Du Học Trên Đất Mỹ

Chương 2: Lần Đầu Đến Mỹ

Tháng 1 năm 2009

Chỉ cần còn tồn tại ở đây một ngày, tôi sẽ không được phép sợ bóng sợ gió gì nữa. Phải mạnh dạn lên, phải tự tin lên, phải học lấy tinh thần “không vứt bỏ, không từ bỏ” của Hứa Tam Đa.[2] Không những phải đứng vững trên mảnh đất này mà còn phải bám rễ, nảy mầm và sinh sôi phát triển ở đây.

Nước Mỹ là một mẩu bánh mì

Sau 13 giờ liên tục không biết đến ngày đêm trên máy bay, khi tôi đặt chân xuống đất Mỹ, trời đã nhá nhem tối. Sau khi máy bay hạ cánh, những sinh viên Trung Quốc đi cùng chuyến bay lần lượt chia tay nhau, rồi từ sân bay Chicago bay tiếp đến những thành phố khác, đây cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nhiều khuôn mặt thân thiết, quen thuộc của đồng bào mình như thế khi ở Mỹ.

Sau khi hoàn thành thuận lợi thủ tục hải quan, tìm thấy cửa lên máy bay cho chuyến tiếp theo, tôi đã chẳng còn chút sức lực nào. Ngồi xuống chiếc ghế trống trong một góc phòng, lúc này tôi mới có thời gian thoát ra khỏi trạng thái căng thẳng và hoảng loạn, để cảm nhận mọi thứ xung quanh. Ngẩng đầu lướt nhìn tứ phía, đúng lúc tấm bảng quảng cáo trên bức tường đối diện hiện lên dòng chữ tiếng Anh “Welcome to Chicago”, lòng tôi bất chợt rộn ràng, thầm nghĩ: Mình đã thật sự đến Mỹ rồi cơ đấy…

Tiếp tục nhìn khắp xung quanh, không hề có bóng dáng một khuôn mặt người Trung Quốc nào, cũng chẳng thấy lấy một chữ tiếng Trung trên tường. Xung quanh toàn những người ngoại quốc mắt to mũi cao, đủ màu da, đủ tướng mạo, cao gầy thấp béo, tất cả đều vội vã tất bật. Tôi ngồi lặng yên trên chiếc ghế lạnh ngắt, cố gắng dùng sự bình tĩnh gượng gạo để giấu đi nỗi hoang mang trong lòng. Nói thật, lúc ngồi ở đó, tôi còn chẳng dám cử động mạnh, cảm giác giống như một người lần đầu đến một thành phố lạ, e sợ gây nên những chuyện dị thường rồi rước lấy phiền phức, vì thế chỉ biết căng thẳng làm theo đúng bổn phận.

Sau khi chứng kiến mọi thứ, tôi bắt đầu nghĩ, công sức vất vả học từ mới, nỗ lực chuẩn bị hồ sơ, ngóng ngày trông đêm, chẳng phải chỉ vì ngày hôm nay sao. Bây giờ ngày ấy rốt cuộc cũng đến! Bất giác đưa tay lên ngực, tim không còn nhảy loạn xạ nữa. Mơ ước đã thành hiện thực, nhưng sao tôi chẳng cảm thấy chút vui vẻ hay phấn khích nào thế? Không những vậy, mỗi khi trông thấy từng khuôn mặt xa lạ hiện ra trước mắt, trong lòng tôi lại trỗi dậy cảm giác hụt hẫng. Tóm lại, cái cảm giác khi mơ ước thành hiện thực chẳng hề giống với tưởng tượng ban đầu trong tôi chút nào. Ai có thể ngờ vừa mới đặt chân lên đất Mỹ, ngồi còn chưa ấm chỗ tôi đã bắt đầu nhẩm tính ngày quay về.

Trầm tư suy nghĩ khiến thời gian trôi qua thật nhanh, hệ thống phát thanh sân bay bắt đầu thông báo chúng tôi ra làm thủ tục. Tôi lại tiếp tục trải qua chuyến bay hơn một giờ đồng hồ, cuối cùng cũng đến đích an toàn – thành phố St. Louis bang Missouri – quê hương thứ hai trong tương lai của tôi.

Lúc đến được St. Louis đã gần nửa đêm. Sau một vài trục trặc, cuối cùng tôi cũng đến được khu nhà đã thuê từ trước, tôi uể oải kéo đống hành lý nặng lên lầu, vội vàng tự giới thiệu với bạn cùng phòng. Bởi quá mệt mỏi và thiếu ngủ, dường như não tôi đã ngưng hoạt động, nên chẳng màng thu dọn hành lý, sau khi tắm táp qua loa tôi liền vùi đầu ngủ trong căn phòng mới của mình.

Mặc dù đêm trước vô cùng mệt mỏi, nhưng sáng sớm hôm sau tôi vẫn tự nhiên bừng tỉnh. Mở mắt liếc nhìn, chỉ mới hơn năm giờ sáng. Vốn muốn ngủ tiếp, nhưng tôi lại trằn trọc chẳng thể nhắm mắt. Sau khi tỉnh táo hơn đôi chút, tôi mới ý thức được mình đang nằm trên một chiếc đệm cứng đờ. Nghe tiếng gió rít ngoài khung cửa, tôi bất giác nhớ điên cuồng chiếc gối mềm và chăn lông ngỗng ấm áp ở nhà. Nhìn không gian xa lạ xung quanh, lòng tôi bỗng trào lên một nỗi cô đơn khó tả.

Nằm không được bao lâu, bụng bắt đầu sôi sùng sục, tôi lấy hết tinh thần bò ra khỏi giường. Nhà vệ sinh buổi sớm mùa đông vô cùng lạnh, tôi phải rửa mặt đánh răng bằng dòng nước buốt giá. Sau đó theo thói quen, tôi lần mò vào phòng bếp tìm thức ăn. Khi mở tủ lạnh, mới phát hiện bên trong chất đầy các loại rau kỳ lạ, trái cây và thức ăn thừa, lúc này tôi mới chợt ý thức được trong đó chẳng có thứ gì thuộc về tôi. Vì thế tôi nhanh chóng đóng tủ lạnh lại, uể oải lê bước quay trở về phòng ngủ.

