- Trước tiên, chị phải lấy một cái tên mới. Tên cũ ở làng không dùng được nữa, vì mọi người đều biết, rất dễ bị lộ.
Nghĩ đến thái độ dứt khoát của mình, dám gạt nước mắt giã từ cha mẹ và quê nhà, Hậu chọn tên mới là Quyết, để đánh dấu sự quyết tâm thoát ly, đồng thời cũng tự nhắc nhở mình không nản lòng trên bước đường chông gai sắp tới. Quảng hài lòng bảo:
- Tốt lắm! Như vậy từ nay tên của chị là Vũ thị Quyết.
Rồi ông xòe bàn tay, nhắc Hậu ăn cơm. Bữa cơm rất đơn giản chỉ có cá quả kho với khế phơi khô, thêm bát muối vừng bên cạnh, nhưng Hậu thấy rất ngon vì đang đói bụng sau quãng đường dài cuốc bộ. Quảng bảo:
- Tối nay chị ngủ tạm ở đây. Sáng mai sẽ có người đưa chị đi xuống Hà Nội. Đi tàu lửa. Lẽ ra thì tôi phải đi cùng với chị, nhưng tôi còn đợi một đồng chí nữa. Chị cứ đi trước đi. Có thể mình sẽ gặp nhau ở dưới ấy cũng chưa biết chừng!
Cơm trưa xong, Hậu lang thang ra con phố chính của thị xã, mặc dù không cần mua bán gì. Lòng cô bâng khuân xao xuyến vì nhớ cha mẹ và các em ở nhà, mặc dù mới xa Hải Ninh có mấy tiếng đồng hồ. Hai năm nay, từ ngày dấn thân hoạt động, cô đã sống thường trực trong nỗi lo âu phập phòng. Nhưng chuyến đi hôm nay mới thật sự đặt chân lên lộ trình sinh tử, chẳng biết trong tương lai rồi sẽ ra sao. Chỉ có điều là trái tim cô đang tràn đầy nhiệt huyết, vì cô hãnh diện mình theo đuổi một lý tưởng mà cô cho là hết sức chính đáng.
Tối hôm ấy, Hậu ngủ lại hiệu thuốc lào Vĩnh Bảo. Ông Quảng nhường cho Hậu chiếc giường có căng mùng và trải chiếu hoa. Còn ông thì nằm trên cái ghế mây kê sát cửa ra vào. Ông không nói chuyện nhịều với Hậu bởi nhiệm vụ của ông chỉ là giao liên, đại diện tỉnh bộ đưa người lên thành bộ ở Hà nội mà thôi.
Sáng hôm sau, Hậu thức giấc lúc ông Quảng đã sắp mở cửa tiệm. Vì đêm qua thao thức nhớ nhà, nên Hậu ngủ trễ, chắc phải quá nữa khuya mới thiếp đi. Cô ngồi dậy, vén mùng, gấp chăn và ngượng ngùng nhìn ông Quảng mỉm cười. Ông bảo:
- Cô ra sau xúc miệng rửa mặt đi, rồi vào đây ta nói chuyện.
Hậu làm theo lời ông dặn. Lúc quay vào thì ông Quảng đã mua sẳn đĩa xôi gấc và một khoanh giò đặt trên bàn cho Hậu. Ăn sáng thế này thì sang quá, quanh năm Hậu chả được động tới. Ông Quảng mời Hậu rồi nói:
- Lẽ ra, hôm nay có người đi cùng chị xuống Hà Nội. Nhưng vào phút chót, đồng chí ấy lại không đi được. Chị đành đi mình vậy!
Hậu véo miếng xôi, hốt hoảng nói:
- Chết! Tôi biết đàng nào mà mò!
Quảng cười trấn an:
- Không sao! Dễ lắm. Tôi sẽ chỉ đường cho chị từ đây ra nhà ga. Chị mua vé đi Hà Nội. Lên xe hỏa rồi là kể như xong. Đến sân ga sẽ có người đón chị.
Hậu vừa nhai vừa lo lắng than:
- Có chắc không đấy anh? Chỉ sợ không có người đón, tôi đi lớ ngớ, người ta sinh nghi!
Quảng gật đầu quả quyết:
- Tôi đã bố trí xong cả rồi!
Rồi Quảng giục Hậu:
- Ăn đi! Chị ăn no đi đã! Hay là bọc theo ăn trên xe hỏa cũng được!
Hậu gật đầu đồng ý. Cô muốn đi sớm vì sợ xuống tới Hà Nội thì tối mất. Cô quay vào lấy cái giỏ cói của mình. Còn Quảng thì trút dĩa xôi vào miếng lá chuối khô, gói lại để Hậu bỏ luôn vào giỏ, ăn dọc đường. Quảng dặn dò tỉ mỉ đường đi nước bước, rồi ân cần chia tay, chúc Hậu công tác tốt, hy vọng có ngày gặp lại.
Buổi chiều, Hậu đặt chân đến Hà Nội. Đây là lần đầu tiên trong đời, cô có mặt ở thủ đô, nên nhìn chỗ nào cũng lạ mắt. Tay ôm khư khư cái giỏ cói, Hậu hoang mang bước ra khỏi nhà ga. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt Hậu là mấy cô gái tân thời, có người mặc đầm, có người mặc áo dài nhưng dám mặc quần trắng, đi bên cạnh những anh lính Tây. Đối với Hậu cũng như đa số phụ nữ miền Bắc lúc ấy, mặc quần đã là cách mạng rồi, huống chi lại dám mặc quần trắng! Đại đa số vẫn là váy đen và đi chân đất, đủ cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chỉ buổi tối, trước khi lên giường, các cô mới mang đôi guốc ra giàn nước hoặc xuống ao rữa chân để đi ngủ. Sáng sớm tỉnh dậy, bước xuống giường là trở về chân không như thường lệ. Thi sĩ thời đó không ai làm thơ ca ngợi “gót son” hay “gót hồng” của người mình yêu, bởi gót nào cũng nứt nẻ vì lao động và vì đi bộ.
Hậu bước ra lề đường, choáng ngộp bởi quang cảnh chung quanh. Xe kéo, xe ngựa thì vẫn nườm nượp, nhưng lâu lâu lại có những chiếc xe đạp cao lênh khênh, thô kệch chay qua chạy lại mà hiếm khi Hậu thấy ở làng mình. Hậu đứng ngó quanh hai bên đường, lo sợ không gặp người giao liên như Quảng đã dặn trước. Bổng cô giật thót người toan đánh rơi cái giỏ cói vì tiếng còi quá lớn hét lên bên tai. Cô bước lui vào và định thần nhìn lại: Một chiếc ô tô vừa chạy ngang. Dân Hà Nội thì đã quen mắt, nhưng người nhà quê như Hậu, nom thấy xe hơi thì kinh hãi lắm, như nhìn thấy quái vật lù lù chạy trên đường! Chiếc xe đi khỏi, Hậu thở phào, đặt bàn tay lên ngực rồi chậm chạp bước theo vỉa hè, vừa đi vừa nhìn dáo dác tứ phía. Một chiếc xe kéo cũ kỹ chạy vượt lên phía trước Hậu và tấp vào lề đường. Anh phu xe còn khá trẻ, quần ta sắn lên khỏi đâu gối, áo cánh nâu bạc thếch gió sương, bỏ nón chào Hậu và nói nhỏ:
- Mời chị lên xe!
Hậu sợ hãi lắc đầu lia lịa:
- Không! Cảm ơn ông! Tôi đi bộ quen rồi!
Dứt lời Hậu bước nhanh hơn như chạy trốn. Người kéo xe cất tiếng gọi:
- Chị Quyết! Chị lên xe đi!
Anh ta gọi lần thứ hai, Hậu mới sực nhớ ra mình có cái bí danh mới là Vũ thị Quyết mà chỉ có một vài đồng chí trong tổ chức biết được. Hậu dừng lại, quay đầu ngơ ngác nhien lại anh ta. Anh phu xe nỡ nụ cười hiền hòa và bảo:
- Chị lên xe, tôi kéo. Chị mới lên Hà Nội lần đầu, biết đàng nào mà mò!
Hậu hoàn hồn mỉm cười và hỏi:
- Hóa ra anh là …
Người kia ngắt lời:
- Vâng! Tôi đây. Anh Quảng không dặn chị hay sao?
Anh phu xe đang nói dở câu thì có hai người đàn ông mặc âu phục từ phía nhà ga đi ra, xăm xăm bước tới phía Hậu, nét mặt rất khả nghi. Sợ là mật thám theo dõi, anh phu xe vội lớn tiếng bảo Hậu:
- Xin bà hai hào! Từ đây lại đằng ấy xa lắm, lại toàn đường dốc. Bà cho hai hào tôi mới kéo!
Hậu ngần ngại đứng yên. Cô chưa bao giờ ngồi xe kéo. Đàn bà nhà quê suốt đời chỉ đi bộ. Xe kéo là thứ phương tiện dành cho các thầy thông, thầy phán, hoặc những phú thương thị thành chứ một người nhà quê chân đất như Hậu leo lên xe coi nó chướng mắt lắm. Chờ hai người đàn ông lạ mặt đi xa, anh phu mới giục:
- Chị lên đi. Đừng đứng giằng co ở đây, người ta để ý!
Hậu miễng cưỡng leo lên, nhíu mày bảo:
- Ngại quá, bắt anh kéo!
- Người chị nhẹ như bông, ngại cái gì! Tôi đã kéo những ông khách béo trục béo tròn, nặng như tạ gạo! Chị ăn thua gì!
Anh ta nói đúng, Hậu dáng người mảnh mai, bà Lương vẫn thường nói đùa với bạn bè của Hậu:
- Cái Hậu nhà này mỗi lần có việc phải lên đê, chỉ sợ gió thổi bay xuống sông! Người gì mà cứ như là ốm đói!
Anh phu xe bắt đầu khom lưng kéo. Qua những dãi phố xầm uất, anh đi chậm lại và giảng cho Hậu nghe những sinih hoạt của phố phường mà anh chắc chắn là Hậu chưa hề quen biết. Cuối cùng anh đưa Hậu đến một con hẻm nhỏ thuộc khu lao động có tên là ngõ Lò Rèn và dặn Hậu cứ tự nhiên đi vào, sẽ có người đứng đón ở căn số 19. Anh dừng xe. Hậu làm bộ trả tiền để nghe anh dặn:
- Cái nhà có cánh cửa gỗ sơn màu xanh đậm. Trước sân có giàn bí và hai sợi dây phơi. Chị cứ vào đi. Tôi đứng chờ ở ngoài này. Nếu vạn nhất không có ai ở trong nhà, hoặc cửa khóa ngoài thì chị quay đầu ra đây. Dặn hờ chị thế thôi, chứ chắc chắn có người đang đợi chị, vì tôi đã hẹn rồi!
- Hậu gật đầu rồi xăm xăm bước đi, không dám nhìn hai bên con hẻm. Cô dừng lại bên căn nhà nhỏ, thấp lè tè như cái bát úp mà người giao liên đã dặn dò, thấy cánh cửa màu xanh mở hé và thấp thoáng vài người bên trong. Cô ho một tiếng rồi mạnh dạn bước chân vào. Đó là căn nhà thuê dùng làm chỗ hoạt động và là chỗ tạm trú cho cán bộ thoát ly khỏi thành phố trước khi Thàn bộ Hà Nội bố trí đi những nơi khác. Mọi thứ trong nhà đều cũ kĩ, xiêu vẹo. Bốn người đàn ông ngồi vây quanh một chiếc bàn vuông, cùng đứng dậy chào Hậu với ánh mắt trìu mến. Một người mặt áo dài trắng, dáng dấp thư sinh, bước vội lại đỡ giỏ và nón cho Hậu rồi nềm nở lên tiếng:
- Chị Quyết phải không ạ mời chị vào trong này!
Giai đoạn này phụ nữ thoát ly cũng khá nhiều nhưng so với đàn ông thì vẫn chưa đáng kể. Ở nhiều nơi phong trào các cô bỏ nhà, hoặc theo Quốc Dân Đảng, hoặc theo Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, lan rộng quá, đền độ cha mẹ phải vội vã gã chồng để ngăn chặn. Phụ nữ đảm trách công tác liên lạc bao giờ cũng dễ hơn đàn ông, cho nên sự hiện diện của Hậu trong căn nhà này là một điều quý giá khiến cá đồng chí điều phấn khởi.
Người mặt áo dài đón Hậu rồi quay ra cửa nhìn hai bên con hẻm xem có ai theo dõi không. Con hẻm này có một điểm lợi là nhà chỉ nằm dọc theo một bên, còn bên kia là bức tường gạch cao đã lên rêu xanh mốc. Nghĩa là không có nhà đối diện để nhìn vào nhà mình. Bên kia bức tường là một cư xá thuộc loại bình dân, hình như ngày trước Pháp xây làm trại gia binh, bây giờ đơn vị rút đi, dân tứ xứ mua lại để ở.
Anh ta đưa Hậu vào hẳn sau bức vách, đặt cái giỏ sát tường, úp cái nón lên trên rồi chờ Hậu trở ra để giới thiệu với các đồng chí mà Hậu sẽ sống chung và làm việc chung trong những ngày xắp tới. Lần đầu tiên ngồi bên một đám đàn ông không hề quen biết trong một căn nhà xa lạ, Hậu xấu hổ quá, từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ đều lúng túng mất hết cả bình tĩnh, khác hẳn với hai năm qua từng lãnh đạo chi bộ Hải Ninh. Lãnh đạo chi bộ Hải Ninh thật ra là lãnh đạo toàn phụ nữ và hơn thế nữa toàn là phụ nữ quen biết nhau trong làng, lại thêm cô em gái là Duyên bên cạnh, nên gần giống như sinh hoạt trong một gia đình. Còn ở đây thì toàn người lạ mà lại là đàn ông, làm Hậu chùn bước muốn bỏ ngay lập tức. Cả đến cách xưng hô, Hậu cũng thấy rất ngượng mồm. Bốn người đàn ông đều lớn tuổi hơn Hậu. Lẽ tự nhiên là Hậu phải goi họ là anh xưng em, nhưng họ không bằng lòng. Họ muốn Hậu xưng tôi, cũng như họ gọi Hậu bằng chị. Hậu ngồi khép nép ở mép giường, cái giường duy nhất kê sát vách, trải chiếc chiếu cũ đã gãy mòn cả bốn cạnh. Người mặc áo dài ra vẻ có học thức, lúc nào cũng tươi cười nềm nở, tỏ rõ phong cách lãnh đạo.
Anh ta bảo Hậu:
- Chị ở tạm đây chờ đến khi có công tác cụ thể.
Rồi anh ta chỉ tay về phía ba người đàn ông ngồi ở bàn và tiếp:
- Đây là anh Kiệt, anh Thông, và anh Mão.
Hậu cuối đầu chào ba người nhưng không biết nói gì, cô nhìn thoáng từng người và nhận ra ngay họ cũng xuất thân lao động như Hậu, nên trông ai cũng cục mịch, da ngăm đen, khác hẳn anh chàng thư sinh mặc áo dài trắng. Anh dặn dò thêm vài câu rồi đứng dậy từ giã, thậm chí Hậu chưa biết tên anh là gì. Mãi về sau, Hậu mới khám phá ra đó Lê Tiến, công tác trên Thành Bộ Hà Nội. Lê Tiến xuất thân con nhà giàu, giác ngộ cách mạng, gia nhập Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ngay từ buổi mới thành lập và bây giờ là Phó Bí thư Thành Bộ Hà Nội.
