Động Đình Hồ Ngoại Sử

Chương 8: Đã trắc trở đôi ngàn xà hổ Lại lạnh lùng những chỗ sương phong

Nhiệm Đăng bảo Điền Nhung:

– Ngươi ra đấu thử với một trong hai cô gái đó, ta xem nào.

Điền Nhung phi ngựa ra trước trận, nghiêng mình đáp lễ:

– Sáng nay tôi đã bại trận, được cô nương dung mạng, cảm thấy ơn trọng
nghĩa sâu. Bây giờ tôi lớn mật, muốn được cô nương dạy cho mấy chiêu
nữa.

Quế-Hoa liếc mắt hỏi ý kiến Vĩnh-Hoa. Vĩnh Hoa nói nhỏ:

– Chúng muốn dò gia số, võ công của sư muội đấy. Sư muội cứ đánh lung tung để chúng tìm không ra.

Quế-Hoa nhảy xuống ngựa, nàng vung tay dùng một thế quyền của phái
Sài-sơn tấn công, tay phải nàng phát chưởng xéo vào đầu của Điền Nhung,
tay phải biến thành trảo chụp vào ngực y. Điền Nhung trầm người xuống
tránh khỏi tay phải của nàng. Tay phải y gạt tay trái, còn tay trái y
phát chưởng đánh vào ngực nàng. Quế-Hoa thu hai tay về cùng phát chưởng. Đây là chưởng của phái Long-biên, thuần âm. Bịch, hai chưởng đụng nhau, cà hai đều lùi lại. Quế-Hoa mượn đà chưởng của đối phương vọt người lên cao. Từ trên nàng co hai chân lại, rồi phóng một phi cước vào người
Điền Nhung, đó là chiêu phi cước của phái Cửu-chân.

Hai người đấu với nhau trên hai chục hiệp mà Nhiệm Mãng vẫn chưa tìm ra
nguyên tắc võ công của Quế-Hoa. Là người kinh nghiệm chiến đấu, y biết
Quế-Hoa dùng những chiêu thức khác nhau của nhiều võ phái để đánh lạc
hướng. Nhưng y cũng tìm thấy trong những chiêu thức đo,ù hầu như đều
khắc chế với võ công của y.

Y quát lên:

– Điền Nhung lùi lại!

Điền Nhung nhảy lùi lại. Nhiệm Mãng tiến lên, chắp tay hướng Quế-Hoa:

– Trần cô nương, Nhiệm mỗ là Phiêu-kỵ đại tướng-quân của Thục, sư phụ
của Nhiệm Đăng và Điền Nhung. Hai đồ nhi được cô nương dạy dỗ, còn dung
tình cho chúng. Tôi là sư phụ của chúng. Tôi muốn được kiến thức võ công cao siêu của cô nương.

Quế-Hoa nghiêng mình đáp lễ:

– Thì ra ngài là đại cao thủ phái Thiên-sơn. Khi tiểu nữ còn ở Lĩnh Nam
đã từng nghe Phiêu-kỵ đại tướng-quân trấn thủ Dương-bình quan, đánh quân Hán mờ trời mịt đất, một đêm chiếm ba thành. Hôm nay tiểu nữ mới được
bái kiến, thật vinh hạnh.

Nhiệm Mãng phóng chưởng đánh liền. Chưởng chưa đánh tới, mà Quế-Hoa đã
thấy nghẹt thở. Nàng trầm người xuống phát chiêu Ác ngưu nan độ trong
Phục-ngưu thần chưởng ra đỡ. Bùng một tiếng, người nàng vọt về sau. Nàng mượn sức nhảy vọt lên. Từ trên cao nàng phát chiêu Ngưu ngọa ư sơn.
Chiêu thức này cực kỳ hùng hậu, đánh trở xuống như thác đổ. Nhiệm Mãng
vừa rồi chỉ vận có ba thành công lực thử Quế-Hoa. Sau khi đụng nhau một
chưởng, thấy chưởng pháp của nàng tinh diệu vô cùng, vì vậy nàng thắng
Nhiệm Đăng, chứ công lực nàng thua Nhiệm Đăng xa. Lần này Quế-Hoa phát
ra một chưởng, chiêu số tinh diệu, y vận tới năm thành công lực phạt
ngang, Quế-Hoa bay vọt về sau, đáp xuống an toàn, nhưng nàng phải lùi
lại hai bước mới đứng vững. Cánh tay nàng tê dại gần như không cử động
được. Nhưng nàng ỷ có ông đứng phía sau lược trận, nên không sợ hãi.
Nàng hít một hơi phát chiêu Ngưu hổ tranh phong. Nhiệm Mãng muốn dò
chiêu số của nàng, y đánh cầm chừng. Sự thực nếu đấu từng chiêu, chỉ cần một chiêu Quế-Hoa đã bị hạ. Nhưng nàng đã được Đào Kỳ dạy đủ 36 chiêu
trong Phục-ngưu thần chưởng, cùng cách biến hóa. Chiêu nọ nối tiếâp
chiêu kia, thành một pho võ công, vừa thủ vừa công rất kín. Chứ còn so
về công lực, nàng còn thua cả Trưng Nhị, Phong-châu song quái.

Hai bên quay cuồng một lúc, Nhiệm Mãng đã nhận biết về Phục-ngưu thần chưởng. Y suy nghĩ:

– Võ công Lĩnh-Nam quả thật kinh người, chưởng pháp này không có một
chút sơ hở, cho dù một cô gái chỉ mới mười chín đôi mươi thôi, mà đệ tử
mình cũng đành chịu thua quả không oan. Người con gái này luyện tập bất
quá được mười năm là cùng. Còn đệ tử mình luyện tập cả 25-30 năm rồi, mà bị bại. Nàng chỉ luyện thêm năm bảy năm nữa, thì mình cũng không phải
là đối thủ của nàng. Hai cô gái nhỏ này xuất trận, nhưng chắc phía sau
thế nào cũng có sư trưởng của nàng. Ta phải ra tay để họ xuất hiện, xem
họ là ai?

Y vận sức đến bảy thành, phát chiêu ào ào. Quế-Hoa thấy vậy vội trần
người xuống phát chiêu Loa thành nguyệt ảnh của phái Cửu-chân, do Đào Kỳ dậy nàng hồi chàng dưỡng bệnh ở nhà nàng. Bùng một tiếng nàng cảm thấy
cánh tay tê chồn, còn Nhiệm Mãng cảm thấy chưởng lực mình bị mất vô âm
tích. Y nhận ra chiêu thức này khắc chế với võ công của y. Y phóng
chưởng thứ nhì, lần này Quế-Hoa phát ra một chiêu trong Thiết kình phi
chưởng của phái Cửu-chân. Bùng một tiếng thứ nhì, Quế-Hoa bật lùi hai
bước, nhưng chưởng thứ ba của Nhiệm Mãng đã tới. Nàng vội rút kiếm ra
đâm vào giữa chưởng lực của y. Nhiệm Mãng bật ngang chưởng một cái, kiếm của nàng bị văng lên không. Còn tay nàng toạc hổ khẩu, máu ra ròng
ròng. Nhiệm Mãng vọt tới chụp nàng, định bắt sống. Khi tay y sắp chụp
xuống thì cảm thấy có luồng gió lạnh lướt qua trên đầu. Biết nguy hiểm, y bật tay trở lên phát ra một chưởng đỡ luồng gió đó. Nhưng y chạm vào
vật gì mềm đến bạch một cái, vật đó tan ra từng miếng bay tứ tung. Thì
ra ai đã liệng một trái dưa bay qua đầu y. Tuy y đánh tan trái dưa,
nhưng cảm thấy hơi kỳ lạ, vì trái dưa bị vỡ tan ra từng mảnh đều đặn như cắt.

Y nhìn về trận Hán, tuyệt không tìm ra người quăng trái dưa. Chỉ thấy
Vĩnh-Hoa đứng lược trận. Y biết tuổi tác Vĩnh-Hoa không thể nào có công
lực ấy. Y hướng về trận Hán kêu lớn:

– Cao nhân nào xin xuất hiện!

Không có tiếng trả lời trong khi đó Quế-Hoa lại vung chưởng đánh. Y chụp tay bắt chưởng của nàng. Chưởng của y sắp chụp vào người nàng, thì nghe một tiếng kêu o o ở trên không nhức tai, khó chịu vô cùng. Y nhảy lùi
lại, nhìn lên thì thấy một vật to bằng hai nắm tay đang vù vù tiến về
phía y rất chậm chạp, kình lực mạnh kinh người. Y biết người ném đó sử
dụng hai kình lực một lúc. Một làm cho vật đó quay tròn, hóa cho nên có
tiếng kêu o o. Hai là kình lực đẩy vật đó tiến tới rất chậm. Y không dám coi thường, vận đủ mười thành công lực đánh vào vật đó. Bình một tiếng
vật đó vỡ tan, bắn ra làm mười mấy mảnh văng lại trận Thục, trúng vào
đám quân sĩ. Chúng đau quá la ối ối, nhưng không có tên nào bị thương.
Nhiệm Mãng coi lại vật tròn thì ra là trái bưởi. Nhiệm Mãng hoảng sợ
nghĩ:

– Ai mà công lực mạnh đến thế? Khiến cho quả bưởi quay tròn với tốc độ
kinh người, phát ra tiếng kêu điếc tai, kình lực mạnh làm cho vỏ bưởi
rạn ra. Đến khi chạm vào chưởng ta thì vỡ ra từng múi, dư lực bắn vào
trận Thục.

