cùng: “Cô thật không biết điều, không thấy được sự nâng đỡ của người ta, nay thì tiền mổ cũng không thể cho cô được nữa”.

Nhà trường khuyên tôi thôi học.

Đêm hôm đó, sau khi mổ, nằm trong một gian nhà ẩm ướt mà bạn bè đã thuê cho, tôi đã dùng một mảnh kính vỡ, rạch ngang rạch dọc lòng bàn tay trái của mình, máu chảy đầm đìa. Tôi căm ghét bàn tay đó, nó đã bị Phó Tự Hành nắm chặt trong suốt một buổi tối, đã bị anh ta hôn lên, bị anh ta đặt lên tim anh ta. Bàn tay trái đó đã làm những việc không nên làm.

Đó là cái giá đầu tiên mà tôi phải trả cho sự trưởng thành của mình. Một lần, đủ cho cả cuộc đời.

3

Sau khi rời trường, tôi không về nhà. Tôi không thể về nhà trong tình hình như thế. Tôi đi Thượng Hải tìm việc làm, vừa làm vừa tìm cách học tiếp. Một năm sau tôi thi đậu vào khoa thiết kế thời trang người lớn của một trường đại học khác.

Những vết thương thể xác của tôi dần dần khỏi, để lại trong lòng bàn tay trái của tôi rất nhiều sẹo dọc, sẹo ngang.

Tôi nhanh chóng trưởng thành, bắt đầu hối hận, tại sao đêm đó tôi lại dại dột gây thương tích cho mình. Tôi rất không nên, không đáng làm như vậy. Nhưng vết thương trong lòng vẫn nhức nhối, mãi mãi nhức nhối. Tôi đã ngây thơ dại dột nhìn nhầm người. Lúc đó tôi chỉ muốn chết đi cho xong chuyện.

Bốn năm sau, tôi trở lại thành phố này, tìm được công việc này. Trong bốn năm, tâm tính tôi hầu như đã hoàn toàn thay đổi, nhưng những mất mát về mười lăm ngày mất tự do, về lần phẫu thuật ấy, về những giọt máu tuôn ra từ lòng bàn tay trái của tôi, về những gì mà tôi phải gánh chịu trong những năm tháng không dám về nhà vẫn đè nặng lên tâm hồn tôi.

Từ đó, tôi bao giờ cũng nắm chặt bàn tay trái của mình, không dám mở ra cho bất kỳ người nào thấy. Đó là những vết sẹo rất xấu xí, mà mỗi lần nhìn thấy, tôi nhức nhối tận tim gan.

Tôi đã cố hết sức không để ý gì đến chúng, nhưng tôi đã trở thành một kẻ lặng lẽ tránh đời. Tôi biết lòng tôi đã ổn định.

Tôi cứ cố che đậy, không muốn cho người nhà hoặc người quen nhìn thấy cái gì. Nhưng một bữa tiệc rượu thường lệ, thật ra là không cần thiết phải để tâm tư của mình vào đấy. Chịu đứng trong một góc, tôi đã đi đến giới hạn cuối cùng.


“Hình như chị không thích ồn ào?” – Nguyễn Binh nói – “Ăn mặc xuềnh xoàng đứng ở đây”.

“Không phải anh cũng thế à?” – Tôi hỏi lại.

Anh cười, đưa tay vờ đầy vẻ e thẹn như bị nói trúng tâm sự.

Cử chỉ và động tác của anh như trẻ con, không phù hợp với tuổi anh. Những cái không hợp trên người anh làm cho người ta thấy anh quá thật thà. Nhưng anh là một nhà thiết kế thời trang có tài. Không biết có phải chính cái thật thà của anh đã làm nên cái tài của anh không?

“Chúng ta lặng lẽ rời khỏi đây đi, đứng ở đây chi bằng ra phố dạo quanh. Lúc này đây, ngoài phố rất đẹp, hơn nữa chắc chắn không ai để ý đến việc chúng ta ra đi đâu”. Anh nhìn quanh bốn phía, mặt rất phấn chấn: “Tôi muốn ra ngoài kia ăn một cái gì mát lạnh”.

Thì ra anh rất thật thà, không một chút giả vờ.

Tôi nói: “Nhà thiết kế thời trang của Danh Sĩ bỗng nhiên mất tích, anh bảo người ta không biết à? Mươi phút sau, mọi người trong phòng tiệc chắc chắn sẽ nhắc đến anh, gọi tên anh. Tôi không muốn trở thành nghi can quyến rũ anh mất tích”.