Đêm đầu tiên nằm ở cơ sở là cả một cực hình đối với Hậu. Nhà chỉ có một chiếc giường, ba người đàn ông nằm chung. Họ nhường cái bàn cho Hậu, nhưng chẳn có mùng màn chiếu gối. Cái bàn tuy là hình chữ nhật nhưng chiều dài vẫn quá ngắn. Hậu cứ co quắp tênh bênh trên đó, ngượng ngùng không tài nào ngũ được. Mùi nước mắm, cá khô, rồi mùi ẩm mốc thấm lâu vào lớp gỗ mặt bàn, bốc lên trong đêm tối rất khó chịu. Lại thêm từng làn mũi xông vào đốt, Hậu cứ liên tiếp vỗ khắp người rồi lâu lâu lại ngồi dậy, xuống đất nằm để được dũi thẳng chân. Xuống đất thì mũi lại càng nhiều hơn, Hậu lại mò mẫm leo lên. Không ngũ được Hậu trăn trở nhớ nhà ra riết, chỉ mogn cho trời mau sáng. Khi ngoài đường có tiếng rao “Bánh Tây” lần thứ nhất, Hậu thở phào ngồi bật lên, xuống bếp nấu nước pha trà. Pha xong ấm trà, Hậu ra sân sau rửa mặt, thấy hai bàn tay đầy những vết máu của cả chục con mũi đêm qua. Người đàn ông tên Kiệt chạy đi đâu kiếm được chiếc chiếu nhỏ và chiếc mùng cá nhân mang về cho Hậu làm Hậu mừng hơn bắt được của. Hậu cảm động bảo:
- Cám ơn anh! Anh đưa màn cho tôi, rồi các anh nằm không hay sao?
Kiệt vốn có tính khôi hài nên thản nhiên đáp:
- Da chúng tôi dù sao cũng dày hơn da chị! Muỗi cắn chẵn hề hấn gì đâu!
Từ đó, ngày qua ngày Hậu làm quen với nếp sống mới của những khuôn mặt trước lạ sau quen. Hậu thấy yên lòng vì xem ra ai cũng hiền cả. Công tác ở đây chưa có gì nhiều. Kiệt và Thông sáng nào cũng ra đi, tìm cách len lỏi vào hàng ngũ công nhân - chẳng hạn lò gạch Cát Linh - để làm nhiệm vụ vô-sản-hóa, tuyên truyền cho đường lối của tổ chức. Hậu thì ở nhà nấu cơm, những bữa cơm hết sức đơn giản bởi tất cả đều phải tự túc, không có ngân khoảng nào cấp dưỡng. Kiệt thuê xe kéo, bữa có bữa không. Thông thì đi gánh than, nhưng cũng chẵn có việc thường xuyên. Hôm nào mai mắn kiếm được một hai hào về đưa hết cho Hậu để góp vào tiền chợ và tiền giấp mực để in tài liệu. Chỉ có Mão vì chữ nghĩa khá hơn hai người kia, lại có hoa tay viết chữ đẹp, nên được bố trí ở nhà nấu thạch, in truyền đơn, dự trữ sẵn. Việc in ấn tuy không nhiều, nhưng đôi khi phải chờ đêm xuống mới dám làm, nên ban ngày ở nhà Hậu và Mão có nhiều thì giờ đọc taì liệu rồi bàn luận về nội dung những cuốn sách Thành Bộ bí mật gởi xuống. Mão trước đây đi lính cho Tây, giác ngộ cách mạng, bỏ hàng ngũ, được kết nạp, cho học chữ quốc ngữ rồi thoát ly xuống Hà Nội trước Hậu sáu tháng. Mão là người đầu tiên có mặt ở cơ sở này. Rồi kế đến là Kiệt và sau cùng là Thông. Ngoài việc in truyền đơn, Mão cũng đãm nhận công tác giao liên mỗi khi Lê Tiến cần phổ biến một chỉ thị mới của Thành Bộ. Bởi vậy, Mão luôn luôn túc trực tại nhà, không phải ra ngoài kiếm việc.
Để che mắt thiên hạ, để phòng trường hợp có người lạ bất chợt vào nhà hoặc những khi cần đem truyền đơn ra ngoài, Mão phải đảm luôn công việc sản suất vàng mã, nghĩa là in ra những xấp tiền giả để người ta dem đốt ở những đám tang hoặc ngày giỗ, ngày Tết hay lễ vu lan cúng các cô hồn. Mão tung tin cho hàng xóm biết nghề chính của mình là in tiền âm phủ, cung cấp cho cửa hiệu bán hương nhan và vàng mã ở chợ Đồng Xuân. Tiến trình xản xuất vàng mã cũng đơn giãn như in truyền đơn: Chỉ việc phết mực vào cái khung gỗ có khắc hình những đồng xu đồng trinh thời xưa, rồi in lên tờ giấy bản. Làm lâu quen ty thì mực sẽ phết đều, tềin in ra không bị lem luốc vì đậm quá hay nhợt nhạt vì mực ít quá. In rồi, đem từng tờ hong cho khô trước khi xếp thành từng xắp trăm tờ. Phải đúng một trăm tờ mới đựơc, chứ đếm thiếu là coi như đánh lừa thần thánh! Giấy in tiền cũng thế, phải dùng bản xấu và mỏng, để khi đốt lớp tro sẽ theo gió bay đi, tan hết, thì tiền mới gởi sang thế giới bên kia cho người chết xài! Đứng trên lập trường vô sản và vô thần, Mão coi những trò này là mê tín dị đoan, cần phải bài trừ. Nhưng tạm thời Mão vẫn phải làm để có thể công khai đưa truyền đơn bằng cách xếp chồng những tờ tiền giả nằm lên trên.
Ngày đầu tiên mới đến, Hậu tò mò đứng nhìn Mão in tiền. Mão cười nói với Hậu:
- Đúng là đem tiền giả bán lấy tiền thật! Đã chết rồi còn tiêu quái thế nào được nữa mà phải gởi tiền xuống đấy!
Nhớ lời bà Lương có lần giảng, Hậu nhắc lại:
- Mẹ tôi bảo, không được gọi là tiền giả. Phải gọi là tiền âm phủ. Cũng không được nói là “đốt tiền ”, mà phải nói là “ hóa vàng “!
Mão nói:
- Mình chống duy tâm mà phải làm nghề duy tâm! Chị thấy buồn cười không?
Câu hỏi bất ngờ làm Hậu đứng yên. Cô chưa bao giờ đặt vấn đề trong đầu là đốt vàng mã thì bị coi là duy tâm. Cô chỉ biết đó là phong tục của dân gian truyền từ đời này qua đời khác, chẳng ai thắc mắc nó là duy tâm hay duy vật, cũng chẳng ai đặt câu hỏi là điều đó đúng hay sai. Cái gì đã có sẵn thì cứ để yên như vậy cần gì phải thay đổi! Huống chi mẹ cô lúc nào cũng là người rộng rãi khi hóa vàng trong ngày giỗ thân nhân hoặc lễ vu lan mà chính cô khi đi bên mẹ cũng cảm thấy việc đó có ý nghĩa. Ít ra đó là tấm lòng thành để tưởng nhớ người quá cố!
Hậu cố nhớ lại có lần ông Lương đã kể lại sự tích này cho cả nhà nghe trong bữa cơm. Cô ngẫm nghĩ một chút để xắp xếp ý tưởng rồi nói:
- Bố tôi bảo là thuở xa xưa bên Tàu, người ta có tục chia của cho người chết để người chết có cái mà tiêu ở thế giới bên kia. Hễ nhà có người chết thì chôn theo biết bao nhiêu vàng bạc châu báu. Vua chúa và phú hộ còn chôn theo cả vợ bé hoặc nàng hầu nữa. Đến thời nhà Đường vua thấy làm như thế, dần dần của cải sẽ cạn hết, vì chỉ một thời gian sau trên dương gian sẽ chẵn còn châu báu nữa. Vua truyền cho nhân gian làm tiền giả mà đốt cho đỡ phí phạm. Đốt xong thì tiền sẽ thự động “ hoá vàng “ bay xuống âm phủ!
Nghe Hậu kể rành mạch về sự tích tiền âm phủ, Mão hết sức cảm phục. Anh thầm nhủ trong bụng: Con ông giáo có khác! Hậu lại thêm:
- Giờ này, đa số dân mình vẫn tin là có thế giới bên kia. Cho nên không phải người ta chỉ đốt tiền giả, mà còn đốt cả hình nhân nữa, vì cho rằng những hình nhân đó sau khi đốt, sẽ biến thành người thật. Bố tôi bảo là, có những bà vợ nặng máu ghen, khi chồng chết, chỉ đốt tiền chứ không chịu đốt hình nhân phụ nữ, sợ đám hình nhân ấy sẽ sống dậy thành vợ lẽ của chồng mình dưới âm phủ!
Mão càng nể kiến thức của Hậu. Gã buộc miệng nói:
- À thì ra là thế! Buồn cười nhỉ!
Từ đó, ngày ngày Thông và Kiệt đi làm, ở nhà chỉ còn Hậu quanh quẩn bên Mão, phụ Mão những việc lặt vặt khi Mão cần đến. Mão thấy tháng ngày đầm ấm hơn gấp bội vì có Mão bên cạnh, bù đắp thời gian vừa qua, thui thủi một mình từ sáng tới chiều, lóng ngóng chờ Thông và Kiệt đi làm về cùng ăn cơm tối, nói chuyện cho vui. Mão lại càng sung sướng hơn vì từ khi có Hậu, Mão không phải phụ trách thổi cơm nữa. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà: xách nước, quét nhà, bổ củi v.v... Hậu đều chu toàn một cách gọn ghẽ, như thói quen làm lụng khi còn ở Hải Ninh.
Số tiền ít ỏi Hậu bọc theo,, tiêu thật dè xẻn cũng chỉ được hai tháng là hết nhẵn. Hậu phải bán luôn sợi dây chuyền vàng mẹ cô mới mua cho năm ngoái. Gạo thời ấy rất rẻ, loại xấu chỉ có hai hào một thúng hai mươi cân. Nhưng dù rẻ đến đâu mà tiền cứ tiêu ra, không kiếm đồng nào thì rồi cũng cạn sạch. Từ đó, bữa cơm bữa cháo rất khổ sở.
Nhưng chẳng riêng gì Hậu, dân cư cùng chung con hẻm với Hậu đều là hạng cùng đinh chạy ăn từng bữa. Mà đã nghèo thì thường lại đông con. Trong nhà chật chội, nóng bức, thành ra ai cũng kéo ra ngoài, tạo ra cái sinh hoạt hỗn độn suốt ngày trên con hẻm. Tiếng khóc con nít hầu như chả bao giờ dứt. Tiếng chồng quát vợ ngày nào cũng có. Cha mẹ đánh con, hàng xóm chửi nhau, cộng với tiếng rao hàng liên tục, làm cho Hậu lắm khi bực mình vì chưa quen. Hai mươi năm ở Hải Ninh, cô sống êm đềm trong một căn nhà rộng, cách biệt láng giềng bởi mảnh vườn và cái ao, có bao giờ thấy thị thành náo nhiệt như thế này! Huống chi trước khi lên đây, cô cứ tưởng Hà Nội chỉ tòan người giàu sang và văn minh, nhan nhản trai thanh gái lịch. Nào ngờ họ còn sống vất vả hơn cả gia đình cô ở nông thôn. Mảo hiểu tâm trạng của Hậu nên giải thích:
Anh Lê Tiến bảo tôi thuê chỗ này là vì người chung quanh vừa nghèo vừa đông. Ít ai
để ý đến mình. Gặp ai mình cũng cần phải kết thân với họ. Nhất là hai nhà hai bên. Bên tay phải nhà mình là vợ chồng ông Rao. Ông ấy làm nghề “tóc rối đổi kẹo”
Hậu ngắt lời:
- Tôi có gặp rồi. Sáng nào ông ấy cũng gánh đôi quang gánh đi thật sớm!
Mão gật đầu:
- Còn bà vợ thì đi mua đồng nát, mang về đổ đầy sân sau, chờ người ta đến lấy. Chị thấy đấy: Nồi, nêu, soong, chảo, chậu thao, mâm đồng, lúc nào cũng chất lên cả đống! Hai vợ chồng ấy thì hiền lành cả!
Ngừng một chút Mão lại thêm:
- Còn bên tay trái nhà mình là bà Vỵ. Bà ấy thì không làm gì cả vì bận con mọn!
Rồi Mão tiếp tục đề cập đến các cán bộ khác, nói cho Hậu biết ngành nghề và gia cảnh của từng người. Mão kết luận:
- Nói chung, tất cả đều thuộc thành phần nhân dân lao động. Chả biết mình có ở đây lâu không, nhưng còn ở ngày nào thì ngày nấy phải hòa mình vào quần chúng. Anh Lê Tiến thường dặn chúng tôi như thế! Họ đều nghèo như mình. Có người còn nghèo hơn cả chị và tôi nữa!
Tuy nhiên nghèo không đáng ngại bằng nỗi lo bị mật thám phát giác. Bốn người sống trong nỗi căng thẳng thường trực, lúc nào cũng lấm lét, nhìn ai cũng ngờ vực. Có hôm Hậu vừa xách giỏ ra chợ thì tình cờ thấy một người quen cùng quê ở Hải Ninh cũng đang lang thang trước cửa hàng vải. Hậu giật mình hoảng hốt, vội quay đi và lủi nhanh vào đám đông. Hậu chưa hề báo cho gia đình biết là cô đang ở đây, vì điều đó sai nguyên tắc. Nếu gặp người quen chắc chắn sẽ bị lộ. Bởi vậy lúc nào Hậu cũng phải mở to đôi mắt nhìn quanh để đề phòng. Lên Hà Nội, trong thâm sâu chỉ mong có dịp gặp lại Trần Khải, nhưng chả bao giờ nghe các đồng chí nhắc đến mà Hậu cũng không dám hỏi.
Đối với hàng xóm hai bên trong cùng con hẻm, Hậu tỏ ra rất thân tình, sẳn sàng giúp họ những công việc lặt vặt như gánh nước hay bổ củi. Thậm chí có hôm bế con cho họ cả buổi mà vẫn vui vẻ nói cười, thành ra ai cũng quí mến Hậu. Những lúc ôm con nhà hàng xóm, Hậu thường thấy nhớ nhà ray rứt vì chẳng biết bố mẹ sống chết ra sao từ ngày Hậu bỏ đi. Đôi khi vừa làm bếp, Hậu vừa thầm nhủ:
- Thoát ly gia đình theo cách mạng, tưởng làm việc gì to tát, hóa ra xuống Hà Nội chỉ để nấu ăn hoặc bế con cho người ta! Làm cách mạng kiểu này thì có đánh được thằng Tây nào đâu!
Đối với Hậu, ngay từ buổi ban đầu được Tân tuyên truyền, Hậu chỉ nghĩ đến việc đi vận động phụ nữ chống Pháp, hoặc thậm chí cầm súng lao ra chiến trường. Thế mà gần nữa năm bỏ cha bỏ mẹ ra đi, Hậu chỉ làm việc nội trợ, nấu cơm cho các đồng chí và nơm nớp lo sợ mật thám đến bắt. Hậu sốt ruột lắm vì thấy việc thóat ly của mình không mang lại lợi ích gì cho đất nước. Hậu than với Mão điều này thì Mão bảo:
- Trước hôm chị đến, mật thám phát hiện một cơ sở của ta bên ngõ Ngọc Ngà. Bốn đồng chí bị bắt, hiện đang bị giam ở Hỏa lò. Mật thám vẫn đang tiếp tục điều tra. Vì vậy các anh lãnh đạo mới chỉ thị mình án binh bất động!
