- Anh Tiến! Đê Tiên Phong vỡ rồi!
- Cái gì? Tiến bật người dậy, hai tay dụi mắt hỏi.
- Đê bên Tiên Phong vỡ rồi! Lễ, phụ trách đội giao thông hoả tốc nhắc lại.
- Sao? Đê Tiên Phong vỡ hả?
Anh chỉ kịp hỏi có vậy rồi lao ra đê. Suốt mấy ngày đêm vật lộn với mưa gió, chiến đấu với nước lũ, người Tiến mệt nhoài. Miệng anh khản đặc. Chân tay rã rời. Tuyến đê xã anh phụ trách dài hơn 5 cây số không chỗ nào là anh không tới. Anh nhắc người nọ, đốc người kia đắp trạch, cơi đê. Vừa tạm ổn ổn một tý, về trạm ngả lưng được mấy phút lại có chuyện.
Đêm cuối tháng, trời tối đen như mực. Trên đê chỉ còn lại những tổ cơ động trực chiến. Nước sông Lô cuồn cuộn chảy. Thỉnh thoảng, ánh chớp loé lên soi rõ cả những rác củi lều bều trôi trên sông. Bọt nước ngầu đục dạt vào bờ trông dễ sợ. Nước sông mấp mí mặt con trạch. Đất dự trữ hết, anh đã phải huy động mọi người xắn đất mép đê nọ đắp lên nửa đê kia làm con trạch ngăn nước. Cả tuyến đê Hữu này đã phải cơi cao đến hơn nửa mét rồi mà nước vẫn không chịu rút. Mặt đê nham nhở. Bùn đất nhão nhoét. Tiếng chân người lội bì bõm trong đêm. Thỉnh thoảng, có người ngã bì bạch và tiếng cười lại ré lên. Mặc kệ mưa, gió, con người đang thi gan với đất trời, với nước lũ.
- Đê bên Tiên Phong vỡ rồi anh Tiến ơi! Thế là bên ta yên tâm không phải lo đắp giữ nữa.
- Đã bảo mà, đê bên ấy chẳng mấy năm là không vỡ. Đê gì mà bé tí tẹo, cao chon von lo chẳng vỡ.
- Thì bên ấy có vỡ, bên mình mới đỡ chứ.
- Chưa chắc đã vỡ đâu các bố ạ. Đừng có vội mừng. Tớ thấy vẫn im ắng lắm. Vỡ thì phải có tiếng nước réo chứ.
- Thì lúc nãy chẳng có tiếng kêu "Vỡ đê rồi" từ bên ấy vọng sang là gì!
Tiếng bàn tán của lũ thanh niên trực đê xôn xao. Lạ thật! Bọn họ vô tư quá. Ai lại mong đê bên kia vỡ để cho bên mình nhẹ gánh kia chứ. Chập tối đội quân hai bên bờ đã chòng ghẹo nhau rồi. Cứ tên chủ tịch xã hai bên mà chúng réo.
Tiến căng mắt nhìn sang bờ bên kia. Chỉ thấy lập loè vài ánh đuốc. Không như lúc chập tối, đuốc rực sáng cả tuyến đê dài từ đầu xã đến cuối xã. Tiếng người quát tháo, hò hét râm ran. Tiếng trống thúc liên hồi. Vậy mà bây giờ im ắng thế? Hay là vỡ đê thật rồi? Không chắc? Nếu vỡ thì phải có tiếng nước réo ầm ầm chứ? Tiến khum hai tay lên miệng làm loa gọi với sang bên kia:
- Anh Thường ơi! Đê thế nào rồi?
Tiến gọi mấy lần nhưng không có ai đáp lại. Tiếng của anh tan biến trên mặt sông giữa tiếng réo của nước, tiếng rít của gió. Chớp nhằng nhịt xé rách màn đêm. Bầu trời đen kịt. Sấm ì ầm băm nát tiếng gọi của anh rơi xuống dòng Lô hung dữ. Lại sắp mưa nữa rồi. Tiến ngao ngán nói với chủ tịch xã:
- Anh điện về huyện xem tình hình bên Tiên Phong ra sao?
Chủ tịch Cường lắc đầu: - Đường dây bị mưa gió mất liên lạc rồi.
Thế có rủi không cơ chứ. Hữu tuyến mất. Vô tuyến lại không có. Không biết tình hình Tiên Phong ra sao? Trong đầu anh bao nhiêu câu hỏi không sao trả lời được. Cuối cùng, Tiến trao đổi với Cường:
- Tình hình đê xã mình tạm ổn rồi. Anh ở lại chỉ huy, tôi phải sang sông xem Tiên Phong nó thế nào. Sốt ruột lắm.