Nói là phòng ngủ, nhưng kỳ thực không phải vậy. Vì tiết kiệm tiền sinh hoạt, nên căn phòng tôi thuê là tầng thượng của một khu chung cư, diện tích ước khoảng 15 mét vuông. Trong không gian nhỏ hẹp đó chỉ kê được một chiếc giường và một chiếc tủ đầu giường đơn giản. Góc kia của căn phòng chất hai thùng đồ to tướng và một chiếc vali kéo, còn những thứ linh tinh khác đều bày la liệt dưới sàn. Trời mùa đông nên sáng rất muộn, dù đã hơn năm giờ nhưng bên ngoài vẫn là một màn đêm đen kịt, căn phòng sáng đèn của tôi như lạc lõng với không gian xung quanh.

Tôi đành ngồi yên trên giường, lòng nặng trĩu, nhất thời chẳng biết phải làm gì, cái cảm giác bất lực ấy đến nay khi nhớ lại vẫn còn khiến tôi cảm thấy hoang mang. Tôi động viên bản thân rằng chẳng hề gì, hãy xem như “một buổi diễn tập chiến đấu”, phải nhanh chóng điều chỉnh bản thân quay về trạng thái “mô thức sinh tồn” thôi. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi ở Mỹ, bắt đầu từ hôm nay sẽ chẳng còn ai bên cạnh để dựa dẫm, tất cả chỉ có thể dựa vào chính mình. Nếu ngay ngày đầu tiên đã đánh mất ý chí chiến đấu, vậy hai năm tiếp theo sẽ cầm cự ra sao? Huống hồ, đây chẳng phải là lựa chọn của tôi đó sao? Nếu đã vậy, mọi hậu quả cũng phải do chính bản thân gánh chịu, tuyệt đối không được lùi bước vào thời điểm then chốt này.

Nghĩ đến đây, tôi hăng hái thêm một chút. Tôi nhanh chóng thu xếp hành lý, lục tìm mớ đô-la Mỹ đã đổi từ trước, tay cầm bản đồ rời khỏi nhà đi mua thức ăn. Do tối hôm trước từ sân bay về chỗ ở đã quá nửa đêm, nên tôi chẳng thể quan sát kỹ thành phố này, bây giờ mới thật sự có cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan của nó. Nghĩ vậy, trong lòng tôi bỗng dấy lên một sự chờ mong và hưng phấn lạ kỳ.

St. Louis vào mùa đông gió lạnh căm căm, buốt đến tận xương, dù đã mặc áo lông vũ nhưng tôi vẫn cảm nhận được những cơn gió lạnh như dao cắt. Một mình cuốc bộ khá xa, tôi chăm chú nhìn ngắm từng tòa nhà, từng con đường mà mình băng qua. Mỗi khi ngang qua một giao lộ hoặc rẽ sang một góc phố khác, cảnh tượng trước mắt lại khiến nỗi lạc lõng trong tôi trĩu nặng. Con phố nơi tôi đứng không hề rộng, những tòa nhà hai bên đường đều khá thấp, phóng tầm mắt ra xa, dường như ngôi nhà cao nhất cũng không quá bốn tầng. Đường xá tuy được quét dọn rất sạch sẽ, nhưng chẳng hiểu sao vẫn có cảm giác lạnh lẽo, đìu hiu. Trên con đường hai chiều chật hẹp, chỉ lác đác vài bóng xe qua lại, người qua đường càng ít đến mức thê thảm, ngoại trừ vài người dắt chó đi dạo băng ngang qua tôi thì hầu như chẳng còn ai khác.

Tựu chung, cảm giác mà con đường mang lại giống như một góc của ngôi thành cổ hoang phế đã lâu. Tôi chán nản thầm nghĩ: Tại sao nước Mỹ thực tế lại khác xa so với hình ảnh trong những bộ phim Hollywood đến vậy? Chẳng hề có những tòa nhà chọc trời, xe cộ nhộn nhịp đông vui, cảnh tượng náo nhiệt phồn hoa. Nghe dân mạng nói, kỳ thực nước Mỹ là “đại nông thôn” chính hiệu, chẳng nhẽ tôi đã đặt chân đến cái nơi “đại nông thôn” trong truyền thuyết đó sao?

Tôi vừa băn khoăn vừa vội vàng muốn nhanh chóng tìm thấy nơi có thể lấp đầy chiếc dạ dày. Tuy hai bên đường đầy rẫy những cửa hàng nhưng có lẽ do là chủ nhật nên đa phần đều đóng cửa. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng may mắn nhìn thấy tấm biển “mở cửa” treo trên tấm kính của một cửa hàng nhỏ. Tạ ơn trời đất, cuối cùng cũng có một nơi mở hàng! Liếc nhìn qua loa tên cửa tiệm, “công ty bánh mì St. Louis” gì đó, khiến tôi như mở cờ trong bụng. Tôi rất thích ăn bánh mì, đặc biệt là loại bánh mì làm bằng tay được bán trong các cửa hàng bánh ngọt cổ truyền, một thứ bánh vừa mềm vừa ngon, có thể nói là mỹ vị của thế gian. Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy toàn thân như tan chảy, vội vàng đẩy cửa bước vào. Giây phút ấy, tôi cảm thấy vô cùng thỏa mãn khi lựa chọn cửa hàng đó cho bữa ăn sáng đầu tiên sau khi đặt chân đến Mỹ.