Y còn hoang mang thì Quế-Hoa đã đánh trúng vào vai y một chưởng. Chưởng
này rất mạnh đau đến nảy đom đóm mắy. Y nổi giận quát lớn:

– Cao nhân nào, xin xuất hiện, bằng không tôi giết vị tiểu cô nương này.

Vẫn không có tiếng trả lời. Nhiệm Mãng móc trong túi ra bốn lưỡi phi
đao, phóng vào Quế-Hoa, kình lực rất mạnh. Quế-Hoa hoảng hốt chưa biết
tránh né cách nào, thì có tiếng kêu rít lên nhức tai, rồi bốn vật bay
tới đụng vào bốn lưỡi phi đao đánh choang một tiếng. Bốn lưỡi phi đao
gãy vụn từng mảnh, bay tỏa ra bốn phía. Còn một vật nữa trúng ngực Nhiệm Mãng bịch một cái. Mặt y tái mét nhìn lại, thì ra là một trái chanh. Y
bàng hoàng như trong giấc mơ:

– Người này võ công cao không biết bao nhiêu mà kể, nhưng y là cao nhân
không muốn giết ta, chỉ cảnh cáo thôi. Bằng không với một viên sỏi, mạng ta đã tuyệt.

Y hướng về trận Hán:

– Cám ơn đại đức của cao nhân Lĩnh-Nam đã tha mạng.

Y vẫy tay cho quân chạy về phía sông Hán-thủy. Chính y đi cản hậu. Chạy
đến bờ sông, thấy dọc sông cờ Hán bay phất phới. Song tìm hoài, không
một bóng người. Y cho quân rẽ vào con đường men sườn núi mà đi. Chạy
được một quãng nghe tiếng reo hò inh ỏi, rồi quân Hán đổ ra. Hai tướng
Hán chặn mất lối đi. Nhiệm Mãng không nói không rằng, vung đao chém
liền. Tướng Hán là Chu Á-Dũng vung thương đỡ. Choảng, thương gãy đôi. Y
hoảng hốt vọt khỏi mình ngựa xuống đất, vừa tránh kịp ngọn đao thứ nhì
của Nhiệm Mãng. Giao tranh một lúc, quân Hán bỏ chạy lên núi. Nhiệm Mãng cho quân tiến lên, y đi đoạn hậu. Tới một khe núi có tiếng gọi:

– Nhiệm Mãng, đầu hàng đi thôi, ngươi bị chúng ta vây kín rồi chạy không thoát đâu.

Nhiệm Mãng nhìn lên thấy một người hùng vĩ mặt hồng hào, oai nghiêm, đứng trên cành cây cổ thụ.

Người đó nói:

– Nhiệm tướng quân, ta là Trường-yên đại-hiệp Cao Cảnh-Minh, người đất
Lĩnh Nam. Ta với ngươi không thù, không oán, ta không giết ngươi. Vậy
ngươi hãy đi đi. Ta chỉ bắt quân của ngươi thôi. Ngươi hãy xem ta bắn
gãy lá cờ soái của ngươi đây.

Người đó bưông tên, tiếng kêu chát tai, cây cờ soái của Nhiệm Mạng cán bằng sắt, chạm vào mũi tên tóe lửa rồi gãy làm hai.

Nhiệm Mãng là người bác học nghe nhiều, y biết Lĩnh-Nam là nơi sản xuất
nhiều tiễn thủ kinh người. Y chưa kịp phản ứng thì người đó nói:

– Ta bắn rơi bảo kiếm của ngươi đây.

Nhiệm Mãng rút kiếm vung lên, mũi tên xé gió, chạm vào kiếm kêu choảng
một tiếng. Kiếm bị đổi chiều chạm vào bao kiếm, cả bao lẫn, kiếm đều bật văng ra xa.

Nhiệm Mãng phát run nghĩ:

– Với công lực của ta, đệ nhất cao thủ chưa chắc đánh rơi được vũ khí,
mà sao người này có thể đánh rơi được kiếm, thì công lực y không vừa.
Chắc y là người đã dùng trái cây ném ta hồi nãy đây.

Nhiệm Mãng đã lầm, người dùng trái cây ném y hồi nãy là Khất đại-phu.
Còn người bắn y là Trường-yên đại hiệp, hai người hoàn toàn khác nhau. Y thấy hai người võ công cao quá, tưởng là một. Y bỏ ngựa cùng hai đệ tử
kéo nhau lên núi chạy thoát thân.

Vĩnh-Hoa thấy đại quân Thục đã tan, cho thu quân. Các tướng lục tục trở về. Nàng ra lệnh:

– Chinh-tây Phùng tướng quân trấn thủ Võ-đô. Hoành giả tướng quân trấn
thủ Lưỡng-hà-khẩu. Còn Trung-lang tướng quân Lai Háp thống lĩnh quân để
công thành Nam-bình. Tiền-quân Hiệu-úy Chu tướng-quân vây Võ-bình. Chỉ
cần đánh cầm chừng. Nếu thấy quân Thục từ Kiếm-các tới cứu thì phải rút
về Bắc ngạn sông Bạch-long cố thủ.

Nàng cùng Khất đại-phu, Trường-yên đại-hiệp, Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa lên
đường về Dương-bình quan. Dọc đường Quế-Hoa hỏi Trường-yên đại-hiệp:

– Đại sư-bá, sư bá bắn giỏi như vậy, tầm xa nhất sư bá bắn xa được khoảng bao nhiêu?

– Không nhiều lắm độ 200 trượng.

Quế-Hoa úi chà một tiếng rồi hỏi tiếp:

– Mỗi phát sư-bá bắn được bao nhiêu mũi?


– Nhiều nhất là 20 mũi, trúng vào hai mươi mục tiêu khác nhau.

Qua câu hỏi của Quế-Hoa, Vĩnh-Hoa nghĩ ra được một kế:

– Nếu công thành, chỉ cần Trường-yên sư-bá bắn ba mũi tên vào một cổng
thành, giết sạch binh tướng trấn thủ trên vọng lâu, ta cho người đánh
thành dễ dàng.

Quỳnh-Hoa hỏi ông ngoại:

– Ông ngoại ơi! Tại sao ông chỉ dùng trái cây ném Nhiệm Mãng mà không ra tay bắt sống?

Khất đại-phu cười:

– Cháu không biết đấy thôi. Chính sư-tỷ Vĩnh-Hoa nhờ ông dọa Nhiệm Mãng
để hắn sợ, chứ có muốn ngoại giết hắn đâu. Vả lại hắn là một người tài
trí, anh hùng giết đi thì uổng quá.

Về tới đại bản doanh, Ngô Hán cùng các tướng ra đón, mừng hớn hở. Vì
Vĩnh-Hoa đã cho ngựa lưu tinh về báo rồi. Nàng thăng trướng ra lệnh:

– Bây giờ chúng ta chuẩn bị đánh Dương-bình quan. Việc này xin Ngô
tướng-quân suất lĩnh cho. Tôi hẹn giờ Mùi cùng với Công-tôn Tư hội ở núi Định-cường. Tôi chỉ cần Thái sư-thúc Khất đại-phu đi theo thôi. Còn tất cả do Ngô tướng-quân điều động. Chúng ta đánh cầm chừng thôi. Khi hay
tin Nam-bình, Võ-đô, Võ-bình bị vây. Công-tôn Tư chia quân đi cứu các
nơi, chúng ta mới lấy Dương-bình quan.

Bấy giờ tiết Đông-chí, trời lạnh, tuyết rơi lất phất. Vĩnh-Hoa trang
điểm thật lộng lẫy. Nàng mặc bộ quần áo trắng, cổ choàng khăn đỏ dây
lưng cũng màu đỏ. Nàng cho lệnh lấy một xe lớn lên đường đi Định-cường.
Khất đại-phu giả làm người đánh xe. Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa và mấy thị-nữ
ngồi chung một xe với Vĩnh-Hoa. Xa xa đã thấy trên đồi Định-cường có cờ
Thục bay phất phới. Tới gần chân đồi, Công-tôn Tư đứng đón nàng, y xá ba xá:

– Hôm nay tên nhà quê đất được tiếp kiến đệ nhất giai nhân đất Việt. Thực là tam sinh hữu hạnh.

Trên đỉnh đồi có khoảng trăm quân Thục canh gác. Công-tôn Tư thấy
Vĩnh-Hoa chỉ đi với ông già đánh xe, hai cô gái và ba tỳ nữ, y cũng yên
tâm phần nào.

Trên khu đất bằng phẳng, Tư cho làm một nhà sàn bằng gỗ, trong đốt hương nghi ngút tỏa mùi thơm. Y mời Vĩnh-Hoa vào trong. Bên trong có nhiều
nhạc khí treo trên tường. Hai người ngồi vào bàn. Tư rót nước mời:

– Đây là trà đất Thành-đô. Mong rằng sẽ làm vừa lòng cô nương.