Mão vì cảm tình với Hậu nên mới phun ra điều đó, chớ thật ra Mão không có quyền tiết lộ. Để tránh việc bị bắt giây chuyền, mỗi cơ sở đều hoạt động riêng lẻ, không biết nhau, cũng không tiết lộ tên đồng chí không may bị bắt. Nhờ Mão nói, Hậu hiểu ra, từ đó mới thôi trách móc lãnh đạo. Hậu sợ nhất là chưa làm được gì, đã bị bắt rồi chết trong tù, giống như anh Tân của Hậu, chưa đụng được thằng tây nào, đã gục ngã vì sốt rét!
Một hôm, trẻ con bên kia bờ tường đối diện đá trái banh lọt vào nhà Hậu. Hậu đang vặt rau sau nhà, Mão thì đang in truyền đơn trong buồng, tức là tấm cót quây sát vách nhà bếp. Như thông lệ, cửa nhà ngoài vẫn hé mở để tránh sự ngờ vực của mật thám. Hậu vừa múc nước vào thau thì có tiếng gọi trước hè:
- Có ai trong nhà không?
Mão hốt hoảng lấy cái bao tải phủ vội lên đống truyền đơn đang in dở. Còn Hậu thì tái mặt đứng yên một chỗ, lúng túng không biết chạy đi đâu. Ngòai cửa, giọng nói nhắc lại lần thứ hai. Hậu mới cố lấy lại bình tỉnh bước ra. Mão núp trong góc nhà ngó ra. Một người đàn ông trc5 tuổi ngoài 30, lễ phép cúi đầu chào Hậu rồi chỉ vào góc nhà và nói:
- Cô cảm phiền, cho tôi xin quả bóng. Cháu nó chơi, chẳng may bay sang đây!
Hậu thở phào cúi xuống lượm trái banh đưa lại. Người đàn ông nói cám ơn nhưng không đi ngay. Ông ta nấn ná đứng gợi chuyện làm quen:
- Chắc cô ở đâu mới đến đây? Bác Cử, chủ căn nhà cô đang thuê này, dạo trước hay sang chơi với bố tôi. Bây giờ ông ấy giàu rồi, ít khi thấy mặt!
Vừa nói, anh ta vừa đảo mắt nhìn quanh khắp căn nhà nhỏ làm Hậu lo sợ ú ớ đáp:
- Vâng … chào ông … Tôi ở đây … cũng lâu rối. Nhưng mà tôi ít đi đâu, thành thử chả gặp ai!
Người đàn ông chưa chịu buông tha. Anh ta tiếp:
- Gia đình có trẻ con không cô? Nếu có thì bảo chúng nó sang chơi với trẻ con nhà tôi! Sân bên nhà tôi rộng rãi lắm!
- Cám ơn ông. Nhà tôi toàn người lớn thôi ạ!
Anh ta bổng nhìn Hậu đăm đăm như dò xét rồi mới gật đầu giã từ, cầm quả bóng đi về. Hậu hoang mang quay vào. Mão cũng đang tái mặt theo dõi và dự định nếu mật thám ập vào thì anh sẽ nhảy bờ tường phía sau, lao qua nhà hàng xóm tẩu thóat.
Buổi chiều, Thông và Kiệt trở về. Hậu kể lại câu chuyện trái banh hồi ban sáng cho mọi người nghe rồi kết luận:
- Biết đâu nó là thằng chỉ điểm tay sai mật thám. Nó giả vờ đá quả bóng vào nhà mình để có cơ dò xét!
Mão nói vuốt theo ý của Hậu:
- Tôi cũng đoán thế! Chị Quyết đưa cho nó quả bóng rồi, nó cứ đứng mãi không chịu về.
Hậu gật gù nói thêm:
- Đứng không thì nói làm gì! Nó còn nhìn khắp nhà rồi hỏi nhà mình có trẻ con không. Hàng xóm láng giềng gì mà tò mò thế?
Kiệt nghe dứt câu chuyện hoảng hốt hỏi Mão:
- Thế đã giấu hết tài liệu đi chưa?
Mão nhìn Kiệt lắc đầu, Kiệt đứng bật dậy, chạy vào buồng in, tức là tấm cót quay tròn sát vách. Anh thấy máy in thạch, khay mực và từng xếp truyền đơn vẫn còn nằm trơ vơ dưới cái gầm bàn gỗ mộc. Anh quay ra, nắm chặc bàn tay, nghiến răng bảo Mão:
- Thế này là bỏ mẹ cả lũ! Sao lại có thể bất cẩn đến như thế! Hễ đã nghi ngờ thì phải giấu hết tài liệu đi chứ. Từ trưa đến giờ, bao nhiêu tang vật cứ nằm tênh hênh ra đây. Ngộ nhỡ nó ập vào thì chạy làm sao cho kịp. Đoãng quá!
Nghe Kiệt nói, cả ba khuôn mặt cùng giật mình kinh hãi. Mãi đến lúc đó, Mão mới thấy mình sơ hở. Lập tức Thông chạy vào, xếp vội mọi thứ bỏ vô chiếc rương gỗ sơn đen rồi cùng Kiệt khiêng ra sau nhà. Kiệt bực mình không thèm nhìn Mão. Anh làm hiệu bảo Thông cùng anh vần cái lu nước sang một bên, lật tấm ván đây nấp hầm, rồi khiêng cái rương tài liệu thả xuống đó. Xong rồi, hai người đậy nấp hầm, đẩy cái lu nước cho đè lên bên trên, đồng thời nhặt mấy mẩu gạch vụn và bát chén vỡ vứt lung tung bên cạnh lu. Cái hố này họ đào ngay từ khi mới don vào và hôm nay là lần thứ hai họ dùng đến.
Thông và Kiệt rửa tay, xoa vào quần cho khô rồi quay vào nhà. Mão ngồi ở bàn, ngượng ngùng phân trần một câu nhưng càng làm cho Kiệt bực bội thêm.
Thông trầm ngâm nói:
- Sáng mai tôi đi tìm anh Lê Tuấn, báo cáo tình hình cho anh ấy biết rồi xin chỉ thị của Thành bộ. Nếu chỗ này lộ rồi, thì mình phải tìm cơ sở khác. Dù sao đi nữa cũng cần cảnh giác!
Tối hôm đó, Hậu phập phòng lo âu, chỉ sợ chuyện bất trắc xãy ra trong đêm. Cô nghe tiếng trở mình liên tục trên giường bên cạnh và biết chắc ba đồng chí kia cũng trăn trở ưu tư như cô. Mãi đến gần sáng Hậu mới ngủ được. Lúc Hậu thức giấc thì mặt trời đã lên cao. Thông đã đi từ tờ mờ sáng rồi, Kiệt và Mão thì đang ngồi ăn khoai lang, uống nước lã cho căng bụng. Hai người nói chuyện nho nhỏ theo thói quen. Hậu hơi ngạc nhiên vì giờ này Kiệt vẫn chưa đi làm, nhưng cô ngại không dám hỏi. Rửa mặt xong, Hậu từ dưới bếp đi lên, Kiệt quay lại vui vẻ nói:
- Kéo xe lúc này cũng có tiền. Nhưng ngặt một nỗi là mình không có tiền để thuê xe kéo! Đúng là cái vòng lẩn quẩn!
Hậu cười buồn:
- Tôi bây giờ cũng hết nhẵn rồi. Hôm nay chắc phải bắt các anh ăn cháo muối!
Vốn tính hay khôi hài, Kiệt cười theo:
- Tôi có hỏi vay đâu mà chị khai là chị hết tiền!
- Anh muốn vay tôi cũng chả có!
Kiệt nghiêm mặt bảo:
- Ba đứa chúng tôi đều là thanh niên sức dài vai rộng mà chả làm gì ra tiền, để chị bán cả tư trang. Chúng tôi lấy làm áy náy lắm!
Hậu hài lòng đáp lại:
- Anh này lại khách sáo rồi! Đã bảo đừng nhắc đến chuyện ấy nữa cơ mà!
Hậu vừa nói dứt thì Thông trở về, có Lê Tiến theo sau. Mỗi lần gặp Lê Tiến, Hậu điều cảm thấy bồi hồi nhớ lại hình ảnh người anh của mình đã chết. Ngày trước anh Tân của Hậu cũng hay mặc áo dài trắng và cũng có cái dáng trí thức như Lê Tiến. Chỉ khác một điều là Lê Tiến nói năng nhỏ nhẹ hơn và trên môi lúc nào cũng dường như có sẵn nụ cười ngay cả những hôm nhịn đói vì hết gạo.
Buổi họp diễn ra nhanh chóng quanh rổ khoai luộc. Theo thói quen, Lê Tiến nhập đề bằng một số tin tức rất phấn khởi, chẳng hạn như thợ thuyền đình công tại bến cảng Sài Gòn, công nhân đồn điền cao su đât đỏ nổi lên chống lại bọn cai thợ. Toàn những tin mà không thể kiểm chứng được, nhằm mục đích để động viên đồng chí và để chứng tỏ phe ta đang đồng bộ thắng lợi khắp nơi trên phạm vi cả nước. Sau đó, Lê Tiến mới chuyển sang vấn đề phải giải quyết trước mắt. Anh nói:
- Anh Thông vừa báo cáo với tôi câu chuyện quả bóng đá hôm qua. Chắc chỉ là tình cờ, nhưng cảnh giác như thế là tốt. Trước mắt, chúng ta cứ ở đây vì là khu lao động ít ai để ý. Nhưng tôi đề nghị từ nay chị Quyết với anh Mão phải giả vờ đóng vai vợ chồng, nấu cơm tháng cho anh Thông và anh Kiệt. Như thế thì người ngoài mới không chú ý.
Hậu nhíu mày khẻ đưa mắt nhìn Mão rồi ngượng ngùng cúi xuống. Mão thì cố giữ nét bình thản nhưng trong lòng chợt dấy lên một niềm vui. Lê Tiến kể tiếp:
- Tôi cũng sơ ý không dặn anh Mão ngay từ hôm đầu. Bên Khâm Thiên, người ta cũng chỉ vì sơ hở mà bị bắt. Một đồng chí ở Bắc Ninh, thoát ly lên Hà Nội, cũng giống như đồng chí Quyết. Hàng xóm thấy tự dưng có một cô gái đến sống chung với hai người đàn ông. Tất nhiên họ phải sinh nghi. Nếu không phải là gái ăn sương thì tất nhiên là hội kín. Bọn chỉ điểm tay sai mật thám lúc này thiếu gì, chỗ nào mà chả có! Đồng chí ấy mới lên Khâm Thiên được có hai tuần thì bị bắt. Mật thám kéo đến vây nhà vào lúc 4 giờ sáng, nên không ai chạy thoát!
Hậu nhíu mày hỏi Lê Tiến:
- Báo cáo anh, tôi tưởng khi cơ sở bên ấy bị lộ, các đồng chí bên ấy bị bắt, thì chúng tôi dọn đi chỗ khác, chứ sao lại cứ ở đây?
Lê Tiến gật đầu cười:
- Chị sợ các đồng chí ấy bị tra tấn, rồi có người yếu đuối, chịu đựng không được, sẽ khai ra chỗ này chớ gì? Cái ấy thì chị không lo! Họ có biết chị ở đây đâu mà khai? Tất cả các cơ sở, các trạm giao liên, đều không biết nhau, không liên lạc hàng ngang. Chỗ nào biết chỗ nấy! Chỉ trực tiếp liên lạc với thành bộ mà thôi!
Hậu thở phào nhẹ nhõm, đưa mắt nhìn Kiệt, Mão và Thông. Cả ba cùng nhìn lại Hậu một cách cảm phục vì Hậu đã nêu ra một thắc mắc mà chính họ đang ưu tư. Hậu cười bảo Lê Tiến:
- Đúng là tôi có cái tật lo bò trắng răng! Lãnh đạo đã dự kiến cả rồi!
Lê Tiến nhìn Thông và Kiệt dặn thêm:
- Sáng sáng, dù chẳng có việc gì, hai anh cũng phải giả vờ như đi làm, để hàng xóm khỏi phải nghi ngờ. Vả lại, phân tán lực lượng bao giờ cũng tốt hơn!
Mọi cái đầu cùng gật. Mão đưa mắt nhìn Hậu, rộn rã niềm vui. Càng ngày Mão càng nặng tình cảm với Hậu. Mão lại có lợi thế hơn hai đồng chí kia là Mão không phải đi làm, có nghĩa là suốt ngày quanh quẩn bên Hậu. Bao nhiêu lần Mão đã đứng trong nhà, len lén nhìn Hậu, khi cô ngồi gội đầu ở góc sân. Buổi tối, khi Hậu đứng tắm trong tấm cót quay tròn sau nhà bếp, Mão cũng vẫn trông ra, mặc dù không thấy gì. Đang thầm yêu trộm nhớ như vậy thì bổng dưng Lê Tiến chỉ thị Mão phải làm chồng của Hậu! Bất chiến tự nhiên thành! Mão thấy đúng là cơ hội trời cho, không nên bỏ lở thời cơ. Mão ngước nhìn Lê Tiến thầm cám ơn sự sáng suốt của người lãnh đạo. Rồi đây vai trò của người chồng giả biết đâu chẳng biến thành thật. Mão sẽ cưới Hậu, hai vợ chồng cùng làm cách mạng!
Riêng Hậu thì không vui ti’ nào. Chỉ vì mệnh lệnh mà phải chấp hành, chứ trong ba người, Hậu vốn ít thiện cảm với Mão nhất. Cái người mà Hậu thấy gần gũi hơn là Kiệt, vì tính tình Kiệt lúc nào cũng vui vẻ, kể cả những khi uống nước lã cẩm hơi. Rồi kế đến là Thông. Chỉ vì Mão thường xuyên ở nhà, cho nên gã mới được gán cho Hậu. Cọ mĩm cười nhìn Lê Tiến nói:
- Báo cáo anh. Đóng vai nấu cơm tháng cho hai người ăn thì từ nay sáng nào tôi cũng phải đi chợ? Chả nhẽ cứ xách cái giỏ không, đi rồi lại về!
Lê Tiến nhìn Hậu cười hiền hòa:
- Chị phải khắc phục chớ tôi biết làm sao! Đi chợ là cứ đi. Nhét cái gì ở dưới đáy giỏ cho nó phồng lên, rồi mua bó rau bỏ lên trên!
Hậu gật đầu:
- Vâng, tôi cũng định như thế!
Lê Tiến trông ra cửa và bảo mọi người:
- Cần thống nhất với nhau về ám hiệu truớc cửa. Hôm nọ tôi đã gợi ý với chị Quyết và anh Mão rồi. Chẳng hạn nếu lở bị lộ hoặc bị nghi ngờ, thì người nhà nên treo cái khăn trên giây phơi. Thí dụ thế. Ám hiệu nào cũng được, miễng phải có và phải thống nhất với nhau, để người đi công tác về, hễ nhìn thấy thì bỏ đi thẳng, không cần vào nhà nữa
Thông đáp thay cả bọn:
- Vâng! Chúng tôi đã nhất trí cả rồi. Anh thấy trước cửa nhà lúc nào cũng có cái khăn vắt trên giây phơi. Nếu chẳng may bị mật thám ập vào, thì ai có mặt trong nhà, phải cố gắng giật bỏ cái khăn. Đó là dấu hiệu bị lộ!
Lê Tiến trấn an:
- Hoạt động bí mật thì chủ yếu là phải cảnh giác! Nhưng nói để ba anh và chị Quyết yên lòng. Thành bộ đánh giá cơ sở này là kín đáo nhất, vì nằm lọt trong xóm lao động, không sợ nhân dân tố giác. Nhất là nếu ta làm tốt công tác dân vận, thì lại càng an toàn hơn. Hôm nọ, tôi có bàn với anh em trên ấy xem có cần dọn đi nhà khác hay không, thì ai cũng nhất trí với nhau chỗ này là tốt nhất! Tạm thời thì không nên đi đâu cả!