Một thanh niên đẹp trai người Mỹ với mái tóc vàng và đôi mắt xanh biếc, đứng sau quầy phục vụ tiếp đón tôi. Anh ấy chào buổi sáng một cách thân thiện, còn tôi thốt ra câu “Good Morning” đầy ngượng nghịu. Đây là lần đầu tiên tôi nói tiếng Anh với một người Mỹ thật sự kể từ khi đến đây, cảm giác vừa kỳ cục vừa lúng túng. Anh ta hỏi tôi muốn ăn gì, tôi vội vàng lục túi tìm kính, sau đó nhìn vào tờ thực đơn bằng tiếng Anh vừa to vừa dài. Trời ạ! Thực đơn quá ư cổ quái, rườm rà phức tạp không nói làm gì, mà trên đó còn ghi tên đủ loại bánh mì và món ăn quái đản, rất nhiều từ tôi chưa từng gặp qua (về sau mới biết rất nhiều tên đều bắt nguồn từ tiếng Ý). Sau đó liếc sang phần giá cả, nó lập tức khiến tôi như ngừng thở: $5,99, $6,99, $7,99, $8,99… tôi nhẩm tính, lấy giá đó nhân với tám (đầu năm 2009, tỉ giá giữa tiền Trung Quốc và đô-la Mỹ là 1:8,2), và phát hiện ra giá bánh mì ở đây toàn giá trên trời. Một chiếc bánh mì mà đến bốn năm mươi tệ, đúng là ăn cướp! Khi ấy trong lòng rối bời khó tả.

Anh chàng đẹp trai nhìn tôi chăm chú, nói một cách lịch sự: “Đừng vội, cứ bình tĩnh.” Tôi lí nhí nói: “Tôi muốn… ờ… cho tôi một suất…”, nhưng trong đầu lại hoàn toàn trống rỗng, chẳng biết mình muốn gọi thứ gì, hay có thể gọi được thứ gì. Anh chàng đẹp trai kiên nhẫn hỏi: “Có cần tôi gợi ý cho bạn không?” Tôi gật đầu và cảm ơn sự giúp đỡ, cũng như sự thân thiện của anh ta. Vậy là anh chàng đã giới thiệu cho tôi bữa điểm tâm được yêu thích nhất của cửa tiệm, nên tôi đành cắn răng trả tiền với cái giá cắt cổ.

Lúc đợi đồ ăn, tôi tìm chỗ kín đáo nhất nơi góc phòng ngồi xuống và bắt đầu quan sát mọi người xung quanh. Nếu nói rằng quang cảnh hoang vu im lìm bên ngoài khác xa so với hình ảnh nước Mỹ trong đầu tôi, thì không khí bên trong cửa tiệm lại rất phù hợp với những gì tôi từng mường tượng. Cách bài trí nội thất khá đơn giản với đủ loại bàn to nhỏ lớn bé, dường như bàn nào cũng đầy ắp người Mỹ ngồi chật kín xung quanh. Có người chăm chú ngồi ăn, cũng có người vừa đọc báo vừa uống cà phê, chiếc bàn tròn bên trái là nhóm người trông có vẻ giống sinh viên, đang vừa cười đùa vừa trò chuyện, còn đôi tình nhân ngồi ở chiếc bàn bên phải lại bận thầm thì to nhỏ với nhau.

Lúc ấy, tôi mơ hồ cảm thấy mình như dần trở nên vô hình. Không hề có một khuôn mặt thân quen nào, thậm chí đến dáng người với mái tóc và cặp mắt đen quen thuộc cũng hoàn toàn mất dạng. Văng vẳng bên tai là thứ âm nhạc Mỹ xa lạ, cũng như mớ tiếng Anh không tài nào hiểu được. Một nhân viên đang pha cà phê, mùi hương từ quầy pha chế xộc thẳng vào mũi khiến tôi hắt hơi một cái rõ to. Khoảnh khắc ấy tôi đột nhiên cảm thấy, vốn dĩ tôi chẳng thuộc về nơi đây, cái cảm giác không thân thuộc ấy khiến cho tôi bối rối. Lần đầu tiên tôi thấy chơi vơi chỉ vì cái cảm giác một thân một mình nơi đất nước hoàn toàn xa lạ.

Bỗng có người gọi tên tôi. Tôi nhanh chóng định thần lại, ra là đã đến lượt mình đi lấy thức ăn. Tôi thầm nghĩ, mặc kệ đi, phải nhét đầy cái dạ dày đã, vì thế tôi đứng lên như một cái máy, tiến hai bước dài đến trước quầy hàng. Tôi ngẩn người khi nhận đĩa thức ăn từ tay nhân viên phục vụ, chính tâm đĩa được đặt một chiếc bánh mì hình tròn bị khoét một khoảng ở giữa, bên trong đầy ắp thứ nước súp sền sệt nóng hổi. Bên cạnh là một mẩu sandwich bé xíu, nói một cách không hề khoa trương, nó chỉ là hai mẩu bánh mì và một miếng rau được gắn lại với nhau bởi một chiếc tăm xỉa răng. Ngoài ra, trên đĩa còn một lát táo nhỏ. Tôi hỏi nhân viên phục vụ với vẻ nghi ngờ: “Toàn bộ bữa sáng của tôi đây sao?” Anh ta mỉm cười, gật đầu nói: “Vâng, hy vọng cô thích, chúc cô ngon miệng!”

Tôi cẩn thận bê đĩa thức ăn quay về góc an toàn của tôi, sau khi ngồi xuống liền bắt đầu đối mặt với nó. Tôi từng cảm thấy việc ăn đồ Tây là một hành động nghệ thuật và tinh tế, cuối cùng lúc này tôi đã thật sự được thưởng thức một bữa ăn Tây kiểu Mỹ chính tông ngay trên đất Mỹ, nhưng trong lòng lại cảm thấy hơi kỳ quặc. Sau khi ngồi ngắm nghía chiếc bánh mì bị khoét hồi lâu, tôi không chút do dự cắn một miếng thật lớn. Nhưng vừa cắn, tôi đã phải dừng lại – chiếc bánh mì thật sự quá cứng. Tôi cho rằng với độ cứng đó có lẽ phải để đông lạnh cả đêm ở bên ngoài rồi mới mang đi phục vụ khách. Nếu đã không thể dùng răng, tôi bèn dùng dao tấn công từ mọi phía, nhưng kết cục vẫn phải đầu hàng.