Cường ngần ngừ: - Sang sông bây giờ ư? Bằng cách nào?
- Đi thuyền chứ bằng cách nào nữa. Anh bố trí cho tôi một chiếc thuyền tốt và một tay lái cừ, chúng tôi sẽ sang sông.
Nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, chủ tịch Cường băn khoăn. Tiến hiểu nỗi lo lắng của Cường. Anh nói để Cường yên tâm:
- Cả huyện, mỗi xã mình có làng vạn chài cơ mà. Thiếu gì tay lái cứng. Với lại, tôi đã từng là bộ đội đặc công nhé. Anh cứ yên tâm đi.
Thế là Tiến sang sông cùng một tay thanh niên trẻ trên chiếc thuyền gắn máy xịn nhất của xã. Con thuyền mất hút trong đêm giữa dòng sông mênh mông chảy xiết.
Mùa lũ năm nay, không biết huyện sắp đặt phân công thế nào mà Tiến và An lại phụ trách chống lụt bão ở hai xã đầu nguồn con sông chảy vào huyện. Tiến ở bờ hữu. An bên bờ tả. Xã An phụ trách có tuyến đê dài và yếu nhất huyện. Bảo là đàn ông còn đỡ, chứ đằng này con gái chân yếu tay mềm như An làm sao mà chống đỡ được. Chỉ riêng việc đi kiểm tra dọc tuyến đê dài hơn 10 cây số thôi cũng đủ chết rồi chứ chưa nói đến sạt lở, mạch sủi... Hôm họp giao tuyến, tưởng An chối, xin chuyển xã khác, đằng này cô ấy lại không. Người gì mà gan thế cơ chứ. Bây giờ vỡ đê mới biết dại nhé. Lòng Tiến ngổn ngang nghĩ về An. Với An, anh có cả một khoảng trời riêng thương nhớ.
Tiến gặp và quen An từ những ngày hai đứa cùng ngồi trên ghế của mái trường đại học. Cùng sinh ra bên bờ dòng sông trong xanh mơ mộng, bây giờ họ lại cùng nhau về thủ đô học tập. Tiến học đại học thuỷ lợi. An học đại học báo chí. Tình đồng hương, tình bạn đã làm cho hai người quấn quýt bên nhau. Tiến như người anh trai lo lắng chở che cho An. An hiền dịu tin cậy dựa vào Tiến. Tình cảm vô tư trong sáng của hai người đã nâng bước họ trên con đường học tập. Bạn bè nhìn họ ai cũng thầm ghen tỵ. Nhiều đứa gán ghép họ với nhau. Tiến và An nghe thấy hết nhưng họ đều bỏ ngoài tai vì thực ra giữa họ là một tình cảm thật trong sáng. Đùng cái, chiến tranh biên giới xảy ra, Tiến hăng hái xung phong vào bộ đội. Hôm tiễn đưa Tiến, An khóc thầm lặng lẽ. Tiến phải dỗ mãi An mới nín để anh lên đường. Bốn con mắt đau đáu nhìn nhau. Ôi cái phút chia ly ấy với ánh mắt chứa chan giấu bao điều khác lạ của An đến bây giờ Tiến làm sao quên được.
Vào quân ngũ, huấn luyện xong, Tiến được điều động vào biên giới tây nam Tổ quốc. Anh luôn viết thư về thăm An. Ở nơi xa xôi ấy, hình ảnh của An đã choán hết hồn anh. Đến lúc đó, Tiến mới hiểu rằng mình đã yêu An. Thế rồi chiến sự mỗi ngày ác liệt, đơn vị di chuyển liên tục, Tiến chẳng còn thời gian nào viết thư cho An nữa. Với lại, Tiến cũng không hề nhận được thư An không biết do anh thay đổi địa chỉ liên tục hay vì lý do nào khác. Sau đó, đơn vị của Tiến được điều sang chiến đấu trên đất bạn. Tiến liên miên theo từng trận đánh. Thấm thoắt thời gian trôi, Tiến đã có gần bảy năm quân ngũ. Chiến tranh kết thúc, anh được ra quân trở lại trường tiếp tục học. Khi đó, An đã học xong và về đúng huyện nhà công tác. Đặc biệt, An đã lấy chồng. Hôm về quê, gặp lại nhau họ vui mừng khôn tả. Nhìn An đẹp lộng lẫy hơn hẳn cả thời sinh viên, lòng Tiến bâng khuâng. Trời ơi, cái điều chưa kịp nói bây giờ sẽ chẳng bao giờ còn được nói nữa! Tiến ngậm ngùi trở lại trường học mang theo trong mình bao kỷ niệm đẹp đẽ về An.