Vĩnh-Hoa nâng chung trà uống, mỉm cười hỏi:

– Tết sắp đến rồi, không biết Thái-tử có cho quân nghỉ Tết không?

Công-tôn Tư lắc đầu:

– Tôi muốn lắm chứ. Nhưng Ngô Hán đâu có để tôi yên mà ăn Tết. Này Phùng cô nương, tôi nghe đất Lĩnh-Nam có nhiều anh hùng sang dự trận đánh
Thục chúng tôi, phải không? Những người tài hoa như cô nương khiến chúng tôi lo sợ. Còn Nghiêm Sơn hiện ở đâu, chúng tôi không thấy y xuất hiện.

Vĩnh-Hoa thở dài:

– Công-tôn Thái-tử! Giữa Phụ-hoàng thái-tử và Hán Quang-Vũ chẳng qua là
người Hán tranh chấp với nhau mà thôi. Ai được, ai thua đất Thục vẫn là
người Hán cai trị người Hán. Còn Lĩnh-Nam chúng tôi từ đời vua Thần-Nông đã phân biệt cương giới với Trung-nguyên. Nhưng sau Tần Thủy-Hoàng đánh chiếm Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, chúng tôi mất nửa nước. Rồi kịp tới Triệu Đà lợi dụng lòng ngay thẳng của vua An-Dương mà chiếm mất Âu-Lạc. Nhà Hán dứt, Triệu Đà lập thành quận, huyện. Người Hán tới cai trị
chúng tôi, coi chúng tôi như trâu, chó. Mở miệng là gọi Nam-man, Man-di, khổ không biết bao nhiêu mà kể. Anh hùng Lĩnh-Nam chúng tôi đã hợp lại
với nhau xin Hán-Đế trả lại đất cũ lập lại cố quốc. Chúng tôi vẫn là
nước thần phục, tiến cống hàng năm. Chúng tôi tòng chinh đất Thục, chẳng qua cho Quang-Vũ biết: Nếu trả đất Lĩnh-Nam thì có một người bạn tốt,
nếu không trả, khó mà giữ được.

Công-tôn Tư thấy Vĩnh-Hoa không giấu diếm điều cơ mật phục quốc của anh
hùng Lĩnh-Nam. Nàng nói với y, có nghĩa là giữa hai người đều tin tưởng
lẫn nhau. Y nói:

– Cô nương biết thương Lĩnh Nam, sao không nghĩ đến đất Thục? Sao cô nương không giúp chúng tôi đánh Hán?

Vĩnh-Hoa cảm thấy thương hại Công-tôn Tư:

– Thái-tử nói vậy cũng phải, nhưng việc đời như dòng nước trôi. Chúng
tôi với Thái-tử lâm vào thế đối nghịch mất rồi. Chúng tôi sang đây là vì một người bạn là Nghiêm Sơn, giúp y vì tình bằng hữu mà thôi. Chính nhờ y mà đất Lĩnh-Nam chúng tôi mới được tập võ, do đó nảy sinh anh tài.
Tuy nhiên tôi nghĩ đất nước cần thống nhất thành một mối, sao Thái-tử
không xin với Phụ-hoàng trở thành một nước phiên, hàng năm tiến cống có
phải tốt đẹp không? Ích-châu là một nước nhỏ, chịu nhún một chút, đâu có gì đáng kể là nhục? Nếu muốn mưu đồ đại sự, sau này chỉnh đốn quân mã,
đợi Trung-nguyên rối loạn kéo binh ra ngã Trần-thương về kinh đô, thiên
hạ vào tay như không? Nếu Thái-tử quyết ý như vậy, tôi nguyện giúp
Thái-tử.

Công-tôn Tư thở dài:

– Phụ-hoàng tôi đã sai sứ sang Hán xin thần phục. Trước đây Ngỗi Hiêu,
Xích Mi, Vương Mãng còn, Quang-Vũ để chúng tôi yên. Bây giờ các nơi kia
bị diệt rồi, y cất quân muốn diệt nốt chúng tôi luôn.

Nghĩ một lát Công-tôn Tư nói:

– Trước đây Tổ-sư chúng tôi là Thiên-sơn lão tiên với Khất đại-phu Trần
Đại Sinh có giao tình rất hậu. Hai vị hẹn mười năm sau lại lên đỉnh
Kim-sơn uống rượu, đánh cờ, luận võ. Lần cuối cùng người mang theo
thúc-phụ tôi là Công-tôn Thiệu, Khất đại-phu mang theo sư thúc Đặng Thi
Sách.

Vĩnh-Hoa ngạc nhiên bật kêu lên:

– Úi cha!

Công-tôn Tư tiếp:

– Thúc phụ tôi với Đặng sư thúc kết làm huynh đệ. Hai bên hẹn cùng tuốt
gươm cứu dân. Đặng sư thúc lập lại Lĩnh Nam. Chúng tôi lập lại Thục,
chiếm Kinh-châu, Trường-an. Chúng ta chia ba thiên hạ với Hán. Hán đánh
Thục thì Lĩnh Nam cứu. Hán đánh Lĩnh Nam thì Thục cứu. Không ngờ… bây
giờ Lĩnh Nam lại giúp Hán diệt Thục.

Phùng Vĩnh-Hoa nói:

– Trở về tôi sẽ hỏi Khất đại-phu xem chuyện này thế nào. Nếu đúng như
vậy chúng tôi sẽ đổi thái độ. Song khi tôi với Thái-tử ngồi đây thì Ngô
Hán mang quân đi đánh Dương-bình quan. Chuyện này coi như tôi vô tình
không biết.

Công-tôn Tư chắp tay:

– Nếu được như lời cô nương, từ nay nguyện một đời không quên đại ơn, đại đức.

Quân hầu dâng bàn cờ, Vĩnh-Hoa nhìn bàn cờ hỏi:

– Tôi chơi cờ không hay, Thái-tử chấp tôi một quân xe đi?

Công-tôn Tư gật đầu cười:

– Được tôi xin chiều cô nương.

Vĩnh-Hoa là học trò phái Sài-sơn, cầm, kỳ, thi họa đều thông. Nàng thấy
Công-tôn Tư đi cờ rất cao, nước đi nào của y cũng tỏ ra là người quân
tử. Nàng muốn kéo dài thời gian, nên nghĩ rất kỹ mới đi một nước. Đánh
ba bàn, nàng ghìm cho hòa cả ba. Công-tôn Tư biết thế, y nói:

– Phùng cô nương quả là anh thư đất Lĩnh Nam.

Chiều đến tuyết lất phất rơi, trên đồi nhìn xuống trời đất trắng xóa,
trông thật đẹp. Nàng lấy cây đàn Nhị (đờn cò) ra, kéo những khúc nhạc
của Trương Chi, của phái Sài-sơn. Cứ mỗi khúc, Công-tôn Tư lại gõ xênh
đánh nhịp theo.

Trời đã tối, trước khi từ biệt ra về, Vĩnh-Hoa thở dài:

– Công-tôn thái-tử, chúng ta là bạn tri âm, nhưng vô tình bị đặt vào thế đối nghịch. Duyên kỳ ngộ nay đã hết, nếu sau này có gì bất trắc tôi sẽ
chạy sang Thái-tử. Ngược lại nếu Thái-tử có điều chi bận tâm lo lắng,
tôi cũng sẽ hết tâm lo lắng.

Công-tôn Tư cảm động thi lễ:

– Phùng cô nương, hậu hội hữu kỳ.

Vừa lúc đó một kỵ mã phi ngựa đến như bay, quỳ gối:

– Thưa Thái-tử, Ngô Hán dẫn quân đánh thành.

Công-tôn Tư cười:

– Ta nể bên Hán là nể anh hùng Lĩnh Nam, chứ Ngô Hán ta sợ gì hắn? Trước khi đến đây tương hội với Phùng cô nương, ta đã dự trù kế hoạch đối
phó, nếu hắn đánh thành rồi. Công-tôn Tư phi ngựa về thành. Vĩnh-Hoa
cũng lên xe trở về bản doanh. Tới nơi Ngô Hán tiếp vào, nói:

– Nhờ cô nương cầm chân Công-tôn Tư, tôi cho vây Dương-bình quan, không ngờ trời bỗng dưng đổ tuyết thành ra không đánh được.

Ngô Hán cùng Vĩnh-Hoa đến Dương-bình quan xem, thấy binh sĩ trong thành
canh phòng rất nghiêm ngặt, khó có thể lên được. Vĩnh-Hoa đi khắp hết
bốn cửa thành xem xét, nàng nghĩ thầm:

– Tiếc thay ta chỉ giỏi dùng mưu mẹo mà không biết cách điều binh, đánh
thành. Cho nên trước hoàn cảnh này đành bó tay. Giá có Trưng Nhị hay
Phương-Dung ở đây tất lấy thành này dễ như trở bàn tay..