Hậu gật đầu tiếp lời Lê Tiến:
- Tôi cũng nhất trí với anh. Dạo mới lên đây, tôi hãi lắm. Nhưng dần dần rồi thấy hàng xóm láng giềng aai cũng cư xử như người nhà, tôi mới đỡ lo!
Ngoài ngõ, có tiếng rao của hàng chè đỗ đen. Rồi cô hàng chè đặt gánh ngồi xuống bán ngay trước cửa nhà Hậu. Cô ngồi đó là vì muốn nương nhờ bóng mát của tàn cây quéo mọc bên kia bức tường gạch tức là trong mảnh sân của nhà hàng xóm đối diện nhà Hậu. Chính từ mảnh sân đó, hôm qua trẻ con đã đá trái bóng bay sang nhà Hậu làm cả bọn sợ suốt nguyên đêm. Trong nhà, Lê Tiến lo lắng trông ra quan sát cô hàng chè xem có dấu hiệu gì là thành phần chỉ điểm cộng tác với mật thám Pháp hay chăng? Với Lê Tiến thì bất cứ ai cũng phải nghi ngờ để đề phòng, nhất là khi người đó lại dừng chân ngay trước cửa cơ sở của mình! Biết ý Lê Tiến, Hậu nói nhỏ:
- Con bé này nó hay ngồi bán ở đây lắm. Mấy tháng nay rồi! Thỉnh thoảng tôi cũng có gợi chuyện làm quen thân với nó. Mẹ chết, bố tục huyền. Ở với dì ghẻ thành ra khổ từ bé!
Lê Tiến thấy an lòng, không còn bận tâm đề phòng cô hàng chè nữa.Trước khi đứng dây ra về. Lê Tiến truyền đạt thêm vài kinh nghiệm để áp dụng những chỗ khác. Anh nói
- Tôi dặn cái này nữa. Anh Mão với chị Quyết nhớ hộ tôi. Đã đóng vai vợ chồng thì thỉnh thoảng cũng phải giả vờ cãi nhau, giã vờ đánh ghen cho nó ầm lên một tí. Vợ chồng mà không bao giờ cãi nhau thì chắc chắn không phải vợ chồng!
Mọi người cùng cười. Hậu sực nhớ ra một chi tiết quan trọng, cô nói:
- Anh bảo tôi với anh Mão giả vờ làm vợ chồng? Nhưng ngộ nhở người ta hỏi giấy giá thú thì làm sao?
Lê Tiến giải thích:
- Ai hỏi? Chủ yếu là che mắt thiên hạ thôi, để hàng xóm đừng có ngờ vực mà đi tố giác mình. Nói chung, mình phải cho moi người biết đây là một gia đình như mọi gia đình khác.
Im lặng một chút Lê Tiến lại tiếp:
- Riêng chị Quyết nấu cơm tháng thì thỉnh thoảng cũng phải khua dao động thớt, phi hành mỡ tỏi cho thơm lừng lên, chứ chả nhẽ nấu cơm tháng mà cho người ta ăn toàn rau luộc!
Kiệt lại được dịp nói đùa:
- Khua dao động thớt thì chị Quyết làm được, vì chị ấy vốn có tính giận cá chém thớt!
Hậu nguýt Kiệt:
- Anh này! Tôi mà giận cá là tôi chém cá, chứ không chém thớt! Anh không tin, hôm nào tôi giận anh, anh chắc biết!
Lê Tiến nhìn Hậu ngạc nhiên, anh không ngờ một cô gái quê lên đây có mấy tháng mà ăn nói bạo dạn như thế. Thời này nam nữ thọ thọ bất thân, phụ nữ bao giờ cũng dè dặt khép kín. Nhưng như thế cũng tốt thôi. Hoạt động cách mạng bao nhiêu gian khổ và nguy hiểm chờ đón, vui được lúc nào thì cứ vui. Lê Tiến đứng dậy chào mọi người. Hậu chạy nhanh ra cửa,dáo dác nhìn hai bên đường rồi Lê Tiến mới ra sau. Anh gật đầu chào Hậu lần nữa rồi đi mau ra con lộ chính.
Từ hôm ấy, Mão đối xử với Hậu khác hẳn. Chỉ thị của Lê Tiến là hai người đóng vai vợ chồng giả, nhưng rõ ràng Mão muốn mượn gió bẻ măng, coi Hậu như người vợ thật ở ngoài đời. Trước mặt hàng xóm Mão nói năng với Hậu dịu dàng lắm:
- Mình đi chợ, nhớ mua hộ tôi bánh thuốc lào!
Hoặc âu yếm hơn:
- Mình ơi! Vào tôi nhờ một tí!
Và Hậu dĩ nhiên cũng đáp lễ tương xứng với sự chân tình của Mão để người ngoài khỏi thắc mắc. Chẳng hạn như Hậu ân cần nói:
- Nhà đã khỏi nhức đầu chưa? Để em chạy sang bên hàng xóm, xin mấy lá giầu không về đánh gió. Nhà chờ em một tí!
Nhưng màn kịch ấy Hậu diễn khéo lắm, đến nỗi Mão tưởng Hậu có cảm tình đặc biệt với mình và vì thế gã mạnh dạn tiến xa hơn, hy vọng lộng giả thành chân. Lúc đầu, Hậu không để ý bởi chỉ nghĩ rằng Mão chấp hành lệnh của Thành Bộ. Nhưng rồi, ngay cả những lúc trong nhà chỉ có hai người, Mão cũng không gọi Hậu là “chị Quyết” như trước nữa, mà cứ thản nhiên gọi “mình ơi” một cách ngọt ngào như người chồng thật. Hậu biết ý đồ lợi dụng của Mão nhưng đành nén tiếng thở dài và tự an ủi: Thôi thì cứ để cho anh ấy quen miệng đi, càng tránh được sự nghi ngờ của đám đông.
Một hôm, nhà chỉ có hai người, Hậu đang vá áo trên giường, Mão tiến lại, moi trong túi ra hai đồng, trao cho Hậu và bảo:
- Mình cầm lấy mà tiêu dần!
Hậu trố mắt ngơ ngác nhìn Mão. Đã hai hôm nay nhà không còn gì ăn. Hậu phải sang vay bà hàng xóm đấu gạo về nấu cháo muối. Hậu ray rức hối hận hôm ra đi, Duyên đã đưa cho cô một số tiền mà cô nhất định không nhận. Giờ này bụng cồn cào như có đàn kiến bò mà không xoay đâu ra nổi một hào. Vậy mà bất ngờ Mão chìa ra hai đồng bạc! Hai đồng là một món tiền khá lớn bởi một hào đong được mười cân gạo loại xấu. Cơ sở đã trãi qua những ngày nhịn đói, uống nước lã cầm hơi và Hậu phải bán cả sợi dây chuyền của mình. Thế mà Mão vẫn thủ riêng một số vốn, không đưa ra. Hơn thế nữa, nếu Mão muốn đóng góp thì đáng lẽ nên đưa tiền cho Hậu trước mặt mọi người, chứ sao lại chờ Thông và Kiệt vắng nhà, mới trao riêng cho Hậu? Như thế thì chắc chắn là vì tình riêng chứ không phải vì tổ chức. Hậu cảm thấy bực bội, nhưng cố nhịn hỏi lại:
- Ở đâu ra thế này?
Mão cười:
-Thì mình cứ cầm lấy đi. Thắc mắc làm gì? Của tôi cũng là của mình mà!
Rõ ràng là một lời tán tỉnh công khai! Hậu ngừng tay kim, mặt đanh lại. Lúc này, Hậu đã đổi hẳn tính nết, không còn e ấp rụt rè như thời mới thoát ly. Cô ngẩng lên nghiêm trang bảo:
- Anh Mão! Anh với tôi là vợ choồng giả chớ không phải vợ chồng thật. Những lúc chỉ có hai người, yêu cầu anh đừng xưng hô như thế!
Mão không nao núng. Gã nhìn Hậu đăm đăm và nhận ra càng ngày Hậu càng đẹp, khác hẳn buổi đầu mới từ quê ôm quần áo lên đây. Gã tiến lại bên Hậu, ngồi xuống mép giường, đặt bàn tay lên vai Hậu và bảo:
- Cả xóm này ai cũng biết tôi và em là đôi vợ chồng, sống chung với nhau. Đằng nào thì mình cũng mang tiếng rồi. Thế thì tại sao không biến chuyện giả thành chuyện thật! Tôi chắc chắn đoàn thể cũng sẽ tán thành!
Hậu hất tay Mão ra, đứng dậy quả quyết đáp:
- Đoàn thể tán thành nhưng tôi không tán thành! Tôi thoát ly đi làm cách mạng chứ không phải bỏ nhà đi lấy chồng!
Mão níu kéo:
- Lập gia đình rồi cũng vẫn làm cách mạng được chứ, cứ gì phải độc thân!
Hậu hay gắt:
- Nhưng tôi chưa muốn lập gia đình!
Vừa lúc ấy, bà Vỵ bên hàng xóm bưng sang dĩa xôi lạc, đứng thập thò ngoài cửa và vui vẻ bảo Hậu:
- Biếu cô tí chút cô ăn lấy thảo. Gọi là của ít mà lòng nhiều!
Mùi cơm nếp nóng bốc lên ngào ngạt làm Hậu càng cồn cào đói bụng. Hậu biết bà muốn trả ơn Hậu suốt tuần vừa qua, ngày nào Hậu cũng gánh cho bà cả chum nước đầy khi đứa con út của bà lên sởi. Bà ở sát vách với Hậu, ra vào lúc nào cũng thấy nhau, dù không muốn thân cũng phải làm thân. Tuổi bà năm nay chưa quá 40, nhưng trông già lắm, từ khuôn mặt đến dáng đi. Có lẽ một phần vì nghèo, một phần vì quanh năm u buồn bởi chồng bà ở hẳn với vợ lẽ bên Ô Chợ Dừa, năm khi mười họa mới mò về thăm bà một lần. Đã túng thiếu, giờ này lại sinh thêm đứa con mới hơn ba tuổi, cứ ôm quặt quẹo quanh năm vì không có tiền mua thuốc. Cô con gái đầu lòng lấy chồng ở ngoại ô, làm nghề thợ nhuộm, cũng ít thấy về chơi. Chỉ có thằng thứ hai, mười baảy tuổi làm phụ thợ mộc cho người ta, tháng tháng đem đồng lương ít ỏi về nuôi bà.
Lần đầu nghe bà kể về gia cảnh, Hậu thấy buồn ray rức và oán trách đàn ông có tính đèo bồng. Bà Vỵ chưa biết Hậu có chồng là Mão, cứ tưởng Hậu là em gái của một trong mấy người đàn ông trong nhà Hậu, nên bà thở dài:
- Đàn ông trăm thằng như một cô ạ! Hễ nó lấy được mình rồi là nó chán ngay! Ông giời sinh ra cái số tôi nó khổ. Chứ tôi bíêt thế này thì thà cứ ở vậy như cô cho nó sướng cái thân!
Hậu đắn đo một chút rồi hỏi lại:
- Nhưng cháu hỏi cái này không phải, bà bỏ qua cho. Ông nhà bỏ bà đi biền biệt, cả năm mới về một lần. Bà đã biết thế, sao lại để cho có con làm gì cho nó khổ?
Bà Vỵ chép miệng than:
- Thế mới dốt chứ cô! Thằng Hựu nhà tôi nó cũng cứ oán tôi mãi. Giờ này nó vẫn nói! Nhưng lỡ rồi biết làm sao bây giờ! Khổ thân thằng bé, mới nứt mắt ra đã phải đi làm rồi mà tiền công có bao nhiêu đâu!
Nói cô đừng cười! Ông ấy bỏ tôi cả năm giời chả ngó ngàng gì cả. Đến khi ông ấy về, tỉ tê vài câu thì mình lại quên ngay! Cô còn trẻ người non dạ, cô chưa biết đâu. Đàn bà chúng mình, ai cũng yếu lòng cả! Cho nên suốt đời bị đàn ông nó đánh lừa!
Hậu lắc đầu tỏ vẻ cứng rắn:
- Cháu không yếu lòng! Dứt khoát như thế! Tử tế với cháu thì cháu tử tế lại. Còn hễ đã hất hủi cháu thì cháu sẽ dứt khoát ngay! Sống một mình!
Bà Vỵ nhìn Hậu cười khinh bỉ:
- Dạo tôi còn con gái tôi cũng mạnh mồm như cô, nhưng có chồng rồi nó khác! Cô cứ chờ đi rồi cô khắc biết!
Hậu chợt hối hận vì biết mình vừa phát biểu một câu làm chạm tự ái của bà Vỵ. Cô vội chữa lại:
- Bà nói đúng đấy! Mẹ cháu cũng bảo cháu thế! Cháu nói đùa cho vui thôi!
Rồi Hậu bùi ngùi than:
- Đàn bà nói chung, ai cũng khổ cả, bà nhỉ!
Bà Vỵ gật đầu đồng ý và chớp mắt như sắp khóc. Từ đó, Hậu càng quí bà hơn vì biết rõ hoàn cảnh hẩm hiu của bà. Mỗi khi nghe con bà khóc, Hậu thường chạy ngay sang xem bà có cần gì không. Bà cũng đáp lại bằng cách lâu lâu mang cho Hậu một món ăn, chẳng hạn như dĩa xôi lạc hôm nay. Nhìn dĩa xôi lạc, Hậu mừng lắm, dù mỗi người chỉ được một miếng. Buồn ngủ gặp chiếu manh. Cô vội chạy ra, đỡ dĩa xôi lạc và khách sáo nói:
- Bà cứ bày vẽ!.... Vâng. Bà có lòng, cháu xin bà!
Bà Vỵ đứng yên tại cửa hân hoan nói:
- Thằng bé hôm nay đỡ nhiều rồi cô ạ! Chắc chỉ độ vài hôm nữa là khỏi hẳn. Tôi sẽ bế cháu sang chào cô!
Hậu nói:
- Vâng. Cháu có lời mừng cho bà. Hôm nọ, thấy nó sốt li bì, cháu lo quá!
Mão lợi dụng tình thế tiến lại sau lưng Hậu và bảo bà:
- Chỗ hàng xóm láng giềng với nhau, bà cần gì cứ gọi một tiếng. Cháu sẽ bảo nhà cháu sang giúp bà!Bà cần đi đâu, cứ mang thằng bé sang đây. Nhà cháu quí trẻ con lắm!
Bà Vỵ nhìn Hậu rồi nhìn Mão một cách ngạc nhiên. Từ mấy tháng nay, Hậu qua lại với bà kể cũng thân lắm, nhưng bà vẫn không hề biết Hậu là vợ của Mão. Mỗi khi nói chuyện Hậu chỉ dùng mấy chữ “gia đình cháu”, hoặc “bên nhà cháu”, khiến bà cứ tưởng bốn người ấy là anh em, mà Hậu là em út. Bây giờ mới biết Hậu là vợ của Mão, bà bảo
- Sao cô chú không sinh một cháu bé cho vui cửa vui nhà! Đợi đến bao giờ?
Mão cười đáp ngay:
-Cháu cũng cứ bảo thế mãi, nhưng mà nhà cháu chưa muốn có con!
Vừa nói Mão vừa âu yếm đặt bàn tay lên vai Hậu. Hậu hất ra và mắng:
- Phải gió cái anh này!