Nguyễn Binh cười hà hà, hoàn toàn không một chút che đậy: “Nghê Ấm, nếu tôi gặp chị sớm hơn, chắc chắn tôi sẽ mời chị đến với công ty chúng tôi. Chắc chắn là như vậy”. Trước khi tiếng cười của Nguyễn Binh im hẳn, tôi thấy một dáng phụ nữ mặc váy dài màu lam đang từ xa sải bước đến chỗ chúng tôi. Người đàn bà vừa bước vừa cười, dáng người uyển chuyển như một lá cờ dài, hợp với những đường cong rất đẹp.

Tôi vội vàng tìm cớ nói lời tạm biệt với Nguyễn Binh để rút lui. Tôi không muốn bị cuốn vào một cuộc trò chuyện vô bổ, nhiều khi còn phiền phức.

Tôi thấp thoáng thấy ánh mắt Nguyễn Binh dõi tìm tôi dù tôi đứng ở đâu.

Chi bằng đi hẳn ra ngoài.

Nghĩ vậy, tôi lẳng lặng đi ra phố. Nguyễn Binh nói không sai, giờ này bên ngoài đẹp thật. Phố xá không còn tấp nập người xe, mờ ảo trong ánh đèn khuya đường phố.

4

Từ buổi tối hôm đó, tôi bắt đầu liên tiếp bị gọi đi nhận điện thoại, cứ một lúc lại nghe tiếng chị trực điện thoại xinh đẹp mà máy móc: “Nghê Ấm, chị có điện thoại, đường dây số 1, Nghê Ấm có điện thoại đường dây số 2…”.

Nguyễn Binh có thói quen chưa mở miệng đã cười. Không phải không sinh động, một con người như thế, một giọng cười như thế.

Nguyễn Binh nói: “Sách nói, tôi sẽ tình cờ gặp một người con gái và yêu người đó đến bạc đầu”.

Người đàn ông đã tiếp nhận nhiều giáo dục phương Tây này, một câu nói như vậy là rất hàm súc.

“Sách còn nói gì nữa?”. Tôi bình tĩnh tiếp lời. Tôi không muốn người khác nhìn ra cái giật mình thầm kín của tôi, dù chỉ một mảy may.

“Sách còn nói tôi và cô ta có thể tình cờ gặp nhau vào một buổi tối, có thể cùng mặc những chiếc quần áo có màu sắc giống nhau”.

Tôi không nhịn được cười vì lời nói dối đáng yêu không cần suy nghĩ gì như vậy. Anh có thể đã yêu tôi ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên ấy.

Vì sao anh yêu tôi, trong buổi tiệc tối hôm đó, có bao nhiêu người đẹp hơn tôi?

Tôi chỉ một mực từ chối. Không phải là anh không đáng yêu mà là tôi không thể yêu. Bao nhiêu năm nay tôi đã học cách đi vòng, tránh tình yêu. Với một quá khứ xám xịt như vậy, tôi còn có thể sống như thế này đã là may mắn lắm.

Nguyễn Binh rất kiên trì, trước là gọi điện thoại, sau đó đến thẳng công ty tôi, leo hết tầng lầu này đến tầng lầu khác, đi hết phòng này đến phòng khác, không hỏi ai, không ngừng chân. Có lúc tôi không thể làm gì được để ngăn cản anh. Anh vốn là người rất kiên nhẫn trong công việc, vì một chỗ rất nhỏ chưa thật ổn trong một kiểu dáng trang phục nào đó, anh đã to tiếng với tổng giám đốc. Cuối cùng tổng giám đốc phải thỏa hiệp với anh.

Cái mà tổng giám đốc quan tâm là lợi nhuận, còn Nguyễn Binh cũng như tôi, cái đáng quan tâm nhất là sự hoàn mĩ, sự độc đáo của một kiểu dáng trang phục. Nhưng anh có tài hơn tôi. Tôi căn bản là một người không biết so kè gì. Sở dĩ tôi làm việc là vì tôi yêu thích, lại vì cuộc sống. Tôi không muốn thật rạch ròi. Thế này đã là tốt lắm.

Tôi muốn tìm một cơ hội thích hợp để giải thích nó với Nguyễn Binh. Tôi đang muốn tìm một lý do thật xác đáng và một cách nói thế nào cho có sức thuyết phục. Anh là một người rất thật, không thể che đậy hoặc lừa dối anh. Tôi cũng không nỡ lòng nào lừa dối, che đậy anh.