Quả thực đúng như ý nghĩ của Vĩnh-Hoa, tuy nàng cũng đọc binh thư như
Trưng Nhị, Phương-Dung, nhưng thiên tư mỗi người một khác. Phương-Dung,
Trưng Nhị thì sách lược, chiến lược giỏi đã đành. Hai người đã ở trong
phủ Lĩnh-nam công một thời gian, cùng Đào Kỳ nghiên cứu rất kỹ sách huấn luyện tướng sĩ của Hán. Từ một viên sĩ tốt cho tới Tốt trưởng,
Lữ-trưởng, Sư-trưởng, Quân-đoàn trưởng như thế nào, cách điều hợp lực
lượng, công thành, phá ải ra sao. Rồi cả hai hợp với những điều trong
Lục-thao, Tam-lược, Tôn-Ngô binh pháp, mà thành một bản lĩnh riêng biệt. Còn Vĩnh-Hoa chỉ biết những điều trong Lục-thao, Tam-lược, Tôn-ngô binh pháp, mà thôi. Trận đánh Võ-ơô, nàng ra lệnh cho các tướng đánh mặt
này, chận mặt kia, chứ không thể nào cho chỉ thị chi tiết phải đánh như
thế nào. Bốn tướng mang theo đều ở lứa tuổi 40, đánh dư trăm trận, nàng
chỉ cần bảo đánh đâu, là họ ứng biến đánh như thế nào rồi. Bây giờ Ngô
Hán cũng như nàng không hơn, không kém. Nàng giữ Công-tôn Tư trong hơn
nửa ngày, mà Ngô Hán chỉ xua quân đánh thành như những lần trước, chứ
không có gì mới mẻ hơn.

Bỗng đâu tiếng pháo nổ vang trời, từ Định-cường một đội Thục binh xuất
hiện, đánh vào phía cửa Nam Dương-bình quan. Một đội nữa từ Quảng-nguyên đánh vào phía Tây.

Ngô Hán ra lệnh cho hai đạo quân vây cửa Nam và Tây rút trở về Bắc. Quân đang rút thì từ trong thành, bốn cửa mở tung, quân đánh ra mạnh như vũ
bão. Thế đạo quân vây cửa Tây do Mã Thành chỉ huy và đạo quân vây cửa
Nam do Đỗ Mạo chỉ huy bị ép vào giữa.

Ngô Hán đang luống cuống chưa biết giải quyết ra sao. Thì Vĩnh-Hoa ra lệnh:

– Hán-trung Thứ-sử Sử Hùng giữ vững mặt Đông, có Quế-Hoa trợ chiến.
Hành-quân Tư-mã Vương-Bá giữ vững mặt Bắc, có Quỳnh-Hoa trợ chiến. Nhất
thiết không được lùi một bước. Ai lùi chém tại chỗ.

– Cao Cảnh-Anh, Cao Cảnh-Hùng dẫn đội Thần-nỏ 1 đánh cửa Tây, cứu
Tây-lương Thứ-sử Mã Thành. Sư huynh Cao Cảnh-Hào, Cao Cảnh-Kiệt dẫn đội
Thần-nỏ 2 đánh cửa Nam giúp Hậu-quân Hiệu-úy Ngô Triệu. Trần Đạm-Nương,
Trần Thanh-Nương mang quân đánh vào phía sau địch

– Thái sư-thúc Khất đại-phu và Trường-yên sư bá vào trong thành, đốt kho lương giặc làm náo loạn lòng quân.

Nàng nhìn thấy người chỉ huy đoàn quân Thục từ phía Nam vây ép Đỗ Mạo và Công-tôn Tư. Nàng không muốn đối trận với y, nên lùi lại gò cao quan
sát tình hình. Hai bên đánh nhau dưới tuyết, trống đánh, quân reo, ngựa
hí vang trời. Đêm mùa đông, mờ mờ trắng, hai bên chém giết nhau khủng
khiếp. Bỗng nàng gọi Hoàng Hổ lại nói mấy câu. Hoàng Hỗ cười ha hả rồi
lui về trận. Một tiếng sau những tiếng gầm gừ vang dội lên, trên trăm
con cọp chia thành mười đội xông vào cửa Bắc. Đám quân trấn thủ cửa nầy
đang giao tranh ác liệt với Quế-Hoa, Vương Bá thì bị đội cọp chọc thủng
phía sau. Thục binh bỏ vũ khí chạy sang cửa Tây. Quân trên thành hoảng
sợ, đóng cửa lại. Đám canh gác ở vọng lầu bắn tên xuống như mưa. Đội cọp bị chết mấy con phải lùi lại.

Bỗng vèo vèo mấy tiếng xé gió trên không, một loạt tên bay lên, toán xạ thủ Thục ngã gục trên vọng lâu.

Trường-yên đại hiệp hô lớn:

– Hoàng Hổ, cháu cho cọp tiến sát vào chân thành đi.

Hoàng Hổ hú lên một tiếng cho cọp tiến sát chân thành. Đám quân trên
vọng lâu vừa thò đầu định bắn xuống, thì Trường-yên đại hiệp lại bắn
liền bốn phát, mỗi phát mười mũi tên, đám xạ thủ lại ngã gục xuống.

Ông lại bắn tiếp một mũi tên thật lớn vào cánh cửa vọng lâu. Mũi tên cột một sợi dây. Khất đại-phu chạy đến chân thành nắm sợi dây giật sẽ một
cái, rồi hô:

– Ta lên đây!

Ông bám dây thoăn thoắt leo lên thành. Trên thành một tướng xuất hiện,
múa kiếm định chặt đứt dây. Hắn vung kiếm lên. Cao Cảnh-Minh giương
cung, choang, thanh kiếm văng mất. Viên tướng kia vẫn không nao núng,
rút dao ngắn định tiếp tục cắt, thì véo véo năm mũi tên bay lên, một
trúng vào đầu y, còn lại trúng vào bốn tên xạ thủ của vọng lâu. Mũi tên
cột một sợi dây, tất cả ngã lộn đầu xuống đất.

Khất đại-phu đã lên đến vọng lâu. Ông vung chưởng đánh vào vọng lâu.
Bùng, vọng lâu kêu răng rắc rồi đổ ầm xuống chân thành. Thục binh ngẩn
người ra, vì thấy công lực ông thật kinh người.

Khất đại-phu nhảy xuống thành, chỉ ba chưởng ông đã đánh bay cả đám quân phía trong. Ông rút kiếm chặt sợi dây cột cổng thành, mở ra cái rầm.

Ông cảm thấy nghẹt thở, như bị ai đánh trộm. Ông không quay lại, mà vung về phía sau một chưởng, đó là chiêu Lưỡng ngưu tranh phong, bùng một
tiếng, tay ông cảm thấy tê chồn. Bấy giờ ông mới quay lại, thấy người
đánh mình là một tên quân Thục tướng mạo rất uy vũ.

Ông ngạc nhiên nghĩ:

– Từ sau trận hồ Tây, đây là lần đầu tiên ta gặp đối thủ có công lực mạnh đến như vậy.

Ông định phóng chưởng đánh, y đã lùi lại, vì đàn cọp tràn vào trong thành, gầm lên những tiếng long trời lỡ đất.

Hành-quân Tư-mã Vương Bá và Quế-Hoa dẫn quân nhập thành, đánh vào trung
ương. Ông bỏ cửa Bắc, chạy vào kho lương thực, dinh thự trung ương châm
lửa đốt. Lửa bốc lên ngút trời. Ông chạy ra cửa Đông thấy Thứ-sử
Hán-trung Sử Hùng, Quỳnh-Hoa cùng Hoàng Báo tướng chỉ huy đội Báo-quân
nhập thành rồi.

Ông ra cửa Nam, trận chiến đang khốc liệt. Đứng trên cao nhìn xuống,
thấy viên quan đấu chưởng với ông ban nãy, đang múa kiếm chận hậu cho
quân rút lui. Y đi đến đâu quân Hán dạt đến đó. Cuối cùng quân Thục rút
lui được hết. Ông ngẫm nghĩ: Đất Thục quả nhiên nhiều anh tài, nếu không có ông, với đám quần hào Vĩnh-Hoa, có lẽ không bao giờ Ngô Hán thắng
được Thục.

Phùng Vĩnh-Hoa cho lệnh thu quân. Các tướng tề tựu đầy đủ. Ngô Hán tổng
kết lại bên Hán chết hơn hai vạn, bên Thục vừa chết vừa bị bắt trên ba
vạn. Thực là một trận đánh long trời lở đất. Hai bên quân cùng tinh
nhuệ, tướng cùng dũng cảm. Một bên cố thủ, một bên quyết đánh. Ngô Hán
cho đám quân ở Nam-trịnh bổ sung tức thì để kịp theo quân Thục. Y thăng
trướng hướng về Khất đại-phu và Trường-yên đaÏi hiệp:

– Đệ tử kính cẩn tạ ơn các lão tiên sinh, nếu không có các vị ra tay trợ giúp, thì không những không vào được thành mà hai đạo quân đánh cửa Tây và cửa Nam bị diệt hết.