Ra trường, Tiến được điều về phòng Nông Lâm nghiệp huyện công tác, phụ trách mảng thuỷ lợi. Ba mươi tuổi, Tiến vẫn phòng không. Bao người con gái đến với anh nhưng hình ảnh của An vẫn không thể nào phai nhạt được. Cứ mỗi lần ôm đàn ghi ta anh lại hát bài "Người hát rong" để kỷ niệm về mối tình đầu đơn phương ấy. "Mãi mãi là người đến sau", tiếng đàn, lời hát của anh nghe da diết ngậm ngùi. An hiểu lòng Tiến. Đã bao lần An khuyên Tiến lấy vợ nhưng anh đều lảng sang chuyện khác. Người gì mà cực đoan trong chuyện yêu đương đến thế. Yêu ai thì yêu chí chết người đó. Tuy vậy, Tiến không hề có ý định phá vỡ hạnh phúc gia đình An. Anh vẫn coi An như người em gái, có trách nhiệm với An như những ngày xưa ở trường đại học.
- Anh Tiến cẩn thận nhé. Ra đến giữa dòng rồi đó. Anh bật đèn pin soi cho em với. Em không nhìn thấy gì cả.
Tiếng người thanh niên lái đò cắt ngang dòng hồi tưởng của Tiến. Tiến sực tỉnh đã thấy trước mặt mình mênh mông biển nước. Con thuyền chòng chành, lắc lư trước dòng xoáy. Đoạn này đúng khúc sông cong, nước chảy xiết. Rác củi trôi ngổn ngang. Có cả những ngôi nhà, những cây to lao qua trước mặt. Cậu lái đò phải căng mắt, lựa lái. Sơ sểnh một tý là có thể đâm vào chúng lật thuyền như chơi.
- Cắt chéo dòng nước, nhằm đê Lã Hoàng mà sang. Sau đó ta bám bờ ngược lên Đám cũng được - Tiến dọi đèn pin chỉ đạo cậu thanh niên.
Dòng nước đoạn này lại chảy xéo về bờ Hữu, không cứng tay lái thì bị trôi về làng chài nơi cuối xã Hữu Đô. Như vậy sẽ chẳng bao giờ sang được Tiên Phong nữa mà Tiến thì đang sốt ruột về An, về cái tin đê làng Đám bị vỡ. Nếu vậy thì phần lớn diện tích lúa vụ này của huyện nằm ở vùng đó sẽ bị mất trắng. Chỉ tiêu lương thực theo nghị quyết của đảng bộ sẽ không đạt. Trách nhiệm là trách nhiệm chung nhưng với An sẽ là người không hoàn thành nhiệm vụ.
Hai người cùng con thuyền vật lộn mãi rồi cũng cập được bờ đê Lã Hoàng. Họ quay mũi ngược dòng lên đoạn đê làng Đám.
- Thuyền nào kia, đi chầm chậm thôi không sóng đánh vỡ mẹ đê của ông bây giờ.
Tiếng một người trên đê vọng xuống. Tiến bảo cậu lái tìm nơi đậu thuyền rồi lên bờ đi bộ về phía đê xung yếu.
- Có phải đê Đám vỡ không bác ơi? Tiến sốt ruột hỏi.
- Chưa. Nhưng mà sắp - Mấy người gác đê chủng chẳng.
Người trên đê đứng ngồi lố nhố. Chỉ còn lại toàn thanh niên, nam giới. Đàn bà phụ nữ vừa được lệnh về thực hiện phương án 2, sơ tán phòng khi đê vỡ. Gió bất ngờ nổi lên. Mưa như trút nước xuống. Những hạt mưa quất vào mặt rát ràn rạt, đau điếng. Đèn đuốc tắt ngấm. Qua ánh chớp dòng sông trắng loáng mênh mông, trông dễ sợ. Con đê oằn mình có cảm tưởng như chỉ cần chọc nhẹ một chỗ là có thể bục ngay cho nước ào vào. Tiến lạch bạch lao đến đoạn đê xung yếu. Khoảng hai chục người đang loay hoay, rì rầm với nhau xem ra hệ trọng lắm.
- Anh Thường ơi! An ơi! Tiến gọi chủ tịch xã và gọi An.
- Ai đó?
- Tôi đây. Tiến đây.
Thế rồi cả chủ tịch Thường và An cùng lao đến:
- Ôi, anh Tiến! May quá, có kỹ sư thuỷ lợi đây rồi! Anh xem xử lý thế nào kẻo vỡ đến nơi mất.
