Du Học Trên Đất Mỹ

Lời Giới Thiệu 1: Một Hạt Giống, Một Cánh Rừng

Cổ Điển – Chuyên gia hoạch định cuộc đời, Nhà sáng lập Tân Tinh Anh

Kahill Gibran từng viết: “Bạn chẳng thể nào đồng thời có được cả tuổi thanh xuân lẫn tri thức, bởi tuổi xuân luôn bận rộn với kế sinh nhai, chẳng có thời gian theo đuổi tri thức, còn tri thức lại bận kiếm tìm bản ngã, nên cũng chẳng hưởng thụ được tuổi thanh xuân.”

Cuốn sách này của Vương Quyên bàn về tri thức của tuổi thanh xuân. Tác giả đã đi trong tuổi xuân một cách tự nhiên không hề trau chuốt, cho đến khi thật sự đi qua nó rồi quay đầu nhìn lại, những câu chuyện ấy mới chầm chậm tuôn trào. Cuốn sách bàn về kinh nghiệm du học, trải nghiệm khi làm tư vấn tâm lý ở nước ngoài, những hoang mang và thành công trong thời gian đầu đi làm. Tuy câu chuyện diễn ra tại Mỹ nhưng lại vô cùng gần gũi, thậm chí chính vì mang bối cảnh nước ngoài nên mới càng tăng thêm phần ly kỳ và truyền cảm, khiến độc giả vừa cảm nhận được sự mới lạ, vừa có thể yên tâm đặt mình vào trong câu chuyện.

Công việc đầu tiên của tác giả khi ở Mỹ là chuyên gia tư vấn tâm lý. Tôi có nhiều bạn bè ở nước ngoài, thậm chí đã có được giấy phép hành nghề bác sĩ tư vấn tâm lý, nhưng hễ nhắc đến chuyện tư vấn cho người nước ngoài, họ đều lắc đầu ngán ngẩm. Cửa ải ngôn ngữ chỉ là thứ yếu, sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và phương diện xã hội mới bao la bát ngát. Ví dụ, bạn giải thích với chuyên gia tư vấn người Mỹ của bạn thế nào về mẩu quảng cáo hôn nhân trên mạng như: “Bà ơi, năm nay cháu nhất định sẽ kết hôn cho bà xem!” Hơn nữa, tác giả còn là chuyên gia tư vấn tâm lý xã hội, điều này nghĩa là nhiều lúc cô cần phải đi sâu vào không gian sống của họ, chứ không đơn thuần ngồi lỳ trong căn phòng tư vấn do mình dựng nên. Tất cả những khó khăn ấy, chúng ta đều có thể dễ dàng tưởng tượng ra được.

Vì thế, cuộc sống của tác giả không hề thoải mái dễ chịu. “Vừa mới nở nụ cười vui vẻ” một lát sau lại phải “ra sức khiến cho những giọt nước mắt lăn tràn bờ mi”; vừa dự định cùng khách hàng chúc mừng thành công của quá trình điều trị, một giây sau đã bận rộn cuống cuồng “như một tay lính mới chưa thuần thục kỹ năng tháo lắp súng, đã phải ra chiến trường.”

Cuộc sống của cô như “con tàu đi qua núi”, chẳng thể nào biết được khúc cua tiếp theo sẽ ra sao. Nhưng khi nghiền ngẫm hết cuốn sách này, bạn sẽ phải thốt lên một câu đầy sảng khoái:

Woaaaaa! Thú vị thật!

Vậy cuốn sách này có mang tính khích lệ không?

Theo tôi nó không mang tính khích lệ lắm.

Bởi vì khích lệ cũng như chuyện yêu đương.

Khi bạn cảm thấy mình phải nỗ lực trao đi yêu thương thì tình yêu đó không còn thuần khiết nữa, bởi tình yêu không đến từ ý thức, nó đến từ linh hồn của mỗi con người. Giống như câu chuyện trong bộ phim You’re the Apple of my Eyes (tạm dịch: Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi), khi chúng ta yêu thật sự, chúng ta sẽ chẳng hề hay biết. Tình yêu đến một cách tự nhiên. Sự khích lệ chẳng phải cũng giống vậy sao?

Khi đọc cuốn sách này, tôi đã nhiều lần bỏ qua những câu nói khích lệ, truyền cảm hứng, chỉ dõi theo những câu chuyện và nhân vật bình dị, đời thường. Với tôi, bản thân tác giả Vương Quyên (tuy chưa từng gặp mặt) không hề khích lệ, cũng chẳng phải người giỏi khích lệ người khác, mà trong những câu chuyện đó, cô ấy chỉ đơn giản kể lại cuộc sống của bản thân ở một đất nước xa lạ, ghi chép chân thực về sự mơ hồ và trưởng thành khi mới bước chân vào chốn công sở mà thôi. Một con người đầy nhiệt huyết, thơ ngây, ngờ nghệch, loạng choạng, nhưng vẫn kiên cường tiến lên phía trước, tôi nghĩ đó mới chính là sự khích lệ thật sự.

Tôi xin kết thúc lời giới thiệu bằng một đoạn trong sách mà tôi rất thích, trong câu chuyện ấy, người quản lý của Vương Quyên từng nói với cô ấy rằng:

“Công việc chúng ta đang làm đơn thuần chỉ là gieo hạt giống mang tên khát vọng đổi thay vào trong tâm khảm họ. Việc hạt giống đó có nảy mầm hay không, còn tùy thuộc vào tạo hóa và sự nỗ lực của chính bản thân họ.”

Nếu trong tâm bạn có nước, có hy vọng, ắt có ngày hạt giống đó sẽ trở thành cả một cánh rừng.