Phùng Vĩnh-Hoa ra lệnh cho quân sĩ không được hại tù binh, nhất là không được đụng đến vợ con, gia tộc, của cải tướng sĩ bên Thục. Nàng nhờ Khất đại-phu chữa trị cho thương binh, rồi thả cho về. Nàng đi quan sát khu
nhà ở của tướng sĩ bên Thục, thấy vợ con gia quyến họ ngồi ôm nhau khóc
lóc thảm thiết. Nàng cho phép họ được ra ngoài thành tìm xác thân nhân
đem về chôn cất. Những ai muốn rời thành đến Kiếm-các theo chồng con,
thì cho xe ngựa chở theo của cải. Nàng dẫn Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa cùng đi
kiểm điểm, tới dinh Thái-tử Công-tôn Tư, nghe bên trong có tiếng khóc
rất bi ai. Nàng vào xem, bên ngoài có quân Hán đang canh gác, bước vào
thấy có một thiếu phụ trẻ đẹp, đang ôm hai thiếu phụ khác, với vẻ che
chở, cả ba cùng quỳ lạy một viên Lữ-trưởng người Hán. Viên Lữ-trưởng
ngồi trên ghế. Nàng núp sang một bên cửa quan sát. Viên Lữ-trưởng quát
hỏi:

– Ba người là tỳ thiếp của Công-tôn Tư phải không?

Thiếu phụ trẻ nói:

– Tôi là cơ thiếp của Thái-tử. Còn hai người này một là vợ của Quân-sư
Trung-lang tướng Tào Mạnh, người còn lại là phu nhân của Lũng-tây vương
Triệu Khuôn.

Viên Lữ-trưởng hỏi tỳ thiếp của Công-tôn Tư:

– Nàng tên gì? Bao nhiêu tuổi?

– Thiếp là Xuân-Hoa, năm nay 21 tuổi.

Thôi được để hai người đàn bà này sang bên kia, còn nàng ở đây hầu hạ ta. Ta sẽ tha chết cho.

Xuân-Hoa cúi đầu nhỏ lệ:

– Thiếp là gái có chồng, xin tướng quân dung thứ, đừng bắt tiện thiếp phải thất tiết. Tướng quân muốn gì thiếp cũng xin dâng.

Viên Lữ-trưởng cười:

– Được để ta nghĩ xem.

Đám quân đi theo y kiểm điểmn tài sản của Công-tôn Tư xong, trình cuốn sổ lên. Viên Lữ-trưởng nói:

– Số châu ngọc nầy nhiều quá, người khai một nửa thôi, số còn lại để cho ta.

Viên thư lại vâng dạ, cầm bút bôi đi chép lại. Viên Lữ-trưởng bảo Xuân-Hoa:

– Ngươi dẫn ta vào phòng, để ta khám xét xem còn vàng bạc gì không.

Xuân-Hoa vâng dạ đi trước, viên Lữ-trưởng theo sau. Vừa vào phòng y khép cửa lại. Có tiếng Xuân-Hoa ú ớ vọng ra.

Vĩnh-Hoa nổi giận bước vào, nàng phóng chân đá một cái, cánh cửa bật
tung. Viên Lữ-trưởng thấy nàng vội buông Xuân-Hoa. Vĩnh-Hoa chụp tóc
viên Lữ-ttrưởng lôi y ra ngoài, tát y hai cái liền. Nàng ra tay mạnh
quá, khiến miệng y phun máu. Nàng quát hỏi:

– Mi tên gì?

– Tiểu nhân tên Võ Hữu-Hạnh.

– Ngươi thuộc đạo quân nào?

– Tiểu nhân thuộc đạo trung quân được Ngô nguyên soái sai đi canh gác phủ Thái-tử Công-tôn Tư.

Vĩnh-Hoa sai trói y lại. Nàng nói với ba người đàn bà:

– Các nàng đừng sợ, ta sẽ đưa các nàng về với chồng.

Nàng trở về lại đại sảnh đường Dương-bình quan. Ngô Hán đã bày tiệc mừng chiến thắng. Vĩnh-Hoa sai dẫn Võ Hữu-Hạnh vào giữa lúc các tướng đang
uống rượu, nghe ca hát. Ngô Hán đứng dậy, bưng chén rượu đến trước
Vĩnh-Hoa.

– Phùng cô nương, bản soái chờ mãi không thấy cô nương về, đành phải
khai tiệc. Nay có ly rượu này cảm tạ cô nương. Nếu không có cô nương
cùng anh hùng Lĩnh-Nam, thì làm sao nhà Hán thu được thành này.

Vĩnh-Hoa cầm ly rượu uống rồi nói:

– Ngô nguyên soái, tôi đi thăm phủ đệ các tướng bên Thục, thấy Lữ-trưởng Võ Hữu-Hạnh đang định hiếp dâm vợ con tướng sĩ bên Thục để lại. Tôi sai bắt về đây để nguyên soái định liệu.

Thời bấy giờ, cứ sau một chiến thắng, lừa ngựa lương tục, vũ khí, cho
đến vợ con, tôi tớ bên giặc đều tịch thu để thưởng cho tướng sĩ có công. Việc bắt vợ con tướng giặc để thưởng cho tướng mình là chuyện thường.
Nhưng Nghiêm Sơn xuất thân là người nghĩa hiệp. Ông truyền bỏ những việc dơ bẩn ấy đi, vì không có vẻ anh hùng chút nào. Hơn nữa trong hịch đã
nói rằng dù một ngọn rau, một cọng cỏ cũng không đụng đến, vì vậy các
tướng sĩ Hán đi đến đâu cũng không dám cướp phá.

Ngô Hán hỏi Võ Hữu Hạnh mấy câu, ông giận lắm quát:

– Tội ngươi đáng xử trảm. Vậy ngươi có gì kêu ca không?

Y cúi đầu khóc lóc không nói gì. Ngô Hán sai đem ra viên môn chặt đầu, đem đi khắp nơi bêu cho quân tướng xem làm gương.

Vĩnh-Hoa ghé tai Ngô Hán nói nhỏ mấy câu. Ngô Hán mừng lắm:

– Xin Quân-sư cứ tự tiện. Mưu Quân-sư cao như thế, thì chẳng mấy chốc chúng ta vào tới Thành-đô.

Phùng Vĩnh-Hoa dự tiệc xong, trở về thư phòng riêng, sai lấy bút mực viết một bức thư gửi cho Công-tôn Tư:

Tả quân-sư của Xa-kỵ đại tướng quân nhà Hán, Lĩnh-Nam Đăng-châu nữ hiệp gửi cho Công-tôn Thái-tử Ích-châu.

Sau lần gặp gỡ tại Định-cường, thì trận đánh trúc chẻ, ngói tan xảy ra,
hiện không được biết tôn giá Thái-tử ở đâu. Phàm đã đãi nhau là tri kỷ,
thì dù là thù hận, dù việc trọng đại đến đâu cũng không thể bỏ cái nghĩa tri âm. Nhân gặp Vương-phi của Thái-tử, Vương-phi của Lũng-tây vương và phu nhân của Trung-lang tướng Tào Mạnh bị nạn. Nay xin đưa Vương-phi
cùng tài sản các vị trở về, để tạ nghĩa tri âm. Hẹn sẽ gặp nhau.

Phùng Vĩnh-Hoa cẩn bút.

Nàng niêm phong, đóng ấn, ký tên xong đưa cho Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa:

– Ta phiền sư muội dẫn đoàn xe của mấy vị này đến Kiếm-các trao tận tay Thái-tử cho ta.

Rồi nàng ghé tai dặn Quế-Hoa mấy câu. Quế-Hoa gật đầu cười rồi cùng
Quỳnh-Hoa dẫn đoàn xe hướng Kiếm-các đi tới. Đoàn xe dài tới 20 cỗ, trên chở đầy vợ con, nô tỳ, của cải tướng Thục bỏ lại.

Phùng Vĩnh Hoa về trướng, thì thấy Khất đại-phu, Trường-yên đại-hiệp
cùng anh hùng Lĩnh Nam tụ hội đông đủ. Phía ngoài Vi Đại Khê chỉ huy đội Thần-ngao canh phòng nghiêm ngặt. Trên không đội Thần-ưng bay lượn
không ngừng.

Nguyên hôm chia tay ở Phiên-ngung, Trưng Nhị dặn dò anh hùng các đạo
rằng, mỗi khi cần họp riêng với nhau, nên cho đội Thần-ngao canh chừng ờ ngoài ba hay bốn vòng thực nghiêm mật. Trừ đạo Kinh-châu có 600
Thần-ưng; mỗi đạo mang 10 con để liên lạc. Khi hội họp thì dùng Thần-ưng bay trên cao tuần thám. Công tác bố phòng này giao cho Ngao-sơn tứ lão.

Phùng Vĩnh-Hoa kính cẩn hướng vào Khất đại-phu:

– Thưa sư thúc, chẳng hay sư thúc tổ chức buổi họp, có gì dạy bảo cháu?

Khất đại-phu đáp:

– Ta có nhiều điều muốn nói với cháu chưng chưa đến lúc. Song các anh
hùng muốn tổ chức cuộc họp, để chúng ta trao đổi những nhận xét về mấy
ngày qua.