Bánh mì không gặm được, đành phải tranh thủ húp chút súp nhân lúc còn nóng, chí ít nó cũng là thứ duy nhất tỏa nhiệt trong đĩa thức ăn nên không thể lãng phí được. Nhưng vừa nếm được một miếng, mùi pho mát nồng nặc khiến tôi khó lòng nuốt trôi. Bánh mì cứng như đá, nước súp chẳng quen ăn, vẫn may còn miếng sandwich để cho vào bụng. Tuy nhiên, miếng sandwich đó lại là miếng sandwich cứng nhất, khô nhất và vô vị nhất tôi từng ăn trong đời. Lúc tôi cố gắng cắn thử lát bánh mì, nó liền vỡ vụn, rơi vung vãi khắp bàn. Hết cách, tôi đành cầm lát táo duy nhất có thể ăn được trên đĩa lên và ra sức cắn.

Miếng táo rất lạnh, lạnh trong miệng, và lạnh cả trong tim. Tôi ngẩng đầu nhìn mọi người, trông họ rất vui vẻ, tự tin, nói chuyện cười đùa rôm rả. Ai nấy đều thưởng thức món ăn với vẻ đầy hài lòng, nhưng còn tôi, tôi vẫn ngồi lặng lẽ nơi góc tường cô độc cùng chiếc dạ dày lép kẹp đáng thương, ngơ ngẩn nhìn bữa sáng trông có vẻ hoành tráng, đắt tiền, nhưng chẳng tài nào nuốt nổi. Đói, dù đã nghiến hết miếng táo, nhưng tôi vẫn đói run. Tôi gỡ lát bánh mì sandwich ra, chấm vào món súp nồng vị pho mát và cố gắng nuốt. Chính lúc gắng gượng nuốt mẩu bánh mì ấy, một giọt nước mắt bất giác chảy nơi khóe mắt. Rồi từng giọt, từng giọt, lần lượt trượt dài trên má, xót xa. Giờ nghĩ lại, khung cảnh đó vừa giống phim, lại vừa giả tạo. Chính trong giây phút ấy, lần đầu tiên tôi cảm thấy hối hận về lựa chọn của bản thân.

Điên thật rồi, tại sao lại chọn đến Mỹ chứ? Tại sao lại vất vả vượt qua ngàn dặm xa xôi để đến đây chịu khổ chứ? Bây giờ thì hài lòng chưa! Lúc đói chẳng được ăn lấy một miếng rau hầm sườn nóng sốt, lúc buồn chẳng có ai bên cạnh để tâm sự. Tôi phải sống hai năm ở chốn cô đơn lạnh lẽo này sao! Đây thực sự là trò đùa vô vị nhất trên đời.

Sau khi ăn xong bữa sáng, tính toán chênh lệch về múi giờ, tôi liền gọi cuộc điện thoại đầu tiên cho mẹ. Chuông đổ rất lâu, đúng lúc tôi nghĩ mẹ đã đi ngủ và toan tắt máy, bỗng nghe thấy tiếng “alo” êm ái từ đầu bên kia. Lúc ấy, nước mắt tôi tuôn trào như hai dòng thác, trong đó chất chứa đầy nỗi nhớ, sự tủi thân, bất lực, sợ hãi và vô số tình cảm đan xen phức tạp, khó tả. Tôi che miệng cố gắng nén tiếng nghẹn ngào: “Mẹ à, con đây!”, chỉ sợ mẹ nghe thấy tôi đang khóc. Mẹ liên tục hỏi tôi đến nơi có an toàn không, tay quệt nước mắt, tôi gượng cười trả lời: “Đến nơi rồi, an toàn mà, mọi việc đều rất thuận lợi. Ở đây… rất tốt, mẹ yên tâm. Đợi sau khi ổn định xong, con sẽ gửi ảnh cho mẹ, sau này nhất định sẽ dẫn mẹ sang đây thăm thú.”

Sau khi gác máy, tôi liền khóc nức nở.

Nước Mỹ, ngươi từng là một giấc mơ sâu kín trong lòng ta, nhưng ai ngờ, kỳ thực ngươi chẳng qua chỉ là một mẩu bánh mì khô khốc chẳng thể nào nuốt nổi.

Chắc hẳn đêm nay lại một đêm trằn trọc mất ngủ…

Những trải nghiệm ban đầu về KHÁC BIỆT văn hóa

Sáng sớm ngày thứ hai, ngay khi trời vừa hửng sáng tôi lại tự nhiên tỉnh giấc, chênh lệch múi giờ thật khiến người ta khó chịu. Soi mình trong gương, bọng mắt sưng to kinh người, sự mệt mỏi và buồn bã in dấu lên gương mặt tôi cùng những giọt nước mắt còn đọng lại sau cuộc nức nở tối qua. Tôi đã hủy hoại bản thân như thế khi cuộc chiến còn chưa bắt đầu, đúng là điềm gở khi xuất quân. Nhìn vào bảng lịch trên điện thoại, mỗi một ô đại diện cho một ngày, nhưng tôi còn chẳng biết hôm nay phải làm gì thì hai năm dài đằng đẵng tiếp theo sẽ phải sống ra sao đây? Miệt mài suy nghĩ, cảm giác nghẹt thở lại ập đến.

Đang ngồi ngẩn người trên giường, bất chợt tiếng điện thoại vang lên kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ miên man vô nghĩa đó. Liếc nhìn chuông báo thức, thì ra hôm nay là thứ hai, tôi phải đến trường làm thủ tục nhập học. Trời ạ! Một việc trọng đại như thế mà suýt chút nữa tôi quên béng mất! Không kịp kết thúc dòng suy nghĩ phức tạp ban nãy, tôi vội vàng xốc lại tinh thần, thu xếp giấy tờ chuẩn bị đến trường.