Hậu mắng thật, nhưng Hậu lại cho rằng đó chỉ là câu nói chữa ngượng trước mặt người lạ. Bà Vỵ nhìn lại Hậu, không đoán được tuổi là bao nhiêu, nhưng thấy Mão có vẻ già dặn, trên dưới 30, thì cho rằng hai người lấy nhau đã lâu mà không có con. Bà đăm ra hối hận lúc nảy đã nhanh nhẩu đoảng hỏi Hậu “Sao không sanh một bé cho vui cửa vui nhà”. Nghĩ lại, bà thấy ngượng, vội chào từ giả ra về. Bà nhè nhẹ bước vào nhà vì đứa con đang nằm ngủ trên võng. Thằng bé hay bị giật mình, nên hễ nó ngủ thì bà cứ phải rón rén không dám khua động. Bà ngồi xuống mép giường, vói tay đưa võng cho con. Nghĩ tới Hậu, tự dưng bà thấy bực mình vì cả mấy tháng nay tâm sự với Hậu chuyện chồng con, bà thường nói câu “cô còn con gái, cô chưa biết đâu”, thế mà Hậu không hề cãi chính, không hề cho bà biết là Hậu đã có chồng! Nếu bíêt Hậu đã có chồng rồi thì bà đã không lớn tiếng mạt sát đàn ông “trăm thằng như một, thấy gái là rút đầu vào!” Hôm nay, bà mới biết Mão là chồng của Hậu, mà Mão thì rõ ràng không có tính đèo bòng vợ lẽ vợ mọn như chồng bà! Tại sao Hậu lại giấu bà? Bà sẽ phải hỏi cho ra nhẽ! Mà cái ông Mão này mới lạ chứ! Chồng gì mà đần độn, suốt ngày ru rú ở trong nhà, chưa bao giờ thấy lớn tiếng mắng vợ lấy một câu! Đời bà, bà đã chứng kiến biết bao nhiêu gia đình trong xã hội: Chưa có thằng chồng nào không đánh vợ mỗi năm ít nhất một lần! Hèn lắm thì cũng phải giả vờ say rượu rồi chửi vợ vài câu! Vợ chồng không cãi nhau thì đâi phải là vợ chồng! Trên đời này có thể có một người đàn bà lấy chồng rồi mà vẫn sướng như Hậu sao? Bà khổ đau trăm chìêu mà Hậu thì cứ nhởn nhơ như còn con gái! Ông trời sao nở bất công như vậy? Tự dưng bà thấy mất hẳn cảm tình với Hậu!
Bà Vỵ về rồi, Mão tiến nhanh lại bàn, toan véo miếng xôi vì thèm cơm nếp đã lâu. Nhưng Hậu bưng thẳng xúông bếp, lấy rổ úp lại và nói:
- Chờ các anh ấy về, ăn luôn thể!
Mão buồn rầu nén tiếng thở dài, trở lại với xấp tài liệu đang in dở. Đó là một tờ truyền đơn của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội kêu gọi công nhân bến cảng đình công để hổ trợ công nhân đồn điền cao su trong Nam đang đấu tranh chống lại bọn cai thợ tàn ác.
Hậu từ dưới bếp đi lên, đến bên Mão và nhắc:
- AnhMão! Tôi không nói đùa đâu đấy. Hể ở nhà chỉ có mình anh với tôi, thì anh phải xưng hô cho đúng nguyên tắc. Anh nhớ rằng, anh với tôi chỉ là chồng vợ giả theo chỉ thị của tổ chức thôi!
Rồi Hậu trả lại cho Mão hai đồng bạc và nói:
- Chốc nữa, anh Thông với anh Kiệt đi làm về, anh đưa cho tôi trước mặt họ thì tốt hơn!
Mão vừa buồn vừa bực. Biết Hậu không có cảm tình với mình, Mão thấy ấm ức và thoáng có ý định bỏ cuộc.
Nhưng rồi những ngày kế tiếp,lủi thủi vào ra chỉ có hai người, nhất là những đêm khuya trằn trọc, hình ảnh rạo rực của Hậu lại bừng lên sống trong lòng Mão, thúc đẩy Mão kiên trì theo đuổi. Mão nghĩ: Làm cách mạng phải kiên trì mới thành công, thì tán gái cũng phải kiên trì mới có thể thắng lợi!
Một hôm Hậu đang nhóm lửa trong bếp. Cô ngồi xổm, khom lưng xuống thổi cục than hồng. Mão từ phía sau tiến lại, bất thần ngồi xuống và ôm ngang bụng Hậu. Hậu quay lại, vớ đôi đũa quật mạnh vào đầu, nhưng Mão né được, nhe răng cười hề hề. Bất đắc dĩ, Hậu phải dọa:
- Anh không bỏ cái thói hủ hóa ấy, thế nào tôi cũng báo cáo lên Thành Bộ để anh Lê Tiến kỷ luật anh!
Mão lủi thủi quay đi, lửa hờn lóe lên trong ánh mắt. Hậu biết, nhưng bất cần.
Ngày thấy dài lê thê, Hậu chỉ mong đến chiều để đón Thông và Kiệt về ăn cơm chung cho vui. Hậu lúc này đã hết cả e thẹn, ít phải giử gìn ý tứ. Sống chung với ba người đàn ông, cô rất thoải mái tự nhiên, nhất là với Thông và Kiệt là hai người cư xử đúng mức trong tình đồng chí. Vì không ưa Mão, phản ứng tự nhiên của cô là thân với hai ngừơi kia hơn để Mão đừng hy vong gì nữa. Hậu muốn nhắn với Mão cái thông địêp rằng: Nếu coi Hậu là đồng chí, là em gái, thì sẽ được Hậu đối xử bằng tỉnh cảm chân thật và đậm đà. Còn nếu như cố tình muốn tán tỉnh Hậu, tức là muốn đẩy Hậu vào cái thế phải tự đề phòng!
Ngồi nhà mãi tù chân quá, một buổi sáng chủ nhật Hậu rũ Kiệt đi dạo phố Hà Nội. Kiệt ngay tình hăm hở nhận lời liền. Nhưng Mão lạnh lùng lên tiếng nhắc Hậu:
- Đi thế nào được! Cả nước đều biết chị là vợ tôi! Không nhẽ bỏ chồng ở nhà để đi với giai!
Vừa nói Mão vừa hầm hầm nhìn Kiệt bằng ánh mắt thù hận. Mão tức là vì: Trong ba thằng đàn ông ở nhà này thì Kiệt là đứa thông minh và khôn ngoan nhất, mặc dù Kiệt xuất thân chỉ là thợ nung gạch. Dĩ nhiên Kiệt lúc nào cũng nhớ cái chỉ thị của Lê Tiến: Trước mặt quần chúng, Hậu là vợ của Mão! Thế thì tại sao Hậu vừa rủ đi phố, Kiệt lại nhận lời ngay! Hoạt động bí mật đâu có thể sơ hở như thế được? Mão chợt thấy buốt nhói vì trong đầu lóe lên mối ngờ vực:
- Hay là hai đứa chúng nó đã thông đồng với nhau từ lâu rồi mà mình không biết!
Cùng với ý nghĩ ấy, Mão sực nhớ lại những lần Mão bắt gặp hai người nói chuyện với nhau thân mật một cách khác thường và trong mỗi bửa cơm, Kiệt vì có óc khôi hài, nói ra câu gì Hậu cũng bật cười tán thưởng. Nhiều câu pha trò của Kiệt, Mão thấy vô duyên lắm mà chả hiểu tại sao vẫn làm Hậu cười như nắc nẻ. Có hôm đang ăn cháo, nghe Kiệt kể chuyện vui, Hậu nhịn cười không được, phải buông bát đủa xuống và bảo:
- Anh làm tôi chết sặc mất, anh Kiệt ơi!
Với Mão, thì rõ ràng cái cười của Hậu có thể là do Hậu có cảm tình với Kiệt, chứ chẳng phải vì Kiệt ăn nói có duyên!
Về phần Kiệt, nghe Mão nhắc nhở bằng giọng chua chát, anh ngạc nhiên lắm. Hậu rủ anh đi chợ Đồng Xuân, phản ứng tự nhiên của anh là nhận lời bởi thừơng ngày anh hay công tác ở khu vực đó. Anh cũng cảm thông với Hậu là từ ngày xuống Hà Nội, cứ ru rú ở nhà, mang tiếng là ở thủ đô mà chẳng nhìn thấy phố phường, nên anh muốn chiều ý Hậu, đưa cô đi một vòng cho biết với người. Mão can anh là phải, bởi trước mặt hàng xóm, Hậu đã lỡ nhận Mão là chồng. Nếu nay thấy Hậu đi với người khác, hàng xóm sẽ thắc mắc và có thể gây rắc rối cho hoạt động của cơ sở bởi thời ấy lễ giáo rất nghiêm ngặt. Kiệt chỉ không hình dung nổi tại sao Mão lại cản anh và Hậu bằng cái giọng chua chát như thế! Anh toan lên tiếng thì Hậu cười nói:
- Ừ nhỉ! Tôi quên! Quên rằng mình ván đã đóng thuyền! Thôi, đành nằm nhà vậy!
Thông đang uống trà, ngẩng lên nhìn Hậu tội nghiệp, ngay tình bảo:
- Chị Quyết thích xem phố, sao không bảo anh Mão đưa đi? Hôm nay có việc gì đâu? Tôi với anh Kiệt ở nhà trông nhà. Anh Mão đưa chị Quyết đi là danh chánh ngôn thuận, không ai nói vào đâu được!
Trong ba người đàn ông thì Thông vốn hòa nhã và lịch sự hơn cả. Kiệt thì hay nói đùa nhưng lại nóng tính hơn. Còn Mão thì lầm lì bí hiểm, ít hòa đồng với hai ông kia. Mão vịn vào câu nói của Thông, đổi giận làm lành, vui vẻ lên tiếng:
- Phải đấy! Chị Quyết muốn xuống chợ Đồng Xuân, tôi đưa chị đi! Từ hôm đến đây, tôi cứ nghe chị nhắc chợ Đồng Xuân mãi!
Hậu thẳn thắn từ chối:
- Thôi! Tôi ở nhà cũng được!
Mặt Mão tối sầm lại, ngượng ngùng cúi xúông, vớ cái điếu cày dưới chân, run run tra thuốc vào nõ và châm lửa hút. Kiệt làm như không để ý đến thái độ của Mão, thản nhiên nhìn Hậu và cười cười đọc câu tục ngữ:
- Gái có chồng như gông đeo cổ! Các cụ nói chả sai tí nào!
Hậu cũng cười theo:
- Thà có chồng thật thì đeo gông cũng chả sao! Chồng giả mà phải đeo gông mới chán chứ!
Thật ra thì Hậu có đi ra phố với Mão cũng chẳng lợi lộc gì cho gã bởi thời này, đàn ông đàn bà, dù là vợ chồng chính thức, cũng chưa có thói quen sánh vai đi song song với nhau nơi công cộng. Thường thì chồng đi trước, vợ lẽo đẽo theo sau, cách xa cả vài thước. Đi kề sát bên nhau, chẳng những xã hội không chấp nhận mà chính người phụ nữ cũng tự cảm thấy xấu hổ vô cùng. Mão và Hậu, suốt mấy tháng nay đều ở bên nhau, dưới một mái nhà nhỏ, nhất là ban ngày chỉ có hai ngừơi. Cho nên xét ra thì đâu cần phải đi phố mới có cơ hội tâm sự riêng tư! Ở nhà dễ hơn chứ! Nhưng chẳng qua là vì “vô duyên đối diện bất tương phùng”, sống bên Mão nhưng lòng Hậu không rung động vì Mão, thế thôi!
Thông rót thêm trà vào cốc rồi gật gù bảo:
- Chị Quyết chả múôn đi nữa thì ở nhà nói chuyện cho vui. Cả tuần lể, anh Kiệt với tôi đi làm. Chỉ có ngày chủ nhật là có mặt đầy đủ ở nhà!
Kiệt gật đầu đồng ý với Thông, bởi Thông vừa phát biểu một câu đúng ý với Kiệt. Cuộc sống thiếu thốn và căng thẳng, có bóng dáng phụ nữ trong nhà như một cô em gái, là một nìêm an ủi lớn cho hai người sau mỗi ngày cúôc bộ đi lang thang đó đây. Thông bằng giọng trầm xuống và nói nhỏ hơn, như sợ có người rình nghe:
- Ở với nhau được ngày nào quí ngày ấy! Nay mai Thành Bộ điều đi công tác mỗi người mỗi nơi, dễ gì gặp lại nhau!
Câu nói của Thông làm Hậu và Kiệt tắt hẳn niềm vui. Quả đúng như thế. Ai cũng thấp thõm chẳng bịết tương lai như thế nào. Họ cố tình đùa giởn chỉ nhằm mục đích để tạm quên nổi lo âu thường trực đè nặng trong đầu mà thôi. Căn phòng nhỏ bổng chìm trong im lặng. Thông xoay xoay ly trà nóng trong tay, Kiệt đăm chiêu nhìn ra phía cửa, mấy ngón tay gỏ nhịp nhè nhẹ trên mặt bàn. Mão bỏ vào trong tấm cót, giang sơn riêng của Mão mà ít khi Hậu bước chân vào.
Ngồi yên được một lúc, Hậu phá vỡ cái không khí trầm lắng bằng cách quay sang bảo Kiệt:
- Anh Kiệt! Kể chuyện đi chứ! Anh Thông vừa bảo chủ nhật ngồi nhà đông đủ cho vui. Không vui thì ở nhà làm gì? Anh không kể chuyện thì tôi đi đây. Đi mình, chả cần ai đưa cả!
Thông cũng đưa đẩy theo Hậu:
- Đúng rồi! Có chuyện gì vui thì nói đi nào!
Quay sang Hậu, Thông nói:
- Chị Quyết biết không? Tôi thì tôi cứ bảo với anh Kiệt là “Trong bụng ông, cơm thì ít mà chuyện thì nhiều!”. Không biết moi ở đâu ra mà lắm thế? Lắm hôm hai đứa chúng tôi đi bộ rạc cả hai chân, vừa đói vừa khát mà anh ấy cứ kể chuyện thản nhiên như không, làm tôi bật cười giữa đường, ai cũng phải nhìn!
Kiệt gật đầu giải thích:
- Nhờ mấy năm tôi làm ở lò gạch. Nung gạch, khuân gạch, xếp gạch. Công vịệc nặng nề lắm mà chủ lò gạch lại rất khó chịu, kiểm tra từng viên, mẻ một tí là không được! Thành ra anh em chúng tôi thi nhau kể chuyện để giết thì giờ và đỡ bực mình. Nhiều chuyện làm các bà các cô xấu hổ đỏ mặt, cứ mắng tôi là “đồ phải gió”! Mắng thế nhưng mà lại cứ bắt tôi phải kể! Đàn bà lạ thật! Chúa là hay giả vờ!
Hậu nói:
- Có gì đâu mà anh bảo là lạ! Anh cũng phải cho chúng tôi giả vờ một tí để làm duyên chứ!.... Đâu? Anh thử kể cho tôi một chuyện xem thế nào mà các bà ấy mắng anh?
Kiệt lắc đầu đáp:
- Tự dưng chị hỏi tôi thì tôi không nhớ ra? Chốc nữa nhớ ra chuyện gì thì tôi sẽ kể ngay!
Thông nhắc:
- Cái chuyện hôm qua anh kể cho tôi nghe. Vui ra phết! Anh kể lại cho chị Quyết nghe đi. Cái anh chàng đi lính cho Tây!