Tôi không một tí chút phiền chán người đàn ông ấy. Anh có trái tim thuần khiết và chân thành đến thế. Cũng vì thuần khiết và chân thành mà anh trở nên ấm áp khác thường. Tôi có thể từ chối sự ấm áp ấy nhưng không chê bai nó. Anh thậm chí đã thiết kế quần áo cho riêng tôi, tìm thợ cắt may xong đem đến tặng tôi. Anh biết tôi ăn mặc thế nào là hợp nhất, nhưng anh không biết rằng lòng tôi khác với người khác. Tôi không còn lòng dạ nào để đáp ứng tình cảm của anh, chỉ có vết thương lòng.

Rất nhanh, mọi người trong công ty biết Nguyễn Binh đang theo đuổi tôi. Có lẽ vì giọng nói của người trực điện thoại không lúc nào chịu hạ thấp.

Tổng giám đốc phá lệ, ôn tồn mời tôi đến văn phòng của ông, rót trà mời tôi rồi dịu dàng hỏi tôi: “Chị Nghê Ấm này, chị xem Nguyễn Binh có thể về với công ty chúng ta không?”

Ý ông muốn bảo tôi tìm cách lôi kéo Nguyễn Binh về công ty ông.

Tôi lắc đầu cười: “Có lẽ không được. Anh ta là một nhân tố rất tích cực ở Danh Sĩ”.


Tổng giám đốc cũng cười. Có những người đàn ông rất biết cười, rõ ràng là giả dối nhưng lại có vẻ ấm áp chân thành đến thế.

“Anh ta là người có tài. Anh chị rất xứng đôi, tài năng và dung mạo mặt nào cũng tốt. Có điều tình cảm là tình cảm, công tác là công tác. Nghê Ấm, chị là người rất thông minh, tôi không cần phải nói nhiều”.

“Tôi hiểu”. Cuộc sống và hiện thực như vậy đấy, không phải đen thì là trắng. Nếu Nguyễn Binh không thể đến phục vụ công ty thì tôi phải coi chừng, đừng vô ý để lộ bí mật của công ty.

Tôi không muốn giải thích gì. Nếu nói tôi với Nguyễn Binh không có quan hệ gì thì khác nào cắm biển nói đây không có bạc. Mặc dù trên thực tế, tôi với Nguyễn Binh không có quan hệ như người ta nghĩ.

Có điều, lời nói của tổng giám đốc đã nhắc nhở tôi, có thể coi là một cái cớ, hợp tình hợp lý, đóng vai trò người hùng trong nữ giới trọng sự nghiệp hơn tình cảm.

5

Nguyễn Binh không coi trọng lắm cái cớ của tôi.

Chúng tôi tình cờ gặp nhau ngoài phố. Hai người bỗng muốn đi dạo loanh quanh, đi một hồi thì tìm một nơi nào đó ngồi lại nghỉ, không vào bất cứ một quán nào.

Chiều tối hôm đó, chúng tôi ngồi lại bên đường. Tôi nói đến khó khăn trong công việc.

Nguyễn Binh không nghĩ thế: “Cùng lắm thì anh từ chức, nhưng Nghê Ấm này, em có thích anh không?”

Tôi không nói gì. Tôi chưa bao giờ giành thời gian để suy nghĩ về vấn đề đó.

“Đừng lấy cái cớ đó để từ chối. Nghê Ấm, ít nhất em cũng cho anh một cơ hội”.

Tôi cười cay đắng trong lòng. Ai có thể cho tôi một cơ hội.

“Nguyễn Binh, em hiện nay chưa muốn lấy chồng, chưa muốn yêu. Em đã quyết chí lấy chồng muộn, có thể là rất muộn”.

“Không sao, anh sẽ đợi”. Nguyễn Binh cười: “Nhìn thấy em lần đầu là anh yêu em ngay. Anh là người đi theo trực giác. Anh tin chúng ta đều có thời gian, đều có cơ hội”.

Anh là người hay cười như thế đó.

“Thế thì, chúng ta có thể không cần gặp nhau quá nhiều, ví dụ như gọi điện thoại hay hẹn hò”. Tôi muốn hòa hoãn một bước. Tính kiên nhẫn của ai cũng có giới hạn, huống gì Nguyễn Binh, một người chỉ biết nghe theo cảm giác.

Anh đồng ý.