Phùng Vĩnh Hoa mời Khất đại-phu, Cao Cảnh Minh ngồi lên chủ tọa. Trường-yên đại-hiệp nói:

– Qua trận đánh Võ-đô, Dương-bình quan, lão nhận thấy tướng sĩ Thục là
những anh hùng hào sảng đầy lòng nghĩa hiệp. Quân, tướng một lòng, giống như người Lĩnh Nam của ta. Dân chúng các vùng Võ-đô, Dương-bình quan
mình mới chiếm được, họ khóc lóc thảm thiết khi Thục bị thua. Chúng ta
hỏi thăm, họ nói rằng với Thục, họ được hưởng hạnh phúc. Với Hán luật
pháp khắc khe. Phàm xưa nay, ai đem lại hạnh phúc cho trăm họ, người đó
là minh-chúa. Ai đem khổ cực cho dân là giặc. Đời Hồng-bàng trải qua mấy nghìn năm, đem hạnh phúc cho dân Lĩnh Nam ta, nên chúng ta thờ. Đời vua cuối cùng tàn bạo nên chúng ta theo An Dương Vương. Bên Trung-nguyên,
Kiệt, Trụ vô đạo nên mới có Thành-Thang, Văn-Vương. Bây giờ Hán vô đạo
mới có Thục. Ta có cảm tưởng mình giúp kẻ ác, đánh người nhân mất rồi.

Trần Đạm-Nương nói:

– Thái-tử Công-tôn Tư là người anh hùng hào sảng. Y lấy cái phong nhã đãi sư-muội, không biết sư muội nghĩ sao?

Tây-vu Hoàng-Hổ tướng nói:

– Em thấy hổ xông vào trận, nhiều tướng sĩ đứng lại chịu ăn thịt, để cho binh sĩ rút. Vì vậy em cho hổ tiến từ từ, không nỡ giết người nghĩa sĩ.

Trần Hồng-Nương tiếp:

– Chúng ta mưu phục hồi Lĩnh Nam, vì muốn rút 30 vạn quân Hán ra khỏi
đất nước mình, mà phải giúp Hán đánh Thục. Bây giờ Thục đã rút rồi, ta
kệ Hán, Thục đánh nhau là hơn hết.

Phùng Vĩnh Hoa nói:

– Tôi tiếp xúc riêng với Công-tôn Tư, quả y là người anh hùng hào kiệt,
thấy chúng ta giúp Hán mà không căm hận. Vì vậy khi vào thành Dương-bình quan, tôi nói dối Ngô Hán rằng tha vợ con tướng sĩ của họ về để gây
nghi ngờ giữa cha con Công-tôn Thuật, nhưng thực ra là tha họ.

Khất đại-phu nói:

– Vậy như thế nầy, cháu dùng Thần-ưng đưa tin về Giao-chỉ hỏi Đặng Thi
Sách, Trưng Trắc, Đào Thế Kiệt xem họ quyết định thế nào. Trong khi đó
chúng ta lần lữa tìm cách cản trở Ngô Hán đánh Thục.

Phùng Vĩnh Hoa cung kính thưa:

– Cháu xin tuân lệnh Thái-sư thúc.

Nàng cầm bút viết thư, giao cho Vi Đại Khê sai Thần-ưng chuyển đi. Hôm
sau Ngô Hán muốn tiến binh đánh Kiếm-các. Phùng Vĩnh-Hoa cười:

– Đại tướng-quân, chúng ta chiếm hai thành lớn, Thục rung động. Nếu tiến binh nữa Công-tôn Thuật sẽ dồn binh ra đây. Đạo Lĩnh Nam, Kinh-châu sẽ
vào Thành-đô trước. Tướng-quân còn hy vọng gì làm chúa Ích-châu.

Ngô Hán chợt nhớ ra, lấy lý do tuyết xuống nhiều, cho quân sĩ nghĩ ngơi.

Sáu hôm sau Thần-ưng từ Giao-chỉ bay sang. Mang theo hai bức thư. Vi
Đại-Khê trình bức thư cho Khất đại-phu. Ông liền cho triệu tập đại hội
anh hùng Lĩnh Nam. Phùng Vĩnh Hoa cầm ống tre bổ ra, trong có hai bức
thư. Một do Đặng Thi Sách viết cho Khất đại-phu. Một của Đào Thế Kiệt
gửi cho Phương-Dung. Nàng cầm thư Đặng Thi Sách gửi cho Khất đại-phu
đọc:

Đệ tử Đặng Thi-Sách và Trưng Trắc khép nép kính thư lên Thái sư-thúc là Trần lão tiên.

Khi Thái sư-thúc và anh hùng Lĩnh Nam lên đường rồi, công việc nhà vẫn
tốt đẹp cả. Các trang ấp của Thái sư-thúc Lê Đạo-Sinh và đệ tử người,
cháu đã cử đệ tử bản môn đến quản nhiệm; tổ chức, huấn luyện tráng đinh
cùng ban hành chính sách do Thái sư-thúc dậy, bỏ hình pháp, lấy đức trị
người. Tô Định không còn quyền làm gì, y chỉ ở quanh Luy-lâu mà thôi.
Long-biên hầu Lưu Nhất-Phương chưởng quản hết mọi sự.

Mới đây đệ tử nhận được thư của Thiên-ưng Tây-vu Lục-hầu tướng gửi, nói
rằng đạo Kinh-châu đánh thành Bạch-đế bắt được Trường-sa vương Công-tôn
Thiệu. Thiệu kể chuyện mối giao tình giữa Thái sư-thúc và Thiên-sơn lão
tiên ngày nọ trên đỉnh Kim-sơn, cùng lời giao ước giữa cháu vài y.
Lục-Sún xin ý kiến rằng điều Thiệu kể có đúng hay không? Nếu đúng chúng
thả Công-tôn Thiệu ra, nếu sai thì thôi.

Khi cháu cùng Đào-hầu chủ tọa đại hội đánh hồ Tây, đã quyết định trợ Hán đánh Thục, nào ngờ Công-tôân Thuật là anh Công-tôn Thiệu và là đồ tôn
của Thiên-sơn lão tiên. Bây giờ sự thể đã thế, cháu vội liên lạc với
Đào-hầu. Hai bên cùng cử người liên lạc với anh hùng Lĩnh Nam, duyệt xét tình hình, quyết định tại chỗ. Đào-hầu cử Đinh-hầu, cháu cử Trưng Trắc
cùng lên đường. Vậy cháu dám xin Thái sư-thúc bàn riêng với anh hùng
Lĩnh Nam tạm ngừng tiến quân. Nhất thiết mọi việc không cho Nghiêm Sơn
với Hoàng Thiều-Hoa biết vội.

Cháu kính cẩn kính chúc Thái sư-thúc vạn thọ.

Đặng Thi-Sách, Trưng Trắc cẩn bút

Nàng cầm thư Đào Thế-Kiệt viết mở ra đọc:

Đào-hầu chưởng môn phái Cửu-chân thư cho con dâu là Phương-Dung.

Ta gửi sư-thúc Đinh Đại và Trưng Trắc sang Trung-nguyên. Mọi quyết định
của sư-thúc và Trưng Trắc là của ta. Con tuyệt đối tuân theo dù quyết
định đó có phải hy sinh tính mạng của các con hoặc của tất cả anh hùng
Lĩnh Nam đang Bắc-viện.

Đào Thế-Kiệt.

Cao Cảnh-Minh hỏi Khất đại-phu:

– Lão tiên sinh, xin lão tiên sinh dạy cho bọn hậu bối ít lời.

Khất đại-phu, mắt mơ màng nhìn về phía chân trời xa:

– Cách nay hơn mười năm, lão lên đường sang tương hội với người bạn già
là Thiên-sơn lão tiên. Lão mang theo đồ tôn là Đặng Thi Sách. Thiên-sơn
lão tiên mang theo đồ tôn là Công-tôn Thiệu. Trong khi chúng ta đàm luận võ công, đánh cờ. Thì Thiệu, Sách kết huynh đệ. Thiệu lớn hơn là anh.
Chúng nguyện đem ba thước gươm ra cứu đời. Thi-Sách muốn phục hồi Lĩnh
Nam. Thiệu muốn lập lại Thục rồi chiếm Kinh-châu, Trường-an. Thục, Hán,
Lĩnh Nam chia ba thiên hạ. Nếu Hán đánh Thục thì Lĩnh Nam cứu viện. Khi
xuất chinh trợ Hán ta đâu có ngờ Công-tôn Thuật là anh Công-tôn Thiệu.
Hà… chúng ta đánh lầm người rồi bây giờ biết làm sao?

Phần Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa điều khiển đoàn xe Thục chở vợ con tướng sĩ
Thục, đến Quảng-nguyên thì gặp binh Thục đóng ở đấy. Tướng bên Thục là
Hầu Đơn sai quân chặn lại. Y nhận ra Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa:

– Nhị vị Trần cô nương. Nhị vị đi đâu đây?

Quế-Hoa chỉ đoàn xe nói:

– Đoàn xe này chở vợ con cùng của cải các tướng ở Ích-châu bỏ lại. Phùng sư tỷ bảo chúng tôi hộ tống về trao tận tay Thái-tử.

Hầu Đơn đi từng xe kiểm lại, thấy quả toàn vợ con các tướng, trong đó có cả vợ y. Vợ y thấy y òa lên khóc lóc thảm thiết:

– Tướng công, bọn thiếp tưởng không bao giờ gặp lại tướng công nữa, không ngờ nay lại được trở về.

Hầu Đơn giao quân cho phó tướng. Còn y đích thân đi theo Quế-Hoa. Chiều
hôm đó đoàn xe đến Kiếm-các. Hầu Đơn để đoàn xe ở ngoài, y vào báo cho
Công-tôn Tư biết.