Con đường nhỏ từ nhà đến trường rất yên tĩnh, hai bên đường san sát những căn nhà ba tầng. Bởi đây là con đường duy nhất thông đến trường, nên có thể bắt gặp rất nhiều người có dáng vẻ giống sinh viên đang túm năm tụm ba đi về phía đó. Trong cơn gió lạnh, tôi một mình cúi đầu bước nhanh theo bọn họ, lúc ấy trong đầu chỉ nghĩ đến những vấn đề như: “Ta phải làm sao đây? Ta phải thích ứng với cuộc sống này như thế nào?” Cái cảm giác tựa như thấy một ngọn núi sừng sững chặn ngang đường mà chẳng biết phải chinh phục nó ra sao.

Sau khoảng hai mươi phút, trước mắt xuất hiện một cây cầu dành cho người đi bộ, dễ thấy chiếc cầu này dẫn thẳng đến khuôn viên trường. Lúc trông thấy cây cầu, trong lòng tôi bỗng dâng lên một cảm giác quen thuộc khó tả. Nhớ hồi học đại học và thạc sĩ ở trong nước, trên đường từ trường về ký túc xá cũng có những cây cầu dành cho người đi bộ hệt như thế này. Thời đó, mỗi ngày tôi đều đi qua một chiếc cầu giống như hôm nay, vậy mà chớp mắt đã gần sáu năm. Đứng trước chiếc cầu xa lạ mà quen thuộc, tôi thầm nghĩ: Ở cái chốn lạ lẫm này lại có thể gặp lại những thứ đã từng thân thuộc, quả là điều may mắn.

Tôi chợt nghĩ, tại sao ta cứ nhất định nhìn nhận mọi việc xảy ra trong hiện tại một cách bi quan như thế? Thức ăn không quen thì sao? Chẳng có người thân bên cạnh thì sao? Mỗi năm có hàng ngàn hàng vạn sinh viên rời xa tổ quốc, tỏa ra khắp thế giới, chẳng nhẽ ai cũng sống như thế này ư? Mọi người làm được thì mình cũng nhất định có thể, đã tới rồi phải an tâm ở lại thôi. Nếu bị cái cảm giác sợ hãi bên trong lấn át, chẳng phải là chưa đánh đã thua hay sao? Tôi không nên nghi ngờ việc mình có thể tiếp tục trụ vững hay không, mà nên tự hỏi phải sống tiếp như thế nào! Sức mạnh ý chí của con người cũng giống như cây cỏ, ngay đến một bụi cỏ cỏn con còn có thể tồn tại, sinh trưởng một cách ngoan cường trên mỏm đá, vậy mà có chút khó khăn là tôi đã chịu khuất phục, như thế chẳng phải là còn không bằng ngọn cỏ nhỏ bé đó hay sao?

Chính trong tích tắc ấy, đầu tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: Tôi phải xem mọi thứ như một trò chơi, và tôi là nhân vật chính. Môi trường xung quanh là bối cảnh của trò chơi, mục tiêu của tôi là phải tích lũy điểm kinh nghiệm, thông qua việc khắc phục mọi khó khăn lớn nhỏ, cuối cùng đến chiến đấu với con quái vật ở màn cuối. Nghĩ đến đây, trong lòng tôi không còn cảm giác lo lắng bất an nữa, thay vào đó là một chút mong mỏi được gặp gỡ những con người và sự kiện mới mẻ, mong mỏi bản thân có thể dần trưởng thành, chín chắn, mạnh mẽ trên mảnh đất xa lạ này. Sự thật đã chứng minh, khi chúng ta trải qua một sự việc mới lạ nào đó bằng tâm thế muốn trải nghiệm chứ không phải đối mặt với trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ, nó sẽ luôn giúp chúng ta xóa bỏ hết mọi tâm trạng tiêu cực.

Đầu óc mải quay cuồng với những suy tư, tôi bất giác thấy mình đã đến trước cổng trường. Chăm chú ngắm nhìn từng tầng kiến trúc một cách tỉ mỉ, tôi thật sự bị rung động bởi những tòa nhà ngay ngắn trật tự, mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu. Tuy chúng không cao, nhưng những bức tường đá được chạm khắc tinh tế mang lại một cảm giác uy nghiêm. Nhìn từ xa, chúng giống hệt pháo đài châu Âu thế kỷ 18, hoặc như ngôi trường phù thủy trong truyện Harry Potter.

Khuôn viên trường cực rộng với những tòa nhà trông giống hệt nhau. Loay hoay hồi lâu với tấm bản đồ, cuối cùng tôi cũng tìm thấy tòa nhà của Học viện Công tác xã hội. Nhìn bề ngoài không quá đồ sộ, nhưng khi bước vào trong, tôi mới phát hiện nó giống hệt một mê cung cỡ nhỏ đầy phức tạp. Tôi liếc nhìn đồng hồ, sắp đến giờ học bồi dưỡng cho sinh viên mới, vậy mà tôi vẫn chưa tìm thấy phòng học, điều ấy khiến tôi tá hỏa. Rất nhiều lần định lấy hết can đảm để hỏi người khác, nhưng mỗi khi người đối diện sắp bước qua, tôi lại sợ hãi cúi đầu ngoảnh đi. Sau cùng, tôi đành dè dặt gõ cánh cửa văn phòng làm việc ở tít cuối hành lang.