Kiệt sực nhớ ra, tự dưng cười một mình. Thời này thiên hạ hay chế ra những mẩu chuyện châm biếm những người đi lính cho Pháp vì coi họ là tay sai cho giặc, phản lại đất nước. Kiệt kể:
- Có anh chàng nhà quê kia, dốt đặc cán mai, đi lính cho Tây, nhưng không biết một chữ tiếng Tây nào. Tây đưa về huấn luyện bên mẫu quốc. Ngày lĩnh lương, cửa trại lính luôn luôn có những cô gái giang hồ tụ tập để moi tiền của lính. Anh chàng nhà quê này cũng được một cô gái thật đẹp đến làm quen. Cô gái giang hồ bíêt anh chàng này không bíêt nói tiếng Tây, nên cô mang sẳn một xấp giấy và một cái bút. Hễ cô muốn gì thì cứ việc vẽ ra. Chẳng hạn thích ăn thịt bò thì vẽ con bò, thích ăn thịt gà thì vẽ con gà là anh chàng hiểu ngay. Hôm ấy, cô gái kéo anh chàng lại một chỗ vắng rồi vẽ cái giường, ý múôn rủ anh chàng này vào buồng ngủ để kiếm tiền. Cô đưa tờ giấy cho anh ta xem và liếc mắt đưa tình nhìn anh ta chờ đợi. Anh nhà quê này vừa thấy hình cái giừơng thì tái mắt quay đi chỗ khác và lẩm bẩm nói “Mẹ nó! Nó mới gặp mình lần đầu mà tại sao nó biết dạo trước mình làm nghề thợ mộc!”.
Kiệt kể dứt, Hậu phá lên cười. Thông cũng cười vang nhà dù đã nghe Kiệt kể mấy lần rồi. Riêng Mão đứng bên trong tấm cót thì phản ứng ngược lại. Chẳng những gã không nhếch mép, mà mặt bổng đanh lại vì uất hận. Vốn mang sẳn mặc cảm, Mão cho rằng Kiệt cố tình kể chuyện này để làm nhục Mão, bởi ngày trước Mão có đi lính cho Tây, dù chỉ một thời gian ngắn.
Bên ngoài, tiếng cười của Thông và Hậu như những mũi dao đâm vào tim Mão. Mão không ngờ Hậu trơ trẽn đến như thế. Chuyện này là chuyện của đàn ông. Thế mà Hậu cũng dám nghe rồi cười khanh khách, chẳng giữ gìn gì cả! Mão ứa gan, nhưng đành đứng yên nuốt giận chứ biết làm gì bây giờ! Mão nghe Hậu nói một cách bạo dạn:
- Anh Kiệt ạ! Các bà các cô mắng anh cũng là phải! Làm gì ở trên đời này lại có những người đàn ông khờ như thế!
Thông cười đáp thay Kiệt:
- Có chứ sao không? Giá như tôi là anh chàng lính nhà quê ấy, thì chính tôi cũng chả hiểu cô gái vẽ cái giường để làm gì!
Những ngày kế tiếp Mão cứ hầm hầm nhìn Hậu, hết giận rồi lại dỗ, hết cay đắng lai ngọt ngào, như đứa con nít. Nhưng Hậu không xiêu lòng bởi biết mình không thể nào yêu Mão được. Giữa Hậu và Mão, tình đồng chí thì có, nhưng tình vợ chồng thì muôn đời sẽ không thành.
Một ngày chủ nhật, Lê Tiến bất ngờ ghé thăm, đem theo một người mà anh giới thiệu là Ngô Gia Tự. Hậu vừa dọn cơm trưa, vội lấy thêm bát đũa và đon đả nói:
- May quá. Chúng tôi vừa ngồi vào. Gặp bửa, mời hai anh dùng luôn thể!
Lê Tiến không khách sáo, anh kéo ghế ngồi và nói:
- Chúng tôi ngồi chơi thôi. Ăn thì lại hụt mất phần của người khác!
Hậu đáp thay mọi người:
- Sức hai anh mà ăn thì bao nhiêu mà sợ hụt! Thiếu, tôi thổi thêm. Nhà còn gạo.
Thông, Mão và Kiệt đã gặp Ngô Gia Tự vào lần. Nhưng với Hậu thì đây là lần đầu. Tự cầm đũa nhưng không gắp gì cả. Gã đến để nói chớ không phải đến để ăn. Gã phân tích tình hình chính trị quốc tế cũng như Việt Nam rồi kết luận:
- Trong điều kiện như thế, Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội không còn đủ khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Vai trò lãnh đạo từ nay phải giao cho đảng của giai cấp công nhân. Tại đại hội thanh niên toàn quốc vừa rồi. Đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã quyết định thoát ly tổ chức Thanh Niên để thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng, đi theo ánh sáng cách mạng tháng 10 của Liên Bang Sô Viết.
Ngưng lại một chút, Lê Tiến tiếp lời Ngô Gia Tự:
- Như vậy, kể từ hôm nay, chi bộ của các đồng chí là chi bộ của Đông Dương Cộng Sản Đảng. Các đồng chí đương nhiên là đảng viên cộng sản!
Những điều này thì Hậu cũng đã nghe nói đến, nhất là những tài liệu mà thành bộ vẫn đưa xuống cho Hậu đọc tại cơ sở. Nhưng hôm nay mới được Thành bộ thông báo chính thức. Lý do là vì hai tiếng Cộng Sản từ trước đến nay vẫn còn làm một số đông đoàn viên Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội không cảm thấy thoải mái. Họ chỉ múôn gia nhập một tổ chức chống Pháp. Đó là cái đich duy nhất và cuối cùng của họ. Lý thuyết cộng sản thì phức tạp và có nhiều chủ trương đi quá xa làm cho họ ngần ngại.
Mà chẳng phải chỉ riêng quần chúng mới có thái độ dè dặt với hai tiếng Cộng Sản, đến ngay như nội bộ các đảng viên cũng vì suy nghĩ khác nhau nên đảng mới vỡ ra làm ba mảnh. Cái khác biệt chính yếu nằm ở hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất: một số đảng viên chủ trương rằng chỉ nên dùng Cộng Sản làm phương tiện để giải phóng đất nước, bởi lý thuyết cộng sản dễ lôi kéo nhân dân lao động, những thành phần bị áp bức, lớp người cùng đinh không có gì để mất. Trước những khuyết điểm quả thật lớn lao của tư bản và thuộc địa, thì cộng sản là chiêu bài thật hấp dẫn. Khuynh hướng thứ hai là chủ trương rằng, chế độ cộng sản không những chỉ là phương tiện giải phóng dân tộc, mà đi xa hơn, nó còn là cứu cánh cuối cùng của xã hội loài người. Phải áp dụng chế độ cộng sản thì xã hội mới đạt tới thiên đàng hạ giới!
Hai khuynh hướng đối chọi ấy làm nảy sinh những trach chấp nội bộ và đưa đến đổ vỡ vào năm 1929. Phải chờ qua tháng một năm sau, 1930, ba nhóm Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn mới họp mặt tại HongKong để thống nhất dưới một danh xưng là Đông Dương Cộng Sản Đảng do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo.
Ngoài hè, có tiếng rao chè đổ đen, rồi cô gái bán chè đặt quang gánh xuống bên bờ tường đối diện ngay nhà Hậu. Lê Tiến lo sợ nhìn ra, nhưng Hậu giơ tay trấn an Lê Tiến ngay. Ngô Gia Tự đưa mắt nhìn Lê Tiến làm hiệu. Lê Tiến lên tiếng:
- Công tác đầu tiên của các đồng chí để hướng về đảng cộng sản của Liên Bang Sô Viết vĩ đại, là các đồng chí chuẩn bị dán áp-phích và rải truyền đơn mừng ngày kỷ niệm Cách Mạng tháng 10. Đồng chí Mão lo cung cấp truyền đơn cho tóan thành phố Hà Nội. Càng nhiều càng tốt! Gần đến ngày kỷ niệm, tôi sẽ bố trí người đến lấy!
Mão gật đầu chấp nhận chỉ thị:
- Vâng. Tôi sẽ tranh thủ! Còn đến 3 tháng nữa, thừa thì giờ chuẩn bị!
Hậu giục Lê Tiến và Ngô Gia Tự:
- Hai anh ăn đi đã chứ. Cơm còn nhiều. Hai anh đừng có ngại! Anh Tiến! Ăn đi! Anh cứ có cái tật hay làm khách! Anh Tự, có một bát lưng mà ăn mãi không hết!
Lê Tiến cười xòa, cầm đũa lên. Ngô Gia Tự quay sang hỏi va động viên Hậu. Tự nói:
- Đồng chí Tiến cho tui biết chị la em của anh Tân. Anh Tân nằm xuống là một mất mát lớn cho cách mệnh. Tôi tin chị sẽ tiếp con đường anh Tân đã vạch ra!
Hậu cảm động chớp mắt hỏi lại:
- Anh quen anh Tân em lâu chưa?
- Chúng tôi biết biết nhau và quen nhau từ dạo tổ chức bãi trường để chống Pháp xử án Phan Bội Châu!
Hậu không nói gì nữa. Lê Tiến nhìn Ngô Gia Tự. Tự khẽ gật đầu. Lê Tiến buông đũa, nghiêm trang nói:
- Tôi đã hội ý các đồng chí trên Thành và nhất trí đề cử đồng chí Kiệt làm bí làm bí thư chi bộ các đồng chí. Đồng chí Kiệt trước đây la công nhân lò gạch, giác ngộ cách mạng, tham gia tổ chức va thoát ly từ năm ngoái. Đồng chí lãnh đạo chi bộ là xứng đáng!
Hậu và Thông cùng nhìn Kiệt gật đầu hàm ý chúc mừng. Chỉ riêng Mão thì lặng thinh cuối xuống, cố giấu nỗi thất vọng. Mão vẫn tự hào là người chữ nghĩa hơn cả Kiệt, Thông và Hậu. Không ngờ Mão không được Thành Bộ đánh giá đúng mức! Nhưng Lê Tiến đã nói thì Mão đành chấp nhận mà thôi.
Hậu đứng dậy lấy tăm xỉa răng và rót hai cóc nước trà cho khách. Lê Tiến bưng ngay một ly, nói cám ơn rồi nói tiếp:
Chi bộ của các đồng chí hiện có 4 người. Nay sắp sửa chỉ có 3 người. Là vì tuần tới, Thành Bộ muốn điều đồng chí Thông sang Đoài. Cụ thể công tác là gì thì tôi sẽ thông báo sau. Trước mắt, đồng chí Thông cứ chuẩn bị sẵn, bất ngờ tôi cho người đến gọi là lên đường!
Thông lưỡng lự một chút rồi hỏi Lê Tiến:
- Sang Đoài là ở đâu hở anh?
Lê Tiến chưa kịp đáp thì Ngô Gia Tự đáp thay:
- Bên Sơn Tây!
Lê Tiến vỗ vai Thông:
- Vâng! Tôi cứ quen miệng
Lê Tiến nói đúng. Xưa kia người ta chia miền Bắc ra làm 4 xứ theo hướng Bắc, Nam, Đông, Đoài. Xứ Bắc hay Kinh Bắc là vùng Bắc Ninh. Xứ Nam hay trấn Sơn Nam là Hà Đông, Nam Định, Thái Bình. Xứ Đông là Hải Dương, Hải Phòng, và xứ Đoài là Sơn Tây, Người sau này vẫn quen gọi tên cũ, thay vì nói “đi Sơn Tây” thì họ nói “sang Đoài”.
Thông tò mò hỏi thêm:
-Tôi làm gì bên Sơn Tây hở anh?
Lê Tiến đáp:
- Chủ yếu vẫn là đi vô sản hóa mấy nhà máy bên ấy. Công nhân đông, tinh thần tốt! Đồng chí sang bên ấy rất có lợi cho cách mệnh. Dĩ nhiên là lúc đầu thể nào cũng có khó khăn.
Thông cười đáp:
- Anh đã nhiều lần bảo tôi. Làm cách mạng dễ dàng thì ai chả làm được!
Lê Tiến uống cạn cốc nước rồi cầm cái tăm đứng dậy. Ngô Gia Tự cũng đứng lên theo. Theo thói quen Hậu chạy ra trước, nhìn hai bên con hẻm. Cô đứng ngay ở cửa vòng cánh tay phải lại sau lưng, đặt bàn tay lên mông ra hiệu bảo Lê Tiến và Ngô Gia Tự đừng ra vội. Cô hỏi thăm con bé bán chè:
- Hôm nay bán khá không em?
Em bé vừa quạt ruồi vừa lắc đầu:
- Ế lắm chị ạ! Từ nãy tới giờ chỉ được hai bát! Chị xơi không, em mời chị một bát!
Hậu cười:
- Cảm ơn em, để hôm khác!
Hậu quay đầu vào đưa mắt làm hiệu bảo Lê Tiến đứng yên trong nhà, vì Hậu vừa thoáng nhìn ra đầu ngõ, thấy trên lề con lộ nhõ có hai người đàn ông lãng vãng ngoài đó. Có thể là mật thám chờ Lê Tiến và Ngô Gia Tự ra để tóm. Con hẻm này chỉ có một lối thoát duy nhất ăn thông ra con đường lớn. Đầu đằng kia là bức tường khá cao, phải bắt ghế mới leo qua được. Hậu lững thững bước dọc theo con lộ chính, cố giữ nét mặt bình thản dù tim đập thình thịch vì hồi hộp. Tới lề đường thì hai người đàn ông lúc nãy đã đi đâu mất. Hậu đứng nhìn quanh tứ phía, quan sát một lúc khá lâu rồi mới quay vào bảo Lê Tiến và Ngô Gia Tự ra về. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối, Hậu gặp Ngô Gia Tự. Hậu không biết nhiều về chàng trai 21 tuổi này, ngoại trừ lối nói đầy nhiệt quyết, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong đầu Hậu, cho phép Hậu tin rằng Tự là người nắm rất vững đường lối cách mạng của đoàn thể. Tự mặc bộ âu phục màu vàng cũ kỹ, khoác thêm cái áo dạ đen bạc, mặc dù trời nóng bức. Cặp mắt nho nhỏ của Tự bị lông quặm, nên lúc nào cũng chớp lia lịa. Thấy Lê Tiến có vẻ nể nang Ngô Gia Tự, Hậu càng đoán chắc Tự phải là một nhân vật quan trọng của Thanh Niên Cach Mệnh Đồng Chí Hội.
Hậu đoán không sai, bởi Ngô Gia Tự quan trọng thật! Tự là một trong những người đầu tiên cỗ võ việc thành lập Đảng Cộng Sản trong nội địa Việt Nam khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn ẩn nắp và giật dây từ hải ngoại. Nhóm Cộng Sản tiên phong ấy, gồm khoảng 7 người, hăng say nhất là Ngô Gia Tự, Nguyễn Hữu Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc và Trịnh Đình Cửu. Tất cả đều tham gia Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội ở lứa tuổi đôi mươi và cùng nóng lòng muốn giải tán đoàn thể này để cải danh công khai thành Đảng Cộng Sản.
Phải nói rằng lúc ấy, trong khung cảnh tối đen của Việt Nam dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân cấu kết với phong kiến. Lý thuyết Cộng Sản là một cái gì quá mới mẻ và hấp dẫn đối với đám thanh niên trí thức ảnh hưởng Tây học. Họ nhìn thấy ở chủ nghĩa Cộng Sản, một con đường hữu hiệu để giải quyết hai vấn đề lớn của đất nước là đánh đuổi ngoại xâm và xóa hết bất công xã hội. Họ không tìm ra được chủ thuyết nào tốt đẹp hơn, cho nên dồn hết tâm trí, bám vào chủ nghĩa đầy hấp lực này. Điều này cũng dể hiểu, vì sau những thất bại của Việt Nam Quang Phục Hội, lớp thanh niên yêu nước càng ngày càng đông mà không có đảng phái nào hiện diện để họ tham gia! Duy nhất chỉ có một Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội thành lập năm 1925. Rồi mải đến 1929 Quốc Dân Đảng mới ra đời. Khoảng trống từ bốn năm 1925 đến 1929, Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội đã thu hút biết bao nhiêu người trẻ ái quốc đang cần tìm một đoàn thể - bất kể là đoàn thể nào – để đứng vào làm đại sự! Mà khi đã vào rồi thì dẫu biết mình bị lèo lái, bị lợi dụng, cũng đã muộn! Âu đó cũng là một định mệnh cho lịch sử!