Sau khi thất thủ Dương-bình quan, Công-tôn Tư cùng các tướng sĩ tuy
thoát thân, bảo vệ được chủ lực quân, nhưng thành mất, vợ con tướng sĩ
bị lọt vào tay địch. Y buồn rầu không biết giải quyết ra sao, sáng nay y được tin báo vợ con binh sĩ được trả về hết. Bây giờ lại được tin báo,
vợ con y cùng các tướng do sứ giả hộ tống đến tận nơi trao trả.

Tư sai mở cổng thành cho đoàn xe vào. Y mời Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa vào trướng. Hai nàng thi lễ chứ không lạy:

– Công-tôn thái-tử, sư tỷ Vĩnh-Hoa nhờ chúng tôi chuyển thư nầy tới
Thái-tử và hộ tống Vương-phi cùng vợ con các tướng giao về Thái-tử.

Một văn thần quát:

– Hai người con gái thật vô lễ. Luật lệ ở đâu cũng vậy, sứ giả phải quỳ
gối lạy chúa tướng. Tại sao hai nàng lại đứng mà nói năng vô lễ như vậy. Bộ các ngươi chê gươm Thục không sắc sao?

Quỳnh-Hoa cười khanh khách:

– Trong lịch sử Trung-nguyên chưa từng có việc bắt được của, vợ con bên
địch mà sai sứ giả đem trả về cho bao giờ. Sở dĩ sư tỷ sai tôi đem vợ
con, của cải các tướng về trả, một là vì sư-tỷ với Thái-tử là bạn tri
âm, thì Vương-phi của Thái-tử là chị của sư-tỷ. Con của Thái-tử là cháu
của sư-tỷ. Vợ con các tướng thuộc quyền Thái-tử cũng như anh em họ hàng
sư-tỷ. Tôi vì sư-tỷ mà đưa đến đây, chứ đâu phải sứ? Trên đời làm gì có
ân nhân phải quỳ gối lạy người thọ ân bao giờ? Ngươi thân làm quan văn,
mà không thông đạo lý chút nào, làm sao mà thắng Hán được?

Công-tôn Tư chắp tay tạ lỗi:

– Trần cô nương bỏ lỗi cho.

Y bóc thư Vĩnh-Hoa ra định đọc, thì Quỳnh-Hoa bưng đến một cái hộp.

– Sư-tỷ gửi tặng Thái-tử đấy.

Công-tôn Tư mở ra coi, thì thấy một cây đàn cò (nhị). Trên mặt đàn có
bút tích Vĩnh-Hoa viết đề tặng. Công-tôn thái-tử ngẩn người ra, không
hiểu Vĩnh-Hoa định làm gì. Nàng là người tốt với y, hay kẻ thù? Mới hôm
qua cùng nàng hòa nhạc, rồi nàng chỉ huy quân Hán cướp Dương-bình quan,
bây giờ nàng trả vợ con, của cải về, rồi sai tặng đàn. Y nói với
Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa:

– Xin hai vị cô nương nghĩ lại đây chơi vài ngày, ta sẽ sai người theo hai cô nương về tạ ơn Phùng cô nương.

Vừa lúc đó có quân báo:


– Khải tấu Thái-tử, có Phiêu-kỵ đại tướng quân, Kiến-oai đại tướng quân, Xa-kỵ đại tướng quân tự trói mình xin vào yết kiến Thái-tử.

Công-tôn Tư giật bắn người lên, sai dẫn ba người vào. Ba người đồng quỳ xuống nói:

– Chúng tôi bất tài để mất Nam-bình, Võ-đô và Bình-võ, xin đem thân về chịu quân pháp.

Mặt Công-tôn thái-tử tái mét, đứng lên cởi trói cho ba người, rồi hỏi Nhiệm Mãng:

– Sư-thúc, vì đâu nên nỗi? Quân Hán làm thế nào mà chiếm được Võ-đô dễ dàng như vậy?

Nhiệm Mãng thở dài, thuật lại chi tiết cuộc chiến. Y kết luận :

– Trên đường về đây, tôi nghe tin Nam-bình và Bình-võ đều thất thủ.

Nhiệm Đăng thấy Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa ngồi đó chỉ vào hai nàng:

– Đây chính hai cô nương nầy đánh tôi với Điền sư huynh trọng thương.
Còn một cô nữa lớn tuổi hơn, chỉ huy bốn tướng Hán đánh Võ-đô, Lưỡng-hà
khẩu, và một lão già bắn tên, kình lực mạnh vô cùng, khiến suýt nữa sư
phụ tôi mất mạng ở Hán-thủy.

Triệu Khuôn lắc đầu:

– Sư điệt, ngươi có nhìn lầm chăng? Cách đây hai ngày chính hai vị cô
nương nầy dự trận đánh Dương-bình quan, làm sao các cô có thể dự trận
Võ-đô? Còn sư tỷ của cô mới hai hôm trước, cùng lên đồi Định-cường tấu
nhạc, đánh cờ, rồi trở về đánh trận Dương-bình quan. Còn lão già mập
mạp, lão là ông của hai cô nương này, chính lão leo lên cửa Bắc
Dương-bình quan vào thành trước. Ta đã đấu với lão hai chưởng, thì làm
sao lão có mặt ở Võ-đô được?

Quân-sư Trung-lang tướng Tào Mạnh bảo Triệu Khuôn:

– Xin các vị tướng quân đừng cãi nhau nữa. Phải chính sư-tỷ cô nương
nầy, và cả hai cô lẫn ông cô đều dự trận đánh Võ-đô. Nhưng sau khi trận
kết thúc, họ phi ngựa về Dương-bình quan ngay, chúng ta tuyệt không ngờ
họ đánh cả hai nơi.

Quế-Hoa cười khúc khích:

– Tào quân sư nói đúng mà sai. Nguyên chúng tôi là ba cặp chị em sinh đôi. Chia nhau đánh Võ-đô và Dương-bình quan.

Công-tôn Tư biết hai nàng nói đùa:

– Xin hai cô nương về quán dịch nghỉ ngơi. Sáng mai chúng tôi sẽ đưa hai cô nương về Dương-bình quan.

Tỳ nữ dẫn hai nàng rời đại sảnh, thì một thiếu phụ xinh đẹp đón lại chào hỏi. Quế-Hoa nhận ra nàng là Trần Hương Lan vợ Triệu Khuôn. Nàng niềm
nở đón hai nàng:

– Nhờ đại ơn, đại đức của Phùng cô nương, chúng tôi mới được toàn vẹn,
nếu không thì đã bị vùi hoa dập liễu với bọn quân Hán vô loại. Hôm nay
chúng tôi xin được mời hai vị cô nương dùng bữa cơm lạt.

Hương-Lan dẫn Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa về phủ, tiệc đã bày ra, Hương-Lan tiếp
đãi hai nàng cực kỳ cung kính. Đang bữa ăn, Hương-Lan cứ hỏi về tình
hình bên Hán. Quỳnh-Hoa đã được Vĩnh-Hoa dặn trước nên Quỳnh-Hoa bảo với Hương-Lan:

– Xin Vương-phi cho tỳ nữ ra ngoài tiểu-muội mới dám nói.

Hương-Lan đưa mắt nhìn, đám tỳ nữ ra ngoài hết Quế-Hoa mới nói:

– Hán có ba đạo đánh vào Ích-châu. Đạo thứ nhất do Đại tư-mã Đặng Vũ chỉ huy. Giờ này đã lấy được Xuyên-khẩu, Bạch-đế, hiện đã tiến tới
Lương-bình, Võ-lăng. Đạo thứ hai toàn người Lĩnh Nam, vượt Kim-sơn,
chiếm Độ-khẩu, Mễ-dịch, Phổ-khách, Đức-xương, Mỹ-cơ và Việt-tây. Có lẽ
giờ này sắp đến Thành-đô. Còn đạo Hán-trung đã lấy Võ-đô, Nam-bình,
Bình-võ và Dương-bình quan. Không biết Vương gia sẽ đối phó thế nào?

Hương-Lan thở dài:

– Hai vị cô nương đã dự trận thì thấy. Hoàng-thượng là người nghĩa hiệp, cùng các sư đệ dựng nên nghiệp Đế ở đất Thục. Chiếm Ích-châu,
Kinh-châu, Hán-trung và Lũng-tây. Gần đây binh cô, thế kiệt nên chỉ còn
Ích-châu. Tướng sĩ Ích-châu trên dưới một lòng, vì vậy đánh quân Hán
nhiều trận kinh thiên động địa. Nhưng từ khi anh hùng Lĩnh-Nam xuất
hiện, chúng tôi bị thua liên tiếp. Anh hùng Lĩnh Nam là những người
nghĩa hiệp, không biết tại sao lại trợ Hán đánh Thục. Đất Thục tuy nhỏ,
nhưng chúng tôi thề chiến đấu tới chết, chứ không đầu hàng Hán.