Trong căn phòng nho nhỏ, chỉ có một bà giáo đang ngồi làm việc trước máy tính. Tôi lí nhí chào hỏi và tự giới thiệu mình là sinh viên mới, đến tham gia lớp bồi dưỡng nhưng không tìm thấy phòng học ở đâu. Bà giáo lập tức đứng dậy chào đón tôi, trao một cái ôm thân thiết nhiệt tình khiến tôi không kịp phản ứng. Đầu tiên bà chỉ cho tôi đường đi, sau đó sợ tôi không nhớ, bà liền vẽ lên một tờ giấy, cuối cùng do vẫn không yên tâm, bà đành bỏ dở công việc, tự mình dắt tôi đến tận cửa lớp học. Lúc chào tạm biệt, bà còn hóm hỉnh an ủi: “Đừng lo, cô đã làm việc ở đây hơn mười năm, nhưng vẫn thường xuyên lạc đường. Nếu lần sau còn bị lạc, cứ đến tìm cô nhé! Phòng làm việc của cô ở cuối hành lang kia!” Bà mỉm cười vẫy tay chào rồi quay lưng đi. Bà ấy chính là người Mỹ đầu tiên chủ động giúp đỡ tôi kể từ khi tôi đặt chân đến đất nước này, vậy mà tôi lại chẳng hề biết tên bà ấy.

Tôi đứng đơ người sau khi bước vào lớp học. Căn phòng không rộng lắm, vài chiếc bàn tạm thời bị dẹp sang một bên, chỉ có một loạt ghế được xếp thành vòng tròn ngay chính giữa. Bởi vì đến hơi muộn nên hầu như chẳng còn ghế trống, có khoảng mười ba, mười bốn người gì đó, tất cả đều là sinh viên nữ người Mỹ. Tôi thầm thắc mắc, chẳng phải giáo viên phải đứng trên bục giới thiệu nội dung cần phải học gì đó, còn phía dưới sinh viên chăm chú lắng nghe hay sao?! Kiểu ngồi thành hình tròn này, rõ ràng nhằm để mọi người cùng trao đổi, nhưng tôi làm gì có sự chuẩn bị nào chứ.

Tôi luống cuống bước vào, nhanh chóng tìm một chiếc ghế rồi ngồi xuống. Nhìn lướt qua một lượt, hình như giáo viên chưa đến, mọi người chỉ đang tán chuyện gẫu. Tôi âm thầm quan sát mấy người ngồi bên cạnh, tuy là “bạn học” nhưng dường như giữa chúng tôi có sự chênh lệch tuổi tác khá lớn, có một số trông có vẻ bằng tuổi, còn một số hình như đã ba bốn mươi tuổi rồi. Thấy họ từng cặp từng cặp nói chuyện với nhau trông rất hợp cạ, tôi ngờ ngợ liệu có phải họ đã quen nhau từ trước?

Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi ngồi gần một nhóm người Mỹ đến thế, cảm giác thật kỳ quặc. Bọn họ đều tóc vàng hoặc nâu nhạt, duy có tôi là màu đen. Da ai cũng trắng bóc, chỉ mình tôi là người da vàng. Mọi người đều nói tiếng Anh cực kỳ trôi chảy, cười nói trông rất tự tin, một mình tôi ngồi lặng lẽ, lọt thỏm một cách kỳ dị. Lần đầu tiên tôi ý thức được, tuy một nhóm người ngoại quốc đang ngồi trước mặt mình, nhưng kỳ thực tôi mới là “người ngoại quốc” duy nhất ở đó. Ý nghĩ đó khiến tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, ngượng ngùng, và sự tự ti bất chợt trào lên.

Cũng chẳng hiểu sao tôi lại có cảm giác ấy, nhưng bắt đầu từ hôm đó, sự tự ti liên tục đeo bám theo tôi. Mỗi khi bối rối, hoặc cảm thấy chẳng thể kiểm soát được tình hình, cái cảm giác đáng ghét ấy lại âm thầm trỗi dậy bóp nghẹt lấy tôi. Tôi muốn chạy trốn, nhưng lại chẳng biết chui đi đâu, đành cắn răng, đông cứng ở đó. Tôi cảm thấy mình phải tìm việc gì để làm, phải khiến bản thân “không quá khác người”. Vậy là tôi tỏ vẻ không có chuyện gì, rút cuốn vở ghi chép ra, vẽ vời lên đó, ra vẻ như “tôi cũng đang rất bận nhé.”

Chẳng mấy chốc, một phụ nữ trung niên từ ngoài bước vào. Bà có dáng người hơi đậm, mái tóc ngắn màu nâu được chải chuốt cẩn thận, bà mỉm cười nhiệt tình nói: “Xin chào mọi người”. Bà ấy chính là Anna – một trong những giáo sư của chúng tôi, đồng thời cũng là người phụ trách lớp bồi dưỡng ngày hôm đó. Sau khi nghe bà giới thiệu xong tôi mới định hình được, tất cả mọi người ở đây đều là sinh viên mới của khóa học mùa xuân năm 2009 tại Học viện Công tác xã hội, bọn họ cũng sẽ là bạn học của tôi trong học kỳ đầu tiên. Toàn bộ sinh viên được phân thành hai tổ và đương nhiên tôi thuộc về một trong số đó.

Thú thật lúc cô Anna bước vào lớp, trạng thái “tê cứng toàn thân” của tôi mới được thả lỏng. Tôi thầm nghĩ: chí ít bà ấy phải giảng một giờ, tôi chỉ cần lắng nghe là ổn, bà ấy giảng xong tôi có thể chuồn ngay. Nhưng chẳng ngờ sau mấy phút giới thiệu ngắn ngủi, cô Anna liền nói: “Các bạn sinh viên thân mến, tôi đã giới thiệu xong, hoạt động bồi dưỡng hôm nay chính thức bắt đầu. Đầu tiên mọi người hãy lần lượt tự giới thiệu.” Khi nghe đến đoạn “tự giới thiệu”, chiếc bút đang nhảy múa trên trang giấy của tôi đột nhiên ngưng bặt…

Thì ra phần “cay đắng” thật sự mới chỉ bắt đầu…

Tôi còn chưa kịp hoàn hồn, cô bạn ngồi ngay bên cạnh cô Anna đã bắt đầu mở lời. Lắng nghe mọi người tự giới thiệu tôi mới phát hiện, thì ra trong số các bạn học của tôi có người từng là “ngôi sao” tốt nghiệp từ Học viện truyền thông Đại học Columbia, 5 năm làm biên tập tại The New York Times, lại có người đồng thời là cử nhân ngành Công tác xã hội, pháp luật và thạc sĩ triết, có cả vị từng là nhân vật huyền thoại tham gia Cuộc thánh chiến hòa bình ở Belfast. Mỗi khi nghe xong lời giới thiệu của một người, tôi như bị “sang chấn tâm lý”, bọn họ nói ra những thông tin ấy với nét mặt đầy tự tin, không mảy may lo lắng.