Chẳng phải chỉ riêng đảng viên Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội mang hoài bão ấy, mà ngay cả đảng Tân Việt, tức Phục Việt hoặc Hưng Nam Hội, vốn thuở đầu khi ra đời, không hề có khuynh hướng Cộng Sản, thế mà dần dần cũng bị lôi cuốn theo hướng đi này, khiến một số đảng viên nồng cốt đã tự ý ly khai và biến thành đảng Cộng Sản, chẳng hạn như Trần Phú, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt.v.v.
Nói chung, đối với nhóm trí thức trẻ tuổi ấy, thì năm 1929 là thời điểm mà xu thế Cộng Sản đã trở thành chính mùi tại những quốc gia nhược tiểu như Việt Nam, cho nên họ không thể chờ được nữa, phải cấp thiết giương cao lá cờ Cộng Sản làm kim chỉ nam soi đường cho họ.
Trở lại với Ngô Gia Tự, vốn xuất thân từ một gia đình khá giả ở huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, có anh ruột là tri huyện Ngô Gia Lễ. Tự say mê đọc sách từ nhỏ, nhưng không chủ tâm tiến thân bằng con đường khoa bảng mà gia đình mong muốn. Năm 1926, vừa 18 tuổi, Tự gia nhập Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội, sang Trung Quốc dự khóa huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc rồi trở về thành lập chi bộ tỉnh Bắc Ninh, gây được cơ sở khá vững chắc tại tỉnh nhà. Năm sau, Tự vào Sài Gòn làm phu khuân vác ở bến cảng để vận động công nhân thoe con đường cách mạng của mình.
Đầu năm 1929, Tự quay về Hà Nội, liên kết với một số đồng chí thân thiết, rủ nhau bí mật thành lập đảng Cộng Sản mà bất cần ý kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bởi bíêt Nguyễn Ái Quốc còn muốn mai phục thêm một thời gian nữa. Lúc ấy là tháng 3 năm 1929. Nhân có người bạn tâm giao là vợ chồng Trần Văn Cung đang thuê căn nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội, Đỗ Ngọc Du liền ngỏ ý mượn địa điểm, rồi cùng Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc và Trịnh Đình Cửu, tuyên thệ thành lập Đảng Cộng Sản. Căn nhà số 5D đường Hàm Long chính là cơ quan Cộng sản đầu tiên tại quốc nội, và Đỗ Ngọc Du có thể coi là nhân vật lãnh đạo Cộng Sản tiên phong trong nước Việt Nam.
Tháng 5 năm 1929, Ngô Gia Tự cùng đoàn đại biểu 3 người lên đường sang Hồng Kông dự đại hội toàn quốc VNTNCMĐCH. Tại đây, với tư cách đại diện Kỳ Bộ Bắc Kỳ, Tự lớn tiếng đề nghị giải tán VNTNCMĐCH để biến thành Đông Dương Cộng Sản Đảng. Nhưng đa số đại biểu không đồng ý, bởi còn tiếc cái danh xưng cũ đã mấy năm, với bao nhiêu công sức của đoàn viên đã vun sới cho nó. Đoàn đại biểu Bắc Kỳ bỏ về, hội nghị Hồng Kông kể như tan vỡ, đưa đến phân hóa khá trầm trọng trong nội bộ VNTNCMĐCH. Ngô Gia Tự cùng đoàn đại biểu trở về và ngày 17 tháng 6, tại số 312 phố Khâm Thiên, họ thản nhiên tuyên bố biến VNTNCMĐCH thành Đông Dương Cộng Sản Đảng. Ít lâu sau, họ lại dựng lên Tổng Công Hội Đỏ Bắc Kỳ tại nhà số 15 Phố Hàng Nón, làm nền móng cho tổng công đoàn lao động sau này. Nhóm Cộng Sản nóng ruột này, chia nhau nắm giữ những chức vụ quan trọng của Xứ Ủy, mặc dầu trên danh nghĩa chính thức, Bí Thư Xứ Ủy lúc đó vẫn là Mai Ngọc Thiệu, người chủ trương duy trì VNTNCMĐCH.
Ngòai việc tự ý đứng ra thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng, nhóm Ngô Gia Tự, Nguyễn Hữu Cành và Đỗ Ngọc Du còn len lỏi vào đảng Tân Việt, tung ra một số truyền đơn kêu gọi “những đảng viên đã giác ngộ Cộng Sản, hảy dũng cảm thoát ly Tân Việt Cách Mạng để đứng hẳn về hàng ngũ quốc tế vô sản”. Cao trào vận động ấy đã đưa đến kết quả là có 3 đảng Cộng Sản cùng ra đời năm 1929: Đó là Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn. Sự kiện này làm Nguyễn Ái Quốc hết sức lo ngại, vội vàng cầu cứu Liên Xô rồi dùng danh nghĩa quốc tế vô sản, dùng chỉ thị của Liên Xô để triệu tập đại hội thống nhất vào ngày 3 tháng 2 năm 1930. Danh xưng Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu được sử dụng từ đấy cho đến khi phải hóa trang lần nữa nhằm lấy lòng dân, đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam.
Như thế thì có thể nói: Những viên gạch lót đường tiên khởi tại miền Bắc để đưa Nguyễn Ái Quốc lên đài vinh quang sau này là nhóm thanh niên trẻ gồm Đỗ Ngọc Du, Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu và Trần Phú. Tất cả những người ấy đều nếm trải những đòn thù tàn bạo của mật thám Pháp và đều chết trẻ, chẳng ai sống đến ngày chiến thắng. Người thọ nhất trong nhóm là Đỗ Ngọc Du, mất năm 31 tuổi!
Đỗ Ngọc Du lớn hơn Ngô Gia Tự một tuổi, sinh quán tại Hải Dương trong một gia đình công chức, có bố làm việc cho Tây. Khi đang đi du học, Du tham gia vận động bãi khóa để ủng hộ hai nhà chí sĩ họ Phan nên bị đuổi học. Năm 1926, 19 tuổi, Du gia nhập VNTNCMĐCH rồi sang Trung Quốc gặp Nguyễn Ái Quốc, dự khóa huấn luyện trước khi trở về Hà Nội họat động. Như đã nói ở trên, Du có công đầu trong việc gâ dựng Đảng Cộng Sản tại quốc nội và đáng coi là thủ lãnh của nhóm Bắc Kỳ cực đoan, mặc dầu trên thực tế, khi chi bộ Đông Dương Cộng Sản đảng Hà Nội ra đời Du chỉ phụ trách công tác kiinh tài cho đảng. Năm 1930, Du bị lộ tông tích, phải trốn gấp sang Trung Quốc và năm sau thì bị bắt tại Thượng Hải, dẫn giải về nước. Du bị kết án khổ sai chung thân, giam ở Hỏa Lò một thời gian rồi đày đi Sơn La và ra Côn Đảo. Năm 1936, nhờ mặt trận Bình Dân thắng thế ở Pháp, hàng loạt chính trị phạm được tha. Du được trở về nhưng bị lao phổi chết năm 1938.
Trịnh Đình Cửu sinh năm 1901, là con bà Tú Mẫn ở số 61 phố Hàng Đào Hà Nội. Đứng trong nhóm Cộng Sản tiền phong, Cửu là ngừơi trầm lặng, không gây được tiếng vang gì lớn. Nhưng lúc bị bắt đưa ra tòa, mật thám bắt trói luôn bà Tú Mẫn, đẩy ra trước mặt Cửu, cốt ý đem tình mẫu tử để lung lạc Cửu, hy vọng vì thương mẹ mà Cửu cung khai bí mật của tổ chức. Nhưng Cửu quay mặt đi và cứng rắn nói lớn:
- Tôi chỉ biết có đảng mà thôi!
Câu nói lạnh lùng ấy làm cho Trịnh Đình Cửu nổi tiếng và trở thành tấm gương cho những người Cộng Sản, gạt bỏ hết tình cảm gia đình!
Nguyễn Đức Cảnh sinh năm 1908 tại huyện Thụy Anh tỉnh Thái Bình, từ thuở nhỏ đã có một hoàn cảnh sống khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là cha Cảnh, ông Nguyễn Đức Tiết, đổ Cử Nhân nhưng không chịu ra làm quan, ông cử Tiết chả biết làm gì nuôi gia đình, nên đem con cái gửi hết cho bạn bè nhờ nuôi hộ và cho đi học! Những người bạn mà ông cử Nguyễn Đức Tiết nhờ cậy gồm có tiến sĩ Nguyễn Đạo Quán, tri phủ Thái Ninh, là bác ruột và là người đỡ đầu Nguyễn Công Hoan. Vì thế Nguyễn Công Hoan quen biết Nguyễn Đức Cảnh từ lúc còn sống chung cho đến khi Nguyễn Công Hoan bắt đầu viết văn. Cảnh ở nhờ nhà của Nguyễn Công Hoan được một thời gian thì chuyển sang ở nhà quan tuần phủ Thái Bình Trần Thế Mỹ vì mẹ Cảnh có họ xa với bà vợ lẽ của cụ Mỹ. Cụ Mỹ là bạn đồng khóa với tiến sĩ Nguyễn Đạo Quán và cũng chính là thân phụ của Trần Khánh Giư, tức nhà văn Khái Hưng sau này. Trần Khánh Giư, tên thuở nhỏ là Trần Giư. Nhưng khi ra Ninh Giang làm đại lý bán dầu hỏa và than củi, nhớ đến tướng nhà Trần là Trần Khánh Giư cũng có thời bán than, Trần Giư mới thêm chữ “Khánh” vào làm tên đệm cho giống tên vị tướng ấy. Thị xã Ninh Giang chính là bối cảnh mà Khái Hưng dùng làm để viết tiểu thuyêt Thoát Ly sau này.
Trong ba người: Khái Hưng, Nguyễn Công Hoan và Nguyễn Đức Cảnh thì Cảnh trẻ hơn cả, nên vẫn thường gọi hai người kia là anh, xưng em, chẳng những vì tuổi tác mà còn vì mang ơn đã cho Cảnh tá túc.
Vì tham gia phong trào vận động ủng hộ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, Cảnh bị đuổi học. Từ đó, Cảnh bỏ Nam định lên Hà Nội sinh sống và gia nhập nhóm Nam Đồng Thư Xã, tức là tiền thân của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lúc này Nguyễn Công Hoan chưa theo Quốc Dân đảng. Một năm sau, gặp lại bạn là Nguyễn Thái Học, học chung trường từ thời thơ ấu, Nguyễn Công Hoan mới chính thức đứng vào đòan thể của Nguyễn Thái Học.
Năm 1927, Cảnh 19 tuổi, được Nguyễn Thái Học cử sang Quảng Châu gặp tổng bộ VNTNCMĐCH để bàn chuyện kết hợp chống Pháp. Nhưng tại đây Cảnh bị Nguyễn Ái Quốc thuyết phục, bỏ nhóm Quốc Dân đảng để tuyên thệ gia nhập VNTNCMĐCH rồi trở về gieo mầm hạt giống Cộng Sản trong nước.
Sau khi chủ động thành lập Công Hội Đỏ Bắc Kỳ, Cảnh vào miền Trung, giữ công tác tuyên truyền trong ban thường vụ xứ ủy Trung Kỳ. Nhưng chỉ một năm sau thì bị bắt ở Vinh. Mật thám đưa Cảnh về Hải Phòng và chặt đầu lúc Cảnh mới 24 tuổi.
Nguyễn Phong Sắc sinh năm 1902 tại làng Bạch Mai, tỉnh Hà Đông. Theo học trường Bưởi rồi sau này dạy học ở tư thục Thăng Long. Năm 1926 Sắc gia nhập VNTNCMĐCH và năm 1929 thì làm bí thư chi bộ Hà Nội.
Sau khi tham gia thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng tại Hà Nội, Sắc vào Nghệ An chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, làm giật mình nhà cầm quyền thực dân. Từ đó, Sắc trở thành ủy viên trung ương đảng, phụ trách bí thư xứ ủy Trung Kỳ. Cái tên Nguyễn Phong Sắc quan trọng ấy được tô đậm trong sổ bìa đen của mật thám Pháp. Cho nên năm 1931, khi Sắc cải trang, đáp xe lửa ra Hà Nội công tác thì mật thám đã được mật báo trước, chờ sẳn tại ga Hàng Cỏ, lôi Sắc đi thủ tiêu bí mật, không ai thấy xác. Lúc ấy Nguyễn Phong Sắc vừa tròn 28 tuổi.
Riêng Ngô Gia Tự, sau khi chia tay Lê Tiến và Hậu ở ngã Lò Rèn, lại lên đường vào Sài Gòn, liên lạc với các đồng chí trong ấy để bố trí hoạt động. Lúc ấy, Châu Văn Liêm đang lãnh đạo An Nam Cộng Sản đảng tại Sài Gòn. Gặp Ngô Gia Tự, Liêm liền giải tán An Nam Cộng Sản Đảng để đưa hết đảng viên gia nhập vào Đông Dương Cộng Sản Đảng do Ngô Gia Tự làm bí thư xứ ủy Nam Kỳ, trụ sở đặt tại đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn. Năm sau, Tự có dịp gặp gỡ Trần Phú, tổng bí thư đảng đầu tiên vừa được bầu sau hội nghị Thống Nhất tại Hồng Kông hồi tháng 10 năm 1930. Phú cũng vào Sài Gòn hoạt động và ngày ngày đi làm công nhân tại Hồng Thập Tự street.
Đường cách mạng của Ngô Gia Tự thật ngắn ngủi! Năm 1930, Tự bị bắt tại Sài Gòn và đày ra Côn Đảo. Năm năm sau, Tự cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục thành công. Nhưng không may lại bị đắm thuyền mất tích trên biển. Lúc ấy, Tự 27 tuổi. Giả như Ngô Gia Tự rán chờ thêm một năm nữa, thì chắc chắn Tự đã có thể được ân xá, bởi năm ấy mặt trận Bình Dân thiên tả bên Pháp lên cầm quyền.
Tự bị bắt được một năm thì đến lượt Trần Phú cũng bị tóm ở số 66 đường Hồng Thập Tự Sài Gòn ngày 18 tháng tư năm 1931. Vì là Tổng Bí Thư Đảng, Phú bị tra tấnnặng nề, chết đi sống lại, khiến mật thám phải đưa vào nhà thương Chợ Quán điều trị. Nhưng Phú kiệt sức và qua đời ở tuổi 27.
Nhưng, tất cả những diễn tiến ấy là chuyện của những năm sau. Trở lại năm 1929, sau khi thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng tại Hà Nội, nhóm Ngô Gia Tự chia nhau bung ra, đi tuyên truyền khắp nơi, không những chỉ nắm đối tượng là quần chúng, mà còn phải vận động ngay trong nội bộ VNTNCMĐCH để thuyết phục họ bỏ đoàn thể cũ, chuyển sang thành đảng viên Cộng sản. Ngô Gia Tự hôm nay theo Lê Tiến đến ngã Lò Rèn gặp Hậu cũng không ngòai mục đích ấy. Và Hậu, dĩ nhiên chỉ ngồi nghe thôi chớ không hiểu gì để phát biểu. Hậu đi làm cách mạng để giải phóng đất nước, danh xưng nào cũng được, miễn cứ đánh Tây là đúng với ý nguyện của Hậu.