Họ báo cáo tóm tắt diễn biến tình hình. Tiến dọi đèn pin. Đúng đoạn đê có cái mạch sủi năm nọ. Một nửa đê dài chừng chục mét đã xệ xuống. Nước rỉ ra chảy thành dòng khá rõ. Hai đầu đoạn đê sạt còn lại mấy chục thanh niên đứng chống cuốc chờ lệnh. Anh soi đèn pin nhẹ nhàng đi trên nửa đê còn lại.
- Cẩn thận đấy anh Tiến. Nguy hiểm lắm.
Quả thực nguy hiểm thật. Đoạn sạt toang hoác, mỏng manh. Nước phun qua mấy lỗ khá mạnh. Anh soi kỹ đèn pin rồi nói với Thường: "Nước trong. Còn may, anh Thường ạ". Rồi Tiến hướng dẫn cách xử lý: "Bây giờ đề nghị anh huy động người đem cọc tre, bao tải cát đắp một cái cơ đê vòng ra mãi phía ruộng kia làm đối trọng với nước ngoài sông. Cho ngay người lấy bẹ chuối dẫn những dòng nước này chảy ra xa vượt qua chỗ bùn đất nhão nhoét nọ. Kiếm cho tôi một tấm bạt dứa rộng khoảng ba chục mét vuông và mấy tay lặn tốt để làm nhiệm vụ. Chú ý cử người canh chừng nửa đê còn lại, có tình huống xấu phải tản ngay"
Theo sự chỉ đạo của Tiến và Thường mọi người răm rắp tiến hành công việc. Tất cả đèn pin được huy động tới. Mặc mưa quất, gió gào, mọi người vẫn lầm lũi đóng cọc, khuân vác, kê chất những tải đất thành bức tường cao phía ruộng. Sấm chớp nhì nhằng. Người nào người ấy ướt đẫm nước mưa cùng mồ hôi. Ai cũng một quyết tâm giữ lấy đê cứu lúa.
Lát sau, người ta mang đến một tấm bạt dứa. Tiến hướng dẫn mấy cậu thanh niên: "Phải tìm cách lặn xuống đưa tấm bạt dứa này dán vào mép bờ đê. Như vậy sẽ hạn chế thậm chí bịt được mấy cái vòi nước tai quái kia. Làm được như vậy là yên tâm 80% đấy". Họ loay hoay dở tấm bạt. Gió thốc vào suýt nữa thì hất mấy cậu xuống sông. Trải xong tấm bạt lên mặt đê, Tiến bảo mấy cậu thanh niên tìm cách cầm hai đầu tấm bạt lặn xuống. Họ vừa lặn xuống được một tí đã thấy lại nhoi lên ngay vì tấm bạt lùng nhùng không sao mà đưa xuống nước được. Tiến phải bảo họ lấy một cây tre buộc cuốn một đầu bạt lại, kèm theo mấy viên đá to rồi lựa đưa từ từ ghìm đầu có cây tre đó xuống nước. Mấy cậu thanh niên lóng nga lóng ngóng. Cuối cùng, đích thân Tiến một đầu bạt. Anh lặn xuống kéo theo tấm bạt. Mấy người trên đê thả bạt từ từ cho anh. Phải đến hơn chục lần lặn lên xuống như thế anh mới đưa được tấm bạt nặng chịch đó dán vào mép đê. Sau đó, anh tiếp tục lặn xuống mang theo những cọc nhỏ ghim giữ hai đầu tấm bạt đó cố định vào thân đê. Lần lặn cuối cùng mãi không thấy anh lên. Mọi người lo lắng. Một cậu thanh niên lao xuống nước. Lát sau, cậu ta bế Tiến lên. Thì ra anh bị mắc kẹt vào đầu cây tre và tấm bạt dưới đó. Người Tiến mềm nhũn, mê man. Mọi người xúm đến bên anh. An lao tới ôm Tiến. Chủ tịch Thường gọi vội y tá cấp cứu. Người ta xoa dầu gió, hô hấp cho anh. Đến gần sáng thì Tiến mới tỉnh. Mở mắt ra thấy gương mặt An ngay sát mặt mình. Anh ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thường nói lại cho Tiến hiểu. An nhìn anh mỉm cười. Gương mặt Tiến thanh thản: "Tình hình đê thế nào rồi? Nước rút chưa?". Thường vui vẻ báo tin cho Tiến: "Đê ngon lành lắm. Nước bắt đầu rút rồi. Không có cậu thì nguy to đấy". Tiến khẽ gật đầu mỉm cười. Anh nói nhỏ chỉ đủ cho An nghe: "Anh vẫn là người đến sau". An nhìn anh đắm đuối: "Không. Anh là người đến rất đúng lúc".
Ngoài kia sông Lô đang trở lại êm đềm. Thế nhưng trong lòng Tiến và An lại có một dòng sông khác, dòng sông kỷ niệm đang cuồn cuộn chảy.