Cảm giác tự ti sâu thẳm trong tôi lại vô hình chồng chất thêm một tầng nữa. Tôi mơ hồ cảm nhận được não trái của mình bị những lời giới thiệu hoành tráng ngất trời kia lần lượt dội bom, còn não phải đang căng cứng suy nghĩ xem nên tự giới thiệu bản thân ra sao. Sắp đến lượt mình mà đầu óc vẫn cứ đang lửng lơ, trống rỗng. Trong khoảnh khắc, dường như tôi chỉ còn nhận thấy môi họ đang mấp máy, hai tai tôi ù đặc không nghe nổi điều gì, chỉ sót lại tiếng tim đập liên hồi, ngày một nhanh dần… “thình thịch, thình thịch.”

Bỗng cô bạn ngồi cạnh hẩy nhẹ, tôi nhanh chóng định thần và phát hiện mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía mình – hóa ra đã đến lượt tôi! Tôi cảm thấy hai vành tai đột nhiên đỏ lựng, tay nắm chặt, khuôn mặt ngơ ngác chẳng biết phải làm sao. Bà giáo Anna mỉm cười nói: “Đến em rồi đó.” Tôi vừa muốn xin lỗi, lại vừa muốn cảm ơn, nhưng nhất thời bấn loạn hết cả. Sau khi hít một hơi sâu, tôi gom hết những lời muốn nói có thể nghĩ được và bật ra thành lời.

“Chào mọi người. Tôi đến từ Trung Quốc. Tên tiếng Anh của tôi là Joy. Giáo viên dạy tiếng Anh của tôi thấy tôi rất thích cười và luôn vui vẻ, nên đã đặt cho tôi cái tên đó. Tôi đặt chân đến nước Mỹ vào tối hôm trước, đây là lần đầu tiên một mình tôi đến một đất nước hoàn toàn xa lạ. Tôi vẫn chưa thể thích ứng được với mọi thứ ở đây, chẳng hạn thức ăn, thời tiết hay ngôn ngữ. Các bạn thấy đấy, tôi đang rất bối rối…”

Nói đến đây, mọi người bắt đầu lần lượt vỗ tay, đồng thanh cất tiếng: “Chào mừng bạn đến nước Mỹ”. Họ khen tôi nói rất hay và khuyến khích tôi tiếp tục. Tôi vừa gượng cười vừa nhanh chóng lục lọi trong đầu một vài điều khác đáng nói.

“Thú thật, tôi chẳng có trải nghiệm cá nhân gì ghê gớm. Trước khi đến Mỹ, tôi học đại học chuyên ngành tiếng Anh ở trong nước. Tuy là thế, nhưng hiện tại tôi cảm thấy rất khó khăn về mặt ngôn ngữ, bởi tôi chưa từng học và sống trong môi trường tiếng Anh bản địa, nhưng tôi sẽ cố gắng thích nghi với điều này. Sở dĩ chọn đến Mỹ để theo học chương trình thạc sĩ Công tác xã hội, chủ yếu vì hy vọng trong tương lai, công việc của tôi có thể trực tiếp giúp đỡ người khác với ý nghĩa thật sự của nó. Tuy nhiên, trước đây tôi chưa từng được giáo dục, hay làm việc về phương diện Công tác xã hội, vì thế tôi vẫn cảm thấy khá xa lạ đối với lĩnh vực này. Hy vọng trong hai năm tới tôi có thể học tập và áp dụng thực tiễn thật nhiều, để tiến gần hơn tới ước mơ của mình. Rất vui được làm quen với mọi người!”

Đừng nhìn vào hàng chữ chỉnh tề liền mạch đó, thật ra khi nói những lời trên, mặt tôi đỏ bừng, tay dấp dính mồ hôi, giọng nói run rẩy, không đầu không đuôi… rất nhiều cụm từ và câu cú đều đảo lộn tùng phèo, phải mất hồi lâu mới nói rõ được ý cần biểu đạt. Sau khi trình bày xong, tôi như thể trút được gánh nặng ngàn cân, thở phào nhẹ nhõm, đó quả thực là lần tự giới thiệu căng thẳng nhất trong cuộc đời.

Sau phần tự giới thiệu, cô Anna lại dẫn dắt mọi người cùng tham gia nhiều trò chơi để tìm hiểu lẫn nhau. Khi chương trình kết thúc cũng đã bốn năm giờ chiều. Tuyết bắt đầu lất phất rơi trên đường về nhà, từng bông tuyết âm thầm rơi trên đất, có cơn gió nhẹ khẽ thổi qua, càng khiến tôi cảm thấy lạnh lẽo vô cùng. Dọc đường về, tôi lại chìm đắm trong dòng suy nghĩ triền miên.

Bạn thấy đấy, khi bạn ở trong một môi trường mới, những điều mắt thấy tai nghe đều hoàn toàn mới lạ. Bất kể sự việc nhỏ nhặt đến đâu cũng gây chấn động tới thế giới nội tâm của bạn. Nhớ lại mọi điều vừa trải qua trong phòng học, cái cảm giác tự ti đáng ghét ấy rất biết chọn thời điểm để quay trở lại thị uy với tôi. Dường như tôi còn nghe thấy nó đang cười nhạo mình: Mày xem đi, mọi người trong lớp đều là các nhân vật có máu mặt, so với họ mày nhỏ bé đến mức đáng thương.