“Có điều, Nghê Ấm, trong khi không chấp nhận anh, em không yêu người nào khác?”. Nói câu đó ánh mắt anh đầy áy náy.

Tôi đồng ý, gật đầu không nói gì. Tôi không thể yêu người khác, càng không thể yêu anh. Điều này có thể anh không biết.

“Thế thì tốt”. Nguyễn Binh thở phào yên tâm.

Đèn đường lần lượt sáng lên. Khi đi về, tôi bỗng thoáng thấy một mùi thơm ấm áp, nhưng lập tức mất đi không để lại dấu vết gì.

6

Ngày tháng cứ thế trôi đi.

Nguyễn Binh là người rất trọng chữ tín, cứ cách một thời gian khá dài mới gọi điện cho tôi một lần, mà cũng chỉ là những lời thăm hỏi ấm áp, chỉ có một câu không thích hợp: “Nghê Ấm, em chưa yêu ai khác, phải không?”.

“Đúng thế”.

Người ngoài không ai đoán ra cái gì, nhưng những lời xì xào bàn tán cũng dần dần ít đi. Cái hay là có bao nhiêu việc phải làm, rất nhiều việc. Mùa xuân này, đơn đặt hàng rất nhiều, kinh doanh thuận lợi đến bất ngờ.

Một buổi chiều, khi sắp hết giờ làm việc, công ty chuyển phát nhanh đưa đến một lá thư. Mấy phút sau, điện thoại nội tuyến bên tay cũng đổ chuông.

Tổng giám đốc gọi tôi đi: “Nghê Ấm, một lô hàng thời trang nữ, người thiết kế kiểu dáng phải là chị thôi, chị rất giỏi cải biến trang phục cổ điển”.

Tôi không vội nói gì, nghe ông nói tiếp. Tôi bỗng giật bắn mình, thót cả tim khi nghe ông nói đến tên một công ty thời trang.

Đó là công ty của Phó Tự Hành.


Yêu thì có lúc có thể quên, hận thì không, cả những chi tiết nhỏ nhất cũng nhớ, không cố ý nhớ cũng nhớ.

“Vâng! Tôi sẽ làm tốt nhất, nhất định phải làm cho đối phương vừa lòng”.

Tổng giám đốc cười: “Đây là một khoản lớn, kiểu dáng, kích thước các mặt nhất định phải cẩn thận không thể có một sai sót nhỏ nào, một tý cũng không được, chị phải cẩn thận gấp trăm nghìn lần lúc bình thường”.

Tự nhiên tôi phải cẩn thận gấp trăm nghìn lần. Một cơ hội như thế này, tôi chờ đợi đã sáu năm. Có lúc tôi đã từng tuyệt vọng, cho rằng phải chờ đến bạc đầu, chờ suốt đời.

Phó Tự Hành, đừng tưởng trời không có mắt. Ông trời có lúc phải công bằng.

Tôi đã dùng đằng đẵng thời gian cả một tuần, có nhiều đêm thức trắng. Chưa bao giờ tôi vất vả như thế. Công việc này, bình thường tôi chỉ cần ba ngày, mà tôi phải bỏ ra cả một tuần lễ. Tôi phải sắp đặt một khe hở trong cái hoàn mĩ, nhìn không ra, nhận không thấy, nhưng là một khe hở chết người trong bộ quần áo.

Phó Tự Hành sẽ vì thế mà phải trả một cái giá mà hắn ta không thể nào lường hết. Phó Tự Hành, đã đến lúc mày phải trả giá tương xứng với những gì mày đã gây ra.

Nghĩ vậy, tôi không nhịn được, bật cười thành tiếng.

Khi cái đề án thiết kế cuối cùng trượt đến trước mặt tôi trong tiếng kêu xè xè của cái máy in, tôi ngẩng đầu lên, chợt nhìn thấy nét mặt tiều tụy đến không ngờ của mình hiện lên trong tấm kính, tôi lại cười.

7

Ba tháng sau, mùa hè đã lùi xa. Mùa thu của thành phố này có một vẻ đẹp se lạnh dưới những lớp lá rơi như bướm lượn.

Phó Tự Hành bắt đầu vụ kiện lớn đối với công ty chúng tôi. Là người thiết kế, tôi không thể vô can.

Sau sáu năm, cuối cùng tôi lại một lần nữa nhìn thấy anh ta. Anh ta cũng nhìn tôi. Cái bộ mặt không là sạch hết được những vết sẹo do bỏng trở nên gớm ghiếc.