Từ hôm theo quân đến Hán-trung đánh Thục đến giờ, chị em Quế-Hoa được
tận mắt thấy binh sĩ Thục chiến đấu dũng cảm. Tướng sĩ Thục trên dưới
đối xử với nhau như huynh đệ. Hai nàng tuổi mới 18, không kinh lịch
nhiều, không đọc sách nhiều như Phương-Dung, Vĩnh-Hoa, nhưng cứ theo lý
tính mà suy nghĩ, hai nàng cảm thấy hình như mình giúp kẻ bất nghĩa,
đánh người nghĩa hiệp. Hôm nay nghe Hương-Lan trần tình, hai nàng nín
thinh, không biết đáp lại làm sao.

Sau bữa ăn có thị-nữ vào nói lại với Hương-Lan:

– Thưa Vương-phi, Vương-gia truyền Vương-phi cho phép Vương-gia được tiếp chuyện với hai cô nương Lĩnh-Nam.

Quế-Hoa gật đầu:

– Chúng tôi sẵn sàng tiếp đón Vương-gia.

Một lát sau Triệu Khuôn bước vào, y dẫn theo hai người nữa. Triệu Khuôn chỉ vào người thứ nhất giới thiệu:

– Đây là Tam sư huynh của chúng tôi, họ Công-tôn tên Thiệu, hiện lĩnh chức Trường-sa vương.

Quế-Hoa nói:

– Tôi nghe Phùng sư-tỷ nói rằng Vương-gia trấn thủ Xuyên-khẩu chống lại Đặng Vũ, sao… lại có mặt ở đây?

Công-tôn Thiệu buồn rầu:

– Tôi bất tài bị Trưng cô nương đánh cho thua hai trận, mất thành
Bạch-đế, Xuyên-khẩu, còn bị bắt làm tù binh. Thế rồi… trong khi bị tù,
tôi tỏ ý chí cương quyết không chịu khuất phục. Tôi được sáu thiếu niên
đại nhân, đại nghĩa thả ra.

Quỳnh-Hoa biết là Lục Sún, nói:

– Là Lục Sún phải không?

Công-tôn Thiệu chỉ biết tên Thiên-ưng Tây-vu Lục tướng, chứ không biết cái tên đặc biệt này, bèn trả lời:

– Không trong sáu người, không có người nào Sún cã. Họ điều khiển Thần-ưng đánh thủy quân Xuyên-khẩu, đốt thành Bạch-đế.

Quế-Hoa bật cười:

– Vương-gia không biết đấy thôi, chúng có tên hiệu là Thiên-ưng Tây-vu
Lục tướng. Song hồi nhỏ chúng nó đều bị sún răng, nên sư-tỷ Hồ Đề gọi
chúng là Lục Sún. Đó là Sún Lé, Sún Cao, Sún Rỗ, Sún Hô, Sún Đen và Sún
Lùn. Không biết chừng chúng thả Vương-gia ra là do ý chúng hay do lệnh
sư tỷ Trưng Nhị.

Công-tôn Thiệu tường thuật chi tiết cuộc đối thoại, lý luận với các Sún, củng như việc yêu cầu viết thư cho Đặng Thi-Sách. Cuối cùng các Sún đem búa, cưa cho y cắt xích vượt ngục.

Công-tôn Thiệu kết luận:

– Trước khi từ biệt, Sún Lé tỏ ý buồn rầu, an ủi tôi như một người lớn:
Chúng cháu thấy các sư-thúc, sư-bá, sư huynh phái Thiên-sơn là những anh hùng hào kiệt, giống như anh hùng Lĩnh Nam chúng cháu. Sư tỷ cháu vì
muốn phục hồi Lĩnh Nam mà đem chúng cháu đi đánh Thục. Chúng cháu tuy
lập được nhiều công, mà cảm thấy như mình mang tội lỗi, vì vậy chúng
cháu lén thả sư thúc ra. Sún Lé còn cho tôi một cặp Thần-ưng để liên lạc với nó. Tôi khâm phục Lục Sún nghĩa hiệp, bí mật về đây yết kiến
Thái-tử, trình bày tự sự, lại nhận được nghĩa cử của Đăng-châu nữ hiệp.

Công-tôn Thiệu đưa thư của Đặng Thi-Sách cho Quế-Hoa đọc.

Triệu Khuôn thở dài:

– Tiếc rằng trong đại-hội, anh hùng Lĩnh Nam quyết định đem quân trợ Hán đánh Thục, đại-ca Đặng Thi Sách không tham dự, nên giữa anh hùng Lĩnh
Nam với chúng tôi là đồng đạo, lại không giúp được nhau, hơn nữa thành
thế đối nghịch.

Quỳnh-Hoa ngơ ngẩn xuất thần vì câu nói của Triệu Khuôn. Triệu Khuôn chỉ một người cùng đi nói:

– Đây là đại ca của chúng tôi, đứng đầu Thiên-sơn thất hùng, họ Công-tôn tên Thuật, hiện là Hoàng-đế đất Thục. Chúng tôi tới đây tương hội với
cô nương không phải giữa một vị Hoàng-đế với sứ giả, mà giữa đồ tôn của
Thiên-sơn lão tiên với đồ tôn của Khất đại-phu lão tiên. So vai vế thì
hai vị cô nương ngang vai với chúng tôi. Xin hai vị cô nương dạy cho một lời.

Quế-Hoa biết ý Triệu Khuôn muốn nàng hứa giúp Thục đánh Hán, nàng bật người dậy trả lời:

– Tôi còn nhỏ tuổi kiến thức, võ công đều tầm thường không có quyền
quyết định gì. Các vị cho người liên lạc với ông tôi hoặc các sư-tỷ
Phương-Dung, Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa mới có thể giải quyết được mọi chuyện.
Hoặc cho người đến đạo Lĩnh Nam yết kiến sư tỷ Trưng Trắc. Sư tỷ là phu
nhân của đại ca Đặng Thi Sách. Sư tỷ với Đào-hầu là hai người lãnh đạo
đất Lĩnh Nam.

Công-tôn Thiệu nói:

– Thư của sư đệ Thi Sách viết cho tôi nói rằng Trưng Trắc đã lên đường
cùng với Đinh-hầu. Không biết hai người này có toàn quyền không?

Quỳnh-Hoa nói:

– So vai vế, thì ông tôi cao nhất. So về đạo đức thì cô tôi là Nam-hải
nữ-hiệp có địa vị lớn nhất. Song Đào-hầu, sư-tỷ Trưng Trắc coi như
Hoàng-đế Lĩnh Nam vậy. Ai cũng nghe theo, Đinh-hầu là em vợ, là sư đệ
Đào-hầu, hai người cùng là một.

Công-tôn Thuật nói:

– Cuộc họp hôm nay rất cơ mật. Cô nương về chỉ nên nói với ông ngoại hoặc Phùng cô nương là đủ rồi.

Sáng hôm sau Công-tôn Thuật trở về Thành-đô. Công-tôn Tư sai sứ giả theo Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa về Dương-bình quan tạ ơn Phùng Vĩnh-Hoa về việc thả
vợ con tướng sĩ Thục.

Viên sứ giả vào trướng làm lễ với Vĩnh-Hoa, trình thư và quà lên.

Vĩnh-Hoa hỏi;

– Nhà ngươi có phải là người trung tín của Thái-tử không? Ngươi tên gì? Hiện giữ chức gì?

Viên văn quan đáp:

– Tiểu nhân là Thái-giám hầu hạ Thái-tử. Tiểu-nhân tên Nhật-Thanh.

Vĩnh-Hoa tặng cho Nhật-Thanh một chuỗi ngọc, nàng nói:

– Ta dặn câu nào ngươi phải nhớ câu đó nghe. Ngươi nói với Thái-tử rằng, khi Thái-tử gặp điều bất như ý, ta sẵn sàng trợ giúp. Ta với Thái-tử là tri âm của nhau. Thái-tử gặp hoạn nạn, thì cũng chính là hoạn nạn của
ta vậy.

Đoạn nàng mở thư ra đọc:

Đệ-tử phái Thiên-sơn là Công-tôn Tư thư cho Đăng-châu nữ-hiệp Phùng Vĩnh-Hoa cô nương.

Phùng cô nương là trang quốc sắc Lĩnh Nam, văn võ toàn tài. Lĩnh
quân-sư, nhưng lại không coi tên nhà quê như tôi là kẻ thù. Trước ba
quân cùng tôi hợp tấu, rồi lại hẹn cùng tôi lên đồi Định-cường uống
rượu, đánh cờ, tấu nhạc. Nghĩ thực không khác gì lên tiên. Sau trận
Dương-bình quan, vợ con, tài sản của tôi và chư tướng được cô nương trả
về an toàn. Ơn này nguyện báo đáp. Tuy nhiên hiện nay tôi đang bị nhiều
mối lo, nguy nan đến trong sớm tối. Hôm ở trên đồi Định-cường tôi đã yêu cầu cô nương giúp cho một việc lớn. Nếu việc này thành, đất Ích-châu
vĩnh viễn trong tay tôi, nguyện không bao giờ quên ơn. Thư ngắn nói
không hết lời, mong cô nương đừng quên là được.

Các chi tiết khác, hai vị Trần cô nương sẽ thưa lại sau.

Quế-Hoa, Quỳnh-Hoa thuật lại tỷ mỷ những gì anh hùng Thiên-sơn, nói với hai nàng.