Đúng thế, tôi quá bé nhỏ, tôi lấy gì để so sánh với họ cơ chứ? Chẳng có thành tích huy hoàng mà khoe khoang, cũng chẳng có thực lực đủ mạnh để cạnh tranh, đến việc làm thế nào sử dụng thứ tiếng Anh chuẩn, lưu loát biểu đạt những ý tưởng đơn giản nhất, tôi cũng không biết. Trước đây khi còn học tiếng Anh ở trong nước, tôi từng tự tin cho rằng mình khá xuất sắc, nhưng sau khi đặt chân đến Mỹ, tôi suy sụp khi nhận ra thứ duy nhất đáng để tự hào kia cũng hoàn toàn sụp đổ. Cộng thêm mấy ngày nay phải trải qua sự khác biệt về văn hóa, càng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tôi, khoảng cách giữa hiện thực và ước mơ đột nhiên bị kéo giãn đến không ngờ, cùng với đó là một áp lực cực lớn.

Kỳ thực bây giờ nhìn lại, thứ áp lực đó rất vô lý và nực cười, thậm chí tôi tự cảm thấy phản ứng của mình có phần quái đản. Tuy nhiên, đối với một cô gái tuổi đôi mươi chưa từng va chạm xã hội như tôi, thứ áp lực lúc bấy giờ là vô cùng chân thực, vô cùng nặng nề, nó chèn ép, đè nén tôi từng giây từng phút. Tôi cảm thấy thế giới nội tâm đang chao đảo, bỗng không thể tìm thấy bất kỳ lý do nào khiến tôi tự tin đứng vững trên mảnh đất này.

Thực tình tôi từng ngây thơ cho rằng, được một trường đại học danh tiếng ở Mỹ nhận học là một việc cực kỳ ghê gớm. Những tưởng sau khi kết thúc mọi công việc thi cử và hồ sơ du học, tôi có thể vui vẻ, nhẹ nhõm đi trải nghiệm cuộc sống thú vị nơi đất khách quê người. Nào ngờ, sự kết thúc này mở ra điểm khởi đầu mới, sau khi đặt chân đến Mỹ, mọi thành tựu trước đó đều trở về con số không. Mọi mô thức hành vi, hệ thống nhận thức, lòng tự tôn đều bị xóa sạch, tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Không những thế, cuộc sống của tôi còn vấp thêm hai cửa ải ngôn ngữ và văn hóa, nên áp lực và cảm giác đè nén là điều không cần phải đoán.

Càng nghĩ vậy áp lực lại càng lớn. Chính vào lúc tôi đang sắp rơi vào vòng xoáy tiêu cực, tôi chợt nhớ tới lời dặn dò của bố mẹ lúc sắp lên đường. Mẹ hay kể cho tôi nghe câu chuyện “ngựa non qua sông”, còn bố giảng giải về đạo lý “đấu với chính mình chứ không đấu với người”. Lúc ấy tôi mới đột nhiên ý thức được mình lại đang dằn vặt vớ vẩn về vấn đề ngu xuẩn – “mình lấy gì để so sánh với người ta”.

Kỳ thực, điểm mấu chốt của vấn đề vốn không nằm ở việc so sánh bản thân với người khác, mà quan trọng là bản thân phải vượt qua chính mình ra sao. Nếu suy nghĩ vấn đề bằng tư duy tích cực, thật ra mọi khó khăn trước mắt đều có thể chuyển hóa thành ưu thế. Ví dụ, tôi vốn là người Trung Quốc, hiện tại phải sống ở một quốc gia xa lạ với ngôn ngữ thứ hai – đó là một sự tiến bộ vượt bậc. Hay như tôi vốn là dân tiếng Anh, nay lại nhảy sang học thạc sĩ chuyên ngành Công tác xã hội, vậy cũng coi như một bước tiến cực lớn. Tuy tôi có nhiều mặt không được như các bạn người Mỹ, nhưng so với tôi trước đây, thật sự tôi đã tiến bộ hơn rất nhiều. Nếu mỗi một tôi của ngày hôm nay, đều tiến bộ hơn tôi của ngày hôm qua, dù cho chỉ đôi chút thôi, nhưng cứ tích lũy dần dần, sự thay đổi về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất, mọi chuyện nhất định sẽ có chuyển biến!

Trên thực tế, mọi suy nghĩ tiêu cực như oán thán, than thân trách phận, căm phẫn tiêu cực đều là sự lãng phí thời gian. Tuy hoàn cảnh hiện tại rất khó khăn, nhưng chỉ cần chiến thắng nghịch cảnh và tiếp tục tồn tại, tôi sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi nhớ một câu danh ngôn: “Khi bạn cảm thấy đau khổ, khó khăn, buồn bực, bi thương, muốn cầm dao đâm chính mình, điều đó chứng tỏ bạn đang tiến lên phía trước.” Tôi của hiện tại cũng đang tiến lên phía trước, bởi cuộc đời tôi đang bước vào giai đoạn chuyển biến vô cùng quan trọng, nên chẳng cần phải cảm thấy tự ti, vì ở một đất nước xa lạ, dù bạn tạo được bước đột phá như thế nào, đối với cá nhân bạn đó cũng đều là sự tiến bộ vô tiền khoáng hậu. Nietzsche[3] từng nói một câu rất hay rằng phàm những ai có thể giết chết bạn đều có thể khiến bạn càng trở nên mạnh mẽ hơn. Chỉ cần còn tồn tại ở đây một ngày, tôi sẽ không được phép sợ bóng sợ gió gì nữa. Phải mạnh dạn lên, phải tự tin lên, phải học lấy tinh thần “không vứt bỏ, không từ bỏ” của Hứa Tam Đa. Không những phải đứng dậy trên mảnh đất này, mà còn phải bám rễ, nảy mầm và sinh sôi phát triển ở đây.

Nghĩ đến đây, tôi liền quấn chặt chiếc khăn quàng cổ, in từng dấu chân mạnh mẽ trên tuyết, bước về phía trước.

Sau khi tuyết rơi, thời tiết không còn lạnh như trước nữa.

Ngày mai lại là một ngày mới!