Khoảng hai tuần sau, một ngày nắng gắt giữa tháng 7, Lê Tiến đột ngột đến tìm Hậu. Lúc ấy đã gần trưa,Kiệt và Thông vẫn đi làm như thường lệ mặc dầu chẳng có việc gì cố định. Riêng Mão thì hôm nay đi mua mực in và giấy bản, nên ở nhà chỉ có mình Hậu đang vá áo. Vừa bước vào, Lê Tiến bỏ mũ trên bàn, tự động ngồi xuống ghế và nói:
- Có gì ăn không chị Quyết? Đói quá! Hai hôm nay không có gì vào mồm, chỉ toàn uống nước lã cầm hơi!
Lê Tiến cố nở nụ cười, nhưng không che giấu nổi nét mặt xanh xao và đôi mắt hết sức mệt mỏi. Hậu nhìn Lê Tiến, thảng thốt kêu lên:
- Chết! Nhịn hai hôm rồi cơ à! Thấy anh gầy hẳn đi, tôi lại cứ ngỡ là anh mới đi công tác ở xa về!
Lê Tiến gật đầu vừa nói vừa thở:
- Vâng! Tôi mới xuống Hải Phòng. Ở dưới ấy năm hôm. Có ít tiền, dọc đường tiêu sạch cả!
Hậu cúi lấy cái nón dưới chân giường và bảo:
- Nhà chả còn gì ăn. Cơm nguội cũng hết. Anh chờ tôi một tý, tôi chạy ra đầu ngõ mua cái gì cho anh ăn tạm.
Dứt lời, Hậu vén mành bước ra ngay. Lê Tiến nói với theo:
- Củ khoai, mẩu sắn, thứ gì cũng được chị Quyết ạ!
Hậu im lặng cắm đầu rảo bước, cảnh nhịn đói là chuyện diễn ra thường xuyên, chẳng có chút gì bất ngờ. Nhiều lần Hậu, Kiệt, Thông và Mão đã từng trãi qua những ngày xanh xao như Lê Tiến hôm nay. Tuy vậy, nhìn Lê Tiến Hậu vẫn xúc động bởi cô cứ tưởng lãnh đạo Thành Bộ như Lê Tiến thì phải có cơ quan kinh tài chu cấp tiền bạc, chứ đâu có biết Lê Tiến cũng như Hậu, phải tự túc tự cường, giật gấu vá vai mà sống. Tài chánh eo hẹp, Hậu và các đồng chí từ mấy tháng nay đã thỏa thuận với nhau là chỉ ăn hai bửa sáng tối. Cho nên Lê Tiến đến buổi trưa thì thật không đúng lúc, Hậu chẳng chuẩn bị thức ăn gì trong bếp.
Hậu đi mấy phút rồi bưng về một bát canh rêu cua và dĩa bánh đúc, đặt trên bàn trước mặt Lê Tiến. Mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm Lê Tiến nuốt nước miếng ừng ực, bàn tay luống cuống cầm đũa gắp bánh đúc nhai ngay, không kịp mời Hậu lời nào, Hậu vào bếp rót nước trà mang ra rồi tế nhị bỏ vô sân sau để Tiến ăn uống một mình cho tự nhiên. Mấy phút sau cô trở lên thì phần ăn của Lê Tiến đã cạn sạch. Anh vừa thở vừa cầm mũ quạt mồ hôi vã ra đầy mặt. Anh bưng cốc nước uống gần cạn và ngượng ngùng phân trần:
- Miếng khi đói bằng gói khi no! Tôi cuốc bộ từ nhà lại đây, mắt cứ hoa cả lên!
Hậu cũng cười theo:
- Anh ăn bát nữa nhé! Tôi còn tiền! Nhịn hai ngày rồi thì chắc một bát chả thấm vào đâu!
Lê Tiến xua tay:
- Cám ơn chị. Tôi no rồi chị ạ! Dạo ở biên giới, có khi còn nhịn cả tuần lễ. Gặp lá gì cũng nhai, gặp củ gì cũng đào! Ở thành thị thì kiêng đủ thứ. Lên rừng ăn bừa bãi mà chả có ai chết cả!
Rồi anh đưa mắt nhìn vào trong và đổi đề tài:
- Các anh ấy đi vắng cả?
Hậu vừa dọn bát đũa cho Lê Tiến vừa đáp:
- Vâng! Anh Kiệt với anh Thông thì ngày nào chả đi làm! Chỉ có anh Mão hôm nay đi mua mực! Mới đi xong!
Hậu vào bếp rồi trở ra rất nhanh, ngồi ghé xuống mép giường, hỏi cho có chuyện:
- Anh đi Hải Phòng có chuyện gì không anh? Nghe bảo gia đình anh ở dưới ấy? Chắc anh về thăm hai cụ?
Lê Tiến gật đầu:
- Vâng! Ông bà cụ tôi ở Hải Phòng, nhưng tôi đi công tác, không tiện ghé nhà. Cả năm nay tôi không gặp lại ông bà cụ tôi!
Câu nói của Lê Tiến làm Hậu chợt nhớ đến cha mẹ của mình và nhất là Duyên cùng toàn chi bộ Hải Ninh mà Hậu có công gầy dựng từ phút đầu. Nữa năm nay chẳng biết Hải Ninh có phát triển thêm được đảng viên nào nữa không? Cô tự hỏi và nén tiếng thở dài. Rồi cô tiến lại rót thêm cốc nữa cho Lê Tiến và nhân tiện kéo ghế ngồi đối diện để nói chuyện cho kín đáo hơn. Cô ngập ngừng một chút rồi dè dặt hỏi:
- Anh ghé thăm hay là có chỉ thị mới của Thành Bộ?
Ý Hậu muốn hỏi về việc Thông sắp được thuyên chuyển đi công tác chỗ khác như lời Lê Tiến đã cho biết trước đây. Thông đi, tất nhiên Hậu cũng buồn vì phải xa một người đồng chí hiền lành. Nhưng Lê Tiến đáp:
- Không! Tôi đi ngang tạt vào thăm thôi!
Hậu bạo dạn nói đùa:
- Anh đi ngang, nhưng giá không đói bụng thì chắc cũng chả thèm vào thăm chúng tôi!
Lê Tiến cười ngượng ngập:
- Chị tinh thật! Phục chị đóan giỏi!
Hậu tắt nụ cười, hạ giọng xuống và nghiêm nghị hỏi:
- Mấy hôm nay, tối nào anh Kiệt với anh Thông đi làm về cũng kể cho tôi nghe vụ thực dân Pháp vừa xử án Quốc Dân Đảng. Dư luận xem chừng xôn xao lắm. Thành bộ có chủ trương gì về việc này không anh?
Nghe câu hỏi, ánh mắt Lê Tiến chợt mất hẳn nét vui để đổi thành ưu tư nặng trĩu. Anh nhìn Hậu, khẻ gật đầu nhưng không trả lời. Vụ xử Quốc Dân Đảng vừa diễn ra hôm đầu tháng là một biến cố quá lớn, tất nhiên Lê Tiến cũng như các đồng chí ở Thành Bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng không thể không theo dõi rất sát, bởi dù muốn dù không, nó cũng tạo nên những biểu hiện tiêu cực không che giấu được ở một số đảng viên Cộng Sản. Trên thực tế, thì từ đầu năm đến giờ, mật thám Pháp đã huy động tối ta lực lượng để lùng bắt mọi thành phần chống đối, chứ đâu có riêng Quốc Dân Đảng! Trông người lại nghĩ đến ta. Biết đâu trong tương lai, đoàn thể của Tiến cũng sẽ có ngày không may, nối đuôi nhau ra tòa như Quốc Dân Đảng hôm nay!
Mà chẳng phải riêng Lê Tiến lo âu. Cá nhân Hậu cũng đứng ngồi không yên vì những vụ bắt bớ diễn ra cùng khắp Hà Thành. Đã nhiều đêm Hậu ngồi bàn cùng với Kiệt, Mão và Thông, nóng lòng mong được bố trí đi nơi khác, vì cứ ở mãi một chỗ, chắc chắn có ngày sẽ bị lộ. Từ khi từ giã gia đình cất bước lên đường, mối lo gan ruột của Hậu vẫn là chết rũ trong tù khi chưa làm được việc gì đáng kể cho đoàn thể cũng như đất nước. Hôm nay nhân gặp riêng Lê Tiến, cô đình bày tỏ cái ý ấy cho Thành Bộ biết để xem Lê Tíến có đưa ra được phương án nào mới cho Hậu đỡ sốt ruột chăng? Chẳng lẽ cứ nằm đây, cứ uống nước cầm hơi mà chờ mật thám đến còng tay cô! Cô nhắc lại câu hỏi:
- Anh chắc có theo dõi vụ xử án Quốc Dân Đảng? Bị bắt đông như thế thì chắc là có đứa tay trong phản bội!
Trước nhận xét của Hậu, Lê Tiến nén tiếng thở dài thông cảm. Anh cần đắn đo suy tính xem có nên cho Hậu biết về tình hình giao động của Thành Bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng nhân vụ Pháp đang thẳng tay đàn áp Quốc Dân Đảng hay không? Bởi trong vụ này, có một vài khúc mắc mà chính Lê Tiến cũng đang cảm thấy phân vân sau chuyến đi Hải Phòng vừa qua!
Lùi trở lại hơn nữa năm về trước, nghĩa là từ đầu tháng 2, sau khi René Bazin bị ám sát tối 30 Tết. Mấy ngày Xuân chưa đi qua thì hàng loạt yếu nhân của Quốc Dân Đảng đã sa lưới mật thám Pháp. Giặc ngoài thù trong, thật là một đại nạn cho những người yêu nước. Sở dĩ mật thám Pháp thành công dễ dàng như vậy là vì trong số những người bị bắt ngay đợt đầu, ngày 17 tháng 2, có Bùi Tiên Mai, chủ tịch đảng bộ Quốc Dân Đảng tỉnh Thái Bình. Mai vốn là một công chức cấp thấp của nhà nước, trước đây làm việc bên tỉnh Phú Thọ, bị cách chức vì cờ bạc và bê trễ công vụ. Nhờ mồm mép khéo giao dịch, khi trở về Thái Bình, Mai được kết nạp vào Tỉnh Bộ và lên nắm quyền lãnh đạo Quốc Dân Đảng toàn tỉnh. Thái Bình lúc ấy, có viên Tổng Đốc cùng hung cực ác là Vi Văn Định, một tay sai đắc lực của thực dân, chuyên đi lùng bắt và tra tấn dã man các nhà ái quốc. Vốn mang bản chất lật lọng và cuộc sống phú quí, Bùi Tiên Mai đã phản bội lời thề tiết lộ hết tổ chức, kế hoạch cũng như nhân sự của Quốc Dân Đảng cho mật thám Pháp. Vì vậy, phần lớn những nhân vật quan trọng của Tổng Bộ, Thành Bộ và một số Tỉnh Bộ đều bị Pháp đưa vào tù.
Trước tình thế đen tối, đảng viên cứ một ngày một mất dần, cơ sở bí mất cứ mỗi ngày mỗi bại lộ. Nguyễn Thái Học phải triệu tập đại hội Đảng toàn quốc tại Bắc Ninh vào đầu tháng Tư để bổ xung nhân sự, đặc biệt là tuyển thêm phụ nữ lo phụ trách công tác giao liên cho Đảng vì dù sao phụ nữ cũng ít bị để ý hơn. Một số nữ đảng viên được giao trọng trách nhân dịp này, trong đó có ba chi em gái con một nhà nho ở phủ Lạng Thương tỉnh Bắc Giang, đó là cô Bắc, cô Giang và cô Tình. Cả 3 đều có chí lớn, từng tham gia tổ chức cách mạng của Nguyễn Khắc Nhu tại Bắc Giang trước khi VNQDĐ ra đời. Năm 1927, Nguyễn Khắc Nhu đem tổ chức của mình sát nhập vào VNQDĐ, ba cô Bắc, Giang và Tình đương nhiên trở thành đảng viên Quốc Dân Đảng. Riêng cô Giang, nhờ tư chất thông minh, có chữ nghĩa và khả năng tuyên truyền sắc bén, trở thành người được tổng bộ tin cẩn và có dịp kề cận thường xuyên bên cạnh Nguyễn Thái Học. Cô gấp rút vận động quần chúng, nhất là lực lượng quân nhân người Việt đi lính cho Pháp, kêu gọi hàng ngũ trở về với dân tộc, tham gia ngày khởi nghĩa gần kề.
Một tháng sau, giữa năm 1929, mạng lưới Quốc Dân Đảng tiếp tục bị vỡ từng ngày, Nguyễn Thái Học lại bí mật triệu tập đại hội bất thường toàn quốc tại Bắc Ninh và quyết định thành lập Tổng Bộ Chiến Tranh để chuẩn bị khởi nghĩa, dù biết rằng như thế là quá vội vàng. Chủ trương của đảng trưởng và tổng bộ là: Thà khởi nghĩa để nêu cao tấm gương ái quốc, còn hơn là ngồi chờ cho Pháp bắt rồi cũng chết gục trong tù!
Phía thực dân Pháp, khi khám phá ra một tổ chức cách mạng có tầm ảnh hưởng quá lớn, với hơn 200 nghi can đã bị bắt, chúng không đem ra xét xử ở tòa án bình thường. Chiếu sắc lệnh của tổng thống Pháp, toàn quyền Đông dương Pìerre Pasquier liền cho thíêt lập một tòa án đặc biệt mà người Việt thường gọi là Hội Đồng Đề Hình, dự trù khai diễn phiên tòa công khai trong 2ngày 2 và 3 tháng 7, do tên hung thần thanh tra chánh trị Jules Brides ngồi ghế chánh thẩm, tức chủ tịch Hội Đồng Đề Hình.
Mọi chuyện xãy ra trong không khí hết sức sôi sục, nhưng chỉ có giới báo chí, hoặc những người nặng lòng với thời cuộc và các đoàn thể ái quốc biết tường tận câu chuyện, còn dân chúng thì cho đến lúc ấy vẫn không hiểu Quốc Dân Đảng là gồm những ai, và Hội Đồng Đề Hình là cái gì! Nhiều người còn vô tình hoặc bị Pháp cố ý gạt gẫm, nhầm lẫn Quốc Dân Đảng với TNCMĐCH.
Mật thám Pháp, mặc dù đã bắt nhốt được nhiều yếu nhân của Quốc Dân Đảng để chuẩn bị đưa ra tòa nhận những bản án tiền chế rất nặng nề, nhưng chúng vẫn chưa an tâm vì Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu còn ngoài vòng kiềm tỏa. Ngày nào chưa bắt được Nguyễn Thái Học thì hiểm họa khởi nghĩa vẫn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Đã thế, khoảng tháng 4/29, Louis Marty, tổng giám đốc sở liêm phóng Đông Dương và Amoux, giám đốc nha công an Bắc Việt, lại nhận được bản tin Quốc Dân Đảng sẽ tấn công phá nhà ngục Hỏa Lò để giải cứu cho các đồng chí. Bản tin này làm cho chúng mất ăn mất ngủ bởi nếu chuyện xẩy ra, thì sẽ bị chính phủ bên mẫu quốc khiển trách là bất lực. Chánh thanh tra Brides thân hành vào tận nhà ngục, lôi từng tù nhân Quốc Dân Đảng ra hăm dọa:
- Chúng mày liệu hồn! Nguyễn Thái Học mà giở trò gì bên ngoài thì đầu của chúng mày sẽ rụng hết!