“Nghê Ấm, chị cố tình hãm hại tôi!”

“Chứng cứ?” Tôi xòe bàn tay phải của tôi ra trước mặt anh ta. Sáu năm, con người đó chưa già đi mấy tí, còn tôi thì không còn là người con gái ngây thơ dại dột ngày nào.

“Nhất định là chị”. Anh ta nghiến răng ken két như tôi hồi nào.

“Chính anh đã chấp nhận, đừng quên là anh đã đặt bút ký vào hợp đồng”. Tôi hoàn toàn bình tĩnh, trong lòng kìm nén một niềm vui lạnh cóng. Phó Tự Hành xưa nay vốn thận trọng, kín kẽ. Nhưng lần này, chắc chắn anh ta sẽ thua cuộc.

Tôi nắm chặt bàn tay trái của mình. Cuối cùng tôi đã trả được thù cho tôi.

Báo thù, không nhất định phải đổ máu. Tôi đã lớn hơn rồi.

“Tôi sẽ tìm ra chứng cứ, chị đừng quên, không có một kẽ hở nào hoàn mĩ đến không còn dấu vết. Tất cả rồi sẽ lộ ra”.

Phó Tự Hành giận dữ thốt ra câu nói đó rồi quay đi. Nhìn theo anh ta, tôi cười nhạt. Tìm ra thì làm gì? Nhiều nhất thì cũng chỉ là một khiếm khuyết trong công việc. Còn anh ta, với cái chữ ký giấy trắng mực đen trên hợp đồng, anh ta trốn tránh sao được trách nhiệm về những tổn thất do hợp đồng đó gây ra. Thất bại của anh ta là không sao tránh được. Ai có thể kéo lùi mặt trời?

Tôi đã quyết định, sau sự kiện này sẽ từ chức. Không cần phải nói rõ với ai khác, chỉ chờ đợi sự việc kết thúc.

8

Một tuần lễ nữa trôi qua, trời yên bể lặng, không có điện thoại, không ai hỏi han gì. Công ty cũng không thấy trát gọi của Tòa án. Sao lại yên tĩnh thế này? Hay là Phó Tự Hành thấy được cố gắng đến mấy cũng chỉ uổng công vô ích, đã tự nguyện bỏ cuộc?

Tôi hơi áy náy.

Không ngờ, một tuần sau, người cầm bản thiết kế đến tìm tôi lại chính là Nguyễn Binh.

Anh đứng trước mặt tôi, nhìn tôi với cặp mắt đầy thắc mắc:

“Vì sao, Nghê Ấm?”

Tôi không trả lời. Anh đã bỏ thời gian cả một tuần để tra tìm kẽ hở. Chúng tôi đúng là đối thủ ngang tài ngang sức của nhau.

“Em khổ tâm vất vả tạo ra cái nhược điểm cực kỳ hoàn mỹ này, rốt cuộc là để làm gì? Em không chấp nhận tình yêu của anh, tất cả rốt cuộc là vì cái gì?”.


“Phó Tự Hành đã phải trả cho anh bao nhiêu tiền?” Tôi ngẩng đầu nhìn anh. Tôi không thể trốn tránh nữa, không thể biện hộ nữa. Trong tay anh, chỗ cánh vai trong bản thiết kế được đánh dấu bằng bút chì đỏ là một sự thật. Mà trong lúc thế này, anh còn có thể hỏi đến tình yêu, người đàn ông này!

Nguyễn Binh, anh là người con trai chưa từng bị ô nhiễm như tôi hồi nào.

“Nghê Ấm, anh chỉ muốn tìm ra chân tướng. Anh không tin đây là một sai sót do vô ý của em. Cái sai sót này nó hoàn mỹ quá, nhất định có rất nhiều tâm huyết trong đó. Chính em đã cố tình tạo ra, đã khổ công tạo ra”.

“Nghê Ấm, rốt cuộc là vì cái gì?”

Nguyễn Binh bỗng túm lấy vai tôi lắc mạnh, nước mắt tuôn trào.

Tôi nhìn anh, nhìn nước mắt của anh, không vùng vẫy gì.

Đây là người đàn ông đã vì tôi mà rơi nước mắt. Tôi không chống cự nữa.

Tôi giơ bàn tay trái ra, chầm chậm xòe bàn tay trước mặt anh, nói: “Vì em là người có vết thương. Vết thương của em không có cái gì chữa khỏi được”.